Một tiếng, hai tiếng, hay ba tiếng đồng hồ đã trôi qua? Tôi không biết nữa.
Tôi ngồi nấp trong một cái ngách be bé, đối diện với nơi tôi vừa bị cướp.
Tôi cứ ngồi yên ở đấy, nhìn bóng mặt trời chiếu dọc thẳng xuống rồi ngả dần và khuất hẳn, tiếng nức nở và nước mắt tôi đều đã ngưng cả rồi.
Tôi nghiêng người chống tay đứng dậy, chậm rãi lượm những món đồ đã rơi vào ba lô, sau đó kéo khóa cẩn thận. Tiếp theo mới phủi bụi, và đất, và cát dính bẩn trên váy áo.
Tôi ngẩng mặt lên nhìn trời cao, hít một hơi thật sâu, cười mỉm một thoáng.
Có lẽ người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ rằng, chắc con bé này mới bị điểm kém nên mặt mũi nó hơi nhem nhuốc vì khóc thôi nhỉ?
Tôi chập chững bước từng bước.
Càng đến gần đầu đường, tiếng gọi tên tôi ngày một rõ.
“Linh.”
“Gia Linh.”
“Hà Gia Linh.”
Tim tôi đập như tiếng trống vội vã, hơi thở tôi cũng trở nên nặng nề trông thấy.
Tôi sợ người đó là Tuân, tôi sợ phải đối diện với vẻ mặt kinh ngạc, hoang mang cùng câu hỏi của nó: “Xe đạp của tao đâu Linh?”
Sau đó, tôi phải cắn răng thừa nhận rằng, tôi lỡ làm mất rồi.
Nghĩ được đến đây, cả người tôi cứng đờ và bất động tại chỗ.
“Linh lùn, nghe rõ đại ca thì trả lời một tiếng xem nào!”
Nghe thì có vẻ hơi đáng sợ, nhưng tôi biết cái kiểu ngạo nghễ này chỉ có thể là Minh Dương, nên lòng tôi vui không tả xiết.
Dần dần, Minh Dương đứng trước con ngõ, cách tôi chừng một mét rưỡi, lòng tôi nhẹ đi.
Đồng phục của Minh Dương còn nguyên trên người nó, nhưng ướt nhẹp. Cổ áo xộc xệch, loáng thoáng lộ ra hai bên xương quai xanh óng ánh mồ hôi của nó.
Gió chiều Hà Nội nhè nhẹ vụt qua, làm vạt váy của tôi khẽ bay, làm mái tóc đen của nó lung lay.
Ánh chiều tà hiếm hoi còn sót lại ánh lên trong màu mắt Minh Dương.
Tôi thấy dáng vẻ của mình ở trong nỗi sợ của nó.
Tim tôi nhẹ nhàng ấm lên như ánh chiều tà cuối cùng ấy.
Miệng tôi méo xuống, mắt tôi cũng nhòe đi, mang theo tiếng khóc nỉ non gọi nó: “Dương ơi, cứu.”
Minh Dương sải vài bước rộng đến bên tôi.
“Đi đâu mà không nói với ai một tiếng?”
“Làm sao khóc? Ai bắt nạt mày phải không?”
Một tay tôi đưa lên che đi bộ mặt méo mó của mình, tay còn lại xòe chỗ bị trầy rướm cả máu cho nó xem.
Hai tay của nó nâng niu bàn tay tôi, tôi không thấy tay nó lạnh, cũng chẳng ấm, mà là một cái mát mẻ dễ chịu vô cùng.
“Bị ngã à?”
Hình như nó thấy mép váy tôi bị sờn một mảng bé xíu do ma sát với nền đất, nên lại nói: “Chắc chắn là bị ngã rồi.”
Nó cẩn thận cầm bàn tay còn lại của tôi để kiểm tra, sau đó chuyển tầm nhìn lên gương mặt tôi.
Thế nào? Xấu đến mức ma chê quỷ hờn chứ gì? Dám chê thử xem?
Nó định chạm vào vết thương trên mặt tôi, nhưng rồi rụt lại: “Chết rồi, tay tao bẩn lắm, nhiễm trùng mất.”
Minh Dương nhìn ngang nhìn dọc, lại nói tiếp: “Không có chuyện mày ngã mà trốn đến tận bây giờ, chắc chắn là có chuyện rồi.”
Nó cầm lấy ba lô cho tôi, nắm lấy cổ tay tôi, hạ giọng xuống: “Đi về báo cho thằng Tuân một tiếng, rồi đi bệnh viện, còn chuyện gì tính sau.”
Nó thấy tôi nhích được một bước khó khăn, lập tức chau mày: “Đến chân cũng bị què rồi à?”
Tôi mếu máo dữ hơn nữa.
Minh Dương đeo ba lô đằng trước từ lúc nào, cúi người xuống và nói: “Lên đi, đại ca vừa cõng vừa dỗ mày.”
Tôi nằm trên lưng Minh Dương tiếp tục khóc nấc.
Nhưng tôi dám thề, tôi còn đủ tỉnh táo để nhìn thấy, mỗi bên tay của nó vẫn đang vừa giữ đùi tôi, vừa giữ góc váy cho tôi.
Lần đầu tiên tôi dám tin rằng, sự tinh tế của các nam chính trong truyện ngôn tình xuất phát từ đời thực, chỉ là tôi chưa có cơ hội để nhìn thấy.
Hôm nay tôi nhìn thấy rồi, tôi mãn nguyện, lòng tôi cũng bất chợt xao động.
Rồi, tôi thấy Tuân đứng dưới gốc cây hoa sưa trên vỉa hè.
Tôi sợ nó, nên định cúi mặt xuống.
Nhưng tôi lại thấy nó thở phào một hơi, hình như người nó nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Lúc ấy, bỗng dưng trong tôi có rất nhiều dũng khí.
“Thằng Tuân với tao lo cho mày lắm đấy. Hết chạy về nhà rồi lại lên trường, quanh hết khu này đến phố nọ. Vậy nên nhan sắc tụi tao tạm thời đang phai tàn, đừng có mà chê đấy.” Minh Dương nói nhỏ với tôi.
Tôi tin chứ, vì cái lo lắng hiện rõ mồn một trên gương mặt của hai đứa nó kia mà.
Tuân ngẩn ngơ nhìn tôi một chốc mới lên tiếng: “Mai mốt đi đâu nhớ nhắn lại một tiếng, lỡ tụi tao lạc mày luôn thì làm sao?”
Câu chữ và ngữ điệu của Tuân hơi hỗn độn, tôi hiểu. Tuy nó là người giỏi ăn nói, nhưng vì lo cho tôi, kiến thức văn vẻ của nó bay đi đâu hết cả.
Tuân nhìn quanh người tôi, chắc là tìm xe của nó.
Tôi biết chẳng giấu được nữa, nên tôi thừa nhận.
“Tao xin lỗi, tao làm mất xe của mày rồi.”