Chương 9: Chuẩn bị sớm cho 20.11 thôi nào!
Cho đến khi Trường Thanh gắp miếng thịt bò cuối cùng ra dĩa thì khoai tây của Lưu Ly cũng đã được tẩm bột gia vị xong, mùi hương thơm nức.
“Được rồi, em cắn thử một miếng khoai xem xem có khó chịu hay không?”- Vì lo lắng lỡ như Trường Thanh ăn cái này sau khi ăn cơm mà lỡ có ói ra thì sẽ hại cho bao tử nên Lưu Ly đành bảo anh ăn thử khoai tây trước.
Trường Thanh rũ mi mắt, lông mi rất dày rợp thành bóng ma trên đôi mắt hẹp dài lãnh đạm. Anh nhận lấy miếng khoai mong mỏng vàng ươm trên tay nàng, chậm rãi bỏ vào miệng. Tiếng nhai nuốt rất khẽ vang lên giữa không gian vắng lặng, Lưu Ly nín thở chờ đợi.
“Có khó chịu không?”- Nàng hỏi.
Trường Thanh im lặng rồi gật đầu, rất khẽ. Thực ra cảm giác này vẫn y hệt với những lần trước. Cái lợn cợn của thức ăn mắc trong cuống họng nhắc anh nhớ đến những đau đớn khắc khoải hãy còn hằng sâu trong trí nhớ. Bụng đau đến mức muốn nôn hết tất cả ra ngoài, cảm giác nghẹt thở, không khí bị rút đi và bóng tối bủa vây đến, tất cả như một cơn ác mộng dài lâu lại như một vết thương sâu hoắm còn đương đỏ hỏn, máu thịt bầy nhầy.
“Khó chịu thì không cần cố gắng phải chịu đựng. Em đừng ăn nữa, mau ăn cơm đi kẻo nguội mất.”- Lưu Ly thở dài. Biết ngay là sẽ không có tác dụng mà. Nếu bệnh tâm lý có thể ăn gian qua mặt một cách dễ dàng thì có khi nàng đã đeo găng tay y tế rồi sờ qua sờ lại tay của Trường Thanh rồi ấy chứ. Cách một lớp găng tay thì cũng đâu tính là chạm vào trực tiếp đâu đúng không?
Thế nhưng, nếu cuộc sống này đơn giản như vậy thì Trường Thanh đã không phải sống chung với những hạn chế này suốt ba năm trời. Lưu Ly cũng không hỏi lý do vì sao Trường Thanh lại trở nên như vậy. Những tháng ngày tuổi trẻ bên nhau khiến cho nàng hiểu rất rõ Trường Thanh. Đợi đến thời điểm mà anh cho là thích hợp nhất, anh tự sẽ kể hết tất cả mọi thứ cho nàng.
Và thế là Lưu Ly đã ngồi gặm khoai tây chiên trong khi Trường Thanh ăn trưa với cơm và thịt bò.
Tiết trời vào thu rất ẩm ướt và giá lạnh. Mưa rơi liên miên, cơn nào cơn nấy to và dài lâu như thể không rơi đủ nửa tiếng thì sẽ không hài lòng. Đang ăn giữa chừng thì trời bắt đầu trở giông, Lưu Ly vội vội vàng vàng về nhà mình để cất mấy chậu oải hương vào phòng. Cơn mưa bất chợt lần trước đã khiến cho số hoa nàng vất vả mãi mới trồng được bị úng rễ mà tèo quá nửa. Oải hương vốn không phải là loài hoa thích hợp để sống trên cái đất Sài Gòn vừa nóng lại vừa nắng mưa thất thường này. Nó cần nắng, cần cái nắng của Paris lãng mạn đa tình vào những ngày nắng đẹp nhất. Nó càng cần hơn cái hanh khô và cái se se buôn buốt của thành phố ngàn hoa ăm ắp những giai nhân tài tử. Lưu Ly thở dài thườn thượt, đầu óc lông bông suy nghĩ về việc nên đổi sang trồng loài hoa nào cho đừng dễ chết.
