Sáng hôm sau, Nguyễn Tri Mộ dậy sớm.
Trong chăn ấm áp, anh úp mặt vào vòm ngực Tuỳ Ý.
Chăn không to lắm, hai người muốn cuộn trong chăn thì không thể không nằm nghiêng, phải cố gắng gần nhau hết sức.
Nhưng theo cách này, sự thoải mái khi ngủ giảm đi rất nhiều.
Hình như Nghiêm Việt cũng ngủ không thoải mái, nhắm hai mắt, nghiêng người, hơi cau mày, cánh tay trái gác nhẹ trên hông anh vì không có chỗ đặt.
Nguyễn Tri Mộ ngượng ngùng một giây, cẩn thận kéo tay hắn ra, dậy làm bữa sáng.
Mua bánh nướng ngọt mặn, quẩy, sữa đậu nành ở cửa hàng bán đồ ăn sáng, lúc về đến nhà vừa hay Nghiêm Việt đã rửa ráy xong.
Hắn chùm khăn trên đầu, mái tóc còn lấm tấm giọt nước, mặc một chiếc sơ mi sọc dọc đen trắng, quần bò xanh sẫm, ống tay xắn hờ đến cẳng tay, để lộ cổ tay gầy mà khoẻ khoắn.
Nguyễn Tri Mộ nhìn cổ tay hắn, không khỏi nghĩ đến cảnh tối qua hắn nắm bàn chân mình.
Lúc đó phòng tối om, chăn lại che mất, dường như không thấy gì nhưng hơi nóng từ bàn chân được ủ ấm lại rõ ràng đến kỳ lạ.
Là cảm giác vững vàng, an ổn, được nghiêm túc đối đãi.
Bữa sáng nay yên tĩnh lạ thường.
Hình như tâm trạng của Nghiêm Việt khá tốt, buổi sáng vốn chỉ ăn hai cái bánh bao nhưng hôm nay lại ăn những ba cái.
Ăn sáng xong, Nghiêm Việt đi học.
Nguyễn Tri Mộ cũng phải lên lớp, không yên tâm để Nguyễn Nghệ ở nhà một mình, chỉ đành đưa cậu theo.
Lần đầu tiên Nguyễn Nghệ được đi học cùng Nguyễn Tri Mộ, tỏ ra cực kỳ hưng phấn.
Nguyễn Tri Mộ dặn dò lát nữa đến lớp học cậu phải ngoan ngoãn làm bài tập, không được nói chuyện riêng, Nguyễn Nghệ căng thẳng đồng ý.
Đến lớp học, bạn học thấy anh đem một đứa trẻ tới, hiếu kỳ vây quanh.
“Uầy, anh Nguyễn kết hôn trộm, còn có con trai rồi này.”
“Nhìn kỹ thì mắt mũi cũng rất giống! Được đúc từ một khuôn đây mà.”
“Đêm nay có bao bạn nữ phải tan nát cõi lòng…”
“Nói linh tinh, đứa bé này ít nhất cũng phải 8,9 tuổi, chẳng nhẽ anh Nguyễn sinh em bé từ hồi cấp 2?”
Nguyễn Tri Mộ bất đắc dĩ: “Đây là em trai mình, đến ở cùng một thời gian.”
Nguyễn Nghệ có khuôn mặt nhỏ, mắt to, quả đầu bát úp, tròn tròn, rụt rè ngồi trên ghế, mặc bộ quần áo màu vàng tươi, giống đoá hoa hướng dương, nhìn rất đáng yêu.
Các bạn nữ trong lớp Nguyễn Tri Mộ bỗng nổi tình thương của mẹ, lấy một đống đồ ăn vặt ra để trêu trẻ con, cho đến lúc chuông vào học vang lên mới luyến tiếc về chỗ ngồi.
Nguyễn Tri Mộ nhìn trong lòng Nguyễn Nghệ chất đống đồ ăn vặt, khóc dở mếu dở: “Còn nhỏ đã hoạ thuỷ*, chẳng biết lớn lên thế nào…”
* hoạ thuỷ trong hồng nhan hoạ thuỷ
Nguyễn Nghệ tốn sức dịch đến, bổ về phía trước, toàn bộ đồ ăn vặt đều rơi vào lòng anh.
Nguyễn Tri Mộ: “Nhờ anh cất giúp à?”
