Hồi Đáo Lê Triều

Chương 13: Cung Yến 2



Cung yến bắt đầu được một lúc thì Tuyên Từ Thái Hậu mới xuất hiện từ phía tả Cần Chính Điện, bà chậm rãi bước đến ghế phụng bên cạnh Nhân Tông. Thái Hậu năm nay chỉ mới ba mươi lăm tuổi, hôm nay bà đã chọn lễ phục mùa hè màu xanh nước biển, gấu váy dài quá gót thướt tha. Trang sức trên người và trâm cài tóc cũng theo đó mà có màu xanh dương trong suốt lấp lánh, đặc biệt là ở giữa đỉnh đầu Thái Hậu có cài một con chim phượng bằng vàng sáng bóng, miệng nó ngậm một chuỗi trân châu dài đến giữa trán. Những hạt châu thượng hạng lấp lánh dưới ánh nến, đong đưa theo từng cử động nhịp nhàng của Thái Hậu. Thái Hậu có dung nhan xinh đẹp sắc sảo, nước da trắng ngần trông rất quyền quý cao sang, hẳn rằng đây cũng là vũ khí góp phần giúp bà đánh bại biết bao cung tần mỹ nữ của Thái Tông, một bước trở thành sủng phi bậc nhất, giành được cả ngôi Thái Tử về cho con trai chỉ trong một thời gian ngắn ngủi.

Nhân Tông và triều thần có mặt tại cung yến đồng loại đứng lên hành lễ với Tuyên Từ Thái Hậu. Bà cho tất cả miễn lễ rồi ngồi xuống cùng uống rượu ngắm trăng. Đoạn bà liếc mắt nhìn Nghi Dân lúc này đang mãi xem múa hát, rồi quay sang Nhân Tông hỏi nhỏ:

– Hoàng Thượng chắc trong lòng cũng đã có tính toán rồi chăng?

Nhân Tông hiểu ý mẹ bèn thưa:

– Nhi thần tự đã có sắp đặt, nhất định không để mẫu hậu phải lo lắng!

Thái Hậu nhíu mày khuyên can con trai:

– Sinh ra trong hoàng tộc phải biết cứng rắn bảo vệ bản thân và địa vị. Tình thủ túc trong gia đình đế vương mà nói chỉ là giả dối! Hoàng nhi, con quá lương thiện tin người rồi! Ta nên diệt cỏ tận gốc thì hơn!

Nhân Tông hiểu tính tình của mẫu thân, xưa nay bà đã vì con trai không ngại trừ khử nhiều kẻ có ý đồ phản nghịch, nhưng lần này người bà định ra tay là Nghi Dân, là huynh trưởng trong lòng Nhân Tông nên vị vua trẻ nhân từ không nỡ đưa ra hạ sách ấy. Huống chi trước giờ Nghi Dân vẫn khéo đối xử, trước mặt vua không để lộ gian ý, vì thế Nhân Tông càng không nghi ngờ, mọi sự đề phòng hôm nay của chàng đều là do Thái Hậu và Lê Hạo hết lòng nhắc nhở. Tuy vậy, Nhân Tông vẫn muốn dùng một đối sách để vẹn toàn cả tình huynh đệ, vừa có thể giúp bản thân giữ vững ngôi vị, nên bấy lâu vẫn phản đối việc Thái Hậu thanh trừng Nghi Dân:

– Mẫu hậu, nhi thần nay đã đích thân chấp chính, việc của đại ca con đã tự có kế sách, nhất định sẽ kiềm chế được dã tâm của huynh ấy mà không để triều ta phải mang tiếng xấu sát hại cả người trong gia tộc. Xin mẫu hậu để nhi thần tự quyết việc lần này!

