Hai Đứa Trẻ Vô Tư

Chương 53: Móng giò kho



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Trung tuần tháng tư có rất nhiều sự kiện, nhưng đối với Doãn Thiên Dương mà nói thì chuyện quan trọng nhất chính là đợt kiểm tra mùa xuân. Trong lần kiểm tra cuối học kỳ trước Tần Triển có nói qua, hai đợt kiểm tra mùa xuân và mùa thu rất quan trọng, bởi vì thành tích sẽ được đưa vào thang điểm đánh giá của Học viện Thể thao.

“Tại sao đợt kiểm tra mùa xuân năm nay lại tổ chức ở sân vận động? Là vì ngay sau đó sẽ tới giải đấu cho nên muốn mọi người vào sân làm quen trước, tìm cảm giác.” Trên xe của trường Tần Triển đang phát BIB số, phát xong thì điểm danh, “Tuy thành tích của đợt kiểm tra mùa xuân rất quan trọng nhưng cũng phải biết kiềm chế, bởi nếu bị đau chân hoặc là căng cơ thì không phải sẽ gây luống cuống cho giải đấu kế tiếp hay sao.”

Doãn Thiên Dương nhấc chân phủi phủi giày chạy của cậu sau đó liếc mắt nhìn ra ngoài cửa xe, lại trông thấy một chiếc xe buýt đưa đón khác của trường, bèn hỏi: “Còn có đội nào kiểm tra hôm nay à?”

Đồng đội trả lời: “Đội bơi lội kiểm tra tại trường, trên xe đó là đội bóng đá, bọn họ đến để giúp đỡ nếu không chỉ một mình huấn luyện viên thì không đủ.”

Doãn Thiên Dương lại hỏi: “Tình nguyện viên à?”

“Coi như thế đi, điểm danh rồi kiểm tra vận động viên gì đấy, còn cả bấm đồng hồ, nhìn chung là căn cứ tình hình thực tế rồi sắp xếp.” Tần Triển nói xong thì trở lại chỗ ngồi, đột nhiên hoảng hốt, “Mấy thằng ranh đội bóng đá từng có khúc mắc với Thiên Dương! Cái đám hề này sẽ không gây chuyện gì đấy chứ!”

Mọi người vừa nghe thấy thế thì đều bùng nổ, trong năm giây từ suy đoán đã chuyển sang mắng chửi hội đồng, Doãn Thiên Dương yên lặng nhìn ra ngoài cửa xe, đoạn nói: “Tôi còn chưa lo mà các ông lo cái gì chứ, không có chuyện gì đâu.”

Tần Triển ngạc nhiên nói: “Thật ra trong lòng ông rất căng thẳng đúng không, ông cứ thể hiện ra đi không sao đâu, hoặc không thì tôi ôm ông một cái nhớ.”

Doãn Thiên Dương đẩy Tần Triển đang sáp lại gần ra, rồi nói: “Nếu tôi chạy được hạng nhất thì làm sao người khác giở trò được? Chẳng cần đến lượt tôi thì hạng hai với hạng ba đã cuống lên trước rồi. Vậy nên người bị giày vò đều là những người làm không đủ tốt, còn nếu đã tốt rồi thì chẳng ai dám làm gì nữa.”

Cậu vừa dứt lời thì cửa của sân vận động đã xuất hiện trong tầm mắt, cậu hít sâu một hơi: “Tôi mặc kệ tất cả, chỉ muốn dốc hết cmn sức thôi!”

Ngày thường Doãn Thiên Dương luôn ầm ầm ĩ ĩ nên khi những lời này được nói ra đều khiến mọi người phải kinh ngạc, đồng thời cũng rơi vào trầm tư, suy đi nghĩ lại thì cảm thấy rất có lý. Đội điền kinh với những đôi giày chạy màu sắc rực rỡ xếp hàng tiến vào sân vận động, không thèm liếc mắt nhìn đội bóng đá dù chỉ một cái, sau khi vào sân thì giúp nhau đeo BIB số rồi tản ra làm nóng người.

Đội bóng đá rất bất ngờ, lòng thầm nhủ sao hôm nay đám người này lại lạnh lùng như vậy.

Nhân lúc buổi sáng trời chưa nắng gắt, bài kiểm tra bắt đầu sớm hơn nửa tiếng, ở vòng đấu loại lúc trước Doãn Thiên Dương chỉ tham gia chạy cự li dài nhưng loại kiểm tra này thì khác, nó dùng để khảo sát trình độ của vận động viên về mọi mặt nên hạng mục nào cũng phải tham gia.

