Chuyện vẫn còn nhiều cách lý giải căn cứ theo hành trạng của đôi đế hậu khai quốc và chúng quan thần thời ấy được chép lại trong quốc sử.
Có người nói khi đó danh vọng của Hoàng hậu Nguyên Thần quá cao, cơ hồ lấn lướt Thái Tổ Hoàng đế. Chữ Thần trong mỹ hiệu của ngài hậu ngoại trừ ý nghĩa kì diệu, bất phàm còn ám chỉ sao Bắc Thần*, còn gọi là sao Bắc Cực tức ngôi vua. Giới sĩ phu đương thời cho rằng rất có thể Hoàng đế khai quốc đã hứa cho Hậu cùng hưởng tôn vị, cùng cai trị xã tắc. Nhưng lại bị triều thần thời ấy phản đối quyết liệt.
Họ lấy Võ hậu thời Đường ra làm dẫn chứng, nói đó là mối họa gà mái báo sáng*, nữ chúa tiếm quyền. Tuy sau này Võ hậu trả lại ngôi thiên tử cho hoàng thất họ Lý, triều Võ Chu mà bà lập ra cũng đi vào dĩ vãng nhưng xác thật trong những năm Võ hậu ở ngôi cơ hồ đã thẳng tay diệt trừ rất nhiều hoàng tử, tông thất họ Lý, trong đó có cả con ruột của bà. Chúng quan thần cho rằng xét cả quãng đời của Võ hậu từ khi còn là Võ tài nhân của Đường Thái Tông, tới Võ hậu của Đường Cao Tông, cho đến giai đoạn nhị thánh lâm triều quả thật là tội lỗi chồng chất, không thể làm khuôn vàng thước ngọc cho con dân noi theo.
Triều Võ Chu bị một số triều đại coi là ngụy triều tức không được công nhận là một triều đại chính thống. Tài năng và công lao của Võ hậu cũng bị tội nghiệt của bà lấn át, đến nỗi khi nhắc đến Võ hậu, người ta chỉ nhắc đến cương vị tài nhân, chiêu nghi, Hoàng hậu của bà, không nhìn nhận ngôi thiên tử bà đã từng ngồi.
– Triều Đường coi thiên tử là thánh nhân, nhị thánh lâm triều tức là hai vị thiên tử cùng lên triều nghe bẩm chính sự. Nay bệ hạ muốn nối bước nhị thánh làm triều, há chẳng phải đương ví mình và Hoàng hậu như Cao Tông và Võ hậu đời Đường hay sao? Bệ hạ muốn con cháu của mình sau này bị Hoàng hậu tru diệt giống Võ hậu đã làm với con cháu Cao Tông đó ư?
Lại có viên quan nọ dẫn chuyện thời con gái của Hoàng hậu Nguyên Thần ra để công kích. Hậu vốn là con gái dòng dõi sĩ tộc họ Lan, đã có hôn ước với một vị công tử môn đăng hộ đối. Nhưng ngay trong lễ cập kê, Hậu tự tiện đơn phương hủy bỏ hôn ước. Đương thời coi đó là hành vi thất tín bội nghĩa, không được trưởng bối hai bên đồng ý, là đại bất hiếu.
– Bệ hạ lập một kẻ bất hiếu, bất nghĩa làm Hoàng hậu đã là thất đức. Nay còn muốn để ả lâm triều cùng giải quyết quốc sự, rốt cuộc là ngài để đạo nghĩa, lễ pháp ở nơi nào?
Tranh luận bằng lời can gián và tấu sớ đàn hặc* dài dằng dặc chưa đủ, viên quan cởi mũ cánh chuồn đâm đầu vào cột rồng. Ngày ấy, ngự sử đập đầu chết tươi ngay trên điện Kim Loan không chỉ có một mình y.
Hoàng đế Thái Tổ bỏ ngoài tai những lời can gián của triều thần, khăng khăng để Hoàng hậu Nguyên Thần cùng nghe chính sự. Bên cạnh ngai vàng trong điện Kim Loan, ngài cho đặt thêm một ngai báu hình thức tương đương với ngai vàng Hoàng đế, hai ngai song song tỏ ý ngang hàng. Hoàng hậu Nguyên Thần lên triều chẳng cần náu mình sau bức rèm che như những bà Hoàng thái hậu buông rèm nhiếp chính cho ấu chúa trước đó.
