Giữa tháng 12, bố bất ngờ về nước.
Thu xếp xong, ông liền đánh điện gọi hai đứa con trai về ăn Giáng sinh rồi ở lại đón Tết.
Mấy năm rồi bố mới về nên ba chị em đều không dám trái lời.
Bộ Khanh cứ túm lấy Bộ Thư mà cằn nhằn: nào là bố làm cho phòng khách đầy khói thuốc, nào là bố nói chị thất nghiệp bắt chị quét dọn, nấu ăn…!Bộ Thư nghe rồi vâng dạ, song không mấy để ý.
Người có thể xuống bếp nấu cơm trong bộ com-lê như bố chắc chắn sẽ không hút thuốc trước mặt con cái.
Đêm giao thừa, bố đích thân vào bếp, Bộ Khanh phụ giúp.
Bộ Thư xếp bát đũa ra bàn, thấy bố lấy từ trong tủ kính ra một chai rượu nho.
Bộ Khanh lại cầm ra một chai vang Đức, bảo: “Cái này uống ngon hơn.”
Bố và chị nhìn nhau, không ai định nhường ai.
Bộ Thư đánh mắt với chị: “Chai của bố nhẹ, vị không khác lắm so với nước trái cây, em và anh hai uống dễ hơn.”
Sau bữa tối, bố lên phòng gọi điện cho mẹ, Bộ Khanh lại cầm chai vang, kéo Bộ Chấp lẫn Bộ Thư ra ngoài hiên ngồi, rót cho mỗi người một ly rượu: “Uống với chị.”
“Không được, rượu này bố được tặng.
Bố chỉ mới uống ba ly.” Bộ Chấp muốn đứng lên, bị Bộ Khanh túm cổ ấn ngồi xuống.
Chị đưa ly cho Bộ Thư: “Năm nay em về phe bố, năm sau phải về phe chị.
Im miệng, đêm nay chị phải tập cho hai đứa uống rượu.”
Bộ Thư vẫn còn nhớ vị bia dở tệ từng uống ở tiệc lớp nên không thích lắm, chỉ nhấp một chút.
Ban đầu cậu chưa quen nên hơi cau mày, sau đó thì cảm thấy một hương vị đậm đà tràn ngập trong miệng.
Khó nói là mùi vị này ngon hay không ngon nhưng nó khiến cậu muốn uống thêm chút nữa.
Bộ Chấp lớn hơn nên biết cách uống, nhấp một cái đã khen ngon.
Bộ Khanh đi lấy lò và vỉ, ném hạt dẻ quét bơ lên nướng làm đồ nhắm.
Anh hai bực mình nói chị không biết thưởng thức mùi vị nguyên chất của rượu vang.
Bộ Thư khêu lửa, quạt khói ra phía ngoài sân.
Tiếng than nổ tanh tách, mùi hạt dẻ trộn với bơ bốc lên thơm phưng phức.
Gần 0 giờ, sân nhà bên cạnh vang lên tiếng đếm ngược.
Bộ Thư ngước mắt lên, tuy không thấy được pháo hoa nhưng có thể thấy ánh sáng hắt lên nền trời, tiếng vang lụp bụp từ xa truyền tới không thể phân rõ với tiếng hạt dẻ nổ.
Bộ Chấp và Bộ Khanh vẫn đang tranh luận về chuyện phải dùng rượu vang như thế nào mới là đúng điệu.
Bộ Thư có hơi mơ màng nhìn tuyết trắng rải rác trong sân, tự hỏi không biết anh đang làm gì? Sau khi gửi quýt cho anh, cách khoảng hai tuần cậu lại gọi điện đến nhưng anh không muốn tiếp chuyện cậu.
Cậu đã đoán trước là anh sẽ phản ứng như vậy nên cũng không quá buồn rầu.
Ly rượu vang đã vơi của cậu lại được rót đầy.
Bộ Chấp thấy nóng người, cởi vớ ra, đạp chân trần xuống tuyết.
Bộ Khanh mở nhạc trên di động.
Không biết là bài gì, anh và chị hai đều biết bài hát này, thấp giọng ngâm nga.
Cậu khẽ lắc lư theo nhịp điệu.
Sáng hôm sau, Bộ Thư vừa dậy đã thấy đầu đau quá chừng, phải ngồi bóp trán hơn mười phút để có thể lết vào nhà vệ sinh rửa mặt.
Cậu vẫn chẳng thấy tỉnh hơn tí nào, lừ đừ bám lan can cầu thang đi xuống tầng, chưa thấy bóng dáng ai thì đã nghe tiếng chị: “Con từ chức thì thế nào? Bởi vì con không thích làm công việc cũ nữa nên bố được phép nói con vô trách nhiệm sao?”
“Cô còn nói không phải? Bố mẹ tìm cho cô một công việc ổn định dễ lắm hay sao mà cô còn thích thì làm, không thì bỏ? Thời đại này đàn ông lẫn phụ nữ đều mong muốn phát triển bản thân.
Còn cô làm việc thì lơ đãng, ở nhà thì lười biếng, nếu không muốn ra ngoài thăng tiến thì cô đi xem mắt ngay cho bố!”
“Con ăn bám nhà ta chắc! Tiền con dùng là tiền con kiếm được, tại sao con lại không được tiêu xài để sống theo ý mình? Con cũng đâu phải gánh nặng của gia đình!”
“Hai mươi mấy tuổi đầu rồi mà sao cô còn lý sự như trẻ con thế hả? Cô không làm tấm gương cho anh em cô thì ai làm? Bộ Thư học theo cô thì hỏng mất! Em út cô từ nhỏ đã chẳng bao giờ làm bố mẹ phải phiền lòng.
Còn cô xem lại bản thân mình đi!”
Bộ Thư vòng lại lên lầu thay quần áo, lấy ví và điện thoại rồi lần nữa đi xuống tầng.
Do cậu cố ý phát ra tiếng động nên bố và chị liền dừng trận khắc khẩu.
Bộ Khanh hỏi: “Em tính đi đâu?”
Cậu trả lời: “Em đi chúc Tết nhà Lữ Gia.”
“Đi đi.” Bố tằng hắng nói: “Gửi lời hỏi thăm sức khỏe của bố đến họ.”
Bộ Thư đáp vâng, cầm khăn quàng rời khỏi nhà.
Tiệm đồng hồ chỉ mở một cánh cửa, trước nhà có kê hai chậu hoa tulip.
Bộ Thư vừa bước vào thì thấy bóng lưng của một cô gái tóc ngắn đang dựa vào quầy, không biết là ai.
Lữ Gia vén rèm bưng một đĩa táo đi ra, thấy cậu liền mừng rỡ: “Thần tài đến! Thần tài đến!”
Cô gái quay đầu lại, khuôn mặt điểm trang sáng sủa – là Bạch Vi.
