Vượt qua Sơn Hải Quan, mùa lạnh đến sớm với vùng ngoại trại, cửa ngõ Trung Nguyên, lại gặp dòng hàn lưu từ Tây Bắc tràn về, cái xe đạp anh thuê ở huyện thành đừng nói gì tới cưỡi, chỉ đẩy ngược gió cũng đã vã mồ hôi. Mới hơn bốn giờ chiều mà bầu trời bắt đầu u ám, như sắp hoàng hôn, muốn đến nơi công xã cần tìm, còn cách thôn này những hai mươi dặm đường. Anh quyết định ở lại nhà một nông dân đánh xe ngựa qua đêm, ngốn hết bát cơm cao lương cứng như đá với hai cây rau muối đắng ngắt và lăn ra ngủ cùng bảy, tám người khách lạ trên tấm thổ khang, kiểu giường nằm miền Bắc đắp đất, phía dưới đốt củi cho ấm lưng, rộng tới nửa gian nhà. Trời lạnh thế này dân quê chẳng ai dám lên xe đi xa giữa đêm tối, nên đành co cụm tại nhà chủ xe để sáng mai xuất hành cho kịp giờ. Cũng có thể nhờ tờ giấy giới thiệu đóng dấu Bắc Kinh do anh xuất trình mà thổ khang đêm ấy được đốt nhiều củi và rất ấm, càng về khuya càng nóng, nằm trên đó giống như trong chảo dầu. Anh cởi hết tất cả quần áo, nhưng vẫn toát mồ hôi, đành ngồi dậy hút thuốc và suy tư, không khéo vào thời buổi loạn lạc thế này, thôn quê là một nơi nên tìm đến.
Sáng ra, gió vẫn thổi rất mạnh, anh gửi lại ông chủ nhà giữ giúp chiếc xe đạp nặng như cái cùm, rồi một mình lội bộ ba tiếng đồng hồ thì tới nơi, hỏi thăm một bà già họ tên đó, là giáo viên trường tiểu học, ai cũng lắc đầu. Nhà trường có giáo viên, nhưng là đàn ông, vợ ông ta vừa sinh con gái, nên về nhà trông nom sản phụ.
– Nhà trường còn ai nữa không?
– Hai năm nay có học hành gì đâu mà trường với sở, đội sản xuất lấy làm nhà kho, chất đầy củ môn núi. – Người trong thôn trả lời.
Anh bèn hỏi ai là bí thư đội sản xuất, thế nào cũng phải có cán bộ phụ trách.
– Bí thư già hay bí thư trẻ?
Ai cũng được, miễn là người quản lí thôn xóm này, tất nhiên bí thư già thì tốt hơn, vì nắm được nhiều tình hình. Họ đưa anh đến gặp một lão già đang thoăn thoắt đan sọt, miệng ngậm tẩu thuốc. Không đợi anh trình bày hết lí do, vị bí thư già liền đốp ngay:
– Ta không quản, ta không biết!
Anh phải nói rõ anh từ Bắc Kinh về đây điều tra và do đó mới được ông cụ kính nể, ngừng tay, nhắm mắt, rít hơi thuốc, nhả khói, lộ rõ hàm răng nâu đen, lắng nghe anh tỉ tê sau trước.
– À, đúng là có người này, vợ lão Lương, đã dạy tiểu học, nhưng về hưu vì bệnh tật, lần trước hình như cơ quan nào đó cũng cử cán bộ đến thôn ta điều tra bà cụ, chồng bà ấy bần nông thêm nghề múa rối đèn chiếu, không có vấn đề gì đâu!
Anh giải thích, muốn gặp bà cụ Lương là để điều tra về người khác, không có can hệ gì tới vợ chồng họ. Bí thư già gật đầu và hăng hái dẫn đường, ông gọi to:
– Lão Lương có nhà không?
