Edit: Baby Laby
Beta: Laby Baby
*********
Nếu nhắc đến chén ngọc Cửu Long, hay còn gọi Cửu Long Công Đạo cốc, thì đó chính là báu vật mà hoàng đế Khang Hy vô cùng trân quý. Người xưa tương truyền rằng, có chín con rồng bị nhốt trong chén ngọc. Nếu trong chén được rót đầy rượu ngon mỹ vị, thì ở đáy chén sẽ nhìn thấy chín con rồng đang khuấy động. Hiện tượng này còn được gọi là “Cửu Hồi Hải(*)”.
Năm đó, một trong những tên tướng cướp khét tiếng đến từ Giang Dương – Dương Thanh Vũ(*) đã ba lần lẻn vào cung để đánh cắp chén ngọc Cửu Long, nhưng sau đó lại bị vị tướng trung thành của nhà vua cướp được trở về. Về sau, sự kiện này trở thành một đoạn truyện tương truyền vô cùng hay ho, dẫn đến sự tích chén ngọc Cửu Long càng ngày càng bí ẩn.
Cho đến khi hoàng đế Khang Hy qua đời, chiếc chén đã được chôn cất cùng nhà vua. Trong thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, Cảnh Lăng(*) đã phải trải qua nhiều khó khăn khổ ải để bảo hộ lăng mộ, ngăn ngừa những kẻ ngấp nghé chén ngọc. Đầu tiên là thế hệ hậu duệ của lãnh chúa Đại Anh(*), theo sau là băng đảng Chuột Đất nhiều lần mò đến nhưng không thành công.
Rồi đến những năm 1940, những tên trộm hành nghề lâu năm như Điền Giả Thất(*) và Quan Lão Kỳ(*) cũng phải mất công sức chín trâu hai hổ để bật nắp quan tài, cuối cùng mới đánh cắp được chén ngọc Cửu Long.
(*)Một số tên riêng đang trong quá trình tìm kiếm thông tin và giải ngữ:
Cửu Hồi Hải – 九回海 /Jiǔhuíhǎi/
Dương Thanh Vũ – 杨青武 /Yángqīngwǔ/
Cảnh Lăng – 景陵 /Jǐnglíng/
Đại Anh – 袋英 / Dàiyīng/
Điền Giả Thất – 田者七 /Tiánzhěqī/
Quan Lão Kỳ – 关老七 /Guānlǎoqī/
Khi ấy nhận được tin, ông nội đã phải dùng chút thủ đoạn tinh vi mới giành được chén ngọc Cửu Long từ tay Quan Lão Kỳ.
Lúc bấy giờ, đột nhiên trên giang hồ xôn xao tin đồn, bảo vật vô giá ai ai cũng thèm muốn đang xuất hiện ở phố Lưu Ly Xưởng, nơi tập trung rất nhiều cửa hàng đồ cổ ở Bắc Kinh. Có người còn nói, một triệu phú người Mỹ đã ra giá lên đến hai trăm sáu mươi lượng, sẵn sàng mua món bảo vật có một không hai này.
Nhưng ông nội vốn biết đây là báu vật quan trọng nhất của quốc gia, hiển nhiên không thể chịu được việc chén ngọc Cửu Long bị bán ra nước ngoài. Nhưng đồ càng quý càng không thể tránh khỏi phạm lỗi lầm, cho dù có gia tài bạc triệu thì e rằng khó mà giữ gìn được chén ngọc Cửu Long.
Ông biết không thể giấu kín chén ngọc Cửu Long, vì vậy sau khi cất giữ được vài ngày, người đã giao nó lại cho chính phủ lúc bấy giờ.
Quả nhiên đúng như dự đoán, trước ngày giải phóng, chén ngọc đã biến mất.
Khi đó xuất hiện rất nhiều tin đồn khác nhau, trong giang hồ lại đồn đoán rằng có người tài giỏi đến mức đã thay xà đổi cột, vật giao cho nhà nước là giả, bảo bối thật sự đã bị ông giấu đi.
