Cánh cửa tre chậm chạp mở ra, nặng nề tựa đại môn của Diêm La điện.
Sau cánh cửa tre là một cái sân nhỏ. Trong sân là một căn nhà tranh đơn sơ, phía trước có giếng và một chiếc xích đu nho nhỏ dưới gốc bàng.
Cả căn nhà chỉ có gốc bàng mang lại bóng râm. Trên cành cao là một lão nhân treo cổ, hai mắt đột ra, chiếc lưỡi le dài. Có vẻ lão đã chết từ rất lâu rồi nhưng vẫn chưa được yên nghỉ. Hai cái chân lủng lẳng được cột vào hai sợi dây thừng dài, một mảnh ván gỗ nhỏ cố định trên hai sợi dây đó tạo thành một chiếc xích đu người đơn giản.
Trên chiếc xích đu có vẻ khá cũ kĩ và lỗi thời, một cô bé đang ngồi lắc lư, xích đu kẽo kẹt kêu như đang gọi:
– Dung nhi! Dung nhi!
Bên cái giếng nhỏ ở góc đối diện có một lão nhân đang lấy dao tự khoét thịt của mình quăng xuống giếng,miệng thì thào lẩm bẩm:
– Phệ Huyết Địa Long mau ăn chóng lớn!
A Nhất cảm thấy những người này trông rất quen:
– Hẳn là bà con xa của lão thợ săn. Hắn nghĩ thầm.
Hắn cúi đầu nhìn cái giỏ đựng tô há cảo đã mất đi một miếng trên tay. Nếu biết sẽ có nhiều người như vậy thì hắn đã nhờ mẫu thân làm nhiều hơn. A Nhất là một đứa trẻ ngoan và tốt bụng như vậy đấy!
Một đứa trẻ ngoan như A Nhất dĩ nhiên sẽ không làm phiền người khác đang nghỉ ngơi. Thế là hắn bước nhanh về phía căn nhà tranh.
Lúc đi ngang qua người thiếu nữ ngồi trên xích đu, A Nhất nghe được tiếng nàng thì thào:Đứa trẻ đáng thương! Thật đáng thương!A Nhất dừng lại chốc lát, nhoẻn miệng cười với nàng rồi lại đi thẳng.
Căn nhà tranh đơn sơ có chút xiêu vẹo. Trên mái nhà có một cái tổ chim, vài con chim non đang inh ỏi giành nhau con sâu róm.
Cho dù sâu róm có cố vùng vẫy thế nào đi chăng nữa rồi cũng trở thành dinh dưỡng cho lũ chim non. Âu đó cũng là lẽ thường của thợ săn và kẻ bị săn.
Có cơn gió thổi từ sau lưng A Nhất, mang theo mùi máu tanh, hắn không quá để ý đến mà đưa tay đẩy nhẹ cánh cửa.
Trong nhà, lão thợ săn đang bận bịu mài con dao nhỏ. Tiếng dao lả lướt trên hòn đá mài không quá bén nhọn, không quá trầm đục, rất dễ nghe. A Nhất cảm thấy nó dễ nghe hơn tiếng đàn của U Linh cổ cầm rất nhiều.
Dù A Nhất gọi lão thợ săn là thúc thúc thế nhưng qua xuân này lão cũng đã 60 tuổi rồi. Tuy sức khỏe không bằng lúc trước nhưng trông lão vẫn vạm vỡ, không thua gì thanh niên trai tráng trong thôn.
A Nhất luyến tiếc gọi:
– Thợ săn thúc thúc!
Hắn thật không muốn lão thợ săn dừng việc mài dao. Vì A Nhất cảm thấy tiếng xoèn xoẹt đang mài lên màng nhĩ của hắn khiến thính giác của hắn nhạy bén hơn.
Lão thợ săn lướt ngón tay kề lưỡi dao rồi lật qua lật lại, tỉ mỉ ngắm nghía.
Ánh dao bóng loáng làm sắc đỏ trong mắt A Nhất càng thêm tươi mới.
Lão ngẩng đầu, mỉm cười rồi ngoắc tay ra hiệu A Nhất lại gần:
A Nhất đem giỏ há cảo đến, vui vẻ nói:
– A Nhất đem Tiên Nhân há cảo đến cho thúc nè!
– —
Ở cõi U Minh, U Minh giáo chủ nhìn bạch y thiếu niên đứng trước mặt mà không biết phải làm thế nào. Hắn đang ngủ thì tên này ở đâu xuất hiện, tay giơ đầu người, miệng hô há cảo.
