Đã quá muộn rồi… Mẹ ơi, kiếp này con không thể rời xa đệ ấy.
Lúc về đến nhà, Du Thiên Lâm và Thẩm Tế Nhật còn chưa vào sân viện mợ Cả, đã chạm mặt mợ Hai và mợ Ba ngay tại hàng hiên của tiền viện.
Hai bà đang đi ra ngắm hoa. Trước tết quản gia sắm thêm một vài khóm mẫu đơn trắng thuộc giống cực kỳ quý hiếm, người làm vườn chuyên trồng hoa chăm bón kỹ càng, bây giờ đang đúng độ ra hoa. Nở khắp một vùng trắng như tuyết đong đưa trong gió xuân, giống như vẻ đẹp tao nhã của thác nước trên hòn non bộ ở tiền viện, giống như lớp tuyết mùa đông đang dần tan chảy, thả mình vào trong đó khiến ta có một cái thú khó tả thành lời.
Mợ Ba diện xường xám màu xanh hồ thủy, đường xẻ bên hông cao tới giữa đùi như cũ. Bà sinh ra là gái hồng lâu, ăn mặc trước khi được Thẩm lão gia cưới vào phủ cũng y như vậy, hiện giờ lão gia nằm trên giường cả năm chả dậy nổi, thì càng không có ai quản đến bà.
Lúc này bà đang phe phẩy chiếc đoàn phiến* với mặt làm từ đoạn hoa màu thiên thanh trong tay, che nửa khuôn mặt kháy: “Ây dà, cuối cùng Đại thiếu gia cũng có thời gian rảnh rang về thăm nhà nhỉ. Còn cả vị khách ít ghé này nữa, chẳng phải là Du trưởng ty đó sao? Thế nào? Có thể xuất viện rồi à?”
*Đoàn phiến còn được gọi là cung phiến, lụa phiến, Hợp Hoan phiến… là một loại quạt có cán. Xuất hiện vào khoảng thời nhà Thương, ban đầu để dùng vào nghi thức khi ra ngoài tuần tra của các bậc đế vương. Chúng có tác dụng che nắng, chắn gió, che cát bụi… Từ Tây Hán về sau mới được dùng để quạt mát.
Đoàn phiến tuy có nghĩa là quạt tròn nhưng thực ra có rất nhiều hình dáng đa dạng như: minh nguyệt (tròn đều), bầu dục, hình hoa mai, hình hoa hướng dương (nhiều cánh), lục giác, ba tiêu (hình lá chuối tây), hình lá ngô đồng, hình móng ngựa …. Trong đó hình hoa mai, hình tròn, hình móng ngựa là thường thấy nhất.
Chất liệu làm quạt cũng vô cùng đa dạng, từ rẻ cho đến quý hiếm tùy thuộc vào điều kiện người dùng và trào lưu của thời đại. Nhìn chung quạt tròn thường làm từ tơ lụa, trúc quý như trúc Tương Phi, ngọc thạch, đồi mồi, ngà voi, lông vũ, lá cọ, mã não….
Quạt tròn lúc đầu nam nữ đều dùng, tuy nhiên về sau do có sự xuất hiện của quạt xếp nên đa số quạt tròn đều được chế tác để nữ tử dùng. Mặt quạt có thể được trang trí bằng thi họa, thêu thùa tinh mỹ, vừa để làm đẹp như một phụ kiện trang sức lại thể hiện khiếu thẩm mỹ và nội hàm của người dùng quạt. Các bộ phận còn lại như cán quạt, dây rũ trang trí đều được điêu khắc, chế tác tinh mỹ như một tác phẩm nghệ thuật thực thụ.
Người cổ đại coi quạt là một phụ kiện tùy thân quan trọng, có thể thể hiện nhiều mặt của chủ nhân như: gia cảnh, giai tầng xã hội, trình độ học vấn, tính cách, sở thích cá nhân… mà không cần phải nói ra. Quạt tròn có mặt trong thơ ca, thi họa cổ, làm nên nét yểu điệu cho mỹ nữ và là hình ảnh ẩn dụ thường thấy khi tác giả muốn miêu tả mùa hè.
Hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì chế tác quạt tròn chỉ còn tồn tại như một một nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, nhưng vẻ đẹp và sức sống lâu bền của nó thì không ai có thể phủ nhận. Các tác phẩm quạt tròn cổ hiện nay được giới sưu tầm đánh giá cao vì tính thẩm mỹ và nét văn hóa nghệ thuật mà nó truyền tải.
(Tham khảo bản dịch bài đăng của tài khoản Weibo “故宫博物院” – Cố cung bác vật viện từ page Góc Trung Quốc – Văn hóa Nghệ Thuật và Lịch Sử)
Bà nheo khóe mắt, ngoại trừ sự lẳng lơ trước sau như một thì giữa hai đầu mày còn chứa sự mỉa mai mà ai trong đám hạ nhân cũng có thể nhận ra. Thẩm Tế Nhật đã lường trước quay về sẽ phải chịu thái độ khinh bỉ coi mình bằng nửa con mắt này, bình tĩnh mặt không biến sắc, chỉ cúi đầu lễ phép: “Con chào mẹ Hai mẹ Ba ạ.”
Mợ Hai gật đầu nhẹ với anh, so với mợ Ba cay nghiệt dù sao cũng còn hỏi thăm một câu: “Sức khỏe của Đại thiếu gia khá lên rồi chứ?”
Thẩm Tế Nhật cung kính trả lời: “Đã không việc gì ạ. Con cảm ơn mẹ Hai quan tâm.”
Mợ Hai còn định nói gì đó, thì mợ Ba kéo tay bà, phẩy đoàn phiến hai nhát, cười gàn: “Chị Hai, chị hỏi câu này là chưa đúng đối tượng rồi. Ai chả biết thừa trận hỏa hoạn lớn kia chẳng làm cậu Cả nhà chúng ta bị thương quái gì, ngược lại Du trưởng ty liều mình cứu cậu ta bị thương không nhẹ. Đáng nhẽ chị nên thăm hỏi Du trưởng ty chồng tương lai của người ta trước. Đàn ông con trai này ấy mà, bị thương ở eo, về sau đừng lưu lại gốc bệnh gì mới khỏe.”
Dứt lời thì trông Du Thiên Lâm cười tủm tỉm. Thẩm Tế Nhật biết bà há mồm chẳng bao giờ nhả được điều gì hay hớm, vốn không muốn tranh cãi, ai ngờ Du Thiên Lâm vừa vươn tay là kéo luôn mình vào lòng, rồi mở miệng phun ngay câu còn khó nghe hơn câu móc họng của bà: “Hóa ra các mợ đây đều biết chuyện mừng giữa tôi và Vân Thâm rõ quá nhỉ, xem ra hôm nay tôi đến nhà quả là chọn đúng thời cơ. Mợ Ba, cảm ơn mợ đã quan tâm tới vết thương của tôi như thế. Nhưng dù sao mợ cũng không phải là mẹ ruột của Vân Thâm, vậy nên đừng chắn đường tôi, tôi còn phải đi ra mắt mẹ vợ tương lai của tôi đấy.”
Hắn cũng nhìn mợ Ba cười híp mắt, thái độ đúng là chả bới ra được lỗi nào, song sự châm biếm nằm trong những câu chữ này thì có ai nghe mà không hiểu? Tùng Trúc cúi đầu, nín cười đến nỗi đôi bờ vai đều đang run. Hai nha hoàn đứng đằng sau mợ Hai mợ Ba cũng nhếch môi, muốn cười lại chẳng dám cười, càng tôn lên cái bản mặt đen như đít nồi của mợ Ba.
