Ông Tạm vừa đi ăn cỗ ở đầu ngõ về. Cỗ nhà ông Hời xịn ghê lắm, một mâm có những mười hai món, toàn là sơn hào hải vị. Bữa nay nhà ông Hời làm cỗ là để ăn mừng hai chuyện lớn. Chuyện lớn thứ nhất, ông Hời sắp được lên chức “ông nội”. Chuyện lớn thứ hai, cái Khánh con dâu ông Hời vừa trúng tuyển cao học. Mọi người chúc mừng ông Hời quá trời luôn. Ông Tạm cũng mừng cho ông Hời, nhưng trong thâm tâm ông vẫn có chút chạnh lòng. Ông gọi điện cho con gái hờn dỗi:
– Khuê à! Ở cái xã này, bạn bè bằng tuổi ba người ta lên chức ông hết rồi đấy!
– Thì sao ạ?
Con gái ông vô tư hỏi. Ông sốt ruột gào lên:
– Còn sao nữa? Bao giờ thì chị mới lấy chồng hử?
– Bao giờ có chồng thì con lấy!
– Chồng không từ trên trời rơi xuống cũng không từ dưới đất chui lên, con gái con đứa già như chị muốn lấy được chồng thì phải có những hành động thực tế, đừng chỉ nói mồm.
– Dạ. Hành động thực tế cụ thể là hành động như nào hả ba? Ba nhiều kinh nghiệm ba chỉ con với!
– Thì chị phải chịu khó ăn diện, tô son trát phấn, gặp trai đẹp thì bật đèn xanh mời người ta đi uống cà phê.
– Sao không mời anh lấy em luôn cho nhanh hả ba? Cà phê cà pháo làm quái gì cho mất thời gian.
– Chị ngốc lắm, con gái mình phải giữ giá chứ.
– Ối dào, ế chớt bà rồi, còn giá đâu mà giữ hả ba?
– Vớ vẩn. Ế thì vẫn phải có cái giá của ế. Nói chung chị khờ lắm, bao giờ về nhà tôi sẽ dạy bảo tử tế sau.
– Vâng, con về rồi đây, ba tha hồ mà dạy bảo.
– Chị đừng có đùa. Tôi không thích ăn dưa bở đâu!
– Lâu lâu ăn tí cho nó mát ruột thì có sao?
Chị Khuê cúp máy. Ông Tạm bán tín bán nghi chạy ra ngoài cổng, thấy con gái đứng chình ình bên ngoài thì sốc không nói lên lời. Sau mấy phút đơ, ông bật khóc nức nở. Khóc xong, ông hớn hở chạy ra vườn gọi bà Được:
– Được ơi! Được! Được ơi là Được ơi! Con gái tụi mình đi Nhật về rồi nè Được ơi!
Bà Được đang tưới rau xúc động đánh rơi cả xô nước, bà ngạc nhiên hỏi:
– Ơ? Sao nó bảo tuần sau mới về cơ mà?
Ông Tạm kéo bà ngồi xuống cạnh bụi chuối, từ tốn nói:
– Thì tôi cũng tưởng thế, nhưng chắc nó nói dối vậy rồi về bất thình lình cho mình bất ngờ.
– Ừ. Con gái có hiếu ghê. – Bà Được tấm tắc khen.
– Không những có hiếu mà còn xinh nhá. Úi rùi ui ở bển lâu có khác, da trắng bóc luôn à. Gái ba mươi ba rồi mà nom cứ như ba mươi hai ý, xinh thực sự.
– Xinh thế cơ á?
– Ừ.
– Sao Tạm biết?
– Thì Tạm vừa gặp nó xong.
– Tạm gặp ở đâu thế?
– Còn gặp ở đâu được nữa? Nó đang đứng ngay ngoài cổng nhà mình đó, chính mắt Tạm trông thấy hẳn hoi!
– Hả? Sao nó lại ở ngoài cổng mà không vào nhà?
– Thì cổng khoá mà, nó có chìa khoá đâu mà vào.
Ông Tạm hồn nhiên như tên điên khiến bà Được cũng như bị điên:
– Khùng hả? Sao không mở cửa cho con?
– Ơ… quên… tại vui quá ý… hihi… để ra mở cửa… mà thôi… khỏi đi… mất công… nó trèo tường được ý mà…
– Con gái con đứa, đã ế rồi lại còn trèo tường, “băng thanh ngọc khiết” kiểu đó thì chó nó rước.
Bà Được càu nhàu. Ông Tạm thấy vợ nói cũng có lý liền vội vã lao ra cổng mở cửa cho con. Cơ mà, chẳng thấy con đâu cả, chỉ thấy hai chiếc vali to sụ bên ngoài. Ông khệ nệ kéo vali vào nhà. Thấy con gái cưng đang húp trộm bát canh rau trong bếp, ông không hài lòng nhắc nhở:
– Con gái con đứa, húp canh cứ sùm sụp thế thảo nào mãi vẫn ế. Phải biết giữ ý giữ tứ chứ.
– Ôi dào, có mỗi anh Tạm chị Được ở nhà, “iem” giữ ý làm chi, mất công.
Chị Khuê đùa cợt nói. Ba mẹ còn khá trẻ nên thỉnh thoảng chị vẫn gọi “anh chị” cho vui. Chị xúc cơm nguội vào chiếc bát to, thêm ít cá kho và cà muối, chỉ một loáng liền đánh chén gọn ghẽ tất cả. No nê, chị vui vẻ cảm thán:
– Cơm chị Được nhà mình nấu vẫn là đỉnh của đỉnh, thảo nào anh Tạm mê không dứt ra được!
Ông Tạm chẹp miệng bảo:
– Chị Được duyên dáng yêu kiều thế mà chả hiểu sao lại đẻ ra được đứa con như con cọp ý nhở? Hở ra là trèo tường!
– Ơ hay? Ba khoá cổng không thèm mở, con đi đường xa về đói chết đi được, không trèo tường vào nhà thì chết đói à? Mà nhà ba Tạm mới xây đẹp phết nhờ? Nhưng sao xây bé thế? Sao không xây rộng rộng ra tí cho nó hoành tá tràng?
– Gớm! Tiền chị làm lụng vất vả bên đấy tôi nào dám phung phí, xây một tầng thôi, còn phải để tiền lại lo chuyện cưới xin cho chị chứ!
– Ba chỉ lo hão! Đã có ai ưng đâu mà cưới?
– Có rồi. Tôi nhắm sẵn cho chị một mối rồi, chỉ cần chị không chê thì sẽ xúc tiến ngay và luôn.
– Ai thế ba?
– Anh trai của chồng con Khánh.
– Ba cứ làm như anh chịu con không bằng.
– Thì thế mới cần ăn diện với cả tô son trát phấn. Chị chỉ cần làm đẹp và thả thính, những chuyện còn lại cứ yên tâm giao cho ba. Nhất định năm nay ba sẽ gả được chị.