Sau khi kiểm tra hạng mục đầu tiên là chạy cự li ngắn thì nghỉ giải lao, huấn luyện viên bước tới hỏi: “Hôm nay chạy cự li dài có thể đoạt được hạng nhất không?”

Vào lần kiểm tra trong đợt tập huấn kia Doãn Thiên Dương đứng thứ hai ở nội dung chạy cự li dài, cậu bật người tại chỗ hai cái rồi nói: “Không biết ạ, thi xong những phần trước sẽ rất mệt, mục tiêu của em là giữ vững thành tích hạng hai là được rồi ạ.”

“Có triển vọng chút đi, không cần tiến bộ à?” Huấn luyện viên ném còi vào người cậu, “Những nội dung phía trước cứ tiết kiệm sức, cuối cùng dồn toàn lực vào màn chạy cự li dài, nhớ chưa?”

Doãn Thiên Dương vừa như hiểu mà vừa như không hiểu: “Nhưng chẳng phải thành tích của lần này rất quan trọng ạ, không nên cố hết sức ở tất cả các hạng mục sao ạ?”

Huấn luyện viên nói: “Nếu em tập trung vào chạy cự li dài thì chắc chắn thành tích sẽ không kém, đợi đến giải đấu lại lấy được huy chương thì thành tích lúc thường và thành tích thi đấu sẽ ăn khớp với nhau. Học viện Thể thao nhìn vào sẽ thấy thành tích chạy cự li dài của đứa trẻ này rất vững, còn nếu có sự chênh lệch thì sẽ khiến người ta phải cân nhắc.”

Doãn Thiên Dương như được mở mang đầu óc: “Đệt! Thì ra là có ý nghĩa như vậy! Cảm ơn huấn luyện viên ạ!”

Nhận được sự chỉ dạy đặc biệt kịp thời, Doãn Thiên Dương như được thần linh trợ giúp, vội vàng sắp xếp lại kế hoạch các hạng mục còn lại, khi một lần nữa bước vào sân thì trạng thái cũng thay đổi hẳn. Nửa buổi sáng trôi qua thì bài kiểm tra cũng kết thúc, thành tích của cậu ở những nội dung khác thì đều như nhau nhưng thành tích chạy cự li dài thì vọt lên lọt vào nhóm đứng đầu.

Ra khỏi cửa sân vận động mọi người tản ra khắp nơi, Doãn Thiên Dương lặng lẽ nói với Tần Triển: “Huấn luyện viên chỉ dạy đặc biệt cho tôi, tôi cứ thấy hơi có lỗi với mọi người.”

Tần Triển buồn cười nói: “Đặc biệt cái quần ấy, đấy là vì ông không biết nên huấn luyện viên mới nói cho ông một tiếng. Cái này bọn tôi gọi là sách lược thi đấu, đi học trên lớp được nghe giảng.”

Thấy Doãn Thiên Dương ngây người, Tần Triển lại nói tiếp: “Khả năng chịu đựng của ông cũng trâu bò thật, không nói đến những chuyện khác, mỗi học kỳ có bao nhiêu học sinh ngoài trường vào đây huấn luyện chứ, quay qua quay lại cũng chỉ còn ông là tiếp tục kiên trì.”

Doãn Thiên Dương được khen ngợi còn cảm thấy ngại ngùng: “Là vì đi huấn luyện thì bớt được nửa ngày học nên dù có chạy què chân thì tôi cũng phải kiên trì.”

Đứng xếp hàng lên xe, những người khác thì về thẳng trường Thể thao, còn Doãn Thiên Dương vì buổi chiều phải lên lớp nên cậu đứng ở ven đường vẫy tay về phía cửa sổ xe, đợi sau khi xe đi xa thì một mình cậu ngồi tàu điện ngầm. Sau khi bước vào ga tàu điện ngầm thì cậu chợt đổi ý, bởi vì lúc này cũng sắp đến giờ tan học buổi sáng nên cậu định đi tìm Nhiếp Duy Sơn ăn cơm trưa, ăn xong rồi mới về.

Đang lúc giữa trưa ánh mặt trời rất gay gắt, tựa như vốn dĩ thành phố này không hề có mùa xuân, cứ mỗi lần mùa đông vừa qua đi là lại vội vã khó kiềm chế mà nóng lên. Nhiếp Duy Sơn đã chuyển sang mặc áo cộc tay, sau khi ra khỏi trung tâm đồ cổ thì đi tới quán cơm gần đó mua hai phần cơm mang đi, còn tiện tay mua thêm mấy chai nước ngọt ướp lạnh.

