Nhìn bóng lưng thon thả của Cố Thiên Lâm, A La bụm môi cười, vén rèm bước vào. Đại phu nhân nghi ngờ nhìn nàng, không hiểu vì sao nàng ngăn không cho a hoàn của Cố phủ vào.
A La cười, nói: “Con đã nhìn thấy thiên kim Cố phủ rồi”. Chỉ một câu nói lập tức chuyển chủ đề thành công. Mấy người vây lấy A La nghe kể, nụ cười nhạt thoáng trên mặt Thanh Lôi, tựa hồ không bận tâm, nhưng khi nghe đến đoạn A La nói, Cố Thiên Lâm dáng điệu tao nhã lại thông tuệ hơn người, khẽ hừ một tiếng, tỏ vẻ khinh thường. A La thấy vậy thở dài, đại tỷ này cũng có chút tài, nhưng quá tự cao.
Đại phu nhân lại hỏi: “Còn nghe được gì nữa? Đi lâu như thế, đã gặp hai vị điện hạ chưa?”. Bạn đang xem truyện được sao chép tại: TruyenFull.vn chấm c.o.m
A La cứng mồm, Quyên Nhi mặt cũng tái nhợt. A La nhanh nhẩu ứng phó: “Không gặp hai vị điện hạ, nhưng thiên kim họ Vương chắc chắn không đẹp bằng đại tỷ, còn không bằng nhị tỷ nữa kia”.
Thanh Lôi, Thanh Phỉ bật cười.
Lúc đó nghe tiếng Hộ quốc công chúa nói to: “Sáng sớm phong cảnh đẹp thế này, nếu được thưởng thức khúc đàn mới càng thi vị. Nghe đồn nhị vị thiên kim của Cố tướng và Lý tướng được mệnh danh là Song tuyệt Phong thành, nức tiếng đàn hay, không biết hai vị có chịu cho bản cung thưởng thức một khúc chăng?”.
A La lè lưỡi, một cuộc so tài trần trụi. Lát sau, người hầu vào bẩm hồi âm, hai nhà sao dám không nể mặt công chúa, đại phu nhân lấy cớ vì tôn nghiêm của Tả tướng, mời tiểu thư Cố gia tấu trước.
Lát sau, từ trong trướng bên cạnh vang lên tiếng đàn. Âm thanh thánh thót, như ngọc bội giao chen, chính là khúc “Bội lan” lấy ý từ câu “Khâm phục thay cho lan mùa thu” trong “Ly tao” của Khuất Nguyên. Chỉ nghe thấy tiếng ca uyển chuyển du dương vọng ra: “Lan nở trong cốc vắng, âm thầm tự ngát hương; Tao nhân mặc khách, đâu người tri âm”.
Tâm ý của Thiên Lâm Cố gia tiểu thư đã rõ, mượn tiếng đàn thay lời muốn tìm tri kỷ.
A La ngẫm nghĩ, người xưa có câu, đem tâm tư gửi vào tiếng đàn, tri âm khó gặp, đàn đứt dây còn ai nghe? Cố Thiên Lâm lựa chọn khúc này rõ ràng là nhằm vào thái tử, nhưng lại thiên về ý muốn tìm tri âm, tự ví mình như đóa lan lặng lẽ nơi khe núi, tỏ ý không màng phú quý. Khúc “Bội lan” giai điệu tinh tế mà khoan thai, chậm mà du dương, kiêu sa mà không cao ngạo. Nếu lấy được người này làm vợ, tất có thể sắt cầm hòa hợp. Có lẽ Cố Thiên Lâm đoán biết tâm ý của thái tử, biết chàng không muốn lựa chọn người có dã tâm, một lòng muốn tìm nữ chủ Đông cung. Đàn khúc này, ngày sau trở thành thái tử phi cũng không bị tiếng là với cao. Nếu không thành, cũng chỉ là không tìm thấy tri âm mà thôi. Cố Thiên Lâm thật khéo suy tính.
