Hai Ông Chồng Cũ Một Vở Diễn

Chương 20: Tô châu mỹ? Mỹ kiều nương?



Ai cũng nói Tô Châu xinh đẹp duyên dáng, với những khu vườn đẹp nhất nước, mỹ nhân nơi nơi, không những khuôn mặt tựa phù dung, dáng vẻ thanh tú, môi son khẽ mở cất lên giọng Ngô uyển chuyển mềm mại như sóng nước, khiến lòng người phơi phới như lạc vào cõi mộng. Thái hậu chính là mỹ nhân Tô Châu điển hình, nghe nói năm đó không những xinh đẹp, mà còn hát Bình đàn [1] rất hay, tiên đế mặc dù không hiểu tiếng Tô Châu, nhưng lại thích nghe giọng Ngô mềm mại, cùng với tiếng đàn chầm chậm tiếng trống nhịp nhàng, vì vậy, Thái hậu chỉ dựa vào một khúc Bình đàn Tô Châu câu hồn nhiếp phách, trổ hết tài năng, để rồi sau đó trở thành độc nhất, nổi bật nhất giữa muôn vàn đóa hoa chỉ biết cầm kỳ thi hoa trong chốn hậu cung.

Đến nay Tiên đế qua đời đã nhiều năm Thái hậu lão nhân gia không còn hát Bình đàn nữa, vì thế vô cùng nhàn rỗi, tuy ở trong thâm cung, nhưng không bao giờ quên cố hương Tô Châu, lúc rỗi rãi thường nghĩ đến việc chỉ hôn điểm uyên ương phổ nào đó cho đám tiểu bối chưa vợ chưa chồng nơi quê nhà để giết thời gian. Tri phủ Tô Châu đương nhiệm chính là con trai của biểu ca Thái hậu, trong khuê phòng có một đứa con gái út nghe nói xinh đẹp tuyệt trần, năm ngoái vừa cập kê, tên là Tần Mậu Trinh, không biết ai đã nhắc đến cô nương này với Thái hậu, Thái hậu nghe xong lập tức hào hứng vô cùng, nói rất thản nhiên: “Mậu Trinh? Ai gia nhớ Tổng đốc Lưỡng Giang đương nhiệm Bùi đại nhân trong tên húy cũng có một chữ “Trinh”, hai người cùng tên trùng âm, âu cũng là duyên phận.” [2]

Cho nên, bà tràn trề hưng phấn ban một đạo thánh chỉ tứ hôn, ghép “Bùi Diễn Trinh” và “Tần Mậu Trinh” thành đôi câu đối, chỉ còn đợi sau khi cưới hai người lại sinh một đứa bé bụ bẫm là khắc lên bức hoành phi, coi như công đức viên mãn, mọi người đều vui vẻ rồi.

Lần đầu ta nghe đến chuyện này là lúc đang ngồi bên bàn cơm ăn cá trích, nghe tiểu di nương lanh mồm lanh miệng nói nhanh như gõ nhịp gõ phách, một thôi một hồi tới nơi tới trốn, khiến ta nhất thời không kịp trở tay, bị xương cá trích đâm vào cổ họng, mắc giữa cổ rất đau, mấy phương thuốc cổ truyền như nuốt cơm uống dấm đều không hữu hiệu, ngược lại còn đau hơn đến mức ta ho khan liên tục, ho thôi thì chẳng sao, đằng này dấm chua lão Trần vừa mới rót vào được một chút lại bị sặc vào mũi, hại ta suýt nữa nước mắt nước mũi phun cả ra ngoài.

Sau đó đại di nương mời một lang trung giàu kinh nghiệm tới, vượt qua bao trắc trở mới lấy cái xương cá ra được, nhưng cổ họng ta có lẽ bị cái xương cá rắn chắc này cào rách chút ít, sưng tấy, tuy đã uống chút thuốc nhưng vẫn đau rát như thiêu như đốt, cảm thấy cái xương kia vẫn đang hoành hành bên trong, như mắc nghẹn ở cổ họng, vừa mở miệng nói thì lập tức đâm sâu, nên mấy ngày nay có thể không mở miệng thì cố gắng ngậm miệng, không thể nói chuyện mà chỉ có thể nhìn và nghe, cũng kiếm được chút yên tĩnh.

Gần đây Tống Tịch Viễn ngày nào cũng tới, nhưng không tặng quà cho Tiêu Tiêu, mà đổi thành tặng ta, nào là đại đao Tần triều, kiếm Tam quốc, phi tiêu Ngụy Tấn, kích Đường triều, làm ta cho rằng hắn không buôn bán nữa mà đổi nghề đào trộm mộ, nhưng những binh khí hắn tặng ta toàn là đồ cổ có giá trị, vì vậy, ta đều cẩn thận dặn dò bọn nha hoàn dùng lụa bọc kỹ càng cất trong tủ.

