Phương Di đạp xe một mạch đến cổng sau của trường THPT N, nơi gần nhà xe và vắng vẻ nhất. Đảm bảo cho việc “đột nhập” vào trường của nó sẽ không bị ai bắt gặp.
Di tắp xe vào sát cổng trường, nhìn ngó xung quanh thật kĩ. Cổng sau của trường THPT N dẫn ra một con đường nhỏ, bốn bề là đồng ruộng, không hề có một nhà dân nào. Bình thường khi tham gia các hoạt động Đoàn đến tối muộn mới về, nó rất sợ đi đường này, nhưng hôm nay nó lại thầm cảm ơn con đường vắng vẻ này.
Lúc này đã hơn 9 giờ tối, bảo vệ trực ca cuối đã khoá cổng và ra về, nên cách duy nhất để Di vào được khuôn viên trường là leo rào. Ngặt nỗi hàng rào được nhà trường xây theo kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tất cả đều được rải thủy tinh lên trên thành.
Di suy nghĩ hồi lâu, tâm trí bắt đầu rối rắm. Nó nhìn đi nhìn lại bức tường, đâu đâu cũng có thủy tinh. Đột nhiên, Di nghĩ ra một cách, nó cởi bỏ lớp áo khoác dày, xếp lại thành một khối đủ lớn và dày rồi để lên thành tường. Sau đó nó bắt đầu leo lên những thanh sắt của cổng, khó nhằn với việc trèo sang “tấm đệm” bằng áo khoác. May mắn là nó đã an toàn leo vào trong trường mà không bị trầy xước gì.
Phương Di kiểm tra toàn thân lại một lượt, song nó thở phào nhẹ nhõm chạy đến lấy hộp xiên bẩn và balo được luồng qua khe trống giữa cổng và nền xi măng từ trước. Nó cầm đống đồ lỉnh kỉnh, đi đến góc phòng bảo vệ. Đúng như lời Minh Duy nói với nó từ trước, cô giữ xe cất các thứ như lư hương, nhang, bình hoa cúng,… đồ ở đấy. Di bày đồ cúng ra, cầm cái hộp quẹt được nhét trong bó nhang đốt lấy ba nén nhang. Đầu ba cây nhang ánh lên màu lửa đỏ, khói xám toả ra. Nó khấn vái vài câu, sau đó cắm vào lư hương.
Minh Duy nhìn mọi thứ đã sẵn sàng, nở nụ cười hạnh phúc. Từ lúc Di chuẩn bị đến giờ, anh luôn bay lơ lửng vừa quan sát vừa chờ đợi. Đến lúc này, anh ngồi xếp bằng trên nền xi măng, hào hứng nói.
“Được ăn rồi, cảm ơn nhóc Di nhá.” Rồi Duy bắt đầu “động chạm” vào hộp xiên bẩn năm mươi nghìn của Di mua.
Phương Di ngồi đối diện nhìn anh, bỗng cảm thấy xót xa. Thương cho Minh Duy dù bây giờ đã là một linh hồn chẳng ai nhớ đến, chẳng ai hay biết vẫn cố gắng thực hiện lời hứa đã trôi qua bao năm. Thương cho bà lão nọ dù chẳng biết lời hứa năm xưa là thật hay đùa và người hứa với bà bây giờ còn chẳng biết ở đâu, đã lớn như thế nào, nhưng bà vẫn chờ đợi, từ lúc mạnh khoẻ đến lúc già yếu, bà vẫn luôn đợi đứa trẻ ấy đến.
Nghĩ thế, hốc mắt nó trở nên cay xè, những giọt nước mắt đang chực chờ để thi nhau rơi xuống. Di ngửa mặt lên trời, mượn cớ ngắm sao để ngăn nước mắt chảy xuống hai gò má. Đêm 15 m lịch, bầu trời trong không có mây, chỉ có trăng tròn và đầy những vì sao lấp lánh.