Ánh mắt A La vừa di chuyển, thấy ghế của thái tử và tứ điện hạ trong trướng đối diện bỏ trống, các ghế khác đã được những bậc tài tử của Phong thành ngồi kín. Nghe xong khúc nhạc có người lắc đầu, có người ngơ ngẩn. Lại nhìn Thanh Lôi trầm mặc không nói, có lẽ khúc “Bội lan” cũng nói lên tâm ý của đại tỷ. Không biết Thanh Lôi lựa chọn khúc nào đối lại.
Thanh Lôi khẽ chau mày, lúc này không hiểu tại sao A La bỗng thấy cảm thông với người chị muốn so tài với Cố Thiên Lâm trước mặt mọi người. Thanh Lôi có thể cùng với Cố Thiên Lâm được mệnh danh Song tuyệt Phong thành, ngón đàn ngang ngửa, nhưng khúc nhạc sao nói hết tâm tư, ngay lựa khúc đã thua về khí thế, sẽ thành trò cười cho bàn dân Phong thành về sau. Chưa nói nếu Thanh Lôi không thắng được Cố tiểu thư, tướng phủ cũng bẽ bàng.
Lúc này khúc nhạc của Cố Thiên Lâm đã dứt. Hộ quốc công chúa đằng hắng hai tiếng, khen rằng: “Khen cho khúc “Bội lan”, khen cho cô nương tâm như lan mà trí thông tuệ! Cố tiểu thư, vừa hay ở đây bản cung có cây trâm Phỉ thúy lan, lại đây ai gia cài cho”.
Cố Thiên Lâm khoan thai bước ra ngoài trướng, chính là Hà Tâm. Lúc này nàng đã thay y phục tỳ nữ, váy vừa nâng, gót sen khẽ cất, đến quỳ trước công chúa. Hộ quốc công chúa rút chiếc trâm hoa lan trên đầu cài lên tóc mây của nàng. Cố Thiên Lâm cảm tạ, lại uyển chuyển đứng lên, khoan thai trở về.
A La nhìn về phía đối diện, Cố Thiên Lâm vừa thể hiện, quả nhiên làm chấn động những người trong đó. Ánh mắt nàng vừa chạm phải bóng người quen thuộc, sợ hãi lùi thẳng về sau, giấu mặt vào lưng Thanh Phỉ. Lại lén nhìn ra, trong tay chàng đại hiệp ban nãy bị mình đẩy xuống suối cầm một cành đào đưa lên hít nhẹ, tiện tay đưa hoa cho người hầu sau lưng, đoạn quay người bỏ đi.
Người hầu cầm cành hoa đi về phía trướng của Cố phủ. Lát sau, những người hầu mang hoa của chủ nhân đến tặng càng đông, đi lại tấp nập trước lều Cố phủ. Vậy là, các vị nữ khách cảm thấy nóng mặt. Hộ quốc công chúa cũng nhận ra điều đó, cười nói: “Đại tiểu thư Lý tướng, chẳng hay định hiến khúc nào?”.
Thanh Lôi dịu dàng đáp: “Xin hầu khúc “Thu thủy”.
Nét mặt A La như nở hoa. Cố Thiên Lâm dùng hoa lan nói hộ lòng mình, Thanh Lôi cũng không kém, “Thu thủy” trong trẻo, thanh tịnh, chí hướng cao xa, khúc này ý cũng không kém Cố Thiên Lâm. Sắp có trò hay xem đây.
Sau khi trả lời, Thanh Lôi hít sâu một hơi, giơ hai tay, không biết vì sao, ngón tay hơi run. Đại phu nhân hơi cuống, giục: “A Lôi, con nhất định phải thắng, đừng để mất mặt Lý phủ!”.
Thanh Lôi nhắm mắt, lại hít một hơi trấn tĩnh, ngón tay càng run hơn, vừa chạm dây đàn lại rụt về, buồn rầu nói: “Mẹ cả, con thua rồi, con không thể tĩnh tâm”.
