Gửi Thời Đơn Thuần Đẹp Đẽ Của Chúng Ta

Chương 13



Sự xuất hiện của Ngô Bách Tùng tựa như một làn gió mới thổi vào đám con trai trong ngôi trường cấp ba xa xôi này, còn đám con gái trong trường thường xuyên truyền tai nhau rằng: Lớp 10A6 có một hotboy mới chuyển tới, lúc cười lên đẹp trai y như Trần Quán Hi ấy.

Hiện tại Ngô Bách Tùng còn nổi hơn cả Giang Thần khiến tôi rất bực mình, thế mà Giang Thần lại nói tôi hấp hơi rồi.

Để bày tỏ sự ủng hộ với địa vị hot boy của Giang Thần ở trong trường, lúc nào tôi cũng mỉa mai Ngô Bách Tùng, mà không chỉ một lần công khai nói xấu vẻ ngoài còn đặc biệt “nhấn mạnh” mái tóc màu nâu cà phê và kiểu khuyên tai Âu Mĩ của cậu ta. Tôi mạnh miệng phát biểu tóc màu nâu đó là do dinh dưỡng không đủ, đeo khuyên tai nhìn trông rất ẻo lả chẳng khác nào con gái. Thậm chí tôi còn nói, dáng vẻ cậu ta như vậy chả khác gì mấy thanh niên hư hỏng, thành tích học tập nhất định rất tệ, chắc chẳng phải người tử tế gì, không khéo còn là tên côn đồ, lưu manh đấy, nói không chừng còn nghiện hút, giết người ấy chứ?

Chính bản thân tôi cũng không hiểu tại sao năm đó mình lại nói xấu Ngô Bách Tùng như vậy nữa. Có lẽ lỗi là do nền giáo dục thời bấy giờ. Cho dù tôi của năm đó có giết người phóng hỏa thì cũng sẽ đổ lỗi cho nền giáo dục mà thôi, tóm lại không phải lỗi của tôi.

Thế nhưng trong lúc tôi đi rêu rao nói xấu người ta thì Ngô Bách Tùng lại rất rộng lượng. Bất cứ lúc nào tôi khinh khỉnh nhìn cậu ta, cậu ta cũng chỉ mỉm cười đầy từ ái, y như ánh mắt người cha đang nhìn đứa con nghịch ngợm gây sự vậy.

Ngược lại, người khiến tôi ngạc nhiên hơn lại là Giang Thần. Một hôm anh đột nhiên gọi tôi tới một góc trường vắng người, tôi nghĩ có lẽ anh sẽ thổ lộ hoặc chấp nhận tình cảm của mình nên trong lòng rất háo hức và hồi hộp.

Nhưng nào biết anh lại nghiêm túc nói với tôi: “Trần Tiểu Hi, về sau tớ không muốn nghe thấy cậu nói xấu Ngô Bách Tùng nữa.”

Tôi kiềm chế sự hụt hẫng trong lòng, hỏi: “Tại sao?”

“Nói xấu người khác là không đúng.” Anh chỉ nói như vậy.

Tôi gật đầu như giã tỏi, thậm chí còn tỏ vẻ ân hận.

Khi đó tôi sùng bái Giang Thần một cách mù quáng, cho dù anh nói trời màu xanh lá cây, mây màu xanh da trời tôi cũng gật đầu nói phải, lời anh nói đều đúng.

Tất nhiên tôi cũng thật may mắn, trong thời kỳ não tàn sùng bái một người như vậy, anh sẽ nói cho tôi biết những việc không đúng, không nên làm. Mà việc lần này quả thực tôi đã làm sai.

Vì để chứng minh với Giang Thần tôi đã thay đổi nên trong giờ Toán lén lút lấy tấm ảnh có chữ ký F4 của cô bạn cùng bàn dạt dào cảm xúc viết thư sám hối gửi cho Ngô Bách Tùng.