Ban đầu mọi chuyện được coi là tốt đẹp, tình hình quốc chính có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên sau đó, thiên tai nhân họa liên miên, đôi để hậu dần bất đồng quan điểm. Cai trị một quốc gia vốn đã tiềm ẩn quá nhiều mâu thuẫn chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nội cung lại không được thuận hòa.
Chưa đến ba năm, Nguyên Thần hậu bị tước quyền lâm triều thính chính, bị giam lỏng trong cung Khôn Nghi. Duyên cớ là bà tự nuôi tư binh, tàng trữ binh khí, hãm hại hoàng tự, hại hoàng tử trưởng – con của Quý phi ngã ngựa gãy cổ ch*t. 1
Quý phi cũng là con gái nhà danh môn, văn võ song toàn. Thuở thiếu thời, Hoàng đế Thái Tổ nhận ơn từ dòng dõi nhà Quý phi, vốn có ý xin cưới con gái nhà họ làm chính thê để báo đền ơn nghĩa. Nguyên Thần hậu xuất hiện, đức Thái Tổ mến mộ phong thái của bà, lập tức quẳng cô gái đó ra sau đầu, lấy tín vật định hôn ước ra trao cho Hậu. Đó là chuyện lan truyền trong giới quyền quý kinh thành đến nay.
Hành trạng của Nguyên Thần hậu về cuối đời bị coi là điên loạn. Bà có nhiều ngôn hành, cử chỉ không hợp lễ. Mới hơn ba mươi tuổi mà con cái chết ráo, tóc bạc đầy đầu. Dòng dõi hậu tộc bị khép tội lộng quyền, không còn được trọng dụng như trước. Quốc sử chép: “Nguyên Thần hậu gào khóc đòi về nhà gặp phụ mẫu. Thái Tổ thương xót, tự thân đưa về dinh phủ họ Lan. Hậu vẫn khóc đòi về, nói đó không phải nhà của Hậu. Đêm đó, Nguyên Thần hậu nuốt vàng tự sát.” Hậu hoàng trước thềm năm mới. Hai năm sau, Hoàng đế Thái Tổ băng hà. Đôi đế hậu tại thế chưa trọn tứ tuần.
Trùng hợp thay, dân gian có lưu truyền một lời sấm, được cho là của một vị đạo sĩ phán về hai người: “Kẻ lấy của người khác làm lợi cho mình sống không quá bốn mươi xuân”.
Thuở Lâu Nguyệt Dao đọc đến đoạn đó, nàng như chết lặng, tự hỏi rốt cuộc là do lời sấm ứng nghiệm hay do nguyên nhân nào khác nữa? Nếu lời sấm ứng nghiệm, vậy “lấy của người khác làm lợi cho mình” ám chỉ điều gì? (3)
Lâu Nguyệt Dao chỉ nghĩ đến đó rồi gấp vội cuốn sách, mãi về sau cũng không dám giở ra xem thêm một lần nào nữa, bởi vì sợ mình sẽ nảy sinh những ý nghĩ bất kính.
Dù sao, nhà ngoại của nàng cũng là một nhánh của dòng dõi hậu tộc Lan thị quyền quý. Thái Tổ Hoàng đế lại là bậc thánh nhân nhận mệnh trời thay triều đổi đại, là tiên tổ của nàng và Hoàng đế Nguyên Hựu. Hậu nhân như nàng không nên và không dám khinh nhờn!
Không dám suy nghĩ về căn do của mọi lùm xùm xoay quanh hai vị để hậu khai quốc, song, Lâu Nguyệt Dao có thể rút ra một bài học cho chính mình từ một góc độ khác. Rằng chuyện đòi hỏi đấng chí tôn phải thủy chung một lòng với một người đàn bà là chuyện viển vông. Rằng phải nghĩ đến hậu quả xấu nhất trước khi nhắm mắt đưa chân. Bằng không, kết cục đau thương của hậu tộc Lan thị – không được triều đình trọng dụng, con gái trực hệ không được làm phi tần cấp cao, con trai không được thông hôn với hoàng thất, bị giới quyền quý đuổi như đuổi hủi – sẽ là kết cục của họ Lâu nàng.