Vì chuyện này mà dẫn theo vô vàn hậu họa cho nhà họ Sơ về sau. Đến khi ông nội, con trai và con gái của người lần lượt mất đi, miệng đời lại cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ việc này.
Ông nội có hai người con trai và một người con gái, người con trai cả đã hi sinh dưới tay quân Nhật, người con trai thứ hai và con gái út lại tiếp tục chịu đựng. Cả nhà họ Sơ hoàn toàn rơi vào tuyệt vọng, dọn về làng Vĩnh Lăng, gần như sống tách biệt với thế giới.
Trong những thập niên tiếp theo, thời thế tuy đã đổi thay(*), nhưng nhà họ Sơ đã không còn xuất hiện trước mặt mọi người nữa.
(*)Gốc: Chó Bạch Vân Cang /白云苍狗/ (Nguồn: Baidu): ý chỉ thế giới đang thay đổi.
Ông nội chưa bao giờ nhắc đến chén ngọc Cửu Long trước mặt Sơ Vãn, thậm chí các chú dì trong nhà cũng chưa từng được thấy nó. Nhưng Sơ Vãn vẫn luôn biết rằng, cả đời này của ông không thể buông bỏ được nó.
Vì vậy năm đó, khi nghe được tin chén ngọc Cửu Long đang ở nước ngoài, cô đã vô cùng xúc động.
Cô đi đến mộ của ông nội đốt giấy, nhìn đống tiền giấy dần hóa thành tro tàn, biến thành những hạt bụi tro trắng xám mờ nhạt bị gió cuốn bay lơ lửng, rồi trôi xuống chân núi vắng vẻ. Cô càng khẳng định rằng, cô phải có được nó.
Phải đoạt được chén ngọc Cửu Long bằng mọi giá. Truyện Teen Hay
Kể từ khi ông nội biết đến chén ngọc Cửu Long, trải qua năm mươi ba mùa xuân hạ thu đông, thế sự chuyển biến khôn lường. Bảo vật thì bị thất lạc ở nước ngoài, dòng dõi huyết thống thì dần héo tàn, cuối cùng chỉ còn lại mình cô.
Nếu đây là quốc bảo thì bắt buộc phải được đưa về quê hương cội nguồn. Còn nếu đây là mầm mống tai họa, cô bắt buộc phải lật lại ván cờ.
Sau đó không biết đã tốn bao nhiêu công sức và tiền bạc, cuối cùng cô cũng có được chiếc chén Cửu Long.
Nhưng chén ngọc Cửu Long đã bị hư hỏng một phần, nên sau khi đem về, cô không công khai mà tự mình bỏ công sửa chữa.
Cô đã phải ra sức chăm chỉ, cần mẫn chỉ để khôi phục lại chén ngọc, mọi thứ hầu như đều sắp hoàn thiện.
Ai lại có thể ngờ rằng một tai nạn như vậy lại xảy ra ngay thời điểm quan trọng nhất.
Sơ Vãn nhớ đến chuyện này, chỉ cảm thấy gân xanh trên trán đang co giật kịch liệt.
Một người là Lục Kiến Thời, một người từng là thím Bảy – Tôn Tuyết Gia, cho dù có cộng hai người bọn họ lại và nhân lên gấp một trăm lần, liệu có xứng đáng được đem ra so sánh với chén ngọc Cửu Long?
Cô đau lòng nhắm mắt lại, hình ảnh chén ngọc rơi xuống đất vẫn luôn hiện hữu trước mắt cô. Chén ngọc Cửu Long rơi tự do trước mặt cô như một thước phim tua chậm, rồi chạm mặt đất, theo sau tiếng đập mạnh là từng mảnh nhỏ vỡ tan, văng tung tóe.
