Tối hôm ấy, Đức lại ngồi cùng anh Tĩnh để ăn tối. Hai người cùng trao đổi về anh Bình và một số câu chuyện đang dang dở của buổi trưa nay.
“Anh Bình tốt lắm. Cậu cứ tin tưởng anh ấy đi. Gia cảnh anh ấy cũng đặc biệt. Em trai tù tội, trước thì anh ấy cũng có việc ở quê nhưng rồi người ta đuổi vì thấy gia đình anh ấy như thế. Còn mỗi mẹ già nên anh ấy phải theo một người thầy cũ học thêm về pháp y để kiếm được việc làm. Khi có công văn điều động người tới đây, anh ấy phải nhận đi để có tiền lương gửi về quê nuôi mẹ già. Ở đây lương cũng khá, nếu tiết kiệm thì đủ ăn tiêu và có tiền gửi về. Thế nên anh ấy đã cố gắng ở đây hơn ba năm rồi…”
Đức khẽ gật đầu. Ở đây, ai cũng có câu chuyện riêng cả.
“Em không ngờ anh ấy biết bố em. Càng không ngờ ở đây rồi mà ông vẫn phải chịu thiệt thòi nhiều thế. Bố em sẽ không phàn nàn gì đâu… Nhưng từ một bác sĩ đầu ngành phải làm quản xác… Em nghĩ thấy buồn… Giá như trước khi chết ông được sống thoải mái một tí…”
“Cậu đừng nói vậy. Nghề nào cũng là nghề mà. Bố cậu sẽ không thấy khó khăn gì đâu. Ông ấy đâu có mất vì công việc đó…”
“Vâng anh. À… Hôm nay em cảm giác như đã nhìn thấy bố anh ạ.”
“Lúc nào?”
“Lúc em đang ở trong kho cùng với anh Bình. Bố em có tới bên cửa sổ, em chưa kịp hỏi chuyện ông đã đi mất.”
“Cậu có chắc không đấy?”
“Em chắc mà… Thời tiết này, trên đảo này làm gì có ai điên mà đi mặc bộ vest như vậy. Tại sao ông lại không chịu gặp em? Cứ thoắt ẩn thoắt hiện…”
“Anh bảo rồi. Có lí do. Hình như nếu như cậu đến đúng chỗ mà ông ấy muốn, ông ấy sẽ hiện ra để báo cho cậu đấy…”
Đức ngẫm nghĩ.
“Anh nói cũng có lí. Chắc bố em đã gặp oan khuất gì, muốn em tự tìm hiểu. Như thế em sẽ phải gặp những người đã từng tiếp xúc với ông và xem ông đã làm gì để bị kỉ luật. Dù sao như anh bảo, bố em cũng không nói được, gặp ông em sẽ thấy đau lòng. Thư từ ra khỏi đảo này đôi khi bị kiểm soát nên ông chẳng thể gửi thông tin gì về cho gia đình. Nhưng đó thường là thông tin mật, làm thế nào để tiếp cận bây giờ nhỉ…”
“Thì cái mặt cậu phải dày lên thôi. Muốn đạt được mục đích thì phải đầu tư lâu dài chứ. Đúng là cậu chỉ là thằng mọt sách. Sách thì thuộc làu làu mà cuộc sống thì chả có tí kĩ năng nào. Anh Bình thì khỏi nói, nhưng những người khác, cậu phải gây thiện cảm đi…”
“À…à… Em hiểu rồi… Phải cho “địch” không có phòng bị gì mình nhỉ…”
“Ừ cố gắng, cố gắng…”
“Mà em còn có một điều lo lắng hơn…”
“Sao?”
“Hôm nay là ngày thứ tư em làm nghi thức kia rồi… Sao em vẫn nhìn thấy được bố mình?”
Anh Tĩnh nhìn chằm chằm vào mắt Đức rồi nói: “Ừ… anh đã thấy lạ rồi… Dăm ba cái lời đồn thổi trên mạng, anh đã bảo là không được đâu. Còn tại sao cậu lại nhìn thấy… Thì anh cũng chịu… Để hôm nào anh nghĩ xem. Còn cậu, nghịch dại thì tự nhận lấy hậu quả nhé. Mở mắt âm dương đã khó, đóng mắt âm dương lại còn khó hơn. Có dịp cậu phải đi tìm thầy cao tay rồi…”
“Hic…” Đức thở dài, trong lòng cảm xúc hỗn loạn. Anh vừa mừng vì có thể tiếp tục có cơ hội nhìn thấy bố nhưng lại sợ hãi những cơn ác mộng sẽ tái diễn.
