Mùa xuân đến là lúc tuyết đông tan dần, cũng là thời điểm Trường Trung học Thực Nghiệm bước chân vào mùa khai giảng.
Chung Viễn Huỳnh cũng vừa mới kết thúc kỳ nghỉ, sau khi đem nộp các báo cáo giảng dạy xong, cô đã bắt đầu đi dạy chính thức.
Có tổng cộng hai giáo viên mỹ thuật dạy lớp bảy và lớp tám, mỗi người dạy mười lớp, mỗi tuần có mười ca dạy.
Cô giáo Dư Tuệ Mỹ phụ trách lớp bảy, còn Chung Viễn Huỳnh đảm nhiệm dạy lớp tám.
Học sinh rất thích những môn học không cần phải chú tâm nghe giảng, cũng không cần phải làm bài kiểm tra lên lớp như thế này.
Đôi khi Chung Viễn Huỳnh sẽ bật video giám định và thưởng thức mỹ thuật, thông thường cô sẽ lấy phấn vẽ một bức tranh sơn thủy đơn giản lên trên bảng đen.
Để không làm tăng gánh nặng học tập cho học sinh, cô đều sẽ bảo cả lớp hoàn thành tại lớp, cuối giờ nộp lên cho cô.
Không dám chắc có thể truyền tải gì đó cho học sinh, một tuần chỉ có đúng bốn mươi phút, rất khó để có thể bồi dưỡng niềm thích thú của các em. Vì vậy Chung Viễn Huỳnh luôn cố gắng giúp học sinh của cô lên lớp với tâm trạng thoải mái nhất.
Thỉnh thoảng cô sẽ dạy xen lẫn với một ít tâm lý học, để cho học sinh được mở mang đầu óc.
Chung Viễn Huỳnh đứng ở trên bục giảng nói: “Mọi người xé một tờ giấy nháp, viết số lớp ở góc trên bên phải. Nội dung tiết học ngày hôm nay sẽ là trong hai mươi phút đầu tiên mỗi người sẽ vẽ một bức tranh với hai yêu cầu trong bài vẽ như sau, vẽ một người và một vật bất kỳ mà các em có thể liên tưởng đến. Hai mươi phút sau, cô sẽ phân tích một vài bức tranh cho các em.”
“Vâng ạ!!!” Cả lớp đồng thanh đáp lại. Các em vừa mới học xong tiết Toán, ai nấy đều uể oải nhưng đến tiết Mỹ thuật thì như cá gặp nước, sôi nổi hẳn lên.
Bầu không khí quá mức thoải mái, có một số bạn học sinh y như con khỉ nhỏ mà giở trò dưới cuối lớp. Chung Viễn Huỳnh đứng ở trên bục giảng, cô chỉ cần nhìn thoáng qua là biết ngay nhưng cũng không chỉ tên nhắc nhở. Cô đi vài lượt qua các bàn, ánh mắt lướt xuống bản vẽ nháp của học sinh.
Một vài bạn vẽ vụng về tùy tiện, cũng có số bạn vẽ một cách nghiêm túc, cẩn thận.
Hai mươi phút trôi qua, Chung Viễn Huỳnh lấy ra một vài bức vẽ khá tốt của học sinh để phân tích. Cô đứng trên bục giảng, gõ lên bảng đen, ra hiệu cho mọi người trật tự.
“Các em hãy nhìn vào bức tranh trên tay mình, thông thường nhân vật trong tranh sẽ đại diện cho mức độ tự ý thức của bản thân người vẽ. Giờ các em nhìn xem người mà các em vẽ đang là chính diện hay là bóng lưng.”
“Nếu là bóng lưng, chứng tỏ em đang có tâm lý trốn tránh gì đó.”
“Nhìn tiếp vào kích thước nhân vật, nếu vẽ với kích thước lớn, điều đó cho thấy trong tiềm thức, em khá tự tin vào bản thân.”
“Các em nhìn lên bức vẽ cô đang cầm, bạn Vương Trĩ Hinh có vẽ một cái cây. Các bạn học nào vẽ cây chú ý nhé! Cái cây tượng trưng cho một mục tiêu và ý tưởng nhất định, nếu trên cây có quả, điều đó có nghĩa là các em đang mong muốn gặt hái được thành tựu.”
