Kinh Thánh Của Một Người

Chương 3



Anh cần một cái ổ, một chỗ nương thân, một ngôi nhà có thể trốn tránh được người ngoài, có thể không bị thiên hạ dòm ngó, theo dõi những gì riêng tư. Anh cần một căn phòng cách âm, đóng cửa lại, dẫu hét thật to, cũng không bị ai nghe thấy, ưng gì nói nấy, một khoảng đất trời của cá nhân để lên tiếng và giãi bày tư tưởng. Anh không phải là con nhộng câm lặng tự nhốt mình trong vỏ kén, anh cần sống, cần cảm thụ, kể cả cần làm tình với đàn bà một cách thỏa thuê, rên rỉ thều thào và cuồng say la hét. Anh phải gắng sức tranh giành một không gian sinh tồn, không thể chịu đựng được nữa sự đè nén như thế này trong bấy nhiêu năm, thậm chí những dục vọng vừa mới nhận thức ra cũng không thể không có một nơi để tuôn trào.

Hồi đó chỗ ở của anh, chỉ vừa đủ diện tích kê một chiếc giường đơn, một cái bàn viết và một giá sách, mùa đông lắp thêm ống dẫn hơi vào nữa là chật ních, nếu có người thứ hai đến đây thì chẳng biết quay trở ra sao. Sau bức vách hết sức thô sơ kia là phòng của một cặp vợ chồng công nhân, chuyện ân ái ban đêm hay trẻ nhỏ đi tè, đều có thể nghe rất rõ, không sót bất cứ âm thanh nào dù chỉ nói thầm. Căn nhà tập thể này còn có hai gia đình nữa, vòi nước máy công cộng và mương xả đều ở ngoài sân. Cô bé ấy mỗi bận đến với anh, tất nhiên được mọi người chú ý; anh không đóng kín cửa, vì láng giềng sẽ đi ngang tán chuyện hoặc xin ngụm nước, kiếm cớ để theo dõi anh và ả có làm trò con khỉ gì không. Bà vợ mà hơn mười năm lại đây anh một mực ly thân đã được Đảng ủy Hội nhà văn giới thiệu, tìm gặp ủy ban dân phố, nhờ họ điều tra giúp mối quan hệ giữa anh và cô gái, cái gì “tổ chức” cũng muốn quản cả, từ tư tưởng, sáng tác cho đến cuộc sống cá nhân anh.

Người con gái ấy đến với anh thường mặc áo bông quân phục rộng thùng thình, nơi ve cổ đỏ ngòi quân hiệu và đôi má chẳng hề phấn son mà vẫn hồng như trái táo. Cô nói, đọc tiểu thuyết của anh thật vô cùng cảm động. Anh tỏ vẻ cảnh giác với cô gái vận quân phục, ngắm nhìn khuôn mặt trẻ măng, non nớt và liền hỏi, em năm nay bao nhiêu. Cô gái trả lời đang học ở một trường quân y, chưa tốt nghiệp, hiện thời đi thực tập tại bệnh viện quân đội, năm nay, tức là lúc bấy giờ, tròn 17 tuổi. Anh nghĩ, đúng là cái tuổi rất dễ động tình nơi người con gái.

Anh đóng cửa phòng, ôm hôn cô gái khi tòa vẫn chưa phán xử vụ ly hôn giữa anh với người vợ cũ, và tương tự lúc anh thọc tay vào phía trong áo bông quân phục rộng thùng thình sờ mó, mân mê thân hình cô gái thì ngoài sân căn nhà tập thể người ta cứ việc gánh nước, rửa rau, giặt giũ, đổ rác và đi lại thình thịch, anh và cô đều nghe rất rõ.

