Lằn Ranh Sinh Tử

Chương 1



Chúng tôi chạy qua con đường phố có hai hàng cây xanh với đèn chớp và còi hụ, và khi bộ phận định vị GPS yêu cầu quẹo trái vào con đường kế tiếp, chúng tôi đã quẹo quá nhanh đến nỗi tất cả các thiết bị trên xe va đập vào nhau và chuyển dịch tứ tung. Tôi chẳng nói tiếng nào. Ớ đằng kia con đường ngoại ô sẫm tối, tôi có thể thấy ngôi nhà được rọi sáng giống như một chiếc tuần dương hạm.

– Vào trong đó đi – Cô ta nói khi tôi chưa kịp nhìn rõ ngôi nhà.

– Cảm thấy thoải mái khi đi chậm lại.

– Ông bị căng thẳng hả, Bruce?

– Cũng gần như thế – Tôi lẩm bẩm.

Nhưng sự thật là tôi thấy tươi tỉnh. Như thế mỗi khi tôi cảm thấy dễ chịu, khi các đầu dây thần kinh reo vui, và trong lòng tôi đã có sự dự đoán. Đây là một sự chuyển biến lâu dài, chậm chạp, và chẳng bao giờ mất đi một chút tình cảm nào giữa Jodie và tôi. Vào lúc bàn giao, tôi tình cờ nghe một cuộc nói chuyện mà mình không được phép nghe. Nhưng đó là vài giờ trước đây. Giờ đây tôi đang cảnh giác và bồn chồn lo sợ.

Đi đến địa chỉ của cuộc gọi, Jodie tắt còi hụ và quay xe lại để đi ngược con dốc. Tôi nghĩ cô ta có vẻ hãnh diện và tự kiêu với sự ý thức về năng lực của mình. Như vậy không phải là xấu, nhưng chỉ hơi non nớt thôi. Jodie không biết, nhưng tôi đã có những đứa con gái bằng tuổi của cô ta.

Khi Jodie kéo cái thắng tay và gọi chúng tôi vào làm việc, tôi liền nhảy xuống mở cánh cửa bên hông để lấy túi đồ cấp cứu. Bên dưới các bậc cửa và trên bãi cỏ đẫm sương là một người đàn ông trung niên nằm co ro im lặng, trong thoáng chốc, tôi đã có thể thấy rằng mặc dù có lẽ bị gãy xương đòn, ông ta vẫn không phải là người thuộc trách nhiệm của chúng tôi. Thế nên tôi để mặc ông ta cho Jodie và tiếp tục bước vào nơi khung cửa tự giới thiệu.

Trong phòng khách có hai đứa con gái tuổi mới lớn đang lui cui ở hai đầu cái trường kỷ bằng da.

– Trên kia à? – Tôi hỏi.

Một đứa chỉ lên mà chẳng buồn ngước đầu dậy, và tôi biết ngay rằng nhiệm vụ của mình chỉ là gói ghém và đưa đi thôi. Thường ngày nhìn thấy bộ sắc phục thì chúng vui mừng hi vọng, nhưng chẳng một đứa nào thèm liếc nhìn tôi.

Tìm phòng ngủ không khó. Ngoài hiên có một vũng nôn. Những mảnh gỗ vụn. Tôi bước qua cái cửa bị gãy và nhìn thấy người mẹ nơi chiếc giường có đứa con trai đang nằm, và trong khi tự giới thiệu, tôi đã hiểu hết tất cả. Căn phòng xông lên mùi nước tiểu với mùi thuốc sát trùng, có thể thấy rõ là bà ta đã cắt dây đem đứa con trai xuống, thay đồ cho nó và sửa soạn cho thật tươm tất.

Tôi lách vào bên bà ta và làm công việc của mình, nhưng đứa con trai đã chết. Nó vào khoảng mười bảy tuổi.

Có dấu dây buộc trên cổ và nhiều vết bầm trước đó xung quanh. Dù tôi chỉ khám lấy lệ nhưng tôi thấy bà vẫn vuốt ve mái tóc đen xoắn của đứa con trai. Một đứa con trai khôi ngô. Bà đã tắm rửa cho nó. Mình nó thơm mùi xà phòng Pears và mùi quần áo mới ủi. Tôi hỏi tên bà, tên cậu con trai, bà nói tên bà là June, còn đứa con trai là Aaron.

– Tôi rất tiếc, bà June, con bà đã chết rồi.

– Tôi biết mà.

– Bà đã tìm thấy nó ít phút trước, trước khi bà gọi điện thoại?

Bà không nói gì.

– Bà June này, tôi không phải là cảnh sát.

– Họ đang đến.

– Tôi mở cái tủ áo có được không? – Tôi hỏi vừa lúc Jodie bước vào cửa.

– Tôi xin ông đừng mở, bà June nói.

– Được. Nhưng rồi cảnh sát cũng sẽ mở.