Nguyễn Nghệ nằm bò trên đùi anh, ngẩng đầu nhìn, nhỏ tiếng đáp: “Cho anh hết.”
Nguyễn Tri Mộ hơi bất ngờ: “Cho anh hết á?… Không phải em thích đồ ăn vặt nhất à, nhất là kẹo phô mai, anh nghe mẹ kể em mỗi ngày ở nhà phải ăn hai que.”
Nguyễn Nghệ lặp lại: “Vì rất ngon nên cho anh hết.”
Nguyễn Tri Mộ ngây người một lúc, đáp: “… Cảm ơn nhé.”
——
Buổi chiều Nguyễn Tri Mộ có buổi lễ của một công ty mỹ phẩm nào đó, hiện trường vàng thau lẫn lộn, không thích hợp đưa Nguyễn Nghệ đi.
Sự kiện tầm ba tiếng, rất nhanh sẽ kết thúc.
Nguyễn Tri Mộ đưa Nguyễn Nghệ về nhà, dặn dò cậu ngoan ngoãn ở nhà, xem ti vi đọc truyện tranh nghịch đồ chơi đều được, không được động vào đồ điện, lửa, bếp, không được mở cửa sổ, nếu có người lạ gõ cửa cũng không được mở.
Nguyễn Nghệ đồng ý từng điều.
Nguyễn Tri Mộ vội vàng đến địa điểm diễn ra sự kiện.
Đến lúc sự kiện kết thúc, trời đã tối.
Trên đường về nhà mua con cá diếc, định tối làm canh cá diếc đậu phụ cho Nguyễn Nghệ, cũng có thể cho Nghiêm Việt bồi bổ cơ thể.
Chìa khoá vặn mở cửa, nhưng không thấy bóng dáng Nguyễn Nghệ.
Nguyễn Tri Mộ nghĩ cậu đang ngủ trong phòng hoặc trong nhà vệ sinh, gọi hai tiếng nhưng không ai đáp lời.
Nguyễn Tri Mộ hơi hoảng, tìm mọi ngóc ngách trong nhà, không thấy ai.
Nhận ra Nguyễn Nghệ thực sự không ở nhà, đầu Nguyễn Tri Mộ trống rỗng.
Bình tĩnh, không được hoảng.
Nguyễn Nghệ trước nay rất ngoan ngoãn, chắc chắn không tự ý chạy ra ngoài một mình.
Cửa khoá đàng hoàng, đồ đạc trong nhà ngăn nắp như trước lúc anh đi, không mất tiền bạc.
Vậy khả năng có người cầm chìa khoá, đưa Nguyễn Nghệ ra ngoài.
Người cầm chìa khoá chỉ có Nghiêm Việt.
Nguyễn Tri Mộ gọi điện cho Nghiêm Việt, chuông kêu hồi lâu nhưng không ai nghe máy.
Lần này Nguyễn Tri Mộ thật sự hoảng sợ.
Anh lấy chìa khoá, chạy ra ngoài, lúc xuống tầng vấp bậc thang, ngã sõng soài, không quan tâm việc bị thương, lập tức đứng dậy chạy.
Vừa chạy vừa cầm điện thoại gọi 110.
Chạy xuống đến tầng 1, lao bổ vào một người.
Nghiêm Việt ôm Nguyễn Nghệ, kinh ngạc nhìn anh.
Mặt Nguyễn Nghệ đỏ bừng, tóc đầy mồ hôi bết lên trán như vừa quẩy điên cuồng ở đâu đó, trong lòng còn ôm một túi vải lớn màu be.
Thấy Nguyễn Tri Mộ, vốn muốn lập tức nhào đến nhưng bị khuôn mặt trắng bệch của anh doạ dợ, rụt rè cuộn trong lòng Nghiêm Việt.
Nghiêm Việt: “Anh…”
Chân Nguyễn Tri Mộ nhũn ra, trông có vẻ sắp ngã, được Nghiêm Việt nắm lấy bả vai.
Nghiêm Việt đặt Nguyễn Nghệ xuống, đỡ Nguyễn Tri Mộ.
Nguyễn Tri Mộ: “… Nãy cậu đưa Nguyễn Nghệ ra ngoài hả?”
