Bà Clara hít 1 hơi thật sâu, hương vị không khí Paris đúng là khác hẳn, mát mẻ trong lành không oi ả nóng bức như ở Hà nội. Sau cả tháng trời lênh đênh trên biển mới từ An nam về được Pháp được rảo bước trên những con phố quen thuộc thật thư thái tâm hồn.
Bà Clara rất mê tiệc tùng, dĩ nhiên ở Đông dương cũng có nhưng sao bì được với ở chính quốc. Đây mới là lí do bà về nước cùng chồng lần này chứ chẳng phải vì giúp đỡ gì ông Frédéric trong việc vận động lên chức, thật ra ai chả biết cái ghế phó toàn quyền là mặc định sẵn cho chồng bà rồi.
Bà lao vào các bữa tiệc của giới thượng lưu như 1 con thiêu thân, quên hết mọi sự trên đời, lòng đầy kiêu hãnh nghe những lời ngợi khen dành cho sắc đẹp của mình hay sự thành đạt giàu có của gia đình mình. Đắm mình trong những lời ca tụng, bà Clara tưởng như đó là suối nguồn nuôi sống mình vậy.
Hôm nay bà Clara có cái hẹn với nhóm bạn cũ học cùng trường nữ sinh nội trú ở Thụy Sỹ. Cái nhóm này giờ trở thành nơi gặp mặt để khoe khoang thành thích, ví dụ như: “Chồng tôi sắp trở thành phó toàn quyền Đông dương.” hay “Con trai tôi là giám đốc Sở điện lực Hà nội.” chẳng hạn.
– Ồ, Clara, bạn về nước từ bao giờ thế?
Cái giọng nói trầm khàn này là của Julia Bourgès, con gái bá tước Marc Bourgès giờ là vợ Roberto Manchini, phải, chính là mẹ của Luigi. Khẽ cau mày, bà Clara từ từ quay lại, cười rạng rỡ ôm chầm lấy cô bạn quý:
– Bạn tôi, lâu không được gặp, nhớ bạn quá!
Bà nghĩ thế là đủ rồi, chắc cô bạn ưa đâm bị thóc chọc bị gạo của bà sẽ không nói móc gì mình, mà có gì để móc chứ, bà soát lại 1 lần trong đầu xem mình có sơ hở nào để bị cô bạn quý chít vào không. Đang tính khoe việc chồng mình sắp lên chức thì Julia hỏi 1 câu làm bà chết điếng:
– Sao con trai của bạn cưới vợ mà không mời gia đình mình? 2 nhà chúng ta chẳng phải là rất thân thiết hay sao?
Vừa nói với giọng trách cứ Julia vừa nhìn bà tỏ vẻ quan tâm nhưng mắt lại ánh lên sự giễu cợt. Bà Clara ngớ người, nhất thời chưa hiểu ra chuyện gì trong khi các bà bạn khác tò mò đang dần dần bu lại xung quanh 2 người. Dạo gần đây châu Âu bị xâm chiếm bởi tư tưởng phát xít của người Đức và người Ý, do đó lời nói của 1 kẻ có chồng người Ý như Julia rất được để ý.
Bà Clara đã bắt đầu cảm thấy khó chịu. Từ bao giờ mà người Pháp lại bị đè đâu cưỡi cổ ấy nhỉ, ở châu Âu thì do người Đức và người Ý, ở châu Á thì do người Nhật. Tuy nhiên ở Đông dương tuy người Nhật cũng làm khó dễ ít nhiều, người Pháp vẫn có thực quyền còn ở tại chính quốc, người Đức o ép người Pháp đến cái mức nhìn vào lại tưởng Pháp là tay sai của Đức.
Xưa kia Paris được mệnh danh là kinh đô ánh sáng, là trung tâm châu Âu, cũng tức là trung tâm thế giới, trong những bữa tiệc của quý tộc ở khắp châu Âu người ta nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp chứ không phải tiếng mẹ đẻ. Thời oanh liệt nay còn đâu, rõ ràng trục trái đất bị lệch mất rồi, trọng tâm không còn chuẩn xác nữa. Đây cũng là lí do bà Clara ít về nước hẳn.
Bố của Julia là bá tước cũng giống như bố của bà, tất nhiên tước vị không trao cho con gái nhưng cũng không cản được bà kiêu hãnh với dòng dõi của mình. Và luôn có 1 cuộc ganh đua ngầm giữa bà và cô ta, từ khi còn bé đã thế rồi.
Không để cho bà kịp tiếp nhận thông tin do mình đưa ra, Julia lại bồi tiếp:
– Con trai út của bạn ấy, thằng bé lấy vợ là người An nam đúng không? Mình nghe con trai mình bảo bạn còn lên chức bà nội rồi, chúc mừng bạn nhé!