Những tuần sau đó, Đức chỉ miệt mài ở lại bệnh viện để làm nhiệm vụ. Anh có kế hoạch riêng. Đầu tiên anh phải tiếp cận vị trưởng khoa của mình để có thể khai thác thêm thông tin. Đức chủ động “chăm sóc” sếp của mình, rào trước đón sau, mong ông sẽ chỉ dạy thêm. Trái ngược với sự khép kín và rụt rè lúc mới tới đây, Đức phải trở nên chủ động và nhiệt tình hơn. Anh đi làm sớm, mang đồ ăn sáng đến cho các đồng nghiệp, không ngần ngại nhận trực thay, làm những công việc nặng nhọc như di chuyển bệnh nhân, sắp xếp phòng dụng cụ, làm ca sục rửa đồ dùng,… Chẳng mấy tuần sau, Đức đã gầy sọp đi, mắt thâm quầng. Nhưng bù lại, mối quan hệ của anh với những đồng nghiệp đã gần gũi hơn rất nhiều.
Sếp của anh cũng đã có thâm niên ở đây hơn năm năm. Ông chủ yếu chẳng làm gì ngoài việc giám sát và giao ban. Chuyên môn của ông cũng giỏi nhưng hầu như ông chẳng trực tiếp chữa trị cho ai. Đức muốn lấy thêm thông tin từ phía người sếp vì chắc chắn ông đã có dịp tiếp xúc với bố anh khoảng vài tháng khi ông ở đây trước kia.
Điều khó khăn nhất bây giờ là tiếp cận bộ phận nghiên cứu dịch bệnh ở tòa nhà B bên cạnh. Đơn vị chữa bệnh và nghiên cứu dịch bệnh là hai đơn vị khác nhau, ít có cơ hội tiếp xúc. Bên ấy cũng vô cùng yên ắng, an ninh nghiêm ngặt để đảm bảo khu vực sát trùng. Ngoài sếp anh hay phải sang bên đó trao đổi ra, chỉ còn mỗi một người có thể sang khu vực đó theo đúng nhiệm vụ: bác sĩ giao mẫu xét nghiệm hàng tuần. Nhiệm vụ đó được giao cho chị Mai, người đã làm ở đây gần hai năm. Nhiệm vụ không khó nhưng cần sự tỉ mỉ cẩn thận và bảo mật. Đức cũng không hiểu sao công việc đơn giản như vậy lại yêu cầu người thực hiện ngặt nghèo đến thế.
Đức đã năn nỉ chị Mai cả tuần trời để được sang bên đó một lần. Dĩ nhiên phải nịnh cả sếp nữa.
“Chị ơi! Em muốn thử sang đó quá… Xem các anh chị bên ấy làm việc ra sao… Trước đây em cũng suýt nữa theo hướng nghiên cứu đó…” Đức nói với chị Mai.
“Em cứ xin cái việc phiền phức đó làm gì… Ngoài bảo mật ra còn thủ tục lằng nhằng… Mới cả cũng có một số quy tắc… Khi em nhận làm thì em sẽ có liên đới trách nhiệm đấy…”
Đức nghe như vậy cũng một phần cảm thấy sợ sệt nhưng nhiều phần lại tò mò hơn. Chắc mẩm đơn vị cũ bố anh công tác có gì đó đặc biệt.
Tỏ ra là một cậu bác sĩ trẻ ham học hỏi, cuối cùng Đức cũng thuyết phục được sếp của mình. Có được cái gật đầu của sếp thì bà chị Mai cũng chẳng có cớ gì mà từ chối Đức nữa.
Chị Mai hướng dẫn Đức quy trình mang mẫu xét nghiệm sang khu nhà B. Đầu tiên Đức phải quan sát quá trình lấy mẫu của bệnh nhân, sau đó đóng gói và bảo quản, kí đơn tiếp nhận. Tiếp theo anh mang sang nhà B vào đúng 9 giờ sáng thứ Tư hàng tuần, tại phòng 304 nhà B. Sau khi giao mẫu xong, kí biên nhận đã gửi rồi lập tức quay lại nơi làm việc. Đặc biệt, khi nhìn thấy hay nghe thấy thông tin gì bên đó không được phép tiết lộ. Nếu vi phạm sẽ bị điều tra gắt gao hoặc phạt công ích.
Đức nghe xong cũng phải cẩn thận nhẩm lại từng bước, nỗi tò mò càng trỗi dậy mạnh mẽ. Chắc hẳn ở đó chứa đựng bí mật gì nên mới bảo mật kĩ càng thế. Hai chị em thống nhất là sẽ luân phiên thay nhau đi từng tuần một.
Thứ tư tuần tiếp theo là lượt đầu tiên của Đức. Sáng ngày hôm đó, Đức đến sớm để tiến hành lấy mẫu bệnh nhân: các biểu bì da, máu, lông tóc, nước bọt,… rồi mang sang bên khu B.
Trước cửa kính vào khu B có bảo vệ ghi lại thông tin, ngày giờ. Sau khi hoàn tất thủ tục, Đức bước vào hành lang vắng lặng của sảnh nhà B. Trên bức tường lớn của sảnh có treo một vài bức ảnh khá lớn của đội ngũ các bác sĩ đã từng làm ở đây theo từng năm. Đức vô cùng muốn tiến lại gần xem bức ảnh của năm 20xx, vào ba năm trước khi bố anh đang công tác ở đây.
