Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt
Chương 32: Chính quyền và địa đầu xà
Những ngày quan sát và tích hợp thông tin vừa rồi đã cho Kiệt thấy một cái nhìn tương đối toàn cảnh về huyện thị của huyện Sơn Hải. Một nơi chắc chắn là tạo ra nhiều cơ hội để kiếm tiền hơn ở dưới làng, song cũng đi đôi với những khó khăn lớn lao.
Khác với những ngôi làng mà Kiệt đi qua, nơi đó hoặc như làng Hồng Bàng-chó ăn đá gà ăn sỏi, quan chức về rồi lại muốn đi, từ từ người trong làng lên nắm quyền, hoặc như làng Thụi mua chuộc được quan lại địa phương hùa vào bán muối lậu, hoặc như các làng Triêm, làng Nhâm ở quá xa xôi nên tin tức đi lại khó khăn, huyện thị của huyện Sơn Hải là một nơi làm ra tiền, dân cư đông đúc, nên hệ thống quan lại cai trị ở đây rất được chú trọng. Đứng đầu huyện có huyện lệnh Triều Văn Cốc phụ trách hành chính, huyện doãn Lý Bá Nhi lo tư pháp, huyện úy Trương Văn Cần đảm nhiệm việc trị an và huyện thừa Mạc Văn Hành thu chi tài chính. Ngoài ra, do có một bến cảng lớn, việc buôn bán tấp nập kéo theo người đông và khó quản lý, lực lượng trị an trong huyện cũng không đủ nên từ ba năm trước, bên ngoài huyện còn có một trạm canh với chừng 150 lính, do Hành quân Vệ úy Lý Sử A trông coi. Đây là 5 kẻ đứng đầu chính quyền huyện thị lúc này, và cũng là những người có thể gây sóng gió cho mọi kế hoạch làm ăn của Kiệt chỉ bằng một mệnh lệnh. Để đảm bảo an toàn về sau, Kiệt hỏi thăm các chú của mình, những gì họ biết và cả những chuyện lề đường về 5 nhân vật này. Gì thì gì, lời đồn thổi có lẽ lắm thêu dệt, nhưng vài tin tức không chính thống song chính xác cũng lẫn trong đó, miễn bạn phải biết lọc và có tư duy chắc chắn.
Huyện lệnh Triều Văn Cốc là dân phủ Trường Ân, nhà vốn từng theo họ Dương chống đối quân Đại Hoa, nhưng về sau thì đã chịu đầu hàng, và tích cực vào việc giúp Đại Hoa ổn định cai trị Bách Việt nhưng cũng vì thế mà quan lộ con cháu chịu ảnh hưởng, lão Cốc chính là ví dụ tiêu biểu khi mà phải làm quan ở xa tít tắt mù khơi thế này. May mà nơi đây còn có cái cảng, cũng coi như là Đại Hoa trả cho sự cực nhọc và sự ủng hộ nhiệt tình về sau của họ Triều. Huyện lệnh Cốc năm nay ngoài tứ tuần, có tài văn chương, khéo giao tiếp, hơn nữa công việc hành chính như bổ nhiệm các quan cấp dưới ông ta cũng giỏi đưa đẩy, có người địa phương, có người theo ông ta, có người của các phe còn lại, nên nếu như không có biến cố lớn thì chức quan của ông ta chỉ có lên chứ không có xuống được. Điều này chỉ là sớm hay muộn thôi vì nếu muốn lên nhanh thì phải tăng đút lót, nhưng Triều Văn Cốc sợ nếu bóc kỹ quá thì dân nó náo động, đám dưới tay ông ta sẽ nhân đó hạ bệ. Gì thì gì, quan trường có thể có đồng minh chứ tuyệt không có bạn bè. Ngoài ra, để khiến cho lòng người ở đây ủng hộ mình, Cốc cho mở một học phủ và thuê thầy đồ về dạy. Do là học phủ cấp huyện, con đường công danh và tiến thân tốt, các nhà giàu trong làng toàn bộ huyện đổ xô đưa con em ra đây học, nhờ thế mà Cốc làm quen được với nhiều nhà giàu và thế lực.
