Chú Ba hơi biến sắc. Chú Hai liền day day huyệt thái dương, nói: “Vì sao Tào Nhị Đao Tử lại thèm muốn cái chức tộc trưởng vớ vẩn chẳng có tí hữu dụng nào này? Vì sao ốc trong quan tài qua trăm năm vẫn không chết? Còn nữa, tại sao một ông lão hơn trăm tuổi lại có thể dễ dàng nhớ lại một câu chuyện từ hơn sáu mươi năm trước? Còn rất nhiều điểm chú hẵng còn chưa nghĩ ra đâu.”
Tôi nghe giọng điệu chú Hai có biến, hơi buồn bực, chỉ thấy chú liếc mắt lườm chú Ba: “Có vài người ấy, lúc nào cũng tưởng đầu óc mình lanh lợi hơn thiên hạ, nào ngờ đâu, cái bào thai thứ hai vẫn là thông minh hơn cái bào thai thứ ba một chút, anh mày nói thậm phải chứ, lão Tam?”
Tôi liền thấy chú Ba toát hết cả mồ hôi lạnh, sắc mặt đen sì, ngậm tăm. Một khí thế áp bức rất kỳ quái toát ra từ chú Hai.
Im lặng suốt một lúc rất lâu, chú Hai mới nói: “Chú có một phỏng đoán, không biết có đúng hay không. Mấy đứa cứ nghe thử xem.”
Dừng một chút, chú liền nói: “Thời điểm đào mộ tổ lên, có một thằng cháu nổi lòng tham, phát hiện trong mộ dư ra một cỗ quan tài. Kẻ này bản tính nhạy cảm lanh lợi, lập tức nhận ra ngay trong cỗ quan tài này có thể là minh khí mà tổ tông cất giấu ngày xưa. Nhưng xung quanh toàn là người nhà, hắn không thể cướp trắng trợn đi, hơn nữa, hắn biết một khi đã mở quan tài, là thế nào cũng phải phân chia đồ bên trong cho những người khác nữa. Thằng cháu này trời sanh tính kiêu hùng, chẳng bao giờ chịu nhún nhường kẻ nào, thế là, chỉ trong mười mấy phút ngắn ngủi đó, hắn đã nghĩ ra một biện pháp. Hắn sai hai tên thủ hạ thân tín đi theo mình chạy đến gian nhà kho chứa củi ở phía sau từ đường tổ tiên, khiêng cỗ quan tài cũ vô chủ ở đó ra, đánh tráo với cỗ quan tài đào được trong mộ tổ ngay trên đoạn đường núi không có một cột đèn đường nào giữa nghĩa địa và thôn làng, chỉ trong một tiếng đồng hồ.”
“Để mấy người khiêng quan tài không nhận ra sự thay đổi về trọng lượng quan tài, thủ hạ của hắn mới đào rất nhiều bùn ướt từ dưới suối lên, đổ vào trong quan tài cũ, nhưng trong lúc vội vàng mới xảy ra sơ suất, lỡ đổ quá nhiều nước vào, còn đổ lẫn cả số ốc vặn đang ngủ đông trong bùn vào nữa. Lũ ốc bị quấy nhiễu, lần lượt tỉnh giấc, vì lúc khiêng quan tài ra trời đã tối mịt, mọi người chẳng ai phân biệt được quan tài nào với quan tài nào nữa, cho nên khi đến từ đường, không một ai phát hiện cỗ quan tài đó không còn là cỗ quan tài dư đào lên được từ mộ tổ.”
“Hắn vốn tưởng việc mình làm kín kẽ không chê vào đâu được, nhưng không ngờ, kể từ đó bắt đầu xảy ra những chuyện kỳ quái. Sau đó, hắn nghe thấy chúng ta phải đi hỏi Từ A Cầm chuyện ngày xưa, thực ra hắn biết tỏng cỗ quan tài trong mộ tổ vốn cất giấu minh khí rồi, nếu Từ A Cầm biết chuyện này, đương nhiên sẽ nói ra, nếu vậy thì chuyện đánh tráo cỗ quan tài sẽ bị phát hiện. Bởi vậy, hắn mới đi suốt đêm đến nhà Từ A Cầm, dùng tiền mua chuộc ông lão, để ông lão đọc lại y nguyên câu chuyện mà hắn đã bịa ra dựa theo tình hình thực tế. Chú nghĩ, với trí nhớ của ông lão kia, e là không dễ gì mà ghi nhớ được nhiều chi tiết như thế, cho nên, hắn hết cách, đành phải cho một tên thủ hạ đóng giả làm Từ A Cầm. Đáng tiếc, hóa trang lại già quá, nhìn không được thuận mắt cho lắm.”
“Có điều, chuyện này coi như cũng qua mắt người khác được rồi, nhưng hắn không biết rằng, đằng sau hắn còn có một người cũng giống thế, chính là Tào Nhị Đao Tử. Tào Nhị Đao Tử này tánh khí cũng giống như hắn, gã chắc mẩm bên trong quan tài thế nào cũng có bảo bối, thế nhưng Ngô Tà, anh cả nhà ta và ba ông cụ kia mở quan tài xong, lại nói rằng trong quan tài chỉ có ốc vặn, làm sao mà gã tin cho được? Tào Nhị Đao Tử cho rằng chắc chắn là ông trẻ và anh cả nhà ta đã hợp mưu tính kế, vì thế sinh lòng oán hận, một mặt gã muốn tìm cho được cỗ quan tài thực, một mặt, gã muốn giết người trả thù. Vì vậy mới sinh ra nhiều chuyện như thế. Vừa hay lại che được cả một vụ án tày trời.”