Bọn họ hẹn nhau ở vườn hoa đối diện Ủy ban thành phố, Doãn Thiên Dương đang nằm sấp trên bàn đá trong đình nghỉ chân, đói đến mức da bụng dán vào da lưng. Nhiếp Duy Sơn xách cơm đi tới, hỏi ngay: “Kết quả kiểm tra thế nào?”

“Mấy mục khác như nhau” Nửa câu đầu Doãn Thiên Dương trả lời uể oải, sau khi tu hết nửa chai nước ngọt thì tỉnh táo tinh thần, “Chạy cự li dài thì hạng nhất! Nếu đến giải đấu lại lấy được huy chương thì tớ có thể tuyển thẳng vào Học viện Thể thao rồi!”

Nhiếp Duy Sơn ngồi xuống bày thức ăn ra xong thì vui mừng nói: “Thế nên tớ mua nước ngọt để nâng chén chúc mừng đây, vốn định mua bia nhưng lại nghĩ buổi chiều cậu còn phải lên lớp nên thôi thì nước ngọt đi.”

Hai người bọn họ cùng tu một chai, uống xong thì không còn cảm thấy nóng nữa, Doãn Thiên Dương há miệng và cơm, nhồi đầy cả miệng, Nhiếp Duy Sơn cũng đói bụng nên cúi đầu ăn ngấu ăn nghiến. Hai người không ai nói lời nào, mãi đến tận khi ăn hết sạch sành sanh rồi ợ một tiếng thì mới dừng lại.

Dọn dẹp sạch sẽ rác thải, trên bàn đá chỉ còn mấy chai nước ngọt, Doãn Thiên Dương cọ những giọt nước bám xung quanh bề mặt chai lên mặt rồi nói: “Mục tiêu bây giờ của tớ đã khá rõ ràng rồi, tập trung vào chạy cự li dài, không ngừng tăng cường sức bền. Thành tích lần tập huấn trước của tớ là hạng hai, hôm nay đã được hạng nhất. Trong giải đấu tớ cũng tham gia nội dung này nên tớ phải dồn sức tập luyện nó.”

Đột nhiên Nhiếp Duy Sơn bật cười, Doãn Thiên Dương khó hiểu hỏi: “Cậu cười cái gì?”

“Nhớ lại chuyện trước kia.” Nhiếp Duy Sơn vừa cười vừa nói, “Từ nhỏ cậu đã có khả năng chịu đựng khác thường, những đứa trẻ khác nếu leo lên cây mà không xuống được thì đã gào khóc từ lâu, còn cậu thì cứ ngồi trên cành cây đợi hết mấy tiếng. Ngắm phong cảnh rồi học chim hót, đói bụng thì còn bảo tớ ném lên cho cậu cái bánh bao.”

Doãn Thiên Dương nghe xong cũng vui vẻ, không nhịn được mà vạch trần Nhiếp Duy Sơn: “Cậu còn không biết ngượng mà cười tớ à? Chuyện nổ bỏng ngô tớ vẫn còn nhớ đấy!”

Năm lớp hai ở đầu ngõ có một ông lão bán bỏng ngô, Bạch Mỹ Tiên sợ sâu răng nên không mua cho Doãn Thiên Dương, Nhiếp Duy Sơn nói là hắn biết làm nên hai người cầm ít tiền ra chợ mua mấy bắp ngô, về nhà tách hạt ngô ra để làm bỏng, kết quả là suýt chút nữa nổ cả bếp.

“Lúc đấy bố tớ giơ cả dao lên với tớ luôn rồi ấy!” Doãn Thiên Dương nói xong thì giơ tay đập Nhiếp Duy Sơn một cái.

Nhiếp Duy Sơn không né, đoạn nói: “Ý định ban đầu cũng là để cho cậu đỡ thèm mà.” Nói xong thì sững sờ, “Đù má, sao lúc đó không lấy tiền mua bỏng luôn nhỉ! Đần độn!”

Hai người bọn họ cười rũ rượi nằm nhoài lên cả bàn, mặt bàn lành lạnh, áp vào cực kỳ dễ chịu, Doãn Thiên Dương hỏi: “Cậu còn nhớ nghỉ hè năm lớp sáu tớ nhảy hồ không?”

“Cả đời khó quên.” Nhiếp Duy Sơn hít sâu một hơi, “Cái kiểu của cậu là chìm hồ luôn rồi.”

Năm ấy kỳ nghỉ hè nóng vô cùng, mỗi ngày các khu bể bơi trong thành phố đều đông nghịt người, Doãn Hướng Đông lái xe dẫn Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương đi dã ngoại, còn cố ý chọn một nơi có núi có sông. Lúc đó Nhiếp Duy Sơn vừa cởi giày chuẩn bị đi xuống hồ tận hưởng mát mẻ, vừa ngẩng đầu thì trông thấy Doãn Thiên Dương đã leo lên cây.

