Có người từng nói với tôi, muốn hạnh phúc thì phải trả giá. Nhưng trả giá bao nhiêu, trả đến khi nào, thì người ấy lại không nói cho tôi biết. Có những kẻ luôn oán thán vì sao mình đã trả giá rất rất nhiều, nhưng vẫn không thể đạt đến thứ mình muốn. Nhưng có lẽ họ không nhận ra rằng, chẳng phải họ không thể đạt được mục đích của mình, chỉ là mục đích đó không thể đánh đổi bằng những thứ họ đã bỏ ra, mà cần một điều khác. Điều mà họ chưa thể tìm ra.
**
Dù Lê Yến Nhi có muốn hay không, có ghét hay không, thì rốt cuộc Hoàng Nhật Huyền vẫn chuyển trường.
Cô giáo chủ nhiệm mới rất dịu dàng và ấm áp, dần dần cũng khiến Huyền quên đi những thói quen cũ, những thói quen hình thành từ việc bị mắng, bị chửi và bị phạt mỗi ngày.
Quay trở lại ngôi trường ngày xưa, Huyền vô tình một lần nữa được xếp chung lớp với Vũ. Cậu bé ngày trước còn hào hứng khi có bạn, tức giận đập phá đồ, cậu bé ngày trước còn thể hiện hết mọi cảm xúc vui buồn trên mặt, khi gặp lại bỗng như trở thành một người khác.
Lặng lẽ và u ám.
Huyền không dám bắt chuyện với Vũ. Con bé nhớ lại khi trước Vũ từng ghét mình đến mức nào, vậy nên làm gì cũng cố gắng tránh xa cậu hết mức có thể, chỉ sợ làm cậu khó chịu. Nhưng các cụ nói cấm có sai, tránh được một năm không tránh được cả đời.
Một buổi chiều mùa đông, cô giáo bất chợt đánh thức Huyền dậy. Con bé dụi dụi mắt, đồng hồ chỉ một giờ mười lăm phút chiều.
Cô Nhung nhẹ nhàng bế Huyền đến chiếc bàn nhỏ cạnh cửa sổ lớp học, khẽ hé hai cánh cửa cho đủ ánh sáng lọt vào, sau đó đưa cho Huyền một tờ giấy trắng tinh, đoạn dặn dò:
– Giờ con ngồi đây, vẽ cho cô ba bức tranh, cô vẽ sẵn bức mùa xuân rồi, con vẽ bức mùa hè, mùa thu với mùa đông nha, vẽ sao cho nhìn ra mùa gì là được. Cô đi gọi thêm một bạn dậy tô màu cho con ha.
Huyền ngoan ngoãn gật đầu, sau đó cầm cây bút chì gỗ lên bắt đầu vẽ. Con bé cực kì thích hội họa. Từ khi mới biết cầm bút vạch những nét đầu tiên, Huyền đã “phải lòng” với loại hình nghệ thuật này. Trâm thật không hổ danh là một người chị đa tài, vẽ rất đẹp. Trâm hay tìm khoảng trống trong vở tập viết để vẽ, Huyền chơi rất thân với chị, thế nên cũng bắt chước. Trâm vẽ hoa, Huyền cũng vẽ hoa. Trâm vẽ lá, Huyền cũng vẽ lá. Trâm vẽ nhà, Huyền cũng vẽ nhà.
Nhưng Trâm là người cả thèm chóng chán, chỉ được một khoảng thời gian yêu thích, sau đó thì bập bõm hôm thích hôm không. Dù vậy, kể cả khi một tháng Trâm mới vẽ một lần thì Huyền cũng không hề từ bỏ. Say mê từ lúc mới hơn một tuổi, chẳng ai dạy, cứ thế chép tranh, quan sát rồi vẽ lại đủ thứ trong nhà, khả năng hội họa của con bé được cải thiện đáng kể. Đến chị gái khi nhìn bông hoa hồng nó vẽ cũng phải thốt lên:
– Ô! Nhìn giống bông hoa hồng thật phết!