Đây gọi là tâm lý học hội họa nhưng tương đối là sơ cấp và đơn giản, hơn nữa cũng chưa đủ khách quan và độ chính xác còn thấp, thế nhưng dù sao áp dụng cho các lớp ở trung học cũng coi như một trò chơi thư giãn.
Lớp học trở nên sôi động, bạn xem tranh của tớ, tớ ngắm tranh của bạn, cùng nói chuyện phiếm thảo luận với nhau.
“Cô ơi, bạn ngồi cạnh em vẽ một cái bồn cầu, vậy nghĩa là sao ạ?”
Chung Viễn Huỳnh: “Bạn ấy chỉ muốn đi vệ sinh thôi, để bạn ấy đi, đi nhanh về nhanh.”
“Cô ơi, còn của em thì sao ạ?”
Chung Viễn Huỳnh nhìn một lúc rồi ngập ngừng hỏi: “Em vẽ gì vậy?”
“Lạc đà Alpaca đó ạ, ngay cả lạc đà Alpaca mà cô giáo cũng không biết ạ?”
“À…” Rõ ràng không có lạc đà nào, mà chỉ có những nét vẽ nguệch ngoạc.
“Cô ơi, một con dao giết heo có hàm nghĩa gì vậy cô?”
“Cái này…”
Lúc này, trí tưởng tượng của bọn trẻ vô cùng phong phú, không bị rập khuôn trong những đường phụ trong hình chữ nhật nữa. Chúng có thể vẽ ra đủ thứ kỳ cà kỳ cục, trong đó có nhiều thứ nằm ngoài tầm hiểu biết của Chung Viễn Huỳnh, chứ đừng nói đến việc phân tích hàm nghĩa của nó.
Đến giờ tan học, Chung Viễn Huỳnh gõ lên bục giảng, nói: “Tổ trưởng mỗi nhóm thu bài vẽ nộp lên cho cô nhé.”
Nhiều bạn vẫn chưa thỏa niềm vui, lưu luyến nói: “Lại phải đợi tới thứ ba tuần sau ư.”
“Hẹn gặp lại các em vào tuần sau.” Chung Viễn Huỳnh cầm giấy vẽ rời khỏi phòng học lớp tám. Trên hành lang, cô gặp Dư Tuệ Mỹ, người vừa dạy xong tiết Mỹ thuật cho lớp bảy.
Dư Tuệ Mỹ hai tay trống không, liếc mắt nhìn xuống giấy vẽ trong tay cô: “Tiểu Chung à, lúc nào tiết học của em cũng sôi động thật đấy, chị ở tầng dưới mà còn nghe được luôn cơ.”
Giọng điệu của cô ta có chút châm chọc, ai cũng biết Chung Viễn Huỳnh là một trong những giáo viên được học sinh yêu thích nhất. Có lẽ là do cô trẻ trung, dễ gần với học sinh. Dư Tuệ Mỹ cảm thấy rằng dù cô ta có cố gắng thế nào đi chăng nữa thì bầu không khí trong lớp vẫn không hào hứng nổi.
“Sao em lại thu bản vẽ của các em học sinh, chị thấy mấy đứa nhỏ vẽ bừa trên giấy nháp thôi mà, không kỳ công mấy, quay đầu là có thể vứt bỏ. Em thậm chí còn thu từng bài một để xem, nhật xét đánh giá rồi lại đem trả, chẳng phải đang tăng khối lượng công việc lên sao?” Dư Tuệ Mỹ cảm thán, mặc dù Chung Viễn Huỳnh đã công tác được bốn năm nhưng vẫn như hồi mới nhậm chức, tràn đầy nhiệt tình và kiên nhẫn.
“Thì bởi vì nếu viết lời nhận xét, các em học sinh mới có thể vẽ cẩn thận hơn.” Chung Viễn Huỳnh nói: “Hơn nữa nếu bọn trẻ đã vẽ thì đương nhiên bản thân em cũng nên đánh giá bài vẽ một cách nghiêm túc chứ.”
Tranh vẽ thường có thể thể hiện tâm trạng và cảm xúc vô thức của người đã vẽ nên nó, và cô cũng có thể hiểu được tâm trạng của học sinh thông qua cách này.
