Cái gọi là hôn thư cũng chỉ là một tờ giấy có bốn chữ mà thôi.
Hình thị nhìn bốn chữ này chăm chú, trong khi Phan An thì không hào hứng cho lắm. Vì mặc dù có hôn thư đi chăng nữa, cũng không thể ép buộc được, nếu đương sự không muốn thì đâu thể làm gì được người ta.
Phan An vuốt ve chén trà trong tay, nhìn trúc xanh ở ngoài phòng.
Hình thị lay chàng: “Con đoán xem trên này viết cái gì?”.
Phan An ra vẻ hiếu kỳ, hỏi ngược lại: “Là cái gì hở mẫu thân?”. Nhưng mà trong lòng đã nghĩ sẵn lý do cự tuyệt hôn ước.
Hình thị đưa trang giấy ra xa, chầm rãi đọc lên: “Kết duyên Phan Dương”.
Dương nào cơ? Phan An quay đầu lại nhìn Hình thị.
Hình thị mỉm cười: “Mối tơ duyên của Phan Nhạc và Dương Dung Cơ”.
Lá trúc ngoài phòng khẽ lay động, Phan An cẩn thận cầm trang giấy với ánh mắt kinh ngạc và ngón tay run run.
“Năm đó, khi chúng ta đến thăm Dương gia, phụ thân con và Dương gia chủ nghĩ ra việc này. Lúc ấy, Dương gia chủ muốn kiểm tra trình độ thơ văn của con, con đã dùng trúc để chứng minh chí nguyện của mình, nói ý chí của bản thân cao vút tận mây xanh khiến hắn vỗ tay thán phục. Sau đó, khi kiểm tra trình độ thư pháp và vẽ tranh, con cũng bình tĩnh ứng đối. Thế là Dương gia chủ nói con là tài năng hiếm có, ngay lập tức viết một tờ hôn thư với phụ thân con. Chỉ là đã nhiều năm trôi qua, họ chưa từng nhắc đến nên mặc dù ta còn nhớ đến hôn ước, nhưng lại quên mất tờ hôn thư này…”
Hình thị lấy ngọc bội ra, ngữ khí có vẻ buồn bã: “Ngọc bội này do phụ thân con tự tay đẽo gọt nên không khéo bằng thợ lành nghề…”. Nhưng bà ấy nhanh chóng mỉm cười: “Cũng chính là năm con nói Dung nhi là Đông Thi đó”.
Phan An: “…”.
Hình thị lấy lại hôn thư, bỏ vào trong hộp, nói: “Hôn sự của con gái, tất nhiên phụ mẫu là không nên quyết định bừa, mặc dù có hôn thư, nhưng vẫn phải xem xét hai đứa có phải hai lòng cùng ưa hay không. Mẫu thân đã nhìn thấy nhiều người vì thành thân theo lệnh của phụ mẫu và lời của người mai mối mà phu thê bất hòa. Vì thế, ta đã không nhắc đến hôn ước này với con, ta chỉ mong con có thể tìm được một người mà con thương yêu…”.
Phan An lẳng lặng nghe xong, chìa tay về phía Hình thị: “Mẫu thân có thể giao hôn thư này cho con được không?”.
Hình thị nhìn chàng, gật đầu, đưa cả hộp gỗ cho chàng.
Ngày thất tịch, nhà nhà phơi chăn chiếu, quần áo, sách vở. Có người lại nằm trên ghế, mở toang vạt áo ra làm người đi đường hiếu kỳ, thế là người kia trở mình, nói: “Ta đang phơi đầy bụng kinh luân”.
Người đi đường cười ầm lên.
Dương phủ cũng có một số lượng lớn đồ cần phơi như thế. Chẳng hạn như nhà bếp đang phơi rau thịt, thị nữ thì phơi lụa là gấm vóc, còn thư đồng lại phơi sách lấy từ thư phòng.