“Thêm nữa là chú bị ghi chép trong gia phả che mắt, nên mới đưa ra phán đoán sai lầm, thế là quả nhiên chuyện này bị bỏ qua như thế.
Nhưng cuối cùng thằng cháu khôn khéo này lại phạm phải một sai lầm rất lớn, khiến chú lập tức nhận ra trong vụ này vẫn còn có trá!”
Nói xong, chú Hai thở dài, hỏi: “Lão Tam, chuyện anh nói đa phần đều đúng chứ?”
Chú Ba không nói câu nào, im lặng một lúc rất lâu, rồi mới thở dài nói: “Ông đây còn tưởng đã qua mặt được ông anh thật rồi, rốt cuộc đã sơ hở chỗ nào?”
“Là tốc độ. Hai tên thủ hạ của mày xuất hiện quá nhanh, trừ phi bọn chúng có cánh, chứ chắc chắn không thể đến nơi chỉ nửa ngày ngay sau khi anh bố trí bẫy rập xong xuôi được. Điều này chứng tỏ, hai tên này ắt vẫn luôn ở gần đây.” Chú Hai nói.
Chú Ba toét miệng cười, tôi phẫn nộ nhìn chú Ba, chất vấn: “Chú thật đã làm cái chuyện thất đức đến thế à? Trong quan tài kia có vật gì?”
Chú Ba cười khổ: “Ôi dào, nếu có đồ thật, chú đã không bực đến thế này. Chú Ba mày cũng toi công chuyến này thôi, quan tài đấy toàn mạt cưa nát bét, vì cái thứ của nợ đó mà chú mày phải thức đêm chạy ngược chạy xuôi bày cục, báo ứng, mấy người khỏi cần mắng nữa.”
“Thật?”
“Thật, ông đây đã thừa nhận rồi, còn lừa mày làm gì?” Chú Ba mắng.
Tôi lấy làm lạ, hỏi chú Hai: “Thế thì kỳ lạ thật, tại sao phải chôn một cái quan tài vô dụng trong mộ tổ?”
Chú Hai vừa nhận được một tin nhắn, nói: “Đương nhiên là không rỗng ruột rồi, quan tài kia nặng như thế, chú đoán trong đó thế nào cũng phải có tầng kép, thời Thanh, giữa lúc bạo loạn nhiễu nhương, chú nghĩ chắc là vàng thỏi đấy.” Nói rồi, chú Hai giơ tin nhắn vừa nhận lên cho tôi xem. Tôi thấy, thì ra là tin nhắn từ bố tôi, bố tôi nói sẽ ở lại thôn cho đến hết bốn chín ngày của ông trẻ mới về.
Tin nhắn đa phương tiện, có gửi kèm ảnh chụp căn nhà tranh phía sau từ đường, cỗ quan tài cổ đã bị người ta đập vỡ ra, dưới đáy quan tài quả nhiên có một tầng kép, từng cục vàng tự nhiên được moi ra, vứt lăn lóc đầy đất. Chú Ba lập tức chồm lên giựt lấy chiếc di động, hai mặt trợn ngược, chú nhảy dựng lên, gào thét với tôi: “Mau quay về!”
Chú Hai giựt lại chiếc di động, thở dài một cái, tự lẩm bẩm: “Cuối cùng thì cũng được ăn Tết yên bình rồi.”
.
Vĩ thanh.
Nói xong, chú Hai rút từ trong túi áo ra một chiếc khăn mùi-xoa, mở ra, tôi thấy, bên trong là chiếc chìa khóa tìm được trong tay ông trẻ.
“Ủa, không phải chú đã nói chuyện ông trẻ muốn chúng ta xem gia phả là bịa hay sao? Thế chiếc chìa khóa này từ đâu ra vậy?”
“Đúng là tìm được trong tay ông trẻ, chẳng qua chú chỉ mượn nó để bịa chuyện thôi.” Chú Hai nói. “Nhưng mà, đây không phải là chìa khóa của hộp gia phả kia. Lúc ấy chú đã thử mở rồi, không mở được.”
Tôi ồ lên một tiếng: “Sao lại thế được, cháu thấy đúng là chìa này mà.”
Chú Hai lắc đầu nói: “Không phải, chìa khóa này, chắc là để mở ra một cái hộp cũng tương tự vậy. Hơn nữa…” Chú giơ chìa khóa lên, chỉ thấy trên chiếc chìa khóa có khắc một chữ “Ngô”. “Ông trẻ trước khi chết đã giấu cái chìa khóa này đi, là muốn chúng ta làm gì?”
“Thôi đừng nghĩ nữa.” Tôi nói: “Ăn Tết đã rồi tính.”
“Cũng phải.” Chú Hai cất chiếc chìa khóa về chỗ cũ, “Vẫn là ăn Tết trước đã.” Nói rồi chú vỗ vỗ tôi, “Lái chậm một chút, chú ý an toàn.”