Khi Huyền lên bốn tuổi, Trâm bắt đầu học chữ, vì thông minh nên rất nhanh đã biết đọc. Chẳng biết chị mượn được của ai cuốn sách giáo khoa tiếng việt lớp bốn, còn kéo Huyền lại ngồi nghe chị đọc bài. Trâm tìm được trong sách một bài đọc có tiêu đề khá thú vị, liền bắt đầu e hèm, đánh vần từng chữ:
– Ngay… từ… nhỏ… cậu… bé… Lê… ô… nác… đô… đa… Vin… xi… đã… rất… thích… vẽ… Ớ ớ, cậu bé này giống mày nè! Huyền ơi, cậu này cũng thích vẽ giống mày nè!
Trâm hào hứng lắc lắc tay Huyền, Huyền cũng rất có hứng thú với câu chuyện này, vì tiêu đề của nó là “Vẽ trứng”. Hai chị em chúi mũi vào cuốn sách, Huyền còn năn nỉ chị đọc lại thêm một lần nữa, mặc dù Trâm đọc chậm rì rì nhưng nghe cẩn thận vẫn tiếp thu được hết. Sau đó, câu chuyện của Leonardo Da Vinci đã trở thành truyền thuyết bất diệt trong lòng con bé. Nó ngày nào cũng vẽ trứng, còn lén ra ổ gà lấy trộm một quả trứng để làm vật mẫu, vẽ xong lại trả về cho con gà mái mơ. Riết rồi con gà cũng không thèm thò mỏ ra đóc người nữa.
Huyền không phải Da Vinci, không phải danh họa tài ba người người ca tụng, thế nên sự tiến bộ của con bé khá chậm chạp. Nhưng so với những đứa trẻ đồng trang lứa khác, có thể nói Huyền cũng có thể miễn cưỡng được coi là một “họa sĩ nhí” rồi. Qua vài lần nhìn Huyền tô tô vẽ vẽ, cô Nhung đã tình cờ nhận ra điều đó, thế nên mới nhờ nó vẽ một vài bức tranh làm đề tài cho các bé vào buổi chiều.
Tất nhiên, quan sát kĩ thì sẽ phát hiện thêm những tài năng khác. Chỉ một lát sau, cô Nhung dẫn Vũ còn đang có vẻ ngái ngủ đến gần Huyền. Cô trìu mến nói:
– Con ngồi đây ha, sau khi bạn Huyền vẽ bằng bút chì xong thì con dùng bút dạ đen viền lại rồi tô màu vào nè. Có một bức cô vẽ sẵn ở đây, con làm trước nha. Giờ cô có việc bận nên mới nhờ đến hai con, cảm ơn hai con nhé!
Vũ “vâng” một tiếng, vẻ ngái ngủ hoàn toàn biến mất, khuôn mặt lạnh nhạt u ám. Huyền sợ cậu khó chịu liền nhích sang bên cạnh một tí rồi vẽ tiếp. Vũ cũng không có phản ứng gì, chỉ cầm bút dạ lên viền lại bức tranh mùa xuân. Hai đứa trẻ ngồi cách nhau mười phân, không khí tĩnh mịch lặng lẽ, chỉ có âm thanh sột soạt trên giấy. Liên tiếp mấy buổi sau đó, cô Nhung đều nhờ Huyền và Vũ làm vậy. Hôm thì vẽ các loại hoa, hôm thì vẽ các con vật, hôm thì vẽ các loại quả, hôm lại vẽ đồ vật. Thế nhưng ròng rã hai tuần như thế, hai đứa trẻ vẫn không mở miệng ra nói với nhau câu nào.
Cho đến một ngày cuối tháng mười một.
Một người đàn ông khoảng chừng ngoài ba mươi bất chợt xuất hiện trước cửa lớp mẫu giáo. Trời gần trưa, không khí có phần ấm hơn so với lúc sáng, nhưng nét mặt người đàn ông đó lại tái nhợt, cơ thể còn có chút run run.
