Tống Ngưng không tin vào tai mình, cô hét to: “Sao có thể là cô ta cứu chàng? Người cứu chàng… rõ ràng là tôi”. Cô tưởng mình nói rõ ràng, chàng sẽ hiểu ra, thực ra cô đã đánh giá quá cao khả năng lí giải của chàng. Vì lẽ đời thường không như vậy, không phải cứ nói là người khác sẽ nghe ra.
Thẩm Ngạn nhìn vào mắt Tống Ngưng, giọng giễu cợt: “Cô nói vớ vẩn gì thế? Cô đã cứu tôi? Tống Ngưng, tôi chưa từng nghe nói là cô am hiểu y thuật, người cứu tôi có y thuật rất cao, cô ấy không biết nói, đó chính là Thê Thê. Cô tưởng rằng Thê Thê không nói được là tôi sẽ tin những lời bịa đặt của cô, giá họa cho cô ấy ư?”.
Tống Ngưng không biết làm gì để chứng minh, bởi vì ban đầu khi cô cứu được chàng hoàn toàn là do ông trời đoái thương. Vậy mà hôm nay, rõ ràng ông trời đã đổi ý, chuyển sang thương Liễu Thê Thê.
Cô nghĩ, chàng chưa đọc lá thư đó, lá thư thực ra được đưa tới đâu, cô đã biết, bây giờ nhắc lại chuyện này cũng chẳng ích gì, chỉ thấy tủi thân, cho dù Thẩm Ngạn không yêu cô, nhưng chuyện này, cô vẫn phải nói rõ với chàng, khổ nỗi bây giờ cô nói gì chàng cũng không tin, cô đã rất cố gắng nhưng Thẩm Ngạn không cho cô cơ hội. Đúng là một người cố chấp, cố chấp đến bực mình.
Cô không giải thích thêm nữa. Ánh mắt chàng nhìn cô hoàn toàn băng giá. Lúc đầu Tống Ngưng rất buồn, nhưng không khóc được, đêm đêm cô thường ôm chăn, ngồi đến sáng. Trong những đêm dài, cô thường hồi nhớ lúc chàng đặt tay lên vai cô, dịu dàng nói: “Nếu cô nương không chê, đợi tại hạ khỏi bệnh, sẽ đến quý gia cầu hôn cô nương”. Đó là hồi ức đẹp đẽ duy nhất. Bề ngoài cô có vẻ cương nghị, nhưng chung quy vẫn là nữ nhi, nữ nhi càng cương nghị càng muốn được trân trọng, quá cương dễ gẫy chính là như vậy.
Chỉ không ngờ, thành hôn chưa được ba tháng, Thẩm Ngạn đã nạp thiếp.
Chuyện này cũng không có gì lạ, một phong tục hết sức bình thường, thậm chí đàn ông không nạp nhiều thiếp còn bị coi thường, cũng như các đế vương, quan lại đều thê thiếp bầy đàn. Người này lấy, người kia cũng phải lấy, không lấy không được. Quân Vỹ thích nghiên cứu chuyện hậu cung các hoàng đế đã phân tích như vậy, cho rằng hoàng đế lấy thêm thiếp chủ yếu vì hoàng hậu là quốc mẫu, mẫu nghi thiên hạ, là hóa thân của vạn vạn thần dân.
Thử nghĩ, khi chăn gối cùng quốc mẫu, nhìn khuôn mặt từ bi của bà, lòng rối loạn, ngay cả lúc trên giường cũng gợi nhớ chính sự, làm sao chịu nổi, đành phải nạp thiếp.
Nhưng rút cục thế nào, làm sao chúng ta biết được, có lẽ là do đàn ông ham nữ sắc nên mới không ngừng nạp thiếp.
Có điều Thẩm Ngạn nạp người thiếp này là vì cái gọi là tình yêu, hơn nữa lại là chuyện duy nhất khiến người ta không thể chịu được. Người đầu tiên không thể chịu được chính là Tống Ngưng.
Tống Ngưng nhờ một vị thân vương của Lê Trang Công ngăn chặn chuyện này. Cô ngồi trong một ngôi thủy đình giữa hồ sen, đầy gió và nắng, ven hồ có những cây to không rõ tên, một màu xanh mát quen thuộc, như trong tranh. Thẩm Ngạn đứng trước mặt cô, đó là lần gặp mặt thứ ba sau hôn lễ, chàng cau mày cúi nhìn Tống Ngưng hỏi: “Cố tình phá hôn sự của tôi với Thê Thê, rốt cuộc cô muốn gì?”.
