Hạ Nhớ Mười Năm

Chương 13: Con đưa ông về nhà



Học xong tôi trở về nhà, không thấy ông dưới bếp. Tôi chạy lên trên phòng tìm, ông đang cố gắng đi lại đầu giường, phía bên cạnh là tủ thuốc ông vẫn hay để, gương mặt trắng bạch, những giọt mồ hôi rơi như mưa chảy xuống hai bên thái dương. Ông với tay lấy hộp thuốc, tay cầm không vững, thuốc rơi hết ra ngoài, tôi vội vàng chạy lại nhặt giúp ông:

“Ông thấy không khoẻ ở đâu ạ?” Tôi dùng hai tay đỡ ông lại giường.

“Ông không sao, bệnh cũ tái phát, uống thuốc là đỡ ngay ấy mà.” Ông lấy hai viên thuốc trong lọ, với tay lấy cốc nước uống trên bàn.

Ông ngồi tựa vào thành giường, tôi lấy gối đặt phía sau lưng ông cho ông đỡ mỏi.

“Hay con gọi điện cho mẹ về đưa ông đi viện nhé.”

“Ông không sao, ngồi nghỉ một chút là được ấy mà.”

Nhìn gương mặt nhợt nhạt của ông, thân hình ông ngày một yếu, nước mắt tôi lặng lẽ chảy xuống, tôi sợ, sợ một ngày ông không còn bên tôi nữa.

Thấy tôi khóc, ông lấy tay lau nước mắt đang lăn trên má:

“Con bé ngốc này, ông không sao, ông vẫn khoẻ, con yên tâm. Không khóc nữa, xinh đẹp như này ai lại khóc. Nhìn này, ông không sao rồi mà.”

Tôi không biết có phải ông đang cố gắng chịu đựng những cơn đau để làm cho tôi vui không hay chỉ là cơn đau dạ dày bình thường như ông nói. Tôi không khóc nữa:

“Để con nấu cháo cho ông nha.”

Tôi chạy xuống nhà, lấy đồ trong tủ lạnh ra nấu. Mất khoảng 2 tiếng cuối cùng cũng xong, tôi mang lên cho ông:

“Ông ăn đi cho nóng.”

“Cảm ơn con.”

Nhìn ông ăn bát cháo ngon lành tôi cũng yên tâm.

Mấy ngày sau, tôi thấy sức khoẻ của ông tốt hơn nhiều, tôi đã nghĩ ông không sao. Cho đến ngày 8 tháng 6 năm 2014, tôi đi học trên lớp về nhìn thấy chiếc xe của bố mẹ đậu ở ngoài. Tôi vui mừng, hớn hở chạy vào:

“Bố mẹ về chơi ạ?”

“Bố mẹ về đưa ông đi nhập viện.” Bố tôi vừa đỡ ông, vừa nhìn tôi nói.

“Không phải ông vẫn đang khoẻ mạnh sao ạ?”

“Sức khoẻ của ông có tiến triển tốt nhưng khối u…” Bố tôi đang nói thì bị ông ngắt lời.

“Nào bé con, lại đây với ông. Ngày mai con thi chuyên Lê Hồng Phong nhớ làm bài cho tốt, con thi đậu ông sẽ về với con.” Ông đưa tay ra, tôi chạy vào lòng ôm lấy ông.

“Ông hứa nhé. Con sẽ thi đỗ chuyên Lê Hồng Phong.”

“Ừ. Ông hứa.”

Bố tôi đưa ông đi, mẹ tôi ở nhà để mai đưa tôi đi thi. Lần này ông xạ trị tận trên bệnh viện Bạch Mai nên mẹ không thể đi đi về về được. Bây giờ thi đỗ chuyên Lê Hồng Phong không chỉ để học cùng với Huy Anh nữa, nó còn là lời hứa của tôi với ông.

Ngày hôm sau, bố chở tôi đến địa điểm thi. Tiếng trống trường vang lên, tôi bắt đầu đặt bút làm bài. Đề hôm nay khá khó nhưng chỉ cần nghĩ đến việc ông sẽ về sớm với tôi thì dù có khó thế nào tôi cũng tìm ra cách giải. Tôi hoàn thành bài thi trong sự hài lòng của bản thân.

