Hồ Điệp Cùng Kình Ngư

Chương 17: Xăm người



Sẩm tối lúc xuống núi, Hồ Điệp không kiên trì nổi nữa. Cô nằm trên lưng Kinh Du, đôi chân dài đung đưa trong không khí, mơ màng buồn ngủ.

Tưởng Mạn đi đến bên cạnh, thấy hai mắt cô sắp nhắm lại bèn hỏi: “Mệt à?”

Cô mê man đáp lại, dáng vẻ chẳng còn chút sức lực.

“Vậy ngủ một lúc đi.” Tưởng Mạn nhìn Kinh Du bảo: “Đổi qua để chú cõng con bé lát đi, con cõng cả quãng đường như vậy cũng mệt rồi.”

“Không sao ạ.” Giọng điệu Kinh Du rất nhẹ nhõm: “Lúc trước con huấn luyện phải mang vác nặng hơn thế này nhiều.”

“Nhưng cũng không thể…”

Tưởng Mạn định tiếp tục khuyên nhủ, Hồ Điệp đang nhắm mắt lên tiếng đùa: “Mẹ ơi, mẹ đừng làm khó dễ ba nữa.”

“Con đó, phải đứng ở vị trí của người khác đã rồi nói.”

Hồ Điệp cười khẽ: “Con đang nằm mà.”

Tưởng Mạn cười, thở dài, sau đó nói với Kinh Du: “Nếu mệt thì chúng ta nghỉ ngơi, đừng cậy mạnh đấy.”

Kinh Du gật đầu: “Vâng, con biết rồi.”

Hơn chín ngàn bậc thang nói đơn giản cũng chẳng đơn giản chút nào. Khi xuống dưới núi, Kinh Du mệt lả ngồi trên ghế dài nghỉ ngơi lấy sức.

Hồ Điệp ở bên cạnh vừa đưa nước vừa lau mồ hôi cho anh, xong xuôi còn cầm cây quạt nhỏ quạt cho anh mát, quan tâm hỏi han: “Có muốn uống nước nữa không anh?”

Kinh Du lắc chai nước suối còn dư trong tay: “Đủ rồi.”

“Vất vả cho anh rồi anh Kinh Du.”

Anh nhắm mắt, dựa ra lưng ghế, ngửa đầu ra sau để lộ ra một đoạn cổ thon dài, yết hầu gồ lên nơi cổ chuyển động lên xuống: “Cõng em không vất vả.”

“Thế cõng cái gì mới vất vả?”

“Bao cát.”

“…”

Anh cười một tiếng, sau đó ngồi thẳng người lại nhìn cô gái ngồi xổm bên chân mình. Anh dùng đầu gối đụng đầu gối cô một cái: “Ngồi xổm không mệt à?”

“Ngồi xổm thoải mái.” Nói đoạn, Hồ Điệp quay đầu nhìn qua khu chợ náo nhiệt, lẩm bẩm: “Không biết ba mẹ em đi dạo đâu rồi nữa.”

Kinh Du nhìn sang theo tầm mắt cô.

Đường phố trống trải ban đầu giờ đây đã bày đầy những gian hàng, chính giữa quảng trường có một cây đa trăm tuổi, bên trên là những dải băng lụa đỏ để cầu phúc.

Gió man mát thổi qua lay động những dải lụa, đưa vô số những tâm nguyện bay đến nơi chân trời xa xăm, chỉ mong thần có thể nhìn thấy dù chỉ một chút thôi.

“Đi nào.” Kinh Du uống nốt phần nước rồi vứt chai rỗng vào thùng rác, sau đó kéo Hồ Điệp đứng dậy: “Chúng ta cũng đi dạo chốc lát đi.”

“Có thể ăn gì trước đã được không anh?” Hồ Điệp nói: “Em thấy đói quá.”

“Không phải mới ăn cơm chay rồi à?”

“Nhưng xuống núi hao tốn thể lực lắm.”

“?” Kinh Du cong ngón tay gõ trán cô: “Sao em lại nói thế.”

“Em mặt dày mà.”

“…” Kinh Du nhất thời không biết phải phản bác lại thế nào.

“Ây dà ây dà, đi nhanh thôi anh.” Hồ Điệp kéo anh đi vào trong hội chợ đêm. Cô ăn uống suốt cả đường đi, trên tay Kinh Du xách đầy đồ cô không ăn hết.