Thời gian cứ vậy mà lững lờ trôi qua như đám mây đen ngoài cửa sổ đang ngao du từ nơi này đến nơi khác. Chưa được một tuần sau ngày khai giảng, những bài kiểm tra mười lăm phút, một tiết đã tới tấp mà ập lên đầu bọn nhỏ. Vì đã là lớp 12, lại là lớp học được nhà trường trọng điểm bồi dưỡng, áp lực mà bọn học trò dưới trướng cô Quỳnh Anh phải chịu so với các lớp khác chỉ có hơn chứ không kém.
Hai tiết Ngoại ngữ mệt nhoài vừa trôi qua, tiết Hóa lại đến. Thầy dạy Hóa từ xa đi đến và dừng hẳn lại ngoài cửa lớp, đợi đến khi tổ trực nhật lau hai tấm bảng đen đến sạch bong rồi mới bước vào. Thầy dạy Hóa là một người vô cùng nghiêm khắc, nghiêm khắc đến mức bọn học trò chỉ dám sợ chứ không dám ghét hay ho he gì.
Thầy tên là Hoàng, nhưng không phải là Minh Hoàng mà là Huy Hoàng. Tóc thầy đã bạc gần một nửa. Nghe bảo tuổi đời dạy học của thầy dài còn hơn cả của cô Quỳnh Anh. Thầy đến dạy nơi này khi mà trường cấp ba Hoa Lư vẫn còn trong chế độ dân lập và chỉ vài năm nữa thôi là thầy sẽ nhận được lương hưu của Nhà nước.
Thầy bước lên bục giảng, vóc dáng cao và rắn rỏi đến bất thường nếu xét đến việc thầy sinh ra ở thời kì loạn lạc đầy chiến tranh và khói lửa của nước ta. Thầy dùng cây thước thẳng dài hơn một mét kẻ đôi mỗi bảng rồi mới đi đến bàn giáo viên ngồi xuống. Và rồi, giọng nói hơi pha chút khẩu âm miền Bắc của thầy vang lên, mở đầu cho cơn ác mộng đáng sợ mỗi khi bắt đầu tiết Hóa:
“Đóng vở bài học, giở vở bài tập. Câu 1: Hoàn thành các chuỗi phản ứng hữu cơ sau đây…”
Tiếng lật vở loạt xoạt vang lên, không một đứa học trò nào dám xài phao hay thậm chí là thở mạnh dù chỉ một chút.
Ngay khi Lưu Ly vừa viết xong điều kiện của phương trình cuối cùng, đang thở ra một hơi thì chất giọng nhấn nhá chậm rãi của thầy lại vang lên:
“Câu 2: Hãy phân biệt các chất lỏng không màu sau…”
Nàng lại cắm mặt vào vở, bắt đầu chạy đua với thời gian. Chưa đến năm phút sau, thầy Hoàng lại cất tiếng nói:
“Tất cả dừng bút lại.”
Không một đứa học trò nào dám cả gan viết tiếp. Lớp học yên tĩnh đến mức tiếng kim rơi cũng có thể làm người ta giật nảy mình. Cặp mắt nhìn qua có vẻ rất hờ hững của thầy đảo một lượt khắp lớp, thầy chậm rãi mở cuốn sổ điểm của lớp 12.01 ra.
Một bước lên mây hay một bước xuống địa ngục bây giờ tùy thuộc vào cái tên sắp thốt ra khỏi miệng người thầy giáo đáng kính kia. Tiếng chuông đồng hồ treo đằng sau lớp vang lên tích tắc. Âm thanh rất nhỏ ấy hòa với tiếng lật giở sổ, đập vào tai bọn trẻ ngồi thấp tha thấp thỏm bên dưới.
Dù là làm sai hay làm đúng gì bọn họ đều sợ. Bởi vì thầy Hoàng vốn nổi tiếng khắt khe, chỉ cần thầy nhíu mày nhìn vở của một đứa nào thôi thì đứa đó đã muốn xuống phòng y tế một chuyến để xin thuốc trợ tim rồi chứ đừng nói đến việc xem xem mình bao nhiêu điểm.
Thầy hắng giọng, chậm rì rì mà gọi tên năm đứa học sinh xấu số của ngày:
“Vĩnh An, Ỷ Lan, Minh Hoàng, Lưu Ly, Tường Vũ.”
