Người ta thường biết đến những ngôi trường dạy học bình thường đã vốn quen thuộc. Nhưng đâu đó ở trên núi xa xôi, những ngôi trường chuyên dạy võ thuật vẫn đang ngày ngày đào tạo rất nhiều môn sinh. Họ đam mê võ thuật và mong muốn trở thành những truyền nhân võ thuật sau này.
Những tiếng hô vang theo từng nhịp đều đặn của các bậc thầy đang vồn vã, hùng hổ đầy năng lượng để thúc đẩy sự tập luyện võ thuật của các môn sinh.
Trường Thanh Thế có diện tích rất rộng lớn và luôn luôn đứng đầu về chất lượng dạy học và cả quy mô trong những trường dạy võ thuật từ khi mới thành lập đến hiện tại. Trường chuyên dạy võ thuật nhưng song song đó vẫn đào tạo dạy chữ để học trò của họ có thể “văn võ song toàn”. Vì quy mô rộng nên trường chia làm hai phân khu để tiện cho việc quản lý. Hai phân khu lần lượt được thầy hiệu trưởng đặt tên là khu Hồ và khu Bắc ghép lại nghĩa là Hồ Bắc ý nghĩa mong muốn ngôi trường có thể đào tạo ra những học trò kiên định trong lập trường, rõ ràng trong quyết định và chuẩn mực trong cách sống.
Tuy chung một trường nhưng những môn sinh ở hai phân khu khác nhau sẽ rất hiếm có cơ hội gặp nhau, thậm chí là chưa từng nhìn thấy nhau từ khi nhập học bởi vì ranh giới giữa khu Hồ và khu Bắc là một bức tường được rào chắn rất kiên cố.
Trường không quy định thời gian tốt nghiệp cụ thể vì điều đấy còn tuỳ thuộc vào khả năng của từng người. Có người 4-5 năm đã có thể rời trường nhưng cũng có người mãi 9-10 năm vẫn chưa tiến bộ hơn là bao. Trường xây theo kiến trúc cổ điển đan xen hiện đại, trông vô cùng sang trọng nhưng cũng có phần mộc mạc, gần gũi thể hiện sự tinh tế của những bậc truyền nhân đã đi trước vì họ chính là những người đã thiết lập nên hệ thống ngôi trường từ kiến trúc đến phương pháp dạy học.
Nơi tập võ trong nhà học tránh những ngày mưa không thể tập luyện ngoài trời cũng được thiết kế rất trang nhã. Thư viện theo kiến trúc cổ xưa, là nơi thích hợp để các môn sinh cùng nhau ôn luyện bài. Ngoài ra trường còn có còn rất nhiều không gian tuyệt đẹp, một thế giới cổ kính trên ngọn núi cao cùng bao môn võ thuật thú vị.
…
Môn sinh xuất sắc nhất của trường chính là Thiệu Huy, một nam nhân vô cùng tuấn tú lại thêm tài năng võ thuật hơn người. Thiệu Huy được thầy hiệu trường cứu sống trong một lần thầy ấy có việc xuống núi, khi ấy anh bị bỏ rơi ở sườn núi gần trường, lúc đó anh chẳng còn sức để có thể bật khóc vì lạnh và đói khát. Thầy đã đem anh về trường cưu mang và nhận nuôi anh. Từ đó, anh quen biết và cùng lớn lên với Luy Xuân – con gái ruột của thầy hiệu phó, cả hai rất thân nhau và cùng nhau lớn lên tại Thanh Thế. Anh cũng chính là truyền nhân được thầy hiệu trưởng chọn cho chức vị “hiệu trưởng tương lai” để tiếp nối thầy ấy.
Thiệu Huy là đại sư huynh của trường và là huynh trưởng khu Hồ và là người đứng đầu lớp 3H. Huynh trưởng của khu Bắc còn lại là Liên Thành, một môn sinh rất giỏi và đặc biệt xuất thần về khả năng di chuyển nhanh tránh sự tấn công từ đối thủ.
