Hồi Đáo Lê Triều

Chương 45: Cạm Bẫy 1



Trận hỏa hoạn ở Quảng Hằng Các được Lê Nhân Tông thu xếp trong im lặng để hoàng cung có một cái Tết không quá ảm đạm. Ngoài mặt thì sự ra đi của Xuân Mai cũng được xem như một chuyện bình thường trong chốn hoàng cung vốn không hiếm việc tỳ nữ chết oan. Ai nấy đều cho rằng ba cung nữ ấy đã tận số, người có lòng trắc ẩn một chút thì đến miếu thờ nhỏ trong cung thắp vài nén hương an ủi vong linh cho họ. Thế là xong, dưới thời phong kiến tập quyền, cái mạng của những người địa vị thấp bé cũng chỉ đến thế là cùng!

Việc Lê Hạo nhận Xuân Mai làm em nuôi và cho hài cốt vào Huy Văn Tự để thờ cũng chỉ tiến hành trong im lặng. Bởi chàng biết trong con mắt người đời chàng làm vậy là do tình cảm riêng tư với Thu Đào, mà việc này đối với nàng là chỉ hại không lợi.

Sự việc được sắp xếp êm đẹp đến mức Nguyễn Đức Trung cũng chỉ nhận được tin buồn khi vào cung gặp Ngô Phu Nhân để lên kế hoạch đi tìm Lê Bang Sơn – người nắm giữ bí mật về thân thế của Nhân Tông. Nghe Lê Hạo thuật lại câu chuyện xong, Nguyễn Đức Trung thoáng nghĩ đến Thu Đào giờ này chắc đang buồn phiền lắm, ông cảm thương cho Xuân Mai đã theo hầu con gái mình từ bé, và đâu đó là nỗi lo lắng con gái luôn bị kể gian rình rập, nên càng nôn nóng muốn sớm ngày tìm ra Lê Bang Sơn để kết thúc bớt một mối họa cho Thu Đào.

Lê Hạo vốn là người tâm tư kín kẽ nên từ đầu đến cuối chỉ ngồi lặng im nghe mẹ và Nguyễn Đức Trung lần giở lại từng đoạn ký ức, tuyệt không một câu bàn luận.

Ngô phu nhân thuở ấy là bạn đồng trang lứa với Thái Hậu, cả hai cùng theo học một sư phụ dạy múa hát trên phủ Thanh Hóa, nhưng bà ở huyện Yên Định còn Thái Hậu ở huyện Đông Sơn nên thời gian gặp nhau cũng chỉ dăm ba lần một tháng. Lê Bang Sơn chính là cái tên mà nàng thiếu nữ Nguyễn Thị Anh gọi tình lang trong những lúc tâm sự với chúng bạn. Ngô phu nhân lúc ấy là một cô nương ham học hỏi, đến lớp chỉ chăm chú nghe sư phụ dạy bảo nên ít để ý chuyện phiếm, cũng vì vậy mà những gì bà biết về Lê Bang Sơn rất ít. Tình cờ một hôm trời đổ mưa to, Nguyễn Thị Anh và Ngọc Dao bị kẹt lại lớp học không thể về nhà được. Ngọc Dao có dịp được gặp Lê Bang Sơn khi chàng cầm ô đến đón Nguyễn Thị Anh giữa cơn mưa tầm tả. Qua vài lời hỏi thăm Ngọc Dao mới được biết nguyên quán của chàng ta là ở phủ Thanh Hóa. Sau hôm ấy, Ngọc Dao nhận được lệnh tiến cung nên từ đó không còn gặp lại Lê Bang Sơn lần nào nữa. Mãi đến tận sau này, khi bị Nguyễn Thần Phi cho người truy sát đến tận trấn An Bang, Nguyễn Trãi đã may mắn tìm được Lê Bang Sơn đến khuyên can Thần Phi, lúc ấy Ngọc Dao mới được gặp lại chàng trai ấy lần thứ hai.