Hồ Điệp ăn uống no say xong, hài lòng ợ mấy cái rồi lại kéo Kinh Du đi sang bên hông chợ dạo chơi, định mua vài món quà lưu niệm.

Trên đường đi có đi ngang qua một tiệm xăm, thật ra nó cũng không phải là tiệm mà chỉ là một gian hàng có mái hiên. Dòng người lui tới tấp nập, chỉ có Hồ Điệp nguyện dừng bước trước nó.

Chủ tiệm là một cô gái xinh đẹp, nom chẳng giống như đang kinh doanh gì cả. Thấy có người dừng trước gian hàng của mình, cô ấy chỉ ném cuốn album ảnh mẫu qua: “Tự xem đi.”

Hồ Điệp cầm album lên, Kinh Du bước đến hỏi: “Muốn xăm à?”

Cô gật đầu, đang chuẩn bị mở cuốn album ra thì Kinh Du bỗng đưa tay cản: “Em không thể xăm được.”

Hồ Điệp không ngẩng đầu mà khẽ tiếng nói: “Bây giờ em cũng chả có gì có thể hay không đâu.”

Kinh Du không lên tiếng, trầm mặc giây lát rồi rút tay đi.

Hồ Điệp mở album ra, ánh mắt di chuyển trên các hình mẫu ở trong, giọng điệu vô tư lự: “Anh Kinh Du, có một số việc đã định trước như vậy, chúng ta chỉ cần cố gắng lưu giữ kỷ niệm vui là đủ rồi.”

Chủ tiệm nghe đoạn đối thoại của hai người bèn ngẩng đầu lên, thấy Hồ Điệp lật cuốn album tới lui mà vẫn chưa quyết định xem nên xăm hình gì, thế là cô ấy lên tiếng hỏi thăm: “Em muốn xăm hình gì?”

“Hình gì cũng được ạ?”

Cô ấy gật đầu: “Em cứ nói đi, chị vẽ được.”

“Vậy…” Hồ Điệp quay đầu liếc Kinh Du đang đứng im lìm bên cạnh, cười hỏi: “Vậy xăm cho em một chú cá voi đi, có được không?”

“Được chứ.” Chủ tiệm vươn tay qua bàn vẽ bên cạnh và nhanh chóng vẽ ra hình chú cá voi: “Nếu sợ đau thì không cần màu, chỉ cần xăm nét cũng đủ đẹp rồi.”

Hồ Điệp liếc hình vẽ, nét vẽ của cô gái rất lưu loát, mặc dù chỉ là bản nháp nhưng không hề tầm thường chút nào. Cô hài lòng nói: “Vậy thì không cần màu, anh thấy sao?”

Cô quay đầu nhìn Kinh Du.

Anh mím nhẹ môi, sau một chốc yên lặng, cuối cùng đành đáp: “Được.”

“Thế thì xăm cái này đi.”

Hồ Điệp trả lại bản thảo hình vẽ, sau đó chủ tiệm xác định vị trí xăm với cô rồi bảo: “Hai người vào trong phòng với tôi đi.”

“Được.” Hồ Điệp kéo Kinh Du đi theo sau cô ấy vào trong tiệm, đối phương gọi một chàng trai trẻ tuổi ra ngoài canh gian hàng.

Chủ tiệm đưa Hồ Điệp vào phòng và chuẩn bị đồ đạc, khi bắt đầu mở dụng cụ, cô ấy nhìn cô gái đang ngồi trên ghế sofa một mình rồi lại ngó về phía chàng trai ngồi ngoài cửa, hờ hững nhắc: “Hình xăm là thứ cuộc sống không mang đến nhưng chết phải mang đi, em đã quyết định chắc chắn chưa? Xăm lên rồi rất khó để xóa.”

Nghe cô ấy nói vậy, Hồ Điệp hơi sửng sốt, chưa đợi cô ấy cầm dụng cụ lên đã áy náy đứng dậy bảo: “Em xin lỗi, em không xăm nữa đâu.”

Cô là người phải rời đi.

Xăm anh lên người rồi mang đi cùng thì quá xui xẻo.

Dường như đây là chuyện thường thấy nên chủ tiệm cũng chẳng lấy làm bất ngờ, nhún vai đáp: “OK.”

Hồ Điệp không xăm mình nhưng cô mua lại bản thảo hình vẽ.

