____________________
Ngày còn non trẻ, tôi luôn thắc mắc, rõ ràng tôi đã cố gắng hết sức mình, cố gấp trăm lần người khác. Chuyện gì tôi cũng cố gắng, đến cả cái mặt nạ này tôi cũng đã đeo gần chục năm, tại sao mọi chuyện vẫn cứ tồi tệ như vậy? Tôi hỏi trời, tôi hỏi đất, tôi hỏi chính bản thân mình, không ai trả lời tôi. Thật ra tôi vẫn luôn hiểu, hiểu toàn bộ. Tạo hóa luôn rất công bằng, nếu bản thân vốn dĩ đã yếu kém, dù có cố gắng cách mấy cũng là dư thừa. Việc tôi cố gắng chạm tới những thứ xa xỉ không thuộc về mình thật ngu xuẩn biết bao…
**
Suy cho cùng, mục đích của bà ngoại khi kể lại chuyện quá khứ tăm tối ngày xưa chính là để cho phụ trợ cho câu “dù mẹ có làm gì cũng đừng oán trách mẹ”, là tiền đề nâng đỡ cho câu “ba mẹ con đều yêu thương con”. Huyền còn nhỏ, lại cực kỳ nghe lời, thế nên mỗi một câu nói mà người thân nói ra, con bé đều có thể thuộc nằm lòng, thậm chí đến chết vẫn nghe theo dù rằng lúc nghe câu nói đó, con bé chưa chắc đã hiểu được hết.
Huyền tin tưởng bà vô điều kiện, thế nên một chút thái độ tủi thân trước yêu cầu làm việc nhà của mẹ đều bay biến sạch. Con bé vừa bê chậu quần áo nhỏ đến van nước, trong đầu nhớ lại lời dặn của bà, những gì bà kể con bé đã quên một vài chỗ, những điều còn đọng lại chắp vá vào nhau, tạo thành một câu chuyện càng ngày càng hợp lý hơn. Cuối cùng nó tự tạo cho cả ba và mẹ mình một lý do vững chắc, cảm thấy làm việc nhà từ nhỏ là nghĩa vụ và việc bị đánh là bình thường.
Một cô bé sáu tuổi cầm theo túi bột giặt, nhanh chóng bước tới ngồi cạnh Huyền, vừa đổ bột giặt ra vừa hỏi:
– Sao mẹ bảo mày giặt quần áo mà mày không gọi tao?
– Mẹ bảo em giặt mà, hình như mẹ dặn chị rửa ấm chén hay sao ý.
– Rửa ấm chén một tí là xong, giặt quần áo khó hơn chứ. Tao là chị nên việc này phải để tao!
Trâm đanh đá trừng mắt. Huyền hơi rụt cổ, thắc mắc:
– Đâu có đâu, chị là chị nên mẹ để chị làm việc khó hơn rồi mà.
– Đồ ngu!
Bị chị mắng một câu, con bé lại rụt cổ thêm một ít. Trâm mắng xong, thấy có vẻ không thuyết phục được em gái liền thở dài.
– Tao giặt nước đầu, mày giặt nước hai.
Đúng lúc đó, có tiếng dép loẹt quẹt ở ngoài cổng. Mẹ đội nón, tay bê một thúng vòi voi[1], nhác thấy hai đứa trẻ đang ngồi chỗ van nước liền hỏi:
– Hai đứa đang làm gì đấy?
– Dạ giặt quần áo.
Trâm vừa xả nước vào chậu vừa trả lời mẹ. Mẹ bỗng chau mày nhìn Huyền, con bé hơi ngẩn ra, sau đó liền nghe thấy mẹ nói:
– Trâm đi vào nhà rửa ấm chén đi. Để Huyền nó giặt quần áo.
– Ơ nhưng giặt quần áo khó hơn rửa ấm chén ý, mẹ để con giặt còn con Huyền vào rửa đi.
Trâm kì kèo, mẹ vẫn kiên quyết bảo:
– Giặt quần áo thì có gì mà khó. Ngày xưa mẹ bốn tuổi đã bê hai thau quần áo đầy ra bờ giếng, tự kéo nước lên mà giặt rồi. Bây giờ có sẵn xà phòng với van nước, tiện quá rồi còn khó gì nữa? Có tí việc có gì mà Huyền nó không làm được? Có nghe lời mẹ không?