– Họ nhất định phải mở sao?

Lần đầu tiên tôi thấy người mẹ nhìn tôi một cách nghiêm trọng. Bà là một phụ nữ xinh đẹp ở cái tuổi ngoài bốn mươi với mái tóc ngắn, màu đen, và đôi bông tai thòng xuống duyên dáng. Tôi hình dung khoảng một giờ trước đây, khi lớp son môi và cuộc sống của bà hãy còn yên ổn, hẳn bà là con người cương nghị và tự tin, thậm chí có phần cao ngạo.

– Công việc của họ là vậy, thưa bà.

– Có vẻ như ông cũng chỉ… giả định.

– Bà June này – Tôi nói và liếc nhìn Jodie – Có thể nói là trong đời tôi, tôi đã từng được thấy một vài câu chuyện. Nói thực ra, tôi không thể kể lại với bà.

– Vậy ông hãy nói cho tôi biết vì sao xảy ra chuyện này, tại sao nó lại gây ra cái chuyện này cho mình!

– Tôi đã gọi một một chiếc xe nữa rồi – Jodie nói.

– Đúng đấy – Tôi nói khẽ – Thưa bà June, đây là Jodie, cô ấy sẽ làm việc với tôi tối nay.

– Hãy nói tiếp đi và cho tôi biết vì sao!

– Vì chồng của bà bị gãy xương đòn – Jodie nói – Ông ấy húc vào cánh cửa này, phải không?

– Vậy tôi sẽ nói với họ thế nào? – Người mẹ hỏi, làm như không biết đến Jodie.

– Thật ra thì tuỳ bà quyết định – Tôi nói – Nhưng nói ra sự thật thì cũng chẳng có gì xấu hổ. Như vậy mới là công bằng đối với mọi người.

Người đàn bà kia lại nhìn tôi một lần nữa. Tôi ngồi xổm trước mặt bà bên cạnh cái giường. Bà ta vuốt nhẹ chiếc váy trên đầu gối.

– Chiếc váy này mỏng quá – Bà lẩm bẩm.

Tôi cố nở một nụ cười thân thiện với bà nhưng cảm thấy mặt mình trơ cứng. Phía sau bà, tôi có thể nhìn thấy những tấm ảnh lớn thường gặp trên tường: những nhà lướt ván, những tay leo núi, những người phụ nữ trong các tư thế khiêu gợi. Cái kệ sách bên trên chiếc bàn trưng bày những thành tích thể thao cùng những món đồ lưu niệm mua từ Bali và chiếc máy vi tính hiển thị quay vòng hình ảnh toà tháp đôi sụp đổ. Bà nắm lấy bàn tay tôi và tôi đưa tay mình cho bà. Người bà cũng chẳng ấm áp hơn đứa con đã chết của bà.

– Sẽ không có ai hiểu cho đâu.

– Vâng – Tôi nói – Có lẽ là không.

– Ông cũng có con chứ?

– Phải.

Có tiếng cửa xe đóng sầm dưới đường.

– Bà June, bà vui lòng ở lại đây một mình với Aaron trước khi cảnh sát vào, được chứ?

– Tôi đã có được một thời khắc dễ chịu – Bà nói và buông tay tôi ra để vỗ nhẹ mơ hồ lên mái tóc mình.

– Jodie, nhờ cô xuống dưới bảo cho cảnh sát biết chúng ta đang ở đâu nhé.

Jodie khoanh tay cáu kỉnh nhưng rồi bước đi với chòm tóc đuôi ngựa đong đưa.

– Cô gái này không thích anh.

– Vâng, không thích cho lắm.

– Vậy thì tôi nên làm gì?

– Tôi không thể khuyên gì bà được, thưa bà.

– Tôi còn phải lo cho mấy đứa con nữa.

– Vâng.

– Và một ông chồng.

– Tôi e rằng ông ấy phải vào bệnh viện.

– Cũng may cho ông ấy.

Tôi đứng lên thu dọn bộ dụng cụ của mình. Bà ta đứng dậy, vuốt vuốt chiếc váy và nhìn lại đứa con trai nằm trên giường.

– Bà có cần tôi gọi giúp cho ai nữa không?

Jodie và hai viên cảnh sát xuất hiện nơi cửa.

– Gọi ai ư? – Bà June nói – Ông có thể gọi cho con tôi trở về. Ông thấy đó, nó đâu có nghe lời mẹ nó.

Khi chúng tôi sắp trở về trạm nghỉ ngơi thì Jodie phá vỡ sự im lặng.

– Vậy anh định đến khi nào mới cho chúng tôi biết về tất cả mọi chuyện?

– Tất cả chuyện gì?

– Chuyện về người phụ nữ tội nghiệp này. Có một lúc ở đấy tôi nghĩ là anh đã tán tỉnh bà ta.