Nhấp một chén trà, Nguyễn Đức Trung chép miệng giọng đầy ưu tư:

– Phủ Thanh Hóa cũng không phải quá rộng lớn, nhưng chỉ dựa vào một cái tên để tìm người thì đúng là như mò kim đáy bể!

Lê Hạo ánh mắt khẽ động, chàng chợt hỏi mẹ:

– Lúc Thái Hậu vào cung là đã mang thai rồi à?

Nguyễn Phu Nhân nhếch miệng cười buồn, giọng bà trầm trầm như đang chìm vào đoạn ký ức mười mấy năm trước:

– Vừa vào cung mười ngày thì Thái Tông đã cho bố cáo khắp hậu cung Nguyễn Chiêu Nghi đã mang thai, lập tức tấn phong làm Thần Phi. Vị thái y chẩn mạch cho Thái Hậu năm đó lại là người của cô ta mang theo từ Thanh Hóa, thái y nói long thai được hai tháng, Thái Tông rất đổi vui mừng.. Mà..

Ngô phu nhân chợt dừng lại một lúc lâu như để nuốt một giọt buồn vào tâm khảm, bà lại tiếp:

* * * đúng là khoảng hai tháng trước đó Thái Tông có đến Thanh Hóa vi hành, người cũng có ghé phủ nhà ông ngoại con để thăm và gặp mẹ..

Đến đây, Nguyễn phu nhân chợt chuyển sang nét mặt chua xót:

– Chắc là lúc đó người không chỉ đến Thanh Hóa chỉ để gặp một mình mẹ. Người là quân chủ một nước, hậu cung trăm nghìn giai lệ là chuyện dễ hiểu. Chỉ có điều, không ngờ lại nhanh như vậy người đã vui duyên mới. Thôi, có trách thì trách mẹ phước mỏng..

Lê Hạo nghe lời kể đều đều vang bên tai mà nhíu mày tự nhủ:

– Quả nhiên không phải tự dưng mà phụ hoàng lại tin tưởng tam ca là con ruột. Ngôi thái tử lẽ nào lại hồ đồ mà trao nhầm được chứ?

Rồi nhớ đến vị thái y mà Thái Hậu mang theo từ quê nhà, ánh mắt Lê Hạo chợt sáng lên, chàng hỏi mẹ:

– Vị thái y năm ấy theo Thái Hậu vào cung danh tính thế nào? Hiện đang ở đâu?

Ngô phu nhân kể tiếp:

– Sau khi Thái Tông băng hà, thái y Châu Mẫn xin cáo lão hồi hương. Nghe rằng ông ấy tình nguyện đến Tây Kinh để quét dọn lăng mộ cho Thái Tông ba năm, từ đấy về sau không còn tin tức gì nữa.

Lê Hạo hướng mắt ra khoảnh sân nhỏ trước mặt, tự mình lặp lại cái tên ấy:

– Châu Mẫn à?

Đêm hai mươi chín tháng chạp, không khí ngày Tết đã len lõi khắp các ngóc ngách hoàng cung. Nơi nơi treo đèn kết hoa rực rỡ, các cung đều thi nhau bày trí đẹp đẽ, đốt trầm xông hương để chuẩn bị đón mừng năm mới. Thừa Hoa Điện hôm nay cũng thế, nào bánh mứt điểm tâm, nào nến thơm hoa đẹp được bày trí vô cùng bắt mắt. Lê Hạo rót đầy tách trà cho mẹ và Nguyễn Đức Trung, rồi chàng tự tay đến cầm cây kéo nhỏ tỉa tót cho bình hoa bách hợp cạnh cửa sổ, hạ thấp giọng nói:

– Ngồi ở đây mà suy đoán thì chi bằng ta cứ đến Tây Kinh mà tìm người. Lê Bang Sơn cũng được, Châu Mẫn cũng tốt! Con sẽ nghĩ cách tìm ra họ.