Một ngôi nhà đối với anh không có nghĩa là phải có đàn bà ở trong đó, chỉ cần mái che nắng mưa và bốn bức vách cách âm vây kín. Anh không muốn lấy vợ làm gì nữa, hơn mười năm hôn nhân với ràng buộc của tòa thế là đã quá đủ. Cái mà anh cần lúc này là đôi chút phóng túng thảnh thơi. Còn đối với đàn bà con gái lòng anh nặng nỗi nghi ngờ, cảnh giác, nhất là những thiếu nữ trẻ thơ, kiều diễm và ái mộ anh tới mức cuồng si. Đã nhiều lần anh bị bán đứng và buộc tội bởi cái mệnh đào hoa. Hồi ở trường đại học anh yêu một người bạn cùng lớp, cô gái có khuôn mặt và giọng nói đến là ngọt ngào, nhưng cô ta lại mưu cầu tiến bộ, thường xuyên phải báo cáo những suy nghĩ và tư tưởng của mình cho bí thư chi bộ, và nhân thể đem tất cả mọi bực dọc của anh đối với việc Đoàn thanh niên phát động phong trào đọc tiểu thuyết cách mạng “Bài ca tuổi trẻ” cũng khai báo ra luôn. Người con gái ấy đương nhiên đã không cố ý hại anh và đối với anh cũng chẳng tổn thất gì, nhưng cần nhớ một điều, những thiếu nữ càng đa tình bao nhiêu thì càng dễ đem lòng mình giãi bày với đảng bấy nhiêu, giống như con chiên ngoan đạo sám hối mọi bí mật và riêng tư của mình cùng cha cố. Chi đoàn thanh niên đã kết luận, tư tưởng của anh rất tăm tối, song không có gì nghiêm trọng, mặc dù không vào đoàn, nhưng nhà trường vẫn cho anh hoàn tất thủ tục tốt nghiệp. Sự kiện đáng sợ chính là nơi bà vợ của anh, nếu mà lời tố cáo của mụ có căn cứ, nghĩa là mụ nắm trong tay tờ giấy ghi những gì anh viết lén, thì lúc bấy giờ anh đã sớm đứng vào hàng ngũ chống cách mạng mất rồi. Ôi, cái thời cách mạng, các cô gái cũng từng cách mạng đến điên cuồng, dễ sợ.

Anh không thể tin một cô bé mặc quân phục như thế, bảo rằng đến đây học hỏi văn chương. Anh nói, anh không làm thầy giáo và khuyên cô nên ghi danh theo học các lớp đại học ban đêm, hiện thời có đủ loại các lớp dạy văn, đóng một ít tiền, sau hai năm là nhận được văn bằng. Cô gái hỏi anh đọc sách gì là tốt nhất, anh trả lời tốt nhất là không nên đọc sách giáo khoa, phần lớn các thư viện đều đã được tổ chức lại, cởi mở hơn nhiều, nên đến đó tìm đọc những cuốn sách mà trước đây bị cấm đoán. Cô gái mặc quân phục còn muốn học thêm phần sáng tác, anh khuyên, tốt nhất là không nên học, bởi viết lách chẳng hay ho gì, chỉ tổ làm chậm lại quá trình thăng tiến của mình mà thôi, ví dụ như anh, phiền phức khôn lường. Một thiếu nữ ngây thơ, thuần phác như em, mặc quân phục, học quân y, thế là tiền đồ đã rất bảo đảm rồi, còn học sáng tác văn học mà làm gì; nhưng cô gái trả lời, em không ngây thơ, đơn giản như anh tưởng, em muốn biết nhiều điều hơn nữa, muốn tìm hiểu cuộc sống, và việc đó chắc sẽ chẳng mâu thuẫn gì với mặc quân phục, học quân y.

Không phải anh không thích cô bé, nhưng thà rằng cứ làm tình với loại đàn bà con gái dưới đáy xã hội, rách tươm, tơi tả mà thoải mái, phóng túng vô cùng, còn hơn là hao hơi, tốn sức dạy cho em hiểu thế nào là cuộc sống, vả lại cuộc sống là gì kia chứ, có trời mới biết.

Anh không thể giải thích cho cô gái tầm sư học đạo những gì về cuộc sống, về văn học, giống như anh từng bó tay chẳng có cách nào thuyết phục nổi bí thư đảng ủy Hội nhà văn phê duyệt văn chương anh sáng tác và vì vậy mà anh đã luôn luôn gặp phải rủi ro.

