Ta sống lại rồi, trở lại ba năm trước, quay về năm mười ba tuổi.
Rõ ràng trước đó ta còn đang bệnh rất nặng, cha mẹ thương xót đưa ta lên chùa cầu phúc, bệnh tình mới thuyên giảm..
À ta nhớ ra rồi, trên đường về chúng ta gặp thích khách, cha mẹ vì bảo vệ ta mà không tiếc hi sinh thân mình, chỉ tiếc là động tĩnh quá lớn, ta không qua khỏi.
Hiện tại ta đang ở sơn trang Diên Thủy. Nơi này có sông có núi, không khí trong lành, thích hợp dưỡng bệnh.
Nha hoàn Tứ An đẩy cửa đi vào, đặt bình hoa ly trắng lên bàn. Một cánh hoa tươi tốt bỗng rụng xuống, cô bé cuống cuồng cầm lấy gắn lại vào bông hoa.
?
Tỷ ấy thật là, lúc nào cũng vụng về.
Ta vén chăn lên ngồi dậy, mới đưa tay lên chưa kịp nói gì, Tứ An đã cướp lời: “Tiểu thư muốn thêu nốt khăn tay đúng không? Ta đã bảo rồi, ngủ một giấc cho khỏe rồi hẵng làm mà, người phải cẩn thận sức khỏe của mình chứ.”
Nói vậy chứ cô ấy vẫn chạy ra lấy khung thêu đặt trên giường quý phi đưa cho ta.
Tứ An đã ở bên ta từ nhỏ, chẳng khác gì tỷ tỷ ruột của ta cả, tuy có hơi nhanh ẩu đoảng nhưng vô cùng tốt với ta, tới lúc xuất giá vẫn không yên tâm về ta.
Ta cầm lấy, ngón tay trắng nõn mảnh khảnh nhẹ nhàng vuốt ve hình thêu hoa huệ trắng còn dang dở trên chiếc khắn tay, vẻ mặt đăm chiêu. Bây giờ ta có nên thêu nốt phần còn lại của bông hoa không nhỉ?
Đúng rồi, ta phải đi gặp cha mẹ nữa. Họ đã vất vả vì ta bấy lâu nay rồi.
Ta đặt khung thêu xuống, vén chăn ra định xuống giường. Tứ An vội ngăn cản: “Tiểu thư, người còn đang bệnh mà! Người cứ nằm trên giường thêm chút nữa đi.”
Ta nghe vậy, bèn nói một cách từ tốn: “Tứ An à, tỷ yên tâm. Ta đỡ hơn rồi. Không tin tỷ xem này.”
Nói xong ta liền xoay vài vòng làm Tứ An sợ trắng mặt, vội chạy tới, bắt lấy tay ta khóc lóc: “Tiểu thư, người đừng như vậy nữa, đừng dọa nô tỳ!”
Ta thở dài, sao Tứ An này không nghe ta nói chứ. Ta xoa đầu Tứ An, nhẹ nhàng an ủi: “Tứ An, đừng khóc nữa. Đây, tỷ nhìn ta đi, ta không sao đúng không?”
Tứ An ngẩng đầu lên nhìn ta, thấp thỏm hỏi: “Tiểu thư, người.. thật sự không sao chứ?”
“Tất nhiên rồi.”
Luc này tỷ mới nở nụ cười. Ta hài lòng gật đầu, đoạn nói: “Được rồi, bây giờ tỷ dẫn ta ra ngoài đi dạo đi. Tỷ yên tâm, bây giờ là mùa thu, ngoài trời mát mẻ, rất thích hợp cho ta ra ngoài dưỡng bệnh. Mà đại phu cũng nói rồi, ra ngoài trời nhiều hơn sẽ giúp cho người bệnh khỏe hơn.”
Ta sợ Tứ An sẽ lại khóc lóc bèn nói một mạch hết ra.
Tỷ ấy nghe được, liền nở nụ cười tươi đến mức hai mắt híp lại.
“Vâng, tiểu thư!”
Tứ An lấy cho ta một bộ váy đỏ hồng, ở các nếp gấp còn thêu những bông hoa trắng nho nhỏ, mặc lên người vừa vặn có thể che đi sắc mặt nhợt nhạt vì bệnh của ta. Tỷ ấy còn khoác thêm một cái áo choàng bông cho ta.