Rồi khi rơi vào cõi thứ ba của thế giới, cô như nhìn thấy toàn bộ sự khô cằn, héo úa của cái thế giới này.
Đường núi gập ghềnh, xe bò lắc lư, Sơ Vãn yếu ớt ngồi trên đống cỏ khô của xe, khẽ hít một hơi thật sâu trong không khí se lạnh, nhắm mắt rồi lại mở ra.
Cô thẫn thờ ngắm nhìn bầu trời trong xanh và dãy núi Minh Lăng uốn lượn quanh co, cố gắng giải tỏa nỗi đau khôn xiết.
“Vãn Vãn, khi nào con với tên nhóc kia kết hôn?”, ông Hồ, người đang đánh xe bò, đột nhiên quay lại hỏi.
Nghe vậy, Sơ Vãn hơi trầm mặc, cố gắng hồi tưởng một chút, rốt cục mới nhớ đến tình cảnh trước mặt.
Người mà ông Hồ đang nhắc đến chính là người bạn trai cũ có học thức của cô, Tô Nham Thúc.
Gia đình của Tô Nham Thúc vốn trú ngụ ở khu phức hợp, nhà đông con nhưng hoàn cảnh lại vô cùng khó khăn. Khi ấy, tổ dân phố vận động họ trở về vùng nông thôn sinh sống, nếu chọn đi thì sẽ được cấp phí an sinh và bố trí nơi tái định cư.
Tô Nham Thúc không có việc làm, đành phải dựa dẫm vào phí tái định cư, quyết định về nông thôn ở.
May mắn thay cho anh ta rằng, anh ta không bị phân đến vùng Nội Mông hoặc Tân Cương, hoặc các tỉnh thành xa xăm khác, mà được chuyển đến một ngôi làng nhỏ ở ngoại ô Bắc Kinh, tức là thôn làng của cô.
Tô Nham Thúc này trông liêm chính và sạch sẽ, cũng rất sáng sủa và ưa nhìn. Chiếu theo cách nói của nhiều năm sau đó, thì anh ta thật sự rất “soái”.
Ngoài đẹp trai, tên này còn rất giỏi nói chuyện và dỗ dành các cô gái nhỏ.
Trước khi Sơ Vãn học xong trung học, cô đã học theo ông mình mà đi “xẻng đất”. “Xẻng đất” là một thuật ngữ cổ, chỉ những người hồi hương sưu tầm đồ cổ ở tiền tuyến, tất nhiên, cũng chỉ những kẻ trộm mộ, buôn đồ cổ chui.
Sơ Vãn còn rất trẻ nhưng cô đã phiêu bạt khắp mọi nơi, giao du trên khắp mọi miền đất nước. Không biết cô đã phải chịu đựng đau khổ và lang bạt như thế nào, nhưng khi trở về thôn Vĩnh Lăng lần nữa, gặp gỡ Tô Nham Thúc hiền lành và tuấn tú, trái tim cô ngay lập tức đã gục ngã.
Khi ấy, cô chỉ cảm nhận được nụ cười của Tô Nham Thúc vô cùng ấm áp, khiến cô cảm thấy dường như mình đã tìm được nơi để trở về.
Cô đã nói với ông nội rằng, cô muốn kết hôn và không muốn sống một cuộc đời phiêu bạt nữa, ông đã đáp ứng để cô đến với Tô Nham Thúc.
Bây giờ nhìn lại quá khứ, cô chỉ cảm thấy mình thật ngốc, vô cùng ngốc.
Trước đây mỗi khi Tô Nham Thúc nói chuyện với cô, không biết anh ta vô tình hay cố ý nhắc đến việc anh ta thích ăn trứng do gà nhà đẻ, hoặc quả hồng đông lạnh, khi ấy cô sẽ lập tức tìm về cho anh ta.