4 năm trước, thầy hiệu trưởng bất ngờ giới thiệu với lớp 3H về sự xuất hiện của một nữ nhân mang tên Hàn Nhược Vũ, năm ấy cô vừa tròn 16 tuổi. Khi cô vừa bước vào lớp đã khiến tất cả những ánh mắt không ngừng say mê nhìn ngắm cô. Cô gái ấy sở hữu dung mạo đẹp tuyệt trần, dung nhan ấy mang vẻ đẹp băng thanh ngọc khiết đến mức người ta vừa nhìn đã thốt lên “Tiên nữ cũng chỉ có thể đẹp đến vậy”.
Có lẽ từ ánh nhìn đầu tiên, Thiệu Huy đã dành cho Nhược Vũ một thiện cảm rất đặc biệt. Thầy hiệu trưởng đã giới thiệu cô với cả lớp, thầy nói cả lớp hãy giúp đỡ cô mau hoà nhập với môi trường mới. Thầy không giới thiệu nhiều về xuất thân của cô mà chỉ nói qua loa rằng cô chính là con của một người bạn rất thân của mình. Và thầy dặn dò trưởng lớp cũng chính là Thiệu Huy rằng hãy quan tâm và giúp đỡ Nhược Vũ.
Nhưng tính cách Nhược Vũ rất lạnh lùng và ít nói, hằng ngày cô đến lớp chăm chỉ học rồi quay về ký túc xá. Nhược Vũ được chỉ định ở cùng phòng ký túc xá với Luy Xuân và hai cô bạn khác là Hiểu Lạc và Chu Hoài nhưng suốt 4 năm qua họ chẳng hiểu được cô là bao vì cô rất kiệm lời.
Khi vào trường được 1 năm thì khả năng võ thuật của Nhược Vũ đã tiến bộ vượt bậc và hiện tại cô đã trở thành một trong những môn sinh giỏi đứng đầu Thanh Thế.
Buổi học sáng hôm nay là về song kiếm pháp (hai tay dùng 2 thanh kiếm một lúc), tất cả môn sinh của lớp đã tập trung ở sân trường. Sau khi thầy giáo đứng lớp (thầy Cao Sinh) của buổi học giới thiệu về song kiếm pháp cũng như hướng dẫn và làm mẫu xong thì thầy đã cho môn sinh thời gian 20 phút để tản ra tập luyện. Sau đó thầy yêu cầu một môn sinh khác lên thao tác thử. Thầy thừa biết Thiệu Huy và Nhược Vũ chắc chắn làm được nên đã chọn bất kỳ một người khác, người không may mắn ấy chính là Luy Xuân.
Luy Xuân nghe thầy gọi tên mình thì mặt liền biến sắc có chút nhăn nhó vì khả năng võ thuật của cô ấy không được tốt cho mấy. Nay lại học môn song kiếm khó như vậy thì quả thật là đau khổ.
Cô ấy rầu rỉ bước lên phía trước nhận lấy hai thanh kiếm từ tay thầy trong ánh mắt lo lắng của Thiệu Huy vì anh biết rõ cô em của mình chắc chắn không thể múa được đường kiếm nào dù tập luyện suốt cả ngày chứ đừng nói chỉ mới 20 phút. Cả lớp cũng nhìn Luy Xuân đầy lo lắng vì thầy giáo hôm nay vốn rất khó tính.
Luy Xuân cầm chắc hai thanh kiếm rồi cố gắng nhớ lại những thao tác của thầy và những gì mà Thiệu Huy đã chỉ cô ấy khi tập luyện lúc nãy. Xuân đưa tay trái lên cao nhưng vừa đưa lên chưa kịp tiếp tục thao tác kế tiếp thì thầy đã cất giọng:
– Em Luy Xuân buông kiếm về chỗ!
Luy Xuân ngạc nhiên có chút lo lắng làm theo lời thầy. Cả lớp thì ngạc nhiên trừ Nhược Vũ và Thiệu Huy, vì họ cảm nhận được lý do của thầy. Vì thầy đã nhận ra những sai sót đầu tiên khi Luy Xuân vừa thực hiện bài học nên đã yêu cầu dừng lại.
Thầy tiếp tục nhìn xuống lớp nói:
– Nhược Vũ, em lên đây làm mẫu lại cho cả lớp xem!
Rồi thầy quay sang nhìn Thiệu Huy đang ngồi ở đầu hàng của lớp nói:
– Thiệu Huy cũng bước lên đây, hai em múa song kiếm pháp một lượt cho tôi xem!