Sau này, khi sống trong thành phố lớn, Di lại nhớ về đêm trăng tròn tại trường năm đó. Nó luôn tự hỏi vì sao khi ngắm bầu trời đêm ở thành phố, nó lại không có cảm xúc bồi hồi, xao xuyến như ở quê hương. Là vì bầu trời đêm ở vùng quê nghèo rộng lớn hơn bầu trời đêm ở thành phố hoa lệ? Hay là vì khi đó Di còn trẻ, việc bỏ vài giây ngắm nhìn khoảng trời bao la kia vô cùng đơn giản, còn khi lớn lên, đối mặt với cuộc sống quá đỗi vất vả của người trưởng thành, đến thời gian ngước nhìn lên vùng trời kia cũng trở nên xa xỉ? Tất nhiên đó là trong tương lai, còn bây giờ Di chỉ mới là một đứa học trò chưa đủ 17 tuổi đang đối mặt với một hồn ma theo đúng nghĩa đen.
“Ê nhóc, Di ơi Di à.” Tiếng gọi của Minh Duy như đánh thức Di. Nó lau vội đôi mắt đã ngập nước, đáp lời Duy.
“Gì vậy anh?”
Duy hơi ngạc nhiên nhìn nó, tạm dừng việc “xử lí” đống đồ ăn. Anh chống nạnh, nửa đùa nửa thật.
“Mày khóc cái gì? Anh đây là đương sự còn chưa khóc mà mày khóc rồi.”
Di trừng mắt nhìn Duy, đưa tay lên lau sạch hết dấu vết của nước mắt.
“Anh không buồn à?”
“Sao?”
“Ý em là… Anh không buồn khi chưa kịp thực hiện lời hứa với bà à?”
“Buồn chứ, nhưng mà đâu thể thay đổi được gì nữa. Anh chết rồi, Di à. Ma không có cảm xúc.”
Di im lặng, giương mắt nhìn cặp mắt lấp ló sau tóc mái dài thườn thượt của Minh Duy. Duy cười tự giễu, bắt đầu kể.
“Hồi anh học cấp 2, kinh tế gia đình eo hẹp, việc ăn vặt là vô cùng khó. Một phần khác còn do mẹ anh nghiêm lắm, ngoài học ra thì không cho anh làm gì hết, đi chơi cũng không, suốt ngày chỉ cắm đầu cắm cổ học. Ngày hôm đó bà đẩy xe ngang qua nhà anh, nhìn đám nhóc hàng xóm mua đồ ăn mà anh lại ghen tị vô cùng. Thế là qua lớp cửa sắt như nhà tù đó, lời hứa của anh và bà bán hàng được hình thành. Chỉ đơn giản thế thôi, không ngờ cả bà lẫn anh đều ghi nhớ trong lòng.”
Phương Di im lặng lắng nghe, đôi lúc còn gật gù phụ hoạ. Có lẽ đây sẽ là đêm mà Di nhớ nhất trong đời, dưới bầu trời đầy sao, nó ngồi nghe một hồn ma tâm sự chuyện đời.
“Ê mà nhóc không tính về hả Di? Cũng gần 10 giờ đêm rồi đó.” Minh Duy ngước nhìn cái đồng hồ bé tẹo được gắn trên cổng sau. Nhiều lúc anh cũng chẳng hiểu nổi lý do mấy cô giữ xe lại treo cái đồng hồ lên đó làm gì. Mà nếu đã treo thì tại sao không treo cái nào to to một tí, bé tí teo thế này đến thị lực tốt như anh còn thấy khó nhìn, huống hồ chi mấy cô giữ xe đã U50.
“Dạ? Sao anh? Giờ này ba mẹ em cũng chưa về nên anh khỏi lo.” Di ngẩn ngơ trong giây lát, song bĩu môi đáp.
“… Là nhóc không sợ các cụ ở đây à?” Duy nheo mắt nhìn nó, nghi ngờ hỏi.
“Hả? Sao nữa?” Di nhìn Duy đầy khó hiểu, trong lòng dấy lên một cơn ớn lạnh bất thường.