Năm nay cô đã cắt tóc, mặc một chiếc váy jean nằm trên đầu gối khoe ra đôi chân dài trắng như sứ, bình thản bốc một miếng táo lên ăn: “Thần tài mở bát, nộp lì xì thì mới được vào.”
“Cửa nhà tôi ai cho cậu thu lì xì!” Lữ Gia kéo tay Bộ Thư: “Với lại, đây là bạn thân nhất của tôi, lì xì của cậu ấy chỉ có tôi được cầm.”
Bạch Vi hừ một tiếng, cúi đầu bấm điện thoại.
Bộ Thư ngồi xuống đằng sau quầy.
Gió thốc qua cửa làm tấm mành lay động.
Cậu nhìn thoáng qua chân cô gái trước mặt, thầm nghĩ: cô ấy không thấy lạnh sao? Cậu cởi áo khoác ra, đưa lên quầy cho Bạch Vi: “Gió nổi to quá, cậu cầm tạm mà che lại.”
Bạch Vi ngẩn ra rồi chợt cau mày: “Tớ đấm cậu bây giờ.”
“Hả?”
“Đầu năm đầu tháng đừng bắt con gái người ta trở nên bạo lực.” Cô ấy quay ngoắt đi, dịch ghế cách ra xa.
Bộ Thư ngượng ngùng mặc áo khoác vào trở lại.
Bạch Vi ngồi ăn nửa non đĩa táo thì đứng lên chào tạm biệt.
Cô ấy mặc mỏng manh thật, tưởng như chỉ cần gió thổi mạnh một cái thì có thể bị cuốn đi.
Bộ Thư quay đầu nhìn Lữ Gia: “Sao cô ấy lại ở đây?”
Cậu ta nhún vai: “Cô ấy có chút vấn đề với bạn bè.
Đôi khi tớ thấy cô ấy ngồi một mình trong nhà ăn thì sẽ đến ngồi cùng.”
Sau khi thi lại, Lữ Gia đã vào cùng trường với Bạch Vi, học ngành liên quan đến khí tượng.
Tuy bác gái không quá hài lòng nhưng cậu chàng lại thấy rất vui.
Bộ Thư có chút bùi ngùi vì đồng cảm, hỏi tiếp: “Cậu với Khả Khả sao rồi? Còn giữ liên lạc không?”
“Còn giữ.” Lữ Gia hơi ngừng lại, chống cằm nhìn lên trần nhà: “Nhưng cô ấy bận lắm.
Nhắn tin thì mấy tiếng sau mới rep, gọi điện lại chẳng nói được mấy câu.”
Cậu ta thở dài thườn thượt: “Trước đây tớ không tin, bây giờ mới biết khoảng cách địa lý đúng là có thể khiến người ta xa cách.
Cậu có thấy xa cách với tớ không?”
“Hình như cũng có một chút.”
“Hả!”
“Cậu bắt đầu biết cảm khái rồi.”
Lữ Gia dí nắm đấm vào vai cậu.
Ngồi trong tiệm đồng hồ, lắng nghe âm thanh tích tắc chồng lên nhau, Bộ Thư chợt nghĩ: đường dài đằng đẵng, có người đi trước đi sau, nhưng sau cùng tất cả mọi hiền nhân đều sẽ quy tụ tại một chỗ – điểm cuối của thời gian.
Vì vậy, cậu chẳng có gì phải sợ.
Buổi chiều, không biết anh hai và chị hai đã đi đâu, Bộ Thư lẳng lặng chuẩn bị bữa tối với bố.
Hai người chẳng có chủ đề gì để nói với nhau.
Lúc dọn dẹp, bố đột nhiên bảo: “Bố nghe nói con đang đi làm thêm.”
“Phải ạ.”
“Tiền tiêu xài của con không đủ sao?”
Cậu ngập ngừng: “Còn đủ ạ.”
“Việc duy nhất con cần làm là tập trung học.
Bố không muốn con phân tâm vào chuyện khác.” Ông nói thẳng: “Nghỉ đi.”
Bộ Thư vắt khô khăn lau bàn: “Vâng.”
…
Lên năm Ba, lịch học của Bộ Thư dày hơn nhiều.
Nhờ thường xuyên đến tìm anh hai, cậu mới thấy được cái cảnh anh trai họ Vệ lăn lê từ giảng đường về quán net, bạ đâu ngủ đó, chỉ khi đội mũ leo lên mô-tô thì mới nhìn ngầu hơn một chút.
Cậu không nhịn được phải hỏi: “Anh thật sự bận lắm sao?”
Vệ Quyết chân nam đá chân chiêu đi đường, ngáp dài đáp: “Trông anh giống giả vờ à?”
“Nhưng em thấy anh rảnh rỗi đều ra quán ngồi, nếu anh buồn ngủ thì sao không về ký túc mà ngủ?”
Anh ta cười: “Phòng anh có Văn Khúc Tinh quân nhà em tọa trấn, trên giường dưới đất đều bày trận pháp, anh về đó càng không thể ngủ nổi.”
“Buổi tối anh làm gì mà luôn thiếu ngủ? Học bài sao?”
“Anh đây đi làm.”
“Ca đêm ạ? Em nghe nói lương cao hơn ban ngày, anh tan ca khi nào?”
“Tầm ba, bốn giờ sáng gì đó.” Vệ Quyết che miệng ngáp một cái rõ to: “Mệt muốn chết nhưng anh cần tiền.
Vậy thôi, bye.”
Bận rộn đến giữa tháng năm, thi xong, Bộ Thư nghe nói chương trình Mùa mơ sắp phải dừng thu.
Khó trách được, chuyện này không sớm thì muộn cũng xảy ra, nó lết được hai năm đã là kỳ tích rồi.
Tự dưng rảnh rỗi làm cậu không quen, suy nghĩ vài ngày thì gọi cho Vương Châu Văn.
Cậu ta học cách không xa nơi này, đi tầm ba tiếng đồng hồ thì đến.
Vương Châu Văn đẩy cửa vào nhìn quanh quất, thấy Bộ Thư ngồi gần cửa sổ, tay áo vén lên lộ ra khớp xương.
Cậu ta tiến đến chào: “Cậu gầy đi.”
Bộ Thư chỉ vào dưới cằm: “Gần đây cậu bận lắm hay sao mà râu còn chưa cạo?”
“Đúng là bận.” Vương Châu Văn gọi một tách cà phê đen: “Hôm qua tớ mới đi gặp dì.
Dì vẫn còn buồn sau khi anh dì mất, cả người tiều tụy không thiết tha làm gì.
Kim Hi Thần lúc nào cũng túc trực ở bên mẹ.”
“Cậu nói sao? Anh của cô Kim mất?” Bộ Thư sững cả người: “Anh của cô Kim là…”
“Cậu biết ông ta.” Vương Châu Văn gật đầu.
Bộ Thư không thể thốt ra một tiếng nào.
