Mãi không thấy Cảnh Yến nói gì nên ta thử ngẩng lên xem sao. Ngài khóc.
Đi ra ngoài, ta trông thấy hai người đang thậm thà thậm thụt khiêng cái gì được cuộn trong chiếu. Nếu như ta không đoán sai thì trong đó chính là xác nữ không dùng đến kia.
Cảnh Yến thực sự nghiêm túc. Ngài thực lòng tính toán giúp ta thoát được trót lọt. Làm sao ta rời đi được?
Đại kế của ngài đã thất bại vì ta, mà ta thì sao? Ngài thất bại, đó là điều ta không muốn thấy nhất.
Ngài từng nói hai người chúng ta, thoát được người nào hay người nấy. Có lẽ, hồi ấy là như vậy, nhưng bây giờ thì không.
Bây giờ, ngài thất bại cũng chính là ta thất bại. Ta muốn ngài thành công, kể cả công danh đạt được không hề liên quan gì đến ta đi nữa.
Cả hai đều nhanh chóng ổn định lại cảm xúc. Nếu không phải chính mắt ta thấy ngài khóc, thì lúc này ta cũng chẳng thể nào tin nổi. Chúng ta còn phải làm rất nhiều việc. Là quân cờ phải có sự tự giác của quân cờ.
Khi ta bàn chuyện chính sự với Nghiêm Phong, hắn rất sẵn sàng. Nhưng Chức Hoan lại hơi trách ta. Nàng nói Nguyên Nguyên, ta còn có mỗi chàng, sao muội còn đẩy chàng ra chiến trường?
Ta nói: “Tổ chim bị lật, có quả trứng nào không vỡ? Nếu như lần này Mạc hầu lại lập công, cục diện e sẽ trở thành mình y một tay che trời. Đến lúc đó không chỉ hai người, không chỉ vương gia và ta, mà đến cả hoàng đế cũng phải thấp thỏm.”
“Đạo lý thì đúng là như vậy, nhưng ta…” Nàng cúi xuống, khuôn mặt hiện rõ sầu muộn, nói: “Trên chiến trường, đao kiếm vô tình.”
Ta lắc đầu, nói với cô ấy: “Chức Hoan, đao kiếm không ở chiến trường lại càng khó phòng.”
Ta đưa Nghiêm Phong đến gặp Cảnh Yến. Từ lần bị Nghiêm Phong “hành thích”, Cảnh Yến bực bội lắm nhưng không nói ra. Nên, giờ đây bầu không khí giữa hai người rất kỳ quặc. Trước đó ta đã thử dò xét ý ngài, ngài cũng có ý muốn ta làm trung gian hòa giải.
Ta nói Nghiêm Phong, lần trước ta quá nóng vội nên đã ra lỡ ra tay với ngươi, dẫu sao mong ngươi đừng để bụng.
Nghiêm Phong vẫn chất phác như vậy, y đáp lại vô cùng nghiêm túc: “Người quá lời rồi. Ty chức suýt nữa đã gây ra đại họa, may có vương gia và người suy nghĩ chu toàn.”
Ta lại nói: “Nghiêm Phong, ngươi đi theo vương gia sớm hơn cả ta. Ngài rất coi trọng tấm lòng của người, vốn đã coi ngươi thân như thủ túc.”
Nghiêm Phong trầm lặng lúc lâu, mới cất tiếng: “Người và vương gia…thực sự vô cùng giống nhau.”
Ta cười, không định nói sâu hơn: “Phải không? Có lẽ là do ở với nhau lâu đấy.”
Khi trông thấy Nghiêm Phong, Cảnh Yến vẫn còn hơi giận. Ngài không chịu nói chuyện với hắn. Nghiêm Phong thì cứ trơ ra như khúc gỗ, chỉ biết đứng đấy còn im thin thít. Đúng là tức chết mất!
“Dỗ ngọt phụ nữ thì chẳng kém cạnh ai, đến khi gặp huynh đệ thì ai cũng kém cạnh. Đúng là phục hai người quá.” Ta cười, mắng cả hai một câu, rồi từ phía sau đá Nghiêm Phong một cái: “Ai không biết con tưởng ngươi là tiểu nương tử đang giận dỗi phu quân, ngươi còn đợi gì nữa? Đợi vương gia bế ngươi lên kiệu hoa sao?”