– Còn nếu không tìm ra họ thì sao? Thái Hậu vẫn muốn làm hại Thu Đào thì sao? – Nguyễn Đức Trung lo lắng hỏi.

Lê Hạo nhìn Nguyễn Đức Trung nở nụ cười nhạt:

– Thì Nguyễn Đại Nhân cứ tạm thời quy thuận Thái Hậu là được!

Một thoáng chấn động trong lòng khi nghe Lê Hạo khuyên mình quy thuận Thái Hậu, Nguyễn Đức Trung định mở miệng phản bác, nhưng nụ cười vô cùng có chiều sâu trên mặt chàng lập tức đả thông tư tưởng cho ông ngay. Nguyễn Đức Trung vuốt râu gật gù:

– Thôi thì, cứ y theo lời của Bình Nguyên Vương mà làm vậy!

* * *

Sau biến cố, Thu Đào được vua cho về lại Diên Ninh cung ở, chờ sang năm làm lễ sắc phong.

Sáng ba mươi tháng chạp, nàng điểm trang thật đẹp để ai nhìn thấy cũng phải chú ý.

Theo lễ tiết của tổ tiên, buổi sáng ngày cuối năm toàn bộ vương tôn hoàng thất và quan đại thần sẽ vào cung làm lễ tất niên. Thu Đào đã tranh thủ lúc Nguyễn Đức Trung vào thăm sau vụ hỏa hoạn mà hỏi thăm được không ít tin tức về ngày giờ tiến hành điển lễ. Nàng âm thầm lên kế hoạch tiếp cận Lê Nghi Dân mà không cho cả Lê Tuấn và Lê Hạo được biết trước.

Ngày cuối năm hoàng cung nhộn nhịp người qua kẻ lại, từ các vị thái phi, công chúa, cho đến nữ quan, cung nữ, ai nấy đều được tự do ăn mặc thật xinh đẹp để đón giao thừa. Cả năm chắc chỉ có dịp Tết Nguyên Đán là được tự do vui vẻ đến thế. Thu Đào ngồi trên bàn trang điểm ngoáy đầu nhìn ra ngoài, nàng bất giác mỉm cười nghĩ rằng:

– Nếu Xuân Mai còn sống, em ấy hẳn sẽ mặc y phục màu hồng thật nổi bật, từ sáng đến giờ chắc cả phòng không ngừng tiếng nói cười rồi!

Nén tiếng thở dài để ngày tư ngày Tết không nhuốm nét u sầu, Thu Đào quay lại tự ngắm mình trong gương đồng, nàng đưa tay vuốt nhẹ những sợi tóc mai hai bên thái dương, lòng trộm nghĩ đây là lần đầu tiên trong đời nàng hi vọng nhan sắc này có thể khiến người ta chú ý đến như thế.

Ánh nắng xuyên qua khung cửa sổ, rọi lên đôi mày ngài được tô vẽ cẩn thận. Thu Đào nghiêng đầu nhẩm tính một lúc, ước chừng đã đến giờ các vương gia, hoàng tôn cùng tất thảy thái phi cung tần đến Thọ Khang Cung làm lễ cuối năm với Thái Hậu, nàng chậm rãi đứng dậy khoát tay cho sáu cung nữ theo hầu nàng đến yết kiến Thái Hậu. Thu Đào vừa đi vừa khẽ nhếch mép cười thầm:

– Không ngờ mình cũng có lúc trông hách dịch đến thế!

Trước cửa chính điện Thọ Khang Cung.

Trầm hương theo gió lan tỏa khắp nơi, nắng sớm chiếu qua từng kẽ lá làm y phục đủ sắc màu của các cung nhân thêm nổi bật. Vương tôn hoàng gia đứng thành bốn hàng bên phải, nữ nhi ở hậu cung đứng thành bốn hàng bên trái chờ yết kiến Thái Hậu.

