(Tôm dịch
Nờ Y bê ta)
Việc Giản Thương khỏe lại sau một đêm khiến cho Bạch Phong Dương trở tay không kịp. Khi gã còn chưa kịp tra hỏi Giản Thương thì chúng đệ tử của Lam Chỉ đã vui sướng đi nói với mọi người: “Lam sư huynh của bọn ta bảo dù chưa điều tra được thủ phạm đánh Tịch sư đệ nhưng cũng phải trị thương cho nó đã”.
“Ờ đấy. Ngay cả hai đứa Ngô Phỉ với Phạm Thanh đã làm mình mất mặt, huynh ấy vẫn cho bọn nó đan dược linh thảo trị giá tận mấy trăm linh thạch kia kìa. Lam sư huynh bảo thắng thua không quan trọng, quan trọng là các sư đệ phải khỏe mạnh cơ!”
“Tịch sư đệ bị thương mấy ngày chưa khỏi, làm bọn ta tưởng thương thế của hắn nặng đến mức nào cơ. Ai ngờ đâu Lam sư huynh vừa ra tay, Tịch sư đệ đã khỏe lại ngay rồi! Chẳng biết là do Lam sư huynh của bọn ta lợi hại hay là do có người không muốn chữa cho nó đây ta?”
“Đúng rồi đấy. Từ nay về sau, đứa nào mà đồn Lam sư huynh đả thương Tịch Cảnh thì ta có chết ta cũng không tin. Người rắp tâm hãm hại nó cũng có phải Lam sư huynh nhà chúng ta đâu?”
Còn đệ tử của Bạch Phong Dương vẫn nhất nhất bảo Lam Chỉ thích làm bộ làm tịch, đánh Giản Thương gần chết xong lại đi cứu hắn. Đúng là chỉ giỏi diễn kịch!
Mặc dù lý lẽ này của đệ tử nhà Bạch Phong Dương rất có lý nhưng lại vô tình để lộ ra việc Bạch Phong Dương không chịu chữa trị cho Giản Thương. Mọi người cũng không bênh gã nữa. Mỗi khi đệ tử của Bạch Phong Dương đi nói về việc này, mọi người cũng chỉ lắc đầu cười trừ, không đàm tiếu nhiều lời. Dần dần, khí thế của bọn họ cũng không còn hùng hổ như trước nữa. Về thực hư việc này, Bạch Phong Dương chỉ lấp lửng nói với người ngoài rằng: “Thật ra thì ta đã đưa thuốc trị thương cho nó rồi đấy chứ. Sau đấy thì bận điều tra tối mặt tối mày, bẵng đi mấy hôm quên không tới thăm nó. Ai mà ngờ đâu thương thế của nó lại trở nặng như thế chứ”.
Gã không nói gì thì còn đỡ, vừa biện hộ được vài câu đã bị người ta bắt bẻ:
“Một con người sống sờ sờ ra đấy mà ngươi cũng không để ý đến tình trạng vết thương của hắn là sao?”
“Mò mãi không tìm thấy hung thủ, còn khiến Lam sư huynh phải chịu tiếng xấu thay người khác! Chẳng hiểu ngươi bận làm cái khỉ gì nữa!”
“Không phải các đệ tử của Bạch sư huynh lúc nào cũng than thở là Tịch sư đệ bị người ta đánh bị thương rất nặng à?”
Còn đám đệ tử của Tề Mộ Nhiên và Dung Vân Tưởng thì hào hứng ngồi cạnh ăn dưa hóng hớt. Chuyện này vốn chẳng dính dáng gì đến Dung Vân Tưởng nhưng y còn quá ngây thơ. Y kín đáo bình luận một câu với đệ tử của mình: “Bạch sư huynh hơi quá đáng nhỉ”.
Người xưa dạy “tai vách mạch dừng” cấm có sai. Chẳng mấy chốc, lời của Dung Vân Tưởng đã theo gió truyền đi khắp mọi ngóc ngách trong phái Bắc Hành. Một loạt tin đồn mới lại rộ lên. Mọi người kháo nhau rằng Dung Vân Tưởng đang muốn đứng về phe Lam Chỉ. Rồi mấy ngày sau, mọi người trong Bắc Hành phái lại thấy có một bức bích họa trên tường nhà vệ sinh chung của các đệ tử. Trong tranh, Lam Chỉ hiên ngang đang đứng cạnh Dung Vân Tưởng điềm tĩnh. Sau lưng hai người họ chính là khung cảnh dãy núi Bắc Hành hùng vĩ đồ sộ. Bên cạnh có dòng chữ: “Bắc Hành song bích”.
Chúng đệ tử tụ tập lại đây xem. Đệ tử nhà Lam Chỉ ngắm xong thì thi nhau khen tranh đẹp.
Sang đến ngày thứ hai, Dung Vân Tưởng trong bức bích họa bị ai đó vẽ thêm một cái đuôi chó, còn có cả khung thoại viết tiếng chó sủa “gâu gâu”. Mặt Lam Chỉ cũng bị tô thành màu đỏ. Nét mặt trong tranh của Lam Chỉ cũng bị người ta sửa thành dáng vẻ tàn ác, trông rất giống một loại yêu thú cấp thấp sống trên núi Bắc Hành. Đệ tử của Lam Chỉ lập tức phân nhau ra, lau sạch bức tranh đó đi.