– Tuỳ ba.
Được sự đồng tình của con gái, ông Tạm như mở cờ trong bụng. Ông vội vã chạy sang nhà ông Hời đánh tiếng:
– Con Khuê nhà tôi mới về nhá, xinh đáo để!
– Thế à? Tốt quá. Vậy tối nay tôi và vợ sẽ dẫn thằng Kiệt sang nhà ông cho hai đứa gặp mặt.
Ông Tạm sướng lắm nhưng vẫn giả kiêu:
– Tối nay luôn cơ á? Làm gì mà vội thế?
– Cưới vợ cho con phải cưới liền tay chứ ông.
– Ừ. Tôi thì tôi không sốt sắng lắm đâu nhưng nể tình hàng xóm láng giềng với nhau, tôi chịu luôn đó nha!
Đoạn, ông Tạm gọi cái Khánh ra nói chuyện riêng:
– Này! Mày nhớ nói tốt cho chị Khuê trước mặt ba mẹ chồng mày nhá!
– Dạ. Vâng ạ. Bác yên tâm ạ.
Khánh đon đả đáp lời ông Tạm, nhưng trong bụng nó lại dâng lên một sự khinh bỉ không hề nhẹ. Gái già đi làm công nhân bên Nhật về mà đòi bước chân vào gia đình trí thức á? Đừng có mơ!
– Nếu đợt này chị Khuê lấy được chồng thì bác muốn lo cho chị của hồi môn cho nó chu đáo, mày mau thu xếp tiền trả chị đi nhé!
Năm Khánh mười sáu tuổi, ba mẹ nó ly hôn. Sau đó, hai người đều xây dựng gia đình mới, bỏ nó ở nhà ông bà nội. Bác Tạm là anh trai ruột của ba nó nên chị Khuê cho nó tiền tiêu xài chuyện đương nhiên, chẳng hiểu sao bác Tạm lại nghĩ đó là tiền nó nợ chị nữa, lần nào gặp bác cũng nhắc nó trả tiền. Mấy cái người bần nông mở mồm ra là tiền với chả bạc, đến chán! Khánh ngao ngán bảo:
– Con đang chửa phải mua sắm nhiều thứ, rồi sắp tới lại học lên cao học nữa, lấy đâu ra tiền mà trả cho chị ạ?
– Chồng mày thiếu gì tiền, xin chồng ý.
– Ngại lắm bác ơi!
– Ngại cũng phải xin. Cả tuổi thanh xuân chị Khuê đã đi làm để lo cho gia đình, giờ là lúc cả gia đình phải chung tay vun vén hạnh phúc cho chị.
Khánh bĩu môi. Bác Tạm chỉ được cái giỏi phóng đại, gì mà cả tuổi thanh xuân đi làm để lo cho gia đình? Chị Khuê chỉ đơn giản là gửi tiền về nhà thôi mà, nó mới là người dành cả thanh xuân để lo lắng cho cái gia đình này. Không có Khánh thì tiền chị Khuê gửi về đâu thể có chân mà chạy đi trả nợ cho ba nó được, cũng chẳng thể mua thuốc thang hay chăm sóc ông bà nội những lúc đau ốm. Nhưng thôi, Khánh sắp là học viên cao học rồi, nó chẳng thèm chấp cái loại mới tốt nghiệp cấp ba như chị Khuê. Nó chẹp miệng bảo:
– Bác đứng đây nói chuyện phiếm làm gì? Bác không mau về chuẩn bị trà bánh để tối nay ba mẹ chồng con còn qua à?
– Ừ nhỉ? Mày nhắc bác mới nhớ! Về đây!
Ông Tạm vội vã về nhà quét sân quét vườn. Tầm sáu rưỡi, bà Được nấu cơm để cả nhà ăn bữa tối sớm. Sau đó, trong lúc con gái rửa bát, ông bà bày biện hoa quả, trà bánh lên bàn đợi nhà ông Hời ghé qua. Đúng tám giờ tối, bà Hợt đã ới ngoài cửa:
– Ông Tạm ơi! Bà Được ới! Ông Tạm bà Được đâu nhể? Có ai ở nhà không nhở?
– Có!
– Có đây!
Ông Tạm bà Được đon đả chạy ra đón khách.
– Úi cha! Ông Hời bà Hợt qua chơi đó hả? Quý hoá! Quý hoá quá! Mau vào nhà nói chuyện cho nó xôm!
Hai bên phụ huynh phấn khởi tám chuyện với nhau. Con trai, con gái của bọn họ thì không được tự nhiên như thế. Cả hai đứa cứ cúi gằm mặt xuống bàn, thi thoảng liếc lên nhìn nhau thì ngượng ngượng chẳng biết nói gì. Thấy đôi trẻ thẹn thùng quá, ông Hời lên tiếng:
– Thôi giờ tụi mình ra ngoài sân chơi cho tụi nhỏ được tự nhiên nhờ!
– Ừ, cứ tự nhiên như ruồi đi nhá!
Ông Tạm phấn khởi khuyến khích. Thế rồi các ông bà chuồn hết, chỉ còn đôi trẻ bơ vơ với nhau trong phòng khách. Một tiếng trôi qua, thấy đối phương vẫn im thin thít như thóc giống đựng trong chum, chị Khuê đành phải rót chén trà, phóng khoáng mở lời:
– Em mời anh Kiệt dùng nước ạ!
– Ừ… ừm… anh cảm ơn. – Anh Kiệt ấp úng nói.
– Anh có bộ râu chất lượng đấy!
Chị Khuê vô tư nhận xét, anh Kiệt lịch sự nói:
– Cảm ơn em… đã quá khen.
– Tóc anh dài ghê nhỉ? Dài hơn cả tóc em! Nuôi tóc vậy có tốn dầu xả không anh?
Anh Kiệt chẳng bao giờ dùng dầu xả nên anh đáp:
– Không em ạ.
– Thảo nào, tóc anh khô thấy gớm à!
– Ừ.
– Anh cắn hướng dương không?
– Anh… anh… có.
Chị Khuê bốc cho anh Kiệt một nắm hướng dương, xởi lởi bảo:
– Đây! Làm vài hạt cho vui mồm vui miệng anh ạ!
– Ừ. Anh xin.
– Bình thường gái mời anh cũng đưa hai tay ra xin vậy hả? Ngoan thế!
– Ừ. Anh… anh… anh cũng… ngoan bình thường.
Anh Kiệt luống cuống nói. Chị Khuê cướp lời:
– Em thì chả ngoan thế. Em hay nói trống không lắm. Quen rồi. Ứ sửa được.
– Ừ.
– Em năm nay ba mươi ba rồi.
– Anh biết.
– Vậy thì tốt! Nghe mẹ em kể thì nhà anh mới chuyển về đầu ngõ được chưa đầy hai năm thôi à?
– Ừ em.
