Dịch Vụ Thuê Trai

Chương 43



Người làm bắt đầu dựng rạp trước sân để bày bàn ăn. Tôi đếm sương sương cũng hơn mười mâm. Tuấn rơi vào đúng ngay đám đàn ông có sở thích sưu tầm xe nên vô cùng hứng thú. Tôi đang đứng bên chẳng mấy quan thâm thì chị Huyền, con gái của bác tư đến chỗ tôi nhỏ nhẹ nói:

– Em vào đây chị nhờ một lát.

Tôi ngoan ngoãn đi theo chị, Tuấn vẫn chăm chú vào cuộc trò chuyện không biết tôi đã rời đi.

Chị Huyền vừa đi vừa nói:

– Em thông cảm. Nhà mình ít người làm quá. Em coi vô phụ dọn chén bát và bưng đồ ăn lên cho khách dùm chị được không?

Tôi lưỡng lự gật đầu, mặc dù cảm thấy không ổn. Nay tôi mặc đồ hơi trễ nải, lại còn vác thêm đôi cao gót nên đi lại nhiều cực kì bất tiện. Nhưng tôi không dám từ chối, chị ấy đã có tiếng nhờ mà mình lại từ chối thì lại khó xử với nhau quá.

Tôi đứng lau chén bát và so đũa ở chiếc bàn gỗ lớn cạnh cái giếng đào. Người rửa rau, người rửa thịt, đi qua đi lại không hết việc. Đang đứng thì tôi thấy chị Huyền đi ra. chị lấy cho tôi đôi dép khác và cả một chiếc áo khoác.

– Em thay dép đi cho đỡ đau chân. Trong nhà chị chỉ dám nhờ mỗi em. Mấy đứa con gái kia toàn ăn trắng mặc trơn không biết làm gì nên hồn cả. Em phụ chị nhé, dù sao mấy việc này em cũng quen làm hơn chúng nó.

Nói xong chị đưa chiếc áo khoác cho tôi:

– Em khoác cái này vào đi. Con gái thì phải đoan trang nghiêm chỉnh một chút. Ở đây toàn người lớn, lại còn là ngày mừng thọ của bà. Em ăn mặc thế này thì không nên. Lần sau nhớ chú ý hơn nhé!

Nhận lấy chiếc áo khoác mà mặt tôi nóng rần. Tôi vô thức đưa tay che lấy phần vai của mình, cảm tưởng như đang lõa thể trước người khác vậy, cực kì xấu hổ. Nếu tôi biết người khác sẽ đánh giá mình không tốt khi mặc bộ đồ này như thế thì có lẽ tôi sẽ không bao giờ khoác nó lên người.

– Vâng ạ!…

Tôi ngập ngừng đáp lại rồi vội vàng mặc áo khoác vào. Đôi dép lê cũng khiến tôi đi lại dễ chịu hơn. Mặc dù tự nhiên bị bắt xuống bếp làm việc, nhưng trong lòng tôi lại cảm thấy vui, cảm giác như mình được người nhà coi trọng và đón nhận vậy. Vì thế nên tôi đã rất vui vẻ tiếp tục công việc.

Dọn bàn, sắp đồ ăn ra đĩa, chuẩn bị trà bánh và tráng miệng,… tôi quay cuồng với hàng trăm việc cùng một lúc. Cho đến khi bà đứng lên phát biểu khai tiệc và lần lượt các con trai, con gái đứng lên chúc tuổi thì tôi mới có thể nghỉ tay một chút. Một chị người làm thấy tôi đứng ngây ra bên ngoài lề bữa tiệc thì thúc nhẹ vào lưng tôi để nhắc nhở:

– Em còn đứng làm gì đó? Đi ra ngồi ăn với mọi người đi. Cảm ơn em đã phụ giúp, không có em chắc bọn chị không trở tay kịp quá.

Nghe theo lời chị, tôi khự nự bước ra tìm một chỗ trống ở bàn tiệc dành cho mình. Lúc này Tuấn đang ngồi chung bàn với một đám thanh niên cùng trạc tuổi, cái miệng chích chòe của cậu vẫn nói không ngừng nghỉ. Thấy tôi, Tuấn nhìn qua một cái rồi ra hiệu rằng cậu ấy vẫn làm tốt, rằng tôi có thể yên tâm ăn trưa. Nhưng tôi thì sao? Tôi chẳng ổn chút nào.

Vì phải làm việc trong bếp, lại còn phải mặc áo khoác nên tôi đã đổ kha khá mồ hôi. Cơ thể lúc chỉ toàn mùi đồ ăn. Tôi định cởi áo khoác nhưng lại nhớ tới lời chị Huyền ban nãy nên thôi. Khi tôi đang không biết ngồi vào đâu thì chị Huyền vẫy tôi lại. Bàn ăn của chị đều là những chị, những em và có cả những cô gái là bậc cháu của tôi đang ngồi bàn luận nói cười vui vẻ.