Lúc đó ngoài trướng đã có người sốt ruột, ghé tai nhau bàn tán.
Đại phu nhân, Thanh Phỉ, Thanh La đều lo lắng nhìn Thanh Lôi. Trán đại phu nhân râm rấp mồ hôi, mặt sa sầm: “Thế này thì tướng phủ chúng ta biết giấu mặt đi đâu? Con mau chơi đi, nếu không về nhà, ta dùng gia pháp!”.
Thanh Lôi mặt trắng bệch, người mềm nhũn, mắt vừa sợ hãi vừa sầu thảm.
A La không nén nổi nói: “Đại tỷ, tỷ cứ coi như đang chơi đàn ở nhà, chơi cho một mình tỷ nghe, đừng bận tâm chuyện thắng thua”.
Thanh Lôi cười đau khổ: “Tất có được mất, sao có chuyện không bận tâm?”. Nói đoạn cúi đầu, dung nhan ngà ngọc ảo não. Ba tuổi Thanh Lôi đã chơi đàn, tâm cao chí ngạo tột cùng, Lý tướng hàng ngày nghiêm khắc giáo huấn, muốn gả nàng vào chốn vương thất, mặc dù nghe nói mình và Cố Thiên Lâm được mệnh danh là Song tuyệt Phong thành nhưng cũng không bận lòng. Hôm nay, vừa nghe tiếng đàn của Cố Thiên Lâm đã kinh động, lại thấy Cố tiểu thư được công chúa ban thưởng, bao người ngưỡng mộ, càng dao động tột cùng. Nàng và Cố Thiên Lâm thực lực tương đương. Cố Thiên Lâm đàn trước đã chiếm được thiện cảm của tân khách, muốn vượt qua đâu có dễ! Lòng tơ vò trăm mối, đã không còn chút đấu trí. Lại thở dài nói: “Nếu con đàn trước, Cố Thiên Lâm chắc cũng thế này!”. Mượn tiếng đàn nói hộ tâm tư, nàng có phần hiểu Cố Thiên Lâm.
Đại phu nhân càng cuống: “Bây giờ là lúc nào, còn do dự nữa, tân khách không đợi được, công chúa chờ lâu cũng nản”. Mắt lóe lên một tia sắc lạnh.
Thanh Lôi run người vì ánh mắt đại phu nhân, sợ hãi run lẩy bẩy ngã vào lòng Quyên Nhi như người ngất xỉu.
A La nhìn Thanh Phỉ, Thanh Phỉ lắc đầu, chơi đàn không phải là sở trường của nàng. Lại nhìn Thanh Lôi, lại thầm thở dài, rút cục vẫn là người đáng thương. Nàng nói nhỏ với đại phu nhân: “Mẹ cả, Thanh La nguyện giải vây cho tỷ tỷ, nhưng nhất thiết không được để lộ ra ngoài”.
Phu nhân kinh ngạc: “Ngón đàn của con thế nào?”.
A La hơi ngẩng đầu: “Nhất định không bẽ mặt bằng không có ai đàn, phải không mẹ cả?”.
Nói đoạn, ngồi xuống bên cây đàn, định tâm tĩnh khí, tay vuốt nhẹ phím, trong đầu tưởng tượng ra mình đang ngồi trên mạn thuyền ngắm nhìn biển cả vào một ngày thu. Mây trời cao lộng, tầng không trong vắt, nước biển xanh phẳng lặng như tấm lụa màu lam, trước mắt chỉ có sự mênh mông khôn cùng và lòng biển bao la, mình là cánh chim bằng, lúc nhẹ nhàng nhảy sóng, lúc tung cánh vút lên, chao liệng giữa mây trời bát ngát, đùa giỡn coi biển cả tựa ao nhà.