– Năm ngoái cái Khánh nhà em lấy Khương nhà anh, em bận đi làm bên nước ngoài nên không về dự đám cưới được. Giá mà khi ấy về thì có khi em biết anh sớm hơn.
– Ừ.
– Thấy bảo anh năm nay ba mươi lăm hả? Già thế rồi sao chưa lấy vợ?
– Anh…
– Chắc nhát quá gái nó không theo à?
– Anh…
– Nom cái mặt anh hiền nhưng mà đần quá! Không làm nên cơm cháo gì cũng phải.
– Ừ.
– Tán gái là một nghệ thuật, người tán gái không nhất thiết phải là một nghệ sĩ, nhưng cũng phải có tí tố chất của người nghệ sĩ anh ạ.
– Ừ.
– Ừ ừ cái gì? Cắn hướng dương đi anh.
– Ừ.
– Hồi chiều em chạy đi loanh quanh phát quà mua bên nước ngoài cho mấy nhà thân quen, em nghe người làng đồn bây giờ anh vô công rồi nghề hả?
Anh Kiệt của ngày xưa từng là nhân vật rất có máu mặt trong ngành du lịch. Ba năm trước, do bị trầm cảm nên anh quyết định nghỉ hưu non. Anh đã bán phần lớn tài sản của mình để lấy tiền quyên góp cho các quỹ từ thiện nên hiện tại anh tự nhận thấy mình khá “nghèo”. Anh của bây giờ chỉ còn sở hữu sương sương bảy khu nghỉ dưỡng cao cấp mà thôi. Dạo này, anh cũng toàn loanh quanh ở nhà chơi cây cảnh, thế nên người ta bảo anh vô công rồi nghề cũng không sai. Anh thở dài đáp chị Khuê:
– Ừ.
Chị vui vẻ nói:
– Đàn ông đàn ang chơi bời đổ đốn âu cũng là chuyện thường tình. Không sao cả. Em đi làm nhiều năm rồi, em có tiền tiết kiệm, sau này em sẽ mở cửa hàng bán rau sạch, anh em mình cùng nhau tu chí làm kinh tế.
– Ừ.
– Thế xong, mình chốt lấy nhau anh nhờ?
Chị Khuê vô tư hỏi khiến anh Kiệt hơi choáng.
– Anh… anh…
– Anh anh cái gì? Anh không định lấy em hả? Nếu không định lấy em thì theo ba mẹ sang nhà em làm cái gì?
– Anh… có… định lấy… nhưng mà… không… không cần tìm hiểu nhau à?
– Thì tìm hiểu xong rồi đấy thôi. Anh Kiệt, ba mươi lăm tuổi. Em Khuê, ba mươi ba tuổi. Chốt lại là hợp tuổi.
– Cơ mà…
– Cơ mà cái gì? Thế có lấy không thì bảo? Lấy thì bảo lấy, không lấy thì bảo không lấy, đàn ông đàn ang trả lời rành mạch dứt khoát để con gái người ta còn biết đường đi tìm mối khác.
Chị Khuê dõng dạc nói, anh Kiệt hít thở một hơi thật sâu rồi chậm rãi tuyên bố:
– Lấy, anh lấy!
Chị Khuê lớn tiếng nói vọng ra ngoài sân:
– Bọn con chốt nhau rồi nhá, việc của các ba các mẹ chỉ là chọn ngày lành tháng tốt thôi!
Ông Tạm bà Được vừa vui vừa bực, vui vì con gái mình lấy được chồng, bực vì cái mồm nó cứ oang oang như cái loa phát thanh. Con gái con đứa, lẽ ra việc đó phải để đằng trai người ta lên tiếng mới phải phép chứ. Ông Hời bà Hợt thì không để ý lắm, bọn họ hứa ngay sáng mai sẽ đi coi ngày đẹp luôn. Ở trong nhà, chị Khuê quay sang vỗ vai anh Kiệt đánh đốp một cái. Anh Kiệt tưởng mình làm sai điều gì nên hơi run, ai ngờ anh nghe chị hào sảng bảo:
– Anh được lắm! Phận làm thằng đàn ông quyết đoán như vậy là tốt! Em thích anh rồi đấy!
Anh Kiệt chưa kịp nói gì thì chị Khuê đã chìa tay mình ra rồi bảo anh:
– Bắt tay ông anh cái!
Anh Kiệt từ tốn chìa tay ra. Chị Khuê bắt lấy tay anh, vui vẻ nói:
– Lấy nhau vui vẻ nha anh!
Anh Kiệt khẽ chau mày, vợ chồng tương lai của nhau mà làm như đối tác làm ăn không bằng. Thế nhưng, anh vẫn siết chặt tay chị rồi chậm rãi bảo:
– Ừ… lấy… lấy nhau vui vẻ… nha em!
– Dạ, tất nhiên là phải vui rồi, anh Kiệt vui, em cũng vui. Mình đi thôi anh!
– Đi đâu hả em?
– Đi mua nhẫn cưới chứ còn đi đâu nữa?
Chị Khuê quyết nhanh quá khiến anh Kiệt hơi sốc. Thấy anh có vẻ chần chừ, chị tưởng anh lo lắng chuyện tiền bạc nên vui vẻ bảo:
– Đừng lo, em mua nhẫn tặng anh. Con Hồng hứa em mà cưới được chồng trong năm nay nó sẽ giảm giá nhẫn cưới ba mươi phần trăm cho em. Mau! Đi theo em! Đi nhanh kẻo để lâu nó nuốt lời. Con này lươn lắm anh ạ!
– Ừ.
Anh Kiệt hiền hiền đi theo chị Khuê. Đi tới quán nước vối của dì Lan, chị Khuê vui vẻ chào:
– Con chào dì, dì dọn hàng muộn vậy à?
– Ừ, bữa nay đông khách nên dì dọn hàng muộn. Khuê mới về nước hả con?
– Dạ, con mới về dì ạ.
– Ở nước ngoài lâu có khác, da dẻ trắng bóc luôn à, thích thế! Chả bù cho bọn dì ở quê phơi nắng suốt ngày da dẻ đen nhẻm. Dì ngưỡng mộ con ghê! Còn trẻ mà đã được bay nhảy, dì thì tối ngày loanh quanh bên quán nước vối, chả biết bao giờ mới được mở mang đầu óc? Đến bao giờ dì mới được đi máy bay đây?
Dì Lan ca thán. Chị Khuê cười hì hì bảo:
– Đổi lại dì đã lấy được chồng từ thuở đôi mươi, chả bù cho con ế mãi rồi mới có người ưng. Giới thiệu với dì, đây là anh Kiệt, chồng tương lai của con.
– Hả? Cả làng trên xóm dưới bao nhiêu đàn ông tốt con không lấy, tự dưng lại đi đâm đầu vào cái thằng khùng vô tích sự này làm gì? Mày khùng hả con? Cả thằng cha mày cũng khùng nốt! Con gái ế quá nên làm liều hả?