Haha hay lắm, hôm nay phải làm vong hồn dưới ngòi bút của thầy Hoàng rồi. Minh Hoàng quay đầu xuống lấy vở của Lưu Ly và của Tường Vũ mang lên nộp cùng, ba đứa nhìn nhau rồi cười nhưng cặp mắt rưng rưng đẫm lệ.
Thầy ơi xin hãy nhẹ tay cho em vượt qua kiếp nạn. Lưu Ly lấy cuốn sách Hóa ra rồi cầm ba cây bút giả thành ba cây nhang mà khấn vái. Trường Thanh ngồi một bên nhìn một chút rồi cũng lấy ba cây bút từ trong ngăn bàn ra khấn cùng nàng. Tường Vũ ngồi ở đầu bàn bên kia cũng muốn nhào qua khấn chung nhưng sợ bị phát hiện nên đành tự mình bày giàn cúng, tự mình khấn vái. Minh Hoàng len lén liếc mắt ra đằng sau một chút liền thấy cảnh tượng này. Cậu bạn ngứa tay ngứa chân muốn làm ké nhưng ngặt nỗi ngồi bàn đầu ngay trước mặt vị thầy giáo nghiêm khắc kia nên chẳng dám động đậy.
“Minh Hoàng.”- Đang xoắn xuýt lo ra thì cậu bạn chợt nghe thấy tiếng thầy dạy Hóa gọi tên mình. Bạn nhỏ Minh Hoàng hình như cũng vừa nghe thấy tiếng tim mình ngừng đập.
“Lên lấy vở.”
“Dạ.”- Thanh niên da đen do nắng lon ton đi lên bàn giáo viên, dùng hai tay nâng cuốn vở mình như nâng bảo bối. Cậu vừa định đi xuống thì nghe thầy lại gọi:
“Lưu Ly, lên lấy vở về.”
Thế là cậu nhóc lại dùng hai tay nâng luôn cuốn vở của Lưu Ly về chỗ.
Nàng nhận lấy vở từ tay Minh Hoàng, hít hà một hơi thật sâu rồi đưa nó cho Trường Thanh. Cặp mắt của nàng nhìn anh vô cùng thành khẩn, trên mặt cũng viết rõ bảy chữ: mở giùm chị đi, chị hơi rén.
Trường Thanh nhướng mày nhìn ngược lại nàng, khóe môi hơi cong lên. Anh cúi đầu, bắt đầu mở vở bài tập Hóa của nàng ra. Sau đó anh đóng lại, giơ tám ngón tay và một ngón trỏ hơi gập lại trước mặt nàng, ý bảo: chị được 8 điểm rưỡi.
Vì là lấy điểm miệng nên điểm 9 là cao nhất, không có điểm 10. Lưu Ly thở phào một hơi, nhận lấy cuốn vở từ tay Trường Thanh rồi bắt đầu tra xem mình sai chỗ nào.
Hóa ra nàng thiếu một điều kiện của phương trình cuối cùng.
Trong lúc này, Tường Vũ và hai bạn còn lại cũng đã nhận được vở của mình. Có một bạn điểm dưới trung bình.
Thầy Hoàng đứng lên, và tiết học bắt đầu. Có hai lý do khiến cho bọn học trò chưa bao giờ dám ghét thầy Hoàng. Một là sự uy nghiêm và đáng kính của thầy khiến cho không một đứa choai choai nào dám tỏ ra thiếu lễ độ hay nảy sinh tâm tư bất kính với thầy dù chỉ một chút. Cái thứ hai là vì những bài giảng của thầy rất hay và rất cuốn. Nó là sự lồng ghép giữa bài giảng lý thuyết đã in sâu trong đầu người thầy vĩ đại đến mức thầy chẳng cần học sinh của mình phải mở sách, những kiến thức hóa học thực tế và những kinh nghiệm sống trân quý của thầy.