Thanh Lôi kinh ngạc nhìn cô em gái vốn không thạo ngón đàn, chỉ cảm thấy cơ thể bé nhỏ đó như tỏa muôn ngàn hào quang, chói lọi khó bề tiếp cận. Dưới ngón tay những âm thanh dồn dập trong veo tựa tiếng sóng xô ghềnh tung bọt trắng, trong sương khói mênh mang cuồn cuộn tuôn trào ẩn hiện cao sơn tráng lệ uy nghi, đỉnh chạm mây trời, vực thẳm ngàn trượng mở ra hun hút. Nếu không phải Thanh Lôi tận mắt chứng kiến, sẽ tưởng tiếng đàn này là của đấng nam nhi, chứ không phải là nữ đồng bé nhỏ, nàng bỗng cất tiếng hát: “Xuân sớm đẹp đào hoa thắm rỡ, sắc lung linh sương quẩn đỉnh non. Nước gương thu êm xuôi không tận, tâm phiêu diêu, chí viễn ngạo cao xanh…”.
Giọng Thanh Lôi trong trẻo, thể hiện niềm cảm kích chủ nhân Đào hoa yến, lại bộc lộ khí độ cao xa, hòa với tiếng đàn tràn trề tráng chí, dư âm réo rắt của Thanh La, càng muôn phần tương hợp!
Hòa xong những âm thanh cuối cùng, Thanh La và Thanh Lôi nhìn nhau cười. Những người có mặt không ai ngờ một nữ nhi lại có thể chơi được khúc “Thu thủy” hùng tâm tráng chí như vậy, vừa kinh ngạc cảm thán lại khâm phục bội phần. Chỉ nghe thấy một giọng nam nhân thanh sảng: “Sớm nghe danh Lý đại tiểu thư lấy cầm ngụ ý, từ thuở thiếu thời đã ngưỡng mộ đào hoa cốt cách thanh cao. Trăm nghe không bằng một thấy, chẳng hay Lý đại tiểu thư có bằng lòng cùng cô nhân du ngoạn thưởng hoa?”.
Nghe nói vậy, mặt đại phu nhân bỗng sững sờ sung sướng, giọng run run: “A Lôi, là… là thái tử điện hạ mời đó!”.
Thanh Lôi như trong mơ, thảng thốt mỉm cười. A La và Thanh Phỉ vội đẩy nàng, giục: “Đại tỷ đáp lời đi, là thái tử đích thân mời đó!”.
Thanh Lôi lúc này mới hoàn hồn, nhìn Thanh La, mắt nhòe ướt: “A La… tỷ… khúc này không phải…”.
A La ngắt lời: “Đại tỷ, khúc này do tỷ đàn, ca từ do tỷ hát, mau trả lời đi!”. Nói xong cùng với Thanh Phỉ dìu nàng đi ra.
Hộ quốc công chúa cười xởi lởi: “Tốt, tốt, tốt, thái tử mời trước, các vị nam nhi, đã có thái tử mở đường, hãy đi tìm tri âm của lòng mình. Các phu nhân, có đồng ý cùng bản cung đi dạo hoa viên?”.
Các phu nhân đứng lên: “Rất vinh hạnh”.
Công chúa nói vui: “Chúng ta già rồi, đi thôi, để khỏi làm phiền bọn trẻ”.
Tiếng cười rộ lên, không khí thoải mái hẳn.
Cách bức màn sa, bên ngoài trướng có một trang nam nhi tựa tay đứng. Gió thổi, bức màn bay nhẹ, thấy chàng vận áo chùng vàng chói, dáng cao tuấn tú, mày thanh mắt sáng, dáng vẻ thâm trầm, A La kêu lên, một chàng đẹp trai cổ đại! Thì ra đàn ông dáng đẹp, mặc áo chùng còn phong độ hơn nhiều.
Thanh Lôi cảm kích nhìn Thanh La, trấn tĩnh, cánh tay ngọc nhẹ vén bức màn sa, bước ra ngoài.
