Hàng Xóm Đào Hoa

Chương 14: Nỗi lòng của người lớn



Giọng của mẹ khào khào cùng đôi mắt sưng đỏ làm tim tôi như thắt lại. Có phải tôi đã quá ích kỷ hay không? Có phải tôi quá bận tâm đến cảm xúc của mình đến nỗi quên mất phải đối xử tốt với ba mẹ hay không? Ly hôn thì sao? Cố gắng giấu tôi thì sao? Còn không phải vì muốn cho tôi có một mái nhà hoàn mỹ như bao bạn bè đồng trang lứa hay sao? Nếu không phải vì tôi thì họ cần gì phải đóng một vở kịch trước mặt bao người chứ.

“Chúng ta vào nhà trước rồi nói.” Ba cuối cùng cũng lên tiếng.

Khi cả nhà ngồi xuống bàn, không khí bỗng chốc im lặng đến đáng sợ. Tôi có cảm giác muốn chạy trốn khỏi nơi này. Nhưng chân như bị đông cứng lại, tôi không có đủ dũng khí để ngẩng mặt nhìn ba mẹ. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình lại hèn nhát đến thế.

“Từ bốn năm trước ba mẹ đã ly hôn rồi.” Mẹ tôi cất giọng run run. Tôi chỉ nghĩ đơn giản khi cả hai không còn yêu thương nhau, trái tim và tình cảm không còn dành cho đối phương thì ly hôn chính là phương án tốt nhất để giải thoát cho cả hai. Nhưng tôi quên mất khi họ có đứa con, việc họ ly hôn sẽ ảnh hưởng đến đứa con nhiều như thế nào. Tôi im lặng không bình luận bất cứ điều gì, để cho mẹ tiếp tục: – Mẹ vốn muốn nói với con từ sớm, nhưng vì con còn nhỏ, nên ba và mẹ thống nhất đợi đến khi con vào Đại học, đủ chín chắn sẽ nói cho con biết. Nhưng mà không ngờ..

“Nếu như con đã biết rồi thì mong con thấu hiểu cho ba mẹ, bởi vì ly hôn là phương án cuối cùng. Sau này ba mẹ sẽ không ở chung nữa, con muốn chọn ở với ai cũng được.”

Nước mắt đã kìm nén rất lâu của tôi dâng lên rồi trào xuống, loang ướt mặt bàn. Từng dòng nước mắt chảy dài, trước mắt tôi nhòe đi một mảng. Nội tâm rối bời làm tôi cũng không biết mình khóc vì điều gì, khóc vì ai nữa. Chọn ở với ai? Tôi luôn coi ba mẹ là một, bảo tôi chọn tôi biết chọn thế nào? Một trong hai tôi cũng không muốn phải chia xa với ai cả.

“Ba mẹ không thể nào không ly hôn sao?” Tôi nghẹn ngào hỏi một câu, một câu hỏi ngây thơ đến độ đau lòng.

“Nhiên, mong con thông cảm cho ba mẹ. Nỗi lòng của ba mẹ con không thể hiểu được cũng không sao, ba mẹ vẫn yêu thương con.”

“Nhưng con không muốn gia đình chúng ta như vậy. Chẳng phải ngày xưa ba rất yêu mẹ sao? Chẳng phải gia đình chúng ta rất hòa thuận sao?”

“Nhiên, sau này con sẽ hiểu thôi. Ly hôn là điều ba và mẹ đau buồn nhất nhưng đó cũng là cách giải thoát cho cả hai. Xin lỗi vì không thể tiếp tục cho con một gia đình hoàn mỹ được nữa. Sau này ba sẽ ra ngoài ở riêng, con hãy ở với mẹ, thỉnh thoảng đến thăm ba.”

Tôi hoàn toàn lặng thinh, không thể nói được điều gì nữa. Trong lòng không đau đớn, không khóc nữa, bình lặng đến lạ thường. Tôi liếc mắt nhìn ra song cửa thấy bóng dáng June đang thập thò nơi đó. Ánh mắt chúng tôi vô tình chạm nhau, ngay lập tức hắn chột dạ quay người bỏ đi. Tôi nhìn thấy trong ánh mắt hắn là sự ngỡ ngàng.

Đúng vậy, làm sao không ngỡ ngàng khi suốt bao năm nay ba mẹ tôi luôn tương thân tương ái như vậy. Mỗi lần hắn đến, ba tôi nhấp ngụm trà, ngẩng đầu khỏi tờ báo Thanh niên, cười hiền như bụt:

“Khánh đến hả con? Nhiên đang trên lầu học bài, con lên đi.” Sau đó thì quay sang gọi lớn: “Nhiên ơi, Khánh đến nhà chơi này!”

Còn mẹ tôi cũng thế. Bà luôn là một người phụ nữ hiền thục, chăm lo quán xuyến từng cái ăn giấc ngủ cho cả gia đình. Những đêm tôi thức học đến mờ cả mắt, mẹ tôi cũng chẳng thể có giấc ngủ ngon, khi thì làm cho tôi ly sữa, tô mì để có sức học tập. Gia đình của tôi đúng kiểu “gia đình trong mơ” vậy, có ngờ đâu tất cả lại che giấu một bí mật động trời như vậy.

Nhưng rồi sau này, khi đã đủ trưởng thành, tôi chợt hiểu ra rằng một đời thật sự dài lắm. Người ta có thể cuồng quay trong tình yêu, nhưng rồi lửa tình nào cũng phải hạ nhiệt, hôn nhân không phải là kết thúc mà là một mở đầu. Nó mở đầu một cuộc sống hiện thực phũ phàng hơn bao giờ hết.

