Sau khi bọn họ quay về, tôi mới biết đã có chuyện gì xảy ra. Hóa ra quả đúng như dự liệu, sau khi ông trẻ qua đời, nội bộ xảy ra tranh chấp, bố tôi bị người ta đánh, cuối cùng lao vào đánh nhau loạn xì ngầu cả lên, ngay cả thi thể ông trẻ cũng bị hất văng ra luôn. Cuối cùng người của đồn công an tới giải tán, nhưng dù sao cũng đã hoàn toàn trở mặt với nhau rồi. Chú Ba nói phải gọi người đến, bằng không sau này chúng tôi không ở nổi cái thôn này mất.
Bố tôi lại bảo, thôi đi, thêm một việc không bằng bớt đi một việc, dù sao cũng đều là người nhà họ Ngô. Chú Ba cay cú quá, gân cổ lên cãi bố tôi đôi ba câu, bố tôi tức giận bỏ lên lầu.
Chú Hai lại có vẻ chẳng quan tâm tí gì, nhìn bố tôi lên lầu, rồi mới đóng cửa lại, ngoắc tay gọi bọn tôi đi vào phòng chú.
Tôi với chú Ba chẳng hiểu gì cả, đi theo, hỏi chú làm gì thế, chú mới lôi một vật ra từ trong túi: “Hai đứa xem thứ này.”
“Cái gì đấy?”
“Anh tìm thấy trong tay áo ông trẻ, trong lúc tụi mày còn đang đánh lộn kia.” Chú Hai nói.
Chú đặt vật đó lên bàn, thì ra là một chiếc chìa khóa cổ, trông rất quen.
“Đây là chìa khóa cái rương đựng gia phả của lão nhà mình ấy hả, hôm qua từng thấy trong nhà ổng rồi.” Chú Ba nói. “Thế là ý gì?”
“Ông trẻ trước khi chết để lại lời nhắn cho chúng ta đấy, xem ra ông ấy muốn chúng ta đi xem lại gia phả một lần nữa.” Chú Hai nói. “Trước khi chết, liệu ông ấy đã nghĩ đến điều gì?”
Đây là một diễn biến không thể ngờ được, chú Ba chửi, sao vừa nãy ông anh không chịu nói sớm? Đến sớm một chút thì còn tiện, chứ bây giờ sợ là phiền phức rồi đấy.
Tôi cũng đã xem qua gia phả rồi, nhưng quả thực không đọc hiểu nổi nội dung của thứ đó, cho nên chẳng có ấn tượng gì cả. Bây giờ ông trẻ chết rồi, vì sợ có kẻ trộm đồ nên giờ đã có người ở lại canh giữ, hơn nữa, vừa rồi lại còn đánh nhau một trận to, muốn vào nhà ông trẻ lục lọi đồ đạc e rằng không quá thực tế.
“Có tiền là sai sử được cả ma quỷ mà, Ngô Tam Tỉnh mày chắc không đến nỗi không lo liệu được việc này chứ.” Chú Hai nói.
Chú Ba gật đầu nói được rồi, sau đó gọi tên thủ hạ đang canh ở ngoài cổng, chuẩn bị gác đêm cả tối nay, chú rỉ vào tai hắn mấy câu gì đó, rồi hắn liền đi ngay. Tôi hỏi chú Ba sắp xếp thế nào vậy, chú nói, con nít ranh biết cái gì, dù sao có thể bảo đảm chắc chắn là đêm nay cả bọn vào chôm đồ được là được rồi.
Tôi đoán, phương pháp của chú Ba chắc cũng không phải thủ đoạn gì hay ho, không biết cũng được, đỡ phải nặng lòng áy náy, rồi tôi quay đầu lại hỏi chú Hai, chú thấy vụ tôi nói qua điện thoại ban chiều thế nào? Chú Hai lại phất tay ra hiệu đừng nói nữa, bảo tôi đừng có hỏi.
Tôi rõ là buồn bực, cảm giác chú Hai cứ ra vẻ bí ẩn thế nào ấy, nhưng nhìn vẻ mặt chú lại không tiện gặng hỏi, đành phải mặc kệ.
Chẳng mấy chốc, tên thủ hạ của chú Ba đã quay về, lại rỉ tai chú Ba mấy câu gì đó. Chú Ba nói được rồi, giờ chúng ta ăn cơm tối, rồi ở nhà chờ đến tận 12 giờ khuya, mới cầm đèn pin lên đường.
Nửa đêm, trong thôn rất ít đèn đường, nhiều đoạn đường tối thui như hũ nút, chẳng có chút ánh sáng nào. Người nhà quê ngủ sớm, đã im phăng phắc chẳng có tiếng động gì, chỉ còn vài tiếng chó sủa. Tôi ít khi đi lại trong thôn vào buổi tối, nên cứ bám theo chú Ba mà đi, đi được chừng hai mươi phút, chú Ba dừng lại, gật đầu với chú Hai một cái. Chú Hai ra hiệu tôi đừng nói gì cả, tắt đèn pin.
Tôi lấy làm lạ, tắt đèn pin xong, phải mất một lúc hai mắt mới quen nhìn trong bóng tối, chỉ thấy chú Hai và chú Ba nhẹ nhàng bước đi, đi vòng qua một khúc ngoặt, cuối cùng, tôi bất ngờ phát hiện ra, chúng tôi đã quay trở về chính sân nhà mình rồi.