Tuyên Từ Thái Hậu thở dài, bà biết Nhân Tông vốn tính hiền lành không bao giờ chọn cách tàn sát huynh đệ thủ túc. Vì vậy bà chỉ đành tương kế tựu kế, đứng phía sau âm thầm giúp đỡ con trai, như thế sẽ vừa đạt được mục đích, vừa tránh khỏi việc mẹ con xảy ra mâu thuẫn.

Án chừng ai nấy đã ngà ngà hơi men, Thái Hậu ra lệnh mang rượu quý của hoàng cung ra thiết đãi toàn bộ triều thần có mặt tại buổi yến tiệc. Bà liếc mắt nhìn tỳ nữ thân cận một cái, nàng ta bèn khẽ gật đầu ý bảo rằng “mọi việc đã xong!”. Thái Hậu thưởng cho mỗi bàn một bình Trúc Diệp Thanh (*), loại rượu nổi tiếng của phương Bắc, lúc tại thế tiên đế Thái Tổ đã ban tặng cho bà một trăm vò nhân dịp sinh thần mười tám tuổi.

Được ban rượu quý, quần thần đồng loạt đứng lên tạ ơn vua và Thái Hậu:

– Tạ ơn Hoàng Thượng, Thái Hậu ban ơn trạch. Chúc Hoàng Thượng, Thái Hậu thân thể an khang, Đại Việt muôn đời thịnh trị!

Nhân Tông đưa hai tay hướng về quần thần ban miễn lễ. Không khí buổi tiệc cũng nhờ vào Trúc Diệp Thanh mà thêm náo nhiệt, thêm nồng nàn hứng khởi. Ai nấy đều hân hoan rót mời nhau, hết một chén lại một chén, kẻ ngắm trăng làm thơ, người ngắm hoa đối ẩm, hoan lạc vô cùng!

* * *

Thu Đào chạy phía trước, hết nhìn cái này đến ngắm cái kia, đến cung nào điện nào nàng đều chăm chú nhìn thật kỹ, chốc chốc lại đưa tay sờ lên những cây cột trụ được trạm trổ hình rồng hình phượng, như thể nàng muốn đem tất cả những cảnh vật tại đây toàn bộ lưu lại hết trong trí nhớ. Lê Hạo nhìn nàng tung tăng trong cung như một đứa trẻ vừa được ra phố, chàng không khỏi bật cười mà nhắc:

– Này, nàng đang cải trang thành tuỳ tùng của bổn công tử ta đấy! Làm gì có tuỳ tùng nào lại cứ đi trước bỏ chủ lại phía sau như nàng!

Thu Đào được nhắc thì khẽ “À!” một tiếng rồi nhảy chân sáo chạy đến đi bên cạnh Lê Hạo. Nàng tranh thủ hỏi:

– Hoàng cung thật đẹp quá! Nhưng cung điện Đại Việt ta chọn màu chủ đạo là ngói xanh, chứ không phải là tường đỏ ngói vàng giống như tử cấm thành của Minh triều nhỉ?

Lê Hạo nghe nàng hỏi thì bất ngờ lắm, chàng khoanh hai tay trước ngực nhìn nàng nói với thái độ vừa vui lại vừa nghi hoặc:

– Nàng cũng biết Tử Cấm Thành phương Bắc à? Ta thật là nghi ngờ nàng có đúng là đã mất hết ký ức hay không đấy! Thỉnh thoảng nàng vẫn là đại tiểu thư Thu Đào kiến thức uyên thâm mà ta đã từng biết đấy thôi!

Thu Đào chép miệng giải thích:

– Ta tình cờ đọc được trong sách thôi!

Lê Hạo ôn tồn kể tiếp:

– Ngói tráng men vàng là “Hoàng Lưu Ly”, tráng men xanh gọi là “Thanh Lưu Ly”, ở đây vẫn có một số cung điện được lợp ngói vàng, như là Cần Chính Điện, nơi đang diễn ra cung yến ấy!

Thu Đào hai mắt sáng lên, nắm lấy cánh tay Lê Hạo giật giật:

– Xin chàng đấy, mau dắt ta đi xem!