Nghiêm Phong không nhanh miệng. Ta mắng vậy, hắn đỏ lựng cả mặt, đột nhiên quỳ xuống hét lớn “Ty chức chết cũng không từ” làm ta giật cả mình.
Cảnh Yến xua xua tay, ý là chuyện này đến đây thôi. Sau đó, ngài nói: “Mấy ngày nữa hoàng thượng và bổn vương sẽ đi săn. Mạc hầu cũng đi cùng. Đến khi ấy, bổn vương sẽ tiến cử ngươi với hoàng thượng. Ngươi nhớ thể hiện cho tốt.”
Nghiêm Phong cũng chẳng nói được lời gì khác, lại lặp lại: “Ty chức chết cũng không từ!”
Qua hôm sau, hoàng thượng cho truyền khẩu dụ, hôm ấy ta cũng phải đến.
Ta và Cảnh Yến mới yên bình được vài hôm, nước chưa kịp trong lại bị hoàng thường khuấy cho vẩn đục.
Đi thì đi vậy. Cưỡi ngựa cũng không khó lắm. Cảnh Yến dạy ta, chưa đến nửa ngày ta đã có thể điều khiển ngựa chạy chầm chậm được rồi. Nhưng ngài lại có vẻ lo lắng, dặn ta đừng ham vui, không được chạy lung tung phải đi sát bên ngài.
Sau cùng, ngài còn cợt nhả: “Dù gì nàng cũng thích bổn vương đến vậy, bảo nàng theo sát ta, chẳng phải nàng vui nhất rồi sao.”
Gần đây ngài có một tật xấu. Hở ra là lại ghé vào người ta, tí ta tí tửng hỏi ta, nàng thích bổn vương từ lúc nào vậy? Nàng thích điều gì nhất ở bổn vương? Cực kì phiền! Mà nói đến chuyện này, rõ ràng là ngài thừa nhận trước, sao bây giờ cứ như ta thổ lộ tình cảm trước vậy?
Ngài làm ta bực quá. Ta dùng phần tay cầm của roi ngựa chọc vào người ngài: “Vương gia, sao ngài phiền thế, bao giờ mới chịu thôi đây!”
Ngài cười thích chí, thoắt cái đã leo lên lưng ngựa, vòng tay qua người ta, ghìm chặt dây cương, áp sát vào bên tai. Giọng ngài vừa khiêu khích lại vừa câu dẫn: “Sao vậy bảo bối? Mới mấy ngày đã chê ta phiền?”
Ta thấy tai mình nong nóng, tim suýt chút nữa nhảy cả ra ngoài. Ta huých ngài một cái: “Đừng, đừng có gọi linh tinh!”
Cảnh Yến cực kì xấu xa, ngài gieo vào tai ta tiếng cười gian lắm, như thần chú mê hoặc: “Ta chưa gọi ai như thế bao giờ. Nàng là người đầu tiên đấy, vui không?”
Xem ra ta không nhận ngài không chịu buông, đành hùa theo ngài: “Vui, vui được chưa. Ngài đừng có chọc thiếp như thế, ngứa tai lắm.”
Ngài lại được voi đòi tiên, không yên phận bắt đầu khẽ ngậm vành tay ta: “Vui sao? Vậy sau này sẽ gọi nàng như vậy, được không?”
Rõ ràng là đã “làm” hết rồi, sao ta lại bị ngài trêu cho đến nỗi này chứ?
Ta quay lại vùi mặt vào người ngài: “Ngài lại bắt nạt thiếp. Thiếp chịu lui ngài lại lấy lui để bắt chẹt thiếp. Ngài xem thiếp rộng lượng biết bao, có mang chuyện ngài khóc ra trêu ngài bao giờ.”
Nhưng mà, lời này xem ra lại vẽ thêm đường cho hươu chạy. Ngài cười nham nhở, nhướn mày, không chịu bỏ qua cho ta: “Nói đến khóc, Nguyên Nguyên, đêm qua là ai khóc bên tai, cầu xin ta, gần như cầu xin ta cho nàng…”
“Dừng dừng!” Ta áp tay lên khuôn mặt đã nóng bừng: “Ngài, ngài còn nói là thiếp khóc đấy!”