Giới Luật Thanh Quy

Chương 3: Hư mệnh hội (1)



Hư mệnh hội.

Là một cuộc thi đấu giữa những hư mệnh tử, được tổ chức ba năm một lần, nhằm chọn ra hư mệnh tử xuất sắc nhất.

Đây cũng là cơ hội để chúng thể hiện bản thân, nếu được những danh môn thế gia nhìn trúng, sẽ được họ nâng đỡ, cuộc sống ở kinh thành sẽ được cải thiện hơn.

Trước đó chỉ có chín hư mệnh tử ở kinh đô Thượng Cẩn, hai vị Thứ sử ở Thủy Hằng châu và Dư châu đều chưa hạ sinh được đích tử, còn đích tử của Thứ sử Dương Nam châu chỉ vừa mới đủ tuổi năm nay.

Dương Nam châu là vùng lãnh thổ phồn thịnh và giàu có bật nhất Đại La chỉ sau Ngự Đằng châu và kinh đô Thượng Cẩn. Đứng đầu Dương Nam châu là Thứ sử Dương Cung Đồ Cát. Dương Cung gia là thế gia quyền lực nhất nơi đó.

Hư mệnh hội gồm ba vòng thi, kéo dài trong ba ngày. Mỗi lần tổ chức đại quan phụ trách là Tông chính Huyền Nhân Tư đều sẽ công bố thể lệ cuộc thi trước một tháng.

Hư mệnh hội luôn cố định ở vòng thứ nhất và vòng thứ ba, vòng thứ hai mỗi lần tổ chức đều đổi mới. Đây là thể lệ năm nay:

Vòng đầu tiên sẽ luôn là đối kháng tay đôi, năm nay có mười người, vừa đủ năm cặp đấu. (Nếu số người lẻ thì quán quân Hư mệnh hội lần trước sẽ được đặc cách vào thẳng vòng hai)

Vòng hai năm nay sẽ tổ chức thi leo núi, các bảo vật sẽ được giấu rải rác trên núi, mỗi hư mệnh tử sẽ rút thăm để biết thứ mình cần tìm là gì, nếu may mắn rút trúng bảo vật được giấu không quá kỹ thì có thể hoàn thành thử thách sớm. Hai người hoàn thành sớm nhất sẽ được vào vòng trong.

Vòng cuối cùng sẽ là đấu kiếm. Vì Đại La là một quốc gia trọng võ, nên mỗi con dân Đại La từ nhỏ đều được rèn luyện võ nghệ, đến mười tuổi biết cưỡi ngựa, mười lăm tuổi thành thạo bắn cung là chuyện hết sức bình thường. Kiếm pháp cũng là một môn học bắt buộc của hậu tôn các danh gia vọng tộc trong kinh thành.

Hoàn Thịnh Thư sắp tròn sáu tuổi, chuẩn bị vào Bảo Hòa giám học tập cùng các Hoàng tử và vương tôn quý tử khác.

Lúc này hai vị thái giám trong An Hòa điện đang kiểm kê các vật phẩm mà Tứ Hoàng tử sẽ dùng, cung nữ Huệ Tô là trưởng sự cung nữ bên cạnh Lan Phi, được phân phó phụ trách chăm sóc Hoàn Thịnh Thư.

Huệ Tô đặt danh sách vật phẩm qua một bên, phía sau các cung nhân mỗi người cầm khay đựng một bộ văn phòng tứ bảo kiểu dáng khác nhau, nhìn tiểu hoàng tử đang ngồi ngoan ngoãn trong thư phòng, lên tiếng:

“Điện hạ thích bộ nào?”

Trước mặt cậu là bốn bộ văn phòng tứ bảo* được chế tác tinh xảo, quý giá nhất trong số đó có lẽ là bộ Cầm Ly, gồm giấy và bút Tuyên Thành, cống phẩm nổi bậc của Ly châu, cùng với mực An Huy là cực phẩm trong các loại mực, được văn nhân Lại châu chế tác công phu, mỗi năm tiến cống cho triều đình.

(*Văn phòng tứ bảo: bốn món vật quý nơi thư phòng, được sử dụng cho mục đích viết chữ, vẽ tranh, bao gồm: bút lông, mực, nghiên mực và giấy.)

