Điêu Thư Chân mở to mắt. Mặt trời đã lên cao, cô giơ tay che trán. Ánh nắng chói chang khiến đồng tử cô hơi co lại, phải một lúc mới quen.
Cô lau vội đám mồ hôi lạnh trên trán, có cảm giác suy nhược như kiệt sức. Cách đó không xa, công tác chụp ảnh hiện trường và khám nghiệm dấu vết đã hoàn tất, Tống Ngọc Thành đang tiến hành giải phẫu tử thi ngay tại chỗ. Một bác sĩ pháp y khác của thành phố C thì ghi chép bên cạnh. Đang là giờ người dân đổ xô đi làm, dòng xe cộ đông nghẹt xếp đầy trên cầu, ép chật như nêm. Mọi người bực bội bóp kèn, tiếng còi hơi chói tai vang lên liên tục.
Hôm nay là một ngày đẹp trời, nắng chiếu xuyên qua những ngọn cỏ lau bên bờ. Thế nhưng mặt sông lại chìm trong một màn sương mù dày đặc, mơ hồ không cách nào nhìn rõ.
Có vẻ là một buổi sáng hết sức bình thường.
Điêu Thư Chân ngồi xuống, ánh mắt lại trở nên rõ ràng, sắc bén. Đã lâu lắm rồi cô không bị cuốn vào dòng nước lũ cảm xúc tại hiện trường vụ án một cách quá bất ngờ, chẳng có gì báo trước như thế. Nhưng cô biết lí do tại sao.
Hiện trường bị bao phủ bởi một nỗi sợ hãi, tuyệt vọng khiến người ta nghẹt thở. Thứ màu hắc ín đặc quánh ấy hệt như những con rắn đen ngoằn ngoèo trườn trên mặt đất, bò khắp từng tấc vuông trong phạm vi mười mét tính từ chỗ thi thể. Cái cảm giác lạnh lẽo đáng sợ ấy hãy còn len lỏi tại hiện trường, muốn chui xuống làn da cô, chạy dọc theo xương sống đến trung tâm não bộ.
Lông tơ dựng ngược khắp người Điêu Thư Chân.
Là một chuyên gia lập hồ sơ tâm lý tội phạm, Điêu Thư Chân từng chứng kiến vô số hiện trường máu me, tàn nhẫn. Trong đó không thiếu những vụ lột da hay chặt tay chân, phanh thây, thậm chí là hành hạ đến chết. Cô đã nếm trải nỗi tuyệt vọng và sợ hãi của vô số người.
Thế nhưng nỗi sợ hãi thuần túy như thế này, cô chỉ từng gặp qua ở hai chỗ: di tích vụ thảm sát ở Nam Kinh và trại tập trung Auschwitz.
Có thể thấy cụ già tuyệt đối không phải chỉ đơn giản là bị người ta siết cổ đến chết hay chết đuối.
Tống Ngọc Thành đã trở lại, đánh tiếng gọi Điêu Thư Chân đang thẫn thờ. Trên mặt cô là vẻ thở phào như vừa trút được gánh nặng. Một lọn tóc đen dính bết trên gương mặt tái nhợt, trắng càng thêm trắng mà đen lại càng thêm đen, thể hiện khí chất lạnh nhạt, trong trẻo.
Cô thấy sắc mặt Điêu Thư Chân trông không được tốt lắm, bèn đưa cho đối phương một cây bút nước, đoạn gật đầu ra hiệu.
Điêu Thư Chân nhoẻn miệng cười, mày hơi nhướng.
“Đừng xem thường chị chứ.” Điêu Thư Chân viết nguyên nhân chết của nạn nhân lên lòng bàn tay trái. Tống Ngọc Thành cúi đầu, cũng thực hiện động tác tương tự.
Hai người cùng xòe tay ra. Trong lòng bàn tay trắng nõn của Tống Ngọc Thành là một hàng chữ Khải ngay ngắn, nét chữ thanh tú, viết rằng “Bùn làm tắc nghẽn mũi, miệng dẫn đến ngạt cơ học”. Trên tay Điêu Thư Chân lại chỉ có hai chữ, viết ngoáy một cách qua loa, là “Chôn sống”.
Hai người nhìn nhau cười. Bỗng nhiên Điêu Thư Chân cảm thấy nỗi sợ hãi trong lòng đã nguôi đi khá nhiều. Cô ngẩng mặt lên. Ánh mặt trời xuyên qua tầng mây, tưới nhuần rộng khắp.
Là một ngày nắng.
“Đi thôi, chiều còn có cuộc họp chuyên án đấy.” Tống Ngọc Thành vươn tay kéo Điêu Thư Chân một cái, “Đừng ngồi dưới đất, coi chừng cảm lạnh.”
Ngày mười hai tháng Tư, Cục Cảnh sát thành phố C nhận được tin báo án. Người chết là Tôn Phượng Đệ, bảy mươi mốt tuổi, người ở khu La Cương thuộc thành phố C. Bình thường sống một mình trong nhà. Con trai và con dâu mua bán lẻ ở nơi khác. Cháu trai Tôn Tiềm là sinh viên năm hai ở khu Hồng Sơn thuộc thành phố C.