Chẳng ai đáp, bí thư đẩy cửa bước vào và đúng là không có người, bèn bảo lũ nhỏ láng giềng, “gọi bà cụ Lương về gấp, nói rằng đồng chí cán bộ Bắc Kinh đang ngồi chờ!”
Anh ngồi đây, tại vùng quê biên viễn, khổ nghèo để chờ người vợ trước kia của một đại quan đã bị hạ bệ. Nguyên cớ gì mà bà cụ lại lưu lạc tận chốn này và sống chung với lão bần nông múa rối đèn chiếu, chắc chẳng có gì liên can tới anh, nhưng ít ra đã giúp anh kéo dài chuỗi ngày xa lánh Bắc Kinh. Phải gần hai giờ sau bà cụ mới trở về, trùm kín đầu chiếc khăn màu tro, quần áo rộng thùng thình, vá víu chằng chịt và nhất là đôi giày vải màu đen bẩn đến mức láng bóng, dáng vẻ hệt như một phụ nữ nông thôn. Bà cụ nhìn anh, do dự, dừng bước. Anh nghĩ, nhẽ nào đây là nữ anh hùng cách mạng, người từng một thời làm tình báo viên luồn lách giữa các trường đại học, cao đẳng. Anh đặt vấn đề, cụ là đồng chí, họ tên…
– Không có người đó ở đây!
– Cụ là?
– Vợ lão Lương nông dân…
-… Và múa rối đèn chiếu?
– Già rồi, đã giải nghệ từ lâu!
– Ông cụ có nhà không ạ?
– Đang đi công chuyện, nhưng cán bộ muốn gặp ai?
– Bốn mươi năm trước, cụ đã sống ở Tứ Xuyên và có biết một người tên là… – anh nhắc tên họ vị đại quan ấy. Đôi mắt bà cụ bỗng sáng lên, nhưng kịp cúi đầu, tỏ ra vô tri như bà lão nông dân thực thụ.
– Cụ đã có với người đó một đứa con – anh phủ đầu lão bà bằng đòn tấn công trấn áp.
– Đều chết cả rồi! – Bà cụ khẽ nói, tay mân mê lên bàn, đoạn ngồi xuống ghế.
Đúng là bà ta, anh nghĩ, và quay sang an ủi:
– Cụ đã vì Đảng mà đảm nhận không biết bao nhiêu là nhiệm vụ, nhưng vị cách mạng lão thành ấy…
– Tôi có làm việc gì đâu, chỉ ở nhà hầu chồng, nuôi con.
– Chồng cụ lúc đó là bí thư đặc khu bí mật của Đảng, nhẽ nào cụ không hay biết gì?
– Tôi không phải là đảng viên cộng sản!
– Nhưng cụ vẫn biết ông nhà hoạt động bí mật kia mà?
– Tôi không biết!
– Chính cụ đã yểm hộ cho ông nhà tẩu thoát, cụ phát ám hiệu, ông nhà cùng liên lạc viên dẫn đường trốn chạy, không bị bắt, cụ thật dũng cảm.
– Tôi không biết gì cả, và cũng chẳng làm công việc nào hết!
– Có cần nhắc ra đây một vài tình tiết để giúp cụ dễ dàng nhớ lại hay không? Nhà cụ ở lầu hai, cạnh cửa sổ ngoảnh ra đường cái có treo cái quạt lá hương bồ, lúc đó cụ cho tháo quạt xuống, và đang ôm con nhỏ trong lòng…
– Tôi chẳng nhớ là có chuyện đó hay không?
– Đều có người làm chứng và ghi vào hồ sơ, thưa cụ. Chồng cụ, người chồng trước, từ sàn phơi quần áo phía sau bò ra ngoài, chính ông cụ cũng khai như vậy, cụ đã có công lao to lớn đối với cách mạng… Cụ yểm hộ cho chồng mình chạy thoát, nhưng cụ lại bị bọn đặc vụ thường phục ẩn nấp bắt ngay sau đó – giọng anh hạ xuống và tỏ ra thương xót, kĩ xảo của các điều tra viên xưa nay vẫn một ngón nghề như thế, bà cụ mở to mắt, rồi bỗng hỏi vặn lại:
– Cán bộ đều biết tất cả, còn phải điều tra làm gì nữa?