– Này em! Xuống bếp lấy dùm chị một bát nước tương không có ớt nhé! Ngọc Thanh nó không ăn được nước mắm cay. Đi nhanh đi rồi lên ngồi ăn với tụi chị cho vui.

Một lát sau tôi đã bưng lên bát nước tương theo yêu cầu. Chị Huyền chỉ tôi ngồi vào một ghế trống bên cạnh. Giờ tôi mới để ý cô gái tên là Ngọc Thanh, là bậc cháu của tôi, Mẹ Ngọc thanh là chị con bác Như, chị thứ ba của cha tôi. Ngọc Thanh tướng người thanh mảnh, yểu điệu. Mặt mũi rất xinh xắn, đáng yêu. Nhưng điều khiến tôi để ý là chiếc đầm công chúa trễ cả hai vai, lộ phần xương quay xanh thanh mảnh và lấp ló sự căng tràn của vòng một.

– Ngọc Thanh! Ăn đi ăn đi! Cô còn gầy chán, đừng có kén ăn nữa. Đẹp vừa thôi chứ đẹp quá lại không ai dám yêu đâu. Xem kìa, gầy đến mức xương quai xanh đựng được hai gáo nước rồi.

– Xem con bé mặc chiếc áo mới vừa khéo làm sao. Chứ phải mình mặc chắc là nhìn không khác gì cây giò thủ. – Một người chêm vào.

Chị Huyền chép miệng đáp:

– Người đẹp vì lụa là chuyện thường, nhưng ở đây lụa cũng đẹp nhờ người nữa. Ngọc Thanh mặc chiếc váy này hợp với nó quá chừng.

Mọi người trong bàn cười xòa. Nghe câu nói có vẻ là trách nhưng cũng là khen cho sự khéo léo giữ gìn nhan sắc của Ngọc Thanh. Tôi có cảm giác không ổn, tôi thì cũng đâu có tệ hơn Ngọc Thanh, chiếc áo của tôi còn kín đáo gấp mấy lần của cô ấy. Nhưng chị Huyền lại dặn dò tôi phải cẩn trọng. Đầu óc tôi suy nghĩ mông lung, phải gắp đại một miếng nem rán cho lên miệng cắn để phân tán tư tưởng.

Trong khi bọn họ bàn về quần áo, trang sức. Bàn về chỗ vui chơi mới, tiệm spa nào tốt cho da thì một người làm rơi đũa. Cô ấy là Hằng, người con gái IQ cao và từng được chủ tịch nước bắt tay khi xưa. Hằng ngó nghiêng xung quanh và nói:

– Mấy người làm đâu chị Huyền nhỉ? Em làm rơi đũa mất rồi.

Chị Huyền đang nhấp dở ngụm nước ngọt liền vội xua tay:

– Thôi thôi! Người làm cái gì! Người ta dọn tiệc xong rồi đang ăn uống bên kia. Đừng làm phiền người ta.

Tôi đã tưởng chị Huyền nói Hằng tự mình đi lấy, ai ngờ chị lại nhìn qua tôi, chỉ đích danh tôi:

– Phi Yến! Em chạy xuống bếp lấy đũa cho em Hằng đi. Nó mặc váy ngắn như kia đi không tiện. Em nhanh chân lẹ tay đi lấy dùm em nó đi. Có đôi đũa mà phiền người làm thì kì quá.

Bảo người khác làm thì gọi là phiền, nhưng bảo tôi làm thì không phải là phiền sao? Hơn nữa xét về vai vế, con bé còn phải gọi tôi bằng chị. Có đời thuở nào em lại sai chị đi lấy đồ giùm trong khi chị nó cả buổi vục mặt trong bếp hay không?

Mặc dù rất không muốn đi, nhưng cả bàn tiệc thấy tôi ngồi im thì đưa mắt nhìn như nói rằng:

– Ủa! Sao còn chưa đi? Còn ngồi chây mặt ra đó đợi chửi mới đi sao?

Tôi đành phải buông nửa miếng nem rán ăn dở xuống bát rồi đi xuống bếp lấy đũa mới cho Hằng. Sau lưng tôi họ liền nói với nhau:

– Con chú út đấy à? Con nhỏ xưa nhìn như đàn ông đấy hả?

– Ừ đúng rồi! Nay cũng có biết điệu đà lên một chút nhưng vẫn thấy không khác lắm.

– Chị ấy vẫn lông bông làm phục vụ các thứ à mấy chị?

– Nghe bảo vậy. Xưa nay chú út chiều hư con, để con cái muốn làm gì thì làm nên vậy đấy. Mãi không thành tài gì được.

