Hoa Ven Đường Chưa Nở

Chương 43



Ngân đèo Linh ra chợ quê sắm quần áo Tết, đúng là chẳng đâu bằng quê hương mình, hàng xóm nhìn thấy nhau liền chào hỏi vui vẻ. Ở chợ của cô, người ta dành hẳn một khu đất trống to nhất ở chợ nông sản bày cây cảnh chơi Tết, dọc suốt cả đường to dẫn vào chợ là quất cảnh, ớt cảnh, hoa mai, hoa đào được bày thành hàng bán, người ta xúm xít lại hỏi giá rất đông vui.

– Tao thấy cái váy này đẹp này.

Ngân chỉ vào cái váy tiểu thư treo ngay ở đầu gian hàng nói với Linh, Linh làm mặt khỉ với chị.

– Làm sao? Năm nay đổi mới đi, thử mặc váy xem, chơi với cái Yến bao lâu mà mày cũng không học được cái gì tốt từ nó à?

– Chị thích thì mua mà mặc, em không thích váy.

– Tao thiếu gì, với cả tao già rồi làm sao mặc váy kiểu này được nữa.

– Chả sao, em thấy người ta mặc đầy đường đấy thôi.

Hai chị em dạo quanh khu chợ thì cũng quá trưa, ra làm bát bún rồi kệ nệ xách bao nhiêu đồ trở về nhà. Ông Hưng chạy từ trong nhà ra sân mở cổng cho hai cô con gái, Linh giúp chị cất mũ bảo hiểm rồi xách đồ vào nhà.

– Hôm nay đi đốt tiền có vui không con?

– Vui phải biết bố ạ.

Linh lôi một cái áo sơ mi ra cho bố xem, ông Hưng tới tấp khen con gái có mắt thẩm mỹ, Linh sướng cười sằng sặc.

– Tèn ten, con mua cho bố đấy.

Ngân bỏ một chiếc áo sơmi tối màu từ trong túi ra.

– Lại còn mua cho bố cơ à, bố thiếu gì quần áo đâu.

– Mấy khi được cô con gái rượu mua biếu, bố cứ nhận đi, quần áo của bố bạc hết màu rồi còn đâu.

Ông Hưng cười, xoa đầu hai cô con gái, sau đó ông cẩn thận lấy móc treo vào trong tủ.

Tối cả nhà đang ngồi ăn cơm thì nghe thấy tiếng cãi nhau phát ra từ nhà hàng xóm bên cạnh. Ba anh em bỏ bát cơm xuống chạy ra cổng xem, thì ra là cô con dâu cãi nhau với bố chồng, mẹ chồng ném bát đũa về phía cô con dâu nhưng may không trúng, những chiếc bát bị ném xuống mặt đường vỡ tan.

– Tết nhất đến nơi rồi.

Việt tặc lưỡi lắc đầu, kể ra bà con dâu nhà này cũng không phải hiền lành gì, cãi nhau với bố mẹ chồng như cơm bữa, mà đã thế lúc nào cãi nhau cũng đứng chống nạnh như ngang hàng với bố mẹ chồng, chồng lại thuộc dạng sợ vợ, chẳng dám lên tiếng bênh bố mẹ mình. Bà Lý thấy ầm ĩ cũng mò từ trong ngõ ra xem, bà tặc lưỡi nói với ba anh em đang đứng ở cổng.

– Nuôi con nó ăn học cho nó đi nước ngoài kiếm tiền, thế mà giờ nó thành đạt rồi nó trả ơn theo cái kiểu này đây.

Chiều 28 Tết, Linh được bố phân công lên trông nồi bánh chưng cho ông bà. Nhà bác cả đông con cháu nhưng chẳng có đứa nào ló mặt tới trông nồi bánh cho ông, năm nào cũng thế, chỉ khi nào bánh được luộc xong ép kĩ càng, bà gọi điện xuống báo thì chúng nó là người tới lấy đầu tiên.

Chỉ có ba anh em nhà Linh là năm nào cũng ở lại thức đêm trông nồi bánh cho bà. Hai bà cháu ngồi dưới bếp, nhìn ngọn lửa bập bùng, Linh thủ thỉ:

– Bà ơi, bà không ghét cháu ạ?

Bà nội liền giơ tay cốc đầu cô cháu gái:

– Ghét gì mà ghét, đứa nào chả là cháu, bà ghét thế nào được.