Nghiêm Việt: “Hôm nay được tan học sớm, thấy cậu bé ở nhà một mình, bụng đói meo nên đưa đến trung tâm thương mại gần đây ăn bữa cơm.”
Môi Nguyễn Tri Mộ không còn chút huyết sắc: “Sao không nghe điện thoại.”
Nghiêm Việt: “Ban nãy cho cậu ấy ngồi vòng quay ngựa gỗ, không cẩn thận bị rơi điện thoại, mãi mới tìm thấy nhưng điện thoại hết pin. Tôi sợ anh không tìm thấy người sẽ lo lắng nên đưa về trước.”
Nguyễn Tri Mộ tắt giao diện cuộc gọi ban nãy, vịn vào cánh tay Nghiêm Việt đứng dậy: “… Thì ra là vậy.”
Đến nhà, Nguyễn Tri Mộ thấy Nguyễn Nghệ đầu toàn mồ hôi, sợ cậu cảm lạnh nên bảo đi tắm trước.
Nghiêm Việt để cá diếc vào phòng bếp, rót nước cho Nguyễn Tri Mộ: “Sao lại bị doạ như vậy.”
Nguyễn Tri Mộ vô lực nằm liệt trên sô pha: “Hai người nhà đột nhiên không thấy đâu, là cậu thì cậu có hoảng không.”
Nghiêm Việt: “Là lỗi của tôi, vốn định đưa thằng bé ra ngoài ăn chút đồ, không để ý chơi lâu đến vậy.”
Nguyễn Tri Mộ: “Lần sau ra ngoài, nhớ báo trước cho tôi.”
“Mấy ngày nữa Nguyễn Nghệ về nhà rồi, làm gì còn nhiều lần sau nữa.” Nghiêm Việt: “Nãy tôi với Nguyễn Nghệ ra ngoài ăn, nó còn hỏi tôi mấy lần, có thể ở thêm không, vẫn chưa muốn về.”
Nguyễn Tri Mộ: “Ai muốn đi học cơ chứ, tôi còn muốn nghỉ mãi đây này.”
Nghiêm Việt: “Không liên quan đến đi học, nó chỉ muốn ở chung với anh một khoảng thời gian nữa.”
Nguyễn Tri Mộ vuốt nhẹ cốc thuỷ tinh trong lòng bàn tay: “… Cậu muốn nói gì.”
Nghiêm Việt: “Đợi tí nữa Nguyễn Nghệ nói với anh.”
Nguyễn Nghệ tắm xong đi ra, mặc bộ ngủ hoạt hình màu xanh hình con nai.
Nguyễn Nghệ nhìn Nghiêm Việt một cái, lấy dũng khí, mở chiếc túi vải lớn màu be, đưa một cái bình dạng ống xiêu xiêu vẹo vẹo cho Nguyễn Tri Mộ.
“Anh, là em quấn lấy anh Nghiêm Việt đòi ra ngoài ăn, anh đừng trách anh ấy… Cái này tặng anh.”
Nguyễn Tri Mộ: “Cái này là gì…”
Nhìn cả mặt chờ mong của Nguyễn Nghệ, anh nuốt “làm trò” xuống, đổi thành “cái này là gì?”
Nguyễn Nghệ: “Đồ thủ công làm ở phòng gốm, tặng anh.”
Bình đất sét có màu nâu đất, xiêu xiêu vẹo vẹo, mặt sau khắc một hình rất trừu tượng.
Nguyễn Tri Mộ chăm chú ngẫm nghĩ một lúc, bỗng nhiên nghĩ ra: “Cái này là khắc vài cây kem hả?”
Nguyễn Nghệ xị mặt: “… Em khắc người mà.”
Nghiêm Việt giúp cậu giải thích: “Hình vuông là cơ thể, cái thanh ở dưới là chân, bốn hình vuông nghĩa là một nhà bốn người.”
Nguyễn Nghệ nhỏ tiếng nói: “Muốn ở mãi với bố mẹ và anh trai nên em làm cái này… có phải xấu lắm không?”
Cậu hơi thất vọng, lại căng thẳng nhìn anh trai, đợi đánh giá của anh.
Nguyễn Tri Mộ trầm mặc một lúc.
“Không.” Nguyễn Tri Mộ duỗi tay, xoa đầu cậu: “Rất có… sáng tạo, anh rất thích.”