Có một văn phòng nhỏ ở cuối tầng bốn, nơi dành riêng cho công việc của các giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc, Sinh học và Địa lý.
Các cô đi qua hành lang nơi những em học sinh đang nô đùa ầm ĩ khi đã tan học, họ bước vào văn phòng kia.
Chung Viễn Huỳnh ngồi xuống vị trí làm việc của mình, cô uống một chút nước để làm dịu cổ họng, sau đó cô cầm những bài vẽ vừa thu lên xem.
Khi nhìn thấy trứng biến hình, hiệp sĩ sa mạc một mắt và nhiều hình vẽ ngộ nghĩnh, lạ đời khác, cô cố nhịn cười để viết lời nhận xét cho bọn nhỏ. Còn có một bức tranh vẽ đồ vật gì đó rất lạ lùng, cô nhìn ngang nhìn dọc vẫn không hiểu, sau đó mới để ý ở một góc bản vẽ có một mũi tên đánh dấu chú thích——Tinh linh lá cây.
“…”
Chung Viễn Huỳnh cầm bút đỏ viết: Lần sau em hãy thử vẽ thêm vài đường gân lá thì nó sẽ trở nên sinh động và đẹp hơn rất nhiều đó nha.
Cầm bức tranh tiếp theo lên, Chung Viễn Huỳnh ngạc nhiên, đây là một bản vẽ truyện tranh, vẽ rất nghiêm túc, nét vẽ tuy còn non nớt nhưng qua những đường nét này có thể thấy được niềm yêu thích được gửi gắm trong đó.
Mặc dù không vẽ một người và một vật như cô yêu cầu nhưng em học sinh này có thể nghiêm túc vẽ ra những gì mà em ấy muốn, điều đó đã khiến cô rất cảm động.
Cô nhìn lên tên học sinh góc trên cùng bên phải —— Đổng Bồi Xuyên lớp 8/2.
Chung Viễn Huỳnh mỉm cười, cô đặt bút viết: Em vẽ rất đẹp, cô rất tuyên dương em.
Cô còn vẽ một hình mặt cười to trên đó.
Trước giờ tan học, cô đã viết nhận xét xong hết các bài, sau đó nhờ bạn lớp trưởng phát trả cho các bạn học, rồi cô mới rời trường học.
Vừa mới về đến nhà, cô đang nằm ngửa trên ghế sô pha thì nhận được cuộc gọi từ Phương Di Phàm: “Alo ạ, có chuyện gì vậy chị Phàm?”
Chung Viễn Huỳnh quen biết Phương Di Phàm khi cô đang tìm việc làm thêm thời còn học đại học.
Phương Di Phàm đã thuê một căn nhà hai tầng để mở lớp dạy Mỹ thuật, cô ấy đã đánh giá đúng về bản chất của nghệ thuật là đốt tiền và nhìn thấu được mong muốn của các bậc phụ huynh đều muốn con mình được rèn luyện một môn năng khiếu nào đó.
Ngày đó Chung Viễn Huỳnh đang đảm nhận một vài lớp nhỏ bậc tiểu học. Phương Di Phàm đằm tính lại còn hào phóng, cô ấy trả tiền lương cho cô cao hơn một chút so với giá thị trường, vì vậy Chung Viễn Huỳnh có thể xoay xở kha khá học phí và tiền sinh hoạt. Vì thế, cô rất biết ơn chị Phàm, sau khi tốt nghiệp cũng thỉnh thoảng trở về trông lớp giúp cô ấy.
“Không biết dạo gần đây em có rảnh không?” Phương Di Phàm nói: “Chị có mở lớp dạy cho người lớn, nhưng mà A Mai đang mang thai chờ sinh nên không thể đi làm được. Em có thể thế chỗ cho chị ấy một vài hôm được không, chị sẽ trả thêm tiền, em thấy thế nào?”
Trong khoảng thời gian vừa mới khai giảng Chung Viễn Huỳnh khá bận, không chỉ phải lên lớp mà còn phải đi họp đủ thứ. Nhưng sau khi qua khoảng thời gian đó thì vẫn ổn thỏa, cô nói: “Em rảnh, mà chị không cần trả thêm tiền đâu ạ, cứ bằng chị A Mai là được rồi.”