Lê Hạo bất ngờ bị Thu Đào ôm chầm lấy cánh tay, chàng chợt nhớ đến cảm giác ấm áp trước kia, lúc ấy mỗi khi có dịp bên nhau, Thu Đào vẫn hay tựa đầu vào vai chàng kể hết chuyện này đến chuyện khác, quấn quýt không rời nửa bước. Đã lâu lắm chàng không có lại được cảm giác hạnh phúc ấm áp khi ôm ấp người yêu trong tay, chàng bất giác thấy tim loạn nhịp, cứ đứng ngây ra nhìn nàng mà quên mất mình phải làm gì tiếp theo.

Thu Đào vô tư cứ nghĩ Lê Hạo sợ mình gây họa nên phân vân không muốn dắt đi, bèn tiếp tục lay lay cánh tay chàng van nài:

– Xin chàng! Ta xin hứa sẽ chỉ đứng từ xa nhìn, tuyệt đối không manh động gây họa!

Lê Hạo quay về với thực tại sau cú lay của Thu Đào, chàng cười nói:

– Tất nhiên ta sẽ dắt này đến Cần Chính Điện rồi, mục đích hôm nay ta đưa nàng vào cung là để xem cung yến mà, chẳng những được xem, mà còn được ăn điểm tâm, uống rượu ngon nữa!

Thu Đào nhảy cẩng lên sung sướng:

– Lê công tử vạn tuế!

Nghe hai từ “vạn tuế” của Thu Đào, Lê Hạo như điếng người đưa tay bịt miệng nàng mắng rằng:

– Đại tiểu thư của ta, nàng chán sống rồi sao? Chỉ có Hoàng Thượng mới xứng với hai từ “vạn tuế”, nàng to gan nhưng ta thì không đâu, ta vẫn còn muốn sống để hiếu thuận với mẫu thân nữa!

Thu Đào nhớ ra mình đang ở thời phong kiến, lại đang trong hoàng cung đại nội nên lời vừa thốt ra chẳng khác nào tự tìm cái chết, bèn gật gật đầu rồi gỡ tay Lê Hạo ra khỏi miệng, đoạn nàng khép năm ngón tay lại đưa lên ngang mặt thề:

– Ta hứa sẽ ngậm miệng lại không “khẩu xuất cuồng ngôn” nữa!

Lê Hạo lắc đầu, nhắm mắt lại một cái rõ dài để biểu thị sự “bất lực” với nàng:

– Nang biết mình “khẩu xuất cuồng ngôn” à! Thật may quá! Đi thôi đại tiểu thư!

Thu Đào bám theo sau lưng Lê Hạo cười cười trộm nghĩ:

– Thật ra chàng trước sau cũng sẽ được tung hô vạn tuế thôi mà! Sau này chàng sẽ khâm phục lời tiên tri của ta cho mà xem!

Tiến sâu vào hậu đình là đến một khoảng sân có cả thảy ba mươi dãy hành lang trồng toàn là địa lan (*), hai bên trái phải cơ man là hoa lan đủ các màu đỏ, trắng, tím, vàng, hương đưa ngào ngạt trong gió. Thu Đào phải nói là như chết ngất đi trước vẻ đẹp cổ kính mà rất lãng mạn ngọt ngào này! Theo lời Lê Hạo kể thì đây chính là vườn địa lan mà Hoàng Thượng yêu thích nhất, người thường đến đây đi dạo vào để giải tỏa mệt nhọc sau mỗi lúc thượng triều.

– Thì ra Nhân Tông cũng là một người yêu hoa! – Thu Đào nhủ thầm.

Đi qua vườn địa lan thì Cần Chính Điện lung linh chói mắt dần hiện ra từ phía xa. Càng tiến gần thì dòng người qua lại càng tấp nập! Phải nói là lễ tiết cung đình quả thật rất rườm rà, cứ đi được vài bước chân thì lại nghe thấy cung nữ thái giám hành lễ với Lê Hạo:

– Tứ điện hạ vạn phúc!