Tiết Hóa rất nhanh đã kết thúc, bọn học sinh dù ban đầu có sợ gần chết thì bây giờ vẫn còn thòm thèm. Bọn nhóc đứng nghiêm chào thầy, mắt đứa nào đứa nấy nhìn thẳng không dám đảo loạn. Đợi khi bóng lưng thẳng tắp của thầy biến mất, Thiên Quân liền nhân lúc mấy bạn chưa kịp ùa ra khỏi lớp để ra chơi mà trèo lên bục giảng hô to:
“Khoan ra chơii!!! Tụi mình bàn một chút về vụ hội thao 20.11 sắp tới đã!”
“Cái giề cơ? Giờ mới giữa tháng 9, còn những 2 tháng nữa lận đấy.”- Một bạn nam la ó phản đối.
“Hội thao bắt đầu từ đầu tháng 11, tức là tụi mình chỉ còn một tháng rưỡi.”- Thiên Quân cãi lại.
“Với cả mọi người quên bác Quỳnh đã nói gì sao?”
Tường Vân đập hai tay vào nhau, nói:
“Đã tham gia là phải thắng!”
“Ụi cảm ơn bạn học Tường Vân. Nếu muốn thực hiện được lời hứa với bác, thì chúng ta phải chuẩn bị sớm một chút, đến lúc đó liền đá đít hết các lớp khác!”- Thiên Quân nắm chặt tay, ra chiều rất quyết tâm mà nói.
Ý chí chiến đấu của cả lớp cũng đã được khơi dậy rồi, hơn ba mươi con người nhao nhao đồng ý.
“Suỵt suỵt suỵt. Chúng ta phải nhỏ tiếng một chút, lỡ lộ với mấy lớp khác thì sao? Bạn học Minh Khâm, mau kéo rèm lớp lại!”- Nói đi cũng phải nói lại, bạn học Thiên Quân đúng là loại người có thể lãnh đạo cả một tập thể mà không khiến cho tập thể đó bất hòa.
Rèm cửa lớp mở ra, cửa lớn đóng chặt lại. Thiên Quân bắt đầu ghi lên bảng những hạng mục thi đấu.
“Chạy tiếp sức 3000 mét nè, chạy 500 mét nè, bật cao nè,…. Ủa còn gì nữa không ta?”
“Flashmob?”- Một bạn nữ hỏi.
“Bà quên rồi hả gì? Lớp 12 có được cho thi flashmob đâu?”- Bạn nữ ngồi kế bên huých vai bạn mình.
“À ừ nhỉ….? Tiếc ghê.”- Cô bạn tóc búi cao cao hơi bĩu môi.
Bạn học Vĩnh An đẩy gọng kính đen trên sống mũi mình, đề xuất:
“Báo tường?”
“Cờ tướng, cờ vua?”- Một bạn học khác tên là Bảo Duy lên tiếng.
“Đúng rồi, báo tường, cờ vua, cờ tướng.”- Thiên Quân vỗ tay cái bốp, ghi mấy chữ lên bảng.
“Còn gì nữa không nhỉ?”- Cậu bạn lại hỏi. Cả lớp bàn tán xôn xao nhưng không ai nhớ ra còn gì nữa.
Lúc này, Trường Thanh mới chậm rãi lên tiếng:
“Bóng rổ, cầu lông bốc thăm vào giữa tháng 10, nhảy xa, cắm hoa.”
“Đệt, quả là học thần có khác. Mấy thứ này cũng nhớ được.”- Gần phân nửa lớp đồng thanh thốt lên. Mà chữ đồng thanh nhất là chữ “đệt”.
Và thế là, sau khi đã bàn bạc xong xuôi các hạng mục cần tham gia, bọn nhóc đã đặt tên cho cái kết hoạch này là: Cẩn tuân thánh ý của bác Quỳnh!
Cùng không hiểu vì sao cô tên Quỳnh Anh mà ai cũng gọi cô là bác Quỳnh nữa….
Tác giả có lời muốn nói: hỡi những ai đang lặng thầm đọc bộ truyện nàyyyy, vote một cái cho tui vui đi ;;;_;;; Động lực viết truyện chỉ có nhiêu đó thôi đó….
Lại chia sẻ một chút: cả bác Quỳnh lẫn thầy Hoàng đều là người thật và là hai trong ba người mà tui vô cùng kính trọng sau ông bà cha mẹ. Còn một người nữa sẽ xuất hiện sau.
CHƯƠNG 9, KẾT THÚC.