Nhưng bộ văn phòng tứ bảo hoàn hảo như vậy, lại thiếu mất nghiên mực Đoan Khê.

Đáng tiếc.

Hoàn Thịnh Thư có hơi thất thần, kiếp trước khi được hỏi câu tương tự, cậu đã không do dự mà lập tức chọn Cầm Ly. Ngự Sử đại nhân lần đầu kiểm tra thi pháp của cậu, liền tán thưởng sự chỉnh tề và tao nhã trong từng nét bút, nên đã không ngần ngại hướng cậu tập viết lối Khải thư cứng cỏi, sát phạt quyết đoán của bậc Đế vương.

Lúc đó cậu không biết, phụ hoàng chính là muốn thử cậu.

Lướt qua Cầm Ly, cậu chọn một bộ tứ bảo khác, nhẹ giọng đáp: “Cáp Nhi thích bộ này ạ.”

Huệ Tô không có ý kiến gì, từng vật phẩm đều đã được tuyển chọn rất kỹ, món nào cũng là trân bảo, rất phù hợp với tiểu hoàng tử.

Lúc này Hoàng Thịnh Thư vừa mài mực xong, chuẩn bị luyện chữ.

Chầm chậm đặt bút, tuy chưa chính thức bước vào Bảo Hòa giám nhưng lúc này cậu đã có thể cầm bút viết chữ. Nét chữ còn vương một ít cốt pháp* từ kiếp trước.

(*Cốt pháp: Còn gọi là “cốt lực…”, cốt là xương cốt, đây nói đến khung sườn của chữ, chỉ sự uẩn khúc của bút lực trong nét bút, tạo sự vững chắc của hình thể, toát ra được thần vận mà người viết muốn diễn đạt.)

Mạnh mẽ hữu lực, mẫu mực, quy phạm và chỉnh tề.

Đây đã từng là phong thái cậu mất một đời để luyện nên, nay dù đã rất lâu rồi chưa cầm bút, cũng không thể nào quên được.

Đôi tay nhỏ bé cầm bút có chút miễn cưỡng, nhưng Huệ Tô vẫn nhìn ra được tiểu hoàng tử viết chữ rất đẹp.

“Thật đẹp…” – Huệ Tô cảm thán thật lòng.

Nhưng dù là một cung nữ có xuất thân từ dòng dõi danh môn, Huệ Tô vẫn không nhận ra chữ của tiểu hoàng tử có gì đó không đúng.

Nếu Ngự Sử đại nhân mà thấy được, chắc chắn sẽ ảm nhiên thất sắc, nội hỏa trong lòng. Đồ đệ của ông không có người nào viết Khải thư phóng túng như vậy!

Sau khi luyện chữ xong cũng đã đến giờ Dậu*, khi tuyển thiếp* khó tránh khỏi thời gian qua mau, ngẩng đầu lên là đã thấy chiều tà.

(*Giờ Dậu: 17h-19h)

(*Tuyển thiếp: Là chọn thiếp để luyện tập. Thiếp là từ gọi chung những bản chữ mẫu được viết tay hoặc in đề.)

Huệ Tô thấy cậu đã luyện thi pháp xong, liền cho người mang vãn thiện của tối nay đến, gồm sườn kho chua ngọt, tam thi thang, và liên diệp canh, kèm theo một dĩa ngũ sắc tiểu viên đậu cao làm điểm tâm.

Trước khi ăn cậu chớp đôi mắt bồ câu xinh đẹp nhìn Huệ Tô, đưa tay nắm lấy vạt áo người, giọng ngoan ngoãn: “Cô cô, việc mà con nhờ…”

Huệ Tô không chịu được tiểu hoàng tử làm nũng, muốn đợi cậu ăn xong mới dâng lên nhưng bây giờ đành giơ tay đầu hàng, lấy một phong thư ra đưa cho cậu.

“Đây đây, điện hạ ăn hết cơm đã rồi hẵng đọc.”

Tiểu hài tử hài lòng cất phong thư qua một bên, rất ngoan ngoãn xử lý sạch sẽ chỗ đồ ăn trên bàn.

