Ế Quá Rồi, Mau Lấy Chồng Thôi!

Chương 12: Ký ức giả



Nghe chị Khuê tuyên bố mất bao nhiêu tiền chị cũng sẽ cho anh đi chữa trị, anh Kiệt có chút cảm động. Anh cố gắng kiềm nén cơn giận của mình, từ tốn bảo chị:

– Anh xin đính chính lại với em là anh chưa bao giờ bị khùng hay bị hoang tưởng cả. Nếu nói về bệnh thì đúng là ba năm trước anh từng bị trầm cảm, từng có những ý nghĩ điên rồ, nhưng bây giờ anh khỏi bệnh rồi.

– Hả? Nữa hả? Ba năm trước? Trầm cảm? Ơi hời ơi là ơi hời ơi! Ơi cái tâm hồn mong manh yếu đuối của anh xã em ơi! Bao nhiêu bệnh tật bủa vây thế này thì sống sao nổi? Em thương anh xã quá đi thôi!

Chị Khuê bù lu bù loa lên hại anh Kiệt hơi hoang mang. Anh đành phải gọi điện cho bạn thân, đồng thời là bác sĩ riêng của mình để nhờ vả:

– Công này, tôi đang bật loa ngoài. Bà xã tôi đang ở đây. Ông làm ơn xác nhận với em ấy rằng tôi đã khỏi bệnh trầm cảm và không bị khùng được không?

Hôm kia anh Công mới hoàn tất thủ tục ly hôn chị Cốc, có chút buồn chán nên anh rủ Kiệt lên thành phố đi nhậu với anh. Chỗ bạn bè với nhau mà Kiệt nỡ lòng nào từ chối rõ phũ, đã thế còn huênh hoang khoe đang đi hưởng tuần trăng mật quanh luỹ tre làng với vợ nghe rõ ngứa. Do vẫn còn giận bạn thân nên anh Công lươn lẹo nói:

– Kiệt à! Suốt bao nhiêu năm qua không có đêm nào tôi ngủ ngon giấc cả. Cứ nghĩ về chuyện thằng bạn mình bị khùng, còn mình thì giúp nó giấu gia đình, lương tâm tôi bị cắn rứt tột độ. Bạn thân mến của tôi ơi! Tôi nghĩ đã đến lúc tôi nên dừng việc bao che cho bạn, đã đến lúc… bạn phải mạnh mẽ đối diện với sự thật rồi.

Anh Kiệt sốc. Chị Khuê vội vã giật điện thoại của anh Kiệt. Chị sốt sắng nói với anh Công:

– Em cũng nghĩ y hệt như anh đấy ạ. Thực sự đã đến lúc Kiệt nhà em cần phải nhìn nhận thẳng thắn vào những vấn đề tồn đọng trong chính tâm hồn của mình để tìm cách chữa lành. Cơ mà chắc anh ấy còn ngại ngùng nên vẫn cứ quanh co lắm. Em ế mãi mới lấy được chồng, giờ tình hình cứ căng như dây đàn thế này em lo lắng quá đỗi!

Anh Công tò mò hỏi chị Khuê:

– Sao tự dưng em lại phát hiện ra Kiệt bị khùng?

– Ban nãy, anh Kiệt tự nhận vơ ngôi nhà hai mặt tiền ở trung tâm thị trấn là nhà của mình, rồi còn tự nhận trước khi nghỉ hưu mình là Tổng Giám đốc nữa chứ. Em đoán anh ấy đang có triệu chứng của bệnh hoang tưởng.

Anh Công cố nhịn cười. Ngôi nhà mà Khuê vừa nhắc tới là nhà cũ của anh, mười năm trước anh cần tiền mua biệt thự ở trên thành phố nên đã bán nhà cho Kiệt. Chả hiểu Kiệt sống lỗi kiểu gì mà vợ chả thèm tin lời Kiệt nói. Anh Công đểu cáng thêm dầu vào lửa:

– Ừ. Đúng là Kiệt đang bị hoang tưởng thật rồi em ạ. Trước khi nghỉ hưu Kiệt làm công nhân quét rác mà. Ngôi nhà mà em vừa nhắc tới là nhà của anh. Hiện tại, anh sống ở trên thành phố nên anh giao chìa khoá nhà cho Kiệt. Anh nhờ Kiệt thi thoảng xuống thị trấn quét nhà cho anh.

– Em thấy anh Kiệt có chìa khoá cũng lờ mờ đoán được ngôi nhà này là nhà của người quen anh ấy, không ngờ lại chính là nhà của anh. Anh Kiệt có người bạn vừa giàu vừa giỏi như anh đúng là phúc phận của anh ấy.

Chị Khuê khen ngợi anh Công khiến anh Kiệt rất không vui. Anh cáu kỉnh hỏi chị:

– Có cần anh lấy giấy tờ nhà cho em xem không?