Thu Đào nghe đến phát mệt, nhưng vẫn phải cố chịu đựng. Ấy là chưa kể đến việc lúc họ hành lễ với Lê Hạo, thân là “tuỳ tùng” nàng phải có nhiệm vụ đan mười ngón tay lại đưa ra ngang ngực vái đáp lễ nếu như người ấy là cung nhân lớn tuổi hơn mình, việc này trước khi bước vào Cần Chính Điện Lê Hạo đã báo trước để tránh bị người khác nghi ngờ, buộc nàng phải tuân theo phép tắc.

Sau một lúc lâu hành lễ mỏi rã cả hai tay, Lê Hạo cũng đưa được Thu Đào đến dãy ghế cuối cùng dành cho các vị quan có cấp bậc thấp hơn. Chàng nhìn trước ngó sau, đang lay hoay tìm cách làm sao để “hợp thức hóa” việc cho tuỳ tùng được ngồi xuống dùng yến cùng, thì may mắn làm sao, Lê Hạo bắt gặp Đào Biểu – thái giám thân cận của Nhân Tông – đang theo lệnh đi dò xét một vòng quanh buổi tiệc. Nhìn thấy Lê Hạo, Đào Biểu vội vái chào:

– Tứ Điện Hạ vạn phúc!

Thu Đào nhìn thấy vị quan già ăn mặc khá chỉnh chu, đoán biết là người có “số má” trong số các cung nữ thái giám nên lật đật vái chào đáp lễ.

Lúc ấy Đào Biểu chú ý đến nàng ngay, mặt hoa da phấn, vóc dáng bé nhỏ, mười phần hết chín là nữ cải nam trang. Ông ta khẽ nhìn sang Lê Hạo như muốn hỏi về người “tuỳ tùng” này thì chàng đã gật đầu ra hiệu, đoạn nói với Đào Biểu:

– Nhờ Đào công công bẩm lại với Hoàng Thượng Lê Hạo ta đã đến, nhưng tối đêm qua xem sách khuya quá nên mắt hơi cay, không tiện ngồi gần ánh đèn sợ chói mắt. Nhân đây ta có dắt theo vị huynh đệ đã tặng đèn ông sao cho ta dâng lên Thái Hậu! Mong được ban tọa!

Thu Đào nghe thấy Lê Hạo gọi đến mình thì “Hả!” lên một tiếng rồi hiểu ý ngay, nàng vội vái chào Đào Biểu thêm lần nữa:

– À! Đa tạ Đào công công chuyển lời giúp cho tại hạ!

Đào Biểu vâng lệnh rồi đi ngay.

Chỉ một lúc sau, một chiếc bàn nhỏ đã được mang đến. Cung nữ hầu tiệc ai nấy mặt đẹp như hoa, liên tiếp thay phiên nhau mang đến cho Thu Đào nào điểm tâm hoa quả, thịt cá đủ loại, tổ yến, bào ngư.. Tuy thức ăn có độ vài chục món, nhưng mỗi đĩa số lượng ít, chỉ gắp vài đũa là đã hết. Lê Hạo có giải thích rằng nếu như muốn dùng thêm món nào thì đều có thể bảo cung nhân mang đến thêm. Thu Đào thấy món ăn ngon thì sáng mắt, cứ theo cái lối ăn uống của một cô gái hiện đại mà dùng rất tự nhiên, lúc cho thức ăn vào miệng chẳng thèm dùng ống tay áo che miệng. Cung cách ấy làm Lê Hạo phải bật cười mà nói với nàng:

– Này, nàng quả thật diễn rất tốt đấy, cải trang thành nam nhi rồi thì ăn uống không dùng ống tay áo che miệng lại hệt như nam nhân chúng ta!