Sau khi cà phê của đối phương được mang lên, cậu mới hỏi: “Bác ấy mất lâu chưa?”
“Cuối năm ngoái, tang lễ được cử hành ngay trước giao thừa.”
“Anh ấy có biết không?”
“Chắc là biết.”
Bộ Thư trầm mặc.
Vương Châu Văn khuấy tan đường, uống một hớp: “Trước kia cậu nói gì, tớ muốn hỏi cậu một câu.”
“Hỏi đi.”
“Đừng trách tớ hẹp hòi, dù đã hơn một năm nhưng tớ vẫn còn băn khoăn, lúc đó vì cậu canh thời gian khá chuẩn xác nên tớ nghi ngờ liệu cậu có từng tiếp tay cho anh ta không?”
“Chưa từng.”
Vương Châu Văn im lặng một lúc rồi đáp ừm.
Bộ Thư: “Cậu đang đợi ai sao? Cậu nhìn đồng hồ ba lần rồi.”
“Tớ có hẹn một người.
Chắc là cũng sắp tới.”
Chờ thêm tầm hai mươi phút, tách latte của Bộ Thư đã tan hết đá, thì thấy một người con gái vội vàng bước vào quán.
Cô mặc quần suông và sơ mi, tóc buộc đuôi ngựa, trông như một nhân viên công sở vừa tan tầm.
Vương Châu Văn vẫy tay với cô ấy, nhìn gần hơn Bộ Thư mới nhận ra Lê Khả Khả.
Cô trang điểm khá trưởng thành, đỏ mặt cáo lỗi vì đến muộn, ngồi xuống gọi trà sữa.
“Lâu rồi không gặp hai cậu.” Lê Khả Khả ngượng ngùng.
“Cậu đi làm rồi à?”
“Vẫn đang thử việc.
Nè, tớ trang điểm vầy nhìn kỳ không?”
“Không, nhìn xinh lắm.” Bộ Thư mỉm cười: “Tớ chỉ hẹn Châu Văn, không ngờ cậu ấy lại mời cả cậu đến.”
Lê Khả Khả nhận trà sữa từ tay phục vụ, hút liền một ngụm lớn, hồn nhiên cười: “Bọn tớ thường xuyên liên lạc với nhau.”
Vương Châu Văn uống cà phê.
Bộ Thư nửa đùa nửa thật hỏi tiếp: “Hai cậu thân với nhau từ lúc nào vậy hả?”
“Châu Văn nhắn tin cho tớ trước.
Cậu ấy có một đàn chị học chung trường cấp ba với tớ.” Lê Khả Khả không biết lý do Bộ Thư hẹn gặp Vương Châu Văn, chỉ nghĩ đây là một buổi tụ tập ôn chuyện nên ăn uống, tán dóc vui vẻ đến quên trời đất.
Năm giờ chiều, Lê Khả Khả khẽ kêu lên nhìn đồng hồ, đặt phần tiền trả cho mình rồi vội vàng rời khỏi giống như lúc đến.
Ngoài trời đầy mây âm u, Bộ Thư ăn nốt miếng bánh kếp, hỏi: “Cậu rất thân với đàn chị học cùng trường với Khả Khả?”
“Có thể xem là vậy.
Mẹ chị ấy là đồng nghiệp với mẹ tớ.
Mấy năm nay tớ chỉ gặp được chị ấy vài lần.
Sau khi nghỉ học, chị ấy đã phải đi trị liệu trong hai năm, hiện tại hình như đang học tại một trường cao đẳng.”
“Cậu có số điện thoại hoặc địa chỉ liên lạc của chị ta không?”
“Cậu tính làm cái gì?” Vương Châu Văn cảnh giác.
“Tớ có thể làm gì một người xa lạ chứ?” Bộ Thư bình tĩnh đáp: “Cậu đã có thể tin tớ một lần thì không thể tin tớ lần thứ hai ư? Tớ biết lý do cậu gọi Khả Khả đến.
Cậu lo nếu nói chuyện trực tiếp với tớ về anh ấy thì hai ta sẽ bất đồng quan điểm.
Cậu không muốn đánh mất tình bạn giữa chúng ta, tớ cũng vậy.”
Vương Châu Văn uống cạn cà phê rồi lấy khăn giấy viết xuống một số điện thoại và địa chỉ mail, bảo: “Những chuyện mà Thẩm Hi Quang đã làm với chị ấy đều là sự thật.
Anh ta không phải người tốt gì.”
Sau khi tạm biệt, Bộ Thư đi bộ đến tiệm điện tử ven đường mua một thẻ sim mới.
Cậu nhét sim vào, ngồi trong siêu thị mini, trong lúc đậy nắp mì ăn liền thì gọi vào số di động nọ.
Gọi ba cuộc liền, không ai bắt máy.
Bộ Thư vừa ăn mì vừa tiếp tục gọi.
Mười phút sau rốt cuộc cũng có người bắt máy, là một cô gái có giọng khàn khàn, “A-lô? Ai vậy?”
“Chị Nguyễn Niệm ạ?”
“Cậu là ai?”
“Tôi là người quen của bạn cũ của chị.” Không đợi chị ta hỏi tiếp, cậu liền nói: “Chị có sở thích sưu tầm bưu thiếp không? Thời gian qua người quen của tôi đã liên tục nhận được những tấm bưu thiếp màu vàng.”
Đối phương ngắt máy.
Bộ Thư tiếp tục gọi lại.
Nguyễn Niệm không nghe.
Cậu không bỏ cuộc, gọi đến chừng nào bên kia chịu bắt máy.
Chị ta mắng: “Cậu bị điên à!”
Bộ Thư vào thẳng chính đề: “Chị học trường tư thục cấp hai Thanh Khâm, sau đó thi vào trường cấp ba Tiên Lễ, nghỉ học vào năm lớp 11 vì bị bắt nạt; sau đó phải đi trị liệu trong hai năm, hiện tại đang theo học tại trường cao đẳng kinh tế.
Năm lớp 6, chị từng theo người thân đi làm tình nguyện viên ở Nhà tình thương Số 23 và gặp Thẩm Hi Quang, đúng không?”
Nguyễn Niệm phát ra tiếng thở dốc.
Bộ Thư trấn an: “Tôi biết được những thông tin này từ người quen của chị.
Tôi cũng từng đi đến Nhà tình thương Số 23 để thu thập tư liệu nên mới biết chuyện của chị với đàn anh Thẩm.”
“Cậu là bạn của…!Thẩm Hi Quang sao?” Chị ta mất vài hơi để gọi ra tên anh.
“Em là đàn em của anh ấy.” Cậu đổi xưng hô, giọng cũng nhẹ nhàng hơn: “Chị Nguyễn Niệm, em nghe nói chị từng thích đàn anh của em, có thật là vậy không?”
“Chắc vậy.” Giọng chị ta đầy do dự.
