Kế Hoạch Hôn Nhân

Chương 38: Ngoại truyện 3



Vì không muốn “rút dây động rừng” nên chúng tôi không thể cho người đến trước mặt chặn lại người đó, xem họ là ai, mà chỉ có thể âm thầm quan sát từ xa để xác định những nghi ngờ của bản thân. Với lại bây giờ có chặn lại trước mặt họ thì chúng tôi cũng không thể làm gì được họ. Thế là Nam gửi cho tôi một đoạn video ghi lại cảnh người đó cầm đèn pin đi lại vòng quanh ngôi nhà như đang cố tìm kiếm cái gì đó. Tuy nhiên người này rất thông minh, từ trên xuống dưới đều mặc một bộ đồ đen, đội mũ lưỡi chai màu đen, đeo khẩu trang màu đen. Tôi xem đi xem lại đoạn video Nam gửi, không thể nhận ra được người đó là ai ngoài xác định đây là phụ nữ.

Tôi nhìn chằm chằm đoạn video, cố gắng quan sát thật kỹ hy vọng có thể tìm ra một tia sơ hở. Thậm chí xem đi xem lại vài chục lần nhưng tôi vẫn không thể nhận ra được đây là ai.

Ngước mắt nhìn lên đồng hồ đã điểm 12 giờ đêm, tôi khẽ thở dài. Bên phía nhà Phương nói đã tìm ra bằng chứng và yêu cầu khởi kiện nên chỉ còn 2 ngày nữa là phiên toà bắt đầu mà tôi chưa thể khoanh vùng được kẻ tình nghi. Trong lòng tôi không khỏi có chút bực bội, khó chịu và bất lực bủa vây. Tôi thở dài vất điện thoại xuống mặt bàn. Nhìn ra ngoài bầu trời một màu đen sâu thẳm, giữa mênh mông hoang hoải đó tôi thấy lòng mình trống rỗng vô cùng. Mấy ngày nay tôi luôn dặn mình phải mạnh mẽ, nhưng dù tôi có cố gắng đến đâu thì vẫn không thể tránh khỏi những giây phút yếu mềm. Bất chợt tôi thấy lồng ngực mình như có ai bóp nghẹn. Tôi phải làm sao…phải làm sao để có thể nhanh chóng xác định được hung thủ là ai bây giờ?

Tôi mệt mỏi cúi xuống nhìn điện thoại lần nữa, đúng lúc này trên màn hình điện thoại là cảnh người phụ nữ kia đưa tay sờ lên cổ mình, hành động ngón tay giống như là một thói quen hay nắm lấy sợi dây chuyền cổ. Chính là đây! Tại sao tôi lại không phát hiện ra điểm này ở những lần xem trước nhỉ? Sợi dây chuyền mà tôi nhặt được hôm trước chính là sợi dây chuyền của cô ta, hành động đưa tay giống như nắm lấy sợi dây chuyền chính là một hành động bản năng của cô ta, dù sợi dây chuyền trên cổ đã mất nhưng đã là thói quen thì khó bỏ. Giống như thói quen hay quệt tay qua mũi, thói quen hút thuốc sau giờ làm việc của một người. Hoặc là thói quen thích vặn mình vươn vai mỗi khi hoàn thành xong công việc nào đó. Mỗi thói quen, mỗi hành động sẽ làm nên đặc trưng của người đó.

Hành động hay đưa tay nắm lấy sợi dây chuyền? Trong ấn tượng của tôi thì hình như đã gặp ai đó làm hành động này. Ấn tượng đó đã từng lưu lại trong trí nhớ của tôi, sao lại có thể biến mất vào giờ phút quan trọng này chứ? Nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ muốn nổ tung cả bộ não, cuối cùng cả người tôi sững lại khi chợt nhớ ra người duy nhất hay làm hành động này…chính là…Nguyễn Thanh Trúc!!!