Khi ra khỏi tiệm, Kinh Du nhìn cô cẩn thận cuộn tờ giấy cất vào túi và hỏi nhỏ: “Sao lại không xăm nữa?”

“Sợ đau.” Hồ Điệp cười cười: “Chị bảo xăm rất đau nên em hơi sợ, không muốn xăm nữa.”

Nom dáng vẻ không quá vui của cô, Kinh Du an ủi: “Bao giờ về anh mang bản vẽ đi làm một ít hình xăm dán cho em, như vậy sẽ không đau.”

“Được ạ.”

Hai người nắm tay nhau đi trong hội chợ náo nhiệt giữa buổi hoàng hôn.

Sau lưng vẫn tấp nập người qua lại, cửa tiệm xăm đang chờ đợi một người hữu duyên tiếp theo dừng lại vì nó.

Chuyến tàu cuối cùng kết thúc vào lúc chín giờ tối, khi Hồ Điệp theo ba mẹ trở về bệnh viện thì đã qua thời gian ngủ bình thường của cô rồi.

Cô tắm rửa xong nằm trên giường, gửi tin nhắn chúc ngủ ngon cho Kinh Du. Anh hồi âm rất nhanh.

Kinh Du: Mấy ngày tới nghỉ ngơi cho khỏe.

Kinh Du: Hai ngày nữa sẽ có niềm vui bất ngờ cho em.

Kinh Du: Ngủ ngon.

Hồ Điệp vui vẻ cầm điện thoại, Tưởng Mạn mặc đồ ngủ tiến vào hỏi: “Cười gì đó?”

“Con đang tán gẫu với Kinh Du, ảnh bảo mấy hôm nữa sẽ cho con bất ngờ.” Hồ Điệp trả lời anh một chữ “Được” rồi đặt điện thoại xuống, nhích đến bên mép giường: “Mẹ ơi, tối nay mẹ ngủ chung với con đi.”

“Được.” Tưởng Mạn sấy khô tóc, nằm xuống chỗ trống Hồ Điệp dành ra cho mình và hỏi: “Đã uống thuốc của tối nay chưa?”

“Uống rồi ạ, vừa về là con uống liền rồi.” Hồ Điệp chui vào lòng Tưởng Mạn, đưa cánh tay ôm bà: “Mẹ ơi.”

“Hửm?”

Hồ Điệp nhắm mắt, cảm nhận hương thơm và nhiệt độ trên người mẹ mình, nhẹ giọng nói: “Hôm nay ở chùa con đã thay mẹ với ba dâng hai ngọn đèn, sang năm ba mẹ nhớ đến đó thả đèn nha.”

Dâng đèn ước nguyện là cổ tục của chùa Đàm Hải, mỗi năm dâng đèn ước nguyện cho người thân trong gia đình thì sang năm tiếp theo và vào cùng ngày đã dâng đèn thì người được dâng đèn phải tự tay thả đèn xuống biển.

Năm ngoái Dung Thành khởi xướng chiến dịch bảo vệ môi trường biển nhưng chính phủ địa phương đảo Đàm lại muốn lưu giữ tập tục này nên đã trích một phần tiền thuế của nhân dân dùng vào việc chế tạo đèn ước nguyện có thể thoái biến, gặp nước sẽ tan ra.

Hốc mắt Tưởng Mạn nóng lên, bà cố kìm nén cảm giác muốn khóc: “Được.”

“Kỳ lạ thật đó, con cảm thấy hình như gần đây mình có tinh thần hơn nhiều.” Hồ Điệp cười nói: “Không biết anh Kinh Du chuẩn bị bất ngờ gì cho con.”

“Chắc chắn là con sẽ rất thích.” Tưởng Mạn nhẹ nhàng vuốt ve xương bướm nhô ra sau lưng cô, thở dài thườn thượt: “Thời gian trôi qua nhanh quá, mẹ còn nhớ hồi bé con chẳng chịu ngủ chung với ba mẹ, một hai phải ngủ một mình một giường.”

Nghe vậy, Hồ Điệp cười cười đáp: “Vì khi đó con mới tiếp xúc với trượt băng, ngày nào cũng bị ngã bầm tím hết người, sợ ngủ chung ba mẹ lại phát hiện.”

“Mẹ cũng biết vì nguyên nhân này mà.” Tưởng Mạn nói: “Chớp mắt một cái con đã lớn thế này rồi.”