Trong khi đó, Dương Dung Cơ cứ lượn qua lượn lại trong nhà như con thoi, đương lúc Dương thị đang bận chuẩn bị trái cây, thấy nàng lượn lờ như thế, mỉm cười, túm nàng lại: “Con đi chơi đi, cứ ở đây lại làm bọn ta không thể tập trung”.
Dương Dung Cơ cười hề hề, kéo Y nhi qua nhà hàng xóm.
Chu Uyển Nhi đang buộc dây đỏ lên cây đào, thấy Dương Dung Cơ tới thì nhảy từ trên cây xuống, bưng trái cây từ trong nhà ra.
“Phụ thân muội có chôn rượu mơ dưới cây hòe, để muội đi lấy cho tỷ nếm thử.”
Dương Dung Cơ cầm quả khô nhìn xung quanh: “Người nhà muội đi đâu hết rồi?”.
“Mẫu thân muội là đầu bếp ở một hộ giàu, tối nay mới về. Còn tỷ tỷ đang đi mua quần áo mới, các ca ca và phụ thân thì đang bắt cá ngoài ruộng.”
Dương Dung Cơ nghĩ tới bức thư tình kia, vội hỏi Chu Uyển Nhi chuyện sau đó.
Chu Uyển Nhi nhăn nhó: “Tỷ tỷ vừa đưa thư cho hắn thì đã nghe tin hắn có hôn ước, tỷ ấy về nhà khóc một hồi rồi thôi, không còn nhớ nhung nữa”.
Dương Dung Cơ cảm thấy hơi đáng tiếc, vì bức thư tình đã không thể kết mối lương duyên.
Chu Uyển Nhi nhìn Dương Dung Cơ, chợt hỏi: “Vậy còn tỷ, tỷ có người trong lòng không, có cần muội đưa thư tình giùm không?”.
Dương Dung Cơ xoa đầu Chu Uyển Nhi: “Có lẽ muội phải chờ thêm, vì tỷ còn chưa có tìm được người để gửi thư tình”.
Chu Uyển Nhi bật cười: “Bao lâu muội cũng đợi”.
Dương Dung Cơ nhíu mày: “Chắc là… khá lâu đấy”.
Cây hòe sinh trưởng ở sườn núi, Chu Uyển Nhi gọi một đứa trẻ ở phố chợ gần đó đến.
Đứa trẻ đó tầm tuổi Chu Uyển Nhi, dáng vẻ trắng trẻo bụ bẫm, được gia đình cho đi học, tên là Trần Tri Diệp.
“Tri Diệp, mang giỏ trúc đi đào đất với ta.”
“Nhưng ngươi là nữ nhi mà, thôi, để ta đào cho.”
“Tay ngươi dùng để cầm bút, sao có thể đi đào đất được, ngươi cầm giỏ đi, ta đào.”
Chu Uyển Nhi ném thẳng giỏ trúc cho Trần Tri Diệp, còn mình thì vén tay áo lên, đi tới gốc cây hòe.
Dương Dung Cơ đi qua, cầm quạt bồ quỳ quạt cho Chu Uyển Nhi, tình cờ quay đầu thấy Trần Tri Diệp nhìn Chu Uyển Nhi chằm chằm. Dương Dung Cơ mỉm cười, nghĩ đến bức thư tình sắp được phát huy tác dụng, có điều, lần này nàng sẽ là người đưa thư tình.
“Được rồi”. Chu Uyển Nhi phủi bùn đất trên tay, đi đến hồ rửa tay rồi cầm khăn chùi sạch vò rượu.
Vò rượu mát lạnh.
Chu Uyển Nhi đưa vò rượu cho Dương Dung Cơ, gọi Trần Tri Diệp: “Tri Diệp ngốc, cầm giỏ trúc qua đây!”.
“À…”
Y nhi cười ra tiếng, dùng ánh mắt ra hiệu với Dương Dung Cơ.