Nguyễn Tri Mộ đưa Nguyễn Nghệ vào phòng, kể chuyện trước khi đi ngủ cho nghe rồi dỗ cậu ngủ, xong mới ra ngoài.
Nghiêm Việt đợi anh ở phòng khách: “Sao nay trông thích thú thế?”
Nguyễn Tri Mộ ngồi xuống sô pha: “Làm đồ gốm là chủ ý của cậu chứ gì.”
Nghiêm Việt cười cười, không phủ nhận.
Nghiêm Việt: “Chỉ là tôi không nỡ, thằng bé cố gắng lấy lòng anh, muốn nhận được sự yêu thích của anh, chỉ sợ anh bị cướp đi. Trước khi quen nó, chưa bao giờ tôi biết em trai lại có thể đáng yêu như vậy.”
Chắc đang nghĩ đến đứa em trai ngang ngược hống hách của mình.
Nguyễn Tri Mộ: “Nguyễn Nghệ còn nói với tôi, cậu tặng nó kính viễn vọng.”
Nghiêm Việt: “À, thằng bé thích cái phim hoạt hình gì mà vũ trụ mạo hiểm, nói tương lai phải trở thành nhà thiên văn học. Vừa hay trung tâm thương mại có cửa hàng bán đồ chơi nên tiện mua tặng luôn.”
Nguyễn Tri Mộ: “Cậu gọi kính viễn vọng thiên văn hơn một nghìn tệ là đồ, chơi?
Nghiêm Việt: “Giới thiệu khoa học cho trẻ em mà thôi.”
Món đồ đắt như vậy, dù thế nào Nguyễn Tri Mộ cũng không thể để Nguyễn Nghệ nhận được.
Anh định trả hàng, hoặc trả đồ cho Nghiêm Việt nhưng Nghiêm Việt không chịu nhận.
Nghiêm Việt: “Đồ tôi cho đi không có đạo lý nhận lại. Hơn nữa tôi tặng Nguyễn Nghệ, liên quan gì đến anh.”
Nguyễn Tri Mộ: “…”
Nghiêm Việt và Nguyễn Nghệ đã ăn no bên ngoài, một mình Nguyễn Tri Mộ lười nấu cơm, cho cá diếc vào ngăn đông lạnh, lấy trong tủ lạnh bánh kem hôm qua ăn còn thừa.
Bánh kem ngọt ngấy, Nguyễn Tri Mộ ngồi bên bàn ăn, pha cốc trà xanh giải ngấy, ăn một miếng uống ba ngụm.
Vừa ăn được mấy miếng, điện thoại đổ chuông.
Mẹ Nguyễn gọi điện đến, hỏi Nguyễn Nghệ mấy nay có ngoan không, ngủ có quen không.
Hồi còn trẻ mẹ Nguyễn có bày sạp bán hàng, giọng nói rất lớn, âm thanh rõ ràng vọng ra ngoài điện thoại.
Nguyễn Tri Mộ: “Có ạ.”
Mẹ Nguyễn lại hỏi anh, tối qua Nguyễn Nghệ có uống thuốc không.
Nguyễn Tri Mộ sững người.
Lúc mẹ Nguyễn đưa Nguyễn Nghệ đến có nhắc, đợt này Nguyễn Nghệ hơi bị viêm mũi, mỗi ngày phải uống thuốc thông mũi*, một ngày ba lần, mỗi lần một gói.
* thuốc thông mũi (tạm dịch) tên thuốc như thế này鼻渊通窍颗粒
Lúc đó Nguyễn Tri Mộ đang chuẩn bị cho chương trình của một công ty mỹ phẩm, cũng có nghe nhắc nhưng quá nhiều việc quá phức tạp, một chốc không lưu tâm nên quên luôn.
Nguyễn Tri Mộ áy náy: “Con…”
Đột nhiên Nghiêm Việt gõ lên mu bàn tay anh.
Nguyễn Tri Mộ ngẩng đầu, thấy Nghiêm Việt gật đầu với anh.
Nguyễn Tri Mộ hiểu ra, đáp: “… Em ấy uống rồi.”
Mẹ Nguyễn: “Hôm nay cũng uống rồi à?”
Nghiêm Việt lại gật đầu.
Nguyễn Tri Mộ: “Vâng.”