Xưa nay mợ Hai không phải là người chủ động khơi mào soi mói châm chọc, sau khi gả vào Thẩm gia vốn dĩ người bà không thuận mắt nhất chính là mợ Tư Từ Yến Thanh. Hiện tại Từ Yến Thanh đã chả còn ở trong nhà từ lâu, đương nhiên bà không có ác khí thù địch. Giờ trông thấy mợ Ba gây rối rồi bị chơi ngược lại một vố, bèn bước ra dàn hòa chuyện lớn: “Du trưởng ty thật là biết nói đùa. Em Ba quan tâm sức khỏe của ngài nên mới hỏi thừa một câu đó thôi. Nếu ngài và Đại thiếu gia đang tới gặp chị Cả, thì đừng để muộn, mau đi nào.”
Bà lôi mợ Ba về bên cạnh mình, nhường đường ra khỏi sân. Mợ Ba trợn trắng mắt, vẫn còn muốn phản kích, bị mợ Hai ngăn lại bằng ánh mắt.
Du Thiên Lâm dắt tay Thẩm Tế Nhật, cười với mợ Hai: “Cảm ơn mợ.” nói rồi liền đi qua không chút khách khí. Mợ Ba ngó họ mà chẳng cam tâm, vừa mới khẽ chửi câu: “Cái địt gì vậy?” đã thấy Du Thiên Lâm dừng lại, xoay người nhìn bà chế nhạo: “Quên chưa nói, mợ Ba khỏi phải lo về eo của tôi. Dẫu sao tôi đang tuổi trẻ cường tráng, qua chưa đến mấy hôm nữa là có thể làm Vân Thâm tiếp tục sung sướng. Mợ Ba vẫn nên để dành ít tâm sức ấy đi chăm sóc bố vợ đi.”
Mợ Ba chưa bao giờ bị người ta sỉ nhục giáp mặt, tuy nhiên e ngại thân phận của Du Thiên Lâm chả dám nổi cáu thực sự, bực bội ném chiếc đoàn phiến hoa xanh đắt tiền kia xuống thềm hiên. Du Thiên Lâm nhìn thấy khung quạt và cán quạt gãy thành hai đoạn, thẳng thắn lắc đầu ra chiều tiếc của: “Tiếc cho cây quạt đẹp này, nhưng mà không sao, ngày mai tôi sẽ phái người mua hai cây quạt đẹp hơn tặng mợ Ba.”
Hắn khịa xong cũng chẳng lề mề, kéo Thẩm Tế Nhật đi liền. Thẩm Tế Nhật xem trò hay này, mặc dầu cảm thấy không hay lắm, nhưng cũng dễ chịu trong lòng.
Tới khi qua ngã rẽ đằng trước đó, Du Thiên Lâm ngẩng cao đầu ưỡn ngực sải bước lớn lập tức rúc vào vai Thẩm Tế Nhật, để lộ gương mặt đẹp trai nhăn nhó, thì thào: “Không ổn không ổn.”
Thẩm Tế Nhật liền biết hắn đang cố chịu đau, dìu hắn ngồi xuống trường kỷ tại hành lang, lo âu khuyên: “Nếu đau quá thì về phòng huynh nằm nghỉ trước một chút nhé?”
Bên cạnh hai người họ cũng chỉ có mỗi Tùng Trúc đang đứng, Du Thiên Lâm thả lỏng hơn, đùa dai: “Như vậy sao được, nếu mẹ vợ biết anh đến đây không gặp mẹ, trái lại đến phòng của em trước, nhất định sẽ càng giận hơn.”
“Vừa nãy đệ cũng thật là… cần gì phảì phô trương thanh thế trước mặt mẹ Ba của huynh chứ. Mẹ ấy vẫn luôn có cái tính đó, đệ cứ để mẹ ấy nói hết là được rồi.” Thẩm Tế Nhật ngồi bên hắn, luồn tay ra sau eo hắn, nhẹ nhàng xoa bóp xung quanh miệng vết thương kia.
Du Thiên Lâm được anh xoa bóp khoan khoái, dứt khoát dựa cả người vào mình anh: “Em là vợ anh, sao anh có thể nhìn người khác bắt nạt em chứ?”