Doãn Thiên Dương cởi sạch chỉ còn mỗi chiếc quần đùi con, ngồi xổm trên cành cây tựa như một con chim rồi la lớn: “Tránh ra! Tớ muốn nhảy hồ!”

Đó là lần đầu tiên Doãn Thiên Dương nhảy cầu, cành cây chính là ván nhảy tự nhiên, cậu giữ vững thân thể rồi từ từ đứng lên, đợi sau khi giữ được thăng bằng thì chắp hai tay trước ngực rồi vươn về phía trước, bàn chân đạp mạnh hai cái, sau đó nhắm mắt nhún người nhảy một cái! Đâm vào trong nước trước ánh mắt khiếp sợ của Nhiếp Duy Sơn!

Nhiếp Duy Sơn bị nước bắn tóe lên khắp người, hắn nhìn từng vòng gợn sóng nhưng lại mãi cũng không thấy Doãn Thiên Dương nổi lên. “Dương nhi? Cậu tiện thể lặn luôn đấy à?” Hắn bước xuống nước, cúi người rồi lặn vào trong nước nhìn, thảo nào không nổi lên! Đầu Doãn Thiên Dương cắm vào lớp bùn dưới đáy hồ!

Khi Doãn Hướng Đông dựng xong lều quay lại thì vừa lúc nhìn thấy Nhiếp Duy Sơn kéo một bức tượng đất lên bờ, nhìn kỹ lại mới nhận ra đó là con trai ruột của mình. Khắp mặt Doãn Thiên Dương toàn là bùn, lỗ mũi cũng bị bít cả lại, chỉ có thể há miệng thở hổn hển, Doãn Hướng Đông vừa tức vừa sợ, lôi cậu ra bể nước rửa mặt, đoạn mắng: “Chỉ năm phút bố không nhìn mày thôi mà mày đã ngã được xuống hồ! Nếu không có Tiểu Sơn ở đây thì hôm nay mày đã chết nghẹt trong bùn rồi đấy!”

Dần dần khuôn mặt nhỏ trắng nõn của Doãn Thiên Dương cũng lộ ra, thế nhưng lại nhe răng ra cười: “Bố ơi! Trong bùn có củ sen!”

Nhiếp Duy Sơn nhớ lại những chuyện thú vị thời thơ ấu thì không kiềm được mà càng lúc càng cười ngặt nghẽo, tựa như nhìn thấy khuôn mặt nhem nhuốc dính đầy bùn đất của Doãn Thiên Dương, hắn vươn tay nhéo mặt đối phương rồi nói: “Sao cậu lại vô tư như vậy!”

“Tớ thấy là cậu muốn nói tớ kém thông minh chứ gì.” Doãn Thiên Dương sờ vết xước măng rô trên ngón trỏ, hai mắt rũ xuống nhìn rất chăm chú, “Giải đấu lần này có hai đồng đội không báo danh, họ nói là chưa chuẩn bị tốt, sợ thành tích không lý tưởng sẽ bị đả kích nên muốn chờ sang năm mới tham gia.”

Trước khi thi đấu sẽ khó tránh được căng thẳng trong lòng, Nhiếp Duy Sơn nói: “Cũng có thể hiểu được, chỉ là từ bỏ một cơ hội quan trọng như vậy thì rất đáng tiếc. Cậu thì sao, cậu nghĩ thế nào?”

“Tớ chỉ muốn chạy cho thật tốt, tớ cũng không cần biết phải chuẩn bị thế nào mới đủ nhưng cơ hội tới thì phải nắm lấy, có thể lên thì nhất định phải xông lên.” Doãn Thiên Dương cắn răng rồi giật chỗ xước măng rô đi, ngước mắt nói, “Giống như dù cắm vào trong bùn cũng vẫn vui vẻ, dù sao tớ cũng vô tư, phát huy không tốt cũng không sợ bị đả kích.”

Thật ra Nhiếp Duy Sơn không hề thấy Doãn Thiên Dương kém thông minh, thậm chí còn cảm thấy Doãn Thiên Dương thông minh hơn bất cứ ai. Vô tư với chính bản thân mình, lúc nào cũng rất lạc quan, lại cực kỳ tự tin, chưa bao giờ sợ này sợ kia, lo được lo mất. Nhưng đối với người khác lại rất thận trọng rất chân thành, dù cho có gây chuyện thế nào thì cũng chỉ khiến người khác nhớ tới những mặt vui vẻ.