***

Đêm đó, lại là một đêm tôi không thể chợp mắt nổi. Càng nghĩ lại mọi chuyện tôi càng cảm thấy như có ai đập mạnh vào đầu mình. Sau khi nghĩ thông suốt tôi mới nhận ra, cũng đúng thôi, nếu Trúc là hung thủ thật sự thì cũng chẳng có gì lạ lẫm quá. Vì thứ nhất cô ta yêu anh đến mức điên cuồng như thế thì chắc chắn cô ta sẽ hận tôi tới thấu xương tủy. Thứ hai đến chị gái cô ta mà cô ta còn nỡ lòng ra tay thì nói gì đến một người không hề quen như Phương. Con người này..dường như đã mất hết sạch nhân tính thật rồi…con người này… đã không phải là một con người bình thường nữa!!!

Đợi trời sáng lên tôi lập tức liên hệ với luật sư Dương và Nam. Sau khi nghe xâu chuỗi lại sự việc và đưa ra cái tên nghi phạm thì cả hai đều gật đầu. Nam nói:

– Vậy tôi sẽ cho người theo dõi cô ta.

– Nhưng hiện tại tôi sợ tìm tung tích cô ta hơi khó. Vì cô ta đã bị đuổi ra khỏi nhà. Làm việc hay sinh sống ở đâu đến anh Hoàng cũng không biết.

– Cô Linh, cô đừng lo, đó là sếp Hoàng không điều tra thôi. Đằng sau sếp Hoàng luôn có một đội quân rất giỏi, đến việc cô sang Thuỵ Điển sếp còn tìm ra được cơ mà. Nếu cô ta chỉ sinh sống trong khu vực thành phố Hà Nội này thì lại đơn giản.

Tôi nghe vậy cũng cảm thấy yên tâm phần nào, rồi tôi chợt nhớ Hoàng từng nói trợ lý cũ của anh có quan hệ thân thiết với Trúc, tôi hỏi lại cho chắc:

– Nhưng trong đội quân đó có người nào có quan hệ thân thiết với cô ta không? Vì theo như anh Hoàng kể thì trợ lý cũ của anh cũng từng thông đồng với cô ấy.

– À trợ lý Cường, người này đã bị sếp Hoàng sa thải rồi. Những người kia hoàn toàn đáng tin cậy.

– Nếu vậy thì được rồi. Nhờ cậy anh, anh nhớ dặn mọi người cẩn thận, tránh rút dây động rừng.

– Tôi biết rồi.

Sau khi Nam dứt lời thì luật sư Dương cũng nhận được cuộc điện thoại nào đó. Sau khi nghe điện thoại xong, anh quay sang bảo tôi:

– Tôi vừa nhận được tin, cách ngôi nhà bỏ hoang kia 5km có một hiệu thuốc. Hiệu thuốc này có camera soi đường, chúng ta thử đến đó xem sao.

– Vậy thì tốt quá rồi, tôi và anh sẽ đến đó. Anh Nam sẽ đi lo việc theo dõi cô ta.

– Ừ.

Chúng tôi chia việc xong thì nhanh chóng lái xe đến hiệu thuốc kia. Vì đây là một vùng khá thưa dân, hiệu thuốc nằm ở cuối dãy nhà dân xong bỏ xa một đoạn hàng cây mới tới ngôi nhà xảy ra vụ án. Ở đây đa số là dân lao động không buôn bán gì nên chỉ duy nhất hiệu thuốc này lắp camera trước cửa. Khi chúng tôi bước xuống xe, tôi vừa cất tiếng chào thì người phụ nữ kia liền tỏ vẻ không vui nói:

– Vừa nãy tôi đã nói rõ rồi, camera ngoài đường nhà tôi hỏng rồi. Vậy mà mấy người vẫn cố tình đến tiếp à?