Dì Lan vô duyên nói oang oang khiến cả anh Kiệt lẫn chị Khuê đều bị quê. Anh chị vội vàng chào dì rồi lủi đi luôn. Đi được một đoạn, chị Khuê nói:
– Dì em thẳng tính, anh đừng để bụng.
– Ừ.
– Anh cũng không cần phải ngưỡng mộ những người đã từng ra nước ngoài làm việc như em.
Anh Kiệt từng điều hành một công ty lớn, từng đi nước ngoài thường xuyên như đi chợ nên anh chẳng có gì phải ngưỡng mộ chị Khuê cả. Nhưng anh chỉ tủm tỉm cười chứ không kể lể gì hết. Chị Khuê tưởng anh chỉ là con ếch ngồi đáy giếng không biết bầu trời ngoài kia rộng lớn bao la thế nào nên rất lấy làm thương xót. Chị thở dài bảo anh:
– Thực ra lần đầu được đi máy bay em thấy hào hứng lắm, nhưng đi nhiều rồi thì cũng thấy bình thường. Bản chất của cái máy bay nó cũng không khác cái xe bò ở quê mình là mấy đâu anh ạ. Tụi nó đều có chức năng đưa mình đi từ nơi này tới nơi khác, cơ mà thay vì đi trên mặt đất như cái xe bò thì cái máy bay nó bay trên bầu trời.
– Ra là vậy! Kỳ diệu thế!
Anh Kiệt giả bộ sửng sốt. Chị Khuê không nhận ra anh nói xạo nên chị thấy tội nghiệp anh ghê lắm. Chị bảo:
– Em còn phải mở cửa hàng bán rau sạch nên chúng mình không thể tiêu xài hoang phí được. Đợi khi nào có khuyến mại, em nhất định sẽ săn vé máy bay giá rẻ, đưa anh đi chơi một lần cho biết đây biết đó.
– Vậy hả? Anh cảm ơn em.
– Ôi, ông anh khỏi khách khí. Em nghe người ta đồn em trai anh giàu lắm, cái nhà to chà bá gia đình anh đang ở là do chú Khương xây, phải không?
– Ừ, cứ cho là như thế cũng được.
– Em hỏi vậy không phải vì em tọc mạch, em chỉ muốn biết rõ tình hình để còn tính thôi. Nhà của chú ấy xây, sau này nếu ở với nhau có xích mích, chú ấy đuổi thì tất nhiên hai đứa mình phải dọn đi chỗ khác. Thế nên càng phải cố gắng làm kinh tế anh ạ.
– Ừ.
– Bọn mình không còn trẻ nữa nên sau này lấy nhau về rồi thì không cần kế hoạch kế hiếc gì đâu anh nhá, cứ thả thôi, thả được là đẻ.
Chuyện tế nhị mà chị Khuê cứ nói xơi xơi hại anh Kiệt đỏ bừng cả mặt. Anh hỏi chị:
– Em không muốn tận hưởng cuộc sống son rỗi thêm vài năm nữa à?
– Úi giời! Em xin người! Son với chả rỗi giải quyết được cái gì? Em ứ ham! Giờ em còn chưa già lắm, máy móc hẵng còn xịn thì em phải tranh thủ đẻ chứ, đợi mấy năm nữa nhỡ may tịt mất thì em lại méo mặt!
– Ừ.
– Đấy là em nói quan điểm của em thôi chứ nếu anh không thích có con thì em sẽ vẫn tôn trọng mong muốn của anh. Em chỉ hi vọng anh nói thật cho em biết để em giải tán anh luôn, anh em mình cùng nhau đi tìm mối khác, đỡ làm mất thời gian của nhau anh ạ!
Anh Kiệt cuống quít bảo:
– Không… đừng giải tán… anh sao cũng được.
– Vâng, thế thôi em lại không giải tán anh nữa. Tạm thời mình bàn đến đây thôi, còn gì thì để hôm khác nói chuyện tiếp anh nhé! Tới tiệm vàng của con Hồng rồi nè anh!
– Ừ.
Chị Khuê gọi lớn:
– Hoa Hồng ơi! Hoa Hồng! Lại Thị Hoa Hồng có nhà không nhể?
Cô Hồng lao ra ngoài, đon đả nói:
– Ai gọi Hồng đó? Có Hồng đây! Á! Chị Khuê! Chị mới về nước hả? Nom “xuynh goái” thế nhờ?
– Ừ. Chị mày mới về. Nhưng “xuynh goái” thế nào được bằng mày? Gớm thôi! Nom kìa! Vòng cổ vàng, lắc tay vàng, ngay cả cái xích chân cũng bằng vàng nốt!
– Bà điên hả? Xích đâu mà xích? Làm việc bên nước ngoài bao nhiêu năm rồi mà mãi vẫn phèn. Người ta gọi là vòng đeo chân hình dây xích! Dốt!
– Ôi dào! Gọi là cái gì thì gọi, chung quy lại thì nom mày vẫn giống như cái giá treo vàng mà thôi.
– Ô hay? Nói nghe ghét ghê chửa? Mình giàu mà mình không cho thiên hạ biết là mình giàu thì mình lại có lỗi với cái sự giàu của mình quá à?
– Ừ. Mày giàu kệ mày! Bán chị đôi nhẫn cưới cái!
– Mới về đã mua nhẫn cưới làm chi?
– Đồ hâm! Mua nhẫn cưới để cưới chứ còn để làm chi?
– Cưới á? Cưới thật hả? Cuối cùng cũng cưới được cơ à? Ghê! Ghen tị thế! Chả bù cho em đây! Mãi vẫn ế!
– Mày còn trẻ cơ hội còn nhiều, chả chịu bật đèn xanh thì thôi, đi ghen với bà già này làm cái gì?
– Ai bảo chị là em không chịu bật đèn xanh? Đèn xanh của em bật nhấp nháy đến cháy cả mấy chục cái bóng mà đã có anh nào thèm ngó đến đâu?
– Thì mày lại tiếp tục thay bóng mới, tiếp tục bật, bật tới khi nào lấy được chồng thì thôi.
– Bà chị cho được cái lời khuyên chả có tí giá trị thực tiễn nào cả! Thôi, bỏ qua chuyện ế của em để nói chuyện thoát ế của chị đi! Chồng chị là người nước nào?
– Người “lước lày” chứ còn người “lước lào” nữa?
Chị Khuê cố tình nói ngọng. Cô Hồng vui vẻ hỏi:
– Ai vậy? Quen lâu chưa? Sao kín tiếng thế?
– Giới thiệu với mày đây là anh Kiệt, con nhà bác Hời ở đầu ngõ nhà chị, chị vừa mới quen hôm nay thôi.
