Sau khi nhận tin về cái chết đột ngột của bố mình, cả nhà anh đếu sốc nặng. Dù biết ở hòn đảo đó có dịch bệnh lạ, tuy nhiên một người bác sĩ nhiều năm trong nghề như bố anh chắc hẳn sẽ biết cách để phòng tránh dịch bệnh không lây lan sang mình. Hơn nữa bố anh chỉ đi với vai trò hỗ trợ, nghiên cứu là chính chứ không phải đi để trực tiếp chữa trị nên việc bị nhiễm bệnh dịch là vô cùng khó hiểu. Bố hứa chỉ đi ba tháng nhưng cuối cùng lại đi mãi không về…
Đợi hơn tuần, xác của bố anh mới được đưa về nhà, sau bao nỗ lực cầu cứu của mẹ anh và tận dụng mọi mối quan hệ có thể có. Bởi vì thông thường hòn đảo đó rất ít chuyến tàu qua lại, bình thường là hai tuần, thậm chí có khi một tháng mới có một chuyến tàu. Các ngư dân vùng biển đều hạn chế tiếp xúc. Sóng điện thoại cũng chập chờn khó liên lạc. Hải sản và nông sản đều do người dân trên đó tự cung tự cấp. Mọi nhu cầu khác thì có chính quyền hỗ trợ bao cấp. Vì vậy nếu có người mất ở hòn đảo cũng sẽ được mai táng ở đó.
Bố anh được đưa về với lí do mất không rõ ràng, mọi người chỉ bảo ông nhiễm bệnh dịch, mất rất nhanh. Cả cơ thể ông đều có những vết tróc lở, tím tái. Đặc biệt có nhiều xây xát trên cơ thể, những vết cắt dài phía sau lưng mà không ai lí giải được tại sao. Trong những đồ đạc tùy thân của ông được gói ghém đem về, có một chiếc hộp gỗ được khóa kín bằng mật mã. Chiếc hộp này không lạ với anh bởi anh biết thói quen của bố mình. Ông hay để những tài liệu mật quan trọng, những công trình nghiên cứu, ý tưởng của ông ở trong này, vô cùng quý trọng nó mà luôn đem theo bên người. Ông chỉ cho mỗi anh – con trai duy nhất của ông biết mật mã. Khi mở chiếc hộp đó ra, đống tài liệu đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là một chiếc lọ phóc môn nhỏ, ngâm bên trong một mảnh da. Anh đã cất công nghiên cứu và biết được đó là da vùng lưng, ngoài ra, không có vi khuẩn hay cấu trúc gì đặc biệt. Đi kèm với chiếc lọ là một mảnh giấy viết vội của bố anh: “Sống chết lấy được. Bảo quản kĩ sau này có thể dùng”. Chắc chắn phải có chuyện gì nghiêm trọng lắm bố anh mới bỏ đi toàn bộ những tài liệu ông tâm đắc để bảo quản thứ này. Chính vì thế nên anh đã rất nghi ngờ về khoảng thời gian ông ở đó.
Việc điều động nhân lực ở lại hòn đảo đó đã khó nên không ai nhận lời điều tra về cái chết của bố anh. Cả gia đình đành ngậm ngùi chấp nhận sự ra đi của ông mà không biết làm thế nào. Còn quá nhiều khúc mắc.
Đức xuống nhà, đứng lặng trong khoảng không, dường như khẽ nghe thấy tiếng thở nặng nhọc của mẹ mình ở phòng trong. Lòng anh thắt lại, vừa sợ, vừa lo. Anh không thể đi.
Sáng hôm sau, anh rút tiền ở cây ATM, mua một giỏ hoa quả đắt tiền và chuẩn bị phong bì, lên tìm văn phòng của ông giám đốc bệnh viện.
Vị giám đốc tiếp anh bằng nụ cười nhừa nhựa, vẻ mặt vô cảm. Đã lâu lắm rồi anh không nói chuyện riêng với người đàn ông này. Trước đây vì có hiềm khích với bố anh nên anh cũng không muốn lại gần ông ta.
Đức khó nhọc trình bày lí do của mình, mong muốn ông ta cất nhắc và can thiệp vào danh sách điều chuyển nhân sự.
Nghe xong, ông ta bật cười: “Con trai của anh Danh mà lại sợ không dám đi. Lạ thật đấy. Cậu chẳng giống bố cậu gì cả!”
Sau khi ông ta nói vậy, Đức ngồi lặng im, không nói thêm tiếng nào.
Ông ta tiếp: “Nói thật với cậu, tôi cũng không có trù dập gì cậu đâu… Nhưng mà thế này… Chuyện này tôi cũng không giúp được. Vấn đề điều chuyển nhân sự về ấy rất khó. Nhức nhối mấy năm nay rồi. Cậu muốn tránh thì ai làm thay cho cậu? Thứ hai nữa là, đây cũng là một cách an ủi gia đình bệnh nhân cậu làm mất ấy. Bảo họ rằng bác sĩ thiếu chuyên nghiệp như cậu không được phép làm ở bệnh viện nữa thì họ mới nguôi. Cậu phải chịu thôi, thật sự tôi muốn giúp mà không được ấy chứ!” Ông ta tiếp tục nụ cười giả tạo.
