Đã hơn bảy giờ tối, trời mùa hè thời gian ngày dài hơn đêm nên chưa tối hẳn. Thế nhưng, cho dù đã tắt nắng từ lâu mà bầu không khí đâu đâu vẫn nóng bức ngột ngạt đến nghẹt thở, cũng chả khác chi một nồi thuốc mầm trên chốn nhân thế.
Vừa về đến sảnh Vũ Huỳnh đã vội vàng xuống xe, anh mỏi mệt vô thức dắt xe qua cửa chốt bảo vệ. Chả giống ngày thường anh hồ hởi nói cười là thế, vậy mà hôm nay chẳng nói chẳng rằng cứ cúp đít lẳng lặng đi thẳng, cũng quên luôn không cả lấy vé.
Thấy vậy, nhưng bác Hải trông giữ xe của cả khu tập thể Báo Nhân Dân Thủ Đô này cũng không giận dỗi mà để bụng. Bác nheo nheo đôi mắt già nua nhìn theo, chỉ khẽ lắc đầu ái ngại mà than thầm:
– Khổ thân cho cô cậu nhà báo quá! Tự nhiên tai bay vạ gió ở đâu bỗng quàng quải vào người.
Nói về câu chuyện này thì chắc phải bắt đầu kể đến. Thời gian vào khoảng mười ngày trước đấy, tin về bé Long con trai vợ chồng nhà báo Huỳnh Chi bỗng nhiên mất tích. Liền sau đấy đã trở thành tâm điểm gây xôn xao, được mang ra xì xào bàn luận cho cả khu phố. Phần đa thì ai nấy cũng đều cảm thông cho sự việc đáng tiếc mà vợ chồng nhà báo phải gánh chịu. Bao năm rồi, mọi người cùng nhau chung sống trong một khu nhà tập thể này, cũng chưa từng thấy vợ chồng bọn họ lớn tiếng cãi vã hay có một điều tiếng gì đó với ai. Kể ra thì cũng tội thật, lấy nhau đến hơn chục năm rồi, thuốc thang chạy chữa đủ kiểu mãi mới may mắn có được mụn con. Thế mà giờ này lại xảy đến cơ sự như vậy, thử hỏi ai mà không thương xót cho được cơ chứ.
Đã nhiều ngày rồi, kể từ lúc con trai mất tích, vợ chồng anh cũng đã làm đơn trình báo các cấp chính quyền, cùng toàn thể các ban ngành giới chức. Hy vọng rằng, trong thời gian ngắn nhất sẽ tìm được manh mối của bé Long. Dù rằng là vậy, nhưng thời gian đã trôi qua nhiều ngày như vậy rồi mà một chút thông tin tung tích của con vẫn bặt vô âm tín, vợ chồng họ vẫn phải thấp thỏm ngóng chờ trong vô vọng.
Vũ Huỳnh cũng chẳng khác gì vợ, lòng anh cũng đang nóng còn hơn lửa đốt. Là trụ cột trong gia đình, nên anh đành phải tỏ ra cứng rắn để kịp thời động viên cùng xoa dịu nỗi đau mất mát lớn lao ấy. Mấy ngày hôm nay anh vẫn lên cơ quan, nhưng cũng chủ yếu là gọi điện nhờ các mối thâm tình, mong dò hỏi hay có cách nào tìm lại được con trai sớm nhất. Thực sự thì mấy ngày nay, đầu óc anh dường như đã mụ mẫm hết cả, có làm được cái việc gì ra hồn đâu chứ. Lúc phi xe từ tòa soạn về nhà, tâm trí còn để trên mây nên trên đường đã mấy lần anh lạc tay lái suýt gây tai nạn nghiêm trọng.
Hôm nay cũng thế, trong đầu chả hiểu ngẫm nghĩ thế nào mà trên đường về nhà, anh lại phóng xe ngược lên mãi tận Hồ Tây. Sau đấy thì lẳng lặng rồi thẫn thờ cứ đứng ở đó mà ngắm nhìn mặt hồ mãi. Đến giờ cũng vậy, anh bước đi trong vô định, mọi ý nghĩ suy tư đã lạc mất ở đâu đâu rồi không biết. Cứ thế, nó theo cảm tính mà vẫn bước dần được lên gác hai, tìm về căn phòng quen thuộc. Trên suốt quãng đường ấy, cho dù anh có gặp được ai thì cũng vô cảm mà không nói không cười lấy một tiếng. Kể cả vừa lúc này đây, anh bước đi giáp mặt với các cô các bà trong cùng khu phố. Họ còn chủ động đánh tiếng hỏi anh đến mấy lần, vậy mà anh còn không hay biết. Nhưng rồi họ cũng cảm thông mà túm tụm nhau lại, cứ nhỏ to xì xào bàn tán:
– Khổ thân! Thằng bé hãy còn nhỏ, mà nó rõ là ngoan lắm. Chả biết giờ này nó đang ở đâu? Liệu rằng có được bình an hay không nữa? Mà cũng thật tội cho vợ chồng nhà anh chị ấy, mong là các cơ quan giới chức sớm tìm ra manh mối về thằng bé.