Trong trướng đối diện, lố nhố những cái đầu hiếu kỳ ngó ra, tranh nhau nhìn thiếu nữ được thái tử ưng ý, mà tài sắc đã vượt qua thiên kim của Cố tướng. Thanh Lôi vừa xuất hiện, những tiếng trầm trồ ào lên. Mọi người từ lâu đã biết Cố tiểu thư khí chất phi phàm, không ngờ, Lý Thanh Lôi cũng tuyệt sắc vô song. Thái tử cũng thoáng ngây người, nhẹ giọng nói: “Lý tiểu thư dung mạo như thu thủy, tài năng hơn người, cô vương ngưỡng mộ đã lâu”.
Thanh Lôi đỏ bừng hai má, ngước nhìn thái tử, bắt gặp đôi mắt đen thăm thẳm, vội vàng cúi đầu, thẹn thùng: “Chút tài mọn, đâu dám phiền điện hạ bận lòng”.
A La và Thanh Phỉ trong lều nghe thấy, bịt miệng cười. Thấy hai người sánh vai đi xa vào hoa viên, mới phá lên cười. Đây là lúc hòa hợp nhất giữa Thanh La và hai cô chị trong sáu năm qua, lúc này nàng không hề nghĩ đến, thay chị chơi một khúc đàn sẽ dẫn đến hậu quả thế nào, tiềm ẩn bao mầm họa ra sao.
Thanh Phỉ nhìn ra ngoài, phía bên kia có một đám người đứng quây tròn, có không ít thiếu nữ đứng xem, liền kéo Thanh La đến đó. A La ngó quanh, không thấy chàng đại hiệp kia, mạnh dạn hẳn lên, bụng nghĩ, người dân ở đây phong tục cũng khá cởi mở, cảnh tượng này không khác mấy cuộc hò hẹn công khai của hàng vạn nam nữ từng nhìn thấy trong công viên, vậy là nắm tay kéo Thanh Phỉ chạy đến đó.
Hóa ra đám người này đang xem thi câu đối. A La lập tức nghĩ đến những cuộc hát đối, uống rượu đánh bài trên núi. Chỉ có điều, đàn ông ở đây xem ra vô cùng lịch thiệp, nếu có cô gái nào không đối được hoặc đối không chỉnh, họ bèn nhận xét một câu rất lịch sự khiêm nhường: “Tiểu thư có lòng ứng đối đã là vinh dự của tiểu sinh rồi”.
Hai người chen vào đám đông, A La người thấp, không nhìn thấy tình hình bên trong, Thanh Phỉ nói nhỏ: “Có một công tử ra vế đối, rất đắc ý, hình như không ai đối được”. Thanh La hiếu kỳ hỏi: “Vế đối thế nào?”.
Thanh Phỉ đọc khe khẽ: “Tân nguyệt như cung, tàn nguyệt như cung, thượng huyền cung, hạ huyền cung”(6).
A La nhìn nét mặt Thanh Phỉ, cười ranh mãnh: “Nhị tỷ đối được, phải không?”.
Thanh Phỉ cười tự đắc: “Có gì khó!”.
A La lại hỏi: “Là công tử nào ra đối?”.
“Một chàng rất trẻ, không biết là ai”.
“Có khôi ngô không?”.
Thanh Phỉ đỏ mặt, khẽ gật đầu, sợ người ngoài nghe thấy, lại lườm Thanh La một cái. Thanh La bỗng nói to: “Vế này có gì khó, tiểu thư nhà tôi đối được!”.
Giọng nàng lanh lảnh, những người đứng trước tới tấp ngoái nhìn, A La đã trốn ra sau lưng Thanh Phỉ. Thanh Phỉ vốn người cao, càng nổi bật trong đám đông. Mắt mọi người sáng lên, nhìn thấy một thiếu nữ áo đỏ, sắc mặt hồng tươi như cánh hoa đào, dáng điệu có phần kiêu kỳ. Chàng công tử vừa ra vế đối vội chắp tay vái chào: “Tại hạ là Thành Tư Duyệt thị lang bộ Lễ, dám hỏi phải chăng cô nương đối được?”.