Cô đặt cuốn sách trên tay xuống, ngước nhìn chàng, một Tống Ngưng từng luôn mỉm cười trên sa trường ác liệt, giọng nói trầm trầm, hai má ẩn hiện lúm đồng tiền mê hồn: “Tôi muốn gì ư? Câu hỏi khéo thật, tôi chẳng muốn gì hết, chỉ là có một vài thứ Liễu Thê Thê không xứng đáng có”.
Chàng lạnh lùng: “Cô không chịu nổi Thê Thê, còn tôi không chịu nổi cô”.
Lúm đồng tiền trên má Tống Ngưng càng sâu: “Thẩm Ngạn, chàng không thể không chấp nhận tôi, bởi hôn ước của chúng ta là minh ước giữa hai nước Lê, Khương”.
Mặt chàng lộ vẻ phẫn nộ cố nén: “Đêm tân hôn chúng ta đã giao ước, tôi và cô không liên quan đến nhau”.
Cô nhìn bàn tay mình, giọng nói dửng dưng: “Thực ra vốn cũng chẳng có gì, chỉ là thấy hai người ân ái như vậy, mà tôi được gả tới đây, cô đơn một mình, nên rất chạnh lòng”.
Chàng phẩy tay áo cười khẩy: “Tống Ngưng, cô còn nhớ ban đầu ai đề nghị hôn sự này không?”.
Bóng chàng biến mất ở chỗ rẽ, một lúc sau, cô cúi đầu giở cuốn sách trên tay, gió lại thổi, những giọt nước mắt rơi trên sách, ướt nhòe con chữ. Cô giơ tay áo lau nước mắt, lại cúi đầu đọc tiếp, như không có chuyện gì.
Không lâu sau, ở nước Hạ cách Khương một con sông, quốc vương băng hà, công tử Trang Nghi lên ngôi. Hai tháng sau, Hạ Trang Nghi tân đế nước Hạ xuất binh chinh phạt nước Khương. Khương vương lệnh cho Thẩm Ngạn xuất chiến.
Tháng tư, cỏ héo hoa tàn, trên bầu trời một vầng trăng hoang lạnh, Tống Ngưng ngồi tựa bên song, lặng ngắm vầng trăng lùi dần phía cuối trời. Rút cục cô không thể để Thẩm Ngạn ra đi bỏ mạng ở chiến trường, chàng không phải là đấng phu quân như ý, nhưng nửa năm trước vừa gặp, cô đã thầm yêu chàng, chàng là vị anh hùng của lòng cô. Có những người chưa từng trải, lãng mạn, yêu một lần là nhớ suốt trăm năm, đó chính là Tống Ngưng.
Giờ Dần, cô lục trong hòm lấy ra bộ chiến giáp mang theo khi xuất giá, tháo tấm bảo vệ trước ngực, váy lê quét đất, một mình băng qua hoa viên đến thẳng Chỉ Lan Viện, nơi ở của Thẩm Ngạn. Đám hầu nữ của Chỉ Lan Viện ấp úng hồi lâu, nói: “Tướng quân, tướng quân… không ở trong phòng”.
Sắc mặt Tống Ngưng nhợt nhạt: “Ở Hà Phong Viện ư?”.
Đám người hầu cúi gằm không dám trả lời. Cô nhét tấm giáp bọc trong mảnh lụa vào tay một hầu nữ, nói: “Chàng không có ở đây, vật này nhờ cô…”.
Chưa nói xong, đám người hầu đột nhiên ngẩng đầu vui sướng: “Tướng quân!”.
Thẩm Ngạn bước vào cửa viện, trời còn chưa sáng, những chiếc đèn lồng trong sân lờ mờ tỏa sáng, ánh sáng vàng vọt bao trùm bóng chàng. Cô nghe thấy tiếng chàng, ở ngay sau lưng, cứng nhắc: “Cô làm gì ở đây?”.
Cô quay lại, đứng sững ra đó, nhìn chàng một hồi từ đầu đến chân, mỉm cười. Nụ cười chưa hiện lên mắt, đó chỉ là thói quen của cô. Bạn đang xem tại TruyệnFULL.vn – www.TruyệnFULL.vn
Cô đưa cho chàng bọc lụa trong tay: “Không có gì, nghe nói chàng sắp xuất chinh, tôi đến đưa chàng tấm giáp bảo vệ bằng đá Thanh Tùng, chắc chắn hơn nhiều so với tấm giáp thông thường, nó đã không ít lần cứu tôi thoát chết. Bây giờ tôi không ra trận nữa, phiền chàng mang theo ra chiến trường dùng khi cần thiết”.
Chàng khẽ nhíu mày, nhìn cô, lúc sau nói: “Nghe nói, tấm giáp này là báu vật huynh trưởng tặng cô”.
