Gá Duyên

Chương 27



“Bố xin con, về nhà mình đi con.”

Ngân hoảng sợ khi thấy ông Khiêm cúi đầu cầu xin cô.

“Bố! Bố đừng như vậy mà. Là con bất hiếu khiến bố buồn.” Ngân cầm tay bố, tự tát vào mặt mình. “Con sai rồi, con sai rồi. Con đáng bị đánh như hồi bé không nghe lời dạy bảo. Bố đánh đứa con bất hiếu này đi.”

Ông Khiêm kìm tay lại, không cho Ngân tự làm đau chính mình. Cô khóc nấc lên, gục đầu vào vai bố, rấm rứt khóc như khi còn bé. Nước mắt ngấm qua vải, chạm vào đôi vai gầy gò. Bao nhiêu mạnh mẽ ngày thường của Ngân, khi đối diện với tình thương của bố, đều sụp đổ, lộ ra sự yếu đuối mong manh.

Không khí trong phòng khách buồn bã, thê lương.

“Ối ối, anh làm cái gì vậy? Buông ra! Buông ngay ra!” Tiếng la bai bải của bà Cẩm từ tầng hai vọng xuống.

Ngân theo phản xạ chạy lên tầng. Ông Khiêm ngồi cứng đờ trên ghế, tay vẫn trong tư thế giơ ra vỗ lưng cô.

“Nó… thật sự không có gì với cậu ta?”

Chính bản thân ông Khiêm cũng không tin câu trả lời.

Ông gạt nước mắt, đuổi theo con gái. Người điên rất nguy hiểm, ông không thể để con gái bị nguy hiểm khi ông có mặt ở đây.

Trong phòng ngủ, bà Cẩm đang nằm bò trên sàn nhà, một tay bị kéo vào gầm giường, một tay đập rầm rầm xuống mặt giường, quát tháo ỏm tỏi. “Thằng điên kia! Nhả miệng ra ngay! Mày cắn nát tay tao rồi.”

Đức núp trong gầm giường, cắn chặt tay bà Cẩm, mạnh đến mức bà ta đau đớn gào thét chửi bới, xưng hô mày tao đầy thô thiển.

“Mẹ làm gì anh ấy vậy?” Ngân chạy tới, nằm rạp trên sàn gần bà Cẩm, không nén được giận, quát hỏi.

“Tôi làm gì nó chứ. Đang yên đang lành nó nổi điên cắn người. Ối trời ơi, đau chết mất thôi.” Bà Cẩm xô mạnh vào người Ngân làm cô cụng trán vào thành giường. “Chị nhanh bảo nó thả tay tôi ra. Nó chỉ nghe lời mỗi mình chị thôi.”

Trán Ngân đau nhức, mắt hoa lên sau cú đụng đầu. Cô nhỏ nhẹ khuyên Đức. Tay cô lần mò vào trong giường, sờ soạng người hắn.

Đức hất tay Ngân ra, dùng sức nghiến răng.

Bà Cẩm gào lên the thé. “Đừng cắn nữa! Đau quá trời ơi! Tay tôi sắp đứt rồi. Á Á Á.”

Bà ta vung vẩy tay đánh vào người Ngân, đập lên thành giường như phát điên. Động tác vùng vẫy cản trở Ngân thuyết phục Đức. Cô phát cáu, muốn nhét giẻ vào miệng mẹ chồng.

“Đừng chui vào. Coi chừng dọa sợ cậu ấy.” Ông Khiêm túm tay Ngân, lôi cô đứng dậy. “Khiêng nan giường ra, nhanh lên!”

Lời nhắc nhở của bố làm Ngân tỉnh táo hơn. Mất vài giây, toàn bộ nan giường được tháo tung. Đức nằm úp sấp thu lu trên sàn, trong miệng là tay bà Cẩm, máu chảy ướt cằm hắn, nhìn khá man rợ.

Bà Cẩm nhấc đầu dậy, nhìn thấy tình trạng nát bét của tay mình, run như cầy sấy. Lời mắng chửi không đủ sức bật khỏi cuống họng. Ánh mắt đục ngầu của Đức dọa bà sợ chết khiếp, không dám cử động, chỉ sợ Đức điên lên cắn đứt miếng thịt trên tay.

Ngân vừa trèo vào trong khung giường vừa dặn ông Khiêm. “Bác Đức sợ người lạ. Bố đừng đến gần. Để con dỗ bác ấy.”

Cách dỗ của Ngân rất đơn giản, lần nào cũng chỉ nói “em ở đây, không sao, không sao nữa rồi”, mười lần như một đều thành công đến kỳ lạ.