“Cậu nghĩ cái gì đấy?” Doãn Thiên Dương uống cạn chai nước ngọt cuối cùng, “Nói thêm mấy câu nữa là tớ phải về trường rồi, có cần chào hỏi Kiến Cương thay cậu không đây?”

Nhiếp Duy Sơn hỏi một đằng trả lời một nẻo: “Không phải trước đây đã nói ‘May mắn mà cậu mang đến cho tớ đang ở phía sau’ sao, may mắn không phải vật chết, không phải muốn giành là có thể giành được, nó liên quan tới tâm tính của con người, tâm càng trong sạch thì may mắn càng lớn. Để tớ dự đoán, may mắn của cậu còn rất nhiều.”

Doãn Thiên Dương không hiểu lắm, cảm thấy Nhiếp Duy Sơn sắp trở nên kỳ lạ giống Đinh Hán Bạch rồi, cậu nói: “Tim còn có thể không sạch à? Thế thì làm bắc cầu(*) đi.”

(*)Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành giúp cải thiện dòng máu tới nuôi cơ tim.

Nhiếp Duy Sơn nói chắc như đinh đóng cột: “Chắc chắn trong lòng cậu sáng trưng, không có chút bụi bẩn nào.”

Doãn Thiên Dương phản ứng cực nhanh: “Hứ! Trong lòng tớ toàn là cậu!”

Đã gần đến giờ, bọn họ ra khỏi vườn hoa đi tới ngã tư rồi chia tay, Doãn Thiên Dương dặn dò: “Tớ chuẩn bị thi giữa học kỳ, cậu thì đóng đô ở trung tâm đồ cổ làm việc, kế đến cùng quên đi tất cả, đừng ai nhớ tới ai.”

Nhiếp Duy Sơn cố ý nói: “Chuyển nhà còn chưa mở tiệc chúc mừng, vốn định cuối tuần mời cậu ăn cơm đây, thôi quên đi.”

Xe buýt trờ tới, Doãn Thiên Dương vội vàng lên xe, sau khi chạy xuống ngồi ở hàng cuối cùng cậu mới ló đầu ra ngoài cửa sổ hét: “Tớ muốn ăn móng giò kho! Còn cả thịt luộc nữa! Nói với chú Nhiếp là tớ muốn uống hai chai với chú ấy đấy!”

Người cũng đã đi xa không còn bóng dáng nhưng âm thanh vẫn còn vang vọng trên con đường. Nhiếp Duy Sơn mỉm cười đi về trung tâm đồ cổ, lại chuẩn bị “nghe lời đoán ý” cả buổi trưa.

Trong trung tâm đồ cổ người đến người đi, khách mua có đeo vàng đeo bạc, cũng có mặc quần đùi áo may ô, các chủ cửa hàng cũng tương tự như vậy, nói chung dạng người gì cũng có. Bài tập tuần này Đinh Hán Bạch giao cho Nhiếp Duy Sơn là đi loanh quanh trong trung tâm đồ cổ, quan sát cách mọi người trong trung tâm đồ cổ giao tiếp, hiểu rõ trạng thái qua lại của tầng thấp nhất trong nghề này.

Vừa qua trưa nên chưa có ai, mấy ông chủ đều ngồi ngủ gà ngủ gật trong cửa hàng của mình, Nhiếp Duy Sơn tản bộ trên lối đi, đột nhiên bị một thứ đồ thu hút, hắn đi vào hỏi: “Ông chủ ơi, tôi có thể xem cái gối kia được không?”

Ông chủ liếc mắt quan sát hắn, rồi nói: “Cậu qua nhìn đi nhưng đừng đụng linh tinh.”

Đó là một chiếc gối ngọc, nhìn qua kỹ thuật chạm khắc thì có thể nhận ra là làm bằng máy, chất lượng vật liệu ở mức trung bình nhưng kiểu dáng lại đặc biệt nên Nhiếp Duy Sơn nghiên cứu rất lâu. Còn chưa xem xong thì có một cô gái ăn mặc gọn gàng bước vào, cô gái nhìn quanh một vòng, cuối cùng dừng mắt tại chiếc gối ngọc.

Ông chủ nói ngay: “Đây là chiếc gối bằng ngọc thời Bắc Tống, ở giữa được khắc một con sư tử có thể trấn áp ác mộng. Nhìn chất lượng của khối ngọc này thì ai hiểu biết cũng phải xuýt xoa, hơn nữa vàng có giá nhưng ngọc vô giá, bao nhiêu tiền vào tay cũng đều có lãi.”