Vũ Huỳnh đã về đến cửa từ lâu, nhưng anh vẫn ngập ngừng mà đứng ở đó mãi. Tại làm sao chứ? Vì lý do gì mà kể từ khi con trai anh mất tích đến nay, ngôi nhà nhỏ vốn dĩ vô cùng ấm áp quen thuộc này, ngôi nhà thân thương mà ngày ngày cứ hễ hết giờ tan sở là anh lại muốn mau chóng về ngay với nó. Thế mà hôm nay, ngay tại giờ phút này đây anh lại run sợ, anh sợ cái cảm giác phải đối diện với sự thật, còn có lúc anh muốn phó mặc rồi trốn chạy tất cả nữa cơ. Nhưng cho dù có thế nào đi nữa thì anh vẫn phải cố gắng đứng vững rồi nén chịu, vì bên trong ngôi nhà ấy anh không đơn độc, anh vẫn còn có vợ cùng bà ngoại bé Long là điểm tựa nữa.
Thôi, tạm gạt bỏ tất cả mọi chuyện sang một bên cái đã, anh quyết định mở cửa bước vào. Bỗng anh giật nảy mình kinh hãi vì vừa đập vào mắt mình là hình ảnh người vợ yêu dấu đang ngồi thu lu bên góc cửa. Chỉ thiếu chút bình tĩnh thì anh đã suýt bật ngửa mà ngã lăn xuống sàn. Trời lúc này đã tối hẳn, vậy mà vợ anh vẫn không bật đèn. Trong lúc tranh tối tranh sáng ấy, vợ anh lại ngồi yên bất động, tóc tai thì bù xù, mặt mũi lấm lem xanh lè xanh lét nhìn đến ngây dại.
Thấy thế thì Vũ Huỳnh vội vàng đưa tay bật đèn rồi lao đến dìu vợ lên ghế, miệng không ngừng xuýt xoa nói:
– Trời ạ! Em làm sao thế này? Trời tối vậy rồi sao em không bật đèn mà lại ngồi đây? Thôi nào, phải ngồi lên bàn này chứ. Đợi chút, để anh đi nấu ù nắm gạo cho cả nhà mình ăn cơm, bà ngoại còn phải uống thuốc nữa đấy.
Vừa dứt lời, anh còn chưa kịp định thần trở lại thì bỗng từ phòng trong, bà Nơ Lan mẹ vợ anh tự nhiên hét ầm lên kinh hãi đến cực điểm rồi cứ vậy tá hỏa chạy ra. Vừa nhìn thấy con rể con gái đứng đó, thì lập tức bà ngẩn người ra, mặt ngờ nghệch ngây dại đến là tội. Bỗng chốc, bà ngửa cổ lên mà cười hềnh hệch mãi. Chả là bao năm nay, mẹ vợ anh mắc phải chứng bệnh tâm thần phân liệt dạng nhẹ. Cho tới vài năm gần đây, dưới quê bà cũng không còn có người thân thích nào nữa. Vì thế, nên vợ chồng anh chị quyết định đón bà lên sống cùng. Cả cuộc đời bà Nơ Lan đã phải chịu đựng sự dày vò thống khổ từ bệnh tật, đến khi chồng mất sớm, một thân một mình bà vò võ vất vả nuôi con gái trưởng thành. Nay lúc về già, chỉ có mỗi đứa cháu ngoại sớm hôm bầu bạn. Thế rồi, sau cú sốc lớn lao ấy, tự nhiên bệnh của bà lại càng thêm trở nặng.
Sau một hồi hết khóc lại cười, hết cười lại mếu, lúc này cái miệng bà Nơ Lan ngoác rộng cứ méo xệch đi, để lộ ra cả hàm răng trên dưới đâu đó rụng mất vài cái. Cuối cùng thì hai hàm răng ấy lại cứ nghiến vào nhau, nó nghiến qua nghiến lại kêu lên trèo trẹo, dường như sắp có thể vặn nát quai hàm đến nơi rồi ấy chứ. Đột nhiên bà
Nơ Lan mẹ vợ anh liền trở nên hung dữ, tròng mắt bà tự khi nào đã không còn trắng đen phân rõ, nó đỏ ngầu lên sắc giận.
Giờ phút này thì bà đã không còn nhận ra được con mình đang đứng trước mặt nữa rồi, mắt long lên sòng sọc rồi bất chấp tất cả lao tới cào cấu cắn xé kịch liệt, miệng vẫn không ngừng hét lớn:
– Quỷ.. quỷ! Kẻ dẫn hồn của quỷ đến rồi. Chúng bay trở lại làm gì nữa chứ? Mau trả lại cháu trai cho ta.
Mặc cho mẹ cào cấu rồi cắn xé chị đến sứt tay chảy máu, vậy mà chị Chi vẫn cố lao tới. Chị cùng chồng ôm giữ lấy mẹ, rồi vỗ về động viên bà mãi. Một hồi thì bà Nơ Lan cũng bình tâm lại được, nhưng toàn thân bà vẫn không ngừng run rẩy, cứ nép mình nằm gọn trong vòng tay con gái.