Cô ngước mắt, nụ cười thoáng hiện: “Ồ, chàng cũng biết? Nói là báu vật bởi vì nó có thể bảo vệ được tính mạng, không bảo vệ được cũng chẳng là gì. Cho chàng mượn không phải có ý để chàng nợ nần gì tôi. Chàng nói đúng, chúng ta vốn chẳng liên quan đến nhau, nhưng danh phận đã định, nếu chàng chết nơi chiến trường, đại gia đình trong Thẩm phủ này sẽ do tôi gánh vác, thực là vất vả, trách nhiệm của ai do người đó gánh, chàng thấy có đúng không?”.
Chàng ngắm kỹ tấm giáp màu ngọc bích trong tay, giống như màu xanh của thảm lá sen đang trải trước mắt. Cô gật đầu định đi, chàng kéo lại: “Cô có thể tái giá”.
Cô nhìn bàn tay nắm ống tay áo mình, ánh mắt nhích lên, dừng lại ở hình cây trúc thêu sống động như nghiêng trong gió trên vạt áo chàng, cười tươi như hoa: “Sao cơ?”.
Chàng buông tay áo cô nói: “Nếu tôi chết cô có thể tái giá”.
Cô cúi đầu, trầm tư, lúc sau nói: “À, đúng”.
Cô ngẩng đầu, hai lúm đồng tiền mê hồn lại hiện trên má: “Vậy chàng nên chết ngoài chiến trường, đừng trở về nữa, mãi mãi không nên trở về nữa”.
Đám người hầu đứng bên sợ run, nhưng cô lại mỉm cười, ánh mắt lạnh lùng. Đúng là không thể đoán được tâm tư đàn bà, đoán già đoán non, cuối cùng cũng không đoán ra.
Trên đời có kiểu đàn bà không câu nói nào khiến người khác bận tâm, cũng có kiểu đàn bà mỗi câu nói đều khiến người ta không thể không suy nghĩ.
Cô đi vội vã, cuối cùng để lại cho chàng một hình bóng đoan trang, duyên dáng, cũng đầy ngạo mạn thách thức. Chàng nắm chặt tấm giáp màu ngọc, nhìn mãi về phía bóng người vừa khuất, ánh mắt thâm trầm.
Thẩm Ngưng ra đi đã hai tháng.
Tháng tám, hương quế ngào ngạt, tin vui từ Hà Phong Viện truyền ra, Thê Thê cô nương đã có thai, lão tướng quân và phu nhân vui mừng khôn xiết. Liễu Thê Thê có thể coi là khách của Thẩm phủ, khách trong nhà có thai, cũng là hạt giống nhà mình, điều này cũng phải thôi, nhưng khách lại có thai ngay trước mặt con dâu danh chín ngôn thuận, thực tình cũng khiến lão tướng quân và phu nhân khó xử. Lúc Tống Ngưng đến thỉnh an, lão phu nhân mới ướm một câu: “Rút cục để cho cốt nhục họ Thẩm lưu lạc bên ngoài cũng không hay gì”. Tống Ngưng mỉm cười gật đầu: “Mẹ nói phải”.
Cuối tháng, hoa quế nở tràn lan trên núi Cù ở ngoại thành, Tống Ngưng nhìn về ngọn núi phía xa, nói với người hầu đem theo khi rời cố quốc: “Hãy mời Thê Thê cô nương ngày mai lên núi Cù thưởng ngoạn hoa quế”. Người hầu gửi thiệp tới Hà Phong Viện, Liễu Thê Thê nhận lời.
Ngày hôm sau, Tống Ngưng hành lý đơn giản, chỉ mang theo một người hầu. Người hầu một tay xách chiếc làn đựng ít đồ điểm tâm, một tay khoác bọc hành lý. Trái với Tống Ngưng, Liễu Thê Thê long trọng hơn nhiều, ngồi trên kiệu bốn người khiêng, lại thêm hai vú già, bốn hầu nữ.
Tống Ngưng cười: “Đi ngắm hoa lại mang theo nhiều người như vậy, thật mất hứng”.
Vú già cười nói: “Có lẽ phu nhân không biết, tướng quân vừa rồi có thư về, dặn dò chúng nô tỳ chăm sóc chu đáo Thê Thê cô nương, giờ Thê Thê cô nương đã mang cốt nhục của tướng quân, chúng nô tỳ không dám sơ suất”.