Tới ngày thứ ba, lại có một bức bích họa mới được vẽ ra. Trong tranh, Bạch Phong Dương nom như một thằng lừa đảo, trong tay cầm một viên đan dược. Hắn được vẽ cho một khung thoại với nội dung: “Tiên đan diệu dược của ta, chữa thương bao ngày cũng không khỏi”.
Đương nhiên bức tranh đó cũng bị lau đi rất nhanh. Dù nhà vệ sinh nhiều người ra vào như thế nhưng vẫn không tài nào tìm ra được ai là kẻ vẽ hai bức tranh kia. Tề Mộ Nhiên qua quýt dạy dỗ đám đệ tử của mình vài câu để chúng cẩn thận rồi cũng thôi.
Đợi khi sóng yên biển lặng, sẽ có rất nhiều người muốn lén lút tìm người nọ vẽ thêm tranh của hai người Lam Chỉ và Dung Vân Tưởng. Nhưng đấy là chuyện rất lâu về sau. Bây giờ, bạn nhỏ Giản Thương vẫn âm thầm lặng lẽ đi vẽ bích họa, không tham gia bàn tàn của các môn đồ.
Sau cái đêm Giản Thương đến tìm Lam Chỉ chữa thương, hắn bị Bạch Phong Dương phái người giám sát cực kỳ nghiêm ngặt. Giản Thương buộc phải ở yên trong phòng mấy ngày liền, tận đến bốn ngày sau mới dám lén lút đến viện của Lam Chỉ.
Lam Chỉ không muốn tám nhảm với hắn nên vừa thấy hắn vào, cậu đã bảo: “Tự cởi đồ ra để còn bôi thuốc”. Giản Thương mặt đỏ tưng bừng, chậm chạp cởi từng lớp áo ra, để gọn sang một bên. Thân trên của Giản Thương lõa lồ trong không khí.
Lam Chỉ liếc nhẹ một, hỏi: “Thế còn đùi thì sao? Cởi nốt quần ra đi”. Giản Thương nghệt mặt ra, hậm hực đáp: “Không cởi”.
Lam Chỉ cau mày. Thằng bé này xấu hổ cái gì? Chẳng lẽ chưa bao giờ đi tắm chung với các sư huynh đệ khác à? Trong lúc Lam Chỉ đang tự hỏi thì có một giọng nữ êm ái truyền vào trong phòng: “Lam sư huynh ngủ chưa ạ?”
Lam Chỉ khẽ dặn Giản Thương: “Thị nữ của Trì Thủy Hâm tới. Tạm thời đệ đừng nói gì hết nhé”. Giản Thương chỉ cảm thấy đôi môi mỏng của Lam Chỉ cọ nhẹ vào vành tai mình. Hơi thở ấm áp của Lam Chỉ nhẹ nhàng mơn trớn cần cổ của hắn, làm cho cả người hắn nóng hẳn lên. Hắn hừ nhẹ, lắc lắc đầu để cơn nóng nơi gò má tan bớt đi.
Lam Chỉ sốc lại tinh thần, đi ra mở cửa: “Trì sư muội có chuyện gì à?”
Thị nữ kia chỉ chừng mười bảy, mười tám tuổi. Thị liếc mắt vào trong viện, khẽ cười, hỏi Lam chỉ: “Lam sư huynh đang có khách ạ?”. Lam Chỉ đáp cụt lủn: “Ừ”.
Thị nữ cười nói: “Ngày mai tiểu thư định xuống núi đi dạo, muốn mời Lam sư huynh đi cùng người ạ”.
Lam Chỉ: “Sắp tới có thi đấu giữa các đệ tử, ta còn bận dạy bọn chúng tu luyện, không rảnh đi cùng Trì sư muội”.
Thị nữ thấy cậu vừa dứt lời đã định đóng cửa đuổi người thì hấp tấp cản lại: “Không biết dạo này Lam sư huynh bận việc gì mà lại lạnh nhạt với tiểu thư thế ạ? Tiểu thư có vẻ buồn phiền lắm rồi đấy ạ!”
Xưa giờ, Lam Chỉ luôn đối xử lạnh nhạt với Trì Thủy Hâm như vậy. Nhưng dù sao thì ngày trước “Lam Chỉ” vẫn cố gắng ra vẻ quan tâm đến Trì Thủy Hâm một chút vì biết Trì Túc có ý muốn gả Trì Thủy Hâm cho mình. Gã sẽ không từ chối mấy yêu cầu dạng này của cô bé. Đến lượt Lam Chỉ thì cậu lại không muốn thế. Cậu không muốn dính dáng một chút nào tới cô bé nên tránh được thì cứ tránh, thậm chí đi trên đường hai người cũng không chạm được mặt nhau mấy lần.
Lam Chỉ từ tốn trả lời: “Nam nữ thọ thọ bất tương thân. Ngươi truyền lời về cho Trì sư muội, bảo cô bé từ giờ bớt lui tới với ta đi”.
Một câu này của Lam Chỉ đã tạo ra một đợt phong ba trong khu bình luận.