– Chuyện mẹ cháu ý bà, hình như ông không thích ba anh em cháu.

– Kệ ông mày, bà thì bà thương ba anh em chúng mày mười mấy năm qua không có mẹ bên cạnh, nhất là mày đấy, ông nói gì kệ ông.

Linh ôm bà khóc thút thít.

– Cái con bé hâm này, Tết nhất đến nơi rồi, khóc cái gì mà khóc.

Đến tận bữa cơm tất niên, ba anh em mới được tiếp xúc với anh con rể mới của bác cả. Nhìn mặt mũi cũng sáng sủa, vợ thì bầu bí to sắp sinh, chồng lại hơi trẻ con cứ lông nhông suốt ngày.

Đến bữa cơm, bác cả nói chuyện sang năm sẽ trồng thử giống hồng xiêm mới, nghe nói mấy năm nay người ta thi nhau trồng cái giống này, bán cũng rất đắt, ông nội nghe xong thì ủng hộ lắm, trong khi đó ông Hưng lại góp ý thế này.

– Em xin tham gia với hai bác thế này, em nghĩ không nên chạy theo xu thế, nhà nào cũng đua nhau trồng thì vài năm nữa bán được cho ai, mình chuyển sang trồng thử hồng giòn xem, cả huyện này em thấy không có mấy ai trồng hồng cả.

– Chú thì mấy lại, không bán được cho ai là thế nào, thế chẳng lẽ người ta đều nghĩ như chú thì chết đói hết à?

Bác cả phản bác, bác gái cũng không vừa:

– Chuyện nhà anh chị, thôi tốt nhất chú cứ kệ đi, góp ý như thế là được rồi.

– Vâng, anh chị đã nói thế thì em cũng thôi.

Ông Hưng đứng dậy cầm chìa khóa đi về, ba anh em Ngân thấy thế cũng đứng dậy theo bố về nốt, bác cả tức lộn cả ruột gan lên nói với ông nội đang ngồi gần đấy:

– Ông xem thái độ của chú ý kìa.

– Cái thằng suy nghĩ thiển cận ý, mày cứ kệ nó đi, ngày bé học đến lớp 2 tao cho nghỉ ở nhà cắt cỏ nên nó mới ngu thế đấy, có suy nghĩ được cái gì đâu.

– Kìa ông, sao lại nói nó thế.

Hai cô cháu gái và thằng cháu rể mới nghe ông mắng chú hai như thế thì cứ tủm tỉm cười.

Chục ngày Tết cũng qua đi, con người lại trở về với vòng quay công việc.

– Tiểu Màn Thầu của mama đâu rồi?

Một con chó choai choai chạy từ trong gầm giường ra sân, con chó vừa sủa vừa ôm lấy chân cô, cái đuôi thì vẫy tít thò lò.

– Lên sớm thế?

Chị Khuê đi từ trong nhà ra giúp cô xách đồ vào trong phòng, cả khu trọ vẫn vắng tanh, phải mãi cho đến tận chiều tối mọi người mới lần lượt lên hết.

Các thực tập sinh trong lớp Ngân lần lượt có tư cách lưu trú hết, những món quà được gửi tới cô từ các bạn. Vì không thể lên trung tâm sớm được nên cô không tham dự được lễ xuất cảnh của các bạn, cô cũng khó áy náy, nhà trường lại sắp xếp cho cô chủ nhiệm một lớp mới, đây lại là lớp đầy những người lớn tuổi nên tiếp thu bài khá chậm, cô nghĩ mình cần cố gắng hơn rất nhiều.

Vừa về tới nhà thì không thấy cái xe đạp của mình đâu, Ngân thắc mắc hỏi chị phòng bên cạnh.

– Vừa nãy vẫn thấy dựng đây mà.

– Thế là bị trộm mất rồi, trời ơi, có cái xe đạp cũng bị người ta nhảy mất.

– Báo công an đi.

– Thôi, báo làm gì, lúc trước bạn em học đại học cũng bị mất xe, ra báo công an thì người ta cũng có tìm lại được đâu.

Ngân chán nản đi vào trong nhà, vứt túi xách sang một bên rồi ngủ thiếp đi. Đang ngủ thì bị giật mình vì tiếng bởi tiếng đạp cửa, My hùng hùng hổ hổ lao về phía Ngân túm tóc cô kéo dậy.