Cụ thể trên đó viết những gì tôi đã quên rồi nhưng lại nhớ rất rõ tờ giấy của Ngô Bách Tùng, trên đó ghi: Không sao, nhưng tên tớ là Ngô Bách Tùng không phải là Ngô Tùng Bách.

Cậu ta sửa lại như thế khiến tôi cảm thấy tên cậu ta đúng là rắc rối. Điều này khiến tôi nhớ lại bài tập hè hồi cấp một, trong đó có một đề bài kiểu: Viết lại những cụm từ cấu tạo giống nhau theo mẫu: “ong mật – mật ong”. Còn lí do tại sao tôi vẫn nhớ sâu sắc ký ức đó ấy à? Là vì cái đáp án “lưu hạ (chảy xuống) – hạ lưu” chết tiệt mà tôi đã bị lão Trần tàn nhẫn đánh cho một trận.

Trải qua sự việc lần này, cảm tình của tôi với Ngô Bách Tùng lại nâng lên một bậc rõ rệt, cảm thấy cậu ta đúng là một người lấy ơn báo oán, đồng thời cũng thấy cái khuyên trên tai cậu ta rất có phong cách đấy.

Song lạ ở chỗ, Ngô Bách Tùng lại đối tốt với tôi vô cùng, chẳng những mua đủ thứ đồ ăn vặt từ căn-tin cho tôi mà còn dạy tôi học Tiếng Anh và Toán (tôi đã đoán đúng, quả thật thành tích của cậu ta rất tệ, trừ Tiếng Anh và Toán. Điểm môn Anh và Toán của cậu ta luôn đứng đầu toàn trường nhưng các môn khác đều đội sổ); hay khi trời đột nhiên chuyển lạnh cậu ta sẽ đưa áo khoác cho tôi… Có lần tan trường tôi phải ở lại làm báo tường, cậu ta còn nấu mì mang đến cho tôi (cậu ta là học sinh nội trú duy nhất trong trường, ở riêng một phòng ký túc xá giáo viên), trong bát mì đó còn quả trứng gà. Tôi bị hơi nóng của bát mì làm chảy nước mắt, vừa xì xụp ăn mì vừa hỏi Ngô Bách Tùng đang trang trí báo tường hộ mình: “Sao cậu đối xử với tớ tốt thế?”

Tôi vẽ hình một cô gái trên báo tường, cô gái đó tao nhã cầm quyển sách, còn Ngô Bách Tùng đang tô vàng bìa ngoài quyển sách kia, cậu ta nói cô gái đang xem “sách vàng”.

(ND: “Sách vàng” là văn hóa phẩm đồi trụy:v)

Ngô Bách Tùng không quay đầu lại, đáp: “Nào đâu ra lắm nguyên nhân thế.”

Tôi nghĩ chẳng lẽ cậu ta thích mình nhưng ngẫm lại không thể nào, cậu ta lại không bị điếc… Có vẻ sự tự tin của tôi đã bị Giang Thần đánh bay tan tành từ lâu, sợ rằng cho dù là cao tăng đắc đạo cũng chẳng hợp lại được.

Cậu ta cứ tô tô vẽ vẽ, còn tôi vẫn tiếp tục ăn mì của mình, thỉnh thoảng cũng hỏi cậu ta vài câu: “Trước kia cậu học ở đâu? Sao lại chuyển tới trường này?”

Cậu ta đang tô cái váy cô gái, màu hồng, đáp: “Tinh X. Lớp 11 bố tớ định tống tớ ra nước ngoài du học. Trường học hay chỗ ở đều lo liệu xong hết rồi, cho nên tớ bảo muốn về thăm để biết quê của ông nội thế nào.”

“Hả? Thế không phải cậu sắp đi à?” Tôi bất chợt cảm thấy hụt hẫng kinh khủng, cậu ta đi thì ai đến lấp đầy cái dạ dày đang tuổi ăn tuổi lớn của tôi đây?