Bấy giờ cô Hồng mới để ý tới cái người đàn ông đi cùng chị Khuê. Cô bĩu môi nhìn anh Kiệt đầy khinh bỉ rồi kéo chị ra chỗ bụi chuối mắng mỏ:
– Chị uống lộn thuốc hả? Lấy thằng nào không lấy lại đi lấy cái thằng khùng đấy? Em nói chị nghe cái thằng đó nó khùng nhất vùng luôn á! Tối ngày chả biết làm gì ngoài quanh quẩn nói chuyện với mấy cái cây.
Anh Kiệt nghe cô Hồng nói xấu mình thì thở dài thườn thượt. Năm ngoái, bà Yến trông thấy anh vừa tỉa cây cảnh ngoài vườn vừa nói chuyện điện thoại với bạn. Nhưng điện thoại anh để trong túi quần, đôi tai nghe không dây của anh bị chiếc mũ rộng vành che khuất nên bà đã sửng sốt hỏi:
– Bệnh tới mức nói chuyện luôn với cây hả con?
Do lười giải thích nên anh Kiệt chỉ mỉm cười chào bà Yến. Bà thương xót bảo anh:
– Không sao con ạ, ai rồi cũng có lúc bệnh thôi, có người bị táo bón, có người bị tiêu chảy thì rồi cũng có người bị khùng. Con đừng thấy xí hổ. Dù sao thì thím cũng là người kín mồm kín miệng nhất cái làng này! Hãy tin thím!
Dứt lời, bà Yến chạy ton tót ra quán nước vối thỏ thẻ:
– Này, các bà đã biết tin gì chưa? Thằng Kiệt con nhà ông Hời bà Hợt bị khùng nha!
– Thật á?
– Tin ở đâu đấy? Chính xác không?
Bà Yến khẳng định:
– Chính xác “troăm phờn troăm” luôn nạ. Chính mị trông thấy nó nói chuyện với cây đó nạ.
– Khiếp, khùng chi mà khùng dữ vậy? Eo ui! Sợ á!
– Vừa khùng vừa xấu, thảo nào ế!
– Phải công nhận là thằng đó xấu dữ tợn! Làm cái thằng nền ông để bộ râu cứng như rễ tre tôi còn hiểu được, chứ tóc dài chấm mông mà không chịu cắt, cũng không chịu buộc cho nó gọn gàng thì thiệt là đáng sợ quá đi mất thôi! Lại còn cộng thêm cái tính hay thích mặc đồ trắng rộng thùng thình nữa chứ, phải chi buổi đêm đi đâu mà đụng trúng nó chắc sợ rớt linh hồn!
Mấy bà nhao nhao, bà Yến nghiêm túc dặn dò:
– Suỵt! Suỵt! Suỵt! Mị nói thì các mụ biết thế thui nha, đừng có đi đồn linh tinh nhiều chuyện nha, nền bà duyên dáng là phải biết kín mồm kín miệng, đừng như mấy con bán cá ngoài chợ, tối ngày ton hót đủ thứ chuyện trên đời, vô duyên thấy ghét à!
– Gớm thôi, dặn thừa! Tụi mình bán rau thơm thì đẳng cấp phải hơn mấy con mụ bán cá tanh rồi! Yến yên tâm đi nha, tụi này đảm bảo giữ kín chuyện thằng Kiệt bị khùng.
Nói lời nhưng không thể giữ lấy lời, trong phiên chợ sáng hôm sau, các bà đã mồm năm miệng mười bàn tán chuyện anh Kiệt bị khùng. Bà Hợt nghe được chuyện tầm phào liền điên tiết tìm bà Yến tra khảo:
– Chính thím là người phao tin thằng Kiệt nhà tôi bị khùng phải không? Sao thím luôn bảo thím là người kín mồm kín miệng hả?
– Ừ! Thì tôi vốn là người kín mồm kín miệng mà! Tôi chỉ tiết lộ chuyện thằng Kiệt bị khùng với mấy người kín mồm kín miệng khác thôi. Có lẽ mấy người kín mồm kín miệng đó lại đi chia sẻ bí mật với một vài người kín mồm kín miệng khác nữa rồi.
Bà Yến trơ trẽn nói. Bà Hợt cáu:
– Một vài người đâu mà một vài người, thím xàm, chuyện ầm ĩ lên cả làng đều biết rồi đó!
– Thì cả làng mình đều là người kín mồm kín miệng mà Hợt. Hợt an tâm, chuyện thằng Kiệt bị khùng cả làng sẽ giữ bí mật giúp nó, nhất định không để người của làng bên biết. Hãy tin Yến!
Bà Hợt cạn lời. Từ hồi đó tới giờ, anh Kiệt chưa từng lên tiếng đính chính. Mọi người hay tin anh nói chuyện với cây thì kỳ thị lắm, chỉ có chị Khuê bênh vực anh. Chị bảo với cô Hồng đôi khi cô đơn quá, con người ta làm bạn với cây cỏ cũng đâu có gì đâu.
Sau khi mua được nhẫn cưới ở chỗ cô Hồng, chị Khuê bỏ chiếc hộp đựng đôi nhẫn vào túi áo anh Kiệt rồi dặn dò:
– Anh giữ gìn nhẫn cẩn thận nha, hôm nào hai đứa cưới nhau thì anh trao nhẫn cho em trước mặt quan viên hai họ.
– Ừ. – Anh Kiệt đáp.
– Đúng ra thì đàn ông phải là người mua nhẫn, nhưng em giàu hơn ông anh nên em chi tiền luôn cho nó nhanh, đỡ phải kì kèo bàn bạc nhiều, mất thời gian.
Anh Kiệt trầm ngâm nhìn chị Khuê. Người yêu cũ của anh từng nói đàn bà khôn là đàn bà biết cách tiêu tiền của đàn ông. Theo như lời của cô ấy thì chị Khuê cực dại, nhưng mà, cái dại đó là vì nghĩ cho anh nên anh cảm thấy chị hết sức đáng yêu. So với những cô người mẫu từng đến chụp hình ở khu nghỉ dưỡng của anh thì chị Khuê không được tính là đẹp. Chị chỉ đơn giản là có một nụ cười toả nắng và một chiếc lúm đồng tiền nom khá duyên. Anh chị sánh bước bên nhau. Về tới đầu ngõ, chị Khuê vỗ vai anh Kiệt rồi nói:
– Bữa nay em hơi mệt, mấy cái màn ôm hôn tình tứ để khi khác nhá anh xã tương lai!
– Để anh đưa em về.
– Thôi, có phải gái mới lớn đâu mà đưa với chả rước. Anh về đi ngủ đi sớm đi! Mai gặp lại!
Chị Khuê vui vẻ đi bộ về nhà. Anh Kiệt định đi theo chị nhưng điện thoại đổ chuông nên lại thôi. Những thăng trầm trong quá khứ đã khiến anh không còn tin tưởng tuyệt đối vào bất cứ người phụ nữ nào cả. Trước khi sang nhà chị Khuê, anh nhắn tin nhờ cậu nhân viên cũ thu thập cho anh chút thông tin về chị. Anh Kiệt nhấc máy, cậu Sức lễ phép hỏi:
– Anh có tiện nói chuyện bây giờ không ạ?