Mẹ Nguyễn an tâm, lại luyên thuyên với anh chuyện gia đình, nói hôm nay vốn định đi gặp khách hàng với bố Nguyễn nhưng sáng sớm bố Nguyễn dậy bị đau eo, chắc là bệnh cũ tái phát, bị bà cấm chế phải ở khách sạn nghỉ ngơi; đã gửi năm nghìn tiền sinh hoạt tháng này, bảo anh nên tiêu thì tiêu, cũng không cần phải gom góp quá.
Vốn dĩ mỗi lần mẹ Nguyễn nhắc đến việc cho tiền, Nguyễn Tri Mộ liền lập tức từ chối nhưng hôm nay trước mặt Nghiêm Việt nên cũng ngại nói, chỉ đành miễn cưỡng nhận lấy.
Mẹ Nguyễn thấy anh hiếm khi nhận, vui vẻ nói: “Sớm bảo con nên nhận tiền rồi, thanh niên trẻ trung ngày ngày chạy đi làm thêm không thấy mệt à? Sinh viên thì cứ ngoan ngoãn học hành, thấy có cô gái nào thích thì cũng yêu đương đi, đừng có tiết kiệm tiền hẹn hò, nhà mình cũng không phải không có tiền.”
Nguyễn Tri Mộ gượng gạo nhìn Nghiêm Việt một cái: “Mẹ…”
Nghiêm Việt thức thời đứng dậy, đi ra ngoài ban công.
Đợi Nguyễn Tri Mộ nói chuyện xong, Nghiêm Việt mới đi vào.
Nghiêm Việt: “Trước khi đưa Nguyễn Nghệ đi ăn, nó nói sợ tối quên nên tự lấy thuốc ra. Tôi hỏi có phải chê đắng không, thằng bé bảo có chút đắng nhưng cũng có chút ngọt. Nó là nam tử hán, không sợ đắng, uống xong thuốc mới đi.”
Nguyễn Tri Mộ: “Cảm ơn… Tôi lơ là quá.”
Nghiêm Việt: “Anh biết mà, Nguyễn Nghệ sẽ không trách anh lơ là, thằng bé chỉ hi vọng anh nói chuyện với nó nhiều hơn.”
“Mẹ anh cũng thế, họ cũng rất quan tâm anh.” Hắn ngừng một lúc: “Nói thẳng ra, tôi rất đố kỵ với anh, có một gia đình tốt như vậy. Đây là mẫu gia đình mà tôi đã tưởng tượng không biết bao nhiêu lần từ khi còn là một đứa trẻ, có một người mẹ hơi đanh đá, cằn nhằn nhưng đầy tình yêu thương, một người bố nghe lời mẹ, còn có một người em trai ngoan ngoãn bám người.”
Nguyễn Tri Mộ thở dài: “Có phải cậu cảm thấy kỳ lạ vì sao tôi không dám nhận tiền của bố mẹ không.”
Việc đã đến nước này, Nghiêm Việt cũng nghe gần hết, cũng không có gì phải giấu diếm.
Anh làm thêm từ sáng đến tối, ngày ngày bận rộn, rất hiếm khi về nhà, người ngoài nhìn chắc hẳn sẽ tưởng gia đình anh nghèo khổ, quan hệ với người nhà không tốt.
Nghiêm Việt thấy thế chắc chắn cũng cảm thấy rất kỳ lạ, rõ ràng bố mẹ đối với anh rất tốt, em trai cũng thích anh.
Nghiêm Việt: “Nếu anh muốn kể, rửa tai lắng nghe.”
Nguyễn Tri Mộ hít sâu một hơi.
So với mấy gia đình đầy drama khác thì gia đình anh thực ra cũng chẳng có gì, nhưng khúc mắc của con người không phải đến từ so sánh, chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận được nỗi đau.
Từ hồi bé xíu, anh đã không hay ở cùng bố mẹ, họ hay ra ngoài làm việc, một năm chỉ về một lần vào dịp tết nên anh ở cùng ông bà nội.
Kỳ thực chuyện như vậy trong thị trấn có rất nhiều, dù sao ở địa phương không có cơ hội việc làm, người trẻ có chí hướng đều đến thành phố lớn làm việc.