Trước một cô gái khả ái, trinh nguyên, mặc quân phục, lòng anh chẳng mấy rung động, càng không muốn làm cái việc dụ dỗ, vuốt ve, sờ mó, rồi kéo nhau lên giường. Cô gái vẫn cứ đến, lấy dăm ba cuốn sách trên giá sách của anh, bảo là đã đọc hết cả rồi và đôi má bỗng ửng hồng. Anh pha một cốc trà nóng cho cô bé, thân tình như đón tiếp các biên tập viên nhà xuất bản đến đặt bản thảo. Cô gái mân mê mấy cuốn tiểu thuyết trước đây bị quy là phản động và tình sắc nên bị thu hồi, anh nghĩ thế là cô em đã bắt đầu nếm trái cấm, hay ít ra cũng biết trái cấm là gì. Anh chăm chú dõi nhìn đôi bàn tay nõn nà, thon thả lần từng trang sách, cô gái thẹn thùng, đỏ mặt, rụt tay. Em nghĩ thế nào về những nhân vật trong truyện, nhất là nhân vật nữ chính, anh thử hỏi. Hành vi của cô ta không phù hợp với đạo đức và những gì mà hôm nay đảng dạy, thiếu nữ mặc quân phục trả lời. Anh nói, cái gọi là cuộc sống mà em muốn biết, đại khái như vậy, nó không có kích thước cụ thể. Có một hôm cô gái cũng lên tiếng tố cáo anh, chẳng rõ tự mình hay là nhiệm vụ của tổ chức đảng ủy quân đội nơi cô ta phục vụ giao phó, lời phát ngôn của anh chẳng mấy sai lầm, vậy mà cũng lắm phiền toái, kinh nghiệm cuộc đời nhiều lần nhắc nhở, nhưng vẫn cứ quên, sống là như vậy em ơi.

Mãi sau này, cô gái khẽ nói với anh, rằng Mao Chủ tịch cũng có nhiều thiếu nữ, khi ấy anh mới dám ôm hôn cô gái và cô đã nhắm nghiền đôi mắt để cho bàn tay anh mân mê toàn thân mình giấu trong bộ quân phục rộng thùng thình, rân rân người như điện giật, mà sung sướng, đê mê. Ngay lúc ấy cô gái hỏi anh, có còn cho cô mượn sách nữa không. Cô nói, cái gì cô cũng muốn biết, chẳng sợ hãi chút nào. Anh trả lời, nhũng cuốn sách kia đã trở thành trái cấm, rằng xã hội này cũng thật đáng sợ, cuối cùng thì “Văn cách” tuyên bố cáo chung và đã cướp đi không biết bao nhiêu là sinh mạng. Cô gái nói, rằng cô đã biết, cũng từng nhìn thấy những người bị đánh chết, ruồi nhặng bâu đầy các hốc mũi máu me đầm đìa của họ, người ta kháo nhau, họ đâu phải là phe chống cách mạng, hồi ấy cô hãy còn bé lắm. Còn nay xin đừng xem cô là một đứa trẻ, cô đã thành niên.

Anh hỏi, thành niên thì có nghĩa lí gì. Cô trả lời, anh nên nhớ là em học ngành y, rồi mỉm cười tinh nghịch. Anh mân mê bàn tay cô gái, từ từ hôn lên đôi môi mềm mại của cô. Sau đó cô gái mặc quân phục thường lui tới với anh, trả sách mượn sách, phần lớn là vào ngày chủ nhật, thời gian càng lúc càng lâu, có bận từ trưa tới tối mịt, nhưng vẫn phải ra đi, vội vàng lên chuyến xe buýt cuối cùng trong ngày để về doanh trại xa xôi, đóng ở ngoại ô biên viễn. Đợi đến lúc đêm buông, ngoài sân không còn ai đi lại, rửa rau hay giặt giũ, láng giềng đều đã lên đèn, anh mới khép cửa phòng và cùng cô gái thân thương cuồng nhiệt giây lát. Cô gái chưa bao giờ cởi bỏ bộ quân phục, thỉnh thoảng liếc nhìn kim đồng hồ trên bàn, sực nhớ tới giờ phải ra bến xe, mới nuối tiếc gài chặt khuy áo, ôm ghì anh lần cuối, và nhanh chân cất bước.

Anh mong muốn một căn phòng có thể giữ kín những gì riêng tư sâu kín, nhưng lại khó mà lấy được giấy tờ ly hôn của tòa án để rồi sau đó, theo quan niệm của chính quyền, đề xuất yêu cầu chính thức lấy người khác, đó mới là điều kiện tiên quyết nhận nhà do chính quyền phân phối. Anh đã có 20 năm công tác, kể cả thời gian đi lao động cải tạo ở nông thôn hồi “Văn cách”, theo quy định phân nhà thì đáng lẽ anh sớm có từ lâu, nhưng phải gác lại hai năm vì cái tội cãi nhau nhiều lần với cán bộ quản lí nhà đất, vì vậy trước khi lãnh đạo cấp cao của đảng ủy Hội nhà văn ra tay phê phán anh, anh cần cấp tốc giành lấy một căn phòng. Huy động tất cả những gì lâu nay đã tích góp, còn xin tạm ứng trước nhuận bút một cuốn sách, chẳng cần biết nó có được xuất bản hay không, may sao lo lót xong cái ổ an lạc của mình.