Phương Di Phàm nhẹ nhõm, cười: “Lần này cảm ơn em nhé, đến lúc gặp lại phải đãi em một bữa mới được.”
“Mình quen biết nhau lâu vậy rồi mà chị vẫn còn phải khách sáo sao.” Chung Viễn Huỳnh hỏi: “Lịch dạy như nào ạ?”
“Một tuần có ba tiết, mỗi tiết dạy ba tiếng.” Phương Di Phàm cũng không cần khách sáo nữa, cô ấy nói thẳng vào vấn đề: “Lớp cơ bản người lớn, mỗi lớp có 30 người, em sắp xếp lớp dựa theo thời khóa biểu của em nhé, xong thì gửi qua WeChat cho chị.”
“Được ạ, không thành vấn đề.”
Sau khi cúp máy, Chung Viễn Huỳnh nghĩ ngợi, lớp dạy cho người lớn có lẽ nên xếp lịch vào buổi tối, sau giờ tan tầm thì mọi người sẽ có nhiều thời gian hơn.
Cô chốt buổi tối các ngày thứ tư, thứ bảy và chủ nhật, Chung Viễn Huỳnh đăng nhập vào WeChat, gửi tin nhắn cho cô ấy.
Fan: Con gái năng suất quá nhỉ.
Huỳnh không có mặt ở đây: Lạnh lùng.jpg
Fan: Ha ha ha ha ha ha
“…”
Phương Di Phàm là một người rất kỳ lạ, bất cứ biểu tượng cảm xúc nào cũng có thể chọc cho cô ấy cười.
Chung Viễn Huỳnh vừa mới thoát khỏi hộp thoại tin nhắn thì Bối Trân Giai gửi tin nhắn cho cô: Viễn Huỳnh! Cậu biết tin gì chưa,《 Đèn khuya le lói 》sẽ được đăng tiếp vào tối nay lúc tám giờ trên Weibo đó.
Huỳnh không có mặt ở đây: Hả?!
Tăng Gia: Tớ cũng vừa mới biết thôi, tớ cảm thấy bà chủ Nguyên Tẫn sốt sắng thế nào ấy. Cô ấy còn đang đăng liên tục hai bộ truyện tranh nữa cơ mà, nhận ba một tay ba việc như thế có chịu nổi không vậy? Nếu không phải không ai có thể bắt chước được phong cách của cô ấy, tớ còn tưởng cô ấy là xạ thủ vẽ tranh.
Huỳnh không có mặt ở đây: Không phải cậu là biên tập của cô ấy à, sao không hỏi thử xem?
Tăng Gia: Trọng điểm là cô ấy có văn phòng riêng, không thiếu biên tập, tớ chỉ là người biên tập kế hoạch xuất bản cuốn sách mới của cô ấy thôi, làm sao có thể can thiệp vào chuyện của cô ấy được.
Hầu hết các nhà xuất bản truyện tranh thường ký hợp đồng với sách, cũng sẽ ký hợp đồng với một số họa sĩ. Các họa sĩ này có trách nhiệm chuyển đổi từ tiểu thuyết thành truyện tranh, hoặc là do các biên tập viên biên tập để cho ra đời một số tác phẩm của riêng họ.
Huỳnh không có mặt ở đây: Cậu có thêm số liên lạc của Nguyên Tẫn không?
Tăng Gia: Không, tớ toàn liên lạc thông qua trợ lý của cô ấy, dựa theo tiến độ từ khi cô ấy đăng tác phẩm cho đến khi kết thúc, tớ phải soạn một bản kế hoạch, lúc đó sắp xếp một loạt tiến độ của truyện mới.
Huỳnh không có mặt ở đây: Đành phải vậy thôi, cậu phải dùng hết toàn lực để hoàn thiện tác phẩm này thật tốt đấy nhé.
Tăng Gia: Biết rồi, tớ biết rồi, đây là tâm huyết của cậu mà.
Sau khi kết thúc cuộc trò chuyện, Chung Viễn Huỳnh đăng nhập Weibo, nhìn thấy bài đăng Weibo mới nhất của Nguyên Tẫn đúng là tập đầu tiên của《 Đèn khuya le lói 》. Cô đọc kỹ lại rồi mới like, comment và share.