“Thì mấy cụ trong trường này… Mấy cụ trăm tuổi cũng có, chục tuổi cũng có. Cứ sau 10 giờ tối là mấy cụ dậy để rủ anh chơi cờ tướng đó.” Duy đứng dậy, chỉ tay về hướng dãy phòng chức năng. Di nhớ ở dãy phòng đó có rất nhiều bàn đá in hình bàn cờ tướng. Nhưng mà… Các cụ trong lời Duy nói là ai? Chắc chắn không phải là bảo vệ hay người trong trường. Chẳng lẽ là…
“Anh… Anh Duy… Anh đừng có nói là…” Di run run hỏi.
“Gì? Trời ơi gái ơi, anh nói cho nhóc nghe. Trường nào mà chẳng có ma, chỉ hơn thua nhau ở chỗ nhiều hay ít hơn thôi.”
“…” Câu nói của Minh Duy như nhát búa gõ vào đầu Phương Di. Đúng là trước đây lời đồn về việc trường THPT N có ma cũng không hề ít, nhưng chưa hề có ai khẳng định chuyện này. Vậy mà hôm nay, Võ Phương Di được nghe lời khẳng định đó, thậm chí kẻ xác nhận cho nó còn không phải là con người.
Di cứng đờ người, nó nhìn dãy phòng chức năng sau đó lại quay sang nhìn Minh Duy. Đón chào nó là gương mặt trắng toát lạnh tanh của Đỗ Minh Duy. Trước tình cảnh thế này, Di hít vào một hơi, nở một nụ cười tự tin.
“Anh Duy.” Nó gọi Duy, trên môi vẫn treo nụ cười đầy công nghiệp.
“Gì nhóc?”
“Tạm biệt.” Nói rồi Di ôm balo lên và chạy. Nó không thương tiếc nhét chiếc balo màu đen qua khe cửa, móc khóa len hình con gấu treo ở ngăn trước cũng vì thế mà ma sát với nền xi măng, từ sạch sẽ, xinh xắn thành dơ dáy, xấu hoắc.
Khác xa với lần trèo rào vào trong đầy khẩn trương cẩn thận cách đây chưa đến nửa tiếng của Di. Lần này nó mặc kệ hình tượng hiền thục, dùng hết sức bình sinh để trèo ra. Trong đầu Võ Phương Di bây giờ chỉ có một ý nghĩ đó là làm thế nào để về nhà nhanh nhất có thể, tạm quên đi đống thủy tinh trên thành tường và tấm đệm bằng áo khoác không mấy to lớn, Di không thương tiếc đạp lên áo khoác, phóng xuống bức tường cao 2 mét.
Từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chưa lúc nào mà Di cảm thấy yêu quý chiều cao có phần hơn so với các bạn nữ cùng tuổi như lúc này. Nó an toàn đáp xuống đất, tuy xém chút là đã có một màn vồ ếch.
Di chống nạnh, tim đập nhanh vì vận động mạnh, cảm giác chiến thắng lan đến tận não. Nó nghênh mặt, nhìn Minh Duy đang cách nó một lớp cửa sắt. Minh Duy ngơ ngác nhìn nó, như không thể tin nổi sức mạnh của một kẻ bị dồn vào đường cùng có thể nhanh nhẹn đến mức độ này. Duy đi gần đến cổng, sau đó nhẹ nhàng xuyên qua song sắt.
“Vãi thiệt.” Duy há hốc mồm nhìn Di, giơ ngón tay cái khen, “Đỉnh cao. Chị gái lực điền. Đệ tử của chị Dậu.”
Di liếc nhìn Duy, không biết ý tên này là khen thật hay khen đểu. Đoạn, nó đến lấy balo và đẩy xe đạp ra, không nói không rằng leo lên xe chạy về nhà.
“Ê nhóc Di, chờ anh theo về nè. Con gái con đứa đi về tối nguy hiểm lắm! Từ từ thôi, anh mày mới ăn xong, no quá không bay nổi Di ơi.”
Nó buồn cười nhưng vẫn giả điếc, cũng không ngoái đầu lại xem Minh Duy có đuổi theo hay không. Sau ngày hôm nay, danh sách tâm nguyện của Minh Duy đã rút ngắn lại một chút rồi. Nhưng việc hôm nay chính là việc dễ nhất, tương lai sẽ còn rất nhiều thử thách cho cả Phương Di và Minh Duy.