Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt
Chương 26: Thành công ngoài mong đợi
Buổi biểu diễn để dạy khả năng quảng cáo sản phẩm cho những nhân viên tương lai hóa ra lại là một ý tưởng hay ho. Thời đại này, khi mà những trò giải trí thiếu thốn tới đáng thương, thì việc đóng giả những tình huống, diễn chúng cho mọi người xem và đánh giá thế này không khác gì là diễn một vở kịch. Những kỹ năng mời chào khách hàng được thử đi thử lại, các tình huống được thêm thắt, biến tấu, thậm chí có những vở trở nên khoa trương tới mức hoang đường, đến nỗi cả những người nông dân cũng không tin là nó có thể xảy ra. Nhưng mà họ cũng cho qua nhanh chóng, vì nó vui vẻ, tính giải trí cao.
Kiệt vốn không tán thành việc biến một công việc nghiêm túc thành một trò giải trí, song cậu không vội ra tay ngăn cấm. Giờ đây mọi người đang thích thú, ngăn cản họ tất nhiên sẽ làm họ khó chịu. Chống lại mong ước của đám đông luôn là việc khó khăn, cho dù mình đúng họ sai. Bruno muốn cho người đời biết Trái Đất quay quanh Mặt Trời,nhưng không ai muốn nghe, họ cho ông ta lên dàn hỏa thiêu.
Thay vì yêu cầu ngừng mấy trò nhảm nhí với những nhân viên bán hàng, Kiệt không vội làm gì cả, sau chừng một tuần, cậu đề nghị làm thử một buổi kiểm tra với các nhân viên bán hàng. Tất nhiên, do vụ mùa đã kết thúc, nên thứ đi bán không phải là chiếc máy tuốt lúa, mà là máy bơm. Những cái máy bơm hiện cũng đã được làm thêm, do các chi tiết của nó cũng có phần liên quan đến kỹ thuật cần tập luyện nên vừa học vừa làm cũng được. Hơn nữa đây là loại máy liên quan nhiều đến nông nghiệp cho nên sẽ dễ bán cùng máy tuốt.
– Thưa các bác, cháu có chút chuyện muốn nhờ ạ.
– Chuyện gì vậy nhóc Kiệt.
– Các bác cũng biết ấy mà, trong nhà xưởng hiện nay đang vừa học vừa làm, thế nên có máy bơm là đang làm ra tương đối nhiều. Cháu nghĩ máy bơm là thứ máy rất cần cho thời kỳ đầu mùa vụ, nên nếu bán đi thì ta cũng dễ kiếm được một khoản tiền trang trải trước. Thay vì làm thật nhiều máy tuốt và đợi tới tận lúc thu hoạch, ta làm máy bơm, bán được sớm, rồi lãi thì tiêu, phần vốn gốc đầu tư cho máy tuốt.
Lý do Kiệt đưa ra thực sự mê người. Đúng vậy, cùng số tiền đó, để tới tận mấy tháng nữa mới thu lãi thì chắc chắn là không bằng dùng nó kiếm lãi, rồi lại tiếp tục đầu tư lại với thứ mình định đầu tư, có đi đâu đâu mà sợ. Thế là việc bán máy bơm được duyệt, những người đang được huấn luyện quảng cáo được cử đi đảm nhiệm công việc bán hàng lần này, vừa để thử vừa để luyện tay.
Họ phải đem cái máy bơm sang làng khác để bán. Đi cùng họ là những người thân tín của hai họ Đào và Đỗ, mấy người nhà họ Hoàng cũng đi theo xem cho biết. Buổi kiểm tra kết thúc tệ hết sức tệ, không thể bán nổi bất cứ cái máy bơm nào, khi mà dân ở các nơi họ tới đều chẳng thèm nghe cho hết câu chuyện. Thậm chí có người còn phản cảm với cách nói chuyện của mấy tay tiếp thị.
Nghe được báo cáo về hành trình này, hai họ Đào và Đỗ vô cùng lo lắng. Nếu khi trước họ chỉ nghĩ đơn giản là dùng mối quan hệ rồi tận dụng mấy khách hàng sẵn có thì cũng bán được hết số hàng kia, thì khi tiếp xúc với phương pháp quảng cáo và tiếp cận khách hàng mới của Kiệt, họ đã thấy được tiềm năng của nó. Họ Hoàng không có quan hệ, không sẵn tiền bạc, mà vẫn có thể bán được bằng họ, thì nếu người làm việc đó là họ thì số hàng hóa bán được sẽ to lớn thế nào. Tất nhiên rồi, càng bán được nhiều thì lãi càng lớn.