Cô gái bước vào căn phòng mới được phân phối của anh, khi cánh cửa vừa khép kín và khóa trái cái “phập”, thì hai người động tình khôn tả mà không sức nào kìm hãm nổi.

Tường chưa quét vôi xong, sàn nhà còn bộn bề vật liệu, giường chiếu cũng chẳng có và ngay trên một tấm ni lông dính đầy bụi bặm, cô gái để mặc sức bóc sạch bộ quân phục, lộ ra những gì kiều diễm của thiếu nữ mà bấy lâu vẫn đang giấu kín. Cô gái chỉ có một yêu cầu nho nhỏ, mong anh đừng vội làm thủng màng trinh vì lí do mỗi năm bọn em, gái quân y chưa chồng, phải nằm ngửa ra cho họ khám xem còn lành hay đã rách. Kỉ luật nhà binh nghiêm ngặt lắm, định kì bị thẩm tra cả thân thể lẫn tinh thần, ngoài công tác y vụ thường ngày, còn có nhiệm vụ cùng đi dã ngoại với các thủ trưởng, chăm lo bảo vệ sức khỏe cho họ, 26 tuổi mới được lấy chồng, lí lịch của vị hôn phu phải trình cấp trên phê duyệt, trước đó không cho phép giải ngũ sớm, nghe nói có liên can gì đấy đến cơ mật của quốc gia.

Giữ đúng lời hứa, những gì đã thương anh đều thương tất cả, những gì đã nóng anh chẳng hề nguội lạnh, duy mỗi điều bảo vệ sự lành lặn cho em. Quả nhiên không bao lâu sau, cô gái của anh cùng với thủ trưởng đi thị sát vùng biên giới Trung Việt và mất luôn liên lạc.

Bẵng đi một năm, mùa đông cô gái trở về, đường đột hiện ra trước mắt anh. Hôm ấy đã quá nửa đêm, từ nhà một người bạn uống rượu trở về, lững thững mở cửa, ngả mình thì bỗng nghe tiếng gõ nhẹ, hóa ra là em nước mắt đầm đìa, em đợi anh hơn sáu tiếng đồng hồ, cả thân hình đều đông cứng, không dám đứng trước cổng ra vào sợ người ta truy hỏi cô tìm ai, đành trốn ngoài một cái lán, khó khăn lắm mới thấy đèn phòng bật sáng. Anh vội đóng cửa, kéo rèm, cô gái vẫn giấu mình trong bộ quân phục rộng thùng thình, chưa ấm lại chút nào, thì đã gào lên tội nghiệp “Anh, hãy lấy em đi”[1].

Anh “ấy” cô ta ngay trên tấm thảm, lăn qua lăn lại, không, vượt biển qua sông, sáng trơn tru như hai con cá; không, như hai đầu dã súc, vờn cắn xé nhau. Cô gái khóc nức nở. Anh nói, hãy khóc to lên cho đỡ tủi hờn, ngoài kia chẳng nghe thấy gì đâu. Cô sung sướng, rên la, gào thét. Anh nói, giờ đây anh muốn thành con sói, một con sói tham lam và hung dữ. Không, anh là người đàn ông tốt nhất của em, em hiểu anh, em là của anh, em chẳng sợ gì nữa, từ nay vĩnh viễn thuộc về anh. Điều mà cô gái lấy làm hối hận là đã không sớm hiến dâng anh tất cả… Anh nói, thôi đừng nói nữa, em ơi.

Về sau, cô gái nói rằng, cô phải yêu cầu cha mẹ cô bằng mọi cách xin cho cô được giải ngũ, ra khỏi quân đội. Còn anh, lúc ấy vừa có giấy mời đi nước ngoài nhưng chưa làm xong thủ tục hộ chiếu, visa, cô nói sẽ chờ anh, vì cô là người đàn bà bé nhỏ của anh. Cuối cùng thì mọi thủ tục đã hoàn tất, cô giục anh mau lên đường kẻo lại xảy ra trục trặc gì khác, nào ngờ đây lại là lần vĩnh biệt, hoặc giả anh không muốn nghĩ như vậy, tránh đi những xúc động tận đáy lòng. Anh không để cô gái ra sân bay đưa tiễn, cô nói, người ta không cho cô nghỉ phép, vả lại từ doanh trại xa xôi ở ngoại ô, có lên xe buýt chuyến sớm nhất đi vào thành phố, rồi phải chuyển mấy tuyến nữa thì chắc chắn là không kịp giờ.