– Cụ chẳng cần căng thẳng, lần điều tra này không nhằm vào cụ, cũng như ông nhà, nhờ cụ yểm hộ, cụ ông chạy thoát, không bị bắt, hồ sơ đã ghi rõ ràng và đúng như cụ vừa nói, còn phải điều tra làm gì kia chứ. Chúng tôi muốn tìm hiểu một đảng viên hoạt động bí mật khác, về sau bị bắt, cũng không liên can gì đến cụ, nhưng cùng giam trong một nhà lao với cụ, ông ta làm cách nào mà ra tù, theo ông ta khai báo, là do tổ chức Đảng giải vây cứu thoát, cụ có biết điều gì về sự việc này không?
– Tôi đã nói rồi, tôi không phải là đảng viên, xin đừng hỏi tôi những gì liên can đến Đảng!
– Tôi muốn hỏi cụ về tình hình trong nhà lao, ví như mỗi khi được phóng thích, ra tù, tù nhân có phải thực hiện một thủ tục nào không?
– Cán bộ tìm đến mấy ông cai ngục Quốc dân đảng mà hỏi, tôi chỉ là một người đàn bà ngồi tù, lại mang theo con nhỏ, bà cụ bực mình đập bàn, dáng vẻ hệt như mấy bà lão nông dân. Tất nhiên anh cũng có thể quát tháo, thời ấy quan hệ giữa người đi điều tra và người bị điều tra giống như quan tòa và bị cáo, thậm chí như cai tù và phạm nhân, nhưng anh cố gắng bình tĩnh, nhẹ nhàng với bà cụ, vì anh đến đây không phải để tìm hiểu bà cụ đã vượt ngục như thế nào mà muốn nhờ bà cụ cung cấp cho một số tình hình trong nhà lao, ví như lúc chính trị phạm được phóng thích có phải làm thủ tục gì không.
– Tôi không phải là chính trị phạm! – Bà cụ nói như đinh đóng cột.
Anh nói, anh rất muốn tin rằng cụ không phải là đảng viên, chỉ là người nhà bị liên lụy, anh chẳng muốn nghĩ gì thêm, và thấy không cần thiết phải tiếp tục điều tra nữa, nhưng theo quy định, đã điều tra thì phải có xác nhận.
– Cụ không tìm hiểu nắm vững thì viết giúp cho như thế, xin lỗi đã quấy rầy cụ, chúng ta kết thúc ở đây.
– Tôi viết không được!
– Cụ là giáo viên kia mà, và hình như đã học đại học nữa cơ.
– Không có gì đáng phải viết! – Bà cụ cự tuyệt. Nghĩa là không muốn lưu lại bất kì một dòng nào liên quan đến đời mình, không cho thiên hạ biết về mình nên bà cụ mới ẩn nấp ở chốn thôn quê, làm bạn với một bần nông nghệ nhân múa rối đèn chiếu, hai người già nương tựa nhau mà sống, anh nghĩ vậy.
– Cụ đã tìm thấy ông nhà? – Anh hỏi về người chồng trước của bà cụ, vị đại quan.
Bà cụ im lặng, không trả lời.
– Ông nhà đã biết cụ còn sống?
Bà cụ vẫn ngồi yên như pho tượng.
– Người con của cụ mất vào lúc nào?
– Khi vừa chẵn tháng, ở trong tù…
Anh đứng dậy ra về, bà cụ lẳng lặng tiễn anh ra tới cổng, anh gật đầu cáo từ. Đi được một quãng khá xa, anh ngoái nhìn lại, vẫn thấy lão phu nhân đứng trân trân, không trùm khăn mà ngoài trời thì lác đác tuyết bay.
_________________