“Cho phép em nói thế này, có thể chị sẽ hơi bối rối nhưng có phải người chị gặp năm lớp 6 với Thẩm Hi Quang năm lớp 11 rất khác nhau không? Ý em là: có phải chị cảm thấy tại hai thời điểm đó, Thẩm Hi Quang mà chị tiếp xúc giống như hai người khác nhau không?”
Nguyễn Niệm im lặng.
“Phải sao?” Bộ Thư tiếp tục hỏi như ép buộc: “Chị nghĩ như vậy thật sao?”
“Tôi, tôi, tôi…!đã năm năm trôi qua kể từ lần đầu tôi gặp cậu ấy, cậu ấy có khác đi cũng là chuyện đương nhiên.
Nhưng cậu ấy quá khác.
Quá xa lạ…”
“Cảm ơn chị.” Cậu lại hỏi: “Chị có biết gì về những tấm bưu thiếp màu vàng không?”
“Tôi không biết gì hết.
Xin cậu đừng làm phiền tôi nữa.”
Bộ Thư xin lỗi rồi cúp máy, thầm nghĩ: Ra là vậy.
Cậu nhìn đồng hồ, tám giờ rưỡi, đứng dậy thu dọn rồi đi về.
Vừa đi vừa suy nghĩ, cậu vẫn nhớ khi cùng anh đi đến nhà tình thương, anh đã rút tay ra và buột miệng nói: Tôi không phải Thẩm Miên.
Bây giờ cậu dám suy đoán người mà Nguyễn Niệm gặp gỡ năm lớp 6 là Thẩm Miên, người chị ấy từng thích thầm cũng là Thẩm Miên.
Điều này quả thật khó chấp nhận đối với Thẩm Hi Quang.
Còn về những tấm bưu thiếp màu vàng, Bộ Thư chưa từng quên mất chúng.
Sau khi anh nói cậu không được xen vào, đám bưu thiếp dường như cũng biến mất tăm nhưng cậu có linh cảm rằng anh vẫn nhận được chúng.
Có những chuyện nhìn như chẳng liên quan nhưng Thẩm Hi Quang có thể đang toan tính.
Anh không làm gì vô nghĩa.
Cậu thật không muốn bị giật dây như con rối nữa.
…
Tần Cố và Hà Kiều Dung lật lại lịch sử trị liệu của Thẩm Hi Quang.
Bà tìm thấy hồ sơ của bệnh viện tâm thần, nhíu mày nói: “Bọn họ từng thôi miên cậu Thẩm? Làm thế nào? Cậu ấy quá kháng cự, không phù hợp với thôi miên.”
Không thần kỳ như sách báo cường điệu hóa, thôi miên là một liệu pháp rất đỏ đen – lúc thì có hiệu quả, khi thì phản tác dụng.
Trong quá khứ, thôi miên từng chứng minh tính hữu ích trong trị liệu đa nhân cách, tuy nhiên, nó rất nguy hiểm và chống chỉ định đối với người có nhận thức méo mó hoặc triệu chứng hoang tưởng.
Và, rõ ràng – là Thẩm Hi Quang có cả hai điều trên.
Hà Kiều Dung tiếp tục đọc hồ sơ: “Dùng thuốc trong lúc thôi miên? Chuyện này chưa được công nhận.
Tôi không phủ nhận là bọn họ đã thành công trong việc khiến Thẩm Miên và Thẩm Dã tạm thời lặn xuống.
Tuy nhiên, cậu Hi Quang đã mất hoàn toàn trí nhớ về quá trình trị liệu, đồng thời trở nên kháng cự với thuốc men – các di chứng là quá nghiêm trọng.”
“Cậu ấy từng hai lần dùng hung khí tấn công bác sĩ điều trị.” Tần Cố bổ sung: “Vì vậy, họ đã cưỡng chế điều trị cho cậu ấy bằng thôi miên.
Tôi không phủ nhận các di chứng để lại.
Nhưng ngài Úc là người giám hộ lúc đó của cậu Thẩm đã không giải quyết, chúng ta cũng không thể nói gì.”
Hà Kiều Dung thở dài.
Ở đâu cũng vậy, mặc dù có bộ luật đạo đức nghề nghiệp nhưng người ta luôn muốn lựa chọn hướng đi thuận lợi cho chính mình.
Bà mang theo hồ sơ này, ghi chú lại: Mất trí nhớ (có thể) vì bị thôi miên.
Trong một năm qua, Thiên Sứ xuất hiện rất ít, cả tháng mới gặp được một lần, thời gian duy trì cũng không lâu.
Cậu ta vẫn kín miệng như bưng.
Thẩm Hi Quang thì liên tục xuống sắc, không có sức lực để làm gì.
Điều an ủi là Thẩm Miên và Thẩm Dã rất chịu hợp tác để giúp anh khá hơn.
Năm thứ tư hoa ngô đồng nở, Thẩm Hi Quang ngừng uống thuốc.
Khi đã ổn định hơn, anh bắt đầu siêng học tiếng Tây Ban Nha.
Anh nói nếu không phải bị đưa vào đây thì mình đã tốt nghiệp ngành Ngữ văn Tây Ban Nha rồi.
“Chà, cậu đã nghĩ đến việc tốt nghiệp đại học.
Suy nghĩ tích cực này rất đáng được biểu dương.” Tần Cố đặt quýt xuống: “Xem quà ai gửi cho cậu này.”
Thẩm Hi Quang ném thỏi than chì về hộp đựng, lau tay rồi bóc quýt: “Ở đây chán chết, tôi muốn đi ra ngoài.”
“Tháng sau là được rồi, Tiến sĩ Hà cần kiểm tra cậu vài lần nữa, sau đó tôi và bà ấy sẽ ký giấy cho cậu.”
Những bệnh lý về tâm thần, tâm lý hầu hết đều phải trị liệu tính trên đơn vị năm, nhiều năm – thậm chí là cả cuộc đời.
Vì vậy, mục tiêu của điều trị tâm thần không phải là hết bệnh mà là thích nghi với cuộc sống có bệnh.
Rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, OCD, hay rối loạn phân ly đều là bệnh lý mãn tính, có thể tái phát bất cứ lúc nào nếu gặp kích thích đủ mạnh.
Trong trường hợp của Thẩm Hi Quang thì điều khoản giữa Tần Cố và Úc Trầm đã đến hồi kết, y không có quyền nhốt anh tiếp trừ phi Tòa án có lệnh.
Chỉ cần kết quả đánh giá của Hà Kiều Dung cho thấy anh đã đủ điều kiện để tái hòa nhập cộng đồng thì nơi này cũng không giữ anh nữa.
Luật sư của Úc Trầm lái xe đến từ rất sớm.
Ngồi bên ghế phụ là Giang Thành Văn.
Hắn cầm áo khoác choàng lên vai Thẩm Hi Quang, mở cửa sau cho anh.