Đoạn viết trong Đại Thân hiền nữ truyện chỉ toàn những lời ca tụng về công vun vén thay chồng của Hậu. Công chúa Vĩnh Xuân sẽ được học về giai thoại cuộc đời bà sau hai, ba năm nữa – khi cô bé đã chín chắn hơn. Còn với các hoàng tử, những chuyện tương tự chỉ có thể coi là bài học chính trị vỡ lòng mà thôi.
Tiếng tranh luận bên trong gian phòng hãy còn tiếp tục, song đã chuyển từ trò hỏi thầy giảng giải sang thầy giao bài tập cho học trò.
Chúc Tự đặt cuốn sách lên bàn, vén tà áo bào nữ quan màu xanh nhạt quay về hướng Thái miếu bái lễ ba quỳ chín lạy. Dù đã nhìn thấy đoàn người tam hoàng tử, thị vẫn điềm nhiên gật nhẹ đầu tỏ ý đã biết, lát đến tạ lỗi sau, đoạn lầm rầm khấn vái xin anh linh của Hoàng hậu Nguyên Thần thứ cho tội đại bất kính của mình. (2)
– Nguyên Thần hậu là một trong số rất ít nữ nhân được ghi chép lại đầy đủ tên húy*. Công chúa hãy ghi nhớ trong lòng, không được phép nêu ra. Tên húy của Hậu là….
Học trò đã nhớ rồi thưa tiên sinh.
Tam hoàng tử bèn mời Lâu mỹ nhân quá bộ về gian trung đường trò chuyện tiếp. Cậu dò hỏi về vị nữ quan họ Chúc này. Lâu Nguyệt Dao cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ dành cho thị.
– Vị đó là nữ quan đứng đầu Ty Tịch thuộc cục Thượng nghi. Nghe bảo bà có học vấn uyên thâm, đứng đầu trong kì khảo hạch cung quan vào những năm cuối của niên hiệu Thiệu Bình. Trong số bảy vị nữ quan đến từ hai cục Thượng cung, Thượng nghi luân phiên đến Phủng Nguyệt các; công chúa thích nghe Ty Tịch Chúc Tự giảng bài nhất đấy ạ.
Thiệu Bình là niên hiệu của Thế Tông Hoàng đế.
Thân Duy Thượng đã được thấy bản lĩnh của Chúc Tự. Cậu gật gù, khen.
– Giảng giải có phương pháp. Kiến thức sâu rộng. Biết kiêng tránh điều cần kiêng tránh. Quan trọng là Ngọc Trân cũng hào hứng học hỏi. Tốt lắm! Nhưng mà liệu có phải bài vở hơi nhiều, hơi quá sức với con bé hay không? Lâu nương nương cũng biết con bé không thể vận động mạnh, đúng chứ?
Lâu mỹ nhân bèn trình bày đầu đuôi toàn bộ kế hoạch học hành của công chúa Vĩnh Xuân do mình thiết kế cho hoàng tử nghe. Trong đó, nàng thêm vào vài hoạt động cho công chúa rèn luyện thể lực. Vì cân nhắc đến bệnh tình của cô bé, những hoạt động ấy chỉ diễn ra vỏn vẹn một khắc mỗi ngày, tròn một tháng lại tăng thêm một khắc, cứ như thế cho đến khi được nửa canh giờ thì sẽ giữ nguyên thời gian hoạt động.
Đơn cử như việc sang xuân, Tôn Mộng và Liễu Thanh Thanh muốn cuốc đất trồng rau cho đỡ nhớ nhà. Công chúa cũng có thể giúp đỡ việc tưới nước, thu hoạch rau. Dù con bé chỉ chơi bời chứ chưa làm được gì nhiều nhặn, thì cũng tính là rèn luyện thân thể rồi.