Tôi bị lời nói này của chị ấy làm cho ngơ ngác, nhưng sau đó tôi vẫn tiến đến gần chị ấy, bình tĩnh nhẹ nhàng nói:

– Chị ơi chị có nhầm không ạ? Vì bọn em bây giờ mới tới.

– Cô đến lại hỏi về chuyện camera hay gì?

– Dạ vâng.

– Thì đó, lúc trước có 2 người đàn ông đến xin triết xuất camera rồi, nhưng khổ nỗi camera nhà tôi đã hỏng tuần nay, có đâu mà cho. Không phải là tôi khó khăn gì đâu, nhưng việc này tôi không giúp được. Tôi cũng đã giải thích kỹ càng với hai người kia vậy rồi mà hai người đó còn giở thói cáu gắt lên với tôi. Bộ tôi làm gì sai?

Thì ra tâm trạng chị ấy đang bực bội là vì vậy. Tôi cũng có thể lờ mờ đoán trong đầu hai người đàn ông đó có lẽ là người của bố chồng tôi. Tôi tiếp tục nhẹ nhàng đáp:

– Dạ vâng, nhưng thật sự em cũng không biết hai người đó là ai. Vì đây là lần đầu tiên em tới gặp chị. Mà chị cho em hỏi chút được không, chị ở gần đây chắc biết vụ án g.i.ế.t người ở ngôi nhà bỏ hoang kia chứ ạ?

Chị ấy lúc này có vẻ hạ nhiệt hơn, gật đầu nói một cách thoải mái hơn:

– Úi giời vụ c.h.ế.t người đó chấn động cả cái khu này lên, ai mà chẳng biết. Nói thật với cô từ hôm đó tới giờ tôi sợ không dám ngủ lại đây, phải chạy sang nhà mẹ đẻ ngủ nhờ suốt.

– Dạ vâng. Hôm nay bọn em tới xin triết suất camera cũng để xác nhận lại xem nghi phạm có mặt trong khu vực này tại thời điểm đó không thôi. Đáng tiếc camera lại hỏng mất rồi.

– Ừ, cái này thì tôi không thể giúp được rồi.

-Mà chị mở cửa hiệu thường là mấy giờ sáng và đóng cửa lúc mấy giờ ạ?

– À cái giờ giấc tôi mở với đóng cửa thất thường lắm. Vì con nhỏ nên không đảm bảo đúng giờ được như người ta. Nhưng thường thì 7-8 sáng. Có duy nhất cái sáng xảy ra vụ g.i.ế.t người kia thì tôi mở cửa lúc 5 giờ, cũng không hẳn là mở sớm để bán hàng, vì đêm đó con tôi nó đi tiêm phòng về quấy khóc nên tôi phải bế nó vòng quanh nhà suốt đêm.

Tôi chợt nghĩ ra vệt máu ở viên gạch chứng tỏ cô ta cũng bị thương, mà đây là hiệu thuốc, biết đâu trên đường về cô ta có ghé qua đây mua thuốc thì sao. Tôi biết khả năng đó rất thấp nhưng vẫn lôi điện thoại mở ra tấm ảnh của Trúc, tôi hỏi:

– Vậy chị có từng nhìn thấy cô gái này chưa?

Chị chủ hiệu thuốc khẽ nhíu mày chăm chỉ quan sát, vẻ mặt chị ấy ngờ ngợ bảo:

– Tôi chưa gặp cô gái này nhưng tôi có gặp một cô gái khá giống với cô gái này, nhưng không xinh được như cô gái này vì mặt cô ta có sẹo.

Tôi nghe xong không khỏi thở phào nhẹ nhõm, vì như thế là đúng rồi, Hoàng từng nói cô ta sau khi bị tai nạn nên đã bị huỷ nửa khuôn mặt, còn đây là ảnh cô ta lúc trước. Tôi phấn chấn bảo:

– Chị gặp cô ấy ở ngoài đường vì ấn tượng khuôn mặt sẹo nên nhớ sao? Vì đây là ảnh cô ấy lúc trước.