Tần Cố thầm nghĩ: chưa thừa kế tài sản mà đã có dáng vẻ thiếu gia rồi đấy.
Ngồi trong xe, Thẩm Hi Quang vẫy y lại gần, thầm thì nói: “Để báo đáp sự tận tâm của anh mấy năm qua, tôi cho anh biết một bí mật: không phải bốn, là năm.”
“Cái gì?”
“Có tất cả là năm nhân dạng.
Tôi, Thẩm Miên, Thẩm Dã, Thiên Sứ và một người nữa.”
Tần Cố sửng sốt.
“Giấy đã ký rồi.” Anh lơ đãng mỉm cười: “Không ai có thể tước đoạt tự do của tôi nếu tôi chưa làm gì.”
Trong một giới hạn nào đó, không còn luật pháp gì nữa.
“Tôi chưa từng mong muốn được chữa.
Tôi muốn bệnh.
Tôi sẽ vĩnh viễn không có tội vì tôi là kẻ tâm thần.
Tôi luôn có thể biện hộ trước Tòa rằng: Tôi đâu có làm chuyện đó, là một nhân dạng khác của tôi đã làm.” Thẩm Hi Quang phủi cánh hoa ngô đồng rơi trên kính: “Tạm biệt.”
Anh lập tức quay vào xe, đắp áo khoác lên người, tựa đầu lên cửa nhìn khung cảnh trôi về sau, chìm vào giấc ngủ.
Trong giấc nửa tỉnh nửa mê, anh thấy như có người vây quanh mình.
Một, hai, ba, bốn…!người.
Thẩm Miên ở gần anh nhất – ngay bên cạnh.
Ba người còn lại như mặt đối mặt trò chuyện.
Anh tỉnh dậy, tim đập hồi hộp, rùng mình hoảng hốt.
Anh không thích việc các nhân dạng trở nên thân thiết, nó khiến anh cảm thấy họ đang bỏ anh lại.
Giang Thành Văn chuyền cho anh một chai nước.
Thẩm Hi Quang uống rồi ăn một lát bánh mì, tim vẫn đập nhanh.
Luật sư ngỏ ý muốn giải thích các vấn đề về tài sản nhưng anh nói ông ta im đi.
Anh mượn di động của Giang Thành Văn, ngón tay đặt trên bàn phím một hồi không biết bấm gì.
Dù cậu đã gọi cho anh rất nhiều lần, anh vẫn không nhớ số điện thoại của cậu.
Thẩm Hi Quang suy nghĩ một lúc, truy cập vào hộp thư cá nhân, reply một email từ bốn năm trước: Gặp tôi không?
Trả lại di động, anh dựa đầu muốn ngủ tiếp, nghĩ: Chỉ e khi em đến, người gặp em không phải tôi..
Úc Trầm để lại cho Thẩm Hi Quang một căn nhà hai tầng có ba phòng ngủ, một trong ba đã được sửa lại thành phòng vẽ; một phòng khách thông với bếp; và một thư phòng cũng là phòng làm việc.
Anh từng sống ở căn nhà này hai năm trước khi bị Úc Trầm tống ra ngoài. Sau khi các người giúp việc lần lượt xin nghỉ thì gã cũng kệ cho anh sống một mình, chỉ thuê thêm một trợ lý để mỗi ngày đúng giờ đi kiểm tra và đưa đón anh.
Có lẽ vì hồi đó từng sống ở đây một thời gian nên khi trở về, Thẩm Hi Quang cảm thấy rất thoải mái, thoải mái hơn so với về căn hộ cũ. Hầu hết đồ đạc vẫn còn nguyên vẹn như trong trí nhớ, anh cũng không muốn thay đổi. Anh chưa từng mở cửa thư phòng, đó là nơi Úc Trầm sinh thời luôn cấm anh bước vào. Không phải anh tôn kính người chết hay có tình cảm mặn mà gì, chẳng qua là chưa có hứng thú, nghe nói trong đó chỉ còn lưu trữ một số tài liệu không mấy quan trọng của công ty.
Anh không bật nhiều đèn vì lười kiểm tra điện đóm, đi về phòng ngủ lấy một bộ pijama chưa từng mặc rồi trở xuống tầng. Trong cái tranh sáng tranh tối, Thẩm Hi Quang bắt gặp Bộ Thư đang đứng dưới cầu thang nhìn lên, tóc tai rũ rượi, áo quần ướt mỏng ướt sâu không đồng đều, đúng là bị thấm tuyết tan. Cậu không nói dối anh.
Ánh mắt anh dịu xuống, thảy quần áo cho cậu, “Phòng tắm ở cuối hành lang.”
Bộ Thư nương theo vệt sáng kéo dài từ cửa sổ tìm kiếm phòng tắm. Bên trong ấm hơn bên ngoài, thoang thoảng mùi xà phòng thơm. Cậu mở vòi nước nóng để rửa tay, chân và khuôn mặt lạnh cóng, rồi cởi quần áo, bước vào bồn tắm đang xả nước. Nước dâng đến đâu, cơ thể ấm đến đó. Bộ Thư rùng mình thở ra một hơi dài. Chuyến này cậu đúng là nhắm mắt nhắm mũi mà đi, không xem dự báo thời tiết nên mới lôi thôi lết thếch thế này. Tàu bị hoãn vì bão, cậu chen chúc ở trạm đến mệt bã người, vừa có chuyến thì lập tức chen vào giành chỗ, bị đẩy, bị thụi, bị bão quật. Cuộc sống đúng là gian nan. Đành vậy, bỏ qua nguồn tài chính từ gia đình thì cậu chỉ mới ra trường, tiền giắt túi chẳng có là bao, chi phí di chuyển là cả một vấn đề. Cậu đã đi phỏng vấn ở ba chỗ, hiện tại đang chờ kết quả. Công việc này là do cậu tự lựa chọn chứ không nghe theo sắp đặt của bố mẹ nên cậu rất mong là sẽ được nhận.
Chính thức đi làm là sẽ thành người lớn rồi, cậu muốn giống như chị hai, sẽ có đủ lý lẽ và căn cứ để tự quyết định cách sống của mình.
Thẩm Hi Quang đọc nửa non cuốn sách mới thấy Bộ Thư ôm vai tiến vào phòng khách: “Ôi, ngoài đây lạnh hơn phòng tắm nhiều. Sao lạ vậy anh?”
Trong phòng chỉ bật hai ngọn đèn, không gian chìm trong cái tranh sáng tranh tối như sân khấu múa rối bóng. Bộ Thư cũng không tính bật đèn, bộ pijama mỏng này khiến cậu chẳng hơi đâu nghĩ đến đèn đóm, chỉ muốn chui vào lò sưởi ngồi thôi.