Đức ngoan ngoãn há miệng.

Bà Cẩm rút tay về, bò lùi tránh xa ra. Bà ta dùng vạt áo đè xuống vết thương đang chảy máu trên mu bàn tay, căm tức nhìn Đức.

Hắn chẳng bận tâm ánh mắt ghét bỏ của mẹ ruột, chỉ biết giơ bàn tay phải ra cho Ngân xem.

“Đau.” Giọng hắn khàn giống như vừa khóc. Mùi máu từ miệng hắn tanh nồng, khó ngửi.

Trên mu bàn tay Đức là một vết lằn đỏ giống như bị đánh. Ngân là người tắm rửa cho hắn, cơ thể hắn có bao nhiêu vết thương vì trốn nhà đi chơi, sao cô lại không biết.

Cô chất vấn bà Cẩm. “Tại sao tay bác Đức có vết thương vậy mẹ?”

“Làm sao tôi biết được.” Bà Cẩm quắc mắt quát lại, ánh mắt láo liên không dám nhìn thẳng Ngân. “Không phải nó mò ra công trường đang xây dựng nghịch phá hay sao? Tại sao nó bị thương thì chị phải hỏi nó chứ. Chị trừng mắt với tôi làm gì?”

Bà Cẩm lồm cồm bò dậy, khịt mũi khó chịu. “Chị trông nó đi. Tôi qua nhà thằng Long để băng bó vết thương đây. Mất máu quá nhiều làm đầu tôi choáng váng, không có sức nấu nướng cơm nước đâu. Chị tự lo bữa trưa cho nó đi.”

“Mẹ không được đi!” Ngân quát lớn.

“Chị dám quát tôi hả? Láo toét!” Bà Cẩm chỉ tay vào mặt Ngân, ánh mắt hướng về phía ông Khiêm. “Đây, chính tai ông thông gia nghe thấy nhé. Con gái ông dám quát nạt mẹ chồng với giọng điệu mất dạy. Tôi không có đổ điêu cho con dâu đấy nhé.”

“Bà thông gia có phải quá khắt khe rồi không? Con gái tôi chưa nói câu nào hỗn láo với bà.” Giọng ông Khiêm bình thản, không giống người dễ bị lừa gạt.

Ngân kéo bàn tay trái của Đức vẫn luôn giấu sau lưng, vỗ về trấn an. “Đây là cái gì? Bác cho em mượn được không?”

Bà Cẩm thấy tờ giấy trên tay Đức, mặt trắng bệch, nhào tới muốn cướp.

Ngân kéo Đức lùi về phía sau.

Bà Cẩm vấp vào thành giường, ngã dúi về phía trước. Bà ta la hét. chới với tìm điểm bám. Mặt bà ta chỉ còn cách vài centimet là đập vào thành giường thì được ông Khiêm kéo lại.

Bà Cẩm không chút cảm kích, đẩy ngã ông Khiêm, vung vẩy tay oán trách. “Ai cần ông giúp hả? Ông chạm vào vết thương của tôi rồi đây này. Có phải bố con ông bàn nhau, muốn hại chết tôi hay không hả?”

Ông Khiêm là người nhà quê, sống giản dị, chân chất. Phải đối diện với một người đổi trắng thay đen, miệng mồm nanh nọc như bà Cẩm, ông bối rối không biết ứng phó. Chỉ có thể đứng đó luống cuống xua tay tỏ ý bản thân không hề có ác ý. Ông rất hối hận vì cứu bà Cẩm khỏi ngã đập mặt vào thành giường.

“Giấy sang tên sổ đỏ?” Giọng kinh ngạc của Ngân vang lên rõ ràng, cắt đứt màn ngoa ngoắt của bà Cẩm. Cô nhìn chằm chằm vào tờ giấy nhàu nát vẫn luôn được Đức nắm chặt trong tay. “Mẹ ép bác Đức sang tên sổ đỏ cho mẹ? Sao mẹ có thể làm thế hả?”

“Sao tôi không được làm hả?”

“Nhưng bác Đức không tỉnh táo. Mẹ làm như thế này khác nào chiếm nhà của con trai ruột.”

“Này, tôi nói cho chị biết nhé. Chính vì tôi là mẹ thằng Đức nên tôi càng phải đứng tên sổ đỏ căn nhà này. Đầu óc thằng Đức ngớ ngẩn, nó lại nghe lời chị răm rắp. Ai biết được lúc nào đấy chị lừa gạt nó sang tên nhà cho chị chứ.”