– Đợi anh một xíu.
Anh Kiệt mở cổng rồi đi nhanh vào nhà, lên đến phòng của mình anh mới nói:
– Được rồi, có gì chú nói đi.
– Dạ thưa anh, từ lúc anh nhắn tin tới giờ em chưa thu thập được nhiều thông tin lắm, nhưng có tin này hơi sốc nên em phải báo cáo với anh ngay… chị Khuê… đúng vào ngày này năm ngoái… chị Khuê bị sảy thai anh ạ.
– Khuê từng yêu bao nhiêu người tất cả?
– Dạ, chị Khuê chỉ có duy nhất một anh người yêu cũ thôi ạ. Nhưng hình như hai anh chị yêu kín, rất ít người biết mối quan hệ của bọn họ. Em phải bỏ ra một khoản kha khá mới khai thác được tin hot đấy ạ.
– Tiền nong không thành vấn đề.
– Dạ. Anh có muốn biết danh tính chị bạn thân của chị Khuê, người đã cung cấp tin cho mình không ạ?
– Anh không cần biết và cũng không muốn biết. Lần sau nhắc tới cô ta chú không nên dùng cụm từ “bạn thân của chị Khuê” để ám chỉ. Cái thứ bán rẻ bạn mình để lấy tiền thì chỉ là “bè” thôi!
– Vâng ạ. Mà trái đất tròn lắm anh ơi, người yêu cũ của chị Khuê hiện tại vẫn làm hướng dẫn viên du lịch cho các tour du lịch giá siêu rẻ của công ty mình đấy anh.
– Chú cho anh xin cái tên!
– Dạ, tên anh ấy là Ông Văn Phòng ạ.
– Sao anh chẳng có ấn tượng gì thế? Hắn vào công ty lâu chưa?
– Anh Phòng vào công ty mình làm việc từ hồi anh vẫn còn là Tổng Giám đốc ạ. Anh không bao giờ làm việc trực tiếp với anh ấy nên không biết cũng đúng.
– Ừ. Còn tin gì nữa không?
– Dạ không ạ. Sáng mai em sẽ đi thu thập thêm thông tin rồi em gọi điện báo cáo anh sau nhé!
– Có tin quan trọng mới cần gọi điện, còn không thì chú cứ làm viết báo cáo tổng hợp rồi gửi vào email cho anh.
– Vâng ạ. Anh ơi… ba năm gần đây doanh thu của công ty mình tụt dốc không phanh…
– Anh nghỉ việc lâu rồi, việc ở công ty chẳng liên quan gì tới anh nữa.
– Vâng. Nhưng mọi người trong công ty nhớ anh lắm, mọi người nhắc anh suốt. Anh nghỉ ngơi chán chưa ạ? Anh quay lại công ty làm việc được không?
– Không. Sắp tới anh bận rồi.
– Ra vậy. Em cũng nghe người ta đồn dạo này anh bận lắm, từ sáng tới chiều toàn nói chuyện với cây không à. Bận thế thì có vẻ hơi nguy hiểm đấy anh ạ!
– Chú khỏi xỉa xói. Sắp tới anh bận thật. Bận lấy vợ.
Anh Kiệt lạnh lùng nói rồi cúp máy. Bây giờ thì anh đã hiểu lý do vì sao chị Khuê quyết định cưới chồng mà chả thèm tìm hiểu. Có lẽ, chị cũng giống như anh, muốn tìm đại một người nào đó để đồng hành với mình, giúp mình quên đi những vết thương đau đớn trong quá khứ. Anh Kiệt lôi hộp nhẫn cưới ra ngắm nghía. Khương hồn nhiên xông vào phòng anh trai mà chẳng thèm gõ cửa trước. Khương tò mò hỏi anh Kiệt:
– Mới mua nhẫn hả?
– Không. Khuê tặng.
Anh Kiệt thật thà đáp. Khương trêu:
– Mới gặp đã tặng nhẫn. Tiếng sét ái tình á?
– Hâm! Già rồi! Tình tiếc cái gì?
– Không tình sao quyết cưới nhanh thế?
– Ngoài Khuê ra thì đâu có ai chịu lấy anh?
– Tại người ta nghĩ anh bị khùng đó, ai mà dám dây? Tính ra bà Khuê cũng liều nha, hay là bà ý hóng được thông tin ở đâu, biết anh giàu nên chộp vội?
– Không phải đâu, vớ vẩn.
– Không phải thì tốt. Anh Kiệt này, anh cũng biết giờ vợ em đang mang bầu, em thân làm thằng chồng mà chở vợ bầu đi xe máy thì nó mất cái sĩ diện của thằng nền ông. Em tiết kiệm được kha khá tiền rồi, em đang định mua con xe bốn bánh nhưng mà vẫn thiếu một ít…
Anh Kiệt chau mày hỏi:
Chú tiết kiệm được bao nhiêu?
Khương ngoan ngoãn đáp:
– Dạ. Em tiết kiệm được ba triệu rưỡi rồi ạ.
– Thế chú định mua con xe bao nhiêu?
– Em không dám mua con đắt, em chỉ nhắm con tầm tỷ rưỡi thôi anh à. Anh cho em xin nốt chỗ còn thiếu nha!
– Có thế thôi hả? Chú xin anh cũng ít ghê!
– Chỗ anh em với nhau mà… nha… sau này dùng xe đó đi rước dâu cho anh luôn… cho sang… nha…
– Khỏi cần, hai nhà ở cùng một ngõ, hôm rước dâu đi bộ cho nó khoẻ, xe pháo làm gì cho mất công?
– Anh không nghĩ cho anh thì cũng phải nghĩ cho cháu anh chứ! Cháu nhỏ xíu còn nằm trong bụng mẹ, bé bỏng là thế mà phải đi xe máy, xóc bỏ xừ đi được. Máu mủ với nhau mà anh nỡ lòng nào…
Khương lèo nhèo. Anh Kiệt mệt mỏi nói:
– Thôi được rồi. Mau về phòng đi! Sáng mai chú sẽ được toại nguyện.
Anh Khương sung sướng chạy về phòng khoe vợ:
– Vợ ơi! Chồng sắp mua xe bốn bánh để chở vợ đi học cao học rồi đó! Thấy chồng giỏi không?
– Chồng em tuyệt vời quá! Xây nhà cho ba mẹ, mua xe bốn bánh chở vợ đi học, nuôi một ông anh vô công rồi nghề, còn việc gì trên đời này mà chồng em không làm được không ạ?