Lần xạ trị đầu tiên, sức khoẻ ông tốt hơn rất nhiều. Tối nào ông cũng gọi điện cho tôi, ông cười tươi, vui vẻ, hạnh phúc lắm.

Tôi chờ đến ngày 20 tháng 6 năm 2014, 8 giờ sáng, tôi lên trường, mong ngóng giây phút mình được đọc tên trúng tuyển vào chuyên Lê Hồng Phong. Hai tay tôi run rẩy đan vào nhau. Huy Anh đứng cạnh nhẹ nhàng đặt tay cậu ấy lên bả vai tôi:

“Cậu nhất định sẽ đỗ.”

“Vũ Phạm Khả Tiên.” Tên của tôi có trong danh sách trúng tuyển, tôi vui mừng quay sang ôm lấy Huy Anh.

Tôi định gọi điện cho ông thông báo tin vui này, đúng lúc đó mẹ tôi gọi:

“Khả Tiên.”

“Mẹ mẹ, con đỗ chuyên Lê Hồng Phong rồi.” Tôi vui mừng khoe với mẹ.

“Ông con…”

“Mẹ cho con gặp ông đi, con muốn khoe tin vui này với ông.”

“Ông con mất rồi.”

Chiếc điện thoại trên tay tôi rơi xuống đất, tôi như bị điểm huyệt, đứng yên tại chỗ không động đậy, đôi mắt tôi bắt đầu đỏ ửng, bàng hoàng, ngơ ngác không tin đó là sự thật, Huy Anh chạy lại chỗ tôi:

“Khả Tiên, cậu bị làm sao thế?”

“Cậu… cậu… có thể… gọi người… đưa… tớ… đến… bệnh viện… Bạch Mai… được không?” Tôi lay tay Huy Anh, nức nở nói không thành tiếng.

“Được, cậu bình tĩnh, tớ gọi xe.”

Huy Anh lấy điện thoại ra gọi. Quỳnh Nhiên thấy hai đứa tôi đi lâu nên cũng chạy ra.

“Ông mất rồi Quỳnh Nhiên ơi.” Tôi chạy lại ôm chầm lấy Quỳnh Nhiên.

Nghe xong, nước mắt Quỳnh Nhiên rơi, đứng không vững. Huy Anh là đứa bình tĩnh nhất, cậu ấy chạy vào nói với cô chủ nhiệm, xin phép cô nghỉ hôm nay.

Xe vừa đến, ba đứa chúng tôi chạy ra, tôi giục bác tài đi nhanh nhưng không được, phải đi đúng tốc độ cho phép. Mất gần 2 tiếng cuối cùng tôi đã đến bệnh viện Bạch Mai, tôi lấy điện thoại gọi cho mẹ. Chạy thật nhanh đến phòng bệnh.

Tôi chạy lại giường thấy gương mặt ông tái đi, tay ông buông thõng, tôi nhìn ông rất lâu, khóc rất nhiều. Ông mất không nhắm mắt, mẹ lấy tay vuốt xuống nhưng không được, mẹ quay sang nhìn tôi:

“Có lẽ ông đang đợi con đến.”

“Sao ông lại bỏ con? Con đỗ chuyên Lê Hồng Phong, giữ đúng lời hứa với ông rồi, ông tỉnh lại đi mà. Từ nay con sẽ không dỗi ông nữa, sẽ ngoan ngoãn nghe lời. Ông đi rồi con biết phải làm sao? Con còn nhỏ chưa trưởng thành mà.”

Tôi còn thậm chí không được nghe thấy giọng ông nói trước khi mất.

“Khả Tiên, ông để lại cho con cái này.”

Mẹ tôi đưa cho tôi một lá thư.

“Bé con, khi con nhận được lá thư này, có lẽ ông đã đến một thế giới xa, ông không thể thực hiện lời hứa cùng con về nhà được nữa rồi. Đừng khóc cũng đừng giận ông nhé. Bà con đang đợi, ông phải đi đây.”