Lắng tai nghe hắn luyên thuyên ba cái câu lung ta lung tung này, mà Thẩm Tế Nhật chưa hề phai ý cười trên môi. Lại xoa nhẹ thêm một chốc, nom hắn đỡ hơn nhiều mới đứng dậy, tiếp tục đi về phía sân viện của mợ Cả.
Khi họ mới vào cổng đã có hạ nhân thông truyền, mợ Cả lạnh lùng nghiêm mặt, dặn dò nha hoàn theo bên mình Lam Hương canh cửa, báo không gặp.
Sau cùng đợi hơn mười phút vẫn chả thấy người tới, bà lại ngồi không yên, gọi Lam Hương vào hỏi tình hình.
“Phu nhân người đừng nóng vội, Đại thiếu gia và Du trưởng ty đều bị thương, chắc chắn đi đứng hơi chậm một tí ạ.” Lam Hương lựa lời xoa dịu bà.
Mợ Cả vẫn mạnh miệng: “Ai nóng nảy! Ta bảo không gặp hai đứa nó, đợi chúng nó đến đây ngươi đuổi ra ngoài cho ta!”
“Phu nhân người việc gì phải như này ạ? Rõ ràng người đã hết giận Đại thiếu gia rồi, hà tất còn phải làm mất mặt nữa ạ? Người đừng ngại nghe họ thưa chuyện một lát. Mấy năm nay Đại thiếu gia chịu khổ nhiều như thế đều vì gánh vác gia đình này, nô tỳ nghe Tùng Trúc kể những điều ấy cảm thấy cực kỳ đau lòng, huống hồ là người. Người là mẹ ruột của Đại thiếu gia, nếu ngay cả người cũng không thương cậu ấy, thì trong nhà đâu còn ai thấu hiểu thương xót cậu ấy nữa ạ?” Lam Hương tận tình khuyên giải hết nước hết cái.
Mợ Cả đập bàn, còn chưa mở miệng đã nghe thấy tiếng đập cửa dồn dập từ bên ngoài truyền vô: “Thưa mợ Cả.”
Lam Hương đi mở cửa, là nha hoàn Tiểu Nguyệt hầu hạ tại gian ngoài, mới bước vào đã kể một tràng: “Mợ Cả, lúc nãy nô tỳ luôn theo sát phía sau Đại thiếu gia, Đại thiếu gia và Du trưởng ty gặp phải mợ Hai và mợ Ba ở tiền viện, kết quả bị mợ Ba bắt bẻ giễu cợt một trận, buông những lời rất khó nghe ạ.”
Mợ Cả trợn trừng mắt, lại vỗ bàn đánh rầm một lần nữa, đứng lên chửi: “Con đĩ Vương Ngọc Trân này! Lão gia lâm bệnh, ta lười rao giảng với cô ta, không ngờ cô ta lại tự cho mình làm bà chủ to nhất nhà tác oai tác quái thật? Con trai của ta mà tới phiên cô ta chỉ tay năm ngón? Cô ta còn không xem lại mình coi có cái xuất thân gì, có cái đức hạnh gì! Lam Hương, đi!”
Mợ Cả bị đụng vào vảy ngược, sải bước dài qua ngưỡng cửa, Lam Hương lập tức theo kịp, ngoài miệng nói vài lời để bà nguôi giận, trong tâm lại cảm thán bà chung quy cũng chỉ là lòng mẹ hiền thương con, chẳng thể nhìn con mình bị người ta nhục mạ.
Mợ Cả khí thế hừng hực nổi giận đùng đùng phi về chỗ tiền viện, đang tính đi quạt cho mợ Ba một trận lên bờ xuống ruộng, thì trông thấy hai người ngồi ở hàng hiên phía trước cách đó không xa.
Bà chưa gặp con trai cả mấy hôm nay rồi, bây giờ chỉ dòm có mỗi bóng lưng, mà đã mềm lòng không ít. Song ngó sang một người khác trong lòng Thẩm Tế Nhật, là cơn nộ khí ấy lại từ từ bốc lên đầu.
Lam Hương thoáng liếc mắt quan sát bà, khẽ hỏi: “Phu nhân, chúng ta không đi qua ạ?”