Cậu ta tiện tay ném viên phấn đi, quay lại ngồi lên bàn trước mặt tôi: “Sao, cậu không nỡ xa tớ hả?”

Tôi đạp đạp cái chân đang đu đưa trước mặt mình: “Đừng có đu đưa như khỉ, chóng cả mặt. Mà cậu đừng có tưởng bở, cậu đi rồi tớ lại phải chịu đói.”

Cậu ta không nói gì, chỉ đăm đăm nhìn ra ngoài cửa sổ khiến tôi cũng phải nhìn theo. Giang Thần đang đứng phía cửa sổ, dưới ánh vàng le lói của buổi chiều tàn anh bỗng trở nên ma mị như mấy u hồn trong bộ phim Thiện nữ u hồn mới phát sóng gần đây.

Chẳng hiểu sao nhưng cứ nhìn Giang Thần như vậy tôi lại thấy chột dạ y như đang ngoại tình thì bị chồng bắt gặp vậy. Bát mì đang cầm trên tay tựa như hòn than nóng bỏng, chỉ muốn úp luôn lên đầu ai đó cho rồi.

Giang Thần giơ tay gõ gõ lên cửa kính: “Trần Tiểu Hi, tớ vừa gặp bố cậu ở đầu ngõ. Chú bảo tớ gọi cậu về nhà ăn cơm.”

Nói xong, Giang Thần cũng quay đầu đi luôn.

Tôi đặt bát mì lên bàn, vội vội vàng vàng chạy ra ngoài. Ngô Bách Tùng gọi với theo hai câu Trần Tiểu Hi, khi chạy đến cửa lớp chỉ loáng thoáng nghe thấy lời của cậu ta ở đằng sau: Cậu còn chưa ăn xong mà!

Tôi đáp lại: Cậu đổ đi, tớ về nhà ăn cơm đây.

Đến khi chạy ra ngoài tôi không còn thấy Giang Thần đâu nữa, đúng là chân dài có khác.

Tôi đứng ngây người ở sân thể dục mất mấy phút, rồi lại thất thểu quay về lớp lấy cặp sách. Ngô Bách Tùng vẫn đang bận rộn tô váy của cô gái. Tôi đứng ở cửa lớp nhìn cậu ta từ xa, ánh dương chiều tà của chiều thu len lỏi qua từng khung cửa sổ chiếu vào lớp học, từng hạt bụi phấn li ti đắm mình trong nắng vàng lấp lánh, nhiệt độ, tốc độ ánh sáng chầm chậm tăng lên dưới làn khói chiều vấn vít. Tôi cảm thấy hình ảnh bụi phấn tròn đều cùng với khói chiều sau lưng bóng lưng ấy quả thực đẹp đến đến mê hồn.

Tôi đi về phía cậu ta: “Tớ quên cặp sách, à mà quả trứng trong bát tớ còn chưa ăn.”

Cậu ta quay đầu cười nhe mấy cái răng trắng lóa cả mắt: “Trứng gà tớ ăn rồi!”

Tôi tròn mắt: “Cậu cũng nhanh thật đấy!”

Ngô Bách Tùng ấm ức nói: “Cậu bảo tớ đổ đi còn gì. Một quả trứng gà năm đồng đấy, đổ đi đúng là phí phạm.”

Cậu ta còn chưa nói xong, tôi đã nhìn thấy quả trứng trần trong bát mì liền mỉa mai: “Cậu đúng là rảnh ha.”

Ngô Bách Tùng nhún nhún vai, quay lại tiếp tục tô tranh. Tôi lấy đũa chọc vào quả trứng rồi giơ lên. Giống cái ô thật! Tôi hớn hở khoe với Ngô Bách Tùng: “Này, cậu xem giống cái ô chưa?”

Cậu ta nghiêng đầu nhìn lại, bĩu môi: “Cậu không ăn thì để tớ ăn.”