Anh Công nhanh trí chen ngang:

– Đấy! Lại cái trò giấy tờ. Để hợp pháp hoá ngôi nhà đó là của mình, Kiệt sẽ tưởng tượng ra chuyện nó cầm tiền đi mua nhà, mà thực chất là cầm lá mít. Sau đó, nó tưởng tượng ra việc gặp anh để giao dịch, và rồi cuối cùng nó diễn luôn vai của anh, tự làm giấy tờ giả để trao cho chính mình.

Chị Khuê nhìn anh Kiệt lắc đầu, ra điều chị không cần coi giấy tờ nhà nữa, vì vốn dĩ chị đã biết sự thật rồi. Anh Kiệt chán chả buồn giải thích thêm nữa. Chị Khuê hỏi anh Công:

– Anh xã nhà em xử lý tình huống cồng kềnh như vậy thì chắc bệnh nặng lắm rồi phải không anh? Giờ mới chữa trị thì có kịp không ạ? Với cả anh cho em hỏi có tốn kém lắm không? Anh cho em con số áng chừng để em còn tìm cách xoay tiền được không?

Anh Công không ngờ chị Khuê lại nghiêm trọng hoá vấn đề như vậy. Anh cuống cuồng bảo:

– Bệnh của Kiệt vẫn chưa nặng lắm, ở giai đoạn này Kiệt không cần uống thuốc nên không tốn kém em ạ. Chỉ cần những lúc Kiệt phát bệnh, em dịu dàng quan tâm hỏi han Kiệt thì Kiệt sẽ dần bình phục thôi.

Chị Khuê thở phào nhẹ nhõm. Chị nhỏ nhẹ đề nghị:

– Anh ơi ngôi nhà ở thị trấn của anh ý, anh có cho thuê không ạ? Em đang muốn mở cửa hàng bán rau sạch.

Anh Công chém gió:

– Anh có cho thuê, giá năm triệu một tháng. Chỗ bạn bè với nhau nên không cần làm hợp đồng đâu em, hàng tháng em cứ kêu Kiệt chuyển tiền cho anh là được.

– Dạ. Được thế thì còn gì bằng? Em cảm ơn anh ạ.

Chị Khuê cúp máy rồi dịu dàng nói với anh Kiệt:

– Em xin lỗi anh xã nha. Ban nãy anh xã phát bệnh mà em lại mất bình tĩnh dẫn tới phản ứng hơi thái quá. Lẽ ra em nên dịu dàng quan tâm hỏi han anh xã.

– Ừ. – Anh Kiệt đáp đại cho xong chuyện.

– Chắc anh cũng nghe anh Công nói rồi, anh ấy đồng ý cho mình thuê ngôi nhà này. Bây giờ chắc mình phải dọn dẹp qua thôi anh ạ.

– Ừ.

Nhớ ra anh xã từng là công nhân quét rác, chị Khuê lấy chiếc chổi ở góc nhà đưa cho anh, hồ hởi nói:

– Nè! Anh xã! Lâu lâu vận động tí cho đỡ nhớ nghề!

Anh Kiệt thở dài cầm chổi quét nhà. Chị Khuê nhàn nhã ngồi trên ghế sô pha. Đợi anh quét nhà xong, chị Khuê đảo mắt một vòng quanh nhà săm soi rồi gật gù bảo:

– Công nhận, đúng người, đúng chuyên môn có khác, sạch sẽ thực sự.

Anh Kiệt đẩy chiếc ghế sô pha vào phòng trong. Chị Khuê vẫn đang ngồi trên ghế nên chị tất nhiên cũng bị di chuyển cùng nó. Chị ngại ngùng hỏi chồng:

– Ơ cái anh xã nhà này! Xấu xa nhờ! Tự dưng lại vào trong đây để làm cái trò bậy bạ gì thế?

– Trò gì? Không chuyển hết đồ đạc vào phòng trong thì lấy đâu chỗ đâu mà bán rau?

– Ừ nhỉ? Thế mà em lại cứ tưởng…

– Em tưởng hay là em mong chờ?

Anh Kiệt trêu. Chị Khuê đợi anh chuyển hết đồ đạc vào phòng trong mới tủm tỉm trả lời anh:

– Thú thực… em cũng có chút mong chờ cái sự tưởng tượng của mình đấy anh xã ạ.