“Mẹ ạ, mẹ đừng lấy lòng tham của bản thân làm mốc đánh giá nhân phẩm người khác như vậy.”

Bà Cẩm mất vài giây mới hiểu được lời khinh bỉ của Ngân. Bà ta giận tím mặt. Các nếp nhăn trên trán xô đẩy nhau, dấu chân chim nơi đuôi mắt nhíu lại khiến gương mặt nhọn của bà Cẩm thêm nham hiểm, xấu xí.

Ngân bình thản trước vẻ mặt xấu xí của mẹ chồng. Cô giơ bàn tay phải của Đức ra, chỉ vào vết lằn đỏ trên mu bàn tay. “Có phải mẹ ép bác Đức ký tên, bác ấy không ký nên mẹ đánh bác ấy không hả?”

“Chị đừng có vu khống.”

Ánh mắt Ngân đầy thất vọng. Cô không muốn nói chuyện tiếp với một người không có trái tim. Cô quay sang nhìn ông Khiêm. “Bố, mình đi xuống nhà thôi. Vết thương bị thanh sắt rạch phải của bác Đức vỡ ra rồi. Cần băng bó lại.”

Thái độ khinh thường coi bà Cẩm như không khí của Ngân làm bà ta thấy nhục nhã. Bà ta gào lên. “Chị dám coi thường lời nói của tôi hả? Tôi đứng ở đây sờ sờ mà chị coi tôi như không khí thế hả? Được, chị giỏi. Nhà tôi không chứa nổi loại con dâu mất dạy như chị.”

“Ông thông gia, tôi trả lại con gái cho ông. Ông mang về dạy lại đi. Không dạy bảo được nó lên người thì đừng bước chân vào nhà tôi lần thứ hai.” Bà Cẩm hùng hổ xông tới muốn túm tay Ngân để ném về phía ông Khiêm.

Đức đột ngột chắn trước mặt Ngân, chộp lấy tay bà Cẩm, há miệng muốn cắn.

Ngân hoảng hốt giữ chặt lấy hắn. Ông Khiêm cũng lao vào hỗ trợ.

Cuối cùng bà Cẩm bỏ chạy về bên nhà Long, để mặc bố con Ngân giằng co kiềm chế cơn điên của Đức.

Lần đến thăm con gái này đã làm quyết tâm trong lòng ông Khiêm thêm kiên định. Ông đợi Ngân bôi thuốc các vết thương trên người Đức, tiếp tục khuyên nhủ cô về quê với mình.

Tay Ngân bị Đức cầm lấy đùa nghịch như món đồ chơi. Cô trìu mến nhìn hắn, giọng nói kiện định không kém quyết tâm của ông Khiêm.

“Con có lỗi với bố mẹ. Con thật sự… không đi được.”

Nước mắt của người cha lo nghĩ cho con cái cũng không lung lay được quyết định của Ngân.

Ông Khiêm thất thểu rời đi, không cho Ngân tiễn ra bến xe.

Sau khi chồng mất, đã rất nhiều lần Ngân đứng nhìn bóng lưng cô độc của bố mẹ khi đến thăm cô.

Ngân là đứa con khi ông Khiêm về già mới có. Khi bé, cô ốm yếu nên được bố mẹ chăm chút cẩn thận. Đến khi trưởng thành, chưa kịp báo hiếu thì cô đã đi làm dâu nhà người ta. Bây giờ cô đã làm mẹ, cô vẫn khiến bố mẹ lo nghĩ, trằn trọc vì mình. Ngân rất khổ sở khi làm bố mẹ đau lòng.

Sau khi ông Khiêm rời đi, Ngân đến phòng ngủ chính của Đức, lục tung toàn bộ ngăn tủ cũng không tìm thấy giấy tờ nhà. Cô đi thẳng sang nhà Long, chất vấn bà Cẩm.

Bà Cẩm ưỡn ngực, dõng dạc nói. “Giấy tờ nhà thằng Đức là tôi giữ. Chị là ai mà dám chất vấn tôi hả? Vừa nãy ở bên nhà thằng Đức, chị cậy có ông thông gia, hai người hùa vào bắt nạt một bà già yếu ớt này. Hiện tại tôi đang ở nhà thằng Long, trước mặt em chồng em dâu, chị có giỏi thì bắt nạt tôi đi.”

“Bắt nạt?” Tú che miệng tỏ ra sợ hãi, trố mắt nhìn Ngân. “Chị Ngân đánh mẹ hả?”