Thẩm Hi Quang quấn chặt bản thân trong chăn, dùng ngón tay đánh dấu số trang, thản nhiên nói: “Nhà tôi âm khí nặng, nhiều cô hồn, chỉ sợ không thừa chỗ cho em.”
“Em không tranh với bọn họ, em chỉ xin một cái chăn.” Bộ Thư ngồi xuống dưới ghế, thu mình hết cỡ, luồn hai bàn tay vào góc chăn bị dư ra của anh.
Anh vươn tay chạm vào mang tai cậu, thấy nóng rẫy, nhưng không rõ có phải là vì tay anh đang nhuốm lạnh hay không. Bộ Thư nghiêng đầu đặt cằm lên chân đối phương, cười khì. Anh hỏi: “Cười cái gì?”
“Em nghĩ lại rồi, không cần chăn đắp nữa, em chỉ cần dựa vào đây thôi.”
Phòng khách rất yên tĩnh, ngoài tiếng kim đồng hồ và âm thanh lật sách thỉnh thoảng vang lên thì Bộ Thư không còn nghe thấy gì nữa. Cậu dùng các ngón tay đang dần tê cóng để lột xơ quýt. Tiếng thở của cả hai cũng rất nhẹ, mong manh, dè dặt như tuyết đang tan trên cửa kính.
“Thẩm Hi Quang.” Anh không phản ứng, cậu gọi lần nữa: “Thẩm Hi Quang.”
“Cái gì?”
“Ở trong căn phòng vừa tối vừa lạnh này, nếu không nhờ nghe thấy tiếng thở của chính mình thì em còn tưởng chúng ta đang ở trong nhà xác.”
Anh cười ra tiếng. Cậu bảo: “Em nói thật. Em sắp trở thành cá đông rồi.”
“Nếu ban đầu em là một con cá thì có thể em đã vào bụng tôi trước ngày nhảy lầu.”
Bộ Thư ngẩn người. Thẩm Hi Quang nhớ lại: “Hôm trước cái ngày quyết định làm tới cùng, tôi không ăn gì cả ngoài một con cá và bị hóc một mảnh xương ở cổ. Tôi đã mất đến hai tiếng đồng hồ để làm nó trôi đi. Em tưởng tượng được cái cảm giác bị hóc xương đấy, không dưới một lần chỉ trong hai tiếng đó tôi tưởng bản thân sẽ chết chỉ vì một mảnh xương cá chết tiệt.”
Bộ Thư đặt trái quýt lên chân anh: “Vậy vì sao sau đó anh vẫn còn ý định tự sát? Nếu là em thì đã phải cảm tạ trời đất.”
“Cái ý nghĩ ‘chết do một mảnh xương cá’ nghe rất ngu xuẩn nhưng trong thực tế, cuộc sống vận hành không quá khác biệt so với bộ não của một con khỉ: đầy rẫy những thứ ngu xuẩn tương tự. Hầu hết con người đều không muốn chết đột ngột hoặc chết một cách ngu ngốc, và luôn nghĩ về chuyện phải sống thế nào để ra đi một cách đáng nhớ. Vì vậy, nếu có thể chết trước ba ngàn người thì cũng xem như là được ghi danh vào lịch sử rồi.” Anh tỏ ra hời hợt.
“Nói dối. Anh không nghĩ vậy.” Cậu tách một múi quýt đưa lên cho anh: “Ngọt lắm, em thử rồi.”
Thẩm Hi Quang không ăn, chỉ nắm trong tay: “Viktor Frankl* nói rằng con người được tự do hoàn toàn về tâm trí trong mọi hoàn cảnh, nếu như giác ngộ ra sự sống và cái chết của bản thân là do tôi độc lập quyết định thì mọi trách nhiệm, luân lý và đạo đức được nhồi nhét vào đầu tôi hai mươi năm qua còn có nghĩa lý gì? Khi em ra đời, có ai hỏi em muốn được sinh ra hay không sao? Khi em hấp hối, có vị thần nào sẽ hỏi em muốn chết hay không sao? Vì vậy, Chúa Trời không tồn tại. Tất cả đạo đức, luân lý, luật pháp là do con người tạo nên. Em và tôi đều có quyền chọn sống với chúng hoặc trở nên… điên loạn.” Anh đặt múi quýt vào giữa răng, phun ra: “Tôi thích thì tôi làm.”
Bộ Thư không màng đến sự xúc phạm của anh, trầm ngâm đáp: “Chúa Trời có thật hay không thì em cũng không biết. Nhưng Einstein từng nói rằng tình yêu là thứ lực mạnh nhất để tạo nên thế giới này*, vì vậy, cho dù không ai hỏi em có muốn được sinh ra hay không thì em vẫn tin thế giới cũng đã tạo ra em và anh bằng một phần tình yêu của nó. Cho dù sau này nó từng bỏ quên anh thì không phải bây giờ đã có em đây sao? Tình yêu không mất đi, nó chỉ chuyển từ người này sang người khác.”
Thẩm Hi Quang khinh thường cười nhạt, vỗ tay lên đầu cậu: “Bức thư Einstein gửi con gái chỉ là tin vịt, bớt tin người lại.”
Nói rồi anh khoác chăn đứng dậy, bỏ cậu mà đi nhanh khỏi phòng, ngáp dài: “Tôi buồn ngủ rồi.”
Bộ Thư ngồi dưới ghế sững sờ, cũng không đuổi theo, lẳng lặng xé giấy nhặt múi quýt bị anh phun xuống đất và ăn hết trái quýt còn lại. Cậu lạnh quá, bật máy sưởi rồi ngồi xuống bên cạnh nó chà xát chân tay, ôm gối nhìn tuyết rơi tiêu điều ngoài cửa sổ…
Chiêm bao một giấc, Bộ Thư thấy cổ và vai mỏi như sắp đứt ra, hấp háy mắt trước ánh nắng của ngày mới, âm thanh máy sưởi đang chạy vẫn vang ‘ro, ro’, trên mình phủ một tấm chăn.
“Em tỉnh rồi à?” Anh ló ra từ trong bếp, rồi bưng một cốc nước đến, áp bàn tay sờ vào dưới cổ cậu: “Người em nóng quá, chắc là sốt rồi.”
“Thẩm Miên.” Bộ Thư khe khẽ gọi, thấy cổ họng hơi rát: “Lâu rồi không gặp.”
“Lâu rồi cũng không gặp em.” Thẩm Miên kê vành ly vào môi, chậm rãi giúp cậu uống nước: “Anh đang đun nước gừng táo đỏ để giải cảm. Em đi rửa mặt rồi lên ghế ngồi đi, cả đêm em đã ngủ thế này rồi.”