Thu Đào cố tình đến trễ một chút, chọn lúc ai nấy đã vào hàng ngũ mà nghênh ngang bước vào, nàng ung dung đứng ở đầu một hàng ngay cạnh Ngọc Tú. Quả nhiên, tất thảy nam nhi có mặt ở đấy, bao gồm cả Lê Hạo, Lê Nghi Dân đều đổ dồn ánh mắt lên người Thu Đào. Nhan sắc lộng lẫy trong bộ y phục màu tím nhạt trứ danh của nàng đúng là khiến nữ nhi thì ganh ghét, nam nhi thì mê đắm!

Đúng theo dự định của Thu Đào, Ngọc Tú cảm thấy chướng mắt vô cùng, không kiềm chế nỗi mà liếc mắt trông ngang xiên xỏ:

– Đúng là người ít được dạy dỗ không hiểu lễ nghĩa, đã đến trễ lại còn phô trương mang theo đến năm sáu cung nữ, chẳng biết là định ra oai với ai nữa!

Thu Đào cười khẩy không đáp, tỏ ý khinh khi chẳng thèm nhìn. Nàng quay lại chỗ Thu Hằng và Kim Ngọc đang đứng ngay sau lưng mình, nói vừa đủ cho Ngọc Tú nghe:

– Bổn tiểu thư được định sẽ là tam giai Chiêu Nghi, hơn hẳn một số người chưa được định danh phận, chẳng hay có đủ tư cách đứng đầu hàng ngũ này không vậy hai muội muội?

Thu Hằng nghe xong cảm thấy bất ngờ nên nhìn chầm chầm vào một Thu Đào khác lạ như đang cố đoán ra ý định của nàng, rồi chầm chậm gật đầu đồng ý nhường chỗ. Kim Ngọc cũng thế, nàng thấy Thu Đào hôm nay chẳng khác gì Ngọc Tú hống hách mọi khi, nhưng biết bản thân vốn chỉ là một thứ thiếp của vương gia, đằng nào cũng không bì được với phi tử tương lai của Hoàng Thượng nên vừa lui bước nhường đường vừa cúi đầu lễ phép thưa:

– Tất nhiên, xin mời Thu Đào tiểu thư!

Thu Đào hất hàm ung dung đứng ngang hàng với Ngọc Tú, nàng không thèm nhìn ai lấy một cái rồi nói trỏng:

– Thế mới là hiểu chuyện, tự hiểu thân phận của mình một chút thì sẽ được sống yên. Kẻ nào dám vô lễ với bổn tiểu thư thì sau này tất có hậu quả!

Biết mình bị đá xéo, Ngọc Tú tức đến hai mắt long lên sòng sọc định sẽ khẩu chiến một trận với Thu Đào. Vừa hay lúc đó, viên thái giám chưởng sự của Thọ Khang Cung báo đến giờ làm lễ nên Ngọc Tú đành nén cơn giận, cùng cả đoàn người ngay ngắn bước vào Thọ Khang cung.

Phong thái hôm nay của Thu Đào làm Lê Hạo vô cùng chú ý. Điệu bộ đường hoàng ngay ngắn, trong lời nói có chút ngông nghênh bất phục, nhan sắc nổi bật giữa đám đông.. Tất cả mọi thứ đều là hình ảnh của Thu Đào trước đây, một Thu Đào tài mạo song toàn trong lòng chàng lúc trước. Anh nhìn đắm say chàng mãi để nơi vóc dáng thân thuộc, đến nỗi không nghe thấy lời của Nghi Dân ngay bên cạnh:

– Tứ đệ, mau nhận điểm tâm cuối năm kìa!

Lúc này Lê Hạo mới giật mình nhìn sang đĩa bánh lão thái giám đang dâng trước mặt, đây là lễ tiết ngày cuối năm Thái Hậu luôn tặng cho cả cung xem như lấy lộc.