Sau đó anh ta muốn vào đại học, muốn lên thành phố để tham gia lớp tập huấn do Liên hiệp Công đoàn Bắc Kinh tổ chức. Chính Sơ Vãn là người đã giúp anh ta thu dọn đồ đạc. Cô đã phải bán những con gà nuôi ở nhà để kiếm thêm chút thu nhập, giúp anh ta đi học.
Vậy mà sau khi nhận được thư trúng tuyển, anh ta lập tức chia tay cô.
Thực sự khá nực cười khi nhớ lại những điều này.
Nhớ đến người mà cô từng gả kia, cùng với người này giống như từ một khuôn đúc ra. Bọn họ đều lợi dụng, bào mòn cô hết mình, cuối cùng cũng gạt cô sang một bên hết mình.
Trông cô có giống một kẻ coi tiền như nước không?
Chẳng lẽ cô chỉ thích hợp để chọn những món đồ cũ kỹ ở chợ đồ cổ, nhưng không thích hợp để chọn một người đàn ông để lấy làm chồng ư?
Sơ Vãn hít sâu một hơi, quấn chặt chiếc áo khoác bông màu xanh lam cũ kỹ đã được chắp vá lại, cuối cùng mới nói: “Ông Hồ, vẫn còn sớm để kết hôn lắm ạ!”
Ông Hồ nghe vậy liền liếc Sơ Vãn một cái: “Thật ra nếu con đã thấy phù hợp thì nên kết hôn càng sớm càng tốt. Con cũng không còn nhỏ gì nữa, đã mười chín rồi còn gì!”
Sơ Vãn: “Ông à, con còn trẻ mà. Luật hôn nhân được đưa ra cách đây vài năm yêu cầu phụ nữ chỉ được kết hôn khi đủ hai mươi tuổi, con vẫn còn nhiều thời gian lắm!”
Ông Hồ: “Luật hôn nhân là cái gì, sao ta phải quan tâm đến nó! Cứ bày tiệc ra rồi uống chút rượu mừng thôi là được.”
Sơ Vãn im lặng lắng nghe, cô biết ông Hồ có ý tốt. Nhưng đã là thanh niên có học thì đều muốn lên thành phố, Tô Nham Thúc không may mắn rơi vào bước đường này là một đi không trở lại. Nhưng cũng thật ra mà nói, gốc gác lòng người vốn không đặt ở nông thôn, thì dù thế nào cũng sẽ luôn nhớ nhung trở về thành phố.
Có lẽ trong suy nghĩ đơn giản của ông Hồ, ông ấy chỉ nghĩ rằng nếu cô và Tô Nham Thúc cùng uống rượu kết hôn, là đã có thể trói anh ta lại.
Thực tế đã chứng minh, ý tưởng trói buộc một người đàn ông là không đáng tin cậy.
Sơ Vãn không trói buộc Tô Nham Thúc, nhưng Lục Kiến Thời thì có. Lục Kiến Thời đã dạy cho cô một bài học – đàn ông kết hôn là một chuyện, cho dù đã kết hôn thì hắn ta vẫn có thể chăm sóc một người phụ nữ khác, thậm chí là bằng tiền của chính vợ mình!
Vừa nghĩ, cô vừa nhìn xuống cái giỏ tre do chính cô làm. Tay cầm của chiếc giỏ đã được mài nhẵn bóng, trên cọng tre có một nhúm lông gà, trong giỏ có một miếng thịt lợn nhỏ và một túi bột mì trắng.
Có vẻ như hôm nay cô đã đi chợ để bán số trứng mà cô thu nhặt được, dùng trứng để đổi lấy một ít thịt và trái cây.
Không nghĩ tới trong khoảng thời gian này cô cùng Tô Nham Thúc yêu đương, anh ta đối với ai cũng phóng khoáng tử tế, nhất định phải làm thịt heo mời người này ăn, gọt hoa quả mời người kia ăn.
Cô thật sự lắc đầu bất lực.
