“Nghe đâu cô hai Xuân con ông Phú làng bên sắp sửa cưới cậu Thế Hoàng con ông hội đồng Trần á bây.”
Vậy là làng Tả Dương sắp đón thêm một nàng dâu mới. Hình như cô hai Xuân này là con nhà trọc phú, được cái mặt đẹp gái, lại còn thêm tính thuỳ mị, nết na. Con gái thời này ít ai được chữ nghĩa nhiều như cô, nên bị nhà ông Trần nhắm trúng cũng phải.
“Tao nghe nói cổ đẹp lắm, bởi vậy nên mới rù quến được cậu hai của tao.”- Con Mén từ đâu tự nhiên chọt vô. Nhỏ này nó mê cậu hai lắm, thoáng gặp cậu hai là tươm tướp tươm tướp sấn tới. Thấy mấy anh trai làng Hữu Trường cũng thế, mấy lần bà Năm chửi nó mà nó chớ có thèm nghe. Cái tật mê trai nói hoài không bỏ.
“Ê Mận, bộ mày hổng thấy tiếc cậu hai hay gì?”
“Tiếc gì? Có gì đâu mà tiếc?”- Nhỏ Mận quay qua nói tỉnh bơ.
Số là nó làm ở nhà ông hội đồng tính tới giờ cũng được hơn chục mùa khoai. Nhà nó nghèo lắm, phải tự bán thân để kiếm tiền cho thằng Thắng em nó lên Sài Thành học. Bà hai hứa là sẽ chu cấp tiền thằng em nó học tới khi nào thành tài, còn bảo là sẽ cho nó chỗ ăn chỗ ở. Nghe đâu tía má nó mất sớm, từ hồi nó năm tuổi, thằng Thắng lúc đó cũng chỉ mới một hai tuổi. Buổi sáng thì bồng em đi vòng vòng khắp làng xin ăn, buổi tối thì nằm dặt nằm dựa ở hiên nhà người ta. Làng Hữu Trường số đông cũng là mấy người thương con nít nên cũng cho tụi nó ngủ nhờ. Mà được cái thằng Thắng ham học, hình như đang học thi lên tới tú tài tiến sĩ gì trên trển. Được vậy thì cũng mừng, chắc sau này nó sẽ chuộc chị nó ra ngoài, hai đứa tụi nó đi qua xứ khác sống cho bớt cực.
“Thôi, đừng có mà giở giọng xạo ke với tao nghe con. Mày theo cậu hai từ hồi mày mới bảy tám tuổi, cũng ngót nghét mười mấy năm.”- Con Mén vừa nói vừa ra vẻ đăm chiêu, khựng một lát rồi nó nói tiếp. -“Đừng nói với tao là mày canh cậu ngủ mỗi ngày vậy mà không thích cậu nha.”
Nó nói xong rồi lại há hốc mồm, trợn trắng chỉ thẳng mặt con Mận nói to. Đứa con gái nào nhìn cậu hai một lần mà không nhớ tới già, đẹp trai lại còn trắng trẻo, cao ráo, thêm cái mã con ông hội đồng nữa ai mà không thích.
“Hai đứa bây đằng sau làm gì ồn ào thế?”- Bà Năm vừa đi ra sau vừa càm ràm.
“Mén, mày coi lại mày đi, con gái con đứa gì đâu mà bầy hầy dơ dáy. Coi kìa coi kìa, nói động tới là cái mặt mày chằm dằm. Mai mốt thằng nào dám cưới mày đây?”
“Hừm, dì đừng có lo. Trước sau gì cũng có người khoái con thôi.”- Nó liền lên mặt.
“Nghe gớm chưa.”- Bà Năm trề môi nói.
Con Mén này dữ như bà chằn lửa vậy, nhưng mà được cái tốt tánh, trọng tình trọng nghĩa. Hồi trước vừa nghe nói thằng Thắng bị bệnh nặng nằm chèo queo ở trên giường là đã chạy xắc bắt xang bang đi kiếm thuốc xin gạo nấu cháo, cũng vì con Mận là chị em tốt của nhỏ. Nhỏ ở đợ nhà ông hội đồng cũng đâu độ tầm bảy tám năm rồi, mà cái tánh nhỏ lẹ làng nhiệt tình nên được lòng bà hai lắm. Lần nào ông phát lương cho tụi nó xong, bả cũng biểu nhỏ với con Mận ra chỗ khác dúi thêm cho vài đồng.