Nhiếp Duy Sơn không lên tiếng, chỉ nghe cô gái kia nói: “Nhà tôi vừa hoàn thành nên muốn thêm chút đồ trang trí, cái này rất đẹp, chào giá bao nhiêu vậy?”

Ông chủ hạ giọng, đồng thời giơ bốn ngón tay ra: “Từng này, cô thấy sao?”

Nhiếp Duy Sơn không kiềm chế được mà cười khẽ một tiếng, sau đó đút tay vào túi bước ra khỏi cửa hàng. Hắn không đi xa mà chỉ loanh quanh mấy lối đi gần đó rồi vòng trở lại, chợt phát hiện cô gái kia đã biến mất, quay đầu nhìn thử thì gối ngọc vẫn còn, bèn hỏi: “Cô gái kia không thích ạ?”

“Nói là cần suy nghĩ một chút.” Ông chủ quan sát hắn một lần nữa, “Cậu định làm gì?”

Nhiếp Duy Sơn trả lời: “Không có việc gì làm nên vào dùng chùa điều hòa thôi ạ.” Ông chủ rũ mắt xuống cười, đến khi giương lên thì lóe ra ánh sáng, “Đừng giả vờ, vừa nãy lúc cậu cười là tôi biết cậu hiểu, đừng thêm rắc rối cho tôi nữa.”

“Ai gây rắc rối cho ông chứ, tôi hiểu quy tắc.” Nhiếp Duy Sơn nói với vẻ hờ hững, nghề này là như vậy, bị người lừa hay lừa được người đều dựa vào bản lĩnh, chẳng ai quan tâm đến ai. Cho nên lúc nãy khi hắn vừa nghe thấy lời chào giá bốn trăm nghìn thì rút lui ngay, đỡ phải không kiềm chế được lại làm việc xấu.

Lượng người dần dần tăng lên, lại có một ông lão bước vào, ông lão này mặc một cái áo sợi bông, trong túi áo lộ ra một chiếc kính lúp có tay cầm, sau khi bước vào thì dạo một vòng, cuối cùng cũng nhìn thấy gối ngọc, ngắm nhìn một lát thì thốt ra ba chữ: “Quá tầm thường “

Ông chủ nói: “Thứ này thật sự không tầm thường đâu, đây là gối ngọc sư tử thời Bắc Tống.”

“Bắc Tống?” Ông lão rất cứng đầu, “Thứ này của ông không phải đồ Bắc Tống, tôi không lừa ông mà ông cũng khỏi cần thử tôi.” Ông chủ gật đầu rồi khoát tay nói: “Được rồi, ông cứ xem thoải mái, vốn cũng là đồ trang trí, nếu thích thì trả ba trăm nghìn rồi cầm đi.”

Ông lão cũng khoát tay: “Đùa gì vậy, có táng gia bại sản vì một món đồ thật cũng không sao, còn thứ hàng nhái kém chất lượng, dù trả một đồng cũng khiến tôi đau lòng không ngủ yên.” Nhiếp Duy Sơn không thể kiềm chế mà bật cười, nói xen vào: “Ông chủ này, ông bớt một chút rồi bán cho tôi đi.”

Ông lão vội trừng mắt: “Này chàng trai, tôi khuyên cậu tốt nhất đừng mua, không phải muốn phá đám nhưng là nói cho cậu biết thứ này không đáng giá!”

“Cháu biết ạ.” Nhiếp Duy Sơn thấy xung quanh không có ai thì lại bước vào cửa hàng, “Nguyên mẫu của thứ này là gối sư tử bằng sứ trắng phương Nam thời Bắc Tống, loại họa tiết hình thú có thể xua đuổi tà ma, còn lưu lại một số nét riêng mang phong cách Tây Vực. Thứ trước mặt này là sản phẩm được điêu khắc bằng máy móc hiện đại, vật liệu còn không được tốt lắm.”

(*)Gối sư tử bằng sứ trắng:

chapter content

“Thành thạo?” Ông lão có phần giật mình, “Cậu bao tuổi rồi?”

Nhiếp Duy Sơn trả lời: “Sắp tròn mười tám ạ, còn xa mới được gọi là thành thạo, mới chỉ bắt đầu học thôi ạ.” Hắn quay đầu nói với ông chủ, “Thế này đi, ông bán rẻ chút cho tôi, tôi là thợ chạm khắc ngọc nên muốn nghiên cứu con sư tử này một chút, sau này khắc được một con khác rồi thì tôi trả lại cho ông cũng được.”

Ông chủ gạt đi ngay: “Làm gì có chuyện mua bán như thế, cậu đi rồi thì tôi biết tìm ở đâu?”