Thân Duy Thượng càng nghe càng tấm tắc khen Lâu mỹ nhân trong bụng. Cậu xấu hổ nói với nàng:
– Thú thật với Lâu nương nương, Duy Thượng và phụ hoàng chỉ mong Ngọc Trân có thể bình an, vui vẻ cả đời. Bọn ta đều là nam nhân, nhiều lúc sơ suất, chung quy vẫn cần một vị nữ trưởng bối tâm tư khéo léo đến săn sóc con bé. Được nghe Lâu nương nương giảng giải, Duy Thượng cũng an lòng. Nhưng mà sao không nghe Lâu nương nương nhắc tới cầm, kì, họa? Phải chăng là nương nương có tính toán khác?
Chuyện đó thì Lâu Nguyệt Dao có thể đoán được thông qua phong hiệu của các công chúa. Vĩnh Xuân nghĩa là mãi mãi vui tươi, tràn trề sức sống. Hoàng đế còn có thể trông mong công chúa Nghi Ninh giữ dáng điệu uy nghi không làm mất phong thái hoàng gia, hòa hợp với người trên kẻ dưới, sống cuộc đời yên ổn của một công chúa. Còn đối với đứa con gái mắc bệnh tim, đến chuyện sinh nở cũng khó khăn, Hoàng đế thực sự không mong gì hơn nó bình an, vui vẻ.
Nhưng con bé dẫu sao cũng là công chúa hoàng thất, nếu cứ nuôi thả như
trước mãi, về sau không biết chút ít về thi thư lễ nhạc sẽ bị người ta chê trách sau lưng.
– Quả thật thiếp cũng đã nghĩ tới vấn đề này. Cân nhắc đến thân thể công chúa, thiếp xin tự tiến cử bản thân.
Tam hoàng tử ồ lên, nét mặt sáng rỡ:
– Đúng vậy! Tài đan thanh của Lâu nương nương rành rành ra đó. Về cầm, về kì ắt cũng rành rẽ, tiếng tăm mới lan xa. Thật đúng là không còn ai thích hợp hơn! Vậy Duy Thượng xin gửi gắm hoàng muội Ngọc Trân cho nương nương. Ngày sau phải phiền Lâu nương nương dạy bảo con bé rồi.
– Không dám.
Chú thích:
* Sao Bắc Thần
Trong Chiếu cầu hiền của vua Quang Trung do danh sĩ Ngô Thì Nhậm soạn thay có đoạn: “Sao sáng ắt chầu về ngôi Bắc Thần, người hiền ắt làm sứ giả cho thiên tử.” Bắc Thần ở đây dùng thay ngôi vua.
* Gà mái báo sáng: gốc là Tẫn kê tư thần. Vì thường gà trống mới gáy báo trời sáng nên người ta dùng điển tích này để nói việc của đàn ông mà phụ nữ làm thay, âm dương hỗn loạn, là điềm báo tai họa.
* Mối họa nữ chúa: ám chỉ những người phụ nữ vượt quyền làm vua hoặc thay mặt vua thời vua nhỏ tuổi hoặc ốm đau, sau khi vua trưởng thành hoặc khỏe lại vẫn lộng quyền. Tiêu biểu có thể kể đến Lã hậu triều Hán và Võ hậu triều Đường.
* Đàn hặc: vạch tội, tố cáo, phê bình
* Giới quý tộc quyền quý rất kiêng việc gọi thẳng tên của một người. Một vị quý tộc có thể có rất nhiều loại tên: biểu tự (tên chữ đặt khi làm lễ trưởng thành), nhũ danh (tên được đặt lúc nhỏ tuổi),… Vua chúa tầng lớp trên, ví dụ như công chúa còn có phong hiệu, dùng để nhắc tới thường ngày, tên húy của họ chỉ có bậc trưởng bối thân thuộc hoặc vợ chồng tình cảm nồng thắm mới gọi.
Về phong hiệu của công chúa có ba loại:
– Theo mỹ hiệu: là những chữ mang nghĩa đẹp, tốt lành. Ví dụ có công chúa Thuận Thiên, chị gái của Hoàng đế Chiêu Thánh nhà Lý. Các công chúa trong truyện của Mèo dùng cách đặt phong hiệu này.
– Theo tên tiểu quốc thời cổ
– Theo tên đất phong được ban.
Tên đầy đủ của phụ nữ thời phong kiến thường không được chép lại, mà cách viết hay gặp nhất là Họ + thị.