“Con đưa ông về nhà.”

Tôi ôm bức thư đó trong lòng, nó như báu vật ông để lại cho tôi.

Bố tôi lo hậu sự cho ông. Chiếc khăn tang được đội lên đầu, ông tôi được đưa vào quan tài, mẹ ngồi bên khóc nức nở, quay sang ôm tôi vào lòng:

“Ông ngoại mất rồi, mẹ mồ côi ba rồi.”

Tôi không kìm được nước mắt, tim tôi thắt lại ôm mẹ lâu hơn, mẹ tôi khóc ngất đi. Bố đưa mẹ lên phòng. Tôi đi lại phòng ông, nhớ lại những kỉ niệm ngày xưa. Ông đèo tôi đi học, chở tôi đi ăn kem, mua đồ chơi cho tôi, cả tuổi thơ của tôi được lớn lên trong vòng tay ấm áp của ông ngoại, ông lo cho tôi từng bữa ăn, từng chiếc quần, chiếc áo, chưa từng để tôi thiếu thốn thứ gì. Tôi ngồi trong phòng ông rất lâu, cuối cùng đi lại chiếc tủ đựng thuốc của ông. Tôi phát hiện trong đó có một chiếc hộp đã bị khoá. Ở bên dưới hộp có một bức thư, tôi mở ra.

“Ông biết con thích học Toán nên ông đố con nhé.

Rút gọn P = (√7 + √11 + √13) (-√7 + √11 + √13) (√7 – √11 – √13).”

Đáp án là ngày sinh nhật tôi. Tôi nhập mật khẩu, vội vàng mở nó ra. Bên trong là rất nhiều phong bao lì xì. Ông để từng năm, từng năm một rất ngay ngắn. Ở dưới có một lá thư nữa.

“Bé con, dạo gần đây ông thấy sức khoẻ mình không được tốt. Ông không biết mình sẽ sống được bao lâu nên đã chuẩn bị 10 phong bao lì xì để mừng tuổi con mỗi năm. Tới lúc đó chắc con ra trường và đi làm rồi đúng không? Con là niềm tự hào của ông, cảm ơn con đã làm đứa cháu ngoan của ông, con phải sống thật hạnh phúc nhé. Đừng khóc khi ông rời đi.”

Tôi gạt nước mắt, đi xuống dưới nhà, ngồi xuống bên cạnh ông, nhìn ông lần cuối:

“Sau này con không thể chạm vào da thịt của ông, không được chạy về nhà khoe những gì con đạt được nữa rồi, con rồi sẽ trưởng thành nhưng không còn ông bên cạnh. Kiếp này ngắn quá, nếu có kiếp sau ông cho con làm cháu của ông lần nữa, cho con được ở bên cạnh ông lâu hơn chút nữa nha ông.”

Ở bên ngoài có tiếng bước chân, tôi nhìn ra, là anh Đạt, anh tiến lại gần chỗ tôi, ôm tôi vào lòng.

“Sao anh lại tới giờ này?”

“Anh sợ em không ổn nên đến.”

Tôi gục đầu vào người anh, giọng nói nhẹ nhàng:

“Em không còn ông nữa rồi.”

“Em còn anh mà. Anh nấu cho em chút cháo nhé.”

“Em không đói. Anh ở đây với em được không?”

Tôi kéo tay anh lại, giữ chặt không buông, anh xoa đầu tôi:

“Em ngủ một chút đi, ngày nay mệt rồi.”

Tôi ngước lên nhìn anh, nước mắt lại bắt đầu rơi không ngừng. Anh nhẹ nhàng chạm vào khoé mắt, dùng tay lau những giọt lệ đang chảy.

“Anh đưa em lên phòng nghỉ nhé.”

Tôi gật đầu. Anh bế tôi lên, đặt tôi xuống chiếc giường thân thuộc của mình, nhẹ nhàng kéo chiếc chăn mỏng đắp cho tôi, vuốt nhẹ mái tóc, xoa đầu tôi:

“Ngủ đi, anh ở bên cạnh em, không đi đâu cả.”

Tôi nhắm mắt vào ngủ một giấc thật lâu.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.