Giá như họ nói với nhau khe khẽ, giá như chỉ là vài lời nói xấu sau lưng thì có lẽ trái tim tôi không giận dữ như vậy. Tưởng rằng họ thân thiện vui vẻ với tôi là vì nghĩ tôi cùng chị em họ hàng. Nhưng hóa ra là vì nghĩ tôi chỉ là một đứa ăn hại, một đứa phục vụ quen làm chân tay nặng nhọc nên mới sai vặt.

Thật nực cười, vậy mà tôi đã xúc động khi chị Huyền đưa dép và áo cho tôi mặc cơ đấy. Tưởng là chị quan tâm hiểu chuyện, nhưng thật ra là vì chị muốn tôi phải trông bần và hèn một chút. Giống như tôi của những năm trước. Mỗi lần về đều phải bưng bê dọn rửa phụ người làm. Tôi đã bị sự giả tạo của chị lừa gạt suốt bao nhiêu năm mà không hề hay biết. Thật đáng thương!

Tôi cởi áo khoác ra, đi lại đôi giày của mình rồi tiến thẳng về bữa tiệc. Bao nhiêu lâu nay tôi đã tự cho mình là sống ôn hòa. Nhưng thật ra là đang nhu nhược hạ mình cho người khác khinh thường.

Lần này tôi trở lại bàn ăn và mọi người nhìn tôi khác hẳn. Những bước chân mạnh mẽ của tôi là để giấu đi những cảm xúc tiêu cực trong lòng. Tôi đưa đũa mới cho Hằng, không quên nhắc nhở khéo léo:

– Của em đây, đừng vụng về làm rơi nữa nha.

Sau đó thì cả bữa ăn tôi không bị sai vặt nữa. Nhưng họ bắt đầu tìm cách khác để công kích tôi. Ngọc Thanh dịu dàng hỏi thăm tôi:

– Dì Yến có anh người yêu đẹp trai quá. Không biết anh ấy làm nghề gì vậy ạ?

Câu hỏi của Ngọc Thanh được cả bàn rất hưởng ứng. Mọi người đều đồng loạt ngừng ăn nhìn về phía tôi khiến tôi biết rằng nếu không trả lời thì khó mà ăn uống tiếp được.

– À… Anh ấy làm nhân viên bán hàng…

Tôi còn chưa dứt câu thì một người đã trề môi cắt ngang:

– Ồi! Làm nghề gì chứ làm nhân viên bán hàng thì cực lắm. Biết bao giờ mới khá lên được.

Ngọc Thanh đáp:

– Nhưng mà dì Yến đâu có thiếu tiền.

Chị Huyền chép miệng thêm vào:

– Không thiếu tiền, nhưng cũng là tiền của em ấy, là tiền cha mẹ em ấy cho. Không lẽ cưới thằng chồng về rồi không được nhờ gì mà còn nuôi nó sao?

Một người chị họ khác của tôi khẳng khái thẳng với tôi:

– Em thì làm gì cũng được, cha mẹ để tiền cho nên cứ thế an nhàn sống đến hết đời cũng không sao. Không cầu tiến, không cố gắng cũng chẳng hại gì. Nhưng nếu lấy chồng thì lấy người có địa vị một chút, không có địa vị thì ít nhất phải có tiền. Thế thì cuộc sống mới khá lên, con cái sau này nó mới được nhờ.

Nghe họ nói như thể tôi là một đứa tàn phế sống dựa dẫm vào cha mẹ đến hết đời vậy. Mà cũng đúng, tôi đã an phận sống trong hũ vàng của cha mẹ để lại như một đứa tàn phế. Không mong muốn có thành tựu, không cầu giàu sang hay địa vị.

Tôi không ăn nổi nữa, miệng nhạt thếch và no ngang nên đành gác đũa và giả vờ đi nghe điện thoại để rời bàn ăn cho tự nhiên.

Mười lời nặng nề của người ngoài không bằng một câu vô ý của người nhà. Tôi vốn không tự tin ở chính mình, bây giờ lại cảm thấy bản thân tệ hơn nữa. Sợ nhất trên đời vẫn là mấy chữ “vì là người nhà nên mới nói thẳng”.

Có rất nhiều điều ấm áp để nói với nhau, có rất nhiều cách để giúp nhau tốt lên. Tại sao “người nhà” lại luôn phải dùng những lời sắc hơn dao, nhọn hơn gai để đâm vào trái tim đối phương chứ?

Nấp sau hàng rào dâm bụt ngăn khoảng sân nhà và khu vườn trái cây, tôi ngồi thu mình dưới bóng cây xanh. Bản thân muốn trốn tránh thế giới này một lát.

Tôi thầm nói:

– Đừng khóc. Cuộc sống của mày vẫn ổn.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.