– Alo?
– Thủy ơi, em biết mua tấm lót sữa ở đâu không?
– Sao chị không vắt ra, để con bé uống?
– Nó không uống kiểu đấy, không thích đồ đông lạnh.
– Ờ, chị ra hàng đồ sơ sinh chỗ phố bán vải ý. Nhiều sữa thế à?
– Ừ.
– Thế con bé uống gì lúc chị đi làm
– Nó chẳng chịu uống gì cả, sữa mẹ hâm lại cũng không, sữa bột cũng không, nó nhịn, đợi chị về, nên hết giờ là phi về, chẳng dám đi đâu.
– Thế khó nhỉ, chị đổi sữa bột xem?
– Chị đổi mấy loại rồi, từ Mỹ sang Hàn quay lại Việt Nam, chả uống loại nào cả, điên thế.
– Thế thì khó đi xả stress rồi, chị phải tập cho nó đi.
– Chịu, bà pha nó không uống lại đi nấu bột, chả bảo được, bất lực với cả họ nhà nó.
– Hahaha..
Từ ngày có con nhỏ, tốc độ đi xe máy của Trúc đã tăng lên từ 20-30km/h lên 40-60km/h. Thật ngưỡng mộ bản thân. Có lần đi tắt qua đường, ngược chiều mất 2-3 mét đường, bị hai chú cảnh sát đuổi theo cả đoạn cũng không biết:
– Sao tôi gọi mãi mà chị không dừng lại?
– Ủa, anh biết tên em à? Sao em không nghe thấy nhỉ?
– Không, tôi ra hiệu cho chị dừng lại lúc chị vừa sang đường ý, chị cũng không dừng.
– Thế à, em không để ý.
– Chị làm gì mà đi như ma đuổi thế?
– Anh nhìn thấy cả ma cơ à?
– Thôi, cái chị này, chị cho xem giấy tờ xe đi.
– Sao lại xem giấy tờ của em?
– Chị đi ngược chiều chỗ cổng trường Dược, vi phạm luật giao thông.
– Thế ạ? Chỗ cổng trường em là ngã tư mà?
– Không, cổng trường chị nằm qua dải phân cách nên không được rẽ sang.
– Qua có 2-3m thôi cũng không được ạ?
– Không. Đề nghị chị xuất trình giấy tờ.
– Đây ạ.
– Giấy đăng ký xe của chị đâu?
– Không có trong túi đấy ạ?
– Không, đây chị xem, chỉ có giấy phép lái xe, bảo hiểm và căn cước..
– Thế em không mang rồi, nó ở đâu nhỉ?
– Thế chị theo chúng tôi về đồn nhé, tôi sẽ chở chị. Tạm giữ xe, chị về mang giấy tờ ra rồi lấy xe về.
– Hic, em vội về, đi làm từ sáng, con em nó không uống sữa bò, chỉ dùng của người thôi, cháu khóc khản cổ rồi, anh ghi phiếu phạt giúp em với?
– Đã có con rồi cơ à? Sao lấy chồng rồi không đeo nhẫn hả?
Ô hay, hai ông này chuyển ngạch sang cảnh sát điều tra à.
– Đeo nhẫn lúc thay bỉm nó dính linh tinh anh ạ, rồi rửa tay mãi mà không hết mùi, hóa ra nó tàng hình trong nhẫn nên không đeo được, báo cáo hai anh thế ạ.
Hai chú cảnh sát trẻ phì cười rồi tha cho một mạng, còn dặn đi chậm chậm thôi nữa chứ. Đáng yêu ghê. Cứ tưởng tội vượt quá tốc độ cơ, hóa ra mình đi cũng chưa nhanh lắm nhỉ, vẫn bị bắt kịp.
Về đến nhà, thấy bà đang vội vàng lấy cái khăn lau bàn lau mồm cho nó. Trúc hốt hoảng:
– Sao bà lại dùng khăn lau bàn lau mồm cho cháu thế? Giấy ăn đầy kia thôi.
– À, thì tiện, vội không sữa nó chảy ướt cổ, nó cứ nhè ra không chịu uống.