“Tôi sẽ tìm người bảo đảm.” Nhiếp Duy Sơn chợt nảy lên ý tưởng, “Đinh Hán Bạch là sư phụ của tôi, nếu tôi bỏ trốn thì ông cứ khất nợ tiền thuê cửa hàng của ông ấy.”

Cứ như Đinh Hán Bạch bố trí cơ sở ngầm ở khắp nơi, đến chiều đã nhận được tin tức, rồi ngồi trong quán trà Trân Châu cầm thước lại muốn kiểm tra theo kiểu tùy hứng thêm lần nữa. Nhiếp Duy Sơn ôm gối ngọc cười nói: “Không phải người nói nhân từ đừng dẫn binh, chính trực đừng buôn bán ạ? Con chỉ học đi đôi với hành thôi mà.”

Nguyên một tuần lễ, ngày nào Nhiếp Duy Sơn cũng ngâm mình trong trung tâm đồ cổ, chứng kiến vô số người ngoài nghề có tiền bị lừa từ chục nghìn đến trăm nghìn, cũng chứng kiến đủ các loại người sành sỏi nhưng giấu tài, gặp chiêu nào thì phá chiêu đó, vả mặt người một cách vô hình.

Trong tòa nhà này như liên tục trình diễn bi kịch rồi hài kịch, có người coi hàng nhái như báu vật, có người dùng đồ thật đổi về rác rưởi, quanh đây vơ tay có thể túm được một nắm những kẻ lọc lõi, trò chuyện vài ba tiếng đồng hồ cũng không có được nửa lời nói thật.

Vất vả lắm mới tới được cuối tuần, rốt cuộc hắn có thể trích ra chút thời gian để khắc ngọc.

Ở khu nhà tập thể cũ hàng xóm đều biết nhau cả, hiện giờ Nhiếp Phong cũng đã có bạn cùng đi tản bộ vào sáng sớm, ông mua sữa đậu nành và quẩy ở cổng khu dân cư rồi trở về, khi đi tới chân tòa nhà thì đúng lúc trông thấy Doãn Thiên Dương đang khóa xe.

“Chú Nhiếp ơi! Có phần của cháu không ạ?” Doãn Thiên Dương xách đồ giúp Nhiếp Phong, sau đó đi cùng nhau lên tầng, “Cháu đến ăn ké cơm, buổi trưa có làm món gì ngon không ạ?”

Nhiếp Phong nói: “Cháu muốn ăn gì thì chú làm cái đó, ăn ít quẩy trước đi.”

Trong nhà Nhiếp Duy Sơn đang loay hoay với một khối vật liệu lớn, món đồ nhỏ thì vẽ xong là có thể ra phôi nhưng những món to thì hắn không am hiểu cách vẽ cho lắm, sợ không tạo ra được cảm giác lập thể. Doãn Thiên Dương tự giác ngồi ở bàn ăn ăn quẩy, Nhiếp Phong xắn tay áo rót sữa đậu nành, đoạn gọi: “Tiểu Sơn, ăn trước đi đã, ăn xong rồi bố xem cho con.”

Doãn Thiên Dương nói: “Sao không hỏi Bạch gia vậy, sư phụ như ông ấy mà không làm tròn bổn phận à.”

Nhiếp Duy Sơn đi tới ngồi xuống: “Sư phụ vẫn chưa dạy tay nghề cho tớ, chỉ toàn truyền lại kiến thức về buôn đồ cổ thôi.” Ăn mấy miếng là đã xong bữa, “Bố ơi, bố từng khắc món đồ lớn nào chưa ạ?”

Nhiếp Phong nghĩ trong chốc lát: “Từng khắc rồi, bản phác thảo phải vẽ hết ba ngày.”

Ăn xong bữa sáng Nhiếp Duy Sơn dẫn Doãn Thiên Dương ra khu chợ gần đó mua thức ăn, sau khi về nhà thì chen chúc trong phòng bếp chuẩn bị bữa trưa, hiếm thấy là hiệu suất làm việc của hai người họ rất thấp, Doãn Thiên Dương thì liên tục kể về chuyện ở trường, còn Nhiếp Duy Sơn thì đáp lại bằng các sự kiện xảy ra trong trung tâm đồ cổ, cả hai say sưa lắng nghe nhau trò chuyện.

Trong căn phòng nhỏ rất yên tĩnh, cho dù có thể nghe thấy tiếng rao thu mua phế liệu và tiếng còi xe dưới tầng, hay có thể nghe thấy âm thanh chạy nhảy của trẻ con tầng trên thì cũng chẳng hề thấy khó chịu, mà trái lại còn cảm thấy nhà là phải có dáng vẻ như vậy.