– Con khốn nạn, sao mày cướp người yêu của tao? Mày xui nó bỏ tao đúng không con chó?

Mắt My đỏ ngầu, giáng một cái bạt tai vào mặt Ngân khiến cô không kịp trở tay, My dúi mạnh cô về sau, cả đầu Ngân đập mạnh xuống thành giường, cô ngất lịm đi.

– Con điên kia, mày làm gì thế?

Chị Khuê xông tới đẩy My ra, My giàn giụa nước tiếp tục đánh vào Ngân.

– GỌI TAXI ĐI, nó ngất rồi đây này.

– Em còn muốn đánh nó chết đây này, nó dám xúi giục thằng kia bỏ em đấy.

My như nổi điên nhất quyết không gọi, chị Khuê không nhịn được giáng cho cô ta một cái bạt tai, chị Ánh vội chạy sang, thấy thế mới hốt hoảng gọi xe tới đưa cô vào bệnh viện.

Ngân từ từ mở mắt ra, khi cô tỉnh lại đã là đêm khuya, Văn đang ngủ gật ngay bên cạnh, thấy tay cô động đậy, anh liền tỉnh ngay.

– Em thấy thế nào rồi?

– Mặt em đau quá.

Cô nhăn nhó đưa tay chạm lên mặt, Văn vén gọn mấy sợi tóc trên trán cô.

– Không sao đâu, mai là không đau nữa.

Ngân nhìn ra ngoài cửa sổ thấy ánh trăng sáng vằng vặc bên ngoài, trong lòng cô hoàn toàn chỉ có trống rỗng, đến giờ cô vẫn chưa hiểu tại sao chuyện này nó lại xảy ra.

Cả ngày trong việc chỉ có mỗi Văn, anh hết lấy nước cho cô đánh răng rửa mặt rồi lại chạy ra ngoài mua cháo, thỉnh thoảng mấy chị trong hội lại tới thăm cô, nhưng tuyệt nhiên không thấy My đâu.

Nằm hai ngày ở viện, tâm trạng cô đã khá hơn thì Văn ra làm thủ tục cho cô xuất viện. Ở cục có việc nên anh phải qua nhà lấy tài liệu rồi mới đưa cô về nhà được. Đây là lần đầu tiên cô tới nhà anh, nhà anh là một ngôi nhà mái bằng 1 tầng kiểu cũ.

– Có mẹ anh trong nhà.

Ngân chầm chậm bước vào trong nhà, mẹ anh đang ngồi xem kịch trên tivi. Trước đây anh đã từng nói cho cô biết, bố anh cũng là lính cứu hỏa, nhưng đã mất trong một lần làm nhiệm vụ, sau khi bố anh mất thì mẹ anh mắc bệnh hay quên, tai bà cũng hơi nghễnh ngãng.

– Mẹ, mẹ.

– Hả? A, sao đã đi làm về rồi?

– Mẹ lại quên rồi, con ở bệnh viện với Bánh Bao của mẹ mà.

– Ừ nhỉ, lại quên mất, thế Bánh Bao đâu? Hôm nào cũng bảo đưa Bánh Bao về mà chả thấy đâu.

Văn đưa mắt nhìn cô, Ngân cười đi tới cúi đầu chào:

– Cháu chào bác ạ.

– Đây à? Ngoan quá, bác thích ăn bánh bao cháu gửi thằng Văn về cho bác lắm đấy.

Mẹ anh thấy cô thì vui lắm, cứ nắm tay cô không buông, kể hết chuyện này tới chuyện kia cho cô nghe, chủ yếu là chuyện của anh hồi bé. Văn tìm xong tài liệu đi ra, mẹ anh thì vẫn đang say sưa kể chuyện.

– Bánh Bao phải về nhà rồi mẹ ơi.

– Thế là phải đi rồi à?

Mẹ anh có chút tiếc rẻ, vỗ vỗ vào tay cô:

– Hôm nào rảnh lại qua đây chơi với bác nhé, bác cứ ở nhà một mình mãi buồn lắm.

– Vâng, cuối tuần cháu lại tới chơi ạ.

Ngân đứng dậy đi ra ngoài, mẹ anh cũng ra đến tận cửa vẫy tay chào tạm biệt.

– Thôi mẹ vào đi, con nấu nước bồ kết cho mẹ rồi đấy, lát nữa về con rót ra cho mẹ gội đầu sau.

– Được, hai đứa đi cẩn thận.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.