“Vò rượu này cho Dung Cơ tỷ tỷ trước vì nhà tỷ ấy nhiều người. Ta sẽ lấy thêm hai vò nữa, một vò cho ngươi, còn một vò cho ta, ngày mai ta lại chôn thêm ba vò.”
Trần Tri Diệp nói: “Ngày mai ta sẽ giúp ngươi”.
“Không phải ngày mai ngươi phải đi học sao?”
“Thì học xong ta đến giúp ngươi.”
“Thế cũng được.”
Dương Dung Cơ biết ý cáo lui: “Uyển Nhi, tỷ và Y nhi về trước nha, nếu tối nay muội rảnh thì chúng ta cùng đi cầu Thất Lí xem du thuyền”.
“Nghe hay đó.”
Dương Dung Cơ cười nhìn bọn họ, ôm rượu trở về Dương phủ.
Dương Triệu đang luyện chữ ở thư phòng, Dương Dung Cơ rót một chén rượu, lấy thêm một bát đậu nành luộc từ dưới bếp, sau đó mang cả hai đến thư phòng.
Nghe thấy tiếng bước chân, Dương Triệu cười khẽ. Xoay người lại, ông thấy Dương Dung Cơ bê khay, mỉm cười đứng ở trước mặt ông.
“Phụ thân có mệt không, đây là rượu mơ mới đào từ dưới gốc cây hòe lên.”
Dương Triệu để bút xuống, uống một hớp, gật gù. “Rượu ngon! Mẫu thân con cũng thích uống, buổi tối nhớ rót cho bà ấy một chén. Đừng cho hai ca ca của con, không lại lãng phí”.
Dương Dung Cơ cười thầm.
Dương Triệu lại hỏi: “Rượu ở đâu ra thế? Ta không nhớ là có người ở trong phủ chôn rượu dưới cây hòe”.
“Là rượu của Chu thị kế cận. Vò này do con gái út nhà họ tặng con.”
Dương Triệu hiểu ra, phân phó gia nô: “Lựa rau củ quả và thịt khô trong phủ, cả vải vóc nữa, và buổi tối bảo đầu bếp làm thêm vài món ăn ngon ngon để đưa qua Chu gia, nói là tạ lễ”.
“Vâng.”
Trương Nhược Tử và Tô Trường Ca cầm khay tìm Dương Dung Cơ, đưa cho nàng quần áo mới may và trang sức mới làm.
Đêm thất tịch, nghe nói khu phố của bốn phương đông tây nam bắc đều rực rỡ ánh đèn lồng, trên hồ toàn du thuyền qua lại.
Bên hồ có một cây hòe già, cành được thắt đầy dây đỏ.
Dương Dung Cơ thay trang phục sa mỏng, trên trán điểm thêm hoa điền, hai má cũng được vẽ lúm đồng tiền.
Dương thị búi cho nàng kiểu tóc thịnh hành nhất hiện nay, với trâm hình đóa hoa màu xanh ngọc bích, cùng với khuyên tai màu xanh lam.
Cầu Thất Lí đông như nước chảy, đèn đuốc sáng thâu đêm, và trên du thuyền loáng thoáng có tiếng ca.
Dương Dung Cơ chen chúc trong đám đông, tay cầm đèn lồng hình con cừu non do Dương Hâm làm.
Dương Dung Cơ đứng trên cầu vòm, trông thấy Trần Tri Diệp đứng dưới cầu đang ngóng trông ai đó. Thế là nàng buông tay Chu Uyển Nhi ra và lùi lại.
Nàng đến bên hồ nước, mặt hồ phản chiếu đèn lồng, hiện ra gợn sóng màu đỏ. Bên kia có người thổi sáo, Dương Dung Cơ không biết họ thổi bài gì, xung quanh có người đáp đây là “Phượng cầu hoàng” của Tư Mã Tương Như.
Nàng nhìn từng cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ, nàng hòa mình vào đám đông, thấy những bàn tay đang nắm lấy nhau xung quanh mình với đôi mắt ngấn nước.