Một buổi sáng trôi qua, Nhiếp Duy Sơn làm được năm món, hai món nguội ba món nóng, Doãn Thiên Dương thì chịu trách nhiệm cơm và canh, sau khi dọn tất cả ra bàn thì trông tương đối phong phú. Hai người vào phòng ngủ gọi Nhiếp Phong, khi cửa được đẩy ra thì lại không có ai lên tiếng.

Trong phòng ngủ ngập tràn ánh sáng, một dãy dao khắc được đặt ngay ngắn trên tấm vải nỉ, Nhiếp Phong ngồi trước bàn, trên ngón tay quấn một lớp băng keo, cán dao đặt tại vị trí hổ khẩu gần như không thấy dịch chuyển, có thể tưởng tượng được lực của ngón tay vững đến mức nào. Thế nhưng ông lại đang ngồi vắt chéo hai chân, trên bàn chân còn xỏ một đôi dép lê, một bức tranh đầy vẻ nhàn nhã lại biếng nhác.

Nhiếp Duy Sơn ngơ ngác: “Đã sắp ra phôi xong rồi, đậu má.”

Doãn Thiên Dương khẽ hỏi: “Chú Nhiếp có thể thi đấu với Bạch gia không? Tớ chỉ muốn biết rốt cuộc ai trâu bò hơn thôi, nếu không tớ chết không nhắm mắt.”

Đóng cửa lại, hai người ngồi canh bên một bàn đồ ăn bắt đầu ngẩn người, một lát sau cửa phòng ngủ mở ra, Nhiếp Phong đi từ bên trong ra rồi nói: “Hai đứa ăn mau đi, bố đi rửa tay rồi ra ngay, cũng tại bố không để ý thời gian nên làm trễ giờ.”

Đợi Nhiếp Phong rửa tay xong rồi ngồi vào bàn, Doãn Thiên Dương nói: “Chú Nhiếp ơi, chú ăn món móng giò kho này đi ạ, bồi bổ.”

Nhiếp Duy Sơn hỏi: “Bố ơi, ra phôi xong rồi ạ?”

“Ừ, xong rồi, con khắc chi tiết là được.” Nhiếp Phong thấy hơi có lỗi, “Đáng lẽ lúc ra phôi phải dạy cho con nhưng bố vừa bắt đầu là đã quên mất.”

“Không sao ạ.” Nhiếp Duy Sơn vẫn chưa động đũa, giống như đang do dự điều gì đó, “Bố này, bố rất vui ạ?”

Doãn Thiên Dương hiểu ý, rót một chén rượu cho Nhiếp Phong, đoạn nói: “Chú Nhiếp ơi, tuy cháu không hiểu nhưng vừa nãy lúc chú ngồi khắc đồ trong phòng cháu cảm thấy chú rất tự tại.”

Nhiếp Phong lặng im trong chốc lát: “Bây giờ chú không còn nợ nần nên toàn thân nhẹ nhõm, cầm dao trong tay, mắt chăm chú nhìn miếng vật liệu thì có cảm giác như trở về thời điểm trước khi Tiểu Sơn được sinh ra chú chạm khắc chiếc giường trẻ em cho nó. Vui vẻ, cũng tự tại, mà trong một thoáng vừa rồi, thậm chí chú đã nghĩ…”

Nâng cốc uống cạn, ông lấy hết dũng khí nói ra lời: “Muốn quay lại nghề cũ.”

Doãn Thiên Dương phấn khích nói: “Quay! Quay lại đi ạ! Chú Nhiếp ơi cháu ủng hộ chú, cháu cũng đã vạch xong kế hoạch cho chú rồi ạ! Chú đi tìm Bạch gia rồi đưa thư khiêu chiến, hai người thi đấu với nhau, nếu thắng ông ấy thì chú chính là ông lớn trong nghề! Dù có thua thì cũng là đánh một trận thành danh!”

“Cháu có thể đừng làm khó chú của cháu không.” Nhiếp Phong cười rồi uống tiếp một chén, “Chú chỉ muốn giúp đỡ Tiểu Sơn, cũng là tìm một việc cho bản thân làm. Đúng rồi Tiểu Sơn, con còn nhớ bố đã khắc phượng hoàng mẫu đơn cho con không?”

Doãn Thiên Dương nói chen vào: “Cháu nhớ ạ, giường công chúa.”

Nhiếp Duy Sơn gật đầu rồi đột nhiên hỏi: “Bố à, vậy bố có nhớ đã đính ước thông gia từ bé cho con không ạ?”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.