Thời gian vẫn còn sớm, Chung Viễn Huỳnh mở bộ sách về phác họa, ký họa và màu sắc, sau đó thu thập tài liệu thực tế và video, thiết kế bản trình chiếu cho bài giảng.
——
Vào thứ tư hôm đó, trời sập tối từ rất sớm, mới gần bảy giờ mà màn đêm đã buông xuống. Dưới ánh đèn đêm, gió lạnh hòa cùng mưa phùn trắng xóa rơi lất phất tựa như lông nhung màu vàng nhạt.
Chung Viễn Huỳnh xuống tàu điện ngầm, cô đã tìm đến lớp học sở thích với cái tên “Nghệ Thuật Phi Thường” của Phương Di Phàm.
Nó nằm ở tầng một và tầng hai của một tòa nhà dân cư, trên tường có dán tấm áp phích quảng cáo với các chữ Nghệ Thuật Phi Thường màu vàng trên nền giấy đỏ, bên cạnh có một con hẻm nhỏ tối om om.
Vị trí ở đây không tồi, ngày thường có rất nhiều người đi làm đi học bước ngang qua đây, dù sao cũng là lớp học tư nhân, nhìn thoáng qua thì bên ngoài có phần sơ sài nhưng thật ra Phương Di Phàm đã bỏ ra một số tiền lớn để sửa sang lại bên trong.
Chung Viễn Huỳnh đi vào, tầng một là lớp sở thích Mỹ thuật dành cho thiếu nhi và học sinh trung học, lớp này không dạy quá muộn giờ. Lớp học dành cho lớp mẫu giáo cuối cùng cũng đã kết thúc, các học sinh đang đi ra ngoài, có một số phụ huynh đứng ngoài chờ con, tiếng trò chuyện vang vọng khắp dãy hành lang.
Mọi người đã về hết, một người phụ nữ vấn tóc bước ra, người đó đang khóa cửa phòng học dành cho mẫu giáo lại, thấy có người đang bước lên tầng hai, bèn lên tiếng hỏi: “Ai đó? Viễn Huỳnh đấy à.”
Chung Viễn Huỳnh bước lên bậc thang được hai bước, cô nghe thấy tiếng nói thì quay đầu nhìn lại: “Chị Tiểu Hàm, đã lâu không gặp.”
“Đúng rồi, chị Phàm bảo là nhờ em trông lớp dành cho người lớn, chị biết ngay là chị ấy sẽ tìm đến em mà.” Hà Tiểu Hàm cười nói: “Em tan học lúc mười giờ đúng không? Đến lúc đó em chỉ cần tắt hết điện rồi khóa cửa là được, nhà đang có con nhỏ đang chờ, chị đi về trước nhé.”
Chung Viễn Huỳnh nói lời cảm ơn rồi bước đi tiếp lên tầng hai.
Tầng hai có ba phòng chưa được sửa sang mà vẫn mở khóa, ba phòng đã mở lần lượt là phòng học dành cho người lớn, phòng tiện ích và phòng nghỉ dành cho giáo viên.
Chung Viễn Huỳnh đi vào phòng nghỉ, cô đặt túi xách xuống, lấy USB ra rồi đi đến phòng dạy học.
Bởi vì xung quanh tương đối trống trải và yên tĩnh nên có vẻ trong phòng học này có đôi chút bị âm vang. Chung Viễn Huỳnh đứng ở cửa lớp, cô nhìn đồng hồ chỉ đúng 19 giờ, đã đến giờ vào học nhưng chỉ có hơn nửa sĩ số là có mặt.
Phòng học không có bục giảng, cô đi đến trước lớp, có một cái giá vẽ và một bàn ngồi một người, trên bàn có sẵn những dụng cụ trong vẽ tranh như bút chì HB, giấy vẽ, màu nước, thước kẻ và cọ vẽ. Những người khác cũng có như thế, nhằm thuận tiện cho việc giảng dạy.
Chung Viễn Huỳnh nói dõng dạc: “Chào buổi tối mọi người ——”
Giọng nói cô đột nhiên chững lại, cô nhìn thoáng qua một cái và đổ dồn sự chú ý đến người ngồi vị trí kế bên cửa sổ.
Đó là Phó Tẫn.