Hai ngày trước Tống Tịch Viễn lại tặng quà cho ta, lần này không phải những binh khí không biết nói chuyện, mà là một con vẹt biết nói, còn nói nhiều hơn cả Tống Tịch Viễn, từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, ngoại trừ lúc ăn uống, còn lại thì nói không ngừng nghỉ, cũng không quan tâm có người nghe hay không, tự tìm thú vui cho mình. Khả năng học hỏi có thể nói là đệ nhất, chỉ hai ngày đã bắt chước tiếng Lục Oanh giống như đúc, bản lĩnh bắt chước tiếng mèo kêu cũng chẳng kém cạnh, hễ thấy con chuột lang của bánh trôi, liền nghiêng đầu không ngừng kêu “meo meo” đầy thâm tình, dọa con chuột vô phúc kia không chịu nổi nữa cuộn tròn lại chẳng dám động đậy.

Bây giờ ta không tiện nói, thỉnh thoảng nghe nó lúc thì nói lúc thì hát cũng thấy khá thú vị. Hôm nay gánh hát trong nhà diễn một vở kịch mới, đang diễn thử ở hậu viện, người trong nhà không phải không rảnh thì cũng là không có hứng thú, chỉ có một mình ta ngồi xem bên dưới, vui vẻ mang theo con vẹt kia, đặt bên cạnh mình cho thêm phần náo nhiệt.

Hôm nay con vẹt này cũng không ồn ào, chỉ vẫy cánh đảo mắt nhìn kép võ đào võ diễn trên đài đầy hưng phấn. Ta xem được một lát, cảm thấy trong miệng khó chịu, liền đưa tay cầm chén trà bên cạnh lên uống để nhuận họng, không ngờ, một tấm thiệp đỏ chói rơi ra từ trong tay áo. Nhặt lên nhìn, thì ra là thiệp cưới Bùi phủ đưa tới trước đó vài ngày, Thẩm gia dưới lời vàng ngọc của hoàng thượng nay thành thân thích của Bùi đại nhân, cho nên thiệp cưới này người trên kẻ dưới Thẩm gia đều có một tấm, đương nhiên ta cũng có một cái. Trên mặt hàng chữ ghi ngày lành tháng tốt để thành thần được viết ngay ngắn, chính là mồng sáu tháng sau.

Ta cầm thiệp cưới kia, kinh ngạc nhìn nó một lát, bỗng cảm thấy phu nhân phủ nha Qua Châu đúng là một bán tiên, trước đây phu nhân đã từng nói với ta Bùi Diễn Trinh muốn cưới này cưới nọ, không có tin nào chính xác mà chỉ là mấy tin đồn tầm bậy tầm bạ, không ngờ lần này lại chuẩn xác. Chẳng qua, ta có chút buồn phiền, trước kia Cửu công chúa con gái ruột của Thái hậu cố chấp với Bùi Diễn Trinh mọi người ai cũng biết, Thái hậu không chỉ hôn đã đành, trái lại lúc này lại chỉ hôn cháu ngoại với Bùi Diễn Trinh, đây là lý lẽ gì?

Chẳng lẽ… Hay là… Giờ ta mới hiểu kết hôn không những phải hợp bát tự, phải môn đăng hộ đối, mà còn cần kiểm tra gia phả, nhưng quan trọng nhất là tên hai người cần phải hợp thành câu đối tinh tế, còn phải giai ngẫu sánh đôi nhân duyên trời ban.

Đang nhìn thiệp chợt một bóng áo xanh ánh vào khóe mắt, có người vén áo bào rồi ngồi bên cạnh ta. Không phải ai khác, chính là chú rể nóng hôi hổi chuẩn bị ra lò Bùi Diễn Trinh. Từ ngày nhận chỉ đến nay tiểu nương cữu không còn ghé qua nữa, chắc là bị ái thê từ trên trời bay xuống liệng trúng, vui mừng đến xây xẩm mặt mày, gióng trống khua chiêng chuẩn bị hôn sự, không biết hôm nay vì sao lại rảnh rỗi đến Thẩm gia thị sát dân tình? Ta nghĩ lại, đúng rồi, nhà ta không như những nhà khác, người bình thường sau khi đưa thiệp mời cho Thẩm gia thì chủ nhân lại tự mình tới cửa mời cha ta lần nữa, để biểu hiện kính trọng với cha ta. Hôm nay Bùi Diễn Trinh nhất định là tự mình tới cửa mời cha ta.

Nghĩ đến đây, ta khom người chào hỏi y, rồi dùng ngón tay chỉ vào cổ họng mình xua tay ý là mình không tiện nói chuyện, rồi cầm thiếp cưới kia trịnh trọng bỏ vào tay áo quay đầu tiếp tục xem kịch.