Thanh Phỉ đã cưỡi lên lưng hổ khó mà xuống được, đành mỉm cười cất tiếng: “Chiêu hà dĩ cẩm, vãn hà dĩ cẩm, đông thành cẩm, tây thành cẩm(7). Công tử thấy thế nào?”.
Thành Tư Duyệt vốn tự hào văn tài xuất chúng, mười tám tuổi đã đỗ trạng nguyên, một năm sau được thăng chức thị lang bộ Lễ, trẻ tuổi sớm thành danh. Nghe Thanh Phỉ ứng đối, lại thấy người thuộc bậc tài nữ phong lưu, lòng bỗng muôn phần sung sướng: “Tiểu thư đối rất chỉnh! Khâm phục, khâm phục, tại hạ ở đây có bức họa, liệu có thể mời tiểu thư đề từ?”.
A La cười thầm, viết chữ à, đây mới là tuyệt chiêu của Thanh Phỉ, chẳng cần đông tây giương cung cũng khiến chàng ta ngất xỉu.
Thanh Phỉ ung dung nhận lời, thong thả đi đến trước đài, thấy trên án có bức tranh vẽ cảnh núi non trong mưa, ngẫm nghĩ một lát, đoạn nhấc bút viết lên chỗ trống dành cho đề từ.
Thành Tư Duyệt nhìn dáng điệu Thanh Phỉ cầm bút đã biết là bậc cao nhân, ngắm kỹ nét chữ trên bức họa, nét thanh thoát mềm mại, như thoảng mùi hương của hạnh hoa tiết mưa xuân xứ Giang Nam, hòa hợp diệu kỳ với ý họa. Lần này thật sự lòng vui tâm phục, cúi gập người trước Thanh Phỉ: “Tại hạ sính thư pháp, ham chơi cờ, chẳng hay có thể mời tiểu thư cùng chơi một ván?”.
Đám đông xung quanh che miệng cười. Thanh Phỉ cho dù hoạt bát, cũng là lần đầu tiên tham gia yến hội, không khỏi ngượng ngùng, quay đầu không đáp, rảo bước đi về phía rừng hoa. A La theo sau. Được mấy bước ngoái nhìn, thấy Thành Tư Duyệt vẫn ngơ ngẩn đứng nhìn theo, liền khoát tay ra hiệu bảo chàng đi theo.
Thành Tư Duyệt là một trong năm đại công tử nổi tiếng Phong thành, sao có chuyện không phong tình, bèn chắp tay cáo từ mọi người, vội đi theo. Đợi chàng đến gần, A La nháy mắt ra hiệu chàng cứ đi, còn mình nấp qua một bên.
Thành Tư Duyệt cười thầm, một cô bé láu lỉnh. Thanh Phỉ đã đi vào rừng hoa, cách xa đám người, mới nói: “A La, đều tại muội bắt tỷ lộ diện, mất mặt quá!”.
Phía sau bỗng vọng lại tiếng nói của Thành Tư Duyệt: “Tiểu thư tài hoa là thế, sao có thể nói là mất mặt, người mất mặt chính là tại hạ”.
Thanh Phỉ giật thột, đưa tay bịt miệng, suýt kinh ngạc kêu lên, quay đầu thấy Thành Tư Duyệt đang mỉm cười nhìn mình, tim bỗng đập rộn ràng.
Tạm dịch:
6. Tạm dịch: Trăng non như cánh cung, trăng tàn như cánh cung, trăng thượng huyền như cung, trăng hạ huyền như cung (ND).
7. Tạm dịch: Mây sấm như gấm, mây chiều như gấm, vừng trời đông như gấm, vừng trời tây như gấm (ND).