Trong quan tài có chất lỏng thực ra lại là chuyện khá bình thường, bởi khi phong quan, người ta thường dùng đinh gỗ đóng chặt, sau đó dùng đất sét, vôi và lưới đánh cá rách làm thành một thứ chất liệu từa tựa như đất sét để trét kín hết tất cả mọi kẽ hở của quan tài. Nếu công đoạn này được hoàn thành tốt, thi thể bên trong sẽ dần thối rữa trong không gian hoàn toàn khép kíp, tất cả lượng nước bên trong thi thể cũng sẽ đọng lại trong quan tài.
Khoảng 60 – 70% cơ thể con người là nước, lượng nước này cực nhiều, đặc biệt là sau khi xác thịt thối rữa, chỉ còn thừa lại bộ xương rất nhỏ, xương thường ngập trong nước.
Loại nước này gọi là thi dịch, cũng gọi là quan dịch. Đương nhiên, ngoài những cỗ quan tài được phong kín ra, thì phần lớn nước trong quan tài có thể là do phần mộ bị nước đọng nữa. Trong trường hợp này, lượng quan dịch rất nhiều, cho nên ông trẻ mới hỏi câu này.
Nhưng bố tôi trả lời chắc nịch, tôi cũng xem trộm được một tí, bên trong mộ chính quả thực không có nước đọng, cho nên quan dịch này chắc hẳn không phải nước mưa, mà lại càng không thể là thi dịch được. Bởi vì nhiều nước như thế, thế thì có mà thi thể này béo mập hơn cả O’Neal mất.
Cả hai khả năng này đều không thể, vậy chỉ còn một khả năng cực đoan duy nhất, đó là chất lỏng này vốn chính là nước thuốc chống thối rữa đã được đổ vào quan tài khi mai táng. Rất có thể là thế, bởi thứ nước đen trong quan tài này sực nức lên một mùi hôi thối của thuốc bắc.
Về điểm này, có một chuyện khá thú vị như thế này. Trước kia tôi cũng đã từng nhắc đến rồi, Trung Quốc thời cổ đại có những kẻ từng dùng quan dịch làm thuốc dẫn, điều này nghe thật khó bề tưởng tượng nổi, nhưng thực ra, khi truy về nguồn gốc của nó thì lại khác hợp lý. Vì trong nước thuốc chống thối rữa có chứa một vị thuốc bắc cực kỳ quý hiếm, đã thất truyền từ cuối thời Minh, cho nên về sau nếu ai muốn sử dụng vị thuốc này thì chỉ có thể sai người đi tìm loại quan dịch chứa vị thuốc này trong các ngôi mộ cổ mà thôi.
Có điều, thời đó quá nhiều lang băm, đồn bậy đồn bạ, kết quả khiến nhiều bệnh nhân vừa ói mửa vừa tiêu chảy vì ăn phải thể dịch của xác cổ, chưa kể, một số quan dịch còn chứa thạch tín, chu sa do người ta bỏ vào để làm quan tài khô ráo, chống sâu bọ, ăn phải cái thứ đó thì ngủm cù đèo luôn.
Hủ tục này lưu truyền đến tận thời cận đại, Lỗ Tấn tiên sinh cũng cảm nhận sâu sắc sự tai hại của nó, đó cũng là nguyên nhân vì sao ông ta ghét Đông y như vậy.
Tôi nhìn thứ nước đen mà thấy ghê rợn khắp cả người, thứ đồ trong quan tài chắc chắn là chìm nghỉm dưới nước này rồi, không biết là như thế nào nữa. Hơn nữa, nước này đầy đến nỗi cảm giác như sắp tràn ra tới nơi, nhìn mà dựng cả tóc gáy, tôi cứ luôn có ảo giác rằng bên dưới làn nước này có vật gì rất đáng sợ.
Dĩ nhiên mấy ông trẻ không sợ. Bọn họ buông mấy thanh nạy xuống, đến bên cỗ quan tài, ông trẻ thắp một ngọn đèn khá đắt tiền lên, chiếu xuống sát mặt nước.
Tôi đứng từ xa nhìn lại, thấy làn nước đen kia vẫn sâu thẳm vô cùng dưới ánh lửa sáng rực, cứ như là sâu không có đáy vậy.