Hắn đã an phận ở chốn không người này để tránh tạo nhân quả vậy mà vẫn có chúng sanh tìm được đến tận đây.
– Hay là do U Linh chi thụ triệu hồi tiểu tử này đến? Hay là do sợi tràng hạt của ta?
Ma nhãn chăm chú nghiên cứu cây cổ cầm phía sau lưng của thiếu niên, rồi lại ngẩng đầu nhìn lên nói:
– Hay là…do tiểu Tĩnh?
– Khốn kiếp! Dù là vì lý do gì thì kẻ này nhất định là phải có nhân quả với ta.
Mặc kệ thiếu niên mù đang đung đưa cái đầu của Đường Tử Hàm trước mặt hắn, U Minh giáo chủ vẫn ngồi trên đài sen đen tuyền, xoa huyệt thái dương, ngẫm nghĩ.
Một lát sau, hắn quyết định không suy nghĩ nữa mà ngẩng đầu hét lớn:
– Tiểu Tĩnh! Có khách! Mau ra tiếp đón!
Tiếng hét của ma thần vang vọng từ cõi U Minh vượt qua thời không, làm đỉnh Tu Di run rẩy.
Từ trong đêm đen vô tận của đỉnh Tu Di, tiếng chuông bát nhã lại ngân vang. Phật ngôn dĩ nhiên là phải có tiếng chuông đi kèm.
– Duyên nghiệp giữa ta và nó đã tận. Nó là khách của ngươi! Huyền à!
Huyền thờ ơ đáp:
– Khách của ta cũng là khách của ngươi! Mau giải quyết đi! không thì ta lại đem sợi dây nhân quả của hắn quấn một vòng quanh đỉnh Tu Di.
Huyền là U Minh giáo chủ, dĩ nhiên nói được làm được.
Hai vị đại lão này tuy pháp lực vô biên thế nhưng lại không thể tùy tiện tạo sát nghiệp hay kết nhân quả. Mỗi hơi thở của họ ảnh hưởng đến luân hồi của cả thế giới hoa sen, năm châu, một núi, một biển, một mặt trời, một mặt trăng.
Tĩnh thở dài ngao ngán nói:
– Năm đó ngươi cũng là ta mà ta cũng là ngươi. Do vậy, dù ta đã trả xong nợ thế nhưng ngươi vẫn tránh không khỏi bị dính líu. Ngươi nhận quà của nó rồi trả lễ vừa đủ là được. Nghiệp quả khó tránh, thiện tai, thiện tai!
Huyền phất tay, cái đầu của Đường Từ Hàm bay về phía U Linh chi thụ, tóc hoa râm bện lên một nhánh nhỏ, treo lủng lẳng.
Đài sen đen chậm rãi bay một vòng quanh A Nhất. Vị U Minh giáo chủ đánh giá thiếu niên mù một hồi lâu rồi nở nụ cười thích thú:
– Khặc khặc! Thú vị! Vô cùng thú vị!
Đài sen ngừng ngay trước mặt A Nhất. Huyền hắng giọng, nhìn A Nhất trìu mến nói:
– A Nhất! Thúc thúc tặng cho ngươi Cửu U Thất Sát Nha. Dùng nó để làm thịt tiên nhân rất có hiệu quả! Ngươi hãy dùng cho tốt nhé.
Giọng nói khô khan y hệt của lão thợ săn trong thôn nghèo.
Trên tay Huyền là một con dao bén nhọn, dài chừng hai gang tay. Lưỡi dao rộng bằng ba ngón tay, trắng ngà ngà, bén nhọn, nhìn qua có vẻ là xương hay răng của một loài thú nào đó. Gần cuối lưỡi dao là một mẫu hoa văn phiền phức và tinh tế được khắc lên cẩn thận. Cán dao thon dài hơi cong, được bọc bằng da thú, nước da bóng loáng chứng minh nó đã trải qua tay rất nhiều người.
Ngoài vẻ ngoài đen kịt, thì nó chẳng có gì đặc biệt, y hệt chủ nhân mới của nó vậy.
A Nhất vui vẻ nhận quà của thợ săn thúc thúc. Bây giờ hắn đã có dao, có thể vào rừng để săn tiên nhân rồi.
Tiếng chim non ríu rít trên mái nhà càng làm A Nhất phấn khích hơn.