Anh Kiệt hiểu ý bế chị Khuê đi lên phòng ngủ trên tầng hai rồi đặt chị nằm lên giường. Sau khi khiến chị bị choáng ngợp bởi những cơn sóng dữ dằn và đầy thô bạo, anh dịu dàng hôn môi chị, trìu mến vuốt ve mái tóc của chị. Anh luôn biết cách khiến chị chìm vào giấc ngủ thật ngon với nụ cười ngốc nghếch trên môi. Xế chiều, chị lim dim hé mắt thì thấy anh đang ngồi dựa vào thành giường, chị thì như con mèo nhỏ nằm trên đùi anh. Chị vòng tay qua ôm lấy anh, mặt dụi dụi vào bụng anh, thủ thỉ hỏi:

– Ông anh bận làm gì mà không tranh thủ ngủ xíu đi?

– Anh bận nhòm cô em.

Anh Kiệt thật thà đáp. Chị Khuê trêu:

– Yêu em á mà nhòm?

– Không. Xinh thì nhòm thôi chứ tầm này còn yêu đương gì nữa.

– Anh xã nói chí phải. Em thấy chỉ cần thương nhau và nghĩ cho nhau là được rồi, yêu đương làm chi cho nó mệt. Em và anh xã trước khi lấy nhau cũng yêu người cũ chán chê mê mỏi đấy thôi, rốt cuộc có được cái quái gì đâu? Nói chung anh xã đừng yêu em, em cũng không yêu anh xã, như vậy thì đến khi một trong hai chúng ta thay lòng, bọn mình sẽ chia tay văn minh và không bị đau khổ.

– Ừ. Anh hiểu.

– Nói vậy thôi chứ em không mong mình chia tay đâu. Tại em cứ bị mê cái cách anh xã trả bài ý.

Anh Kiệt cười cười bẹo má chị Khuê. Chị tủm tỉm nói:

– Có lẽ việc việc anh xã hoang tưởng rằng bản thân mình là người có nhà và có địa vị xuất phát từ việc anh xã thương em, muốn em có một cuộc sống hạnh phúc. Cơ mà đối với em, hạnh phúc không phải là những thứ ảo ảnh phù phiếm hão huyền, hạnh phúc chỉ đơn giản là được nắm tay anh xã, cùng nhau sống một đời an ổn.

Ánh mắt chân thành của chị Khuê khiến sống mũi anh Kiệt cay cay. Anh hoàn toàn không hề thấy bực bội gì về việc bị vợ hiểu nhầm nữa. Khùng hả? Được thôi! Khùng thì khùng! Có sao đâu? Cho dù khùng, vẫn có vợ ở bên cơ mà, sợ gì? Có anh khùng vui vẻ gọi điện đặt mua gà rán. Lúc người ta giao gà tới, vợ anh ngúng nguẩy chê bai:

– Không ăn đâu, muốn ngủ thêm.

– Ăn một chút thôi. Ăn giúp anh.

Anh Kiệt nịnh. Chị Khuê phụng phịu nói:

– Thôi được rồi. Anh xã đã nhờ thì chả nhẽ em lại không giúp? Nhưng mà em chỉ ăn một chút thôi đấy!

Cái một chút của chị Khuê chính là cả hộp gà. Cơ mà anh Kiệt chẳng hề chê chị làm màu, anh chỉ cười hiền thôi. Hai vợ chồng mải quấn quít bên nhau thành ra lại về muộn. Sợ mẹ chồng càu nhàu nên trước khi về nhà, chị Khuê nhanh trí ghé qua cửa hàng quần áo mua tặng mẹ một chiếc váy hoa. Bà Hợt nhận được quà thì vui vẻ cảm ơn chị rối rít. Chị bảo bà:

– Nếu con trót mua váy không hợp ý mẹ thì mẹ đừng giận con nha. Tại mẹ đẹp dữ dội quá, kiếm được chiếc váy xứng tầm với mẹ quả thực khó như mò kim dưới đáy biển.

– Con cứ nói quá!

– Không đâu mẹ. Con đây gái quê thật thà chất phác, chưa bao giờ biết nói quá là gì luôn.

Khánh thấy bà Hợt cười như nắc nẻ thì bực bội vô cùng. Chị Khuê luôn trơ trẽn như vậy, trước kia thì suốt ngày dọn dẹp nhà cửa, đi gặt, đi cấy giúp ông bà nội để lấy lòng ông bà, bây giờ chị lại giở trò nịnh nọt để lấy lòng mẹ chồng. Chị luôn muốn mọi người thương chị nhiều hơn thương Khánh. Chị hơn Khánh tám tuổi lận mà chị cứ sân si với Khánh hoài. Khánh của bây giờ đâu còn là đứa nhóc ngốc nghếch để chị chiếm đoạt tình thương của mình nữa. Nhân lúc chị Khuê đi tắm, Khánh chạy ra ngoài vườn, giả bộ nôn oẹ. Bà Hợt lo lắng chạy theo con dâu hỏi han:

– Sao vậy Khánh? Có phải con buồn vì ngày mai mẹ và Khương sẽ đi đón bé Khoa về nhà nuôi không?