Vừa mới nói xong, quả trứng trên đũa của tôi đã bốc hơi mất luôn. Tôi vẫn đơ ra nhìn chiếc đũa trống không… Chẳng lẽ miệng cậu ta được huấn luyện để cướp đồ ăn à…

Có lẽ là do lần đó Giang Thần dứt khoát rời đi nên tình cảm của tôi dành cho anh cũng bị giảm đi đôi chút hoặc có thể là vì biết Ngô Bách Tùng sắp phải chuyển đi nên tôi càng quý trọng tình bạn giữa hai người chúng tôi hơn… Tóm lại dạo gần đây tôi không còn suốt ngày bám lấy Giang Thần nữa mà hay đi cùng với Ngô Bách Tùng hơn, chẳng khác nào đôi bạn thân lâu năm, thế nhưng trong mắt đám bạn cùng trường chúng tôi là một đôi tình nhân. Không biết có phải không quan tâm hay là tin vào luận điệu “cây ngay không sợ chết đứng” mà hai người chúng tôi không ai thèm giải thích. Dẫu sao cái khái niệm “vừa gặp đã quen” quá thâm ảo với đám học sinh mới lớn, có giải thích họ cũng chẳng hiểu.

Ngô Bách Tùng học ở trường chúng tôi một học kỳ, nghỉ hè năm lớp 10 thì chuyển ra nước ngoài. Cậu ta ngồi ô tô đường dài về thành phố, sau đó đi tàu tới tỉnh X rồi bay sang New Zealand. Tôi tiễn cậu ta tới bến xe, nước mắt ngắn nước mắt dài kéo ba lô của cậu ta đến đỏ cả mắt: “Cậu nhớ phải gửi đồ ăn vặt ở New Zealand về cho tớ đấy…”

Cậu ta vỗ vỗ đầu tôi, chắp tay rồi nháy mắt: “Sau này còn gặp lại.”

Lúc xe chạy tôi rối rít vẫy tay, cậu ta mở cửa sổ thò đầu ra: “Tớ sẽ gửi đồ ăn vặt New Zealand cho cậu.”

Tôi rưng rưng, gật đầu thật mạnh: “Phải gửi món ngon nhất đấy. Còn nữa, chúng ta mãi mãi là bạn tốt nhất.”

Cậu ta cười, đáp lại: “Ừ.”

Tôi nhớ rõ trên đường về nhà gặp Giang Thần ở đầu ngõ, anh đang sửa đồng hồ điện đối diện trước cửa nhà mình, dùng một cái tua vít chọc chọc dây điện, mồ hôi ướt dính hết cả lưng áo T-shirt, lộ rõ cả màu da.

Tôi tò mò hỏi anh: “Cậu đang làm gì đấy?”

Anh quay đầu, ngây ra một lát mới nói: “Cậu khóc à?”

Tôi dụi dụi mắt, đáp: “Ngô Bách Tùng đi rồi.”

Anh chỉ “à” một tiếng coi như đáp lại tôi, sau đó lại quay lại với mấy sợi dây điện đỏ vàng bạc xanh.

Tôi lại hỏi tiếp: “Rốt cuộc cậu đang làm gì đấy?”

Bỗng nhiên Giang Thần nhét cái tua vít vào túi quần bò, gắt với tôi: “Đếm dây điện, không được sao?”

Tôi bị anh gắt như vậy lại thấy buồn cười, lầm rầm: “Được thôi, chỉ là tớ còn tưởng cậu đang đếm cầu chì chứ!”

Mặt anh lúc trắng lúc xanh, sau một lúc mới lầm rầm một câu “Mình đúng là điên rồi” sau đó xoay người về nhà.

Tôi đóng nắp đồng hồ vừa mở ra lại cho anh, thực ra tôi cũng hiểu hành động “đếm dây điện” của anh cũng hơi giống kẻ điên thật…

_________________


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.