Nếu vẫn nhìn thấy dòng này sau khi chương lên sóng 24h tức là bạn đang đọc trên trang reup, mọi trang reup đều đăng sai nội dung, đến w a p p a t t p a d để đọc phiên bản chính xác nhất.
Huyền lấm lét nhìn chị, nói nhỏ:
– Mẹ nói đúng ý, việc này có khó đâu, chị cứ vào nhà rửa chén đi.
Trâm nghe em gái nói vậy cũng chỉ đành đứng dậy đi vào nhà. Mẹ đem thúng vòi voi đến đặt cạnh giếng, đoạn bảo:
– Giặt quần áo xong con rửa cho mẹ chỗ vòi voi này, rửa xong ra nương sắn nhổ thêm cho mẹ. Sắn mới lôi hết rồi, đi vài vòng cũng được nhiều nhiều.
Huyền “vâng ạ” rồi tiếp tục chăm chú vào chậu quần áo. Mẹ đứng nhìn con bé mấy giây rồi bỏ vào nhà. Con bé đúng như lời mẹ dặn giặt quần áo thật cẩn thận, sau đó rửa sạch chỗ vòi voi mẹ nhổ về, vẩy ráo nước đặt tạm trước cửa bếp. Trời nắng, nó lấy nón của mẹ đội lên đầu, rảo bước ra cổng đi lên nương sắn.
Nương của xóm Bọ Rùa trải dài dọc con dốc, sắn mới được lôi hết lên, khắp nương toàn là thân sắn nằm ngang dọc lộn xộn. Vòi voi mọc khắp nương, lá có lông nhìn từ xa mềm như nhung. Huyền nhớ tới từng có một lần hiếm hoi Vũ nhân lúc cô giáo có việc đi vắng rủ con bé trốn ra ngoài vào giờ ăn chiều. Hai đứa chạy tới nương sắn rậm rạp, bẻ lá sắn làm vòng cổ với vòng tay, tết nhiều lá sắn với nhau thành cây chổi nhỏ, thành bím tóc… Cây sắn cây nào cây nấy đều cao vút, hai đứa trẻ bốn tuổi nhìn lên chỉ thấy những dải lá xanh mướt hơi đu đưa trong gió, che khuất ánh nắng mặt trời đang chiếu rọi.
Thật lòng Huyền rất thích chơi với Vũ. Con bé chưa từng có bạn cùng tuổi, Vũ là người đầu tiên, nó vô cùng quý mến cậu. Đột nhiên cậu trở nên nóng nảy hung dữ, nó vẫn kiên trì muốn làm cậu vui lên, như cái cách cậu mang đến niềm vui cho nó. Nhưng còn chưa kịp làm cậu cười, cậu đã đột ngột nghỉ học, không nói lại với nó câu nào.
Huyền chọt chọt cành hoa tim tím cong cong như cái vòi voi nhỏ, hơi ngẩn người.
Mùa hoa gạo sắp hết, liệu con bé có thể dẫn Vũ đi xem đúng lúc hoa nở đẹp nhất hay không?
…
Cuối cùng Vũ cũng đi học.
Cậu thoạt nhìn như gầy đi một ít, khuôn mặt càng lạnh nhạt hơn lúc trước, ánh mắt có chút đờ đẫn, ngồi thừ ra ở một góc lớp học. Huyền thấy cậu như người mất hồn cũng không dám nói gì, mãi sau mới ngập ngừng tới gần, kéo kéo áo cậu. Vũ vẫn bất động, ánh mắt không di chuyển dù chỉ một li.
– Sao cậu nghỉ lâu thế? – Huyền hỏi – Tớ đợi mãi không thấy cậu đến lớp.
– …
– Cậu bị sao thế?
– …
– Hình… Hình như cậu gầy đi à? Trông cậu phờ phạc hẳn ra ý.
– …
– Cậu ốm à?
– Ốm hay không liên quan gì đến cậu?
Vũ đột ngột trả lời, Huyền ngẩn ra.
Con bé chỉ là quan tâm bạn mình, tại sao lại không liên quan?
– À, chắc cậu thấy đám kia khó chơi cùng quá, thế nên lại đến tìm tôi à?
Vũ lạnh mặt thờ ơ nói. Huyền không hiểu ý cậu, buột miệng hỏi:
– Đám kia là đám nào cơ?