Thu Đào nghe xong liền nghẹn ngay cổ họng, thì ra cách ăn uống của mình lại giống đàn ông như vậy sao? Thời phong kiến thật là lễ nghĩa phiền phức. Nàng than:

– Nữ nhi thời đại này thật là khổ sở, đến ăn cũng phải che miệng à?

Lê Hạo lại không nhịn được cười với cách suy nghĩ của Thu Đào, chàng đôi khi cảm thấy rất khó hiểu với lối tư duy ấy, nàng cứ luôn miệng nói “thời đại này, thời đại kia”, hành xử thì lạ lùng cứ như người từ nơi khác đến chứ chẳng phải là một vị tiểu thư nhà quan của Đại Việt.

Cả hai đang ăn uống vui vẻ, thì một cung nữ mang đến một bình Trúc Diệp Thanh và nói:

– Hôm nay Thái Hậu ban thưởng Trúc Diệp Thanh, mời Tứ Điện Hạ và công tử.

Người cung nữ vừa đi khuất, Thu Đào đã hỏi ngay:

– Trúc Diệp Thanh là gì?

– Là một loại rượu quý của phương Bắc, sau khi lên men từ gạo thượng hạng xong còn phải ủ với lá trúc cho thơm, dưới ánh nắng còn có thể đổi sang màu xanh đẹp mắt, vì vậy mới có tên là Trúc Diệp Thanh! – Lê Hạo ôn tồn giảng giải.

Thu Đào hớn hở hớp thử một ngụm ngay, rồi nàng khoan khoái thốt lên:

– Ta lại được mở rộng tầm nhìn rồi!

Lê Hạo mỉm cười không nói gì thêm, chỉ lặng lẽ nhìn nàng đang vui vẻ dùng hết món này đến món khác, chốc chốc lại nhấp một ngụm rượu rồi ung dung xem ca múa, thỉnh thoảng lại vỗ tay bôm bốp tán thưởng các ca nhi vũ công, nàng hoàn toàn đắm chìm trong yến tiệc, nhiệt tình mà tận hưởng cứ như chẳng bao giờ lại có dịp dự yến lần thứ hai trong đời vậy!

– Ta chỉ mong nàng mãi mãi được như bây giờ, vô tư và hạnh phúc! – Lê Hạo nhủ thầm.

* * *

Lê Nghi Dân lúc này đã chếnh choáng hơi men, tim trong lồng ngực cứ đập thình thịch liên hồi, mồ hôi vã ra như tắm, hơi thở cũng gấp gáp nặng nhọc hơn, cứ như thể vừa đánh nhau vài trăm hiệp với một gã lực sĩ cao to nào đấy. Rồi án chừng do mấy đêm liền khó ngủ vì phải suy tính đường đi nước bước, cốt sao dồn Nhân Tông vào thế kẹt, bắt buộc thân chinh dẹp giặc, lại gặp phải lúc uống rượu hơi nhiều nên mới ra như thế. Sau đôi lời cáo lui với Nhân Tông và Thái Hậu, Nghi Dân cùng hơn hai mươi tuỳ tùng và vệ sĩ ra về.

Nghi Dân vừa rời khỏi được một lúc, Nhân Tông cũng cáo bận công vụ mà rời đi trước, để Thái Hậu ở lại chủ trì yến tiệc.

Thoáng thấy bóng dáng Hoàng Thượng quay lưng rời đi, Thu Đào quay sang nói với Lê Hạo:

– Chàng xem, ta với Hoàng Thượng quả thật không có duyên đúng không, ta đã đến tận đây nhưng lại không có cơ hội gặp mặt! Chưa biết chừng sau này tiến cung rồi cũng vậy, cả đời không có cơ hội diện kiến, ta sẽ chết già trong cung mất!