Thế nhưng, giờ đây, việc bán hàng không thuận lợi, hầu hết nhân viên bán hàng đều không làm tròn được nhiệm vụ. Kiệt không vội yêu cầu chỉ trích ai cả, trái lại cậu đền nghị họp bàn một cách cẩn thận. Trong buổi họp, Kiệt đề nghị nghe từng bên nói, sau đó mới tổng hợp ý kiến.
– Ta trước tiên phải nghe xem họ giải trình thế nào, chứ đừng vội đánh giá. Ta nên nghe khách quan và nghe cả hai tai, xem người ta cử đi giám sát nhận định tình huống thế nào, và những người trong cuộc đánh giá và xử trí tình huống ra sao.
Nghe Kiệt nói, hai họ Đào và Đỗ cũng dần bình tĩnh lại. Sau khi nghiêm túc kiểm điểm lại những gì đã diễn ra trong cuộc kiểm tra này, họ cũng đã thấy được vấn đề thực sự: quá thiếu chuyên nghiệp. Do suốt thời gian qua họ đã tấu hài quá nhiều, rất nhiều kỹ năng bị hao mòn tới mức không dùng nổi, dù rằng Kiệt đã yêu cầu phải chú trọng nó: bắt chuyện, tìm hiểu thông tin, gợi chuyện, giới thiệu sản phẩm,… Thay vào đó, những trò tấu hài nhạt nhẽo, vô duyên liên tục xuất hiện. Những trò này với người đã dần quen thì còn chấp nhận được, chứ với người mới gặp thì không khác gì làm trò điên khùng, xua đuổi họ đi.
Biết được nguyên do rồi, hai họ Đào và Đỗ lập tức can thiệp mạnh vào việc tập luyện, yêu cầu những người được thuê hoặc phải nghiêm túc, hoặc bị cắt cơm. Dù rằng điều này khiến dân làng càu nhàu đôi chút khi mà những trò giải trí miễn phí đã mất đi, thì dưới uy hai họ lớn, không ai dám nói câu gì. Tập luyện nghiêm túc chỉ một thời gian, kỹ năng họ cần đã quay lại phần nào.
Để đảm bảo rằng họ không bị ghét do ấn tượng từ lần trước, các tổ được đổi chỗ cho nhau, tới nơi khác lần trước. Lần này, chuẩn bị đủ, nhìn nhận hướng tiếp cận cẩn thận và có tâm thái nghiêm túc, công việc diễn ra trơn tru, những chiếc máy bơm được bán đi, tiền chảy về và những mối quan hệ được thiết lập. Những mối quan hệ này chính là thứ cần khi bán máy tuốt lúa.
Đây là một thành công hết sức bất ngờ với Kiệt, khi ban đầu ý định của cậu chỉ là định chỉnh đốn lại tác phong của những người quảng cáo và bán hàng, thì nay lại biến thành một thành công vang dội về mặt bán hàng khi vừa có kinh nghiệm vừa tạo được con đường kinh doanh lẫn một chút danh tiếng cho làng hồng Bàng.
Nhân sự thành công này, hai họ Đào và Đỗ muốn đẩy mạnh thêm nữa việc buôn bán những cái máy bơm nước, trong khi đang còn rất lâu nữa mới tới khi bắt đầu làm đồng, song Kiệt từ chối. Lấy ngắn nuôi dài thì không sai, nhưng quá chú ý cái trước mắt sẽ là phát triển không bền vững. Còn nếu như hai họ kia định ép người dân kia phải làm cho họ, Kiệt sẽ can ngăn, vì làm vậy không khác gì cách mà tích lũy tư bản nguyên thủy: ép người nông dân bỏ ruộng đất để đi làm thuê và trở nên phụ thuộc vào giới chủ. Khi điều này xảy ra, hai họ Đào và Đỗ với sức mạnh của tiền và thế, ắt sẽ càng ngày càng thêm mạnh, họ Hoàng rồi sẽ bị ép tới không thở nổi, còn Kiệt thì từ một kĩ sư tự do sẽ thành một tên thợ thủ công cho họ.