Giật nảy người vì nghe tin tức Julia nói, bà Clara chết lặng 1 lúc, trân trối nhìn cô bạn thân. Ai chả biết bà ghét người An nam, mở mồm ra là nói những lời khinh thường và miệt thị. Cuối cùng, gượng cười bà cố vớt vát:
– Thì bạn biết đấy, chồng mình sắp trở thành phó toàn quyền Đông dương. Như vậy sẽ tốt cho đường công danh của anh ấy.
Trên đường về ngồi trên xe mà bà Clara nhấp nha nhấp nhổm không yên, tức đến bầm gan tím ruột. Không ngờ bà bị Julia chơi cho 1 vố như vậy, chưa bao giờ bà bị bẽ mặt đến mức đó.
Hơn thế nữa, cái thông tin Julia đưa ra, dù chưa được kiểm chứng nhưng chắc cũng đúng thôi, khiến cho bà choáng váng. Francois, đứa con trai cưng của bà, thiên thần của bà, bà có bao dự định dành cho nó, bao gồm cả việc kiếm cho con 1 cô dâu thật hoàn hảo, môn đăng hộ đối. Ấy thế mà nó lại đi lấy con An nam thấp kém đó, cái kẻ đứng hát rong bên lề đường.
Bấy lâu Francois bị bỏ bùa rời khỏi nhà chạy theo con bé kia thậm chí còn mấy lần vì con cáo già ấy mà cãi nhau với bà. Thôi thì nó có sống như nhân tình với cô ả cũng được nhưng kết hôn ư, chuyện hoang đường gì thế. Hôn nhân là việc vô cùng thiêng liêng trước Chúa, khi Chúa đã gắn kết 2 người thành vợ chồng thì không gì có thể chia lìa được, gắn bó đến tận khi chết. Do đó mới cần chọn vợ kĩ càng, mới cần tiêu chuẩn.
Con trai bà muốn nuôi nhân tình cũng được, thậm chí lấy vợ rồi vẫn lập phòng nhì bà cũng có thể mắt nhắm mắt mở bỏ qua. Nhưng lấy về làm vợ để cái ngữ ấy được mang họ Largarde, danh chính ngôn thuận bước vào nhà bà sao, tuyệt đối không thể được.
Cũng tại bới chính sách của đất nước bà quá đỗi nhân văn, chứ cứ như Anh quốc, người Anh không được phép lấy dân thuộc địa, lỡ có con thì đứa con cũng đừng mơ đến việc có quốc tịch Anh. Nếu Pháp cũng áp dụng luật rạch ròi như vậy thì con bé kia chắc cũng không nảy lòng tham mà mồi chài con bà.
Bà cũng biết 2 đứa chúng nó đã có với nhau 1 mặt con, nhưng chắc gì đã là con của thằng Francois, coi chừng thằng con ngờ nghệch của bà lại đi nuôi con tu hú. Vậy là bất chấp sự phản đối của bà con trai bà vẫn cưới cô ta, bảo bà không thể tức được sao.
Còn cả ông chồng của bà nữa liệu có biết chuyện này không? Biết sao không phản đối? Hay muốn mị dân nên tay chính khách lão luyện là chồng bà quyết tâm làm ngơ?
Khi về tới lâu đài ông Frédéric ngạc nhiên tột độ khi thấy nhà cửa tan hoang như vừa bị bão quét qua, đám người làm thì đang hối hả vội vã dọn dẹp, mang đồ bị đập vỡ ra chất cả đống giữa sân. Ông hỏi quản gia:
– Lại chuyện gì đây?
– Bà chủ bực mình cái gì không biết, đập phá gào thét suốt!
– Vợ tôi đâu?
– Đi Nice rồi ạ.
Ông thở dài ngao ngán. Chắc đi gặp mấy bà bạn huyênh hoang khoe khoang nhưng rồi lại thấy thua kém không bằng chị bằng em đây mà. Kể ra thì cũng hơi kì lạ, tính vợ ông khá lãnh đạm hoặc không thì cũng cố tỏ ra lãnh đạm vì bà sợ nhất là mất thể diện. Vậy mà bộc phát đến mức này chẳng bình thường chút nào.
Nhưng thôi kệ đi, ông còn bận tối mắt tối mũi vì cuộc bầu cử, đã chẳng giúp gì được cho ông thì chớ lại còn bắt ông chạy theo dỗ dành sao? Tự đi rồi khắc tự về. Nghĩ vậy, ông Frédéric nới lỏng cà vạt thong thả đi lên tầng.
Bà Clara rời khỏi Paris nhưng không đi Nice như bà nói, bà ra cảng Marseille về An nam. Chuyện tày đình như vậy bà sao để yên được, phải phá triệt để cho cô ả kia hết đường quay lại với Francois, mặc dù phá kiểu gì bà tạm thời chưa nghĩ ra.