– Mẹ à.. Cái gì mà là kẻ dẫn hồn thế mẹ? Thật là khổ thân cho mẹ, nghĩ nhiều quá thành thử bệnh tình lại nặng thêm mất rồi.
Cho tới lúc này thì Vũ Huỳnh chồng chị mới lên tiếng:
– Em à! Thôi đừng hỏi mẹ như thế nữa, mẹ đang hoảng loạn không có tốt đâu. Mà em dìu mẹ vào nhà trong nghỉ ngơi đi, anh tranh thủ cắm lấy bát gạo, cả nhà vẫn phải cố gắng ăn uống mới giữ sức khỏe em ạ.
Sau đấy anh chán nản xoay gót bước vội về phía nhà bếp, nhưng rồi ngẫm nghĩ thế nào liền quay lưng nhìn vợ một cái mới ngập ngừng nói tiếp:
– Em này! Anh xin lỗi nhé. Giá như anh không bảo thủ mà nghe lời em thì chắc đâu đến nông nỗi này. Hôm đó cứ dứt khoát từ chối không nhận những bằng chứng ấy, cùng viết bài tố giác tập đoàn Hải Phong thì có lẽ cả nhà chúng ta vẫn còn có cuộc sống an vui hạnh phúc em ạ.
– Thôi anh.. Cái gì tới nó cũng tới rồi. Không biết giờ này con chúng ta đang ở chốn nào, liệu rằng nó có được an lành không nữa?
Thực ra, nếu xét trên quan điểm đạo đức nghề nghiệp thì anh đâu có lỗi gì. Chỉ trách một điều là chúng ta phận mọn, thật khó để tránh né hay đương đầu cùng với thế lực ngầm lớn mạnh như họ.
– Anh à.. Thế hôm nay anh lên tòa soạn, có nhờ cậy được thêm bên nào mong truy tìm ra tung tích con mình hay không?
– Ừ, anh gọi điện đi khắp các chốn rồi, nhưng có vẻ em nói đúng. Thế lực Hải Phong quá lớn, chỗ nào cũng sợ mắc vạ cho nên chỉ hứa hẹn qua loa rồi từ chối khéo.
Mà hôm nay lão Hãn tổng biên tập còn gọi riêng anh vào phòng, lão thẳng thừng gạt phắt anh ra khỏi dự án ấy, cũng không cho tham gia vào mấy vụ trước nữa, còn yêu cầu anh phải bàn giao tất cả hồ sơ cho cậu Thái tập sự. Xong rồi lão ta còn úp úp mở mở, nói rằng mình cứ ở nhà nghỉ ngơi một thời gian mới cú chứ. Vậy thì.. chả là lão ta đã sa thải mình rồi chứ còn là gì nữa.
– Hừ! Đúng là cái thói đời này, sao nó khốn nạn đến thế không biết?
Càng nghĩ đến anh lại càng thấy sự việc lần này quá mức nghiêm trọng rồi đấy, hồ sơ anh tham gia không đơn giản chỉ là vụ việc xô xát hay tranh chấp giải phóng đền bù đất đai nơi cánh đồng “Nưa” của huyện “Việt Xuân” nữa đâu em ạ. Mà mấy ngày rồi anh luôn có cảm giác, giống như gia đình chúng ta đang bị kẻ khác theo dõi rình rập thì phải?
– Thế ạ? Anh có đa nghi quá lên không đấy?
– Anh không rõ lắm, những linh tính trực giác mách bảo khiến anh cứ thấy không yên tâm chút nào.
– Anh này! Thế tập hồ sơ cùng cái usb bằng chứng ấy, anh có giao lại cho lão Hãn hay cậu Mạnh bên đội trọng án không ạ?
– Không em.. Hôm nay lão Hãn cũng khăng khăng đòi anh phải giao nộp toàn bộ số bằng chứng ấy, nhưng anh không chịu, anh đã cất giấu nó ở một nơi bí mật an toàn rồi.
Sự tình càng lúc càng nghiêm trọng, mình đâu thể tin tưởng mà vội vàng uỷ thác bấu víu vào đâu được. Trong tay nắm giữ số bằng chứng ấy lúc này, mới chính là lá bùa cứu cánh hữu dụng tốt nhất, giúp bảo vệ giữ cho mình sống lâu hơn một chút.
– Thôi được rồi.. lúc này vẫn cứ phải vững tâm lên em ạ. Theo anh suy đoán thì con mình mất tích chắc chắn có liên quan tới tập đoàn Hải Phong, họ đã ngấm ngầm ra tay với chúng ta rồi. Vì rằng những bằng chứng đó đang gây bất lợi cho một số người đứng sau tập đoàn lớn ấy, nếu đúng như anh suy đoán thì hiện tại con mình vẫn được an toàn. Mình cứ lặng lẽ chờ xem động thái của bọn chúng thế nào cái đã, rồi mới có thể tính tiếp được.