– Vâng, nhưng lần sau bà dùng giấy ăn nhé hoặc khăn của cháu, thế kia mất vệ sinh quá.
Bà lườm xéo, mặt đanh lại:
– Gớm, có làm sao, khăn sạch để lau bàn chứ có gì đâu..
Con bé nghe thấy mẹ về, nó nhao ra, mặt mày rạng rỡ, hét lên vui mừng, nhào ngay vào lòng mẹ. Nhìn thấy ánh mắt, nụ cười của nó, bầu trời như bừng sáng sau cơn mưa. Trúc chưa từng thấy ai cười dễ thương như nó. Ở cái nhà này, chỉ mỗi con bé là đáng yêu. Nó ti xong, cười sảng khoái, niềm vui tràn ngập trên gương mặt. Trúc mà về nhà là con bé không dời, nó như cảnh sát, theo dõi Trúc mọi lúc, mọi nơi. Nó ngồi chơi thế thôi nhưng đôi lúc lại ngó ra nhìn xem mẹ đang làm gì, có trong tầm mắt của nó không. Chỉ cần ra khỏi thị trường của nó là nó nhớn nhác ngay, ngó trước ngó sau không thấy là sẽ kêu ầm lên. Đi vệ sinh cũng không yên với nó. Thật đáng sợ. Nhưng con bé yêu Trúc vô điều kiện, Trúc mặc đẹp hay không, béo hay gầy, thơm tho hay đầy mùi mồ hôi, mùi khói bụi, mặt Trúc đang nhăn hay đang cười.. nó chẳng bận tâm, lúc nào cũng rạng rỡ rồi nhao vào lòng, ôm mẹ, hít hà, cười rinh rích. Nếu không có nó, Trúc sẽ chẳng bao giờ biết được thứ tình cảm như thế.
– Mẹ ạ?
– Mai được nghỉ không? Bố mẹ lên chơi với cháu.
– Con có ạ.
Sáng hôm sau, ông bà ngoại lên chơi, vác theo một túi rau to bự với 2 con cá cùng hoa quả trong vườn.
– Ông bà mang gì nhiều thế? Bà nội nó đon đả ra đón.
– À, tôi mang cho bà với chúng nó ít rau củ sạch, nhà trồng với con cá sông.
– Ôi dào, mang gì cho vất vả, rau nào chả rau sạch, cá sông trên này chợ bán đầy.
Ông ngoại quay ra nhìn bà ngoại, cả hai cùng im lặng. Thấy không khí ngượng ngùng, Trúc vội hỏi:
– Bố mẹ có mệt không?
– Không, đi xe bus tí là đến, cũng nhanh mà. Linh ra bà bế nào.
Hai ông bà xúm lại chơi với con bé, bà nội nó thì sang hàng xóm chơi. Đến gần trưa thì ông bà ngoại đòi về, nhất định không ở lại ăn cơm. Nghĩ mà tức, cũng chẳng biết động viên bố mẹ thế nào. Chả trách không ai thích đẻ con gái. Trúc lúc biết có con gái cũng hơi thất vọng chút, thực ra không phải là tư tưởng trọng nam khinh nữ mà nghĩ con gái sau này khổ hơn con trai. Làm gì cũng khó hơn bọn đàn ông, đến thanh xuân cũng ngắn ngủi hơn, không lấy chồng cũng khổ mà lấy chồng thì càng khổ. Có những việc chẳng thể nào bình đẳng được, sinh con hay chăm con chẳng hạn. Truyền thống ở với nhà nội chẳng hạn, bố mẹ chồng ốm thì phải có mặt luôn mà bố mẹ mình ốm thì chưa chắc đã về chăm được. Đúng là nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Nếu con cái hạnh phúc thì về già được thanh thản chứ nó mà vất vả thì cứ nghĩ thương con thôi cũng sinh bệnh. Trúc sẽ dạy con thế nào nhỉ, để nó có thể tạo lập cuộc đời hạnh phúc? Nghĩ thôi cũng đã thấy mệt.