– Được, cô có thể ghi thêm chuyện ấy vào trong nội dung tố tụng của cô.

– Kìa, tôi xin lỗi nhé.

– Kiêu căng, lạnh nhạt, thành kiến với giới tính, thiếu cởi mở. Rõ ràng là tôi đã không nắm hết mọi chuyện, vì đến trễ. Nhưng, Jodie, hãy nhớ rằng tôi không phải là một cựu chiến binh tại Việt Nam. Dù cô có tin hay không tin, nhưng khi ấy tôi chưa đủ tuổi.

– Tôi thấy thật ghê sợ, đúng không?

– Vậy hãy nên thay đổi công việc. Hãy làm khách mời của tôi. Nhưng đừng gièm pha như lúc bàn giao ỗ giữa nhà kho mà cô quay lưng ra cửa. Như vậy không phải là thân thiện và chuyên nghiệp.

– Kìa, tôi đã nói là tôi xin lỗi mà.

Khi nhìn lại Jodie, trong ánh đèn của một xe tải chạy qua, tôi thấy cô ta gần như đang khóc. Cô ta gục đầu trên tay lái.

– Cô không sao chứ?

Jodie gật đầu. Tôi hạ kính xe xuống. Thành phố nồng sặc mùi cỏ ướt và khói thải.

– Tôi không ngờ là chuyện này làm tôi xúc động mạnh đến thế.

– Chuyện gì?

– Đây là vụ tự tử đầu tiên tôi gặp – Cô ta lẩm bẩm.

– Phải, ghê thật. Nhưng đâu phải là tự tử.

– Trời ơi, Bruce, người ta đã phải phá cánh cửa vào để cắt và đem nó xuống. Thằng nhỏ đã tự treo cổ.

– Rủi ro thôi.

– Nhưng sao anh biết thế?

– Tôi là người biết tất cả. Cô không nhớ à?

Cô ta nhăn mặt và tôi bật cười.

– Này, anh là một người kỳ lạ.

– Tôi cũng nghĩ thế.

– Anh không định nói cho tôi biết sao? Tôi không tin là anh sẽ không nói.

Tôi ngồi ở đó một lúc, nghĩ về những con người tội nghiệp đã làm sạch sẽ hiện trường trước khi chúng tôi tới. Bà mẹ ngồi đấy, băn khoăn với những nhục nhã, ngượng ngùng. Những đứa trẻ khác dưới kia sững sờ vì cú sốc. Người cha trên bãi cỏ ngoài kia trông như một pho tượng.

– Hãy để lúc khác – Tôi nói.

– Được – Cô ta nói – Tôi cứ chờ đó.

Chúng tồi lặng lẽ chạy trở về nhà để xe.

Tôi lao sâu vào đám sa mù dày đặc bên dưới mặt biển, xuyên qua bao lớp bọt tăm cho đến khi hết mọi nhiễu loạn, thì tôi gục người rũ rượi giữa vùng sáng xanh mờ nhạt trong khi tất cả hơi nóng nơi lồng ngực tôi tan đi và sự sống rút dần ra khỏi cơ thể tôi. Thế rồi một luồng ánh sáng trắng từ trên rọi xuống. Một người nào đó trên mặt nước đang bơi lại. Người đó nắm lấy tôi, kéo lê đi, và thổi không khí vào trong tôi nghe nóng như là luồng máu. Anh ta dúi xuống rồi ngưng lại, và tôi nhận thấy bộ mặt của mình qua bóng tối, ngập ngừng ở khoảng xa một cánh tay, có vẻ như không biết nên làm gì. Miệng tôi mở ra. Một chuỗi bong bóng sáng ngời tuôn ra và tôi không sao hiểu được.

Rồi tôi thức dậy với tiếng lầm bầm trên chiếc trường kỷ trong căn hộ trống, nơi có nắng chiều xuyên ngang qua khung cửa trượt, vẫn còn mặc bộ sắc phục. Nơi này bốc mùi mồ hôi cùng mùi gà chiên bơ. Tôi đứng dậy, xô cánh cửa, nghe hơi gió nam mằn mặn. Tôi đi tiểu, bật ấm nước lên và rút lấy cái ống didj bên dưới tấm thảm lót nhà được làm bằng rong biển. Bên ngoài hành lang, cỏ mọc cao và xanh. Tôi bôi sáp ong lên miệng ống rồi dọn sạch cổ họng. Sau đó tôi thổi cho đến khi cổ họng bỏng rát. Tôi thổi vào những căn hộ trâng tráo chắn ngang giữa tôi với bãi biển. Tôi thổi vào những con hải âu đang ăn bánh pizza ngoài bãi đậu xe và luồng khí thổi ngang qua tôi thành những vòng tròn, nóng bức, vù vù, bất chấp tất cả. Nóng trên bầu trời xanh nhạt. Nóng trong căn hộ, trong thế giới chói chang ngoài kia.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.