Bộ Thư uống hết nước thì gật gật đầu, đi rửa mặt cho tỉnh, để ý thấy quần áo hôm qua đã được phơi lên, thọc tay vào túi áo khoác, trống không. Thẩm Miên rót nước gừng ra cái cốc lúc nãy, ngồi đợi ở bàn trà. Y lại tính chạm vào dưới cổ Bộ Thư để kiểm tra nhiệt độ nhưng cậu nghiêng mình tránh đi. Cậu uống hết nước gừng rồi cảm ơn Thẩm Miên. Y ngồi bên cạnh nhìn theo ánh mắt cậu, không nói gì.
“Em đúng là không nhìn nhầm anh Hi Quang.” Một lúc sau, Bộ Thư khẽ nói: “Anh ấy cứ quay cuồng trong đầu em, em sợ nếu không viết xuống gì đó thì sẽ không thể vơi được nỗi ám ảnh này.”
Thẩm Miên đứng dậy, cúi xuống áp tay vào trán cậu, trầm giọng đáp: “Em ốm thật rồi.”
Tần Cố từng kể với Bộ Thư câu chuyện về một bệnh nhân của y. Cô gái này đến gặp y vì bị hoảng loạn, nguyên nhân gây nên căng thẳng tích tụ cho cô ấy là vì chung sống với người bạn bị lưỡng cực.
“Sống chung với người có vấn đề về tâm lý có thể rất khủng hoảng. Thực tế, không ít trường hợp gia đình và bạn bè của bệnh nhân cũng phải đi trị liệu.” Y nói: “Có một hội chứng tên là Loạn thần cảm ứng, đề cập đến việc gia đình bệnh nhân hoang tưởng sẽ bắt đầu tin vào những suy nghĩ hoang tưởng của bệnh nhân và xuất hiện các triệu chứng như một đám người hoang tưởng. Tuy nhiên, khi tách gia đình khỏi bệnh nhân thì họ sẽ dần trở lại bình thường.
“Thẩm Hi Quang cũng được chẩn đoán có dấu hiệu hoang tưởng. Cậu ấy tin chắc rằng ‘không ai thật lòng với cậu ấy’ và ‘ai cũng có lý do để tiếp cận cậu ấy’. Nói cách khác là cậu Thẩm đa nghi tới mức cực đoan. Có thể cậu Bộ đã từng nghe về giả thuyết Hitler có khả năng mắc Rối loạn nhân cách dạng đa nghi, cậu Hi Quang cũng tương tự vậy. Tôi sẽ không đánh giá dấu hiệu của cậu ấy là nặng hay nhẹ, nhưng niềm tin sắt đá đó là thật và cậu ấy có đủ trí thông minh để lý giải mọi tình huống theo niềm tin của mình một cách logic. Lấy ví dụ cậu Thẩm lý giải cậu như thế nào? Cậu ấy biết thích là gì và ghét là gì. Cậu ấy không phải là không tin tình cảm của cậu Bộ là thật. Nhưng cách lý giải của cậu ấy là: cậu tìm đến tôi chẳng qua chỉ để thỏa mãn cái ‘nhu cầu được thích’ – nghĩa là đối với cậu Thẩm, cậu Bộ thích cậu ấy bất quá cũng chỉ để thỏa mãn chính mình.”
Mạnh Tử nói: “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, con người vốn thiện nhưng cuộc sống khó khăn khiến ta không giữ được cái thiện của mình. Tuân Tử lại nói: “Nhân chi sơ tính bổn ác”, con người vốn ích kỷ, xấu xa nhưng nhờ giáo dục, ta mới học được cái thiện. Ở đây cũng vậy, ta sẽ tự hỏi bản chất của tình yêu là ‘không điều kiện’ hay con người muốn yêu để nhằm trải nghiệm cái cảm giác sung sướng trong khi yêu?
Nghĩ mãi cũng chỉ thấy càng vô vọng, càng nản lòng. Nản tới mức chỉ muốn cùng anh nhảy xuống khỏi cành cây ba năm trước cho rồi. Nhưng cậu không muốn từ bỏ, không muốn dừng cuộc đua này, tối qua cậu không kịp nói với anh là: ‘Tại sao chúng ta không thể tin vào một lời nói dối thiện ý chứ?’
Thông thái và điên loạn chỉ cách nhau một đường chỉ tay, sự khác biệt giữa chúng bất quá là tin hay không tin mà thôi.
Bộ Thư tỉnh dậy. Bóng chiều xâm xẩm tràn vào phòng, cậu nằm thẳng trên sofa, chăn đắp ngang ngực, thân thể dấp dính mồ hôi, đã tỉnh hơn nhiều. Nước gừng giải cảm của Thẩm Miên hiệu quả thật (mặc dù phần lớn chắc là do cậu khỏe). Cậu gấp chăn, xoa cái bụng đói, ra ngoài hành lang nhìn quanh quất rồi lên lầu tìm. Căn nhà yên tĩnh đến mức cậu tưởng chỉ có mình ở đây, thử gõ cửa từng phòng và gọi: “Đàn anh ơi?”
Cánh cửa ra ngay trước mũi làm Bộ Thư giật mình. Thẩm Hi Quang đã thay quần áo, trên trán lấm tấm giọt mồ hôi, hỏi: “Tìm tôi?”
Hơi ấm từ trong phòng tràn ra như một làn gió nồm, anh chỉnh nhiệt độ hơi cao. Cậu xoa bụng: “Em đói quá. Em có thể ăn cùng với anh không?”
Thẩm Hi Quang nhìn cậu giây lát rồi ra khỏi phòng: “Ừ.”
Anh rót nước uống trong khi sai bảo cậu hâm nóng thức ăn được nấu sẵn. Tối nay có rau củ hầm, trứng ngâm tương và thịt kho đậu hũ, anh vốn ăn ít nên phần ăn không nhiều lắm. Bộ Thư lấy áo khoác, muốn đi mua thêm thức ăn. Nhưng anh kéo cậu lại, nói: “Mới tỉnh thì đã muốn bệnh lại để tôi chăm sóc hay sao?”
“Anh đừng lo. Em sẽ đi mua thuốc luôn ạ.”
“Em biết hiệu thuốc ở chỗ nào chắc?”
“Anh chỉ cho em đi. Em đi nhanh rồi về.”
Thẩm Hi Quang im lặng. Anh cũng không biết hiệu thuốc ở đâu vì hầu như cái gì cũng có đủ nên anh không cần ra khỏi nhà.
Bộ Thư suy nghĩ một lúc, đoạn nói anh chờ rồi đi thẳng vào trong nhà, sau đó cầm cái áo choàng tối qua anh mặc ra. Cậu khoác áo cho anh, cài nút, sau đó cởi khăn quàng của mình quấn lên cho anh, tiếp theo đẩy anh ngồi xuống nơi bậu cửa, lấy ủng đi tuyết ở gần đó đi vào chân cho anh. Thẩm Hi Quang ngẩn người nhìn cậu kéo mình dậy, và nói, “Vậy thì chúng ta dứt khoát ra ngoài ăn đi. Em mời anh, xem như là anh bù lại cho em lần hẹn trước.”