“Nói chứ tao cũng có tiếc, nhưng mà là tiếc cho cô hai Quỳnh Xuân làng bên.”- Con Mận tạch lưỡi.
Cậu hai nhà ông hội đồng làng Tả Dương nổi tiếng ăn chơi sa đoạ, suốt ngày đi ghẹo con gái nhà người ta, đến ông hội đồng còn nản mà mắt nhắm mắt mở cho qua. Còn cô hai Quỳnh Xuân này, nghe người ta đồn là được ông Phú cho đi học ở trường nữ sinh trên thành phố nhỏ giờ, mới về được chừng hai năm nay. Lần nào nó sang làng bên lấy mấy sấp vải hộ bà tư cũng được gặp cô hai, mà cô hai xinh đẹp lại còn hiền lành, bữa gặp còn cho nó một cái bánh ú nóng hổi ngon bá cháy luôn, bởi thế nó khoái cô hai lắm.
“Mày lo mà rửa xong đống chén dĩa kia đi, đặng còn ra chợ mua cho cậu ba hai cái bánh da lợn, ổng rủa mày ở trỏng nãy giờ kìa.”- Nó đá đít con Mén một cái.
Cậu ba Thế Duy mới đi Tây về độ chừng một con trăng. Nghe mấy ông tá điền nói cậu học giỏi lung lắm, học tiếng nước họ mà còn nói sỏi hơn người ta nữa. Mà cậu ba cũng chịu chơi lắm đa, cậu thích hút điếu cày, xì gà Tây, đánh bài Tây, mạt chược, nghe nói một mình cậu uống chục chai rượu đế cũng không xi nhê gì. Hồi mới về cậu xách theo nguyên một vò rượu Tây màu đỏ, nhìn y như máu nhưng mà thấy ông uống vô thì vỗ đùi bốp bốp, hình như ông mê lắm.
Con Mén liếc nó một cái rồi cũng ngồi rửa hết đống chén đó. Bà Năm nói mai mốt là lễ cưới của cậu hai với lại cuối tháng chạp rồi nên xong đám được nghỉ tới một tuần lận. Bà còn nói ông cho đám gia đinh tụi nó với tá điền về nhà hết chỉ chừa lại bà với con Mận ở lại phụ ông bà tiếp khách. Nghe nói mai con gái út nhà ông hội đồng về, chắc là để ăn đám cưới cậu hai. Cô út này cùng lứa với thằng Thắng, hai đứa còn chơi thân từ nhỏ nên lúc lên Sài Thành học cũng là đi chung.
“Mà bà Năm, chừng nào mình được gặp cô hai Xuân?”
“Mày tính hỏi là bao giờ đám cưới á hả? Tuần sau mới sửa soạn sạp cưới, chắc ra giêng mới đám cưới.”
“Hông, con hỏi là chừng nào cô hai vô nhà mình ở á.”
Bà Năm nhìn Mận một lúc, sau đó nhíu mày -“Mày hỏi làm gì?”
“Con..”- Mận ngập ngừng một lúc rồi mới dám nói tiếp -“Con…con muốn coi cô có đẹp gái như người ta nói hay không, đúng rồi muốn coi mợ đẹp gái hay không.”
“Ủa chứ không phải bữa mày thấy cô hai rồi hả? Còn khoe với tao được cổ cho nguyên cái bánh ú bự chà bá ngon lắm mà?”- Bà Năm ngưng rửa lá chuối, đi lại gần có ý dò xét.
“À thì…” – Mận gãi gãi đầu -“Mèn ơi, bà lo bà lau đống lá đó lẹ lẹ đi một hồi tụi nhỏ vô hối cái bà chửi nữa.”
“Ờ, ê mà hình như tao thấy hình như đậu xanh không có đủ, hay mày ra chỗ con Mùi mua thêm ba lạng nữa đi Mận.”- Bà Năm đăm chiêu, xoa xoa cằm rồi nói.
“Dạ để con chạy đi mua liền.”
–
Quỳnh Xuân đon đả trong bộ áo bà ba xanh thướt tha, mỗi lần ra chợ là khiến cho người ta phải quay lại nhìn không rời mắt. Nàng gặp ai cũng mỉm cười, đôi mắt phượng kiều diễm hơi cong cong, bấy nhiêu đó cũng đủ làm mấy anh con trai độ tuổi cặp kê đổ như ngã rạ. Nàng đi đến hàng xôi nóng hổi, ngó nghiêng một hồi cũng mua vài gói. Sạp xôi gà của bà Tám nghe người ta nói là ngon nhất làng, ai ăn một lần chắc chắn sẽ không nhịn được mà đến mua lần sau.