Bàn tay của Đức tức run lên. Anh cắn chặt răng, xách chiếc giỏ hoa quả lên, chào rồi bước thẳng ra ngoài cửa. Lòng tự tôn của anh đã bị động chạm đến tận cùng. Đúng là không còn kế nào nhục nhã hơn là đi van xin kẻ thù của mình. Ông ta thiếu gì tiền, thiếu gì mối quan hệ? Tại sao ông ta lại phải đi giúp con trai của người mình ghét chứ. Anh thật quá vội vàng.
Anh đem giỏ hoa quả tới tặng trưởng khoa và các đồng nghiệp cùng khoa, coi như quà chia tay và cảm ơn. Anh chấp nhận số phận.
Đức về nhà nói chuyện với mẹ và em gái, mong hai người hiểu cho hoàn cảnh khốn đốn của anh. Anh sẽ cố gắng hết sức để trở về nhà sớm. Mẹ anh khóc rất nhiều.
“Hay con nghỉ hẳn việc luôn đi. Không cần đi nữa. Con xin ở ngoài làm cũng được mà? Chứ hết bố rồi đến con. Mẹ khổ lắm rồi con ơi….!”
“Con cũng nghĩ tới chuyện này rồi mà mẹ… Nhưng giờ con vào biên chế rồi… Không theo là coi như công sức mấy năm vừa rồi đổ sông đổ bể… Mẹ không nhớ ngày xưa con phải thi nội trú vất vả như thế nào sao? Rồi bố cũng tốn bao nhiêu tiền để con được vào viện nữa…Giờ bỏ ngang con không nỡ mẹ ạ…Làm ở ngoài tư, làm gì có nhiều bệnh viện đông khách để nhận bác sĩ khoa ngoại đâu mẹ…Chỉ còn cách đi ra nước ngoài, mà điều kiện nhà mình thì…”
“Nhưng kể cả thế. Mẹ chấp nhận, chỉ cần con bình an là được. Con không cần phải đi. Chúng ta tìm cách khác!”
“Mới cả…” Đức ngập ngừng. “Con muốn điều tra thêm về cái chết của bố. Xem thực hư ở đó ra sao. Mẹ cũng biết là có nhiều cái bất thường mà…”
“Con có phải công an đâu mà điều tra được!”
“Con thấy mẹ đau đớn khôn nguôi về cái chết của bố, lòng con cứ uất ức không giải tỏa được. Ít ra tới đó con có thể hỏi thăm về bố, bố đã làm gì, tình trạng như thế nào…Con sợ…con sợ bố bị người ta hại!”
Mẹ anh im lặng, nước mắt giàn giụa.
“Mới cả… Con đi thì vẫn có lương gửi về nhà. Ở đó người ta chu cấp nên không cần nhiều tiền. Nên con vẫn đảm bảo được cho mẹ và em… Chứ giờ đi xin ở ngoài con không biết lương lậu có ổn không nữa…”
“Mẹ không cần tiền! Chỉ cần con!”
“Mẹ yên tâm…Một năm con sẽ về…À không… nửa năm thôi… Con sẽ cố gắng hết sức có thể. Con sẽ không để mình phải khổ. Hỏi thăm về bố xong, con sẽ tìm cách về sớm. Mẹ nhé. Rồi lúc đó tư hay công gì tính sau…”
Thực ra ý chí của anh đã bốc lên ngùn ngụt sau những lời khích bác của vị giám đốc. Anh cảm thấy mình không xứng với kì vọng của bố nên anh quyết tâm sẽ đi, đồng thời điều tra về cái chết bất thường của ông. Vì vây, dù biết ra đi thiệt thòi và nguy hiểm thế nào, anh vẫn quyết định đi.
Hơn một tháng sau ngày biết tin, anh đi. Ngày anh đi, trời xầm xì, âm u như tâm trạng của anh. Anh phải nói dối ngày đi vì anh biết mẹ anh sẽ không chịu được. Bà đã mất ăn mất ngủ mấy tuần nay, mắt mũi sưng húp cả. Anh nhìn mà xót xa đau đớn. Anh để lại một bức thư dặn dò bà. Điện thoại anh vẫn mang theo nhưng sợ không dùng được. Anh sẽ liên lạc bằng thư từ.