Bùi Diễn Trinh cũng không nói lời nào, chỉ lẳng lặng ngồi bên xem kịch, giống như cũng bị xương cá cào rách cổ họng. Hai người một chim, ba kẻ câm xem hết vở kịch từ đầu tới cuối, đến khi khúc hết người đi, gánh hát trên đài thu dọn trang phục và đạo cụ lục tục đi xuống, ta quay đầu lại, bỗng thấy đôi mắt trong veo như nước hồ của Bùi Diễn Trinh đang nhìn ta chăm chăm, không hề chớp mắt, dường như vốn chẳng nhìn lên đài lần nào.

Ta ngẩn ra, bỗng bên tai vang lên tiếng con vẹt gân cổ ê ê a a những câu hát đứt quãng chân thành tha thiết: “Dưới chân núi Hổ Khâu gặp thuyền quyên… Giai nhân khấn Phật ta cầu trời, mong cho duyên này dù xa nghìn dặm vẫn quấn lấy nhau… Một tấm si tình cảm động lòng nàng, mơ đêm trung thu kết tơ duyên. Vầng trăng sáng đa tình tiễn ta về Tam Ngô. Trời không tàn đất không tận… Khúc nhạc xưa phổ lời mới, mong sao tình lữ trên khắp thế gian này mãi thành đôi.”

Lời ca êm dịu này, chính là khúc “Tiếu trung duyên” của Bình đàn Tô Châu đây mà. Tiểu nương cữu sắp thành thân, kẻ làm vãn bối như ta đây khi nhận được thiệp cưới, tặng quà là trách nhiệm phải làm, mà tiểu cữu mẫu tương lai lại là người Tô Châu, theo tình hình này bảo gánh hát trong nhà tuyển vài người biết hát Bình đàn để diễn đoạn “Tiếu trung duyên” trong vở Đường Bá Hổ và Điểm Thu Hương, làm quà cưới tặng cho tiểu nương cữu. Không ngờ con vẹt này đã từng nghe qua khúc hát, ngay cả tiếng Tô Châu phức tạp cũng học được đâu ra đấy.

Nhưng nó hát xong khúc hát đó vẫn chưa thỏa mãn, cuối cùng kêu to: “Chúc Bùi đại nhân Bùi phu nhân như chim liền cành, vĩnh kết đồng tâm, bách niên giai lão.” Ngay cả đoạn chúc mừng cuối cùng của Tô nương hát Bình đàn cũng học được.

Sắc mặt Bùi Diễn Trinh trắng bệch, thoáng cái âm u tựa như bị mây mờ che phủ, đứng dậy nhìn ta, nói giọng lạnh nhạt: “Đây cũng là những lời thật lòng của nàng ư?”

Ta không đáp lại y, chỉ nhìn con vẹt kia đi tới đi lui trên cái giá rung đùi đắc ý nhìn ta, thật thú vị, bèn vịn vào bàn cười “phì” thành tiếng, đã cười rồi thì không thể ngừng lại, không nén được mà cười ngặt nghẽo hai bả vài không ngừng run rẩy, cười đến khi cổ họng lại bắt đầu đau, đau đến mức mắt ta rơm rớm nước, không cẩn thận sẽ lập tức tràn ra khóe mắt, ta cố gắng chớp chớp mắt, mới ngăn không cho nước mắt trào ra.

“Diệu Nhi….” Bùi Diễn Trinh đưa tay đỡ ta, bị ta rút tay áo về tránh đi, phất tay áo nói với y bằng giọng khàn khàn: “Tiểu nương cữu đi thong thả, không tiễn.”

Cánh tay dài của Bùi Diễn Trinh bỗng chụp tới, nắm chặt lấy tay ta, ta đang định nổi giận, thì thấy trong lòng bàn tay bị nhét vào một vật gì đó, Bùi Diễn Trinh chợt buông tay ra, nói nhẹ nhàng: “Diệu Nhi, đây là chút thảo dược tiêu viêm nhuận họng, mỗi ngày uống hai lần, ba ngày nhất định khỏi.”

Ta quay lại, cảm ơn y, rồi cầm thảo dược rời đi.

Bỗng nhiên nghe thấy con vẹt ở sau lưng hắng giọng kêu một câu ngày nào cũng nói đến rát cổ bỏng họng: “Diệu Diệu, chúng ta gương vỡ lại lành nhé! Họ Bùi không phải người tốt!”

~~~~~o0o~~~~~

Chú thích

[1] Bình đàn: Một hình thức văn nghệ dân gian, vừa kể chuyện, vừa hát, vừa đàn, lưu hành ở vùng Giang Tô, Chiết Giang,Trung Quốc.

[2] Bùi Diễn Trinh – 裴衍祯 còn Tần Mậu Trinh – 秦缪贞, đều đọc là zhēn


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.