Trước đó anh chưa hề nghĩ tới, rằng anh sẽ rời xa đất nước này, mãi đến lúc máy bay chạy lấy đà trên đường băng rồi “vút” một cái cất cánh lên không trung, khi ấy bỗng nhiên anh ý thức là có lẽ phải hủy chuyến trở về với tổ quốc dưới kia, một vùng hoàng thổ nơi anh đã sinh ra, lớn lên, đi học, thành người và chịu nạn. Một câu hỏi cũng bất ngờ trỗi dậy: ta còn có tổ quốc hay không? Lời đáp sau này mới dần dần xác định. Tình thật thì sống trong bóng đen trùm kín, anh cũng muốn đi ra ngoại quốc tự do một tí, nhưng gần cả năm trời, gõ cửa khắp mọi nơi mà vẫn không nhận được hộ chiếu. Anh là công dân, chứ đâu là tội phạm mà bị tước quyền xuất ngoại, hẳn phải có lí do gì đó đối với riêng anh, tuy vậy muốn tìm lí do chẳng khó chút nào.

Lúc kiểm tra hải quan, người ta hỏi anh, trong vali có những thứ gì. Anh trả lời, ngoài quần áo cá nhân, không có vật nào thuộc diện quốc cấm. Họ bảo anh mở vali ra để khám xét, anh y lệnh làm theo.

– Đây là cái gì?

– Là nghiên mực vừa mua, còn rất mới. – Ý anh muốn nói nó không phải là đồ cổ trong danh mục cấm đưa ra nước ngoài, nhưng họ không tin và nghi ngờ anh kiếm cớ. Anh tỏ vẻ lo lắng và ít nhiều căng thẳng, bỗng não trạng lóe lên một ý nghĩ: đây có phải là đất nước của ta?

Ngay lúc ấy anh tựa hồ nghe đâu đó một tiếng kêu “Ca”[2], anh bình tĩnh và định thần trở lại. Cuối cùng thì hải quan chấp thuận, anh thu xếp hành lí vừa bị tháo tung, khóa vali, đưa lên băng tải, kéo chặt phéc-mơ-tuya túi đeo bên mình rồi hướng về khoang cửa lên máy bay. “Ca” và cả tên anh lại cất lên lần nữa, anh giả bộ chẳng nghe thấy gì, cứ tiếp bước, nhưng rồi ngoái đầu như muốn tìm xem nguồn âm thanh đó đã phát ra từ đâu.

Anh đã tiến vào hành lang xuất cảnh, trước cũng như sau đều là những hành khách nước ngoài, và “Ca” cùng tên anh văng vẳng đâu đây, tuy rất xa mà anh vẫn nhận rõ giọng người con gái. Ngước nhìn lên tầng thượng nhà ga, chao ôi, một thân hình vận đại y quân phục, đội mũ màu xanh lá cây nghiêm chỉnh, có điều chẳng phân biệt được khuôn mặt là ai.

Nhớ lại cái đêm chia tay cùng cô gái, cô dựa vào người anh và khẽ nói bên tai: “Ca, anh của em, hãy đừng trở về, hãy đừng trở về…”, liên miên không dứt cho tới lúc lịm dần “đừng… trở… về”. Đó là dự cảm của cô, thì cô vẫn nhìn thấu suốt hơn anh, hoặc giả cô gái đã đoán đúng tâm tư anh, còn anh, lúc bấy giờ chưa đủ dũng khí để có một quyết đoán. Cô gái đã thức tỉnh anh, thức tỉnh cái ý nghĩ ấy của anh, nhưng anh không dám nhìn chính diện, hay không cắt đứt nổi những sợi tình cùng bao dục vọng nối giữa hai người và không thể cách xa, bỏ rơi em được.

Anh hi vọng người vận quân phục màu xanh lá cây trên cao kia đang cúi đầu nhìn xuống không phải là em, cô gái. Anh quay người tiếp bước, đèn hiệu chuyến bay nhấp nháy và anh lại nghe một tiếng kêu tuyệt vọng ré lên, xé lòng, “Ca…”. Đúng là em, đúng là cô gái, anh cúi đầu, im lặng bước vào khoang cửa.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.