Lúc đó Nguyễn Tri Mộ không có khái niệm gì về “bố mẹ”, chỉ biết tết họ mới về, mang cho anh quần áo mới, kẹo, súng đồ chơi. Mặc dù quan hệ giữa mọi người không thân thiết nhưng cũng được coi là hoà thuận.
Bố mẹ Nguyễn bắt đầu nhận thầu công trình bên ngoài, kinh tế cũng dư dả hơn nên sinh đứa con thứ hai, chính là Nguyễn Nghệ.
Khi đó Nguyễn Tri Mộ bắt đầu hiểu chuyện, biết bạn học khác được bố mẹ đón lúc tan học, còn anh một mình đơn độc tự đi về nhà; cũng biết có những đứa trẻ hư bắt nạt anh vì biết bố mẹ anh không ở nhà.
Tết đến, bố mẹ đưa Nguyễn Nghệ về nhà.
Bàn tiệc giao thừa nhộn nhịp, ai ai cũng thích đứa bé mới sinh, trêu nó cười, trêu nó khóc. Mẹ bế mỏi, bố rất tự nhiên đón lấy bế tiếp.
Đó là điều Nguyễn Tri Mộ chưa bao giờ trải qua.
Ăn tết xong, bố mẹ đưa Nguyễn Nghệ đi.
Nếu lúc đầu chỉ là vì Nguyễn Nghệ còn quá nhỏ, nhưng một năm, hai năm, ba năm trôi qua, bố mẹ lúc nào cũng đưa Nguyễn Nghệ theo.
Sau đó, Nguyễn Tri Mộ mới nhận ra, cùng là con của bố mẹ, nhưng con này con kia, sự quan tâm và tình yêu mà mỗi đứa con nhận được là khác nhau.
Năm Nguyễn Tri Mộ 15 tuổi, bố mẹ khá giả hơn, áo gấm về làng.
Bố mẹ thấy anh chống đối Nguyễn Nghệ, lúc đầu cố ý để anh gần thằng bé, thỉnh thoảng có công việc ra ngoài, lại bảo anh trông Nguyễn Nghệ.
Có một lần bố mẹ phải đi ăn cưới, bảo anh ở nhà chơi với Nguyễn Nghệ. Lúc đó Nguyễn Nghệ đã biết đi khá vững, đi đi lại lại trên sàn, khám phá mọi ngóc ngách trong nhà.
Nguyễn Tri Mộ chỉ lơ là một lúc, Nguyễn Nghệ đã bò lên bệ cửa sổ.
Nguyễn Tri Mộ ngẩng đầu, đại não trống rỗng, phản ứng đầu tiên là bế cậu bé xuống.
Người thì ôm chắc rồi nhưng Nguyễn Tri Mộ không đứng vững, hai người ngã sõng soài.
Nguyễn Tri Mộ không sao nhưng cánh tay Nguyễn Nghệ bị mảnh sắt trên chân ghế đẩu quẹt xước.
Hàng xóm nghe thấy tiếng khóc, gọi điện cho bố mẹ Nguyễn. Họ vội vàng về nhà, đưa Nguyễn Nghệ đến bệnh viện tiêm phòng uốn ván.
Lúc trở về, đèn phòng ngủ của Nguyễn Tri Mộ đã tắt, bố mẹ Nguyễn tưởng anh đã đi ngủ.
Họ thấp giọng trò chuyện ngoài sân, mẹ Nguyễn hơi buồn, cảm thấy con trai lớn không hiểu chuyện, em trai bị thương mà đã đi ngủ sớm vậy, không tim không phổi.
Sau đó nói đến chuyện Nguyễn Tri Mộ chống đối em trai.
Bố Nguyễn do dự một chốc, nhỏ tiếng, em thấy, có phải Tiểu Mộ cố ý không?
Mẹ Nguyễn cũng nghĩ đến khả năng này, bình thường Nguyễn Nghệ chủ động gần gũi anh trai, Nguyễn Tri Mộ trước nay đều lạnh tanh, còn nhiệt tình với mấy đứa nhỏ không quen biết hơn cả em trai ruột của mình.
Hơn nữa sao lại trùng hợp thế, Nguyễn Nghệ bị thương, Nguyễn Tri Mộ không bị làm sao cả.