Lê Hạo lại phì cười vì biết rõ ràng nàng ta và Hoàng Thượng chẳng những đã từng gặp mà còn đang là bằng hữu nữa. Rồi chàng phát hiện ra đêm nay trong vòng hơn một canh giờ thôi mà mình đã cười rất nhiều. Phải chăng chỉ khi ở cạnh nàng thì mọi lo toan mệt nhọc trong lòng chàng mới có thể tạm thời vơi đi, phải chăng nàng chính là niềm vui duy nhất, thứ quý giá nhất trong kiếp đời của một Hoàng Tử luôn sống trong cảnh đấu đá quyền lực này! Đoạn, Lê Hạo an ủi nàng:

– Không đâu, Hoàng Thượng chưa có cung tần nào cả, chắc chắn người sẽ đối tốt với nàng!

Thu Đào chỉ biết thở dài nghĩ ngợi, gắp một miếng thức ăn cho vào miệng và nhìn theo hướng Nhân Tông vừa đi khuất.

Lúc tiệc sắp tàn, thái giám Đào Biểu lại xuất hiện, Thu Đào xem dáng điệu đoán chừng ông ta đang có điều gì muốn nói riêng với Lê Hạo nên đã ý nhị ngồi xa ra một tí và chăm chú nhìn vào vũ công đang nhúng nhảy giữa sân khấu, nhường lại không gian riêng cho họ trao đổi với nhau. Sau một lúc lâu thì thầm điều gì đó và tai Lê Hạo, Đào Biểu không quên chúc tụng người khách lạ vài câu sao rỗng của cung đình rồi cáo lui. Thu Đào cũng lễ phép chào ông ta, xong nàng tinh tế hỏi thăm Lê Hạo:

– Có phải chàng bận công vụ không? Thôi chúng ta chơi bấy nhiêu đủ rồi, cũng đã khuya, ta về thôi!

Thật ra Đào Biều lúc nãy đã theo lệnh của Nhân Tông bảo Lê Hạo sớm đưa Thu Đào về vì biết nàng đang bị thương, đêm cũng đã khuya rồi. Nhân Tông lại lo lắng không muốn để nàng về một mình, nên đã lại cải trang thành thị vệ Lê Tuấn, chờ hai người họ ở Tả Nam Môn (*) của hoàng thành. Y theo lời căn dặn, Lê Hạo nói với Thu Đào:

– Không, chỉ là chút việc nhỏ thôi. Nhưng hiện giờ cũng đã khuya, nàng cũng nên về trước khi Nguyễn đại nhân về đến phủ chứ, ta đưa nàng về!

Thu Đào “Ờ!” một tiếng đầy tiếc rẻ, nàng nhìn xung quanh khắp một lượt rồi ngoan ngoãn theo Lê Hạo ra về.

Đến Tả Nam Môn, quả nhiên Lê Tuấn đã mặc bộ quần áo của ngự tiền thị vệ đứng đó tự bao giờ. Bên hông còn có một thanh gươm dài đựng trong vỏ bạc sáng loáng. Do hôm nay cách ăn mặc khác với ngày thường, mãi lúc đến gần Thu Đào mới nhận ra chàng và reo lên:

– A! Chàng cũng đi dự yến tiệc đúng không? Suốt buổi ta chẳng thấy chàng đâu hết!

Lê Tuấn đưa tay lên gõ vào trán nàng một cái và trách:

– Nàng bướng bỉnh lắm, ta biết thể nào nàng cũng trốn ra ngoài chơi mà! Quả nhiên lại dám mò đến tận hoàng cung luôn cơ đấy! Ta đâu có sung sướng như nàng được dự yến tiệc, ta phải bảo vệ hoàng thượng, bây giờ mới được ra về đây!

Lê Hạo nãy giờ đứng phía sau lưng Thu Đào, chàng chấp hai tay trước ngực, thè lưỡi nheo mắt ý xin Lê Tuấn đừng trách tội đã dám lén lút đưa nàng đi chơi. Hiểu ý, nên Lê Tuấn bèn liếc mắt sang Lê Hạo nói ám chỉ:

– Thôi! Nàng thấy vui vẻ là được! Ta sẽ không bẩm cáo hoàng thượng rằng có kẻ dám trà trộn vào cung yến, giữ lại cái đầu trên cổ nàng vậy!