“Dù sao con cũng phải lớn lên mà.” Hồ Điệp sợ nói thêm gì nữa sẽ làm Tưởng Mạn đau lòng, bèn ngáp một cái: “Con mệt quá, mẹ ơi, chúng ta ngủ thôi.”

“Được.”

Tưởng Mạn vươn tay tắt đèn, nhưng sau đó Hồ Điệp lại mở mắt trong bóng đêm, ngắm nhìn ánh trăng sáng ngoài cửa sổ, có thể nói là cả đêm chẳng chớp mắt.

Vài ngày nữa thôi là tháng tám kết thúc.

Bất ngờ ngày ấy Kinh Du nói khiến lòng Hồ Điệp nôn náo vô cùng, lòng tò mò chưa được thỏa mãn nên ngày nào cô cũng nhắn tin cho anh rất nhiều.

Nhưng Kinh Du cứ như ăn phải ổ khóa vậy, giữ miệng kín kẽ, bận rộn ngay từ lúc thức dậy, cả ngày lẫn đêm đều không thấy bóng dáng anh đâu.

Về sau, ngay cả Hồ Viễn Hành cũng bận rộn một cách khó hiểu.

Hồ Điệp gắng gượng đợi hơn một tuần, mãi đến tết Trung nguyên mới nhận được cuộc gọi của Kinh Du bảo sẽ đưa cô đi xem bất ngờ.

Cô ngồi sau xe đạp của Kinh Du, cánh tay vòng qua eo anh, cố tình uy hiếp anh: “Nếu không đủ bất ngờ thì hôm nay anh chết chắc.”

Kinh Du không giải thích nhiều, vừa tăng tốc vừa bảo: “Đến đó em sẽ biết.”

Xe đạp lao như bay từ trên sườn đồi về phía trước, gió mùa hạ gào rít bên tai, áo chàng thiếu niên phồng lên chạm nhẹ vào gò má cô gái.

Hơn mười phút sau, xe đạp dừng lại ở cửa vào trung tâm huấn luyện thể dục trượt băng nghệ thuật Dung Thành.

Hồ Điệp bước xuống, nhìn logo quen thuộc trước mắt rồi quay đầu hỏi Kinh Du: “Anh đưa em đến xem thi đấu hả?”

“Đoán thử đi.” Kinh Du cởi mũ ra, giơ tay vuốt phần tóc lòa xòa trước trán ra sau, đến gần cô bảo: “Đi thôi.”

Hồ Điệp tò mò vô cùng: “Rốt cuộc là gì vậy ạ?”

“Vào đi đã, vào là em biết ngay.” Kinh Du dắt cô đi đến gần trung tâm huấn luyện, dọc theo đường đi đều trưng bày những thứ khắc ghi trong ký ức của Hồ Điệp.

Khi đến sân băng, Hồ Điệp mới phát hiện Tưởng Mạn và Hồ Viễn Hành trưa nay vừa ăn cơm xong liền đi đâu mất tiêu đã thay đồng phục của đội trượt băng nghệ thuật quốc gia và đứng bên ngoài sân.

Ngoài ra còn có những đồng đội từng kề vai chiến đấu với cô và cả người huấn luyện viên đã đưa cô đi chinh chiến khắp Nam ra Bắc.

Có cả Thiệu Quân và nhóm anh chị Phương Gia Nhất, và rất rất nhiều người vừa có quen biết vừa không quen biết, tất cả đều đứng ngoài sân băng hoặc ngồi trên khán đài.

Cô đột nhiên hiểu ra điều gì đó, bèn nghiêng đầu nhìn Kinh Du.

Anh giơ tay ôm vai cô, vẻ mặt dịu dàng mà nghiêm túc: “Hôm nay là buổi biểu diễn chỉ thuộc về riêng mình em, mọi người đều là khán giả.”

“Em…” Đôi mắt Hồ Điệp đỏ hoe, nói chẳng nên lời.

Kinh Du cười cười, đưa tay đẩy lưng cô một cái: “Đi đi.”

Hồ Điệp tiến về trước một bước, Tưởng Mạn xách túi đồ tập của cô đi đến: “Mẹ đã chuẩn bị sẵn giày trượt băng và trang phục cho con rồi đây.”

Nước mắt bất giác rơi xuống, cô nhìn Tưởng Mạn, nhìn Hồ Viễn Hành rồi nhìn tất cả những người có mặt trong sân, sau đó hít sâu một hơi và nói: “Con đi thay đồ.”