Huyện doãn Lý Bá Nhi là một quan lại xuất thân từ địa phương, con nhà gia giáo, học thông kinh sử, sau này lại có liên gia ( thông gia với anh em trong nhà) làm quan lớn nên được cất nhắc chức huyện doãn của huyện thị Sơn Hải. Huyện doãn Nhi thì năm nay mới ngoài 30, song kinh sử thuộc làu làu, vừa là dân địa phương lại có người thân làm to, nên lời nói có trọng lượng, hơn nữa làm việc rất có phân lượng, không ép ai quá bao giờ, mỗi bên thiệt nhẹ một tí cho xong việc thì tội nhẹ, nên thành ra việc xử án là sở trường. Nhưng Nhi không hề có ý định mãi làm chức này, hắn thường xuyên bắt tay với đám nhà giàu và thế lực hay kẻ nào hắn thấy có lợi với đường hoạn lộ thì sẽ tìm cách xử thiên lệch cho họ. Với tài năng và uy tín, việc lách luật dễ như trở bàn tay, dù có là kẻ không biết tí gì về luật hay dân va chạm nhiều, thông luật cũng bị xoay như chong chóng.
Huyện úy Trương Văn Cần là dân Hoan Diễn, khỏe mạnh, rắn rỏi mà quen chịu khổ. Đất Hoan Diễn chống Đại Hoa nhiều nên dân xứ này sau đó bị nhiều luật ác, phải bỏ xứ đó đi sinh sống khắp nơi. Trương Văn Cần lang bạt kỳ hồ, trải nhiều sự đời, lại có thói đánh nhau không cần mạng nên được mộ làm lính. Sau nhiều lần lập công, ở tuổi 45 này, Cần được thăng làm Huyện úy, dưới trướng là 30 tên Đề bộ- tương tự công an ngày này, hoặc sai nha trong truyện Kiều, thường xuyên đảm nhiệm tuần tra giám sát công việc trong huyện thị, ngoài ra Cần cũng mở một lò võ để dạy cho một số thanh niên muốn thành đề bộ hoặc làm lính, hoặc phòng thân cũng hay. Cần là kẻ ngoài thô trong tinh tế, miệng thì hào sảng nói cười, nhưng luôn tìm cách súc tích lực lượng ủng hộ để ngoi lên.
Huyện thừa Mạc Văn Hành là người đồng hương với Huyện lệnh, trước chỉ làm mấy chức quan nhỏ, nhưng sau được Huyện lệnh cất nhắc leo lên chức huyện thừa. Thực ra trước Hành cũng có nhiều người giữ chức này, và thời gian họ giữ chức đều ngắn cả, khoảng 1 năm rưỡi, là vì cứ tới lúc đó là họ lại bị tra ra là tham nhũng sách nhiễu dân, nên bị đuổi. Còn Hành, thì giờ đã là tháng làm việc thứ 7 của hắn. Gọi là huyện thừa nghe oai thực đó, mà nói đúng hơn là cái bia đỡ đạn cho mấy ông trên kia thôi. Huyện thừa đổi liên tục, nếu muốn sách nhiễu, tham nhũng có khi còn bị cười vào mặt, bảo rằng tao đợi năm rưỡi nữa đánh mày một trận thì còn dám đi không. Phải có bảo kê, mà phải là bảo kê cứng. Còn tiền mà Huyện thừa lấy được thì có lẽ chỉ nửa phần ( tức là chia ra 10 phần bằng nhau thì Huyện thừa chỉ có một nửa của một phần mười đó, hay là 5% chứ không phải một nửa số đó- 50%), còn lại phải cho 3 người kia cũng với đám khác trong huyện thị. Thực là công việc nhàm chán và đau khổ, có tiếng mà không có miếng.
Người cuối cùng cần chú ý là Hành quân Vệ úy Lý Sử A- 30 tuổi, người dân tộc Lê. Dân này sống ở Quỳnh Châu ( không phải Quỳnh Châu Nghệ An mà là Quỳnh Châu- đảo Hải Nam- Trung Quốc), chuyên nghề chài lưới, thạo nghề hải chiến, đánh đấm khá, nên được mộ lính nhiều. Do huyện thị Sơ Hải có cảng, lính cần phải giỏi đánh thủy, Lý Sử A được điều động tới đây. Tuy chỉ chỉ huy 100 lính, nhưng khí giới đầy đủ và quân đội thường xuyên tập luyện, không ai dám gây hấn với quân đội. Tuy tập luyện thường xuyên, nhưng quân đội thời này vẫn là quân đội kiểu phong kiến, nên tệ nạn xung quanh doanh trại như đĩ điếm, bịt mặt đi cướp bóc hay ăn quỵt vẫn xảy ra. Đặc biệt Lý Sử A hay có trò cho lính bơi ra thuyền người ta, giấu vũ khí rồi vu làm hải tặc, đem về trại lính tra tấn dã man, bỏ đói hay bắt họ chuộc bằng tiền cắt cổ mới tha. Tuy nhiên, Lý A Sử cũng không dám làm trò này nhiều, nên dân tứ xứ mới dám tới làm ăn.