Mợ Cả nom bóng dáng hai người kia mà phẫn nộ uất nghẹn, không lên tiếng, Lam Hương bèn đứng bên cạnh bà nhìn theo cùng một hướng. Chỉ thấy tay Thẩm Tế Nhật xoa bóp nhẹ nhàng quanh eo Du Thiên Lâm, Du Thiên Lâm dựa vào ngực anh, chả biết đang thì thầm với anh điều gì, tuy nhiên ở khoảng cách xa như vậy vẫn có thể cảm nhận được bầu không khí hòa thuận vui vẻ ấm áp giữa hai người.
Lam Hương lại ngắm mắt mợ Cả, coi thấy cảm xúc trên mặt bà vừa giống như là khổ sở, vừa giống như là bất lực. Đôi mắt ngậm nước, môi mím chặt không thể lơi lỏng, thì hiểu nội tâm bà đang giằng xé dữ dội.
“Tiểu Nguyệt, ban nãy mợ Ba đã nói những gì?” Lam Hương gọi tên vừa đúng lúc Tiểu Nguyệt chạy tới, Tiểu Nguyệt liền thuật lại từng chuyện xảy ra hồi nãy, cô không kể nguyên văn lời Du Thiên Lâm, nhưng truyền đạt rõ ý tứ trong các câu phản pháo của hắn. Lam Hương lại xem sắc mặt mợ Cả, mợ Cả lau khóe mắt bằng khăn tay, vẫn chả nói gì cả, xoay người trở về phòng.
Thẩm Tế Nhật chẳng hề biết vừa rồi mợ Cả theo dõi họ từ đằng xa, anh vào bằng lối sau sân viện của mợ Cả, sai nha hoàn canh cổng Tiểu Nguyệt đi thông báo. Tiểu Nguyệt liếc nhìn Du Thiên Lâm, quay người trở vô, lát sau Lam Hương bước ra, hành lễ với anh và Du Thiên Lâm: “Đại thiếu gia, phu nhân nói muốn gặp người trước.”
Thẩm Tế Nhật quay đầu sang ngó Du Thiên Lâm, nói thầm: “Đệ chờ huynh ở đây, đừng kích động.”
Du Thiên Lâm nhéo nhẹ đầu ngón tay anh: “Yên tâm, đệ chờ huynh ra.”
Thẩm Tế Nhật gật đầu, xoay người đi vào.
Gian phòng của mợ Cả sáng sủa, nhưng bà không ngồi trên ghế bành, mà quỳ trước trang thờ Phật, nhắm mắt tụng kinh.
Thẩm Tế Nhật vừa đặt chân vô là tiến đến chỗ phía sau bà, quỳ xuống không phát ra một tiếng động.
Anh chẳng gọi mẹ, cũng chẳng nói gì khác, cứ im lặng quỳ như thế. Thẳng tới lúc mợ Cả niệm kinh xong, chuẩn bị đứng dậy, anh mới đưa tay ra để mẹ vịn.
Mợ Cả không đẩy con ra, nhưng không con cho lấy sức đỡ mình. Sau khi đứng vững thì tỏ vẻ như vô tình liếc mắt cá chân con, trở lại bên bàn ngồi xuống.
Mẹ con họ chưa từng có khoảng lặng đối diện nhau mà chả nói gì như vậy. Thẩm Tế Nhật có ý giải thích, lại chẳng biết nên mở lời ra làm sao mới ổn thỏa. Lần này bất kể mợ Cả đồng ý hay vẫn muốn chia rẽ anh và Du Thiên Lâm như trước, anh cũng không thể nhường bước. Có điều là anh chưa bao giờ ngỗ ngược với mẹ, quả thực chả biết phải tiến lui như thế nào mới có thể khiến mọi người hài lòng.
Mợ Cả lần tràng hạt trong tay, trông ánh nắng trên nền tiền sảnh hắt vào. Bụi bặm lơ lửng ngày qua ngày trong nắng ấm, hệt như tòa phủ lớn đầy trầm lặng này, cuộc sống mỗi ngày cứ mở mắt ra là lặp đi lặp lại chẳng khác là bao so với ngày hôm qua, cho đến tận đêm khuya cô tịch lại nhắm mắt vào.