Bộ Thư có thể nắm gọn những ngón tay anh trong tay mình. Cậu không đeo găng tay, anh kéo cậu lại, nói: “Găng tay của tôi nằm trong ngăn tủ trái ngay bên cạnh em.”
Cậu nhận ra đôi găng tay mình tặng anh ngay lập tức, bỗng nhiên thấy ngượng khi đeo chúng vào cho anh.
Bàn tay và ngón tay của Thẩm Hi Quang đều rộng và dài, song lại có vẻ mỏng manh. Vóc dáng anh cũng cao ráo nhưng lại gầy quá, vì ít đi ra ngoài nên da cũng trắng quá chừng; mũi anh nhỏ, không cao và thẳng như cậu, lông mày và lông mi đều đậm. Điểm đáng chú ý nhất là đôi mắt, tròng đen to hơn người bình thường, vô hồn như hai hố đen. Cặp mắt này nếu nhìn thoáng qua thì sẽ thấy hơi sợ nhưng nhìn càng lâu thì càng bị thu hút.
Hình như đây là lần đầu tiên hai người dùng bữa tối với nhau.
Thẩm Hi Quang rất thu mình khi ở bên ngoài. Bộ Thư dịch ghế lại gần để anh xem thực đơn, dịu giọng hỏi anh muốn ăn gì. Cậu gọi, anh mới chậm chạp phản ứng, mất tận hai mươi phút để gọi món.
Bộ Thư vẫn ngồi gần anh, cố gắng khiến anh thư giãn: “Từ tối qua đến giờ em đợi mãi vẫn không thấy anh hỏi em vì sao đến đây.”
Anh nhíu mày uống miếng nước thứ ba, hỏi: “Tại sao em đến đây?”
“Em cãi nhau với bố ạ. Lần đầu tiên trong đời em cãi bố. Những năm này bố mẹ em hầu như luôn ở nước ngoài, nhưng họ vẫn chú ý đến việc học tập của em lắm. Ba năm nay bố em có về nước hai lần, ông về để sắp xếp công việc trong nước, sau đó thì bàn đến công việc của em. Em không muốn bị bố mẹ sắp đặt nên đã bỏ nhà ra đi đấy ạ.”
Anh nhìn cậu, vẫn nhíu mày.
“Dù không tiếp xúc nhiều nhưng em hiểu bố mẹ.” Bộ Thư khẽ vuốt mũi thở dài: “Anh hai không ở nhà, chị hai thì bị thúc giục đi xem mắt, rõ ràng là bố mẹ muốn giữ em lại trông nhà. Nhưng em không muốn bị cột chân tại một chỗ, em muốn ở gần người em thích cơ. Vì vậy, em đã nộp đơn ứng tuyển một công việc tại đây rồi.”
Thẩm Hi Quang không theo kịp mạch câu chuyện, khá nghi hoặc: “Tức là em nộp CV trước rồi mới đến đây tìm tôi?”
“Chính xác.”
“Vậy thì… nơi ở?”
Cậu định đáp thì món ăn được đem lên, liền dịch ghế về chỗ. Thẩm Hi Quang cầm nĩa, thấy hơi lợm họng nên lại đặt xuống uống miếng nước, truy hỏi: “Em tính ở đâu?”
“Anh hai em có một người bạn đang làm việc ở đây, em sẽ dọn đến thuê chung phòng với anh ấy.”
Anh chậm rãi ăn, nghĩ: Thì ra cậu đã tính toán xong rồi mới đến, nhìn thái độ lạc quan thì hẳn cậu tin mình sẽ được nhận công việc đang ứng tuyển. Đúng là không còn trẻ con nữa.
Anh đã gặp nhiều người như cậu, và họ đều rời bỏ anh. ‘Chứng bệnh’ của anh đã kéo dài nhiều năm, không ai biết nó có thể kéo dài thêm bao nhiêu năm, hay anh sẽ còn tái phát thêm bao nhiêu lần. Anh đã luôn chuẩn bị cho cái chết của mình.
Anh từng nghe từ đâu đó: Khi ta đã chối bỏ sự tồn tại của chính mình thì thế gian chẳng còn gì đáng mừng, đáng buồn, đáng được thương xót… ngoài chính bản thân ta. Lúc cậu hỏi anh vì sao vẫn còn muốn tự sát sau khi đã nỗ lực giành lấy sự sống, đáp án đơn giản là vì anh chẳng còn gì để thương xót mình nữa. Bây giờ, cậu đang khiến anh bắt đầu thương hại bản thân, chỉ cần nhìn vào mặt cậu, anh đã muốn hất nhào cả bàn ăn. Tuy nhiên, làm vậy thật nông cạn.
Bộ Thư cụng ly với anh, cười nói: “Đêm giao thừa chúng ta cùng đi xem pháo hoa nhé? Cho dù không phải anh đến thì cũng không sao, ta vẫn có thể hẹn nhau vào mùa hè, mùa hè không được thì hẹn vào năm sau, năm sau nữa. Một năm bốn mùa, từ bây giờ em sẽ hẹn cho đến khi gặp được anh.”
Anh đột nhiên cười khẩy: “Nghe chán quá. Tôi không hứng thú.”
Khi rời khỏi nhà hàng, Thẩm Hi Quang bỗng khoác cánh tay cậu. Bộ Thư ngạc nhiên nhìn anh dựa vào vai trái của mình, bảo: “Thời gian này tôi đang rảnh. Nếu em được nhận thì chúng ta cứ thử xem.”
Anh thấp hơn một chút, cần kiễng chân lên để chạm đến môi cậu.
Bộ Thư bị đẩy lùi bước, vô thức vòng tay qua lưng đối phương. Anh nhắm mắt, lông mi rất dày, môi rất lạnh.
Cậu ôm lấy con người này, cũng nhắm mắt lại, trong đầu hiện lên ý nghĩ: ‘Tại sao chúng ta không thể tin vào một lời nói dối thiện ý?’
Chú thích:
Viktor Frankl (1905 – 1997) là nhà thần kinh học và bác sĩ tâm thần người Áo. Ông đã sống sót sau nạn diệt chủng Holocaust và viết tác phẩm “Đi tìm lẽ sống” diễn giải những trải nghiệm của bản thân trong trại tập trung Auschwitz. Một chính đề trong lý thuyết của Frankl là “ý chí tự do”, phát biểu rằng: “Dù không thể thay đổi hoàn cảnh khó khăn nhưng ta có thể lựa chọn thái độ để đối diện với nó”.
“Bức thư Einstein gửi con gái” lập luận về sức mạnh tình yêu tạo nên vũ trụ từng là một hiện tượng trong thập niên 80 của Thế kỷ XX, tuy có nguồn tin đã bác bỏ tính chân thực của tác giả nhưng giá trị nhân văn của bức thư là không thể phủ nhận.