Bọn họ đã đọc mấy trường hợp tương tự trên báo, đứa trẻ lớn hơn đố kỵ đứa trẻ nhỏ được yêu chiều, sẽ cố ý bắt nạt thậm chí gian ác ra tay.
Hai người nhỏ tiếng nói chuyện, cửa lớn rầm một tiếng mở ra.
Nguyễn Tri Mộ đứng trước cửa, mặt không biểu cảm nhìn bọn họ.
Anh bình tĩnh kể lại một lượt chuyện xảy ra ban tối.
Thực ra bố mẹ Nguyễn cũng chỉ thuận miệng trò chuyện, không ngờ Nguyễn Tri Mộ lại nghe thấy, tức thời hoảng hốt, ôm anh vào lòng liên tục xin lỗi.
Mẹ Nguyễn không thấy anh có phản ứng gì, sốt ruột phát khóc, bố Nguyễn cảm thấy rất áy náy.
Từ đầu đến cuối, Nguyễn Tri Mộ mặt không biểu cảm.
Từ lúc đó anh mơ hồ hiểu ra: Ở trên thế giới này, anh chỉ có thể tự dựa vào chính mình, chỉ có bản thân mới đáng để tin cậy.
Tiền bố mẹ gửi cho anh, anh không động một đồng trả lại ngay. Bố mẹ không chịu nhận, anh bèn tích góp vào một chiếc thẻ khác, chưa bao giờ động đến.
Hồi cấp 3 làm việc chui, ông chủ sợ thuê người chưa đủ tuổi làm việc sẽ bị phạt, không dám nhận anh, anh chỉ đành đổi nhà khác, lấy chứng minh thư của anh họ để che mắt.
Lúc bạn học ăn bánh uống trà trong tiệm trà sữa, chơi điện tử trong quán game thì anh luôn bận rộn làm thêm.
Thành tích của anh tốt, trước khi lên đại học thì cũng chỉ đóng chút tiền học không đáng bao nhiêu, tiền làm thêm dành dụm cũng có của ăn của để.
Mệt thì mệt nhưng cũng không cảm thấy tức giận hay bất công, đây là con đường anh tự chọn, không trách được người khác.
Về sau lớn hơn, có thể hiểu ra suy nghĩ năm đó của bố mẹ, cũng biết Nguyễn Nghệ thích anh nhưng trái tim con người đâu có thể xoay chuyển một cách đơn giản như vậy.
Cho dù về sau anh có học thêm ngành tâm lý học giáo dục, thi được bằng giáo viên, biết rất nhiều lý luận về tâm lý trẻ em, biết những đứa trẻ bị bỏ lại là kết quả tất yếu của việc thành thị hoá và công nghiệp hoá, biết đó là điều bất đắc dĩ của việc phát triển không cân bằng giữa nông thôn và thành thị, anh vẫn không có cách nào buông bỏ hoàn toàn.
Cứ thế quện lại thành nút thắt trong lòng.
Anh không thể thấy được sự an ủi từ người ngoài, chỉ bản thân mới có thể cho mình cảm giác an toàn.
Lúc đầu đồng ý yêu đương với Triển Tử Hàng, chỉ đơn giản vì một câu Triển Tử Hàng vô tình nói với anh “Lúc nào cần, đến tìm anh là được.”
Thực ra là một câu tình cảm sến rện không bình thường nhưng anh lại coi là thật.
——
Đây là lần đầu tiên Nguyễn Tri Mộ kể cho người khác nghe chuyện tận sâu trong lòng mình.
Cho dù ngày trước có qua lại với Triển Tử Hàng, cũng không hoàn toàn bộc bạch.
Nguyễn Tri Mộ nửa đùa: “Có phải cậu định khuyên tôi cởi bỏ nút thắt, lập tức thành phật?”
Thấy buổi chiều Nghiêm Việt đi chơi với Nguyễn Nghệ rất vui vẻ, đoán hắn cũng thích Nguyễn Nghệ cho nên mới nói đỡ giúp cậu bé.
Nghiêm Việt lắc đầu: “Đạo lý anh hiểu nhiều hơn tôi, tôi hiểu, anh chắc chắn sẽ hiểu, không cần tôi phải nói.”
Con người luôn hiểu rõ nhược điểm của mình nhất nhưng vượt qua cửa ải tâm lý mới là khó khăn.
Việc này, không thể cưỡng cầu trong tức khắc, chỉ có thời gian mới chữa lành tất cả.