Khánh nịnh chồng ngọt xớt. Thực ra tiền mà Khương dùng để mua đất và xây nhà, tiền sinh hoạt phí Khương đưa cho ba mẹ hàng tháng đều là xin của anh Kiệt, nhưng bản tính thích thể hiện nên Khương luôn khoe khoang với mọi người tất cả chỗ tiền đó đều do mình tự kiếm được. Tính anh Kiệt hoàn toàn trái ngược với em trai, anh là người ít thích thể hiện. Âu cũng là lẽ thường tình, chiếc thùng nào rỗng hơn thì tất nhiên là phải kêu to hơn rồi!
Trưa hôm sau, trong bữa cơm, ông Hời hứng khởi khoe các con:
– Hôm nay ba mẹ đã đi coi được ngày đẹp để tổ chức đám cưới cho anh Kiệt và chị Khuê rồi. Sang tháng sau gia đình mình sẽ đón dâu mới.
Khánh nghe mà ức nghẹn. Cô chưa bao giờ ngừng ghét chị Khuê, nguyên nhân là vì chị luôn được ông bà nội thiên vị một cách vô lý. Hồi nhỏ, có của ngon vật lạ gì ông bà cũng để dành cho chị. Ông bà thương chị vì có những hôm mùa đông rét mướt, chị phải dậy sớm đi gieo mạ cho ông bà, lại có những buổi mùa hè oi bức, chị phải đi gặt lúa đến tối muộn mới về. Ông bà bảo chị vất vả. Khánh chả thấy thế. Mấy cái công việc chân tay đấy ai mà chả làm được. Cô đi học cực hơn nhiều. Giải biết bao nhiêu bài toán hóc búa, mệt đầu lắm chứ đâu nhàn nhã như đi làm đồng. Mệt như vậy nhưng cô vẫn cố học chăm chỉ để làm rạng danh gia đình. Ấy thế mà ngày Khánh đỗ đại học, ông bà chẳng hề tỏ vẻ vui mừng. Ông nội buồn thiu hỏi cô:
– Học phí đại học đắt lắm không con? Rồi học đại học thì còn phải lên thành phố ở nữa, chi phí trên đấy chắc chẳng rẻ đâu nhỉ?
– Ông nội đừng lo, chị Khuê hứa sẽ lo cho con học đại học rồi mà!
Khánh trấn an ông nội. Ông không những không an tâm mà chỉ thở dài. Bà nội rớt nước mắt nói:
– Khổ thân con bé Khuê, hết trả nợ cho chú lại tới nuôi em họ học đại học, đến bao giờ mới được về nước?
Câu hỏi bâng quơ của bà nội khiến Khánh chạnh lòng. Chị Khuê học dốt nên đương nhiên là chị phải đi làm để nuôi cô đi học rồi. Khánh có học lên cao, có bằng cấp này nọ thì chị mới được thơm lây. Chẳng hiểu sao bà lại nói như kiểu Khánh là gánh nặng của chị vậy? Năm ngoái Khánh lấy chồng, việc chị gửi tiền về để ông bà mua vàng làm của hồi môn cho cô âu cũng là lẽ thường tình, thế nhưng bà nội lại xót xa nói với chị qua điện thoại:
– Khuê à! Của hồi môn có ít cho ít, có nhiều cho nhiều, nhà mình chẳng giàu có gì cả, không phải sĩ diện hão.
– Tuy nhà mình không giàu có gì nhưng con cũng muốn lo cho em Khánh cho nó tươm tất.
Bà nội mở loa ngoài nên Khánh nghe thấy chị Khuê nói thế. Chị chỉ giỏi nói phét thôi! Miệng thì kêu muốn lo cho Khánh tươm tất mà rốt cuộc lại chẳng hề gửi nhiều tiền về. Ngày Khánh cưới chồng, nhìn bà nội chỉ cầm một cây vàng lên trao cho mình, cô thấy nhục nhã với nhà trai vô cùng. Đám cưới của Khánh bị chị Khuê làm cho mất vui nên tất nhiên cô cũng không thể để cho đám cưới của chị diễn ra suôn sẻ. Khánh cố gắng nhẫn nhịn, đợi tới đúng ngày chị Khuê cưới chồng mới trả đũa. Hôm ấy, bà Hợt dậy từ năm giờ sáng trang điểm. Khánh đợi mẹ chồng tô son đánh phấn rồi mặc áo dài xong xuôi mới thỏ thẻ nói:
– Mẹ à… có chuyện này… con không biết có nên nói với mẹ không nữa…
– Có chuyện gì thì nói mau! Nhà bao việc, làm màu nhiều làm cái gì? Mất thì giờ!
Bà Hợt gắt gỏng. Khánh thở dài bảo:
– Nếu như con nói thì con trở thành kẻ phản bội chị Khuê, mà nếu như không nói thì con thấy có lỗi với anh Kiệt, với ba mẹ. Con… chẳng biết làm sao cho phải nữa.
Nhắc tới con trai cưng, bà Hợt hơi sốt ruột. Bà trấn an con dâu:
– Có gì thì con cứ nói đi, mẹ hứa sẽ không để cho con khó xử đâu.
– Dạ. Mẹ đã nói vậy thì con không giấu mẹ nữa.
Khánh mở điện thoại cho mẹ coi đoạn chat của mình và chị Khuê từ cái hồi chị còn qua lại với anh người yêu cũ:
“Khánh! Chị có rồi! Mừng quá!”
“Có gì?”
“Còn có gì nữa? Khánh sắp lên chức rồi nha!”
“Gì vậy? Đừng nói là chị chửa nhá!”
“Ừ. Chửa đó!”
“Đồ điên! Chưa chồng đã chửa, bác Tạm mà biết bác tẩn chị nhừ tử!”
“Thế nên chị mới không dám nói cho ba mẹ biết, nhưng mà chị vui quá, không thể kiềm nổi cái niềm sung sướng này được nên phải tiết lộ cho Khánh. Giữ bí mật giùm chị nha!”
“Tất nhiên rồi chị yêu. Nhưng mà chị định như nào?”
“Anh Phòng hứa tháng sau sẽ đưa chị về nước ra mắt gia đình hai bên rồi cưới luôn. Sau đó, chị sang bên này đẻ thì sẽ giấu được chuyện chửa trước.”
Khánh đã xoá những tin nhắn tiếp theo nên bà Hợt chỉ đọc được đến đó. Nhưng chỉ có thế thôi cũng đủ khiến bà sốc nặng. Bà trả điện thoại cho con dâu, lắp bắp hỏi:
– Thế… thế… nghĩa là sao hả Khánh? Là con Khuê… có chửa với thằng khác hả?
Mặc dù Khánh biết rõ ngọn ngành mọi chuyện xảy ra sau đó, nhưng cô vẫn nói xạo:
– Con… con không biết mẹ ạ. Tin nhắn cách đây lâu rồi, sau đó chị chả tâm sự gì với con nữa cả. Chả biết đứa nhỏ giờ ra sao? Con không thấy chị Khuê về quê cưới chồng, có khi chị cưới chồng bên đó rồi cũng nên! Con thấy tội nghiệp anh Kiệt khủng khiếp mẹ à!