– Không, là cô ấy vào đây m.u.a thuốc sát trùng và băng gạt. Cô ấy là vị khách đầu tiên mở hàng cho tôi ngày hôm đó luôn.

– Ngày hôm đó là cái hôm xảy ra vụ g.i.ế.t người kia đúng không chị?

– Đúng rồi. Vì cô ấy có khuôn mặt sẹo nên tôi khá ấn tượng.

– Chị, chị có thể ra toà làm nhân chứng giúp em được không? Chị chỉ cần xác nhận là có gặp cô ta trong buổi sáng hôm ấy.

Nghe tôi nói vậy, chị chủ hiệu thuốc sững sờ một hồi rồi lắc đầu:

– Không được đâu, tôi biết gì đâu mà ra toà làm chứng. Tôi không muốn tham dự bất kỳ chuyện gì phiền phức.

– Cũng không có gì phiền phức lắm đâu chị, chỉ cần chị có mặt tại toà và xác nhận có gặp người phụ nữ kia là xong thôi ạ.

– Không phải là tôi không muốn giúp cô. Nhưng tôi cảm thấy thật sự không giúp được.

Tôi khẽ đưa mắt nhìn xung quanh hiệu thuốc, thấy trên tường có treo bức ảnh chị ấy với 2 đứa trẻ, chắc là 3 mẹ con nhà chị ấy. Cùng cảnh con nhỏ với nhau, tôi dùng giọng điệu của một người mẹ tha thiết nói:

– Thực ra em cũng có một đứa con trai 3 tuổi, mà bây giờ bố của con em đang bị người ta vu oan ở trong tù. Ngày kia là phiên toà chính thức bắt đầu rồi, nếu như em không thể tìm được bằng chứng chứng minh bố của con em vô tội thì cả đời này anh ấy sẽ mang tiếng hàm oan. Em rất sợ cái cảnh sau này con em lớn lên, nó biết bố mình phải ngồi tù thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nó, như một vết nhớp theo hết cuộc đời. Nếu chồng em có tội thì em sẽ không cầu xin chị thế này, nhưng quan trọng là anh ấy vô tội chị ạ.

Chị ấy nghe tôi nói xong liền thay đổi ánh mắt thương cảm dành cho tôi, sau đó chị ấy thở dài bảo:

– Nhưng cho dù tôi ra toà làm chứng thì đâu thể chứng minh chồng cô vô tội được?

– Chỉ cần như vậy là đủ lắm rồi chị ạ. Chị giúp em nhé.

Chị ấy suy nghĩ một hồi, thái độ vẫn có chút khó xử. Cuối cùng mất một lúc rất lâu mới gật đầu đáp:

– Cho tôi số điện thoại của cô. Còn số điện thoại ở biển hiệu là số của tôi, cô lưu vào.

Tôi mỉm cười gật đầu, trong lòng tràn đầy sự cảm kích dành cho chị ấy:

– Em cảm ơn chị ạ.

– Không có gì, vì cùng cảnh con nhỏ tôi cũng hiểu nếu như không có bố bên cạnh sẽ thiếu thốn tình cảm mức nào. Thực ra chồng tôi cũng mới mất cách đây 2 tháng.

Tôi nhìn chị ấy, chẳng biết nói gì hơn ngoài động viên và an ủi. Đúng là cùng cảnh làm phụ nữ, cùng cảnh làm mẹ, chỉ có trái tim mới chạm đến trái tim. Sau đó tôi và luật sư Dương cùng nói lời cảm ơn chị ấy rồi lên xe ra về. Luật sư Dương bảo tôi:

– Đúng là trước giờ tôi cứ tưởng cái gì mình cũng làm được. Nay chứng kiến cô nói chuyện với người phụ nữ kia, tôi mới hiểu có những thứ mình không thể làm được. Tôi thật sự rất khâm phục cô đấy Linh.