Tưởng Mạn lau nước mắt trên mặt cho cô: “Đi đi, mẹ đi cùng con.”

Phòng thay đồ ở phía sau sân băng, Hồ Điệp đã thay đồ vô số lần tại nơi này, từ lần đầu tiên được ra sân băng cho đến sau này trước khi giải nghệ. Địa điểm này đã làm chứng cho tất thảy.

Trang phục do Tưởng Mạn gấp gáp tự may trong khoảng thời gian này, trên lớp lụa màu xanh nhạt mỏng manh thêu vô số những chú bướm đang vỗ cánh bay lên.

Sau khi thay đồ và mang giày trượt băng vào, Hồ Điệp chậm rãi trượt đến trước gương. Tưởng Mạn đi tới bên cạnh cô, đi theo tự tay tết tóc cho cô như mọi lần cô thi đấu trước đây vậy.

Hồ Điệp ngắm bản thân trong gương, trước mắt tựa như thấy được bóng dáng di chuyển mượt mà dưới ánh đèn tỏa sáng lấp lánh của Hồ Điệp vậy.

Dần dà như một thứ gì đó sâu trong nội tâm thức tỉnh, bàn tay siết chặt của cô buông lỏng ra, tâm trạng vừa hồi hộp vừa kích động hệt lần thi đấu đầu tiên.

Tưởng Mạn tết tóc xong xuôi, vỗ vai cô bảo: “Được rồi, chúng ta ra ngoài thôi.”

Hồ Điệp lại ngắm bản thân trong gương một lần nữa, chậm rãi thở hắt ra một hơi rồi cô gật đầu nói: “Được ạ.”

Lúc cô từ phòng thay đồ đi ra, những âm thanh trong sân đã ngưng bặt, Hồ Điệp đi đến lối vào sân băng trong ánh mắt của mọi người.

Hồ Viễn Hành bước tới trước mặt cô, vuốt phẳng váy lại cho cô và bảo: “Nhạc biểu diễn là ba chọn cho con, chính là ca khúc mà con giành được quán quân lần đầu tiên sau khi gia nhập đội tuyển trượt băng nghệ thuật Trung Quốc.”

Vào năm 2014, phần phối nhạc trong biểu diễn trượt băng nghệ thuật mới chính thức dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng nhạc có lời, năm ấy, Hồ Điệp đã dùng bài hát này và giành được chức vô địch của cuộc thi trượt băng nghệ thuật bốn châu lục.

Hồ Điệp ngẩng đầu nhìn vào mắt ba mình, rồi cười nhẹ gật đầu: “Cảm ơn ba.”

Hồ Viễn Hành khoác vai con gái đưa cô đến lối vào, sau đó duỗi tay đẩy nhẹ lưng cô một cái: “Đi đi, đây là sân khấu của con.”

Hồ Điệp di chuyển vào sân băng.

Ánh đèn trong hội trường vụt tắt, chỉ còn lại một ngọn đèn sáng ngời chuyển động theo cô đến giữa sân băng.

Cô nhắm mắt, cảm nhận hết thảy những thân quen xung quanh. Sau đó cô chậm rãi nâng cánh tay lên, chân nhẹ nhàng lùi ra sau, một tư thế sắp bắt đầu nhảy múa.

Nhạc dạo vang lên.

Giọng nữ trong trẻo nội lực vang ra khắp bốn phía theo những động tác của Hồ Điệp.

“Cậu là người đầu tiên phát hiện tôi,

Ngoài mặt càng vô cảm thì trong lòng càng đau đớn,

Vậy nên tôi không chịu rơi nước mắt mà run rẩy,

Cậu sẽ thương tiếc ôm tôi vào lòng…”

Ca khúc chậm rãi tiến vào điệp khúc, Hồ Điệp nhảy múa trên mặt băng, khi giơ tay lên, lớp lưới của tay áo rủ xuống hệt như một chú bướm đang vỗ cánh.

Về sau cô bắt đầu chạy lấy đà nhưng động tác đã không còn đạt chuẩn và hoàn mỹ như thuở xưa, thậm chí ngay cả động tác xoay tròn cô sở trường nhất mà cô cũng không làm được.

Nhưng Hồ Điệp vẫn tiếp tục kiên trì, từng lần từng lần, ngã xuống rồi lại đứng lên.