Anh rời nhà từ sớm, ra địa điểm xe công đón để đi. Anh mang theo vali đồ lớn, đựng quần áo thì ít mà sách nghiên cứu và đồ nghề thì nhiều. Chuyến xe bon bon đi qua các tỉnh để đón đủ người cần ra đảo. Đức ngồi lim dim mắt, khẽ thở dài thườn thượt. Nhìn những người đi trên chuyến xe này, tâm trạng đều nặng nề. Ai cũng bất đắc dĩ cả. Bệnh dịch hoành hành là nỗi lo của cả một quốc gia. Nếu không kiểm soát tốt thì lại xảy ra những hậu quả kinh khủng như đại dịch hạch – cái chết đen, dịch MERS,… Học trong nghề Y, ai cũng hiểu điều đó. Khó khăn lắm chính quyền mới kiểm soát được dịch bệnh trong khu vực hòn đảo Thổ Bình ngoài khơi xa. Tuy nhiên vẫn chưa hoàn toàn dập tắt được nó.
Đến chiều, xe ra đến cảng. Chuyến xe hơn 20 người tất cả, họ làm đủ mọi thứ nghề để cung ứng cho sự thiếu thốn ngoài đó. Tàu sẽ đi mất 3 tiếng mới ra đến nơi. Anh theo chân mọi người lên tàu ngồi, mặc áo phao cẩn thận.
Một người đàn ông ngồi xuống ghế cạnh anh. Đức không để ý tới, anh chỉ đang day dứt nghĩ về nhà, mẹ anh đang thấy thế nào. Sáng nay bà có gọi mấy cuộc, nhưng anh không nói chuyện được nhiều. Quanh đi quẩn lại chỉ mấy câu dỗ dành, xoa dịu. Đầu anh còn vẽ ra nhiều viễn cảnh trong phim trong truyện, khi các dự án lớn tối mật của quốc gia đưa người dân làm tốt thí, thí nghiệm, một đi không trở về. Anh cố gắng gạt nó ra khỏi đầu, tự nhủ rằng mình đã nghĩ quá nhiều.
Tàu rẽ sóng lắc lư rời cảng. Trước mắt là một chuyến hành trình dài.
Đang thiu thiu, đột nhiên Đức bị động vào người, giật mình tỉnh giấc. Anh nhận ra người đàn ông gầy guộc ngồi bên cạnh anh đang run lẩy bẩy, vai chiếc áo phao của anh ta cứ cọ vào người anh sột soạt.
“Anh sao thế? Bị lạnh à?” Đức quay sang hỏi.
Người đàn ông kia cũng quay sang, nhìn thẳng vào mắt anh. Người đàn ông đó có khuôn mặt rất gầy, gò má nhô cao, dưới mắt có quầng thâm nhìn rõ, như thiếu ngủ lâu ngày. Mắt anh ta hơi trố, độ đâu khoảng gần 30 tuổi, xấp xỉ tuổi Đức, lòng mắt trắng dã, môi hơi thâm. Nhìn như một người có bệnh nội tạng.
“Tôi…tôi…” Anh ta lắp bắp.
“Nếu anh lạnh thì thử hỏi nhà tàu xem có cái chăn nào không?”
“Không…không phải. Thôi cậu kệ tôi đi. Tôi thấy bất an thôi.”
“Bất an hả? Ai trên tàu này cũng đang lo lắng lắm. Cố mà kiềm chế lại đi ông!”
“Không phải… Tôi thấy trên tàu này nhiều người quá. Nên không ngủ được.”
Đức nhìn quanh tàu. Mọi người đều đang khá trầm tĩnh.
“Anh bị bệnh sợ đông người à? Anh tên gì, quê ở đâu? Ra đảo làm nhiệm vụ gì thế?”
“À…Tôi tên Tĩnh, quê ở Hà Tĩnh…nên bố mẹ đặt vậy luôn. Tôi là nhân viên nhà xác…Cứ gọi là pháp y đi. Ở ngoài đảo chưa có nghiệp vụ xử lí thi thể nên điều tôi ra…”
“Thế anh cũng là người can đảm hơn người khác nhiều phần rồi còn gì!” Đức mỉm cười.
“Anh không hiểu đâu. Bình thường còn đỡ… Tôi lại có căn cô bóng cậu…Nên…nên…”
“Hả?” Đức thắc mắc.
“Nên tôi hay nhìn thấy mấy thứ ghê lắm. Chẳng hạn…như trên tàu này. Toàn bóng ma đi lại nãy giờ…Lạnh toát cả xương. Nên tôi khó chịu lắm. Nhiều quá ấy…”
“Này! Anh đừng dọa tôi nhé! Tôi học Y, bác sĩ…Nên máu me nhìn cũng nhiều rồi…Không sợ đâu nhá!”
“Không…” Anh ta lại nhìn thẳng vào mắt Đức, mắt đảo qua lại trông có phần hoảng loạn. “Tôi nói dối cậu làm gì…Đứng cạnh cậu nãy giờ…Có người đàn ông đeo cà vạt tím kìa…”
Đức chợt rùng mình.
Chiếc cà vạt tím…là chiếc cà vạt bố anh thích nhất.
(còn tiếp)