Kiệt sinh ra ở Việt Nam trong những năm cuối của thập niên 90 thế kỷ 20, và cậu lớn lên, tiếp xúc đủ nhiều để hiểu rằng con người ta nên tạo ra máy móc là để cải thiện cuộc sống cho mình, và máy móc nên đóng vai trò là một sự hỗ trợ, là kết tinh của trí tuệ để phục vụ cuộc sống chứ không phải là một thứ dùng để bóc lột bản thân mình và người khác.
Trong khi vấn đề phát triển sản phẩm ngắn hạn và dài hạn còn đang ở giai đoạn đấu tranh, thỏa hiệp giữa các bên liên quan thì Kiệt cũng có một niềm an ủi nhỏ: một vụ rau bội thu.
Chuyện bắt đầu khi cái bãi nuôi giun trong mô hình V-A-C của cậu đã bắt đầu có được chút kết quả. Kiệt đã thu hoạch được một lứa giun, và với số giun đang có cậu có thể dùng làm thức ăn cho vật nuôi chứ không con phải dùng để tăng đàn như trước. Đồng thời, cậu cũng có thể dùng một phần đất nuôi giun ngày trước để trồng một ít rau củ quả.
Nhận thấy lượng đất cậu có tuy không quá nhiều, nhưng chất lượng thì miễn chê, Kiệt thay vì trồng rau nên phần đất này, lại dùng như phân bón lót, tức là rải xuống phần đất khác, nhờ thế diện tích trồng gia tăng. Tuy làm thế sẽ khiến chất lượng hơi giảm, nhưng Kiệt tin rằng trong thời gian trồng rau, một phần đất khác sẽ sẵn sàng để dùng thêm. Ngoài ra, do hiện cũng chưa có quá nhiều gia cầm để cho ăn giun, Kiệt cũng thả mấy con giun và những phần đất có chứa giun hoặc trứng giun xuống cùng, để chúng có thể sinh sản và làm tơi thêm phần đất ở ruộng này.
Vừa trồng rau, Kiệt cũng vừa coi đây là nơi học ngoại khóa cho bọn nhóc. Học gì ư? Tất nhiên rồi, học nông học. Đúng là bọn nhóc xuất thân từ nhà nông, nhưng mà thứ nông học mà Kiệt dạy vẫn làm bọn nó tròn mắt. Những bài học và ứng dụng của nó được Kiệt làm trước mặt cả bọn, càng khiến chúng nó thích thú. Ví dụ đơn giản như việc hô hấp và quang hợp của cây, rồi việc cây thoát nước ra để giải nhiệt,… Dù thiệt hại mất một ít rau, nhưng những bài học cũng làm cho bọn nhóc biết đến hơn một chút kiến thức về nông học chuyên sâu và nguyên nhân thực sự tạo ra những kết quả mà mọi người thấy: cây chết, cây được mùa, cây mất mùa,… Theo Kiệt, chỉ khi nào thực sự hiểu được cái bản chất của vấn đề, người ta mới tìm được đúng hướng giải quyết vấn đề. Nông nghiệp hiện là ngành kinh tế chủ yếu ở Hồng Bàng, và càng nhiều người hiểu nó, kinh tế trong làng sẽ càng tốt. Thứ nữa là Kiệt vốn không muốn mình phải thành một nhà nông học chuyên môn, nên cậu chia sẻ và truyền đạt kiến thức, giải đáp thắc mắc cho mọi người, rồi sau đó mọi người sẽ biết, sẽ áp dụng và nếu ai đó có thể tìm ra những phương pháp mới mẻ, cậu cũng sẽ có lợi. Gì chứ với kiến thức cậu có sẵn, việc hiểu ra nguyên lý rồi học lỏm là quá đơn giản.
Đi đôi với dạy học và trồng rau, Kiệt cũng đã làm thêm thử nghiệm, kiểm tra xem rằng thứ phân bón cậu thêm vào có ảnh hưởng thế nào với cây trồng. Kiệt làm hai mảnh ruộng, một mảnh có sẵn đất có từ đàn giun và bổ sung giun trưởng thành, một mảnh không. Với quá trình chăm sóc là như nhau, sự xuất hiện của lũ giun và phân bón đã tăng năng suất lên khoảng 30%, sau khi nhìn qua bằng mắt thường và cân sản lượng. Đây là một kết quả đáng khích lệ, dù rằng sai số không phải không có. Nếu như kết quả vẫn giữ nguyên hoặc giảm phân nửa trên những cánh đồng lúa, thì đó sẽ là quá tuyệt vời. Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống, hai yếu tố đầu tiên Kiệt đã chạm tay vào tới nơi rồi.