Ta gật đầu, để Tứ An dẫn ra ngoài.
Từ nhỏ ta đã ốm yếu như thế này, không có thuốc nào chữa được, khó khăn lắm mới tìm được một vị thần y có thể áp chế tạm thời căn bệnh này. Nhưng thuốc có ba phần độc, cứ kéo dài mãi không phải cách hay.
Mấy năm nay ta không ở đây, không nhớ cảnh thu đổi sắc đến kinh ngạc. Cây ngọc lan trong sân đã ra hoa, hương thơm tinh khiết lẩn quanh mọi ngóc ngách. Những cây phong đã thay lá đỏ, làm nổi bật cả một vùng trời. Thời tiết bên ngoài mát mẻ đến lạ lẫm làm ta không thích ứng kịp, ho ‘khụ, khụ’ mấy tiếng. Tứ An bên cạnh hốt hoảng lấy tay vuốt lưng giúp ta nhuận khí.
“Cảm ơn tỷ, ta không sao nữa đâu.” Ta quay qua cười trấn an Tứ An.
Cô ấy cắn răng nói: “Tiểu thư, hay là.. chúng ta trở về đi.”
Ta lắc đầu, liếc mắt về phía trước, ý bảo tiểu thư nhà em mới ra khỏi cửa đấy, chưa kịp đi bước nào đâu.
Tứ An thấy ta như vậy, vội lui ra sau đỡ nàng đi.
Ta nhớ ra gì đó, hỏi Tứ An: “Mẫu thân ta đâu rồi?”
Tứ An ngẫm nghĩ: “Sáng sớm phu nhân và đại thiếu phu nhân đi thăm bệnh Thượng thư phu nhân rồi.”
Ta gật đầu, vậy đi tìm cha vậy.
Dựa theo kí ức của ta, sáng sớm là cha ta lại ở sân Lương Giang viện chơi cờ với mấy người bạn già của ông. Sau khi ông thoái quan về ở ẩn, đại ca ta kế thừa chức Hộ Quốc tướng quân, ngày nào ông cũng chơi đùa cùng mấy đứa cháu, tụ tập bạn già, sảng khoái vô cùng.
Ta đang hướng về phía Thủy Tâm viên thì gặp Tiêu quản gia đang dẫn đường cho một nam tử trẻ tuổi, sau lưng họ còn có hạ nhân đi theo.
Tiêu quản gia thấy ta thì dừng bước hành lễ: “Nô tài bái kiến Tam tiểu thư.”
Ta cũng dừng lại, gật đầu với ông ta. Hướng mắt về phía nam tử đi sau ông, ta mở miệng: “Đây là..”
Kính Vương.
Chẳng qua bây giờ ngài ấy chưa được phong vương, còn là Ngũ hoàng tử.
Tiêu quản gia giới thiệu cho ta: “Tam tiểu thư, đây là Ngũ hoàng tử. Hôm nay đại công tử mời ngài ấy tới đây thưởng rượu.”
Ta ngạc nhiên, cúi người hành lễ: “Thần nữ Ninh Lan bái kiến điện hạ.”
Ngũ hoàng tử cười cười, ra hiệu miễn lễ.
“Ta không biết là Tống tướng quân lại có con gái nhỏ như này, không những vậy mà còn là một mĩ nhân như họa nữa. Còn hơn cả Cẩm Linh cô nương.”
Cẩm Linh cô nương nhà Trần Thượng thư là tài nữ Vân thành, tinh thông cầm kì thi họa, lại giỏi bắn cung cưỡi ngựa.
Lúc ta mười lăm tuổi, nàng ấy gả cho Dương tam thiếu nhà Thái phó, ngày nào trong nhà ấy cũng cực kỳ náo nhiệt. Nghe kể lúc nàng ấy sinh được nữ nhi đầu lòng, đôi phu thê cãi nhau ỏm tỏi đòi quyền đặt tên.
Sau đó nữ nhi họ tên gì nhỉ, à, bé tên Nhu Ngọc, chẳng giống hai phu thê gì cả.
Ta từng hâm mộ hai người đó vô cùng.
Nói đến ngọc, ta bất giác nhìn chăm chú vào trâm cài đầu của Ngũ hoàng tử. Trâm ngọc có màu sắc xanh trong, ánh sáng xuyên qua nhìn rất đẹp.