Lê Nghi Dân nhìn điệu bộ của Lê Hạo thì cười thầm:

– Quả nhiên anh hùng khó qua ải mỹ nhân! Chẳng hiểu cô tiểu thư đó có gì hay mà khiến hai huynh đệ họ say mê đến vậy?

Biết mình để lộ điểm yếu trước mặt Nghi Dân, Lê Hạo tằng hắng chửa thẹn:

– Hôm nay các vị tú nữ ai nấy đều xinh đẹp động lòng người! Đã để đại ca chê cười rồi!

Lê Nghi Dân cũng hướng mắt nhìn sang những cô gái nhan sắc mỹ miều, đoạn cũng gật gù:

– Đúng thật là hôm nay các vị tú nữ rất xinh đẹp!

Mọi người trong chính điện được được ban tọa (*) để ngồi nghe viên thái giám đọc bài diễn văn dài đưa tiễn năm cũ, đón mừng năm mới như thông lệ. Thoáng một lúc đã đến phần làm thơ tặng Thái Hậu. Các vị vương gia có văn tài ai nấy đều ngâm một bài thơ ca ngợi công lao nhiếp chính (*) của Thái Hậu lúc Nhân Tông còn nhỏ tuổi, hoặc là những bài vịnh chúc thọ có nội dung không mới mẻ gì. Thái Hậu tuy nghe đến nổi nhàm chán rồi, nhưng vẫn phải mỉm cười tán thưởng và cảm ơn tất thảy. Đến lượt các cung nhân trong hậu cung, Ngọc Tú chớp ngay thời cơ để trả thù lúc nãy bị xiên xỏ. Nàng ta biết Thu Đào sau khi gặp nạn đã trở thành kẻ mù chữ, liền dậu đổ bìm leo muốn lăng nhục nàng, ả cất tiếng thưa:

– Bẩm Thái Hậu, chúng thần thiếp thoáng nghe rằng có người tương lai sẽ là tam giai Chiêu Nghi của Hoàng Thượng, xét ra thì phẩm vị ấy đúng là “đứng đầu” chúng phi tần hiện tại. Vậy, thần thiếp xin mạo muội nhờ vị Chiêu Nghi tương lai ấy làm một bài thơ để chúc tụng Thái Hậu trước vậy!

Hai chữ “đứng đầu” được Ngọc Tú cố tình nhấn giọng để trêu tức Thu Đào.

Thoáng nghe qua đề nghị của Ngọc Tú, Lê Hạo mặt xanh như tàu lá vì lo lắng, chàng hoang mang tột cùng nhìn sang chỗ Thu Đào đang đứng mà bất lực không biết phải làm gì để giúp nàng. Lê Hạo trộm nghĩ:

– Tự nhiên hôm nay nàng trêu tức Ngọc Tú làm gì chứ? Bây giờ chữ nghĩa lúc nhớ lúc không, thơ vịnh cái nỗi gì? Thu Đào ơi Thu Đào, sao nàng cứ mãi khiến ta lo lắng như vậy?

Bị đề nghị bất ngờ nên Thu Đào thoáng động tâm, nàng đưa mắt nhìn Ngọc Tú mà nghiến răng tự nhủ:

– Cái ả độc ác này, biết mình mù chữ mà còn bắt làm thơ! Đúng là cái đồ..

Chợt một ý nghĩ thoáng qua làm nét mặt Thu Đào giãn hẳn ra, thay vì lo lắng cuống quýt, nàng nhẹ nhàng bước ra khỏi hàng ngũ rồi đứng trước mặt Thái Hậu thưa:

– Vậy thần thiếp xin góp chút sức mọn, đọc một bài thơ để tặng cho Thái Hậu nhân dịp cuối năm.

Thu Hằng nghe xong lời nói đầy tự tin của chị gái thì đôi mày khẽ động, nàng kín đáo đặt lên người Thu Đào một ánh mắt dò xét, lòng dấy lên một nỗi lo mơ hồ:

– Ta trông hôm nay tỷ ấy rất lạ, giống hệt như lúc trước vậy! Phong thái đường hoàng, có chút ngông nghênh.. Lẽ nào đã hồi phục ký ức rồi sao?