Giờ phút này, cô đã trở lại năm mười chín tuổi. Cô không thể quay lại thời điểm chén ngọc Cửu Long bị vỡ, lọc xương róc thịt Lục Kiến Thời ra thành trăm mảnh để trút giận, cũng không thể trực tiếp đá văng người thím Bảy Tô Tuyết Gia, mặc cô ta bị trầy xước đến chết.
Vì vậy bây giờ, cô quyết định phải cho Tô Nham Thúc biết rằng, bà cô này của anh ta không phải là người hay ngậm bồ hòn làm ngọt(*), cô chắc chắn phải dạy cho anh ta một bài học!
(*)Gốc là “không phải người ăn chay”, ẩn dụ là người không dễ đối phó.
Tuy thế, bản thân cô thật ra cũng không cảm thấy khó chịu với Tô Nham Thúc đến như vậy, cô còn cho rằng đó là sự ngu ngốc của chính mình.
Tô Nham Thúc chỉ xuất hiện khi cô đang rất cần một nụ cười ấm áp, nhưng chính sự ham muốn và lòng tham chiếm hữu đã khiến cô rơi vào vết xe đổ mà bất cứ người phụ nữ nào trên đời này cũng rất dễ sa vào.
Tô Nham Thúc là Tô Nham Thúc, anh ta chỉ đang thể hiện bản chất thật sự của bản thân mình, cũng chưa từng nghĩ sẽ đối xử có lỗi với bản thân.
Nhưng giờ đây, khung cảnh chén ngọc Cửu Long bị đập vỡ đã kích thích đến cô, khiến cô vô cùng muốn báo thù.
Cô chắc chắn sẽ bắt những kẻ có lỗi với cô phải trả một cái giá thật đắt.
Ngay lúc những suy nghĩ của cô đang hỗn loạn, ông Hồ đột nhiên bật ra một tiếng kêu khẽ.
Thì ra đây là đoạn đường xuống dốc, ông Hồ cầm dây cương lên, tiếng thở “phù phù” phát ra từ mũi ông.
Sơ Vãn ngước mắt nhìn về phía chân núi cách đó không xa.
Đã đến làng Vĩnh Lăng rồi.
Bốn trăm năm trước, dưới chân lăng mộ nhà Minh có một viên quan cai quản, đến đời nhà Thanh đã bổ sung thêm một viên nội thần và một lăng mộ mới được xây dựng nhằm canh gác tại nghĩa trang.
Gia đình của những người này dần định cư tại đây, cuối cùng thành lập nên một thôn làng, về sau các ngôi làng dưới chân lăng mộ nhà Minh ngày nay đều được đặt theo tên của lăng.
Làng Vĩnh Lăng được hình thành gần lăng Vĩnh Lăng của hoàng đế Chu Hậu Thông trong khu lăng mộ Thập Tam Lăng.
Không lâu sau khi Sơ Vãn gả đi, ông nội qua đời và cũng được chôn cất dưới chân lăng mộ nhà Minh.
Sơ Vãn thực sự không có chút hoài niệm nào về ngôi làng mà cô lớn lên, cô chỉ ghé qua mỗi khi cô đến quét dọn mộ.
Cô mơ hồ nhớ ra rằng, làng Vĩnh Lăng sau này sẽ được phát triển để phục vụ du lịch, còn được chính phủ nhà nước đầu tư không ít, nên làng cải thiện rất tốt.
Bây giờ quay lại, nhìn thấy ngôi làng cổ kính vẫn nằm lặng lẽ dưới chân lăng mộ nhà Minh.
Cô chỉ cảm thấy hơi mất hứng, cứ ngỡ như mình đang bước vào trong mơ.
Nhưng trong giấc mơ đó, cô thấy ông nội mình với dáng người già nua, đứng trước ngưỡng cửa đổ nát với một con ngựa nhỏ trên tay, miệng rụng gần hết răng khẽ mở ra. Ông mỉm cười hiền từ và nói, “Vãn Vãn, trở về rồi à.”
– ———–