“… Cậu hiểu tôi hơn bất cứ ai,

Khát vọng trong lòng nhiều hơn thể hiện ra bên ngoài,

Vậy nên khi tôi vấp ngã gãy cánh,

Cậu không đỡ tôi dậy, mà cùng tôi học cách chịu đau…”

Khi Hồ Điệp một lần nữa ngã quỵ xuống sân băng, cô không thể nhanh nhẹn đứng lên như những lần trước nữa mà cả người bò lồm cồm trên mặt băng.

Tiếng hát vẫn tiếp tục vang dội bên tai, Hồ Điệp chống tay lên nhưng xương cốt trong cơ thể đau đớn khiến cô phải ngã xuống.

Cô nhắm mắt lại, chẳng biết là lệ nóng hay mồ hôi đã rơi xuống mặt băng.

Bên ngoài sân băng, Kinh Du thấy Hồ Điệp đã ngã xuống một lúc lâu mà vẫn chưa đứng dậy, anh không đành lòng nhìn tiếp nữa nên chuẩn bị đi vào sân băng nhưng Hồ Viễn Hành đứng bên cạnh lại kéo anh lại.

“Đừng đi.” Hồ Viễn Hành nhìn bóng dáng yếu ớt của con gái, tuy hốc mắt đỏ hoe, song ông vẫn kiên quyết không để Kinh Du vào cắt ngang cô: “Ngã xuống không phải vấn đề gì lớn lao, cố gắng đứng lên lại là được rồi, quan trọng nhất là bản thân mình phải có niềm hy vọng.”

“Thứ duy nhất trên thể giới này có thể xuyên thủng mọi bức tường cao chính là hy vọng. Nó nằm sâu trong nội tâm mỗi chúng ta, người khác không cách nào nhìn thấy được, cũng không cách nào chạm đến được.”

“Chỉ cần bản thân ta tự tin thì ắt có thể bứt phá như vũ bão, thậm chí là chưa từng có trước đây.”

Những lời nói của Hồ Viễn Hành làm Kinh Du dừng bước, anh quay đầu nhìn Hồ Điệp đang đứng lên một lần nữa trên sân băng, tiếng nhạc vẫn văng vẳng bên tai.

“… Tôi muốn đi nhìn nơi xa nhất,

Khoa chân múa tay, trò chuyện về ước mơ cùng cậu,

Như thể chưa bao giờ thất vọng hay tổn thương,

Vẫn tin rằng dám bay lượn thì sẽ có bầu trời,

Tôi muốn nhìn thấy nơi xa nhất,

Khoác tia sáng đầu tiên trên vai,

Bị hắt nước mưa và bông tuyết lạnh lẽo,

Kiên trì mỉm cười, phải ấm áp như ánh mặt trời…”

Tiếng hát đã kết thúc, chỉ còn lại âm đuôi và dư âm vang vọng khắp hội trường.

Hồ Điệp nâng cao cánh tay, hơi khom người làm động tác kết thúc. Ánh đèn ngời ngời trong sân băng đáp trên người cô.

Cô nhắm mắt, thở hổn hển, khuôn mặt lấp lánh, sáng rực và tràn đầy vẻ tự do, nước mắt và mồ hôi nhỏ xuống hòa vào sân băng mà cô yêu tha thiết nhất.

Cô là Hồ Điệp.

Là chú bướm bay qua biển cả.

Cũng là cô gái thiên tài đã rơi xuống.

Kinh Du đã từng cho rằng ở một mức độ nào đó, cô và anh có phần giống nhau.

Nhưng vào giờ phút này anh mới hiểu, sự giống nhau giữa họ chỉ có một phần vạn, mà điểm khác nhau lại có hàng vạn.

Thiên tài đã chết nhưng không sa đọa.

__

Lời tác giả:

“Thứ duy nhất trên thể giới này có thể xuyên thủng mọi bức tường cao chính là hy vọng. Nó nằm sâu trong nội tâm mỗi chúng ta, người khác không cách nào nhìn thấy được, cũng không cách nào chạm đến được.”

Câu gốc trích từ “Danh sách của Tân Đức Lặc”: “Đừng quên thứ có thể đâm thủng hết thảy những bức tường, nó nằm sâu trong nội tâm ta, người khác không cách nào đụng đến, cũng không thể nào chạm vào được, đó chính là hy vọng.”

Bài hát lúc Hồ Điệp trượt băng là bài “Nhìn thấy nơi xa nhất” của Trương Thiều Hàm


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.