“Trong đầu thím có não không? Nếu có thì động não trước khi mở miệng nhé.” Ngân khoanh tay trước ngực, híp mắt nhìn vẻ tức giận mà không dám nói của Tú. “Nếu tôi thật sự đánh mẹ thì với tính cách thích bù lu bù loa của mẹ, có khi đã gọi công an đến gô cổ tôi vào tù rồi.”

Long trừng mắt với Tú. “Không biết gì thì ngậm miệng vào. Đồ ngu!”

Ngân không bận tâm vợ chồng Tú hục hặc với nhau. Cô nhìn bà Cẩm, nhấn mạnh từng chữ. “Mẹ có thể giữ giấy tờ nhà đất của bác Đức nhưng chỉ cần con biết mẹ dám sang tên sổ đỏ, chuyển nhượng hay mua bán ngôi nhà là con báo công an đấy. Bác Đức bị mất năng lực hành vi dân sự là không được phép thực hiện giao dịch mua bán tài sản đất đai. Với những biểu hiện chăm sóc của mẹ dành cho bác ấy, mẹ hoàn toàn không xứng là người giám hộ. Mẹ đừng mơ đến chuyện ăn trên đầu trên cổ chính con trai ruột của mình.”

Ba người trong phòng khách đồng loạt nhìn Ngân chằm chằm. Cô đi tới cửa nhà thì dừng bước. Giọng nói lạnh lùng và xa cách. “Bác Đức hỏng đầu óc chứ các giác quan vẫn như người bình thường. Mẹ đánh bác ấy, mẹ không đau không xót nhưng bác ấy đau lắm đấy.”

Buổi nói chuyện kết thúc trong không khí rét lạnh.

Ngân vừa đi ra khỏi cổng nhà là vợ chồng Tú bâu lại trước mặt bà Cẩm, liến thoắng chất vấn. “Chuyển nhượng tài sản là sao? Mẹ bắt bác Đức ký giấy tờ gì vậy? Tại sao không bàn trước với vợ chồng con hả? Mẹ làm lộ liễu thế này, chị Ngân bắt đầu cảnh giác rồi, lần sau rất khó ra tay.”

Một âm mưu hình thành sau lưng Ngân. Cô không biết những điều này, bởi vì bệnh tình của Đức ngày càng chuyển nặng. Trong một ngày tiếp theo, hắn lên cơn co giật, sùi bọt mép hai lần.

Ngân mời bác sĩ đến khám tại nhà, thuốc bị đổi loại nặng hơn. Bác sĩ vẫn tiếp tục đề xuất đưa bệnh nhân vào bệnh viện.

Ngân chưa kịp đưa ra quyết định thì một cuộc điện thoại từ bà Mẫn đã thay đổi cuộc sống tương lai của cô.

“Con bảo bố gọi điện lại cho mẹ nhé. Mẹ gọi điện thoại mà ông ấy không nghe máy. Đã hẹn là lên chơi với thằng Mốc một ngày rồi về nhà ngay. Vậy mà… Chắc chắn ông ấy sợ đi khám tốn tiền nên tìm cớ đây mà.”

“Bố chưa về tới nhà à? Sao lại thế được. Bố về từ hôm qua rồi mà. Bố bị bệnh gì vậy mẹ? Sao con không nghe bố nói.”

“Bệnh phổi chứ sao nữa. Ông ấy cai thuốc lá lâu rồi, vì ngày đêm lo nghĩ cho con mà nghiện thuốc lại. Bác sĩ bảo phổi của ông ấy thủng lỗ chỗ rồi, cần nhập viện điều trị. Cũng không phải bệnh nan y nên không nói với con. Mà con nói cái gì nhỉ? Ông ấy rời nhà con từ mấy giờ thế? Xe chạy mất có ba tiếng đồng hồ thôi. Tại sao giờ này còn chưa về tới nhà?”

Từ nhà Ngân về quê mất hơn ba tiếng đồng hồ. Ông Khiêm rời đi vào buổi chiều, dù xe dừng đỗ bắt khách dọc đường thì cũng phải về tới nhà trước mười hai giờ đêm ngày hôm qua.

Ngân lo lắng gọi điện cho ông Khiêm. Số điện thoại không liên lạc được làm cô sợ hãi. Cô không hề biết phổi của bố có vấn đề. Bố bệnh tật mà cô không hỏi han lấy một câu. Cô đúng là bất hiếu.

Ngân tính toán về quê một chuyến thì bà Mẫn gọi điện lại.

“Ngân ơi… con đến bệnh viện ngay… bố con gặp tai nạn giao thông… mất rồi.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.