Vũ cho rằng con bé đang giả bộ, trong lòng lại bực bội. Ai cũng thế, ai cũng treo lên mặt cái vẻ hiền hòa dễ mến, đi khắp nơi ban phát lòng tốt, ban phát tình thương, phía sau lớp mặt nạ đẹp đẽ đó lại là những lời ác độc đầy khinh thường. Nói theo ngôn ngữ của người lớn, Huyền chính là một đứa “lợi dụng” bạn bè, “lợi dụng” xong liền “vứt bỏ”, giờ lại làm như “thương hại” cho cậu. Vũ càng nghĩ càng cáu, nhớ tới lời mà họ hàng rỉ tai nhau mấy hôm nay, nghiến răng hất văng cái tay đang níu áo mình, lớn tiếng quát:
– Tránh xa tôi ra! Cậu với mấy người đó đều giống nhau, không có ai thật lòng cả! Đều là lừa dối!
– T… Tớ… Tớ không có… Cậu…
Huyền sợ đến mức quên cả cơn đau lúc bị xô ngã xuống đất, hoảng loạn lắp bắp nói không ra câu. Vũ lại nhất định không nghe gì hết, bịt chặt hai tai rồi hét:
– Cút! Cút đi! Cút hết đi!!!
Huyền bị dọa tái mặt, hai mắt rưng rưng suýt khóc. Con bé liên tục thuyết phục bản thân rằng Vũ đang không vui, từ mấy tuần trước đã không vui, chắc chắn là bởi vì không vui nên mới như vậy. Nó run run đứng dậy, giọng nói còn hoảng sợ:
– T… Tớ… Tớ c… cút ngay… đây…
Vũ thấy con bé cuối cùng cũng đi ra chỗ khác, tự dưng thấy hối hận. Cậu chán nản ngồi lại xuống ghế, đám trẻ xung quanh bị tiếng hét của cậu làm cho sợ hãi, có đứa còn chạy té khói. Chúng rón rén lùi dần lùi dần, thành ra cái lớp một phía chỉ có một đứa trẻ, một phía lại có cả lũ đang chen chúc với nhau.
Vũ cứ ngồi thừ ra một chỗ đến buổi trưa.
Khi ăn cơm, cậu cảm thấy kì lạ lắm. Cứ như là có gì đó sai sai?
– Nè, cậu có thấy hôm nay lớp ít người hơn không?
Lần đầu tiên bị “thằng điên” trứ danh hỏi chuyện, đứa trẻ bên cạnh sợ đến mức mếu máo. Vũ mặc kệ, lại quay sang bên khác hỏi. Đứa trẻ này cũng sợ, nhưng nó vẫn lắp bắp nói được:
– Kh… Không phải… Hồi sáng… cô gọi không… thiếu ai c… cả.
– Thế sao hôm nay rộng chỗ thế?
Lần này đứa trẻ kia nhìn thẳng vào Vũ, trên mặt như viết mấy dấu chấm hỏi, dùng dáng vẻ đương nhiên vặn lại:
– Lúc nào… cũng như thế… mà? Có lúc nào bọn tớ… không ngồi cách xa… cậu đâu?
Lần này đến lượt Vũ ngẩn ra. Cậu sực nhớ tới vì sao mấy tháng nay lại quen với việc bên cạnh có người ngồi gần. Cả cái lớp này chỉ có Huyền không tránh cậu, giờ cậu đẩy ngã con bé, quát nó, đuổi nó, làm gì còn ai ngồi gần cậu. Thì ra chỉ trong mấy tháng, cậu đã quen với việc có con bé bên cạnh. Cậu lướt mắt một vòng quanh lớp, nhìn thấy Huyền đang ngồi cùng đám bạn hôm trước, vẻ mặt bí xị lầm lũi ăn cơm, trong lòng đột nhiên thấy rầu rĩ kinh khủng.
Con bé buồn vì bị cậu quát à?
#Hnld
[1] có nhiều tên khác như Dền voi, Cẩu vĩ trùng, Đại vĩ đao, Nam độc hoạt; có tác dụng thông huyết, trừ phong thấp, thanh nhiệt, tiêu viêm, được dùng theo kinh nghiệm dân gian để chữa phong thấp, sưng khớp, đau lưng, mỏi gối, viêm họng, nhọt sưng tấy, bong gân, tụ máu…
Ảnh minh họa cây vòi voi: