Hoàng Quý Phi

Chương 16: Bất an



Lâu nương nương…

Cô bé con nằm trên giường khẽ nỉ non.

– Vĩnh Xuân tỉnh lại rồi! Bệ hạ! Vĩnh Xuân tỉnh lại rồi!

Trinh phi đang ngồi trên chiếc đôn bên cạnh giường công chúa thấy động bèn đứng bật dậy gọi Hoàng đế. Khuôn mặt vốn đang âu sầu của nàng đổi phắt sang mừng rỡ. Đôi mắt lá răm rơm rớm nước.

Thân Long Chương sải bước dài đến bên Vĩnh Xuân, ngồi xuống chỗ góc giường con bé. Tay ngài đặt trán con, cảm nhận thân nhiệt đứa con gái mình yêu chiều không nóng quá, ngài mới yên tâm thu tay lại.

Thấy Vĩnh Xuân he hé mắt, mơ màng nhìn chung quanh, Hoàng đế sốt sắng hỏi:

– Vĩnh Xuân, con còn thấy đau ở đâu không? Con nói cho cha nghe xem.

– Lâu nương nương. Cha ơi, Lâu nương nương đang ở đâu thưa cha?

Điều đầu tiên công chúa Vĩnh Xuân quan tâm sau khi tỉnh dậy là Lâu Nguyệt Dao đang ở đâu. Trong lòng Trinh phi đang đứng khom người ở một bên bỗng dâng lên cảm giác bất an khó tả. Thật nực cười khi kẻ mang đến cho nàng cảm giác bất an ấy lại là một ngự thị không phẩm cấp, không được bệ hạ đoái hoài tới. Trinh phi cười mỉa mai.

Hoàng đế chưa vội trả lời cô con gái mà nhìn về phía Lâm viện phán, dò hỏi:

– Cơ thể Vĩnh Xuân ra sao rồi?

Lâm viện phán là người đứng đầu thái y viện, có y thuật cao minh, rất được Hoàng đế Nguyên Hựu tin cậy. Xưa nay lão chỉ chịu trách nhiệm xem bệnh cho Hoàng đế, Hoàng thái phi và các hoàng tử, công chúa. Nhận được mệnh lệnh từ đấng quân vương, Lâm viện phán tiến đến gần xem xét tình trạng của công chúa Vĩnh Xuân. Sau khi dùng đủ tứ chẩn* bao gồm vọng văn vấn thiết, lão thở phào nhẹ nhõm bẩm báo về bệnh tình của cô bé.

– Tâu, tình trạng công chúa đã không còn đáng ngại nữa. Tuy nhiên gần đây thời tiết trở lạnh, công chúa cần phải giữ ấm thân thể, không được hứng gió lạnh. Hơn nữa, cũng do tâm tình công chúa xúc động mãnh liệt nên mới tái phát bệnh tim. Xin công chúa hãy giữ gìn ngọc thể, mở rộng lòng mình hơn, chớ nên xúc động thế nữa.

Mặt mày Vĩnh Xuân hãy còn tái nhợt. Cô bé mấp máy đôi môi còn hơi tím tái và khô nứt của mình. Vĩnh Xuân biết chuyện bệnh tình của mình hôm nay sẽ khiến người hầu trong cung Khôn Nghi và thậm chí là cả Lâu ngự thị phải chịu liên lụy. Cô bé áy náy nói:

– Vĩnh Xuân xin ghi nhớ lời dạy của viện phán.

Lâm viện phán vuốt bộ râu bạc dài đến ngực của mình, xua tay bảo:

– Không dám, không dám. Công chúa khỏe mạnh là thần mừng rồi.

Lâm viện phán đã tròn phận sự của mình, ở đây chẳng còn chuyện cần lão nữa. Hoàng đế bèn sai Lã Xuân Ẩn đưa lão đi nhận đồ ban thưởng. Trinh phi cũng rất thức thời nhận lấy khay đựng bát nước ấm do nhũ mẫu Lâm Thu Nương đang bưng, đưa đến trước giường.

– Ắt hẳn công chúa đang khát lắm. Có nước ấm đây rồi, bệ hạ hãy cho công chúa uống chút nước cho nhuận họng.

Lời này quả đúng là rất hợp với tâm ý của Hoàng đế. Ngài bưng chiếc chén ngọc, cầm chiếc muỗng sứ bón cho công chúa từng thìa nước nhỏ. Vĩnh Xuân nhấp từng ngụm, chừng khi vơi nửa chén nước, cô bé mới nói với cha rằng mình đã hết khát rồi. Hoàng đế bèn để chiếc chén lại lên cái khay Trinh phi đang bê.

– Cha ơi, Lâu nương nương đâu rồi ạ?

Chưa nhận được câu trả lời mình muốn nghe, công chúa Vĩnh Xuân hỏi lại.

– Lâu ngự thị làm gì con rồi? – Nhắc đến Lâu Nguyệt Dao, giọng Hoàng đế trở nên lạnh tanh.

– Lâu nương nương không làm gì con hết. Người dỗ dành con, còn tặng Tranh Nhi cho con nữa mà. Thấy con bị ngất, chắc nương nương luống cuống lắm! Cha ơi, cha cho con gặp Lâu nương nương đi cha. – Cô bé nài nỉ.

Nghe chính miệng Vĩnh Xuân xác nhận Lâu Nguyệt Dao không làm ra hành động hà hiếp cành vàng lá ngọc của hoàng thất như lời đồn, nét mặt Hoàng đế dịu lại.

Đoan phi nãy giờ chẳng có đất diễn bèn lên tiếng hỏi nhũ mẫu Lâm Thu Nương:

– Lâu ngự thị tặng công chúa thứ gì? Ngươi có mang về đây không? – Đoan phi vốn có ý muốn lôi kéo Lâu Nguyệt Dao về phe mình. Biết chắc chắn sau chuyện xảy ra ngày hôm nay, Hoàng đế sẽ sớm lâm hạnh Lâu ngự thị. Nàng bèn góp thêm chút cơ hội cho Lâu Nguyệt Dao thể hiện trước hoàng đế, coi như là dệt hoa trên gấm vậy.

Công chúa Vĩnh Xuân tái phát bệnh tình ở bên ngoài đã chẳng còn là chuyện hiếm thấy nữa, song, khi cô bé ngã quỵ, bọn cung tỳ, thái giám vẫn khó tránh khỏi cuống tay cuống chân. May mà Lâm Thu Nương còn nhớ đến chuyện đem bức tranh về. Thị bèn đi lấy ngay, trình lên hoàng đế.

Nghe con gái yêu kể lại tình hình khi ấy, kèm với sự xác nhận từ nhũ mẫu Lâm Thu Nương, đáy mắt Hoàng đế ánh lên nét tán thưởng. Ngài tỉ mẩn thưởng thức con mèo Tranh Nhi trong tranh họa. Công chúa cũng ngồi dậy ngắm nghía bức họa, thỏ thẻ khen ngợi bên tai phụ hoàng mình, ra chiều yêu thích lắm.

– Giấy vẽ và thuốc màu này liệu có gây hại đến bệnh tình của công chúa không? – Trinh phi bỗng nghi vấn.

Thấy Hoàng đế híp mắt nhìn mình như có điều suy ngẫm, Trinh phi nở nụ cười âu sầu, thưa bẩm.

– Thần thiếp thấy công chúa rất yêu thích bức tranh, ắt là phải để trong khuê phòng, lâu lâu giở ra ngắm nghía mới thỏa lòng. Thiết nghĩ những vật dụng được bày biện trong khuê phòng công chúa đều nên được tra xét kĩ lưỡng. Dù sao thì…

Nói đến đây, Trinh phi đánh mắt nhìn sang Vĩnh Xuân, đè thấp giọng, ẩn ý mập mờ khôn tả.

– Cũng thật là trùng hợp.

Công chúa Vĩnh Xuân nhăn mày. Con bé cảm thấy Trinh phi thường ngày vốn rất dịu dàng, hiền thục trong mắt mình bỗng trở nên xa lạ quá đỗi. Công chúa còn đang định nói đỡ vài lời cho người mà con bé thấy hợp ý thì Hoàng đế bỗng đứng phắt dậy.

Ngài cuộn bức họa lại, nắm trong tay không trả, xong xuôi đâu đấy mới quay sang xoa đầu an ủi con gái yêu:

– Con nghỉ ngơi đi. Cơ thể bình phục rồi hẵng tới cảm tạ Lâu ngự thị.

Thánh giá rời đi. Đoan phi đưa tiễn phía sau thầm cầu phúc thay Lâu Nguyệt Dao rằng tốt nhất là trong thuốc màu, giấy vẽ Lâu ngự thị dùng không có gì mờ ám.

* Tứ chẩn: 4 phương pháp khám bệnh của y học cổ truyền, gồm: vọng (nhìn), văn (nghe, ngửi), vấn (hỏi), thiết (bắt mạch, sờ nắn). Chú thích dựa theo thông tin trên trang web Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

 


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.