Tôi oán trách gia đình mình, rằng họ đã quá ích kỷ. Họ lại giấu tôi trong ngần ấy năm qua, để tôi mơ một mái ấm như thế. Sau đó toàn bộ những êm đềm đó lại như tòa thành cát trắng sụp đổ dưới ngọn sóng của biển khơi. Tôi thất vọng, bên ngoài vẫn là một đứa trẻ nghe lời, nhưng cõi lòng lại chán ghét hết thảy. Nhưng, đối với cha mẹ của tôi, sự đồng ý này như một lời giải thoát cho bọn họ. Không còn tình còn nghĩa, ở cạnh nhau chỉ là đau đớn cho tất cả.

Ngay trong ngày hôm ấy, tôi theo mẹ về nhà. Bầu trời trên đầu vẫn xanh trong vắt, tôi không nhìn thấy một gợn mây nào, nó thăm thẳm và rất đỗi bình yên nhưng lòng tôi lại dậy sóng, hoang mang. Tôi khẽ liếc mắt nhìn xuống hàng ghế sau, June ngồi cùng ba của tôi. Hắn ta cũng bất động, nhìn tôi không chớp mắt. Thái độ hắn cũng rất kỳ lạ, bình thường thì mồm mép tép nhảy, tôi nói ra câu nào là hắn đốp lại câu đó liền. Thế mà bây giờ lại lặng lẽ như thiếu nữ vậy, còn nhìn tôi bằng ánh mắt nhiều ý tứ đó nữa chứ. Đúng là không hiểu nổi!

Chuyện ba mẹ tôi ly hôn đã truyền đi khắp ngõ. Ba tôi thu dọn đồ đạc, ông lặng lẽ rời đi. Tôi thấy mẹ đứng nhìn. Bà không khóc, không lưu luyến hay nói câu nào, chỉ thấy tâm tư lan tràn trong ánh mắt đã sớm không còn trong trẻo nữa. Tôi tựa vào ban công, nhìn bầu trời đẹp đẽ như ai đó đã nhuộm xanh chúng, thấy lòng mình tựa hồ rơi xuống mười tám tầng địa ngục. Tôi, mười tám tuổi, đã hiểu cái gì là “lực bất tòng tâm”.

Căn nhà vắng lặng hẳn đi. Còn tôi cả ngày không nói không cười. Suốt ngày giam mình trên gác, cứ buồn hiu hắt. Tôi cứ ngồi ngây ra nhìn khung cảnh ngoài ban công, không biết nên làm gì, cứ vậy mà hết một ngày. Tôi không khóc, cũng không la quấy, không than vãn, không kể lể bất cứ điều gì. Đôi lúc tôi cũng tự hỏi tại sao mình lại có thể bình tĩnh đến như vậy.

Ngày tháng cứ thế trôi qua như cát lùa qua kẽ tay, và rồi cũng đến ngày mà chúng tôi mong chờ nhất: Biết kết quả thi.

Mặc dù đã tự nhủ với lòng là mình đã cố gắng hết sức, không có gì phải hối tiếc cả. Thế nhưng tay vẫn cứ run run, phải lấy hết can đảm lắm mới dám nhấp chuột vào mục xem điểm. Chỉ trong một giây thôi mà đầu óc tôi bắt đầu vạch ra lộ trình cho.. mười năm nữa nếu như thi trượt lần này. Đúng là trong khoảnh khắc sinh tử con người bất chợt trở nên phi phàm mà.

Mạng chạy rì rì làm tim tôi muốn rớt cả ra ngoài vì hồi hộp. Mà tôi càng hồi hộp bao nhiêu thì có cảm giác mạng càng chạy chậm bấy nhiêu. Tôi đã ngồi đây bốn tiếng, chỉ chờ đúng thời cơ thì “enter” một cái là công tình mười hai năm trời dùi mài học tập sẽ hiện ra trước mắt tôi. Tim tôi như đang lủng lẳng trước một cái thòng lọng, mỗi phút chờ đợi chính là mỗi phút bị lăng trì. Tôi cứ thế đợi chừng gần năm phút sau thì hiện ra kết quả:

“Tên thí sinh: Nguyễn Lý Tường Như

Số báo danh: 24971968.

Văn: 8.5

Toán: 8.0

Anh: 9.0

Lý: 7.25

Tổng điểm: 25.5″

Cả người tôi đứng hình. Số điểm này thực sự là con số thiên văn đối với tôi rồi! Tôi chỉ sợ mình thi có mười tám điểm thôi.

“Nhiên, sao rồi con? Có điểm à?”

Mẹ tôi bước lên gác, từ tốn hỏi. Trong lòng tôi bỗng có cảm giác là lạ, đáng lẽ ra mẹ tôi phải lo lắng, vồ vập lắm cơ? Cố gắng cả năm trời rồi chỉ có đợi ngày này thôi, sao mẹ có thể bình tĩnh như vậy? Nhưng tôi gạt phăng mấy câu hỏi tự vấn ngu ngốc đó đi, nhảy cẫng lên như quýt được mùa, hớn ha hớn hở chỉ vào màn hình mà khoe:

“Có điểm rồi mẹ. 25, 5 điểm. Con định là nộp đơn vào trường..”

“Nhiên, mẹ và con sẽ đến Mỹ..”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.