Qua bước đầu khám nghiệm hiện trường và giám định pháp y thì miệng nạn nhân bị nhét một chiếc vớ, là vớ chân trái nạn nhân mang. Kết quả giải phẫu khoang mũi và đường thở cho thấy nguyên nhân tử vong của nạn nhân là do hít phải bùn đất, dẫn đến ngạt cơ học. Trên quần áo của nạn nhân phát hiện túi nilon dán kín chứa 3000 đồng tiền mặt. Vì nhiệt độ không khí ở thành phố C vào đêm xảy ra vụ án xuống thấp nên chỉ có thể bước đầu suy đoán thời gian tử vong của nạn nhân là từ mười một giờ tối đến một giờ sáng đêm qua.
Báo cáo giám định pháp y như sau: Quần áo nạn nhân còn nguyên vẹn, mặt xanh tím, miệng có nhét vải. Mi mắt chưa khép kín, thấy có cặn bùn bên dưới kết mạc mi. Phần vai bên phải bị xước da. Môi có sang thương loét phẳng, phần mũi ngoài có bùn đất. Màng trinh đã rách từ trước, hậu môn có phân. Giải phẫu vùng hầu họng thấy có bùn đất. Xương sọ không bị tổn thương. Nguyên nhân tử vong là do bùn đất vùi lấp khiến phần ngực bụng bị chèn ép và đường thở tắc nghẽn dẫn đến ngạt cơ học.
Theo những điều niêm mạc mũi, thanh môn, hầu họng và phổi của nạn nhân có ứ nước, một lượng lớn dị vật lọt vào đường thở dẫn đến suy hô hấp, cùng với hệ hô hấp có hiện tượng xuất huyết do rách thì khi bị chôn, ý thức của nạn nhân vẫn còn tỉnh táo, không dùng thuốc an thần, không có tác động ngoại lực làm tổn thương vùng đầu và não bộ. Bà ta đã giãy giụa kịch liệt, thậm chí đau khổ van xin hung thủ buông tha cho mình.
Nói cách khác, nạn nhân bị chôn sống!
Đối với một cụ già mà nói thì thủ đoạn ấy vô cùng tàn nhẫn, tính chất vô cùng ác liệt.
Giọng nói trong trẻo, lành lạnh của Tống Ngọc Thành vang trong phòng họp. Ai cũng cảm thấy áp lực nặng nề.
Điêu Thư Chân cúi đầu, chìm sâu vào suy nghĩ. Nếu bàn về cách chôn sống thì bình thường nó chỉ xuất hiện trong những cuộc chiến tranh tàn sát hoặc là người thuộc giai cấp thống trị thời phong kiến muốn xác lập uy quyền mà tiến hành đe dọa một quần thể nào đó, tỷ như đốt sách chôn Nho*.
*Tần Thủy Hoàng cho đốt nhiều sách vở và chôn sống nhiều Nho sĩ.
Thế nhưng dùng phương thức này gây án trong xã hội hiện đại, dù có là người từng đọc nhiều về lịch sử tội phạm như Điêu Thư Chân thì nhất thời cũng không tìm được manh mối gì. Áp dụng thủ đoạn tàn nhẫn thế này, hoặc chính là trẻ vị thành niên có bản chất xấu xa, tâm trí chưa hoàn chỉnh, hoặc chính là khuyết điểm mà bệnh nhân có rối loạn tâm thần vô tình phạm phải.
Còn thật sự dùng chôn sống như phương thức giết người thì khá là hiếm thấy.
Nỗi nghi hoặc càng lớn cứ lẩn quẩn trong lòng mọi người. Xuất phát từ động cơ gì mà hung thủ lại dùng cách thức nguyên thủy và tàn nhẫn như thế chỉ để giết một cụ già không hề có sức chống cự?
Qua điều tra lịch sử trò chuyện của nạn nhân cho thấy, 23 giờ 34 phút tối hôm qua, nạn nhân nhận được một cuộc gọi từ số lạ. Sau đó, có tài xế taxi làm chứng nạn nhân bắt xe chạy đến hiện trường vụ án. Chừng 10 giờ 30 phút, Tôn Phượng Đệ đến hành lang ngắm cảnh ven sông. Căn cứ vào lời khai của tài xế taxi thì lúc trên xe, bà cụ Tôn Phương Đệ có nói chuyện điện thoại với con trai một lần, đại ý là cháu trai Tôn Tiềm gặp tai nạn giao thông ở bờ sông, bà cụ lập tức mang hết 3000 đồng tiền có trong nhà chạy đến hành lang. Con trai của nạn nhân bảo bà cứ lo chuyện bên này trước, còn mình ngồi máy bay trở về ngay trong đêm.
Căn cứ vào những dấu hiệu của thi thể và tình hình vụ án, Tống Ngọc Thành phỏng đoán hung thủ lấy chuyện Tôn Tiềm bị tai nạn giao thông làm cớ để lừa bà cụ chạy đến hiện trường vụ án, sau đó khống chế bà ta ngay tại hiện trường, cuối cùng đào hố chôn sống.