– Sao anh lại khâm phục tôi. Tôi có gì đâu mà khiến anh khâm phục.

– Cô rất bản lĩnh và thông minh, rất biết cách chi phối cảm xúc của người khác. Bảo sao cậu Hoàng gạt bỏ cả một rừng hoa để chọn một bông hoa là cô.

– Anh cứ khen tôi quá rồi. Thực ra tôi mạnh mẽ được đến giờ phút này là vì anh ấy thôi. Cứ nghĩ đến cảnh anh ấy thay mình chịu khổ, tôi không cho phép mình gục ngã.

Luật sư Dương khẽ cười, tôi hỏi tiếp:

– À mà anh đã cho giám định lại vết máu trên viên gạch kia để chứng minh nó không phải vết máu của tôi hay của nạn nhân chưa?

– Tôi làm rồi, cũng đã có kết quả để hôm đó chứng minh trước toà rồi.

– Cảm ơn anh nhiều.

– Bên nhà nạn nhân, có vẻ nóng lòng để kết tội cậu Hoàng lắm rồi. Nên đã bất chấp thuê một người làm nhân chứng giả.

– Tôi cũng có nghe anh Nam nói, bởi vậy mới khởi kiện được sớm. Mà mấy nay anh có liên hệ gì với luật sư bên bố anh Hoàng không?

– Đâu cần liên hệ vì chúng tôi sống chung một nhà mà.

– Hả? Như vậy là sao?

– Thực ra luật sư Minh đó là anh cả của tôi.

– Không ngờ nhà anh lắm nhân tài quá.

– Quá khen.

Lúc gần về đến trung tâm thành phố, tôi bất ngờ nhận được tin nhắn từ mẹ Hoàng gửi đến. Bà gửi cho tôi tấm ảnh của Hiếu và bà chụp cùng nhau, hai bà cháu đang nặn bánh cá rất vui vẻ. Dưới bức ảnh còn kèm theo dòng tin nhắn:

– Mẹ Linh yên tâm, Hiếu rất ngoan!

Tôi nhìn bức ảnh, tự nhiên xúc động đến nghẹn ngào, bao nhiêu mệt mỏi trong mấy ngày qua như dần tan biến theo mây khói. Hiếu ở bên bà, tôi có thể hoàn toàn yên tâm để cố gắng giành chiến thắng trong trận chiến khốc liệt sắp tới!

Tôi nhắn lại cho bà một tin rồi nhìn xuống đồng hồ trên tay mình, suy nghĩ một chút tôi hỏi luật sư Dương:

– Anh biết nhà cô Nguyễn Thanh Trúc chứ?

– Tôi biết, vì bố cô ấy là ông Nguyễn Ngọc Thạnh, một doanh nhân cũng khá có tiếng. Tôi đã từng làm luật sư trong một vụ kiện tranh chấp đất đai cho ông ta.

– Anh lái xe cùng tôi đến nhà gặp ông ấy được chứ?

Nghe tôi nói xong, luật sư Dương sững sờ quay sang nhìn tôi:

– Cô đang muốn đến nhà gặp bố mẹ của nghi phạm đó.

– Vâng, tôi biết. Tôi muốn nói chuyện với họ về chiếc vòng.

– Làm sao có thể được, dù gì họ cũng là bố mẹ cô ta.

– Tôi muốn thử 1 lần. Với tôi lúc này, khó mấy tôi cũng muốn thử, miễn là liên quan tới vụ án.

Tôi dùng giọng nói đầy kiên định đáp lại, luật sư Dương khẽ thở dài một hơi rồi đáp:

– Được, vậy tôi sẽ đi cùng cô.