Được bao quanh bởi khung cảnh như thế, nàng lang thang ở bên, nhìn con người của ngàn năm trước thể hiện tình yêu đôi lứa vào đêm thất tịch.
Trong khi xung quanh ai nấy đều có đôi có cặp, nàng lại đơn côi bóng chiếc.
Nàng ngẩng đầu nhìn trăng.
Gần đó có một nữ tử phục sức nhã nhặn, cầm quạt tròn đập muỗi…
Khi nữ tử đó quay người, nàng mới biết đó là Lục Châu.
Nếu Lục Châu ở đây… Nàng nhìn xung quanh, nhưng không thấy bóng dáng Thạch Sùng.
Quả thật Thạch Sùng ở gần đây, hôm nay hắn ta nổi hứng dẫn Lục Châu đi dạo, thế là đi đến cầu Thất Lí. Nhưng vì trên hồ có du khách du ngoạn, do đó có người nhận ra Thạch Sùng, mời hắn ta ngắm trăng uống rượu, Thạch Sùng tất nhiên đồng ý.
Trong khoang thuyền có mỹ nhân, có rượu ngon, Thạch Sùng tức khắc sà vào ôm eo mỹ nhân. Dường như bất kỳ ai cũng không thể phá hỏng cuộc vui đêm nay.
Lục Châu không thèm nhìn Thạch Sùng, lẳng lặng rời đi. Cô lên bờ, ngó mọi người lễ bái ông Tơ bà Nguyệt, cột dây đỏ. Sau đó, vừa quay đầu, cô nhìn thấy Dương Dung Cơ.
Lục Châu cười mỉm, ung dung bước tới chỗ Dương Dung Cơ.
Dương Dung Cơ cũng đáp lại bằng nụ cười.
Lục Châu hỏi: “Ta đã từng thấy cô, tên cô là gì thế?”.
“Dương Dung Cơ. Ta biết cô là Lục Châu.”
Lục Châu đứng trước mặt Dương Dung Cơ, vén tóc tai tán loạn giúp nàng, khen ngợi: “Cô rất xinh đẹp”.
Dương Dung Cơ hơi xấu hổ.
Lục Châu nhìn quanh một lượt, “vì sao cô ở đây một mình?”.
“Mấy tỷ muội của ta đều bận, Y nhi đang cúng bái ông Tơ bà Nguyệt, người còn lại thì đang gặp tình lang.”
Lục Châu cười: “Cô thành thực thật đấy”.
Du khách xung quanh bắt đầu xôn xao, thì ra bên bờ có người kén rể bằng thơ. Thảo nào người đi trên cầu nhanh chóng tản ra.
Đằng kia còn có người thổi sáo.
Lục Châu chỉ vào chỗ đó, nói: “Tiếng sáo không sánh bằng Tống Huy”.
“Tống Huy là ai?”
“Đồ đệ của ta, sở trường là sáo trúc.”
Im lặng một lát, Lục Châu bỗng nói: “Cô không nên đi một mình”.
Dương Dung Cơ vừa chớp mắt, Lục Châu đã kéo nàng xuống cầu Thất Lí. Họ lại gần một cây cầu vòm nhỏ, chiếc bóng dưới mặt hồ lại là hình tròn.
Dương Dung Cơ kinh ngạc tiến lên, quay đầu lại, không thấy Lục Châu đâu.
Bên trên chiếc cầu đó cũng có người lui tới, cảm giác cây cầu gần trăng đến nỗi… có thể chạm vào nó. Dương Dung Cơ cũng muốn đưa tay sờ mặt trăng, nhưng mà nó lại bị người đi đường chặn mất.
Khi dòng người thưa dần, nàng mỉm cười giơ tay lên, trên cầu có người quay đầu.
Nàng chạm đến vầng trăng tròn vành vạnh.
Phan An đứng giữa ánh trăng mờ tỏ.