Nguyên nhân sở dĩ Lý A Sử không dám làm nhiều ngoài việc trò này gây ảnh hưởng tới 4 vị quan còn lại, còn vì hắn phải nể mặt bọn địa đầu xà ở đây. Địa đầu xà là thế lực bản địa, tuy không có quan tước, chức vụ hay quân tịch, nhưng lại họ có lợi thế sân nhà. Nơi đây là nơi cha ông họ đã sinh ra, sống và phát triển, quan hệ của họ liên thông với nhau, địa hình nơi đây họ thuộc làu và nếu lợi ích bị tổn hại, họ có thể liên hợp với nhau gây khó dễ để khiến anh mất chức như chơi. Nói đơn giản như Lý A Sử nếu cứ làm quá, khách bỏ đi, thì những kẻ đó hoặc tìm cách thuê cướp biến về đánh đấm giả vờ vài trận, nhưng Lý A Sử đừng hòng ở yên trong này, mà sẽ phải ra biển tuần tra, diệt cướp biển, rồi thì có khi mấy tháng không được về đất liền. Mà binh lính dưới trướng hắn e rằng cũng vì thế mà không còn vui vẻ phục vụ, thậm chí nếu tên phó nào muốn thay hắn cũng có cách thuận tiện làm việc. Thiệt đơn thiệt kép chưa. Còn nếu A Sử ngoan ngoãn, thì tiền bạc cũng đâu thiếu.
Để tạo nên sức ảnh hưởng như vậy, phe bản địa cũng phải là những kẻ có số có má. Chúng gồm 6 người, đại diện 6 nhóm lợi ích.
Vương Hữu- đại diện cho nhóm lợi ích chủ nhà trọ, nơi mà khách buôn và thủy thủ hay tới nghỉ chân.
Lý Thị Mị- đại diện cho lợi ích của các lầu xanh, kỹ viện và tiệm ăn uống ở khu cảng.
Từ Văn Đồng- chủ tiệm gạo, đại diện tiểu thương trong khu chợ
Nguyễn Văn Thẩn- là quan độ tư, chủ quản thuyền bè ngoài cảng. Tay này cần đảm bảo rằng cảng hoạt động thì công việc mới suôn sẻ và thu được tiền bạc.
Trần Tạc- đại diện chủ các thuyền cá và các sạp bán cá ngay cảng.
Lư Công Vinh- thầy dạy chính ở học phủ, thay mặt huyện lệnh liên lạc với các nhà giàu các làng của huyện, nhiệm vụ là đảm bảo lợi ích cho họ cũng như huyện lệnh Cốc.
Với lực lượng hùng hậu, kinh tế lại gắn chặt với sự hoạt động thông suốt của cảng Sơn Hải, không khó để hiểu lý do tại sao họ lại phải ngăn chặn những trò mất dạy của Lý A Sử và làm điều đó thành công.
Dù rằng đây là chuyện bên lề đường, và cũng chỉ dám nói kín đáo, thậm chí mấy ông chú của Kiệt không dám nói, mà là các thím nói cho nghe và đôi khi là Kiệt cùng Minh nghe lỏm và chắp vá lại, thì cũng giúp Kiệt hiểu được rằng tình hình ở cảng đang thế nào?
– Tranh giành lợi ích thực sự gay gắt.- Minh nhận xét
– Nhưng đó sẽ là cơ hội cho ta mà, đúng không?- Tuần nói
– Đúng, cũng là thách thức lớn, vì lắm khi ta làm người này giàu thì sẽ khiến kẻ khác ngứa mắt đấy. Nên cần bàn kỹ xem lợi thế lúc này là gì, và nên làm gì để giữ vững lợi thế ấy. Dù gì thì ta cũng chưa thể làm gì được ngay lúc này cả, về quê đi đã.
– Về sớm thế ư!
– Sắp cò lùi rồi đó mà còn định ở lại.
– Cò lùi là gì?
– Cò lùi là cò không tiến, cò không tiến là tiền không có. Nhanh về quê đi.
– Uầy, tiêu hết tiền nhanh vậy sao.
– Giá đồ ăn ở đây đắt quá mà.- Kiệt nói.