Nàng cho một miếng nhỏ vào miệng, cẩn thận nhai kĩ, cảm giác thịt gà như tan ra trên đầu lưỡi, vị không quá mặn nhưng cũng không nhạt, mọi thứ đều hoà hợp với nhau làm cho người ăn không khỏi thích thú mà muốn ăn thêm một miếng. Bỗng một suy nghĩ loé lên trong chiếc đầu nhỏ của nàng, nếu món này dùng làm khai vị cho đám cưới của mình thì cũng thật không tệ nhỉ?
Vừa hay thế nào, cô hai vừa quay người bước đi đã bị một bóng dáng sớn sa sớn sác đụng trúng, làm nàng ngã về phía sau một chút. Hai bàn tay chai sần chụp lấy cổ tay kéo nàng lại, ồ cứ tưởng là ai, hoá ra là con Mận hầu cận suốt bên cậu hai đây mà. Quỳnh Xuân đăm chiêu nhìn bộ dạng hớt hải của nó, lên tiếng chọc ghẹo.
“Bộ cậu hai la mày hả? sao lại chạy như ma đuổi thế kia.”
“Dạ cô hai, con xin lỗi cô, con lo đi gấp mua đậu xanh về chuẩn bị bị cho đám cưới của cô với cậu nên mới lỡ đụng trúng chứ con hổng có cố ý đâu cô ơi.”- Con Mận khoanh tay lại cúi đầu lia lịa như gà mổ thóc, gương mặt nó mếu máo như sắp bị cắt cổ tới nơi.
“Cô có làm gì bây đâu mà bây sợ cô dữ vậy?”- Nàng cười thành tiếng.-“À đúng rồi, về nhà mày báo với bếp là cô muốn đổi món ăn khai vị.”
“Món gì vậy hả cô?”- Nó tò mò, mở to mắt chớp chớp nhìn nàng.
“Đây nè.” – Một bàn tay trắng ngần mở năm ngón tay dính đầy lọ nồi đen xì của Mận ra, dúi vào một gói xôi gà còn âm ấm.
“Dạ con biết rồi.”
Nói rồi nó lật đật chạy về nhà, cả mấy món bà Năm dặn cũng quên sạch, trên tay chỉ còn món đồ cô hai đưa. Bà Năm nhìn thấy nó về trống không liền nổi đóa, trợn tròn mắt sấn tới véo mạnh lỗ tai nó.
“Tao dặn mày đi mua đậu xanh về gói bánh, rồi đậu xanh đâu? Còn trên tay mày cầm cái gì đây?”
“Trời đất ơi con quên.”- nó vỗ vỗ lên trán, sau đó đưa cho bà Năm coi gói xôi trên tay. -“Bà coi nè, cô hai đưa cho con cái này. cô biểu con đem về nói với nhà là cô muốn đổi món khai vị đó bà.”
–
Quỳnh Xuân ngồi trước gương ngắm nhìn bản thân. Ngó sang chiếc áo Nhật Bình*, nàng thầm mường tượng ra cuộc sống hôn nhân sau này. cậu hai Thế Hoàng kia liệu có phải là người tốt như lời cha nói?
Hôm nay là lễ thân nghinh**, cả nhà ông Phú sốt sắng chuẩn bị của hồi môn cho cô hai nào là vài sấp lụa tơ tằm, mấy cây vàng, kèm theo mấy cái rương, còn có vài con nghé non. Con gái lớn gả đi rồi thì như bát nước đổ đi. Nhưng dù có là bát nước hất đi thì cũng là bát nước chứa đầy tinh tuý, là của báu của cha mẹ nàng.
Cả làng Thượng xôn xao rù rì truyền tai nhau rằng cậu Thế Hoàng sẽ đem kiệu qua làng bên rước dâu. Mà cô hai Xuân này đúng là khó chiều thiệt, nghe đâu hôm trước chê cậu hai làng mình chơi bời lêu lỏng vậy mà đến hôm nay đã ưng.
“Mày đi theo cậu hai qua nhà bển đi.”- Bà Năm kéo con Mận lại dặn dò.