Cô Nhung bước ra cửa nói chuyện với người đàn ông ấy. Lúc này Huyền mới nhìn ra cửa, người kia đứng khuất sau cánh cửa, không nhìn rõ là ai. Đến khi cô Nhung quay trở lại trong lớp, người bên ngoài mới lần nữa lộ mặt.
Bác hai?
Huyền còn đang ngơ ngác tự hỏi vì sao bác lại đến, cô giáo đã lại gần, lay nhẹ bả vai con bé, nhẹ giọng:
– Huyền, bác con đến đón rồi, hôm nay con nghỉ sớm nhé.
Huyền “vâng” một tiếng, đi đến góc lớp lấy ba lô nhỏ rồi được cô giáo nắm tay đi ra. Trước khi buông tay, cô còn cúi người xuống trước mặt con bé, giọng có chút khác lạ:
– Đừng buồn quá nhé, cô cho con nghỉ một tuần, ở nhà, khi nào thấy ổn rồi thì đi học lại, ha?
Huyền gật gật đầu, trong bụng như có cái gì nhộn nhạo kì lạ. Con bé đi đến chỗ con xe dim tàu[1] đậu ở xa xa, bác hai bế nó ngồi lên, sau đó nổ máy phóng đi. Nhìn khung cảnh thay đổi hai bên đường, Huyền khẽ giật áo bác, giọng nói non nớt thấp thỏm:
– Bác… Bác hai ơi, bác đưa con sang trại[2] để làm gì vậy ạ?
Bác hai một tay lái xe, một tay đặt lên tay cháu gái, vỗ nhẹ:
– Ừ, bác cháu mình sang trại. Hôm nay nhà mình có việc. Con ngồi im nhé, xíu nữa là tới.
Huyền khẽ “vâng” một tiếng, nhịn xuống không hỏi vì sao tay bác run, vì sao giọng bác khàn. Nếu cháu gái đang đứng trước mặt bác hai, chắc chắn con bé sẽ thấy được nước mắt của bác đang lăn dài. Nhưng vì ngồi phía sau, con bé chỉ thấy bác hai đưa tay lên dụi mắt. Huyền muốn hỏi rồi lại thôi, cảm giác bụng nôn nao hơn lúc trước, như có con gì đó bò qua bò lại. Khi còn cách nhà ông bà ngoại vài trăm mét, nó bất chợt nghe được âm thanh kèn và đàn bầu, còn có tiếng trống và tiếng hát lúc có lúc không. Bác hai giảm tốc độ, Huyền nhận ra những âm thanh đang vang vọng, liền kéo áo bác, dùng giọng điệu thản nhiên nhất mà hỏi:
– Bác hai ơi, gần đây có ai mất ạ? Con nghe thấy nhạc đám ma.
Bác “ừ” một tiếng, tấm lưng lại càng run hơn lúc trước, tay lái cũng hơi nghiêng ngả. Càng đi, âm thanh càng lớn dần. Khi đến trước cánh cổng bằng gỗ xiêu vẹo của nhà ông bà ngoại, Huyền nhìn thấy rất rất nhiều người. Xe cộ đỗ đầy từ trong sân ra đến tận cổng, nhạc ca kèn ong ong bên tai. Bác hai đỡ Huyền xuống khỏi xe, nhưng khi muốn dắt con bé vào thì lại không được. Huyền dùng cả hai tay níu bác lại, chân chôn chặt tại chỗ đất nứt nẻ toàn sỏi đá, giọng ngơ ngác:
– B… Bác hai ơi, con… con không muốn vào chơi với ông bà ngoại nữa. Bác… Bác đưa con về nhà với mẹ được không ạ?
#hnld
[1] dim tàu: cách đọc lái từ “dream” của một số địa phương, vì là loại xe sản xuất ở nước ngoài nên họ gọi là xe tàu.
[2] trại: từ địa phương, chỉ nhà ngoại.