Bà Hợt điên tiết chạy một mạch tới nhà ông Tạm, xông thẳng vào phòng ngủ của chị Khuê làm ầm ĩ:
– Con khốn nạn kia! Có phải mày đã từng ăn nằm với thằng khác rồi chửa ễnh ra không? Mày đừng có nói với bà là mày đã lấy chồng bên nước ngoài rồi nhé!
Mắt chị Khuê đỏ hoe. Chị nhớ đứa con bé bỏng mới chỉ được ở trong bụng mẹ vài tuần đã phải lìa xa thế gian này. Bé là con của chị và anh người yêu cũ. Trái ngược với anh Kiệt vô công rồi nghề, người yêu cũ của chị Khuê là một đại gia thực thụ. Chị gặp anh Phòng lần đầu tiên ở Tokyo, trong bữa tiệc sinh nhật của người bạn thân. Ban đầu, thấy anh kể anh đi nước ngoài thường xuyên như đi chợ, chị Khuê vô tư đoán anh làm nghề hướng dẫn viên du lịch. Anh Phòng cười ngặt nghẽo. Anh bảo:
– Khuê hài hước thực sự. Em nhìn anh đi, cả người anh diện toàn đồ hiệu, có chỗ nào giống một thằng hướng dẫn viên du lịch quèn lương tháng ba cọc ba đồng không?
Cái giọng bố đời mẹ thiên hạ của anh Phòng khiến chị Khuê hơi khó chịu. Chị bĩu môi nói:
– Công nhận, trông anh nào có giống hướng dẫn viên du lịch. Trông anh như thằng cu sĩ nhặt lá đá ông bơ.
Anh Phòng tức đỏ mặt tía tai. Anh kiêu ngạo nói:
– Anh xin tự giới thiệu với em, anh là Tổng Giám đốc của một công ty du lịch rất nổi tiếng.
– Thế cơ à? Nổi tiếng đến mức nào? Ông anh cho xin cái tên để coi em gái nhà quê này có biết không?
– Tên công ty là gì thì anh không tiết lộ với em được. Anh là người làm ăn lớn, phải giữ bí mật về đời tư chứ. Những người làm công ăn lương như em không hiểu được đâu, vì chúng ta không cùng đẳng cấp.
– Không cùng đẳng cấp thì anh im xừ cái mồm nó đi, nói chuyện với em làm gì?
– Vì anh thích em. Vừa gặp đã thích. Ai kêu em xinh quá! Anh xốn xang hết cả con tim rồi đây này!
Anh Phòng nói oang oang. Bạn bè của chị Khuê hò hét ầm ĩ khiến chị đỏ bừng cả mặt. Chị chỉ bị ngượng thôi chứ nói thật khi đó chị chưa có ưng anh Phòng. Sau này, do anh theo đuổi chị quá nhiệt tình nên chị mới mủi lòng nhận lời làm bạn gái anh. Anh Phòng là một người bạn trai khá tâm lí. Trong suốt những năm yêu xa, ngày nào anh cũng nhắn tin hỏi han chị, lúc thì hỏi chị ăn cơm chưa, lúc thì hỏi chị đi làm về có mệt không, khi lại hỏi đêm chị ngủ có ngon không. Lúc chị kêu khó ngủ, anh hát ru chị qua điện thoại. Cách đây ba năm, anh bảo chị:
– Khuê à, dạo gần đây anh cứ hay thấy nhớ em quá nhiều, vậy nên anh từ chức Tổng Giám đốc rồi. Từ giờ anh sẽ không bận rộn nữa, tháng nào anh cũng sẽ bay qua Nhật thăm em.
Chị Khuê rớt nước mắt nói:
– Em không ngờ anh lại coi trọng em hơn cả sự nghiệp của anh. Ông Văn Phòng! Anh làm em ấn tượng đấy!
– Phạm Thị Mộng Khuê! Em đừng vội ấn tượng về anh, hãy để anh tiết lộ thêm một chuyện nữa với em rồi em ấn tượng một thể cũng chưa muộn. Anh đã bán phần lớn tài sản của mình để lấy tiền quyên góp cho các quỹ từ thiện rồi em ạ. Em thấy sao?
– Em còn thấy sao được nữa hả anh Văn Phòng? Em lại càng thêm kính nể anh chứ sao? Em lo mỗi cho gia đình mà đã thấy cực ghê lắm rồi. Đằng này, anh còn lo được cho biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh! Ôi! Ngoài những lúc tự kiêu hay nói ngứa ra thì người yêu em quả thực quá “chuyệt dời”!
– Em quá khen! Em đừng lo anh nghèo nhé, anh của hiện tại vẫn sở hữu bảy khu nghỉ dưỡng cao cấp em ạ.
Chị Khuê kiểu gái quê thật thà chân chất nên dễ tin người. Chị sửng sốt nói:
– Thật á? Anh hơn em có hai tuổi mà giỏi ghê nhỉ? Em nể anh đó à nha! Em có được phép hỏi tên của bảy khu nghỉ dưỡng đó không anh?
– Hiện tại em không nên biết. Đợi khi nào tụi mình cưới nhau, anh sẽ dắt em đi hưởng tuần trăng mật ở bảy khu nghỉ dưỡng của anh cho nó bất ngờ nhá!
– Có mỗi một tuần trăng mật mà ở tận bảy nơi. Mệt chớt. Em chả thèm!
Chị Khuê thẳng thắn bày tỏ quan điểm. Hồi đó, công nhận chị tính cũng hơi xa. Tại chị đâu có biết trong tương lai, giữa chị và anh Phòng không hề có cái đám cưới nào cả. Năm ngoái, khi mới biết tin chị có bầu, anh hứa sẽ cưới chị. Nhưng chỉ sau đó vài ngày, anh lại nhắn tin:
“Xin lỗi Mộng Khuê của anh. Anh rất muốn cưới em nhưng ba mẹ anh phản đối kịch liệt. Em đừng trách ba mẹ anh nhé, có trách thì trách bằng cấp của em thấp nên ba mẹ anh không ưng. Bọn họ nói em không xứng với một người tốt nghiệp đại học bằng xuất sắc như anh. Còn về đứa trẻ, nếu em quyết định đẻ thì anh sẽ chịu trách nhiệm.”
Chị Khuê cười khẩy nhắn tin lại:
“Tao trách ba mẹ mày làm chó gì? Tao đang thương hai ông bà ấy quá đây này. Đẻ ra một thằng hèn như mày đúng là nghiệp chướng! Tao không cần một thằng chồng hèn! Con tao càng không cần một thằng cha hèn! T… iên s…ư cha nhà nó chứ! Đã ế dài cổ ra rồi còn gặp thằng sở khanh! Điên hết cả người! Lượn bà mày đi cho nước nó trong!”