Thu Đào rụt cổ lại hoang mang hỏi:

– Chỉ có lén đi “ăn chực” thôi mà cũng đáng tội chém đầu à? Sống thời này sao mà dễ bay đầu quá!

Hai chàng trai lại nhìn nàng đồng thanh:

– “Ăn chực?”

Thu Đào cười khanh khách, đoạn nàng hai tay chống hông, ngông ngênh vừa đi vừa nói:

– Hai tên cận vệ này! Bảo vệ bổn cô nương cho tốt rồi ta sẽ dạy cho ngôn ngữ hiện đại!

– Tuân lệnh! – Lê Tuấn hóm hình đáp và bước đến đi ngay bên cạnh nàng, tay lăm lăm thanh gươm diễn nét đang bảo vệ chủ nhân.

Lê Hạo thụt lùi về phía sau nhìn theo hai người đang cười cười nói nói, chàng lắc đầu thở dài, môi nở một nụ cười chất chứa ưu tư.

* * *

Lê Nghi Dân ngồi xe ngựa ra khỏi cổng hoàng thành được chừng một dặm đường thì đầu óc càng lúc càng quay cuồng, cơ thể nóng rang, môi khô đến bật máu. Hắn cố gắng bám chặt vào ghế để khỏi ngã lăn xuống mỗi khi qua đoạn đường gồ ghề. Bỗng nhiên xe ngựa dừng hẳn lại, tên tuỳ tùng đứng ngoài cửa cổ xe hổn hển báo, tiếng nói như sắp đứt hơi:

– Đại v.. ương!.. Có lẽ ta.. đã bị kẻ gian.. hạ độc!

Nghi Dân nghe thấy thì thất kinh, dùng hết sức lực còn lại mở cửa cổ xe ra xem thử tình hình. Trước mắt hắn là hơn hai mươi tên cận vệ kẻ ngồi người nằm la liệt dưới mặt đường, như thể ai nấy đều không còn chút sức lực, giống hệt cảm giác của bản thân hiện tại. Biết chắc có chuyện chẳng lành, Nghi Dân định ra lệnh cho thủ hạ mau chóng đến ngay phủ để của Khắc Xương ở gần đó để lánh nạn. Nhưng chưa kịp phản ứng gì thì..

* * * Vút!

Một mũi tên từ đâu trong không trung xé gió lao đến, nhắm thẳng vào yết hầu Nghi Dân..

* * * Hết chương 13 —-

Chú thích:

1. (*) Trúc Diệp Thanh là loại rượu quý xuất xứ từ Phượng Hoàng Cổ Trấn của Trung Quốc, được sản xuất từ rất nhiều thảo dược quý lên men cùng gạo nếp, sau đó chúng sẽ được ủ với lá trúc, tạo nên vị ngọt nhẹ tinh khiết và mùi thơm kích thích vị giác. Không chỉ vậy, điểm đặc biệt nhất của loại rượu này chính là khả năng biến hóa màu sắc vô cùng độc đáo, thông thường rượu sẽ có màu vàng nhạt, cho đến khi đặt dưới ánh mặt trời thì rượu sẽ chuyển sang màu ánh xanh lạ mắt. Đây là loại thượng phẩm ngày xưa chỉ có vua chúa mới được dùng.

2. (*) Địa lan: Những loài hoa lan mọc trên đất hay kẽ đá.

3. Tả Nam Môn: Nam Môn là cổng lớn để vào hoàng thành Thăng Long, có năm cửa lớn gồm một cửa ở chính giữa, mỗi bên trái phải có thêm cửa nhỏ. Tả Nam Môn là cửa nhỏ ngoài cùng bên phải của hoàng thành.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.