Lúc chiếc xe dừng trước cổng căn biệt thự trắng ngà xa hoa lộng lẫy, lúc này tôi mới hiểu cái mà môn đăng hộ đối mẹ chồng tôi từng nói là gì. Tuy vẫn thua kém nhà anh nhưng không thua quá xa xôi giống như nhà tôi. Luật sư Dương chủ động bước xuống xe nói chuyện với bảo vệ trước. Sau đó bảo vệ bật bộ đàm nói chuyện với ai đó trong nhà, được sự cho phép thì chúng tôi mới được vào bên trong. Qua một lát, bảo vệ nói:

– Ông chủ đi vắng rồi, có mình bà chủ trong nhà. Cô cậu vào đi.

– Cảm ơn chú.

Khi chúng tôi bước vào trong nhà thì thấy một người phụ nữ đang ngồi đọc báo trên ghế, người này từ cách ăn mặc lẫn tác phong đều toát ra vẻ cao sang nhưng sắc mặt lại vô cùng tiều tuỵ. Tôi đoán đây chính là mẹ của Trúc. Sau đó Dương và tôi chủ động lên tiếng chào bà. Bà nhìn chúng tôi, gật đầu đáp:

– Cô cậu ngồi xuống đi.

Sau đó bà sai người pha trà. Luật sư Dương cười nhẹ hỏi:

– Cô dạo này khỏe không ạ?

– Cảm ơn cậu, tôi giờ cũng càng ngày càng có tuổi rồi nên sức khỏe không tốt như trước nữa.

– Dạ vâng.

Sau đó bà quay sang nhìn tôi, nhíu mày hỏi:

– Hình như cô là…vợ cũ cậu Hoàng?

Tôi hơi bất ngờ khi bà nhận ra tôi, vì tôi và bà chưa từng gặp nhau lần nào. Tôi lễ phép đáp:

– Dạ vâng ạ. Cháu tên Linh, rất vui được gặp cô ạ.

Bà khẽ gật đầu, sau đó cũng không vòng vo mà hỏi thẳng vấn đề:

– Vậy hôm nay cô cậu tìm tôi có chuyện gì không? Chắc chẳng tự dưng mà cô cậu tìm đến đây.

Tôi chủ động lên tiếng trả lời thay luật sư Dương:

– Dạ vâng, thú thật với cô hôm nay cháu tới tìm cô là có việc muốn thưa. Cháu nghĩ chắc cô đã nghe đến chuyện anh Hoàng.

– Tôi có nghe chồng tôi nói, nhưng chuyện đó thì liên quan gì đến tôi?

Tôi rút trong túi xách ra chiếc dây chuyền hôm trước nhặt được ở hiện trường, tôi hỏi:

– Cô nhận ra sợi dây này của ai không ạ?

Bà sau khi nhìn chiếc dây chuyền trên tay tôi, sắc mặt liền thay đổi. Bà buột miệng nói:

– Tại sao cô lại có sợi dây chuyền này? Đây là sợi dây chuyền của cái Trúc nhà tôi, cô đã gặp nó ở đâu?

Sau khi nghe được câu trả lời mình mong muốn, tôi thả lỏng người đáp:

– Cô chắc chắn đây là dây chuyền của con gái cô chứ ạ?

Bà vừa định trả lời thì chợt sững lại, sau đó suy nghĩ một lát mới nói:

– Tôi hỏi cô, sao cô lại có sợi dây chuyền?

– Sợi dây chuyền này cháu đã nhặt được ở trong hiện trường vụ án.

Chắc có lẽ bà không thể ngờ rằng sợi dây chuyền tôi nhặt được ở trong hoàn cảnh trớ trêu như vậy nên sửng sốt một hồi, cất giọng nói đầy gấp gáp:

– Cái Trúc và gia đình tôi đã đoạn tuyệt quan hệ rồi, lẽ ra những việc liên quan đến nó cô không nên đến đây hỏi tôi.

– Cháu biết, cháu cũng đã nghe anh Hoàng kể lại. Nhưng cô à, hiện tại con gái cô đang là tình nghi gây ra cái chết của cô Phương đó ạ.