Đức đứng trước bức ảnh, bắt đầu nhìn vào các khuôn mặt tươi cười gượng gạo lạnh tanh trong bức ảnh, dò tìm nụ cười quen thuộc.
Đột nhiên ở góc tường bên cạnh, một gương mặt xuất hiện.
“Á!” Đức kêu lên khe khẽ vì sợ hãi.
Đó chỉ là một đứa trẻ độ chừng 8,9 tuổi đang nép mặt vào tường. Khuôn mặt nó trắng bệch một cách lạ thường, đôi bàn tay gày gò cáu bẩn bám vào cạnh tường. Khuôn mặt cô bé còn đầy nét ngây thơ nhưng điều đáng chú ý là khuôn mặt đó xuất hiện ở vị trí hơi cao quá so với tuổi thật của cô bé, phần chân của cô bé, Đức không thấy rõ…
“Chú tìm ai đấy? Hí hí. Cháu biết đấy…” Đôi mắt nó mở to.
Tại sao ở một khu vực bảo vệ kĩ càng như thế lại để lọt một đứa trẻ chạy chơi loăng quăng thế này? Đức càng nhìn kĩ càng nhận thấy nét khác thường của cô bé đó. Nó chắc hẳn không phải là người…
Đức lùi lại vài bước, loạng choạng. Miệng không ngừng lẩm bẩm… “Này…đừng…” vì sợ cô bé đó nhảy xổ vào mình.
Thế nhưng cô bé đột nhiên nhìn chằm chằm vào Đức trong giây lát, ngừng nói rồi bụm miệng, biến mất tăm khỏi hành lang.
“Này! Cậu bác sĩ mới ơi! Cậu cứ làm gì thế?” Người bảo vệ lúc nãy vừa soát giấy tờ của Đức, trông thấy hành động lạ kì của anh mới gọi với vào.
“Cháu… Cháu xin lỗi… Có con bọ…” Đức vội vàng chống chế.
“Cậu vào nhanh đi! Xong nhiêm vụ còn ra. Không được ở đây lâu đâu…”
“Vâng vâng…”
Đức vội vàng tiến lại thang máy, bấm số lên tầng 3.
Thang tới tầng ba. Bước ra ngoài, Đức nhìn thấy một hành lang dài với những căn phòng có vách tường lớn bằng kính.
Bầu không khí gần như vẫn im ắng. Có bóng dáng vài người đang qua lại hành lang. Từng phòng được đánh số và tên, chức năng, nhiệm vụ.
Đức gõ cửa phòng 304, một người phụ nữ đậm người, đeo chiếc kính hình lưỡi liềm ra mở cửa.
“Chào chị, em tới đưa mẫu định kì ạ.” Đức nói.
Người phụ nữ chẳng nói chẳng rằng chìa tay ra để lấy mẫu rồi đi thẳng vào phòng. Đức ngỡ ngàng vì thái độ lạnh lùng ở đây. Dù đã được dự báo trước rằng các nghiên cứu viên ở đây rất xa cách và thiếu thân thiện nhưng Đức không ngờ lại tới mức như vậy.
Một phút sau người đàn bà trở ra, đưa cho Đức một tập giấy để kí biên bản. Chị ta nói: “Nhận đủ rồi nhé”, sau đó gật đầu ra hiệu cho Đức ra về. Đức nói lời chào rồi quay lưng đi, cánh cửa phòng đóng lại trước mặt. Hôm nay có vẻ như không thu thập được gì thêm.
Đi ngang qua hành lang kính, Đức khẽ quan sát việc làm của những người bên trong. Một vài người đang đứng chờ đợi những cỗ máy hoạt động và cho ra kết quả. Tuy nhiên đa số đều đang ngồi nói chuyện với nhau, tiếng radio nhòe nhoẹt do bắt sóng không đủ mạnh còn vang lên đâu đó. Đức cảm thấy cách làm việc của họ rất uể oải và không hề tập trung. Anh đã từng tưởng tượng ra một bầu không khí làm việc chuyên nghiệp khác. Trên gương mặt của họ chỉ chứa đựng một màu xám xịt và nỗi chán chường. Điểm sáng duy nhất là mùi cà phê thơm lừng đang lan tỏa trong không gian.
Bước thêm hai bước nữa, Đức lại phải giật mình thêm lần nữa.
Ở cửa thang máy, có một cái đầu đang thò ra ngoài. Cửa thang máy vẫn đóng, thế nhưng người đó vẫn xuất hiện được.
Cô bé ấy vẫn theo Đức từ dưới kia lên, nhìn chằm chằm vào Đức với gương mặt lấm lét.
Trông khung cảnh không khác gì một bộ phim kinh dị: một chiếc đầu mọc ra lơ lửng giữa thang máy, mái tóc tơ rũ xuống, nụ cười lấp ló của nó lại càng khiến người nhìn lạnh sống lưng.
Chân Đức như nhũn ra, anh khuỵu xuống sàn, cố gắng lùi lại…
(còn tiếp)