Buổi tối là khoảng thời gian Hoàn Thịnh Thư được tự do trong thư phòng, chỉ cần cậu không đòi đi đâu ra ngoài An Hòa điện thì hầu như lúc này muốn làm gì cũng được.

Mấy hôm trước Tông chính Huyền Nhân Tư vừa công bố thể lệ vòng hai của Hư mệnh hội, cậu đã nhờ chưởng sự cung nữ của mẫu thân là Huệ Tô cô cô lấy danh sách bảo vật sẽ được cất giấu ở vòng hai. Trên đây tất nhiên không để địa điểm giấu chúng, Tông chính đại nhân là một người rất nghiêm chỉnh, mọi thông tin liên quan đến Hư mệnh hội đều được bảo mật rất tốt, lấy được danh sách bảo vật đã là cực hạn của cậu.

Nhưng Tông chính Huyền Nhân Tư cũng không biết cậu cần thứ đó làm gì. Bình thường mọi người chẳng hứng thú gì với thông tin về cuộc thi này cả.

Đám quan lại thế gia đó chỉ thích đứng trên đài cao nhìn những hư mệnh tử đó đấu đá lẫn nhau, còn mình thì thưởng rượu, có cao lương mỹ vị kế bên, nhàn hạ ngồi xem.

Còn Hoàn Thịnh Thư muốn danh sách bảo vật đương nhiên vì nguyên nhân khác.

Theo cậu nhớ được, Dương Cung Kỳ Tuân tám tuổi lần đầu tham gia Hư mệnh hội đã có thể vượt qua vòng thứ nhất, đánh bại đối thủ hơn mình tận năm tuổi là đích tử Thứ sử Diên châu, gây ra chấn động không hề nhỏ.

Tuy nhiên vị đích tử kia không cam lòng chịu thua cuộc nhục nhã như thế, ở vòng hai đã lén lút tráo lá thăm của Dương Cung Kỳ Tuân. Tiểu Kỳ Tuân tám tuổi lần đầu gặp thủ đoạn đê tiện như vậy, bốc trúng Hạng liên nạm ngọc vô cùng quý giá, cũng là món được đặt sâu nhất trong núi.

Mọi người đều nghĩ hắn nên bỏ cuộc đi thôi, ngọn núi to lớn như thế, một món đồ bé xíu như Hạng liên làm sao mà tìm? Tuy vậy Dương Cung Kỳ Tuân vẫn tìm được, chỉ có điều bảo vật quá khó kiếm, lúc hắn trở lại thì đã có ba người hoàn thành thử thách.

Hoàn Thịnh Thư trầm ngâm.

Chính từ lúc này Hoàng đế đã chú ý đến hắn, sau đó khi triệu kiến các Hoàng tử đến để kiểm tra công khóa, thường hay đem Dương Cung Kỳ Tuân đi so sánh với bọn họ.

Nên Đại hoàng tử và đặc biệt là Nhị hoàng tử cực kỳ căm ghét hắn.

Nếu muốn giúp Dương Cung Kỳ Tuân thì chỉ có thể giám sát đích tử Thứ sử Diên châu kia thật kỹ, không để hắn ra tay tráo thăm.

Hai là…

Thực sự cậu không muốn đích thân đến Nhất Lãm lâu quan sát cuộc thi, nhưng đây thực sự là cách tốt hơn, vì đây là cơ hội tốt nhất để quý tử của Triệu Thái úy là Triệu Du cùng Dương Cung Kỳ Tuân có cơ hội gặp mặt.

Tên nhóc Triệu Du này kiếp trước là nghĩa đệ của Dương Cung Kỳ Tuân, là người duy nhất đứng về phía hắn khi Nhị Hoàng tử cùng các vương tôn thế tử khác bắt nạt tiểu Kỳ Tuân.

Triệu Thái úy đứng đầu võ quan trong triều, quyền lực không thua kém gì Thừa tướng thống lĩnh bách quan. Vì quan năm chỉ biết chinh chiến năm châu bốn bể mà đến tận khi đã nhi lập chi niên* vẫn chỉ mới có duy nhất một hài tử là Triệu Du.