Tống Ngưng phe phẩy chiếc quạt, không nói gì. Người hầu của cô cười khẩy: “Nghe vú già nói vậy, không được sơ suất đối với Thê Thê cô nương, nghĩa là có thể sơ suất đối với công chúa của chúng tôi ư. Nói câu này hơi khó nghe, nhưng ở nước Lê chúng tôi, khi công chúa đứng thì kẻ dưới không dám ngồi, khi công chúa ngồi, kẻ dưới nếu chưa được công chúa cho phép vẫn phải quỳ. Đến nước Khương các vị thì ngược lại. Công chúa bộ hành lên núi ngắm hoa, vậy mà cô nương nhà các ngươi lại ngồi kiệu, phải chăng lễ nghĩa của nước Khương là như vậy?”.
Vú già nghe thế, quỳ sụp xuống đất, tự tát vào mặt mình.
Rèm kiệu vén lên, Liễu Thê Thê bước xuống đỡ vú già, đôi tay có mùi thuốc thoang thoảng giơ lên làm những động tác rất duyên dáng, đẹp mắt, vú già lo lắng giải thích: “Cô nương nói cô không ngồi kiệu nữa, vừa rồi là cô không hiểu lễ nghĩa, cô ấy sẽ đi bộ theo hầu phu nhân”.
Ngọn núi Cù cao sừng sững, đi suốt một ngày vất vả, một người mang thai đâu dễ kham nổi. Đêm đó về phủ, Liễu Thê Thê liên tục ra máu. Sáng hôm sau, có tin nói Liễu Thê Thê bị sảy thai. Người hầu của Tống Ngưng lo lắng: “Nếu tướng quân nổi giận thì làm thế nào”. Tống Ngưng ngồi đọc sách bên cửa sổ, hoa quế trong vườn nở rộ, hương quế ngào ngạt trong gió. Liễu Thê Thê bị sảy thai, suy cho cùng là do Tống Ngưng, nhưng đứa trẻ đó không danh chính ngôn thuận nên lão tướng quân và phu nhân mặc dù có thương xót cũng chẳng biết làm thế nào, chỉ có thể bù đắp vật chất cho Thê Thê, nhân sâm, yến sào, hạt sen… mọi thứ quý bổ đều sai người mang tới Hà Phong viện.
Chỉ có Liễu Thê Thê vẫn khóc ròng, không ăn uống gì. Để khỏi lãng phí đành phải để vú già, người hầu ăn giúp, kết quả là trong thời gian ngắn, ngoài Liễu Thê Thê vẫn giữ được thân hình thon thả, tất cả kẻ ăn người ở của Hà Phong viện đều béo tốt trông thấy, ngay cả hai con chim sẻ làm tổ trên hốc cửa đình viện cũng béo mẫm vì được hưởng lộc thừa.
Thời gian này, Tống Ngưng cáo bệnh, chỉ ở trong phòng rất ít ra ngoài, không gặp gỡ ai.
Cuối cùng có một người cô không thể không gặp. Đó là chòm sao ma quỷ trong số mệnh của cô. Cô đã vì chàng cởi bỏ chiến giáp, cài hoa, khoác áo đỏ tân nương, trái tim dịu dàng ăm ắp yêu thương vượt đường trường vạn dặm theo chàng, vậy mà chàng không để mắt đến cô.
Tháng chín, tin thắng trận truyền về kinh đô, Thẩm Ngạn khải hoàn dẫn quân trở về triều.
Tống Ngưng ngồi bên hồ thả mồi cho cá, nghĩ ngợi một hồi, ngẩng đầu hỏi hầu nữ: “Chàng đã trở về, ngươi nói xem, liệu chàng có giết ta?”.
Cốc trà trên tay hầu nữ rơi xuống đất.
Tống Ngưng cười: “Thân thủ của ta không bằng chàng, nhưng cũng không dễ để chàng lấy mạng, cùng lắm đánh một trận, ngươi khỏi lo”.
Hầu nữ quỳ trước mặt: “Ở đây công chúa sống chẳng vui vẻ gì, nô tỳ cũng thấy người không vui. Sao chúng ta không trở về nước Lê? Công chúa, chúng ta về nước thôi”.
Tống Ngưng nhìn đàn cá đớp mồi dưới hồ sen, nói: “Đây là hôn sự giữa hai nước, ngươi tưởng muốn đi là đi được hay sao?”.
Mọi sự không thể cứu vãn đều bắt đầu từ đêm đó. Tôi nói như vậy là bởi vì tôi nhìn thấy tất cả, nhìn thấy tính mạng Tống Ngưng bắt đầu từ đêm đó nhích dần đến cái chết. Đẩy cô tới cõi chết chính là tình yêu của cô và bàn tay Thẩm Ngạn. Chàng lao đến như mang theo mưa gió, trên mình vẫn mặc bộ chiến bào màu bạc, giống như lần đầu họ gặp nhau, nhưng trong mắt chàng bừng bừng lửa giận, như một vị Tu La đến từ địa ngục.