Cứ nhắc tới tên cậu con trai riêng của Khương là Khánh lại tức sôi máu. Khương và Huệ yêu nhau từ thời cấp ba, yêu dài, yêu lâu, yêu bền sâu tới mức Khánh thả thính gần một năm trời Khương mới chịu đá Huệ để đến với Khánh. Sau đó, Huệ bặt vô âm tín. Tự dưng hôm qua, Huệ gửi ảnh bé Khoa cho mẹ Hợt và Khương kèm tin nhắn báo Huệ sắp phải đi lấy chồng, nhờ mẹ và anh chăm bé. Vì bé quá giống Khương nên mẹ và anh đồng ý luôn. Khánh rất cay, nhưng cô không dại mà lên tiếng phản đối. Sáng mai, cô sẽ thủ thỉ với chị Khuê để kích động chị sau. Còn bây giờ, Khánh chỉ nhỏ nhẹ nói:

– Mẹ an tâm, con không buồn chút nào đâu ạ. Bé Khoa là máu mủ của chồng con, con thương bé còn không hết. Con cũng mong mẹ và anh Khương sớm đón bé về nhà mình ở để con còn chăm sóc bé.

– Ôi! Con dâu mẹ rộng lượng quá! Mẹ biết ơn con nhiều lắm. Vậy có phải con mệt vì chuyện học hành không?

– Dạ. Đúng là học cao học kiến thức nặng thật mẹ ạ. Với cả đi đi về về bằng taxi cực quá chừng luôn mẹ ơi! Cái mùi trên taxi ý mẹ, thực sự không hề dễ ngửi. Con thì con vẫn cố gắng chịu đựng được, cơ mà con chỉ sợ em bé trong bụng thấy khó chịu mẹ ạ, tội nghiệp bé!

– Ơ? Thằng Khương mua xe để chở con đi học cơ mà? Xe đâu mà con phải đi taxi?

– Dạ. Con không dám nói đâu mẹ. Nói ra lại mang tiếng cố tình đâm chỗ này, chọc chỗ kia.

– Ôi dào, ba con nóng tính nói xằng nói bậy, con chấp lời ông ấy làm gì? Có gì nói mẹ nghe xem nào!

– Thôi mẹ ơi, mình cứ chuyện lớn hoá nhỏ, chuyện nhỏ hoá không cho gia đình êm ấm mẹ ạ.

– Mẹ biết mẹ có một nàng dâu thảo hiền. Nhưng mà con cứ hiền quá thì con lại là người chịu thiệt thôi.

Khánh giả bộ khó xử gạt nước mắt rồi tiếp tục khổ sở nôn oẹ. Cô hi vọng bà Hợt có thể tự đoán ra, ngặt nỗi, bà ngu quá nên Khánh lại phải đưa gợi ý nho nhỏ:

– Bữa nay chị Khuê đi chơi với anh Kiệt mà vẫn nhớ mua quà cho mẹ, chị dễ thương quá, mẹ nhỉ?

– Á à! Đúng rồi! Suýt nữa thì mẹ quên mất! Thì ra là vợ chồng Khuê lấy xe của vợ chồng con.

– Con đã muốn giấu rồi mà mẹ lại thông minh quá đỗi như thế này thì con khó xử quá đi mất thôi!

– Con đừng thấy khó xử. Mẹ sẽ giúp con đòi lại công bằng. Nhưng mà mẹ không tin Kiệt tự ý lấy xe của em trai mà không xin phép. Chắc chắn là Khuê nhõng nhẹo xúi bậy Kiệt rồi. Chả biết giữ ý giữ tứ gì sất, hại con phải đi taxi mệt nhọc, ảnh hưởng tới cháu mẹ. Ghét ghê.

– Mẹ đừng ghét chị. Con nghĩ chị không cố ý đâu ạ. Chắc trời nóng, chị muốn đi xe ô tô cho mát. Chị Khuê chịu nóng hơi kém. Trưa hôm qua con sang phòng chị chơi thấy chị bật điều hoà đấy mẹ ạ.

– Thế đâu có chứng minh được là Khuê chịu nóng kém đâu nhỉ? Trưa hôm qua nắng nóng đỉnh điểm, cả ba phòng ngủ nhà mình đều bật điều hoà mà.

Bà Hợt thắc mắc. Khánh nhỏ nhẹ phân tích:

– Vâng. Nhưng mà ba mẹ đã có tuổi, anh Khương đi làm vất vả, con thì đang mang bầu nên xứng đáng được bật điều hoà. Chỉ có anh Kiệt và chị Khuê là tối ngày ăn không ngồi rồi thì làm gì mà nóng tới mức phải bật điều hoà hả mẹ? Con nghĩ anh chị bật quạt là được rồi.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.