(*Nhi lập chi niên: 30 tuổi)

Nên Triệu Du chính là tâm can bảo bối của ông ấy, khi tiểu tử đó ra đời thì Triệu Thái úy không có ở kinh thành, đích thân Hoàng đế đến trấn an Thái úy phu nhân, nhận Triệu Du làm chất tử*, mới vừa chào đời đã được ban tước vị, gọi là Cẩn Quận vương.

(*Chất tử: cháu trai)

Đến cả Nhị hoàng tử là hài tử duy nhất của Thác Hàn Mẫn Hoàng hậu thân phận cao quý khi gặp Triệu Du cũng không thể tỏ thái độ với tiểu tử này.

Theo như những gì Hoàn Thịnh Thư nhớ được ở kiếp trước, cũng phải hai năm sau hai người Triệu Du và tiểu Kỳ Tuân mới gặp mặt lần đầu.

Triệu Du là một tên nhóc ưa thích võ nghệ, đúng là phụ tử, điểm này giống với Triệu Thái úy y đúc, nhưng lại rất ham chơi. Còn Dương Cung Kỳ Tuân là một tiểu hài tử nghiêm túc, lúc nào cũng mang vẻ mặt bất cẩu ngôn tiếu*, song tố chất thân thể lại cực kỳ tốt, cũng chỉ có hắn mới chiêu đối chiêu được với Triệu Du. Từ đó Triệu Du cứ bám riết lấy hắn đòi tỷ võ, sau này hoàn toàn cam bái hạ phong* trước Dương Cung Kỳ Tuân, theo sau hắn một tiếng nghĩa huynh hai tiếng xưng mình là nghĩa đệ.

(*Bất cẩu ngôn tiếu: trầm mặc ít nói cười, kẻ nghiêm túc

*Cam bái hạ phong: thua một cách thuyết phục, cam chịu nhận thua)

Hư mệnh hội lần này Triệu Du khăng khăng yêu cầu được đến tham dự vì hắn đã sáu tuổi, đã đủ tuổi tham gia. Nhưng chưa kể đến việc đây chỉ là một cuộc thi dành cho đám hư mệnh tử thân phận thấp kém, cho dù có là hoàng tôn vương thất so tài thì Triệu Thái úy cũng không thể để tiểu tử nhà mình vào nộp mạng được, với trình độ hiện tại của hắn còn không phải là bị người ta xử lý thế nào cũng được sao.

Nên chỉ có thể đáp ứng Triệu Du cho hắn ở trên Nhất Lãm lâu quan sát cuộc thi mà thôi.

Hoàn Thịnh Thư gấp phong thư lại, đến trước thư án tỉ mỉ nhìn ngắm bức hoành thư bằng giấy Tuyên Thành hoa văn rồng quý giá được treo ở vị trí trung tâm trên tường, từng nét chữ ‘vĩnh’ (永) theo theo thể Khải thư như rồng phượng hòa hợp.

Bức hoành thư này là do Hoàng đế đích thân thi pháp, ban tặng cho các Hoàng tử vào dịp tết Nguyên Đán vừa qua, những hoàng tử khác không có yêu cầu gì nhưng riêng Hoàn Thịnh Thư đã xin phụ hoàng viết chữ ‘vĩnh’ này.

Kiếp trước cứ mỗi khi luyện tập thư pháp cậu đều dùng chữ ‘vĩnh’. Mỗi một nguyên tắc đề nét đều đã thuộc lòng. Đã đạt đến trình độ của “thể quán các” mà ngàn người khát cầu.

Ngự sử đại nhân lúc nào cũng yêu cầu các học trò thể theo nét bút của Hoàng Đế mà học tập. Nhưng cốt pháp của bậc đế vương nào dễ dàng thành thạo như thế.

Kiếp trước chính cậu đã từng chật vật biết bao lâu, nhưng bây giờ đã có thể hoàn toàn khống chế thi pháp của mình, từng nét đều giống y đúc vị phụ hoàng cao cao tại thượng trong ký ức.

Vì đã dành quá nhiều tâm huyết nên cốt pháp của cậu đã có chút giống phụ hoàng.

Lạnh lẽo.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.