Cảnh sát lập tức xác định phương hướng điều tra như sau:
Một, tìm kiếm nguồn gốc của vật chứng trong phạm vi toàn thành phố, chủ yếu là nguồn gốc của dây nilon màu đỏ.
Hai, điều tra chủ nhân số điện thoại và nguồn gốc của thẻ sim.
Ba, tập trung điều tra các mối quan hệ xã hội của nạn nhân, đặc biệt là những người có mâu thuẫn ân oán với nạn nhân và người nhà.
Mọi người trong cuộc họp chuyên án ngồi quanh chiếc bàn dài, cau mày nhìn chăm chú vào hồ sơ vụ án, trông hết sức nặng nề.
Điêu Thư Chân cười khổ, biết phương hướng điều tra thế này chẳng khác gì mò kim đáy biển.
Thứ nhất, hung thủ hẳn là một người lòng dạ vô cùng thâm sâu, khó lường, có ý thức phản trinh sát cực mạnh. Hơn nữa, người nọ tuyệt đối không phải vì tiền tài hay tinh thần bất ổn mà vô ý giết người. Đừng nói đêm qua đã mưa to một trận, dù thời tiết có khô ráo, trong lành đi chăng nữa cũng chưa chắc đã để lại bao nhiêu dấu vết.
Thứ hai, loại dây nilon màu đỏ trói chặt nạn nhân là món đồ hết sức bình thường, siêu thị lớn và những cửa hàng bán lẻ khắp thành phố đều có bán, càng không cần phải nói đến đường mua qua mạng. Thứ dây cùng loại, Điêu Thư Chân vừa mới tìm thử. Cửa hàng với doanh số bán cao nhất có cả vạn lượt mua mỗi tháng. Thực tế không cách nào xác định chính xác nguồn gốc của dây.
Còn về cách thắt nút, trong ấn tượng của Điêu Thư Chân thì hình như nó cũng không thuộc bất kì loại nút thắt nào có thể hé lộ thân phận của hung thủ, tỷ như nút bện vòng cơ bản, nút buộc ngoại khoa, nút thắt dây thủy thủ hoặc nút ghế đơn, nút số 8 biến thể của dân leo núi, cũng không giống kiểu dệt hay một phần của những nút kết truyền thống Trung Quốc. Hung thủ chỉ đơn giản thắt lại để đạt được mục đích trói chặt thôi. Về phần cái số điện thoại kia, nếu hung thủ đã dám dùng thì đương nhiên sẽ không để lại dấu vết gì.
Thứ ba, xem ra chỉ có thể gửi gắm hy vọng vào việc điều tra các mối quan hệ xã hội của người chết hòng tìm ra một ít manh mối.
Đôi mày Điêu Thư Chân càng chau càng chặt. Đối với vụ án này, cô không cách nào giữ được thái độ lạc quan.
Thù hận.
Hiện trường vụ thảm án còn lưu lại sự thù hận mãnh liệt, không phải kiểu những mâu thuẫn kinh tế thường ngày hay xích mích về mấy chuyện vặt vãnh trong cuộc sống ở quê nhà có thể gây ra. Nếu tâm thần của hung thủ không có vấn đề thì rốt cuộc là nguyên do gì mới có thể khiến hung thủ căm hận một cụ già bảy mươi sắp gần đất xa trời đến thế?
Phòng họp đột nhiên trở nên im ắng. Bấy giờ Điêu Thư Chân mới muộn màng nhận ra ánh mắt mọi người đang đổ dồn hết vào mình.
Cục trưởng Thường của thành phố C kiên nhẫn hỏi lại lần nữa: “Tiểu Điêu, cháu có ý kiến gì về hung thủ không?”
Thì ra mình vừa suy nghĩ quá tập trung, không nghe thấy câu hỏi của cục trưởng. Cô cảm thấy rất có lỗi, bèn thong thả cất lời: “Đây là phác họa của cháu về hung thủ.”
Điêu Thư Chân kết nối màn hình máy tính của mình với máy chiếu, sau đó chiếu lên bức tường trắng.
1. Mặt trắng bợt, gầy gò, chiều cao không quá 170cm, thể lực bình thường.
2. Chưa lập gia đình, chưa từng quan hệ tình dục.
3. Sống một mình, không ở chung với người thân cùng dòng máu về trực hệ. Cư ngụ tại thành phố lân cận thành phố C, khả năng ở tỉnh thành rất cao.
4. Có sự cố chấp với tình cảm đến mức gần như xem là tín ngưỡng, theo chủ nghĩa hoàn hảo.
5. Quan tâm đến ngoại hình của bản thân, có thể mặc một chiếc áo sơ-mi đỏ hai hàng cúc.
6. Có ham muốn ngược đãi xác chết. Hưởng thụ niềm vui sướng từ sự đau thương, thống khổ, phẫn nộ và bất lực của nạn nhân. Chiếm được cảm giác thỏa mãn trong quá trình ngược đãi nạn nhân.
7. Có thể có bệnh lý tâm thần liên quan đến Stress do biến cố lớn về tình cảm. Khả năng có tiền sử sử dụng thuốc hướng thần.