Thu Đào đứng ngay ngắn trước mấy chục con người, nàng cất tiếng đọc bài thơ trong sự căng thẳng tột cùng của Lê Hạo:

“Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan,

Trường đắc quân vương đới tiếu khan.

Giải thích xuân phong vô hạn hận,

Trầm Hương đình bắc ỷ lan can.

Dịch thơ:

Sắc nước hương trơi khéo sánh đôi,

Quân vương nhìn ngắm những tươi cười.

Sầu xuân man mác tan đầu gió,

Cửa bắc đình Trầm đứng lả lơi.”

Bốn câu thơ ngắn gọn vang lên qua phần diễn đọc trong trẻo kèm hành động múa máy tay chân theo lối tấu hài của người hiện đại làm Thái Hậu bật cười. Tuy là một vị Thái Hậu từng nhiếp chính, nhưng văn tài chỉ ở mức trung bình nên bà chỉ hiểu lờ mờ rằng mình đang được ca ngợi nhan sắc nên trong lòng rất vui.

Nhìn thần sắc của Thái Hậu, Thu Đào khoái chí liếc nhìn Ngọc Tú đang tái mặt đi vì tức giận. Với vẻ mặt khiêu khích, nàng tự đắc nhủ thầm:

– Mình là học sinh chuyên văn đấy nha bạn! Không biết làm thơ thôi chứ còn thơ thuộc lòng thì cả rổ!

Lê Hạo vừa nghe qua đã biết ngay đó là bài Thanh Bình Kỳ Diệu của Lý Bạch viết để mô tả nét đẹp của Dương Quý Phi nhà Đường. Mừng vì Thu Đào ít ra cũng thuộc được một bài thơ ra trò, lại nói trúng vào sở trường văn thơ của mình nên Lê Hạo bất giác vỗ tay đôm đốp, đoạn chàng ra mặt diễn giải:

– Hay! Hay lắm! Thanh Bình Kỳ Diệu vốn là Lý Bạch viết để tả Dương Quý Phi thời nhà Đường. Vị quý phi ấy nỗi tiếng vì nhan sắc khuynh thành, thiết nghĩ Thái Hậu của Lê Triều ta cũng là một đại mỹ nhân. Vả lại, Thái Hậu còn có tài trị quốc, chứ không phải chỉ có nhan sắc như Dương Quý Phi!

Xong, chàng còn hóm hỉnh nhìn Thu Đào trêu ghẹo thêm:

– Đại tiểu thư, nàng dùng bốn câu thơ này để ca ngợi dung nhan của Thái Hậu, e là vẫn còn thiếu sót đấy!

Thu Đào nhanh trí đáp ngay:

– Thơ văn ca ngợi tài trí của Thái Hậu còn thì quá nhiều rồi, nếu thần thiếp không nhắc nhở mọi người về dung nhan tuyệt sắc của người thì mới là thiếu sót!

Thấy Lê Hạo và Thu Đào kẻ tung người hứng, Ngọc Tú ngứa mắt vô cùng bèn chen vào bắt bẻ:

– À! Thì ra đây là thơ của Lý Bạch, nhưng yêu cầu đặt ra là phải tự mình sáng tác mà!

Thái Hậu đang vui vì được tâng bốc, lúc bấy giờ là đang là lễ tất niên, bà không muốn phá hỏng bầu không khí vốn nên vui tươi này, bèn phất tay hiệu cho Ngọc Tú lui xuống, rồi nói:

– Thôi được rồi! Tự sáng tác cũng được, thơ của người khác cũng được! Bổn cung thấy rất vui rồi, không nên tranh cãi nữa!

Thu Đào cứ thế thuận lợi qua ải. Nàng thành công chọc tức Ngọc Tú, và cũng vô tình khiến lòng ganh ghét vốn có nơi Thu Hằng trỗi dậy, ngày một thôi thúc mãnh liệt!