Bà nghe tôi nói đến đây, đột nhiên trừng lớn đôi mắt:

– Dựa vào đâu mà cô nói nó là tình nghi, trong khi công an đã bắt thằng Hoàng vào tù?

– Dựa vào rất nhiều bằng chứng mà cháu tìm hiểu, bao gồm cả sợi dây chuyền này. Cháu không muốn nói lại quá khứ đau buồn của Thanh Trúc gây ra cho chị gái mình là Ngọc Trúc. Nhưng cô thử nghĩ đi, đối với chị gái mình mà cô ấy còn không tha, thử hỏi người ngoài có là gì. Cháu cũng đang làm mẹ, cháu tin cô cũng không muốn con gái mình sai lại càng sai nữa.

– Cô im đi, cô biết gì mà nói. Với tôi đã nói rất rõ với cô rồi, nhà tôi và nó đã đoạn tuyệt quan hệ, nên đừng nói chuyện liên quan tới nó với tôi.

– Cháu muốn cô ra toà làm chứng để xác nhận đây là chiếc vòng của con gái cô. Được không ạ?

– Tôi không biết, không biết gì cả. Tôi mệt rồi, hai người về đi, tôi không tiễn!!!

Nói xong bà ôm ngực đứng dậy bước đi. Sau đó một người giống quản gia tiến tới nói:

– Mời hai người ra về. Bà chủ chúng tôi cần nghỉ ngơi.

Sau khi ra tới cổng, chắc có lẽ luật sư Dương vẫn khó hiểu tại sao tôi lại đi gặp mẹ Trúc nói những điều này, nên anh hỏi:

– Cô biết rõ người ta là mẹ con, dù con họ có sai thì họ cũng không bao giờ nỡ lòng vạch tội con mình. Lời cầu xin chỉ là vô ích.

– Tôi biết. Nhưng tôi đã có câu trả lời mình muốn, dù cách này hơi hèn mọn.

Nói xong tôi lấy điện thoại ra cho luật sư Dương xem, toàn bộ quá trình nói chuyện vừa nãy đã được tôi ghi âm lại. Tôi chuyển trực tiếp file ghi âm sang máy luật sư Dương một bản, tôi bảo:

– Cái này làm bằng chứng chứng minh chiếc vòng kia của cô ta được chứ?

Luật sư Dương ngơ ngác nhìn tôi, anh khẽ cười:

– Tôi lại càng khâm phục cô hơn rồi đấy!

– Chúng ta về thôi!

*******

Đêm trước ngày ra toà luôn là thời khắc quan trọng nhất. Trong đêm đó, cả tôi và luật sư đều cũng đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Sáng hôm sau luật sư Dương đến toà chuẩn bị trước, Nam qua nhà đón tôi đến sau. Mặc dù tin tức đã bị bố chồng tôi phong tỏa nhưng chắc hôm nay các phóng viên đều do nhà Phương mời đến nên lúc chúng tôi đến các phóng viên đã đứng đông ở trước cửa toà án. Khi người nhà của Phương đến, ngay lập tức các phóng viên bủa vây lấy họ bằng những câu hỏi như lũ quét. Đúng lúc này tôi cũng bắt gặp ánh mắt của mẹ Phương đang nhìn mình tựa như một con dao xiên qua trái tim tôi. Nam đứng bên cạnh bảo tôi:

– Chúng ta vào trong thôi.

– Anh đã tìm thấy tung tích của cô ta chưa?

– Cô ta đang ở bên trong.

– Vậy thì tốt rồi. Tôi cũng nghĩ cô ta làm sao cam tâm để người mình yêu chịu tội oan, nhất định sẽ đến xem toà xét xử.