“Dạ nhưng mà…”
“Không có nhưng nhị gì hết. Mày nghe bà dặn, qua bển nhắc cậu hai không có dòm ngó tùm lum nhà người ta, nhắc cậu đội cái khăn vấn lên tử tế nữa. Có biết chưa?”
“Dạ con nhớ rồi.”- Con Mận ủ rũ gật đầu ra vẻ vâng vâng dạ dạ. Nó mến cô hai lắm, nhưng mà ngại nói chuyện với cô hai. tới cả nó cũng không biết tại sao nữa.
“Tầm 1 canh giờ nữa là bên mình đưa người qua bển trao cơi trầu với xin giờ rước dâu, mày đi chuẩn bị đồ đạc cho cậu đi là vừa. Với mày đi kiểm tra xem đồ lễ thách cưới đã đủ chưa, đủ những gì nhà bển thách chưa. Thiếu cái gì thì báo để tao kêu sấp nhỏ lấy thêm không thôi trễ giờ lành.”
“Dạ dạ, con biết rồi nói hoài.”- Con Mận vừa nói vừa làm ra vẻ càm ràm của bà Năm. Tuy là hay cáu gắt nhưng bà lại rất thương nó với thằng Thắng. Bà cũng có chồng cũng có con trai, nhưng họ đều đã hi sinh vì nước nhà. Ngày bà biết hai tía con họ trốn đi tham gia khởi nghĩa ở ngoài Bắc, bà vừa giận vừa thương. Hên thì trót lọt nhưng mà rủi bị phát hiện thì sao? Bà nghe mọi người nói tía má con Mận mất sớm bỏ hai chị em nó cù bơ cù bất, thấy tội nên cũng coi như con cháu ruột thịt mà trông nom, dạy bảo.
–
*: là áo Phi Phong của Minh triều Trung Hoa được nhà Nguyễn phát triển lên, là dạng áo Đối Khâm có cổ hình chữ nhật to bản, dùng dây buộc 2 vạt áo. (chi tiết hơn tại: http://vanhoanghethuat.vn/ao-nhat-binh-mot-di-san-van-hoa-quy-cua-co-do-hue.htm).
**: theo hôn nhân truyền thống ở nước ta, tục cưới hỏi phải trải qua 6 lễ:
lễ nạp thái: là lễ dạm ngõ hoặc xem mặt, tuy nói là lễ nhưng được làm khá sơ sài; lễ vấn danh: vấn danh nghĩa là hỏi tên, trong lễ này hai bên trao đổi danh thiếp của nhau, xem tuổi, vẫn chưa quyết định hôn nhân; lễ nạp cát: hay nói theo dân gian là đám hỏi. nếu sau lễ vấn danh mà xem tuổi thấy hợp, nhà trai sẽ đánh tiếng xin làm lễ nạp cát. họ sẽ chọn ra ngày lành tháng tốt, chủ yếu là nhà trai hỏi nhà gái về lễ vật họ mong muốn; lễ nạp chính hoặc nạp tệ: giống như tên gọi, nạp tệ nghĩa là nộp tiền. nội dung của nghi lễ này chủ yếu xoay quanh nhà gái đòi hỏi nhà trai nạp những thứ gì, những thứ nhà trai phải nạp gọi là “thách cưới”; lễ thỉnh kỳ hoặc là lễ xin cưới: hẹn ngày xin cưới, lễ này diễn ra khá đơn giản; lễ thân nghinh: là lễ đón dâu. là lễ hoành tráng mà lớn nhất trong 6 lễ nên nghi thức cũng rườm rà và phức tạp hơn. trước ngày cưới một ngày, cả nhà trai lẫn nhà gái đều làm lễ gia tiên và thổ công. nhà gái xin cho con gái được xuất giá, nhà trai báo sẽ có thêm người mới. trước lễ đón dâu vài ba tiếng, nhà trai sẽ cử người đến nhà gái kèm theo “cơi trầu xin dâu”. cơi trầu gồm 12 miếng cánh phượng, tượng trưng cho 12 bà mụ sẽ chăm sóc việc sanh đẻ của cô dâu sau này, 12 tháng trong năm, 12 vị thần quan hành khiển chăm sóc cho đời sống con người theo nhân gian. (chi tiết hơn tại: https://congdongdanhgia.com/cac-nghi-le-trong-le-cuoi-truyen-thong.html).