Nghiêm Việt: “Có điều, tôi không ngờ anh lại kể với tôi nhiều thế.”
Nguyễn Tri Mộ nheo mắt: “Vậy phải chăng cậu nên thẳng thắn với tôi hơn không?”
Nghiêm Việt: “Này là nắm bắt cơ hội, lại bắt đầu tính kế tôi hả?”
Nguyễn Tri Mộ tỉnh bơ, chuyển chủ đề: “Ví dụ, người đàn ông thành niên cậu yêu thầm.”
Nguyễn Tri Mộ thực sự rất ảo não, rầu rĩ mấy ngày liền.
Dạo này trừ lên lớp, làm thêm, chăm sóc Nguyễn Nghệ thì chính là buồn phiền chuyện yêu sớm của Nghiêm Việt.
Tục ngữ nói, thượng đế mở cảnh cửa này sẽ đóng cánh cửa khác cho bạn.*
Cậu nói cậu thích ai thì thích, lại đi thích đàn ông; thích đàn ông nào thì thích, lại đi thích đàn ông rác rưởi vừa lừa hôn vừa ly hôn.
* thượng đế mở cảnh cửa này sẽ đóng cánh cửa khác cho bạn (tạm dịch) 上帝给你打开一扇门,就会给你关上一扇窗 ý chỉ được cái nọ mất cái kia, dù gặp khó khăn trắc trở sẽ luôn có hi vọng, cơ hội khác đến với mình.
Từ lúc biết Nghiêm Việt rất có thể nửa đêm chuồn ra ngoài hẹn hò, tối đến trước khi đi ngủ anh lúc nào cũng khoá trái cửa.
Khoá trái cửa vẫn không yên tâm, anh cũng không thể hàn cửa vào, cách làm này không thể giải quyết tận gốc rễ.
Chẳng may Nghiêm Việt nhảy cửa sổ trốn thoát thì sao, hoặc trên đường đi học chuồn đi hẹn hò, anh căn bản không phát hiện được.
Nhất định phải bắt được bệnh mới kê đúng thuốc.
Nghiêm Việt: “Anh muốn biết thật à?”
Nguyễn Tri Mộ chân thành nhìn hắn: “Cậu thực sự không muốn nói ra thông tin của gã tôi cũng có thể hiểu được, nhưng mà, lần sau hai người muốn gặp mặt, tôi có thể đưa đón cậu, đúng không, tôi cũng không can thiệp hai người trò chuyện, ít nhất cũng để tôi biết mỗi lần cậu đi đâu, tôi đưa đón cậu miễn phí, cũng không quá đáng chứ?”
Lúc nói câu này, Nguyễn Tri Mộ vừa ăn bánh kem trong đĩa, bên mép bị dính kem trắng.
Nghiêm Việt nhìn chằm chằm góc miệng anh: “Ăn bị dính kìa.”
Nguyễn Tri Mộ theo bản năng tìm giấy.
Nghiêm Việt đã duỗi tay ra, dùng ngón trỏ quẹt kem bên miệng anh.
Nguyễn Tri Mộ hơi lúng túng: “Cảm ơn…”
“Lần sau kể, tôi muốn đi ngủ.” Nghiêm Việt rất tự nhiên đưa ngón tay vừa quẹt kem lên miệng, nếm một chút, bình luận: “Ngấy thật ấy.”
Nguyễn Tri Mộ như bị sét đánh: “… Nãy cậu, làm gì thế.”
Nghiêm Việt: “?”
Nguyễn Tri Mộ: “Lúc nãy cậu, ăn…”
Nghiêm Việt chau mày: “Muốn nếm thử vị, có vấn đề gì à.”
Nguyễn Tri Mộ: “…”
Biểu cảm của Nghiêm Việt quá đỗi tự nhiên, cây ngay không sợ chết đứng khiến Nguyễn Tri Mộ thấy có chút nghi hoặc.
Giờ lứa 00 trở đi cởi mở đến vậy sao.
Lẽ nào bản thân lại tỏ ra ngạc nhiên quá đà?
“Lần sau nhớ mua bánh kem sữa chua, đừng mua bánh nhiều kem như vậy.” Nghiêm Việt đứng dậy: “Tôi không thích kem, ngọt lắm.”