* * *

Lễ tất niên kết thúc trong sự hậm hực của Ngọc Tú. Suốt buổi nàng ta cứ chốc chốc lại nhìn vẻ mặt đắc ý của Thu Đào mà tức muốn ứa máu, dặn lòng khi có cơ hội nhất định phải cho Thu Đào một bài học rửa hận, mai này làm phi tần rồi cũng quyết tranh cao thấp với nàng cho bằng được.

Non trưa, tất thảy mọi người lần lượt nối gót nhau ra khỏi Thọ Khang Cung. Theo kế hoạch đã định từ trước, nàng nháy mắt cho một cung nữ đến nói nhỏ vào tai Lê Hạo rằng Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Nguyễn Đức Trung đang ở Thừa Hoa Điện xin gặp. Lê Hạo không mảy may nghi ngờ liền rảo bước trở về ngay.

Từ Thọ Khang Cung về Diên Ninh Cung, rồi ra đến cổng Nam Môn, Thu Đào biết mình sẽ phải chung đường với Lê Nghi Dân một đoạn. Lê Hạo đã bị lừa đi mất, giờ chỉ còn một điểm khó là làm sao dụ được Ngọc Tú đi theo để tiện bề khiêu khích, vì Tú Xuân Điện của Ngọc Tú nằm ngay bên cạnh Thọ Khang Cung, nếu chậm trễ để nàng ta về trước thì không còn cớ gì để thu hút sự chú ý của Nghi Dân. Suy nghĩ một lúc, Thu Đào cố tình kéo tay Kim Ngọc đi đến gần Ngọc Tú, nàng cất tiếng vừa đủ để ả ta nghe thấy:

– Hôm nay ta dỗ ngọt được Thái Hậu chắc chắn Hoàng Thượng sẽ rất vui. Mau đi theo ta, chúng ta cùng nhau đến xin Hoàng Thượng lấp cả cái ao sen để nhặt lại trâm bạc cho nàng!

Kim Ngọc nghe nhắc đến trâm bạc thì tái mặt, nàng lấm lét nhìn sang Ngọc Tú rồi hạ giọng khẽ khàng để người khác không nghe thấy:

– Ấy! Sao nàng lại nói chuyện đó ở đây, Ngọc Tú nghe được sẽ làm khó ta đấy!

– Ai dám làm khó chị em tốt của bổn tiểu thư? Ta sẽ bẩm Hoàng Thượng đày kẻ đó vào lãnh cung! – Thu Đào lại nói dõng dạc bất chấp Kim Ngọc khoa tay múa chân ra hiệu mau dừng lại.

Không để Kim Ngọc kịp phản ứng gì thêm, Thu Đào cứ thế nắm tay nàng lôi đi. Ngọc Tú nghe lời khiêu khích thì đỏ mặt tía tai vội chạy theo sau, miệng không ngừng hằn học đáp trả:

– Ngươi nói đày ai vào lãnh cung? Dám đứng lại đây nói lại lần nữa không?

Thọ Khang Cung đã dần thưa người, giữa sân chỉ còn văng vẳng tiếng chửi rủa của Ngọc Tú đang nói với theo Thu Đào và Kim Ngọc. Trong khi đó, Thu Đào vờ như không thèm nghe mà chỉ cố sức lôi Kim Ngọc đi thật nhanh để bắt kịp Lê Nghi Dân ở phía trước. Bụng nhủ thầm:

– Tên ác vương này sao mà đi nhanh quá vậy?

* * * Hết chương 45 —-

Chú thích:

1. (*) Ban tọa: Ban cho được ngồi

2. (*) Nhiếp chính: Chỉ người được giao nhiệm vụ giúp vua trị vì đất nước khi vua còn nhỏ tuổi, hoặc do vua có lý do khác tạm thời không tự mình xử lý chính sự được.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.