Hắn thấp giọng cười làm ta giật mình hoàn hồn lại.
“Nô tỳ nào dám so với Cẩm Linh cô nương, nàng ấy là tấm gương sáng mà nô tỳ hằng mong ngóng được trở thành.”
Ngũ hoàng tử nghe vậy thì nhếch môi: “Con bé ấy mà nghe thấy thì sẽ rất vui đấy. Ta sẽ chuyển lời này của tiểu mĩ nhân cho Cẩm Linh sau.”
Ta hơi nhíu mày, Cẩm Linh cô nương có quan hệ gì với Ngũ hoàng tử? Sao ta không nhớ rõ nhỉ?
Tiêu quản gia nãy giờ nghe đoạn hội thoại của hai ta, tiến đến nhắc nhở. Bấy giờ Ngũ hoàng tử mới ngừng cười đi theo Tiêu quản gia.
Trước khi đi còn bồi ta thêm một câu: “Tiểu mĩ nhân, hẹn gặp lại!” Ta cũng chỉ cười nhẹ: “Có duyên ắt sẽ gặp lại.”
Tứ An tiến lên, nghi hoặc hỏi ta: “Tiểu thư, người nói vậy có ý gì?”
Ta quay người, tiến lên phía trước, nói nhỏ với Tứ An: “Không có gì đâu.”
Tứ An bước đến đỡ ta đi đến Thủy Tâm viên. Chính giữa Thủy Tâm viên là một tứ hợp viện, bốn phía là hành lang, ở chính giữa có một hòn non bộ rất lớn, các hào nước từ chỗ hòn non tỏa ra xung quanh, còn có cả một cây cầu vòm gỗ bắc ngang qua.
Ta thích thú đứng trên cầu, ngắm nhìn đàn cá vàng đang bơi lội thỏa thích trong hồ. Tứ An đứng bên cạnh ta, vui vẻ nói: “Tiểu thư, đám cá đang bơi lội thích không kìa!”
Ta nhìn Tứ An, che miệng cười: “Tỷ không phải là cá, sao biết rằng cá vui hay không?”
Cô ấy đỏ mặt, thấp giọng oán trách: “Tiểu thư..”
“Coi tỷ kìa!” Ta cười rất vui.
“Tiểu thư, người đừng trêu ta nữa mà!” Tứ An buồn bực không thôi. Khuôn mặt nhỏ nhắn của tỷ ấy xuất hiện vết đỏ ửng nhàn nhạt, hai mắt long lanh đẫm nước, thật làm người khác có ý muốn bắt nạt.
Cuối cùng, ta thỏa hiệp: “Được rồi, không trêu tỷ nữa, ta đi thôi. À ta thấy hơi đói rồi, tỷ qua nhà bếp lấy ít đồ ăn đi, ta tới chỗ cha ta trước.”
Tứ An chạy đi ngay.
Trên đường tới Lương Giang Viện, ta thấy Lâm nhi đang đứng cho cá ăn bên hồ.
Lâm nhi là con trai của đại ca, thằng bé mới bảy tuổi mà lúc nào cũng ra vẻ ông cụ non.
Thằng bé thấy ta thì lên tiếng chào: “Dì khỏi bệnh rồi sao? Lâm nhi đang chơi với cá, dì ra đây đi.”
Ta tới gần nó, Lâm nhi bèn chia cho ta ít đồ ăn cho cá. Ta vốc từng nắm nhỏ ném xuống hồ, đám cá há to cái miệng đen ngòm đớp lấy.
Thằng bé cho cá ăn xong, phủi tay rồi nói với ta: “Dì Dung Dị, người không thấy mấy con cá này đáng sợ sao?”
Ta mỉm cười, hất nốt số thức ăn trên tay xuống: “Đáng sợ như nào chứ?”
“Chúng ta cho nó ăn, nó ăn no rồi mà vẫn há miệng đớp tiếp, chết lúc nào không biết. Nó mà không ăn no thì sẽ há miệng chờ ăn, nếu có gì đó không phải thức ăn cho cá, ừm, nếu có con chim sẻ rơi xuống, thì bọn nó cũng sẽ rỉa hết, dì thấy đúng không?”
Thằng bé cúi đầu trầm tư.
Ta: “…”
Ta thấy con đáng sợ hơn đấy.