Lúc bước vào bên trong tôi thấy Trúc bịt khẩu trang, đeo kính râm kín mít ngồi bên cùng hàng ghế với người nhà Phương. Nhưng bây giờ có chết tôi cũng nhận ra cô ta, tôi giả như không để ý mà cùng Nam đi về phía hàng ghế bên bị cáo. Trước khi phiên toà chính thức bắt đầu khoảng 5 phút thì bố chồng tôi cũng có mặt, ông ngồi trên hàng ghế của tôi. Sau khi xác nhận lại thân phận của bị cáo, thông báo cho các bên quyền lợi và nghĩa vụ của mình, phiên toà bắt đầu bằng việc đọc bảng tuyên đọc bản cáo trạng. Vị thẩm phán dõng dạc nói:

– Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm Xx, công khai xét xử vụ án g.i.ế.t người ngày 19 tháng 11 năm Xx. Căn cứ vào các điều khoản của bộ luật tố tụng hình sự. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự, quyết định xét xử đối với bị cáo Trịnh Minh Hoàng hiện là tổng giám đốc tập đoàn Tencent bị truy tố về tội g.i.ế.t người. Tiếp theo, yêu cầu thư ký phiên toà báo cáo sự có mặt và vắng mặt của những người được triệu tập trong phiên toà ngày hôm nay.

Sau khi thư ký phiên toà báo cáo xong, phiên toà bắt đầu đi vào giai đoạn đối chứng.Nhân chứng đầu tiên được triệu tập lên chính là một người phụ nữ rất trẻ, chỉ khoảng chừng 25-26 tuổi. Cô ta tuyên thệ và chịu trách nhiệm những lời chứng của mình. Cô ta nói cô ta là người đầu tiên báo án, cũng là người tận mắt nhìn thấy Hoàng g.i.ế.t hại Phương.

Luật sư bên nguyên lên tiếng:

– Nhân chứng, mời cô kể lại tình hình ngày hôm đó một cách chi tiết!

Dường như tâm trạng cô ta đang rất lo lắng và hồi hộp nên lời kể cũng liên tục bị đứt quãng:

– Tôi làm ở công ty sản xuất đồ chơi cách đó 8km, vì hôm đó đi làm ca đêm nên tờ mờ sáng hôm đó tôi đi về, đến đoạn ngôi nhà hoang tôi có nghe thấy tiếng hét của một người. Vì tò mò nên tôi dừng xe lại, tôi có ngó qua khung cửa sổ thì thấy nạn nhân nằm xuống đất với một vũng máu lớn. Còn bị cáo, tay cầm con dao, trên con dao vẫn đang nhỏ máu từng giọt. Sau khi đâm một nhát vào bụng nạn nhân vẫn chưa c.h.ết nên bị cáo đã đâm tiếp một nhát dao thứ 2 vào ngực.

Luật sư bên nguyên hỏi tiếp:

– Cô chắc chắn nhìn rõ mặt bị cáo chứ?

– Tôi…tôi chắc chắn!

Luật sư bên nguyên hỏi thêm mấy vấn đề nữa rồi mới ngồi xuống. Luật sư Dương nhìn tôi, khẽ gật đầu, sau đó Luật sư Dương đứng lên nói lớn:

– Thưa toà, nhân chứng nói hoàn toàn sai sự thật. Vì tôi biết hung thủ là ai, không phải là bị cáo Trịnh Minh Hoàng.

Tất cả mọi người trong phòng đều quay sang nhìn nhau xì xào, thẩm phán gõ búa một cái cho trật tự lại rồi hỏi:

– Luật sư là ai? Yêu cầu ông nói rõ tránh làm mất thời gian. Cơ sở nào nói bị cáo không phải hung thủ?

– Thưa toà, bởi vì hôm xảy ra vụ án cô Vũ Tuệ Linh mới là người có mặt ở hiện trường chứ không phải anh Trịnh Minh Hoàng và xin tòa cho tôi được làm luật sư biện hộ cho cô Vũ Tuệ Linh.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.