Bà đã sớm không còn hy vọng mong mỏi gì nơi chồng mình, một lòng một dạ đều đặt lên người ba đứa con.
Bà đã từng này tuổi, vốn nên lấy chơi đùa với cháu chắt làm vui. Nhưng đứa con trai trưởng ưu tú chả bới ra nổi khuyết điểm nào ấy cứ không cho bà được thỏa ý nguyện này, nó đã sắp ba mươi rồi vẫn chưa chịu cưới vợ.
Vô số lần bà tự an ủi mình, có lẽ chỉ là nhân duyên của con cả vẫn chưa tới, hãy đợi thêm chút nữa là được thôi.
Thế rồi sự chờ đợi này, là chờ tin phản nghịch của cậu con thứ hai, vừa mắt ai không vừa, lại vừa mắt nam thiếp của lão gia.
Làm cách nào bà cũng chẳng thể quên nổi cái cảm giác vào giây phút biết được chân tướng kia là gì: Bà cảm thấy bầu trời sụp đổ.
Song khi chứng kiến lão gia thà hành hạ con trai mình còn hơn chấp nhận buông tay thành toàn, bà lại sợ hãi.
Hy vọng cả đời này của bà đều dồn hết vào ba đứa con, dù cho con trai thứ không chịu lấy vợ, thì cũng chả phải là chuyện chết người, làm sao bà có thể để lão gia hủy hoại niềm hy vọng của bà?
Bà giúp cậu con thứ một phen, vốn định quên đi, chí ít vẫn có thể trông mong vào cậu con trưởng. Ai có thể ngờ bây giờ lại….
Cứ động nghĩ mục đích đến gặp mình của đứa con này, là bà đau lòng bức bối. Nếu chẳng phải thấy thương tích của Thẩm Tế Nhật chưa lành hoàn toàn, thì bà dám chắc sẽ bắt con tới từ đường quỳ, không tỉnh táo khỏi u mê thì không cho phép đứng lên!
Mợ Cả chìm đắm trong bi thương, bất giác chảy nước mắt. Thẩm Tế Nhật lại quỳ gối một lần nữa trước mặt mợ Cả, lấy tay áo của mình lau hàng lệ trên gương mặt mợ Cả.
Mợ Cả nhìn anh sững sờ, mãi một hồi sau mới cầm cổ tay anh: “Thâm nhi, từ bé đến lớn con đều nghe lời như thế, giờ thì không chịu nghe lời nữa thật ư?”
Bà gọi nhũ danh của Thẩm Tế Nhật, đây là cái tên bao nhiêu năm nay bà vẫn chưa từng gọi lại. Thẩm Tế Nhật nghe hiểu ý tứ của bà, một nỗi chua xót trào dâng trong lòng, cũng bất lực thưa: “Mẹ ạ, con chả dám hy vọng xa vời mẹ có thể tác thành cho chúng con, nhưng con xin mẹ mở một mắt nhắm một mắt đã là phước phần của con rồi. Sau này dịp lễ tết con cũng sẽ không dẫn đệ ấy về làm vướng mắt mẹ, mẹ có thể xem đệ ấy như người không tồn tại. Được không mẹ?”
Anh đã hèn mọn tới vậy rồi, so với thái độ đem cái chết ra bức ép của Thẩm Quan Lan khi đó, anh thực sự đã…
Thế nhưng nước mắt của mợ Cả vẫn tiếp tục rơi giàn giụa, bà chẳng cam lòng hỏi: “Nếu đã như vậy, thì tại cao con không thể chia tay với tên đấy hả?”
Đôi mắt của Thẩm Tế Nhật cũng đỏ hoe, anh nhìn mợ Cả chăm chú, lắc đầu một cách bi thống: “Đã quá muộn rồi… Mẹ ơi, kiếp này con không thể rời xa đệ ấy.”